Friday 2 September 2011

Thế nào là phản động?


Từ điển Hoàng Phê (2006:765) định nghĩa phản độngcó tính chất chống lại cách mạng, chống lại sự tiến bộ. Trước đó một trang, Hoàng Phê (2006:764) đã định nghĩa phản cách mạngcó hành động hoặc tính chất chống lại cách mạng. Nói tóm lại là trong tiếng Việt hiện thời, phản động đồng nghĩa với phản cách mạng. Bị gọi là phản động đồng nghĩa với việc bị gán cho tội chết.

Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức (1931:430) chỉ định nghĩa phản độnghành động trái lại với việc khác. Nó là từ mượn tiếng Hán (   ), đã được định nghĩa trong Hán Việt từ điển là hành động, hoặc vận động trái lại (Đào Duy Anh, 2005:592). Cách hiểu này vẫn còn được ghi nhận trong một số từ điển ở miền Nam trước 1975 (Lê Văn Đức, 1970b:1136). Định nghĩa như vậy chẳng có gì đáng sợ cả.

Lẽ tất-nhiên có một cuộc phản-động lại rất mạnh đối-phó với điều quá đáng. (Nguyễn Tiến Lãng, 1934, “Văn mới của người Tàu”, Nam Phong Tạp Chí, số 210, trang 320)
Người ta chỉ thấy chánh phủ Mãn Thanh bị đánh đổ bởi quân Cách mạng, song không biết kỳ thiệt là chánh phủ ấy tự đánh đổ lấy, chứ không phải bị ai đánh đổ... Vả, cái chế độ cộng hòa là một điều rất tấn bộ trong cuộc chánh trị. Nay dân Tàu ở dưới chánh thể chuyên chế mấy ngàn năm, vùng thót lên đến bực đó, vậy có phải là quốc dân họ tấn bộ chăng? Không, đó chỉ là cái sức phản động mà thôi." (PhanKhôi, “Học thuyết cũ với vận mạng mới nước Tàu”, Đông Pháp Thời Báo, số 748ngày 26-07-1928, Sài Gòn, )


Phản động đối với cách mạng như tả đối với hữu, nhưng không có nghĩa là cách mạng thì đương nhiên tốt và phản động đương nhiên xấu.

Cái đảng dân-chủ lớn đó, - vì dân Pháp vốn có tính tự-chủ, - là gồm cả toàn-thể quốc-dân, khôn-ngoan biết điều lắm, không có thiên về phái cực-đoan nào cả, dù bên tả hay bên hữu mặc lòng. Phái cách mệnh (révolution) hay phái phản-động (réaction), đều không dung cả.
(Phạm Quỳnh, 1932, “Chính-trị nước Pháp”, Nam Phong Tạp Chí, số 169, trang 117)

Từ điển Thanh Nghị (1967:1040) ghi hai nghĩa. Nghĩa thứ nhất là hành động trái với việc khác được xem như là chính nghĩa; nghĩa này gần với định nghĩa còn lại hiện nay. Nghĩa thứ hai là tác động của một vật thể đối với một vật thể khác; đây là nguyên nghĩa, nhưng không được xem là nghĩa chính nữa. Cả hai nghĩa đều có trong các từ điển tiếng Trung Quốc hiện đại.


Từ phản động có thể được xem như một ví dụ điển hình của sự lệ thuộc Trung Quốc trong đời sống chính trị, xã hội Việt Nam từ đầu thế kỷ 20 đến nay. Từ phản động lẽ ra không đáng sợ đến thế nếu như bên Trung Quốc những kẻ chống đối không bị Mao Trạch Đông diệt sạch. Cái nghĩa nặng nề, chết chóc chỉ xuất hiện trong tiếng ta vì ta trót học làm cách mạng theo kiểu Trung Quốc. Nếu khi xưa các nhà cách mạng nước ta học luật đi đường của phương Tây truớc, họ sẽ nói... lề trái, lề phải.

No comments:

Post a Comment