Saturday, 6 October 2018

Nhân vật Chợ Lớn: Bá hộ Xường, Quách Đàm và Tạ Mã Điền (Nguyễn Đức Hiệp - Hiệp's Blog)

(https://hiepblog.wordpress.com/2016/02/12/nhan-vat-cho-lon-ba-ho-xuong-quach-dam-va-ta-ma-dien/)

Nhân vật Chợ Lớn: Bá hộ Xường, Quách Đàm và Tạ Mã Điền

Lịch sử thành phố Chợ Lớn gắn liền với thương mại mà ở thế kỷ 20 xuất hiện các nhân vật đặc biệt. Các doanh nhân này đã để lại dấu ấn ít nhiều trong ký ức người dân Saigon-Chợ Lớn không những về phương diện kinh tế mà còn văn hóa xã hội. Một số các tư liệu mới cho phép ta biết thêm về các nhân vật này trong đó có ông Lý Tường Quan (Bá hộ Xường) và gia đình, ông Quách Xiêm Chi (Quách Đàm) và ông Tạ Mã Điền.
Bá hộ Xường và gia đình
Gia tộc họ Lý bắt đầu từ ông Lý Sáng Công (1781-1855), tên tự là Lý Sáng Ế (hay Ái), người Hoa từ Quảng Đông đến miền Nam lập nghiệp và lấy vợ Việt là bà Trần Thị Thơ mất năm 1855. Lý Sáng Công sống ở Chợ Lớn (tức Saigon lúc bấy giờ được gọi) đầu thế kỷ 19. Ông được người con thứ ba của ông là Lý Tường Quan (1842-1896) an táng ở khu mộ nay là khu một tổ gia đình họ Lý ở khu đất phường 12, Quận 5 ở góc đường Nguyễn Chí Thanh và Ngô Quyền phía sau cây xăng 147 Nguyễn Chí Thanh ngày nay. Ông Lý Tường Quan do có tài và thành công trong thương trường được bầu là bang trưởng bang Triều Châu ở Chợ Lớn và người dân thường gọi ông là Bá hộ Xường.
Chủ đất lúc đó là Lý Thanh Huy (1864-1915), con của ông bá hộ Xường Lý Tường Quan. Khu mộ đất này cũng được gọi nôm na là “khu nhà thờ Xóm Bột”. Ông Lý Văn Mạnh (1884-1937), con của ông Lý Thanh Huy thừa hưởng chủ quyền đất. Sau này khi ông Mạnh mất, người em là Lý Thị Lài (1910-1989, cháu nội bá hộ Xường Lý Tường Quan) là người trông coi khu nhà thờ Xóm Bột sau khi bà về đây ở vào khoảng năm 1948. Khi ông bà Lý thị Lài mất, con ông bà là Trần Lý Trí hiện nay được gia đình họ Lý giao giữ gìn khu mộ này. Trưởng tộc họ Lý ngày nay là ông Lý Toàn Anh (cháu nội Lý Tường Quan) là cán bộ hưu trí vẫn còn sống cư ngụ tại 260 Nguyễn Chí Thanh.
Bá hộ Xường khi còn sinh thời cư ngụ ở trung tâm Chợ Lớn cạnh rạch Chợ Lớn, nay là 292 đường Hãi Thượng Lãn Ông. Nhà của ông cũng không xa ngôi nhà đồ sộ của một người Minh Hương khác là ông Đỗ Hữu Phương (nay là đường Châu Văn Liêm) gần đó và nhà và trụ sở công ty của ông Quách Đàm (114 quai Gaudot). Căn nhà cổ này (nay là Từ đường họ Lý) đã được xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố vào năm 2009. Gia đình ông bá hộ Xường có nhiều nhà cửa ở Saigon-Chợ Lớn.
Ông mất năm 1896, được an táng ở Phú Thọ Hòa, Tân Phú, khu mộ này nay vẫn còn. Ông là người thông minh lanh lợi, được viên sĩ quan hải quân trẻ người Pháp Albert Gaudot dùng làm thông dịch viên sau khi Gaudot được giao trách nhiệm quản lý thành phố Chợ Lơn năm 1863. Gaudot cũng là sĩ quan tham gia trận đánh đồn Kỳ Hòa năm 1861. Khi Gaudot mất vì bệnh ở Côn Đảo, bến dọc rạch Chợ Lớn được đắt tên là quai de Gaudot (sau này lấp thành đường khổng Tử và nay là đường Hãi Thượng Lãn Ông)
Tất cả các cơ ngơi của ông Lý Tường Quan để lại cho các con ông. Một trong những người con của ông là Lý Thành Huy. Ông Huy tiếp tục con đường kinh doanh của người cha. Theo nghị định đăng trên Bulletin official de lIndochine française năm 1894 (1) cho phép ông Lý Thành Huy (1864-1915) xây lại nhà ở số 3, làng Nhơn hòa, xã Tân Hòa, trên đường lộ 3 (route colonial no. 3, quai de Mytho, nay là đại lộ Võ Văn Kiệt) và xây một cầu qua hố ở bên phải đường, để vô nhà dễ dàng. Nghị định cũng cho phép ông xây lấp hố trên đường số 4 trước nhà ông trên đường Boresse.
Theo nghị định ngày 4 tháng 1 1897 của Phó soái Nam Kỳ (lieutenant-gouverneur), ông Nguyễn Kim Thinh thay thế Lý Thanh Huy, vì ông Huy từ chức chức vụ thông ngôn của mình (2). Một nghị định sau đó ngày 16 tháng 12 1897 cho phép ông Lý Thanh Huy xây lại các nhà trên lô đất ở giữa cột mốc 96 và 97 trên đường lộ 3 ở quai de Mytho (3). Điều này chứng tỏ sau khi từ chức ông Huy tham gia vào các hoạt động thương mại xây địa ốc nhiều hơn vì trước đó ông đã có làm ăn trong thương mại như xây nhà 64 rue de Cai-mai (Nguyễn Trãi ngày nay) và các nhà của ông ở quai de Mytho theo giấy phép ngày 24/12/1895 của chính quyền (4).
Theo văn bia trên mộ của ông có ghi một số thông tin về ông Lý Tường Quan như sau (5)
“Ông Nguyên gốc người tỉnh Quảng Đông, huyện Phiên Ngung thuộc đời thứ 26 phái Cửu Viễn đường họ Lý, tên là Lý Tường Quan, hiệu là Phước Trai, sanh tại thôn Nhơn Hòa (Gia Định) vào năm 1842, lúc mới sanh có “hồng hoa bao để” (đẻ bọc điều) nên đặt tên là Tường Quang.
Thuở nhỏ, làu thông sách vở, trọn đạo hiếu để. Khi lớn lên giữa lòng trong sạch, ra sức làm việc, trên thuận dưới hòa, chăm lo đọc sách, lại phàm việc bắn cung cởi ngựa, viết chữ bói toán, cầm kỳ thi họa đều lảo thông. Thoạt đầu là Bang trưởng bang Triều Châu, khi Pháp đến cử ông làm bang trưởng 7 bang Hoa kiều, kiêm thông dịch cho người Pháp – việc thành lập 25 Hộ trưởng trong đô thành đều do công sức của ông. Sau đó ông về trí sĩ, lo việc buôn bán. Người Pháp nhiều lần mời mọc ông tham gia chính quyền nhưng ông đều từ chối. Tiếp đó, ông nghỉ việc buôn bán, bỏ ra 20 năm đầu tư vào việc xây chợ, bắc cầu, xuôi ngược khắp nơi, vang tiếng một thời.
Đến năm 1896 ngày 21 tháng 10, đang truyện trò cười nói như thường, bỗng nhiên kháng bệnh, rồi mất …”
Theo ông Võ Văn Sổ, ông bá hộ Xường không những giỏi trong thương trường, ông còn là một người có học biết nhiều. Ông bá hộ Xường (Lý Tường Quan) còn để lại ít nhất 3 tựa sách in ở Quảng Đông mà ông là tác giả (Phiên Thành Phước Trai tiên sinh): Ấu học thi diễn nghĩa, Thiên tự văn diễn nghĩa. Tam tự kinh diễn nghĩa. Nội dung thiên về giáo dục, viết bằng chữ Hán và dịch ra Nôm theo thể văn thơ.
Quách Đàm
Trong số các thương gia tiêu biểu giàu có và nổi tiếng đầu thế kỷ 20 ở Saigon và Chợ Lớn, ngoài ông Bá hộ Xường là các ông Tạ Mã Điền, Quách Đàm. Tạ Mã Điền gốc người Phúc Kiến từ Java, thuộc địa Hòa Lan) trong khi Quách Đàm là người gốc Triều Châu từ Trung Quốc, cả hai đến Chợ Lớn lập nghiệp, buôn bán và thành công vượt bực làm chủ các nhà máy xay lúa, địa ốc, các cơ sở làm ăn trong Chợ Lớn trong thập niên 1920. Họ định cư và coi Việt Nam là quê hương thứ hai của họ.
Như nhiều thương gia ở Chợ Lớn, Quách Đàm có liên hệ với các thương gia ở Singapore trong đó có ông Tan Eng Kok (Trần An Quốc). Trong một thông báo đăng trên báo “The Singapore Free Press and Mercantile Advertiser” ngày 24 April 1923, trang 5 (8), luật sư. A. De Melo, của công ty “Société Thong Hup Nguyen Seng”, và các ông Trần Chiêu Vinh và Quách Đàm (viết theo tiếng Anh là Kwek Tam hay Kwek Siew Tee) đã tuyên bố rút lại các giấy tờ ủy nhiệm quyền đại diện của công ty ở số 80 Boat Quay, Singapore cho ông Trần An Quốc (Tan Eng Kwok cư ngụ tại số 80 Boat Quay) và ở 192 New Bridge Road, Singapore từ các năm 1920, 1921. Công ty Thong Hup (Thông Hiệp) chính là công ty của ông Quách Đàm.
Ngoài tên Kwek Tam (Quách Đàm) hay Kwek Siew Tee (Quách Xiêm Chi) phiên âm ra tiếng Anh, Quách Đàm có thể còn có các tên khác phiên âm qua tiếng Anh. Điều này thường thấy ở người Hoa giàu có, mang các quốc tịch khác nhau như một bài viết trên báo “The Singapore Free Press and Mercantile Advertiser” (4/8/1899) (9) cho biết là tờ báo “Le Mekong” ở Saigon đã có bài than phiền là nhà chức trách Pháp đã quá dễ dàng cho những thương gia giàu ở Chợ Lớn, Nam Kỳ được có quốc tịch Pháp. Và chính những người này cũng đã có quốc tịch khác như Anh, Hòa Lan với các tên khác. Khi ở Nam Kỳ thì họ dùng quốc tịch và tên Anh để dễ làm ăn và có đặc quyền mà lãnh sự Anh có qui chế cho các kiều dân của họ, và ngược lại khi ở các thuộc địa Anh thì họ dùng tên trên giấy tờ quốc tịch Pháp.
Ngoài câu nói “Nhất Sĩ, nhì Phương, Tam Xường, tứ Định” để chỉ các nhân vật giàu có ở Saigon-Chợ Lớn, còn có câu nói riêng về các người Hoa giàu có ở Saigon-Chợ Lớn là “Nhất Hỏa, nhì Đàm, tam Xường, tứ Ích“, cho thấy Quách Đàm là nhân vật Hoa kiều thứ hai sau chú Hỏa về cơ sở thương mại và sức mạnh kinh tế. Trụ sở của nhà buôn Quách Đàm nằm ở bến Quai de Gaudot cạnh rạch Chợ Lớn (sau này khi rạch lấp, Quai de Gaudot trở thành đại lộ Boulevard Gaudot, sau thời Pháp là đường Khổng Tử và nay là Hãi Thượng Lãn Ông). Tòa nhà này hiện nay vẫn còn.
Theo Vương Hồng Sễn (6) thì về sau Quách Đàm rất giàu có, và khi mất,
“Khi Quách Đàm chết, đám ma lớn không đám nào bằng. Bàn đưa không thể đếm. Đủ thứ nhạc Tây, Tàu, Ta, Miên… Khách đi dường có việc, miễn nối gót theo đám ma vài bước là có người lễ phép đến dâng một ly nước dừa hay la ve (bia) và riêng tặng một quạt giấy có kèm một tấm giấy “ngẫu” (năm đồng bạc) đền ơn có lòng đưa đón! Quách Đàm được chôn ở gần chùa Giác Lâm giáp ranh Chợ Lớn và Gia Định” (6)
Cũng theo Vương Hồng Sễn thì tương truyền Quách Đàm rất mê tín, tin phong thủy được thầy bói Tàu nói là nơi trụ sở bến Gaudot là nơi “đầu một con rồng” mà khúc đuôi nằm ở biển cả. Vì thế Quách Đàm không bao giờ đổi trụ sở dù là nhà mướn, đi nơi khác sau khi rất giàu có thành công trên đường làm ăn. Nên khi xảy ra sự việc lấp kinh thành đường thì ông tin rằng cơ sản làm ăn lụn bại vào lúc thời khủng hoảng kinh tế thế giới 1929 là do việc lấp kinh Chợ Lớn này (6). Tuy vậy, Vương Hồng Sễn đã sai lầm về dữ kiện này vì thật ra Quách Đàm đã mất từ năm 1927.
Hai nguồn thông tin mới mà chúng tôi cập nhât thêm về con người và thân thế Quách Đàm đó là hai bài báo đăng ở nhật báo Le Journal phát hành ở Paris và tờ báo Écho Annmite ở Saigon đăng lại bài trên báo L’Impartial nói về đám tang của Quách Đàm.
Trong bài báo tựa đề “Le Bouddha de la richesse“, đăng ở tờ nhật báo “Le Journal” xuất bản ở Paris ngày 18 tháng 7 1927 có đăng bài của phóng viên Georges Manue về cuộc đời và đám tang của Quách Đàm cho biết nhiều chi tiết về con người Quách Đàm (11). Mắc dầu ông bị liệt giường bất động từ nhiều năm trước khi mất, nhưng đầu óc vẫn minh mẫn và ông vẫn tiếp tục điều khiển công việc làm ăn từ giường nằm. Bài báo này cũng cho biết, Quách Đàm từ một người bước xuống Chợ Lớn từ trong hầm tàu đi ra trên tàu khởi hành ở Hồng Kông, trên tay hoàn toàn không có gì mà chỉ không bao lầu ông đã trở thành đại phú đến hai lần.
“…
Lúc thuở ban đầu, ông làm bồi, cu li, bán súp hủ tiếu, tiểu thương kiếm lời từ xu đến chủ tiệm sang trọng, một nhà doanh nghiệp khôn khéo và biết bao nghề khác đã mang lại cho ông một tài sản khổng lồ mà chỉ trong vòng vài giờ ông đã mất hết trong trò chơi thương mại mà trước đó đã phục vụ ông rất tốt.
Hôm qua giàu, sáng nay nghèo giống như ngày ông từ Hong Kong ở trần từ hầm tàu bước xuống Chợ Lớn, ông không một mảy may tuyệt vọng, hay nao núng.
Nghèo tiền, nhưng giàu kinh nghiệm. Cũng chịu cực,cũng trau chuốt, cũng mềm dẽo từ một tinh thần dày dặn như trước kia, chỉ trong vòng 20 năm ông đã làm lại sự nghiệp và vượt quá đến nổi đã làm ngạc nhiên nhiều người Âu khi ông có cả chục triệu tiền piastres nhân lên 12 hay 13 lần để chuyển thành tiền franc

Ông làm ra tiền chỉ vì mê trò chơi thương trường. Ông có nhiều ruộng lúa và nhiều nhà may xay xát. Ông có cả ngàn hec ta cao su, trước khi cao su trở thành mốt làm ăn, và cả đất trồng trà, cà phê và một dội tàu thương mại đi các cảng Singapore, Hồng Kông.
Ông đứng đầu cả trăm tiệm, cơ ngơi thương mại, và điều khiển nhiều chục công việc, xây dựng nhiều khu hoàn toàn mới Nước Pháp đã tặng ôn huy chương Bắc đẩu bội tinh mà ông lấy đó làm hảnh diện.
Trong nhiều ngày thi hài đã dược đặt dưới tán lều để tất cả Chợ Lớn- từ điền chủ và nhà thương mại đi bằng 40 con ngưa đến các cu-li bụng trần – đến cúng viếng. Ngồi hàng dài, mặc đồ tang trắng là các con ngồi bất động, nhận chia buồn và phúng điếu của bá tánh.
Đám tang không những làm ngạc nhiên đối với người Hoa, với họ không hoành tráng nào là đủ, và người Việt, kém xa hoa hơn, mà ngay cả người Âu.
Hai ngàn cờ hiệu bằng lụa, hình chữ nhật dài 3 m và ngang 2m, màu hồng, sám, xanh da trời, vàng và xanh lá cây được trang hoàng bằng những chữ vàng, ca ngợi công đức của người đã mất. Gió làm chúng phồng lên như cánh buồm con tàu có gân vàng, những người mang chúng – dân Chợ Lớn – già có thể được như vây và trẻ ngày mai muốn trở thành Quách Đàm, lưng tròn bám vào các cột tre xanh\. Để người mất không phải bị đói ở thế giới kia, cả trăm cu-li mang trên kiệu những hàng kiến trúc hoa quả đáng phục, các kim tự tháp rau quả, các ma quỷ tạc vào bí rợ hay trái ớt, các con rồng được mô hình trên các trái cây đẹp mắt, và món để dành cao vị nhất là mười con heo to lớn, `mg dài trên đệm bằng giấy, bụng chúng mổ ra, mỏm chúng nướng đỏ tươi sáng\. Những “biểu tượng bề ngoài cho sự giàu có” đi trước xe tang: một xe hơi, lộng lẫy tự nhiên, làm giống y như xe hơi của người đã khuất, xe kéo, xe ngựa buộc vào hai con ngựa kéo nhún nhẩy, và sau cùng một con tàu dài hai thước mang cờ hiệu Pháp-Hoa, một công trình tuyệt vời bằng giấy, bằng giây sắt và lụa mà những người nghèo khó mang rất tự hào trên vai trần của họ
Trước xe tang là thập tử Bắc đẩu bội tinh cao như người bằng giấy cạt tông (carton) do một người cầm trên hai tay.
Xe tang là xe vận tải camion trang trí đầy hoa và quả, ngay trước xe là di ảnh chụp của ông Quách Đàm, trang trọng một cách tự nhiên đầy uy quyền, mĩm cười và trên ngực là các huy chương
Quan tài bình thường nhưng bằng gỗ quý. Đằng sau là 50 xe hơi sang trọng, thuộc tinh hoa của Chợ Lớn, theo sau
Đám tang kéo dài hai tiếng với âm nhạc lạ kỳ.
Dân chúng người Hoa ở đầy vĩa hè, các cửa sổ, trên các cành cây, trên nóc nhà xem đám tang đầy cảm phục nhưng không ngạc nhiên.
Sự đau buồn, không có một dấu hiệu nào ở những người mà cái chết không đáng sợ gì khi mà người đó không còn buộc các con tưởng nhớ họ
Người hướng dẫn viên nói tôi “Anh thấy đó, đây là một bằng chứng mà người Hoa có thể làm được khi mà họ sống dưới một chính phủ vững vàng bảo đảm được an ninh cho họ làm ăn”

Quách Đàm mất ngày 14/5/1927, thọ 65 tuổi. Cáo phó đăng trên tờ Écho Annamite (Tiếng Vọng An Nam) (1) ngày 18/5/1927 (7) như sau
“Avis de décès
Madame Quach-Dam; Monsieur Quach-Khoi ; Monsieur Quach-Tien ; Monsieur Quach-Chi; Monsieur Quach-Hoc ;
Ont la douleur de vous faire part de la perte cruelle qu’ils viennent d’éprouver en la personne de leur époux et Père
Monsieur QUACH-DAM,
Négociant-Industriel, Chevalier de la Légion d’Honneur, Chevalier de l’Etoile Noire, Chevalier de l’Ordre royal du Cambodge,
Décoré par le Gouvernement Chinois de l’Ordre de Chiaho,
décédé le 14 Mai 1927, dans sa 65è année, en son domicile, 114, Boulevard Gaudot, à Cholon.
Les cérémonies rituelles auront lieu les Samedi et Dimanche 21 et 22 Mai courant.
Vous êtes prié de bien vouloi assister au convoi funèbre, qui partira de Cholon, le Dimanche 29 Mai, à 8 heures du matin.

(tạm dịch
Cáo phó
Bà Quách Đàm, ông Quách Tiến, ông Quách Chi, ông Quách Hộc;
Đau đớn báo tin về sự mất mát lớn lao của chúng tôi là chồng và cha chúng tôi
Ông QUÁCH ĐÀM,
Thương gia, kỹ nghệ gia, huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh hạng hiệp sĩ, huân chương Sao Đen hạng hiệp sĩ (của nước Phi Châu Dahomey tức Benin ngày nay), huân chương hiệp sĩ Hoàng gia Cam Bốt.
Được thưởng bởi chính phủ Cộng Hòa Trung Hoa huân chương Chia Ho
Đã từ trần ngày 14 tháng 5 1927, thọ 65 tuổi tại tư gia ở số 114 đại lộ Gaudot, Chợ Lớn.
Nghi lễ đám tang sẽ được tổ chức vào ngày thứ bảy và chủ nhật 21 và 22 tháng 5 1927.
Chúng tôi kính cẩn mời quý ông quý bà đến giúp đỡ đưa tiễn đoàn đám tang, rời Chợ Lớn lúc 8 giờ sáng ngày chủ nhật 29 tháng 5.
)
Đám tang Quách Đàm thật là đình đám, khởi hành từ nhà ông đến nghĩa trang Phú Thọ. Tờ Écho Annamite (Tiếng Vọng An Nam) ngày 31/5/1927 (8) đã có bài phóng sự về đám tang Quách Đàm như sau, đăng lại từ báo “l’Impartial” (Trung Lập). Qua bài phóng sự này về đám tang đầy nghi thức Trung Hoa, được hảng phim Indochine Films quay, khen ngợi công dân nhập tích Pháp là ông Quách Đàm, chúng ta cũng biết được tên thật của Quách Đàm là Quốc Triệu Chí (chú thích tác giả: thật ra là Quách Xiêm Chi) và thi hài ông được cải tang mang về Hồng Kông.
Lời nói đầu của báo Tiếng Vọng An Nam, phía trên bài phóng sự trích dẫn từ báo l’Impartial cho thấy quan điển của tờ Tiếng Vọng An Nam là dung bài này để chống lại sự ngụy biện của chính quyền lúc bấy giờ về sự từ chối của chính quyền cho quốc tịch Pháp nhiều người thấm nhuần văn hóa Pháp còn nhiều hơn Quách Đàm và xứng đáng hơn, viện dẫn lý do là họ vẫn còn có văn hóa khác không xứng đáng.
Đám tang Quách Đàm
“Chợ Lớn hôm qua đã làm một lễ tang hoàn tráng cho ông Quách Đàm.
Sau bình minh, đại lộ Gaudot đã đen nghẹt kín người. Nhiều xe hơi đến rất khó khăn di chuyển. Nhiều hàng rào đã được thiết lập liền sau đó bởi một lệnh phục vụ công cộng quan trọng do ông Massei, ủy viên trung ương, điều hành được trợ giúp bởi ông Costa, phó ủy, ông Pétra, thuộc sở kỷ thuật cu/a thành phố Chợ Lớn, v.v…
Những sữa soạn cuối cùng
Trên đại lộ, hai nhà tranh to lớn được dựng lên, một gian để chứa các đồ quan trọng mà khi chôn cất một người Hoa giàu luôn phải có, gian kia bên ngoài giăng các vãi đen và trắng và bên trong là quan tài và rất nhiều băng hiệu vòng hoa (có hơn 1500) đến từ khắp mọi nơi ở Nam Kỳ và một số từ Bắc Kỳ, Cam Bốt và cả Trung Hoa nữa.
Các toán cu-li khuân vác rối rít chung quanh xe tang và đủ loại xe đưa đám. Đằng trước đoàn, chúng tôi để ý một xe mang một ảnh lớn của người đã khuất, bàn thờ tổ tiên và hai xe khác mang đầy loại giấy linh thiêng và các loại biểu tượng khác đủ loại\.
Không lâu sau đó, ở chính giữa một đám đông chật kín, quan tài nặng được mang ra ngoài. Một ban nhạc An Nam khởi xướng âm nhạc, các cồng phát ra tiếng đau buồn. Ban quân nhạc bản sứ dưới sự điều khiển của ông Perulli, đứng thẳng hàng trước xe tang. Thi hài người đã khuất được đặt trong quan tài làm bằng chì, quan tài này được bao chung quanh bởi một quan tài khác rất cao làm bằng gỗ quý, tất cả đều được phủ bởi nhiều vãi. Hai ngọn đèn to lớn ở phía trên cháy chầm chậm. Một toán quân lính, lấy từ Đại đội Chợ Lớn của binh đoàn 1 lính khố đỏ (Tirailleurs Annamite), do trung úy Monnet chỉ huy, đứng vào vị trí để làm vinh dự, vì người đã khuất là hiệp sĩ Bắc Đẩu Bội Tinh.  
Sau đó, trong lúc người quay phim của hảng Indochine Films chăm chú quay, quan tài được mang lên xe tang, hoàn thành hết các thủ tục cuối cùng. Rất nhiều quan khách bắt đầu đi tiến dồn vào.
Rất có phương pháp trật tự, các cờ hiệu đã được đánh số kỹ lưỡng, đi chậm rãi trên đường Lareynière (Lương Nhữ Học ngày nay) và đường rue des Marins (đường Thủy Binh, sau này là Đồng Khánh và nay là Trần Hưng Đạo nối dài), cũng như vô số vòng hoa, bó hoa và ngay cả các thú vật đẹp đẻ làm bằng hoa.
Tất cả thành viên gia đình trong đoàn tang, chịu tang, đàn ông mặc áo dài trắng, đầu phủ một loại mũ khá lạ rất chắc màu nâu đỏ, hay xanh da trời đậm nếu là họ hàng xa. Tất cả những người công bộc giúp việc cũng trong bộ đồ tang, màu xanh lợt và đàn bà thì màu đen.
Bây giờ đến những biểu tượng cuối cùng: hai xe kéo được trang hoàng rất cẩn trọng, một vài xe ngựa làm rất giống như thật, một tàu kéo sà lúp (chaloupe) hơi nước – thể hiện là người đã khuất là chủ tàu và các xe rất thành công. Ở chính giữa rất nhiều những vật như vậy là một cái kiệu nhỏ làm bằng lụa vang và xanh da trời, ngay trước xe tang, và dưới kiệu là một cái gối dựa màu đỏ sậm trên đó có gắn 10 huy chương của người đã khuất, với huy chương chử thâp Bắc đẩu bội tinh ở hàng đầu. Kiệu này được cung kính khiêng cho đến nghĩa trang bởi những người thân nhất của người đã khuất.
Trong lúc đó, nhiều người nói chuyện. Những người lớn tuổi ở Chợ Lớn cho những người trẻ, hay những người khác chưa biết về cuộc đời lao lực tân tâm và những hoạt động phi thường của ông Quách Đàm, từ hơn 40 năm ở Nam Kỳ, bắt đầu từ một tình huống tầm thường khiêm tốn, nhưng nhờ nghị lực chuyên tâm rất hiếm, đã thay đổi vận mệnh. Ban đầu là tiểu thương, sau đó buôn bán gạo, rồi chủ tàu, buổi đầu của chiến tranh thế giới 1914 đã phá sản hoàn toàn sản nghiệp rất lớn của ông. Ông không bì sóng đánh chìm mà trở lại thành công còn hơn trước.
Nhưng lúc nào cũng nghĩ đến thuở hàn vi, và mặc dầu do bịnh liệt từ 10 năm, hạn chế trầm trọng hoạt động của ông, ông đã chịu đựng can đảm cho đến phút cuối cùng, vẫn biết giúp đỡ ủy lạo làm nhẹ bớt sự khốn quần trong xã hội, luôn hổ trợ các bệnh viện, trường học và các hội thợ thuyền, và không bao giờ thờ ơ đến sự đau khổ của người khác cũng như công việc cu/a mình.
Đoàn đám tang
Hiển nhiên chính là để tỏ lòng kính trọng cuối cùng đến tất cả các đặc tính xuất sắc rực rỡ này mà rất nhiều nhân vật Saigon và Chợ Lớn đã hiện diện sáng hôm qua, sau 7 giờ rưỡi chung quanh quan tài.
Chúng tôi nhận thấy những nhân vật, mà ngòi viết không viết hết đầy đủ được, ông Gazano, thị trưởng Chợ Lớn; ông Lefèvre, thị trưởng Saigon; ông Merle, tổng thư ký thị sảnh Chợ Lớn ; ông Thomas, giám đốc Hảng rượu Bình Tây (Distilleries de Binh Tay) ; ông Levillain, des Services du Port; những hội viên cu/a Phòng thương mại người Hoa (Chambre de Commerce chinoise); ông Brandela, của nhà Bank Đông Dương (Banque de l’Indochine) ; bà Lasseigne và Soulet, của Banque Franco-Chinoise ; bác sĩ Massias, bác sĩ trưởng bệnh viện Hôpital Drouhet, và phu nhân; bác sĩ Pradal ; ông André, trưởng phòng tòa thị sảnh Chợ Lớn: ông Kerjean, thư ký tòa án; ông Dété, quản trị viên công ty Société Commerciale ; ông Mathieu ; ông Béziat ; ông Gonon; ông Cavillon và hầu như tất cả thương kỹ nghệ gia ở Saigon và Chợ Lớn; Dr Ferrey, bác sĩ hải quân ; ông Magnien giám đốc đường lộ ; bà hiệu trưởng trường nữ sinh Chợ Lớn (Ecoles de filles de Cholon) ; ông Denome, kỹ sư ; ông Robert, hiệu trưởng trường lycée Franco-Chinois ; đoàn đại biểu báo chi Hoa ngữ ở Nam Kỳ, tất cả các bang trưởng các bang người Hoa và rất nhiều trưởng các khu phố, ông Autret, giám đốc L’U. C. I. A. ; ông Scotto, cu/a công ty Société Commerciale française d’Indochine; đoàn đại biểu nhân viên phòng Thương mại ; ông Caffort ; ông Poulet, của công ty Courtinat ; giám đốc nhà máy cung cấp nước và điện (Usines de la Cie les Eaux et Electricité) : ông Génis, công ty Denis Frères, các đại diện Hải quân, Sở Y tế etc. etc.. và rất nhiều các nhân vật khác mà chúng tôi xin lỗi là không nêu tên hết được vì một cột báo không đủ và cũng rất là khó khăn, hôm qua, đi được nhanh khắp nơi để ghi nhận.
Hành trinh cuối cùng
Nhưng lúc này là 8 giờ.
Ba người con trai của người đã khuất, trong y phục tang trắng, đến đứng sau xe tang, cũng như các con dâu, cháu và những họ hàng, mỗi người được hổ trợ diều đi bởi hai người giúp việc, ở đây không có những người “khóc mướn” chuyên nghiệp.
Một lệnh ngắn được ra: sửa soạn nghim. Kê đó là tiếng lệnh mạnh mẽ: gác súng lên. Những nốt nhạc đầu tiên của bài La marche funèbre của Chopin, được chơi bởi Ban quân nhạc bản xứ, và từ từ, đoàn đám tang bắt đầu di chuyển.
Thời tiết lúc đầu thì bất định, lúc này thì lại sáng hơn chút. Một vài tia sáng mặt trời ấm xuất hiện chỉ trong chốc lát.
Trước xe tang, các cờ hiệu nối nhau như tranh vẽ một dãi lụa nhiều màu sắc dài đến gần 2km, chỉ có màu đỏ, màu của sự vui mừng là không có thôi; vãi lụa bóng sáng khắp nơi, ca tụng những công trạng của Quốc Triệu Chi – tên thật của ông Quách Đàm – với tất cả sự hối tiếc giữa những người Hoa ở Đông Dương về sự ra đi của ông.
Không tránh khỏi có vài lúc đi rồi lại phải dừng, đoàn đám tang đi trong lộ trinh đã định sẵn: đường rue Lareynière (Lương Nhữ Học), rue des Marins (đường Thủy binh, nay là Trần Hưng Đạo nối dài), avenue Jaccaréo (Tản Đà), quai de Mytho (bến Lê Quang Liêm, nay là đại lộ Võ Văn Kiệt), quai de Gaudot (nay là Hãi Thượng Lãng Ông), rue de Canton (Triệu Quang Phục). quai de Mytho — trở lại lần nữa — và rue de Paris (Phùng Hưng)..
Kế đó, từ đại lộ Tổng Đốc Phương (Châu Văn Liêm ngày nay) và đại lộ Thuận Kiều, đám tang đi chậm rãi đến nghĩa trang Phú Thọ.
Tất cả cờ hiệu lóng lánh, lung linh dưới ngọn gió hay dưới sự ve vuốt của mặt trời, tạo nên một quang cảnh rất ấn tượng. Chợ Lớn, ngày thường thì rất ồn ào, nhưng lúc này thật yên lặng, dường như bị rơi vào trạng thái sững sờ. Tất cả mọi người muốn xem, nhưng không có tiếng kêu than, hay xô đẩy chen lấn. Ông Quách Đàm ngay cả lúc mất vẫn luôn tạo một sự kính trọng !.
Một vài ban nhạc An Nam hay Trung Hoa, xen kẻ trong đoàn rước tang. Sáo, cồng, trống và đờn kéo được thay phiên nhau dạo lên. Trên nhiều cáng khiêng, có các con heo rô ti hay phết bóng, con dê, trái cây, bánh, hai con heo bụng mổ, đồ cúng, giấy bùa ngãi linh và những hình tượng khác. Tất cả những thứ này đi rất thứ tự và trong yên lặng dọc theo bến quai de Mytho, rue de Paris (đường Phùng Hưng) giữa sự kính trọng của người dân.
Sau gia đình và những nhân vật như đã kể trên, nhiều đoàn thể quan trọng cũng đi trong đám tang. Đây, trước tiên là học sinh trường tiểu học Nghĩa An, trường Văn hóa thể dục, và nhiều trường nữ, và đại diện cu/a rất nhiều nghiệp đoàn công nhân, mà ông Quách Đàm là người ân nhân bảo trợ: ngiệp đoàn Tiên Quan, nghiệp đoàn Won Quan, nghiệp đoàn Lit-Yut, nghiệp đoàn Đức Hòa, nhóm quan trọng có thế lực là nghiệp đoàn Si-Trac (công nhân rơm sợi) và nghiệp đoàn Si-Koc với ban nhạc của họ. Tất cả mọi người mặt đồ trắng biểu hiệu tang lễ hay đồ màu sám “quốc gia”, với các huy hiệu và hoa gắn ở lỗ nút áo, đứng chung dưới các băng rôn to lớn hay các cờ hiệu, mà đặc biệt trong đó có một cờ hiệu gây sự chú ý với hàng chữ “kính chào lần cuối từ tất cả nghiệp đoàn ở Chợ Lớn”.
Đúng vậy, cái chết không tha ai kể cả những người may mắn có tài. Ở Phú Thọ, lúc rất trễ gần đến hết buổi sáng, dưới bầu trời âm u, sau khi chôn cất còn có quan tài thứ ba đợi lúc bóc xác ông Quách Đàm. Bởi vì trong một năm, sau khi “hết hạn cơn gió lốc”, người Tàu giàu nhất ở Chợ Lớn sẽ lại lên đường đi Hồng Kông, để đến nơi an nghĩ thật sự vĩnh viễn ở đất tổ tiên và cuối cùng, sau một cuộc đời thật trọn vẹn, hưởng sự bình yên tuyệt đỉnh mà đức Phật đã hứa hen và đạt được hạnh phúc trong cõi Niết bàn”
Một chi tiết đáng để ý là theo bài nói về câu chuyện giữa hai ông Celestin Miche và ông Jean Boudot do ông Nguyễn Phan Long viết trên tờ Tiếng Vọng An Nam số ngày 4/6/1927 (9) khi hai ông này dự đám tang Quách Đàm và tranh luận về các nghi thức văn hóa người Hoa có hợp hay không với vị trí công dân Pháp của Quách Đàm. Trong đó Bouchot và Miche được đưa phong bì có tiền sau khi thăm viếng. Bouchot muốn từ chối nhưng Miche nói đó là phong tục của họ thì phải theo như nhập gia tùy tục. Dữ kiện này cũng phù hợp với dữ kiện mà ông Vương Hồng Sễn có viết là mỗi người dự đám tang Quách Đàm đều nhận được tiền.
Con trai trưởng Quách Đàm là Quách Khôi cũng mất sau đó vào năm 1929, đám tang Quách Khôi cũng đình đám và lần này có phi công, ông Poulet tham dự và đặc biệt một phi cơ của công ty “Air-Asie” vừa mới sáng lập, bay trên doàn đám tang và thả bông hoa xuống (14)
Ba năm sau khi ông Quách Đàm mất, báo Tiếng Vọng An Nam số ngày 17/3/1930 có bài phóng sự về buổi khai trương tượng Quách Đàm làm bằng đồng và bồn nước trong sân vào của chợ Bình Tây ngày 14/3/1930 với sự hiện diện của bà Quách Đàm, các con Quách Tiêu, Quách Thi, Quách Fat, ông Eutrope đại diện thống đốc Nam Kỳ, ông Renault thị trưởng thành phố Chợ Lớn, ông Nguyễn Văn Của chủ nhà in và nhiều viên chức, doanh thương các công ty.
Ngày nay ký ức của người Saigon-Chợ Lớn về ông Quách Đàm chủ yếu là gắn liền với chợ Bình Tây và toà nhà trụ sở công ty Thông Hiệp trên đường Hãi Thượng Lãn Ông. Tuy nhiên còn nhiều dữ kiện về sự nghiệp thương mại, tính cách đầu tư và cá tính của ông còn chưa được biết. Báo Écho Annamite đăng ngày 2/5/1927 về nhà máy xay xát lúa của ông ở Mỹ Tho rất ô nhiễm đã làm 2 phần 3 dân chúng phải chịu bụi khói xã ra từ các ống khói vào nhà dân, bàn ghế, đồ gia dụng, quần áo bám đầy bụi, đường xá nhiều nơi phủ bụi dầy đến nổi không thấy được mặt đường nhựa hay cát. Ống khói nhà máy cao đến 32m nên xã bụi hầu như đến toàn thành phố và dự định sẽ làm cao thêm 6m. Và qua nhiều lần trinh báo của dân đến chính quyền về vấn đề ô nhiễm gây hại đến sức khỏe do nhà máy gây ra, nhưng vẫn không được giải quyết cho thấy Quách Đàm có thể khuynh đảo chính quyền địa phương cho ông được có thế hơn trong thương trường như tác giả bài báo đã cho rằng sức khỏe dân chúng bị đã đồng tiền áp đảo.
Ông Quách Đàm còn tham gia ủng hộ ông Candelier vào năm 1924 (12), khi Văn phòng cảng Saigon, muốn cho thuê trong hai mươi năm lợi nhuận thuế cảng, cộng với sự độc quyền chuyên chở gạo và ngô ở cảng Saigon cho tổ hợp thương mại Pháp Homberg-Candelier. Thống đốc Nam kỳ Maurice Cognacq ủng hộ cho thuê độc quyền này nhưng các đại biểu Việt Nam trong Hội đồng Quản hạt (Conseil Colonial) chống lại. Đại biểu Nguyễn Phan Long, sau đó mở ra chiến dịch vận động chống lại sự độc quyền này, trên tờ báo do ông làm chủ bút, “Echo Annamite” (Tiếng vọng An Nam). Những thương gia người Hoa khác ở Chợ Lớn cũng tham gia với ông Nguyễn Phan Long chống lại thành công vụ “affair Candelier” độc quyền. Điều này cho thấy ông Quách Đàm bắt tay chặt với chính quyền và quyền lợi của một một số tư bản Pháp trong công việc làm ăn của mình. Năm 1926, Quách Đàm được thống đốc Nam Kỳ Cognaq, một người bảo thủ ác cảm với những nhà yêu nước Việt Nam, trao huy chương Bắc đẩu bội tinh ở dinh phó sứ (13).
Tạ Mã Điền
Tờ báo Écho Annamite (13/5/1925) (10) có đăng tin về một tai nạn xe mà chủ xe là ông Tạ Mã Điền cư ngụ ở nhà số 270 rue de Caymai (Nguyễn Trãi ngày nay). Lúc này xe hơi đã có nhiều ở Saigon, tin đăng như sau
“Hôm qua, vào buổi xế trưa, một tai nạn kinh hoàng đã xảy ra trước nhà số 49 Quai Testard (bến Testard cạnh rạch Phố Xếp, sau này lất thành đường ngày nay Châu Văn Liêm).
Đứa trẻ tên là Phan Văn Tri, con của ông Phan Văn Ngạn, ngụ tại địa chỉ trên, muốn băng qua đường, vừa lúc xe hơi số C 3886, của một người Hoa tên là Tja Mah Yen làm chủ, cư ngụ ở số 270 rue de Caymai (Nguyễn Trãi ngày nay), người lái xe tên là Trần Văn Minh 29 tuổi, cư ngụ ở nhà chủ xe, ông chủ xe hoảng hốt xuống nhanh như sao băng xem sao.
Đứa trẻ Trí không kịp để chạy vô nhà, xe hơi đã đụng làm Trí té nhào; Xe làm bé bị thương, một bánh xe cán qua người Trí.
Chủ xe kêu xe dừng lại, đứa trẻ bị thương nên chở ngay vào bệnh viện l’Hôpital Indigène de Ooohinchine.
Bác sĩ pháp y chẩn đoán bị lũng ruột và nạn nhân được giải phẩu ngay sau đó.
Một cuộc điều tra được tiến hành để xem ai là người chịu trách nhiêm tai nạn này.

Kết quả cuộc điều tra không rõ, nhưng chủa xe là người thế nào ?
Ông Tja Ma Yeng (Tạ Mã Điền) tục danh là Má Chín Dảnh sinh năm 1862 ở Batavia (Java) và mất năm 1940 ở đường Mai Sơn (trên đường này có chùa Mai Sơn tự), Chợ Lớn và được chôn ở nghĩa địa Minh Đức ở Phú Thọ. Ông là người Hoa gốc Phúc Kiến từ đảo Java (thuộc Hòa Lan lúc này) đến Chợ Lớn vào năm 1885 buôn bán và xuất khẩu gạo. Cũng như Quách Đàm, ông có các tàu vận tải chở hàng chạy bằng hơi nước và rất nhiều nhà cửa ở Saigon và Chợ Lớn. Ông là bang trưởng bang Phúc Kiến, hội viên của Hội Đồng thành phố Chợ Lớn.
Ông sở hữu hai nhà máy xay lúa Bang-aik-Guan (Vạn Ích Nguyên) và Ban-Hong-Guan. Trong giai đoạn đầu ông lập công ty buôn bán gạo “Ban Guan” (Vạn Nguyên), gia nhập quốc tịch Pháp năm 1905 và sau đó mua lại một nhà máy xay lúa chạy bằng hơi nước của một công ty Pháp (của ông Andrew Spooner trước kia) sắp sửa phải đóng cửa. Ông đặt lại tên nhà máy là Ban Aik Guan Steam Rice Mill Co. Ltd. Ông xuất khẩu gạo qua công ty của ông là “Hock Guan Hong. Bốn người con trai của ông, theo Tây học, Tạ Thanh Thuyền, Ta Thanh Tông, Tạ Thanh Hảo và Tạ Thanh Tri cũng đều tham gia vào lãnh vực thương mại.
Sau đó Tạ Mã Điền thấy nhà máy Ban Aik Guan Steam Rice Mill vẫn còn nhỏ. Để phát triển thêm, ông mua đất ở dọc bến Bình Đông và xây một nhà máy lớn hơn trang bị với máy xay lúa mới và đặt tên nhà máy mới này là “Ban Hong Guan”. Ông còn có cơ sở mua bán lúa và nhà máy xay lúa nhỏ ở 231 quai de Mytho.
Ông là người thành lập trường tiểu học Min-Zhang (Minh Dương) ở Chợ Lớn và trường trung học Pháp Hoa (Lycée Franco-Chinois), sau này gọi là trường Bác Ái (ngày nay là Cao đẳng Sư Phạm). Ông là bang trưởng bang Phúc Kiến, hội viên của Hội Đồng thành phố Chợ Lớn và “La Maison Retraite” (Asile des vieilards et des infirmes, thành lập ngày 27/11/1902 với F. Drouhet, thị trưởng Chợ Lớn, là chủ tịch). Ngoài ra ông còn là hội viên của “Association Nguyen Van Chi Pour la protection des aveugles asiatiques de cochinchine” (thành lập ngày 12/4/1905) mà trong Hội đồng quản trị của hội này có ông Rodier (Phó soái Nam kỳ) là chủ tịch danh dự, F. Drouhet, thị trưởng Chợ Lớn là chủ tịch và ông Quách Đàm, nghị viên thành phố Chợ Lớn là phó chủ tịch.
Qua sự đóng góp về phát triển kinh tế ở nam Kỳ, năm 1932 ông được chính phủ Pháp ban thưởng huy chương hiệp sĩ Bắc đẩu bội tinh (chevalier de Légion d’honneur).
Tham khảo
  • Bulletin official de l’Indochine française, N1, PART1, A1894
  • Bulletin official de l’Indochine française, N1, PART1, A1897, pp. 78
  • Bulletin official de l’Indochine française, N12, PART1, A1897, pp. 1278
  • Bulletin official de l’Indochine française, N1, A1896
  • Võ Văn Sổ, Tham luận về Hán-Nôm: Một số hiểu biết về Hán-Nôm, Gia Phả Việt Nam, Hội Khoa học Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh, http://giaphatphcm.com/giapha/chitiettintuc.php?id=59
  • Vương Hồng Sển, Saigon năm xưa, Nxb Trẻ, 2002.
  • Echo Annamite, 18/05/1927, A8, N879
  • Echo Annamite, 31/05/1927, A8, N889, Les obsèques de M. Quach Dam
  • Echo Annamite 4/6/1927, A8, N893, Nouvelle pour 1930.
  • Écho Annamite, 13/5/1925.
  • Georges Manue, “Le Bouddha de la richesse”, Le Journal, 18 Juillet 1927.
  • Nguyễn Phan Long, “Élements de conviction”, Écho Annamite, 2 Fevrier 1924.
  • Écho Annamite, 10/3/1926
  • Écho Annamite, 10/9/1929

No comments:

Post a Comment