Friday 6 January 2012

Nõ (nõn) nường _ An Chi (KTNN 224, ngày 10-10-1996)

ĐỘC GIẢ: Từ điển tiếng Việt 1992 của Viện ngôn ngữ học do Hoàng Phê chủ biên có mục từ: “nỏ.p. (ph). Chẳng. Nỏ được. Nỏ biết”. Chữ “nỏ” ở đây mà đánh dấu hỏi như quyển từ điển này đã làm thì có đúng hay không? Nếu là nõ (dấu ngã) thì tiếng “nõ” này có liên quan gì với “nõ” trong “nõ nường”, và cả “nõ” trong “nõ điếu”, “nõ cối”? Có phải “nõ nường” cũng nói thành “nõn nường”? “Nõn nường” ở đây có phải cũng là một với “nõn nường” trong “đẹp nõn nường” hay không? Tại sao?
AN CHI: Chữ do ông nêu mà đánh dấu hỏi (ʔ) như đã làm trong Từ điển tiếng Việt 1992 của Viện ngôn ngữ học do Hoàng Phê chủ biên chỉ là một biến thể. Chính tả của nó phải là nõ, đúng như đã ghi trong Đại Nam quấc âm tự vị của Huình-Tịnh Paulus Của, Dictionnaire annamite-français của J.F.M. Génibrel, Việt-Nam tự điển của Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ, Tự điển Việt-Nam của Ban Tu thư Khai trí và Việt-ngữ chánh-tả tự-vị của Lê Ngọc Trụ. (Từ điển tiếng Việt do Văn Tân chủ biên, in lần thứ nhất năm 1967, cũng đã ghi chữ đang xét bằng dấu hỏi).Nõ là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ 卵 mà âm Hán Việt hiện đại là noãn, có nghĩa là: 1. trứng, 2. tinh hoàn (Danh từ anda của tiếng Sanskrit cũng có hai nghĩa y hệt như thế). Trong tiếng Việt, âm xưa của noãn là nõn (Ss. hoàn ~ hòn; đoàn ~ tròn; quan 菅 ~ gon). Nghĩa gốc của từ này trong tiếng Việt có xê dịch một tí so với nghĩa của nguyên từ trong tiếng Hán; nõn là dương vật như đã được ghi nhận trong Từ điển tiếng Việt do Văn Tân chủ biên, tại mục “nõn nường”: “Từ chỉ vật làm bằng gỗ, tượng trưng cho dương vật (nõn) và âm hộ (nường) do nhân dân ở miền Dị-nậu và Khúc-lạc (Phú-thọ) xưa làm ra để rước thần; khi rước, những người khiêng kiệu vừa đi vừa hát: Ba mươi sáu cái nõn nường, Cái để đầu giường cái để đầu tay. Khi kiệu đến chỗ thờ thần, người ta tung nõn và nường cho mọi người cướp; con trai cướp được nường, con gái cướp được nõn là điềm tốt”.Nõn có một biến thể ngữ âm là nõ mà TĐTV do Văn Tân chủ biên cũng đã ghi nhận và giảng là “bộ phận sinh dục của đàn ông”. Chính vì vậy mà hai tiếng nõn nường cũng còn được ghi là nõ nường trong một số bài nghiên cứu, chẳng hạn: “Những tàn dư của sinh hoạt kinh tế sơ khai và tín ngưỡng nông nghiệp ở Vĩnh Phú” của Khổng Diễn (Dân tộc học, s.1, 1975, tr.36-45), v.v.. Và cũng chính vì vậy mà từ điển do Văn Tân chủ biên mới ghi nhận nõ nường như là một biến thể của nõn nường. Vậy nõ là một biến thể ngữ âm của nõn do rụng -n cuối mà nên.Nõ là dương vật còn nường là âm hộ. Trong khẩu ngữ của tiếng Việt, một vài từ chỉ sinh thực khí hoặc chỉ động tác có liên quan đến bộ phận này của thân thể đã chuyển nghĩa và chuyển loại mà trở thành từ hoặc phó từ phủ định. Chính vì mang đặc điểm từ nguyên như thế mà chúng có sắc thái thô tục, suồng sã nên không dùng trong phong cách ngôn ngữ nghiêm túc. Hiện tượng trên đây cũng thấy ở ngôn ngữ khác. Trong tiếng Anh, fuck là một động từ, và cả danh từ, chỉ động tác tính giao, vẫn bị xem là đứa con lăng loàn của từ vựng. Nó đã được ghép với từ “all” để tạo ra từ ghép “fuck-all”, có nghĩa là “đếch có gì cả”, “đếch ra gì cả”. Trong tiếng Pháp, động từ “(se) foutre (de)” có nghĩa là “cóc cần”, “đếch cần”, lại bắt nguồn từ động từ futuere của tiếng La Tinh, có nghĩa là “giao cấu”. Các từ nõ, đách (đếch), đéo, đấm trong tiếng Việt cũng trở thành phó từ hoặc từ phủ định theo lối chuyển nghĩa như thế. Thí dụ: nõ cần, nõ biết, đách cần, đách nghe, đéo ăn, đấm thèm; v.v.. Từ nõ đã được phân tích ở trên. Còn đếch là một biến thể ngữ âm của đách, mà TĐTV do Văn Tân chủ biên giảng là “cơ quan sinh dục của đàn bà”. Đéo là một từ Việt gốc Hán bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ 屌 mà âm Hán Việt hiện đại là điếu, có nghĩa là sinh thực khí nam. Từ nghĩa gốc này, trong tiếng Việt và tiếng Quảng Đông (âm của chữ đó trong phương ngữ này của tiếng Hán là tíu), nó đã chuyển nghĩa và chuyển loại thành động từ để chỉ động tác tính giao... do nam giới thực hiện. Đấm cũng là một từ Việt gốc Hán bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ 抌 mà âm Hán Việt hiện đại là đảm, có nghĩa là đánh, đấm, đâm, thọc. Đây chính là chữ mà âm Quảng Đông là “tẩm” trong bài “Quâ... ấ..t!” của Hoàng Ly đăng trên KTNN 219, tr.16-20. Còn “quất” là nói trại tiếng Quảng Đông “quắt” (đọc theo âm miền Bắc) hoặc “quách” (đọc theo âm miền Nam), âm Hán Việt là cốt, có nghĩa là xương. Vậy “tẩm quất” là “đấm xương”. Nhưng xuất phát điểm của lối phủ định bằng từ đấm trong tiếng Việt tất nhiên không phải là việc “đấm xương” mà lại là cử chỉ trỏ vào cái chỗ không được phép gọi “đích danh” của cả hai giới để bày tỏ cái ý “đếch cần”. Rồi từ những lối nói như “ông đấm b... vào”, “ông thì... đấm c... vào”, v.v., dần dần người ta đã loại bỏ mấy danh từ có thể làm cho người khác phải đỏ mặt kia mà biến đấm thành một từ phủ định như có thể thấy trong “đấm thèm”, “ông đấm màng đến chuyện đó”, v.v..Cứ như trên thì rõ ràng là phó từ phủ định nõ có liên quan về nguồn gốc với danh từ nõ có nghĩa là dương vật. Xuất phát từ nghĩa gốc này, người ta cũng đã dùng nõ theo ẩn dụ mà nói: nõ điếu, nõ cối, nõ mít, nõ na, v.v., giống như nói cặc bần (rễ ngắn đâm chĩa lên của cây bần), dái mít, l... xa (để kéo vải), bòi chuông, v.v..Tóm lại, nguồn gốc của phó từ phủ định nõ là danh từ nõ trong nõ nường, có nghĩa như đã nói ở trên. Còn về từ nguyên của nường thì chúng tôi chưa có bằng chứng chắc chắn nhưng theo chúng tôi thì nó hẳn phải có liên quan đến chữ 娘 có nghĩa là con gái, phụ nữ, mẹ, vợ, mà âm Hán Việt xưa là nàng, cũng đọc nường còn âm Hán Việt thông dụng hiện đại là nương. Nghĩa là người ta đã dùng từ nường có nghĩa là sinh thực khí nữ, mà âm xưa là nàng, theo hoán dụ để chỉ những người mà bộ phận đó là một đặc trưng của giới tính. Giống hệt như người ta đã dùng từ hĩm có nghĩa gốc là “âm hộ trẻ con” để chỉ “con gái còn nhỏ tuổi” (X. mục “hĩm” trong TĐTV do Văn Tân chủ biên). Và cũng giống hệt như cu trong cu Tí, cu Tèo, v.v., là một lối dùng theo hoán dụ để chỉ con trai ít tuổi mà xuất phát điểm là danh từ cu có nghĩa là sinh thực khí nam. Đó là điểm liên hệ thứ nhất. Điểm liên hệ thứ hai là tiếng La Tinh có danh từ vulva vừa có nghĩa là bìu, bọc, bao, v.v., vừa có nghĩa là âm hộ. Nếu trong tiếng Hán cũng có một sự chuyển nghĩa như thế, thì cái nghĩa “âm hộ” tuy đã mất đi, nhưng cái nghĩa “bao, túi, đãy” vẫn còn trong chữ 囊 mà âm Hán Việt xưa là nàng, có thể chuyển thành nường (âm Quảng Đông hiện nay là noòng), còn âm Hán Việt thông dụng hiện đại là nang. Phối hợp hai điểm liên hệ trên đây lại thì có thể giả thiết rằng nường trong nõ(n) nường là một từ Việt gốc Hán có liên quan đến chữ nương 娘 và chữ nang 囊 mà âm xưa đều là nàng. Đây là một trường hợp đồng từ dị tự (cùng từ khác chữ) và tự/ từ này có nghĩa là sinh thực khí nữ. Cái nghĩa này đã tuyệt tích trong tiếng Hán (ít nhất cũng là trong tình hình tư liệu hiện có) nhưng nó vẫn còn tồn tại thoi thóp trong tiếng Việt hiện nay với âm nường, ít nhất cũng là ở một số vùng của tỉnh Phú Thọ. Nghĩa cổ của một số từ Hán đã tuyệt tích từ thời cổ đại nhưng vẫn còn được tìm thấy trong tiếng Việt hiện đại mà vi 為 (= voi) là một trường hợp điển hình, không xa lạ gì với giới Hán ngữ học (Chúng tôi đã có nói đến trường hợp này tại CĐCT trên KTNN 111, tr.32, và KTNN 134, tr.89).Bây giờ xin nói đến mối quan hệ giữa nõn nường trong ba mươi sáu cái nõn nường (ký hiệu là nn1) với nõn nường trong đẹp nõn nường (ký hiệu là nn2). Nghĩa của từng thành tố trong nn1 đã được phân tích ở trên. Còn nõn trong nn2 là một từ Việt gốc Hán bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ 嫩 mà âm Hán Việt hiện đại là nộn, có nghĩa là non, mềm, mịn, nhuyễn. Nường trong nn2 cũng là một từ Việt gốc Hán bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ 孃 mà âm Hán Việt hiện đại là nang, xưa hơn nữa là nàng (Dictionnaire annamite-français của J.F.M. Génibrel vẫn còn ghi nõn nàng thay vì nõn nường), có nghĩa là to, mập, mẩy (nang trong từ tổ đẳng lập nở nang cũng chính là chữ nang này). Vậy nõn nường có nghĩa là vừa mịn vừa mẩy và căn bản là đồng nghĩa với nõn nà (nà cũng là một từ Việt gốc Hán bắt nguồn ở chữ 娜 mà âm Hán Việt hiện đại là nã, có nghĩa là mềm mại, uyển chuyển). Nn2 đã được TĐTV 1992 giảng như sau: “Như nõn nà (nhưng thường dùng với ý mỉa mai)”. Từ điển từ láy tiếng Việt của Viện ngôn ngữ học do Hoàng Văn Hành chủ biên (Hà Nội, 1994) cũng giảng và chú y hệt như thế. Vậy tại sao nn2 lại thường dùng với ý mỉa mai? Liên quan đến vấn đề này, Cao Xuân Hạo có viết như sau: “Trong tiếng Việt, đơn vị để chơi chữ kiểu calembour (một lối chơi chữ dựa trên sự khác nghĩa của các từ hoặc nhóm từ đồng âm – AC) là tiếng trong khi ở các ngôn ngữ Âu châu đơn vị đó là từ, vì ở đây từ mới có được một diện mạo ngữ âm có thể được lẫn lộn một cách hài hước với một từ có nghĩa khác hay với những âm tiết không có nghĩa (...) Người Việt nhận diện ra các tiếng tục ngay cả khi không hề có calembour và trong những ngữ cảnh ít thuận lợi cho việc nhận diện nhất trong các tên riêng ngoại quốc đa âm tiết chẳng hạn. Những tiếng như cu, đít, ghe ngay trong bối cảnh này cũng bị hiểu như tiếng tục và do đó thường được ghi trẹ đi để tránh cách hiểu đó trong khi một từ tục như con trong tiếng Pháp (đọc là [kÕ] và có nghĩa là l... – AC) khó lòng được người bản ngữ nhận ra trong condor, fécond, réconcilier (= kền kền Nam Mỹ_ mắn đẻ_ hòa giải – AC) nếu sự trùng hợp không được nêu bật lên bằng một trò chơi chữ kiểu calembour”.(Về cương vị ngôn ngữ học của “tiếng”, Ngôn ngữ, s.2, 1985, tr.27-28).Chính vì đặc điểm mà Cao Xuân Hạo đã phân tích cho nên khi dùng từ tổ tính từ đẳng lập nn2 thì người ta tức khắc và tự nhiên liên hệ đến danh ngữ đẳng lập nn1 trong đó nõn lại chỉ dương vật còn nường thì lại chỉ âm hộ. Nn2 thế là gắn liền với nn1 như hình với bóng và người ta luôn luôn bị ám ảnh bởi hai vật mà nn1 diễn đạt khi phải phát âm hai tiếng của nn2. Vì vậy tốt nhất là không nên dùng đến nó để khỏi phải mang tiếng là bất nhã còn hễ đã dùng đến thì tất phải có ẩn ý. Ẩn ý đó chính là sự mỉa mai mà TĐTV 1992 và TĐTLTV đã ghi chú. Ngày nay, không mấy ai còn biết đến nghĩa gốc của nõn và của nường trong nn1 nhưng cái sắc thái mỉa mai thì vẫn cứ đeo đẳng nn2 một cách dai dẳng.Và cũng chính vì nghĩa gốc của danh từ nõ đã mất đi cho nên ngày nay, ở miền Bắc Trung bộ, người ta đã dùng phó từ phủ định nõ, phát âm thành nỏ, một cách bình thường và tự nhiên như dùng không hoặc chẳng mà không sợ mang tiếng là bất nhã, vì nó chỉ còn là một phó từ có sắc thái trung hòa.Cái nghĩa gốc tuy đã mất nhưng danh từ nõ vẫn còn sống và có mặt trong những từ tổ như nõ điếu, nõ cối, v.v.. Nếu từ nõ này mang thanh điệu nào thì phó từ phủ định nõ cũng mang thanh điệu đó vì, như đã thấy, từ sau là do từ trước chuyển nghĩa và chuyển loại mà thành. Vậy làm như Từ điển tiếng Việt 1992 do Hoàng Phê chủ biên mà đánh dấu ngã cho từ trước (nõ cối, nõ điếu) nhưng lại đánh dấu hỏi cho từ sau (“nỏ” được, “nỏ” biết) là không nhất quán vì như thế chỉ là ghi từ nỏ theo cách phát âm có tính chất địa phương của miền Bắc Trung Bộ mà thôi.

Chép từ Facebook của An Chi (Huệ Thiên)

No comments:

Post a Comment