Friday, 7 January 2022

Phan Anh Dũng/ Nguyễn Cung Thông – Tản mạn về nghĩa của “mực tàu” 墨艚 qua từ điển Việt Bồ La (phần 1) (Phan Anh Dũng & Nguyễn Cung Thông - Khoa Học)

 

Phan Anh Dũng/ Nguyễn Cung Thông – Tản mạn về nghĩa của “mực tàu” 墨艚 qua từ điển Việt Bồ La (phần 1)

Tản mạn về Mực Tàu-PAD-NCT (1)_html_m7c4ae7f7Lịch sử hình thành tiếng Việt bao gồm nhiều giai đoạn đặc biệt, phản ánh giao lưu ngôn ngữ vùng cũng như lịch sử phát triển dân tộc qua nhiều thời kỳ: từ khi giành lại độc lập từ phương Bắc và khai phá vùng đất phương Nam (Nam Tiến). Phần này chú trọng vào phạm trù nghĩa của cụm danh từ “mực tàu” và khuynh hướng thay đổi nghĩa trong văn bản Hán, Nôm và chữ quốc ngữ hiện nay. Tìm hiểu về hai chữ này là một hoạt động rất thú vị nhưng không kém gian nan, và cũng mở ra nhiều vấn đề cần phải khảo cứu thêm nữa trong quá trình hình thành tiếng Việt. Cách ghi âm tiếng TQ trong các bài này dựa vào hệ thống pinyin (Bính âm) phổ thông hiện nay. Các tài liệu viết tắt là TVGT Thuyết Văn Giải Tự (khoảng 100 SCN), NT (Ngọc Thiên/543), ĐV (Đường Vận/751), NKVT (Ngũ Kinh Văn Tự/776), LKTG (Long Kham Thủ Giám/997), QV (Quảng Vận/1008), Tập Vận (TV/1037/1067), CV (Chính Vận/1375), TVi (Tự Vị/1615), VB (Vận Bổ/1100/1154), VH (Vận Hội/1297), LT (Loại Thiên/1039/1066), CTT (Chính Tự Thông/1670), Tự Vị Bổ (TViB/1666), KH (Khang Hi/1716), HNĐTĐ (Hán Ngữ Đại Tự Điển/1986), Thiết Vận (ThV/601), Vận Kinh (VK/1161), VBL (Dictionarium Annamiticum-Lusitanum-Latinum, Alexandre de Rhodes, 1651), VNTĐ (Việt Nam Tự Điển/1931/1954), HV (Hán Việt), BK (Bắc Kinh).

Phần này có trọng tâm là nêu ra các liên hệ ngữ âm nhưng không nhất thiết xác định nguồn gốc (Việt cổ hay Hán cổ …) của các trường hợp này. Trước hết, ta hãy nhìn tiếng Việt từ lăng kính lớn hơn của thời gian và sau đó là tìm hiểu chi tiết hơn phạm trù nghĩa của từng chữ mực và tàu cũng như khi mực tàu được dùng chung.

1. Sự thay đổi nghĩa của tiếng Việt trong vòng 370 năm (từ thời VBL)

Từ thời VBL ra đời (1651), tiếng Việt đã thay đổi phần nào – đây chỉ là hiện tượng rất tự nhiên vì số dân gia tăng, sự ổn định sau thời gian khai phá vùng đất phía Nam (Nam Bộ) cùng với giao lưu ngôn ngữ của các dân tộc ở Nam Bộ và chữ quốc ngữ đã phát triển và trở thành văn tự chính thức thay thế chữ Hán và chữ Nôm truyền thống. Vài thí dụ tiêu biểu sau đây cho thấy một chuỗi kết quả: phạm trù nghĩa có thể hoàn toàn biến mất cho đến hoàn toàn bảo lưu nghĩa vào thời VBL

sinh thì (nghĩa là chết/VBL) so với sinh thì (sinh thời, dạng này hiện diện sau thập bán thế kỷ XIX cho đến nay) nghĩa là lúc còn sống

nhân danh dùng trong Kinh Thánh (nhân danh cha …) bây giờ đã mở rộng nghĩa (nhân danh đạo đức, nhân danh con người …)

niễng (niảng – thuyền ghe đi sông) bây giờ không còn dùng nữa

giáo tiền, giáo gạo (xin tiền, xin bố thí gạo) bây giờ không còn dùng nữa

bơm (bơm thơm – tóc bờm xờm, bù xù) – bây giờ không còn dùng nữa mà thay thế bằng nét nghĩa ống (máy) bơm từ kỹ thuật Tây phương nhập vào

ghe nghĩa là nhiều (VBL) bây giờ không còn dùng nữa, thay bằng danh từ ghe (tàu)

nồng nàn (VBL – khinh dễ) bây giờ có nghĩa tích cực, yêu nồng nàn (say đắm) …

đích xác nghĩa là vụng về, lôi thôi … Bây giờ không còn nghĩa tiêu cực này nữa

non dạ (VBL – buồn nôn) bây giờ hàm ý thiếu suy nghĩ, còn non nớt …

lịch sự (vẫn còn duy trì nghĩa thời VBL) là vết tích của khóa học trong Quốc Tử Giám thời nhà Minh (những đợt sóng giao lưu ngôn ngữ Việt Trung)

…v.v…

2. So sánh một số từ trong VBL và từ điển của Béhaine và Taberd

2.1 Từ chỉ thuyền bè

Từ điển VBL có khoảng 9000 mục từ, trong đó có 7 từ chỉ thuyền bè

– tàu

– thuyền

– đò

– mảng

– niểng (niảng)

– bè

– tam bản

Sau đó khoảng 120 năm, từ điển Béhaine (1772) với khoảng 29000 mục từ (so với 31000 mục từ của từ điển Taberd/1838) có 10 từ chỉ thuyền bè

– tàu

– thuyền

– đò

– bè

– ghe

– xuồng1

– sõng

– tam bản

– đà (đại trường đà)

– tiểu điếu (ghe tiểu điếu)

Để ý là tiếng Mường Bi (Thanh Hóa) vẫn còn dùng từ mảng chỉ thuyền nhỏ, không thấy dùng trong Nam Bộ cũng như niểng (VBL). Hai LM Béhaine và Taberd đều soạn tài liệu của mình từ thời kỳ ở Nam Bộ, so với không gian và thời gian khi VBL ra đời. Điều này dẫn đến cách gọi các dân tộc đã đến Nam Bộ khai phá, trong đó có người Trung Hoa – đa phần là Triều Châu cùng với người Phúc Kiến, Hải Nam, Quảng Đông, Khme, Việt Nam (từ Đàng Trong hay Đàng Ngoài) …v.v…

2.2 Từ chỉ người Trung Hoa

Để chỉ nước hay người Trung Hoa, VBL đã dùng các từ:

– Ngô (nước Ngô, thằng Ngô, bí Ngô, xống Ngô)

– Đại Minh (không thấy dùng Đại Thanh trong các tác phẩm còn để lại của de Rhodes)

– Nhà Hán

So với các từ dùng trong từ điển Béhaine và Taberd:

– Ngô

– Đại Minh

– Nhà Hán

– Đại Thanh

– Chệc

– A Chệc

– Tàu

– Khách

Số từ chỉ người TQ đã tăng vọt trong vòng 120 năm từ thời VBL. Khi so sánh VBL và Béhaine, số phần trăm tăng là 267 (%) cho số từ chỉ người TH so với khoảng 322 % tổng số từ tăng: một tỷ lệ rất đáng chú ý! Điều này không làm cho ta ngạc nhiên vì từ khi vua Chân Lạp (1623) cho chúa Nguyễn di dân Việt đến Prey Kor (Sài Gòn) làm ăn, không lâu sau đó là các đợt sóng di dân từ Quảng Đông (Minh Hương) khai phá vùng đất2 chằng chịt sông ngòi và bùn lầy này. Với bản tính chuộng buôn bán, người TH cùng dân bản địa đã tạo nên sinh khí mới cho Nam Bộ với tàu bè qua lại tấp nập. Thành ra, số (danh) từ chỉ người TH dĩ nhiên cũng tăng vọt.

Sau khi đã nhìn bức tranh Nam Bộ một cách tổng quát qua 4 thế kỷ, ta hãy xem lại phạm trù nghĩa của mực, tàu và cấu trúc “mực tàu” trong cùng giai đoạn.

3. Mực (hay mức) có nhiều nghĩa

3.1 Mực là một biến âm của mặc HV, thường là chữ mặc bộ thổ (thanh mẫu minh vận mẫu đức nhập thanh, khai khẩu nhất đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết

莫北切 mạc bắc thiết (TVGT, ĐV)

密北切,音默 mật bắc thiết, âm mặc (TV, VH, LT, CV, LTCN 六書正𨫠)

莫佩切,音昧 mạc bội thiết, âm muội (TV, LT)

亡北切 vong bắc thiết (TTTH)

TNAV ghi vận bộ 齊微 tề vi – thời TNAV phụ âm cuối tắc (k/c) đã tha hóa

CV (1375) ghi cùng vần 墨 默 嘿 嚜 穆 纆 冒 媢 (mặc mạo)

…v.v…

Giọng BK bây giờ là mò méi so với giọng Quảng Đông mak6 maak6 và các giọng Mân Nam 客家话:[宝安腔] met8 [梅县腔] met8 [陆丰腔] met8 [客英字典] met8 [东莞腔] met8 [客语拼音字汇] med6 [海陆丰腔] met8 [沙头角腔] miet8 [台湾四县腔] met8, giọng Mân Nam/Đài Loan bak8, tiếng Nhật boku moku và tiếng Hàn mwuk.

Để ý vần bắc có thể biến âm thành bấc (gió bấc) so với mặc và *mậc hay mực.

Mực bộ thổ có nghĩa là đen, tham ô, mực (viết), một hình phạt (bôi mực lên chữ thích trên mặt), đạo Mặc, một đơn vị đo lường (bằng năm thước). Các từ cá (con) mực3, chó mực cho thấy cách dùng mực đã phổ thông trong tiếng Việt như mực (viết).

Chữ Mặc vốn có một nghĩa cổ là đo, mức độ. Khang Hy Tự Điển dẫn Tiểu nhĩ nhã và Chu ngữ: 【小爾雅】五尺爲墨,倍墨爲丈。【周語】不過墨丈尋常之閒。[Tiểu nhĩ nhã] ngũ xích vi mặc, bội mặc vi trượng (năm thước là một mực, gấp đôi mực là một trượng). [Chu ngữ ] bất quá mặc trượng tầm thường chi gian (chẳng qua cũng tầm thường trong khoảng một mực một trượng).

Truyện Kiều có câu “Phong lưu rất mực hồng quần. Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê” rõ ràng mực câu này phải hiểu theo nghĩa “mức”, “bậc”, phù hợp với nghĩa cổ ở trên.

Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi cũng có câu “Mực thước thế gian dầu có phải. Cân xưng thiên hạ lấy đâu tày” (Bảo Kính 172.5) 4

Mực (mức) nước trong ruộng rất quan trọng đối với nhóm cư dân làm nông nghiệp ở đồng Bằng Bắc bộ thời xưa (có câu “nhất nước nhì phân tam cần tứ giống”), mực nước thuỷ triều cũng rất quan trọng đối với giao thông đường thuỷ, mực với nghĩa mức là một từ thuộc nhóm phổ thông bậc nhất trong tiếng Việt, vẫn còn giữ nghĩa cổ của mặc là mức, độ, trong khi đó ở Hán ngữ nét nghĩa này có phần mai một, đây là một điều rất đáng lưu ý khi tìm hiểu lịch sử tiếng Việt, người Việt.

3.2 Mực còn có thể là mặc bộ mịch (thanh mẫu minh vận mẫu đức nhập thanh, khai khẩu nhất đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết

莫北切 mạc bắc thiết (TVGT, ĐV)

密北切,音默 mật bắc thiết, âm mặc (TV, VH, LT, CV, LTCN 六書正𨫠)

莫佩切,音昧 mạc bội thiết, âm muội (TV, LT)

亡北切 vong bắc thiết (NT, TTTH)

TNAV ghi vận bộ 齊微 tề vi

CV (1375) ghi cùng vần 墨 默 嘿 嚜 穆 纆 冒 媢 (mặc mạo)

…v.v…

Giọng BK bây giờ là mò méi so với giọng Quảng Đông mak6 maak6 và các giọng Mân Nam 客家话:[宝安腔] met8 [梅县腔] met8 [陆丰腔] met8 [客英字典] met8 [东莞腔] met8 [客语拼音字汇] med6 [海陆丰腔] met8 [沙头角腔] miet8 [台湾四县腔] met8, tiếng Nhật boku moku.

TVGT ghi mực là sách dã 索也 (dây thừng). Đây là một nghĩa mà rất ít người biết đến!

Ta có thể tìm thấy cách dùng chữ mực (viết) thông với dây đo mực (mực viết) hay mực/mức (dây đo) đã dùng tương đương trong thư tịch Hán cổ – được ghi nhận bởi học giả nhà Hán Dương Hùng 揚雄 (53 TCN – 18 SCN) trong Giải Trào 解嘲, một chuyên gia (cũng như là tác giả) “Phương Ngôn”. Thật ra trước Dương Hùng một chút Sử Ký cũng có dùng mặc (mực) thay cho mặc (dây), 史记·南越列傳論》: “成敗之轉, 譬若糾墨。” Sử kí – Nam Việt liệt truyện luận: thành bại chi chuyển , thí nhược củ mặc. Đáng chú ý là trong Quốc Ngữ (thế kỷ XI TCN đến thế kỷ VIII TCN) đã ghi mực là dây đo của thợ mộc, cũng như Thái Huyền.

4. Tàu có nhiều nghĩa

4.1 Đóng tàu (VBL – trang 207, 727)

Tàu chỉ thuyền bè, một dạng chữ Nôm là dùng tào HV – đây là một chữ hiếm trong tiếng Trung (Quốc) hiện đại với tần số dùng 555 trên 430747376 (Unicode 825A). Chữ tào (thanh mẫu tùng/tòng , vận mẫu hào , bình thanh, khai khẩu nhất đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết như sau

昨勞切 tạc lao thiết (QV)

昨槽切 tạc tào thiết (NT)

財勞切 tài lao thiết (TV, LT, VH, CV, TVi) –音曹 âm tào (TTTH, TVi)

CV ghi cùng vần 曹 槽 嶆 艚 漕 嘈 螬 (tào) và vận bộ hào

才豪切 tài hào thiết (CTT) –舟名 chu danh (CTT)

v.v…

Giọng BK bây giờ là cáo so với giọng Quảng Đông cou4 và các giọng Mân Nam 客家话:[台湾四县腔] cau2 co2 [宝安腔] cau2 [海陆丰腔] cau2 co2 [客英字典] cau2 [梅县腔] cau2 [客语拼音字汇] cau2 (tsau2) co2 潮州话:zo, tiếng Nhật sou zou và tiếng Hàn co.

Một điểm đáng chú ý là có nhiều từ Hán cổ gần âm *tao để chỉ tàu (thuyền) như

Tao (sưu) (chỉ chung các loại thuyền) có các cách đọc sau (thanh mẫu tâm , vận mẫu hào )

蘇刀反 tô đao phản (LKTG)

蘇刀切 tô đao thiết (NT, QV, TTTH)

蘇彫切 tô điêu thiết (QV)

先彫切,音蕭 tiên điêu thiết, âm tiêu (TV, VH, LT)

蘇遭切 tô tao thiết (QV, TV, LT, TVi)

蘇曹切,音騷 tô tào thiết, âm tao (VH, TVi)

蘇后切 tô hậu thiết (TG 字鑑)

疏鳩切,音搜 sơ cưu thiết, âm sưu (TVi, CV)

疏鉤切,音搜 sơ câu thiết, âm sưu (CTT)

v.v…

Giọng BK bây giờ là sōu xiāo sāo so với giọng Quảng Đông sau1 sau2 và các giọng Mân Nam [Kwangtung] seu1 seu3 siau1 [Hailu] seu1 seu3 siau1 [Siyan] seu1 seu3 siau1 [Meixian] seu1 [Bao’an] siu1.

Đao là từ hiếm với tần số dùng là 30 trên 237243358, so với thuyền là 106175 trên 434717750, chu là 22693 trên 434717750 … Ngay cả chữ đao đã từng có nghĩa là thuyền con (Kinh Thi. Bài số 61 河廣 Hà quảng: 誰謂河廣、曾不容刀 – Thùy vị Hà quảng, tằng bất dung đao – Ai nói sông Hà rộng, từng không chứa nổi cái thuyền nhỏ !).

Đao có các cách đọc (thanh mẫu đoan vận mẫu hào ):

Âm đao 音刀 (LKTG)

Âm điêu 音貂 (LKTG)

都牢切 đồ lao thiết (QV) – âm đao 音刀

都勞切 đồ lao thiết (TV, VH, LT)

都高切 đồ cao thiết (CV, TVi, CTT)

丁勞切 đinh lao thiết (NT)

都聊切 đồ liêu thiết (QV, TTTH)

先彫切 tiên điêu thiết (TV)

丁聊切 đinh liêu thiết (TVi, LT)

v.v…

Có khả năng tàu (bè) liên hệ đến đao – Nguyễn Trãi 阮廌 từng viết: “Cảng khẩu thính triều tạm hệ đao 港口聽潮暫繫舠” (Lâm cảng dạ bạc 淋港夜泊), tạm dịch ‘nơi cửa biển nghe thủy triều, tạm buộc thuyền con’.

4.2 Tàu voi, tàu ngựa (VBL – trang 727, 728)

Tàu còn có nghĩa là nhà chứa (chuồng) như tàu voi, tàu ngựa … Tàu (chuồng) có thể liên hệ đến tào bộ mộc (thanh mẫu tinh/tùng 精從 vận mẫu hào bình thanh, khai khẩu nhất đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết

昨牢切 tạc lao thiết (TVGT)

昨勞切 tạc lao thiết (ĐV, QV) – QV ghi tiểu vận tào

才刀切 tài đao thiết (QV)

音曹 âm tào (LKTG)

徂毫切 tồ hào thiết (NT, TTTH)

財勞切,音曹 tài lao thiết, âm tào (TV, VH, LT, CV, TVi)

QV phiên thiết còn dùng vần cửu , TV phiên thiết còn dùng vần tiêu – dẫn đến một khả năng là âm ao (lao, đao) của tào có thể thu hẹp độ mở miệng để cho ra dạng tàu (giọng Bắc), vào khoảng thế kỷ X về sau.

作曹切 tác tào thiết (ĐV, QV) – QV ghi tiểu vận tao

臧曹切,音遭 tang tào thiết, âm tao (TV, LT, TViB)

TNAV ghi vận bộ 蕭豪 tiêu hào

CV ghi cùng vần 曹 槽 嶆 艚 漕 嘈 螬 (tào)

在刀翻 tại đao phiên (BH 佩觿)

才毫切, 音曹 tài hào thiết, âm tào (CTT)

…v.v…

Giọng BK bây giờ là cáo so với giọng Quảng Đông cou4 và các giọng Mân Nam 客家话:[梅县腔] cau2 co2 [海陆丰腔] co2 cau2 [客英字典] cau2 [台湾四县腔] co2 cau2 [客语拼音字汇] cau2 co2 [宝安腔] cau2 [东莞腔] cau2 潮州话:zo5, giọng Mân Nam/Đài Loan cho5, tiếng Nhật sou và tiếng Hàn co.

Với các nghĩa khác nhau và riêng biệt của mực và tàu như trên, ta thử tìm hiểu nghĩa của hai chữ “mực tàu”.

5. Phạm trù nghĩa của “mực tàu”

5.1 Dựa vào tài liệu “Chỉ Nam Ngọc Âm Giải Nghĩa”

CNNAGN5 dùng “mực tàu” một lần trong phần “Mộc công bộ đệ thập bát”; phần này ghi nhận các dụng cụ của thợ mộc như rìu, cưa, khoan, bay, đẽo, bào, chạm, đục, thước, búa và “mực tàu”:

Mực tàu có hiệu Đốc Thằng thẳng ngay

(CNNAGN Mộc công – Bộ đệ thập bát)

“Mực tàu” ở đây chỉ một dụng cụ của thợ mộc vì đề mục đã xác định rõ là “Mộc công bộ”, có lý hơn so với nghĩa thường hiểu (hiện nay) là mực (viết) của người Tàu (người Trung Hoa). Nếu mực trong mực tàu là mực viết/vẽ, thì đây chỉ là cách dùng đơn giản hóa trong tổ hợp “mực tàu” chỉ dụng cụ gồm ba thành phần chính: (a) mực (b) dây (thằng) và (c) tàu (hũ chứa, máng chứa mực). Mực hay chất lỏng có pha màu đều có thể xài cho dụng cụ này – ngay cả nước cũng có thể dùng trong trường hợp này – miễn là khi “nảy mực tàu”/VBL ta có thể thấy vết hay lằn trên gỗ cho giai đoạn tới như cưa hay bào … Có lúc cũng chẳng cần chất lỏng để ghi dấu vì có thể dựa vào sợi dây căng để thực hiện giai đoạn tới (cưa/đẽo), hay có thể dùng phấn/bột màu thay cho chất lỏng. Mực ở phần này tương ứng với mặc HV . Trích một cách nảy “mực tàu” từ trang http://www.kyomachiya.net/hazimeni/yogo/images/sumitsubo2.gif

Tản mạn về Mực Tàu-PAD-NCT (1)_html_62ca860f

Vài chi tiết đáng chú ý liên quan đến “mực tàu”:

– theo truyền thuyết cổ đại của TQ, Lỗ Ban thời Xuân Thu (770-476) đã chế ra các dụng cụ như “mực tàu”, cưa, khoan …v.v…

– trong giai đoạn bang giao với nhà Minh, tiếng Tagalog (thổ ngữ của Phi-Luật-Tân, một ngôn ngữ thuộc họ Nam Đảo/Austronesian) có nhập “mực tàu” vào với dạng baktaw, xem chi tiết trang này http://www.wikiwand.com/en/List_of_loanwords_in_Tagalog

Tản mạn về Mực Tàu-PAD-NCT (1)_html_m7c4ae7f7

Hình một “mực tàu” (mặc hồ) cổ với dây đã bị tháo bỏ – trích từ trang http://catalog.digitalarchives.tw/item/00/32/a2/c8.html

Hai thành phần chính là mực và dây (thằng) hiện diện trong cách gọi “mực thằng” là dây đo trong từ điển Béhaine (1772), Taberd6 (1838)

 

Tản mạn về Mực Tàu-PAD-NCT (1)_html_m63dd2d06

Taberd – trang 481

Lưu ý trong CNNAGN dùng chữ tào là quan lại, bọn lũ … chứ không dùng chữ tào là cái máng hay tàu ngựa. Đây không hẳn là cách viết ghi âm “tào” dùngthay , vì chữ tào vốn có nghĩa cổ là “quần” tức bọn, lũ, đàn. Dạng cổ của chữ tào là hai chữ đông 東東 đặt trên chữ viết , tượng hình đàn gia súc tập hợp một chỗ (quanh cái máng ?), như vậy cũng có liên quan đến nghĩa “tàu ngựa” 

Tản mạn về Mực Tàu-PAD-NCT (1)_html_7f049311

Nguồn: http://www.zdic.net/z/1b/sw/66F9.htm

5.2 “Mực tàu” trong VBL

VBL liệt kê khá đầy đủ các dụng cụ của thợ mộc như trong CNNAGN: như rìu, cưa, đẽo, bào, chạm, khoan, thước (kẻ), búa, dùi đục, mực tàu. LM de Rhodes dùng “mực tàu” hai lần trong các tác phẩm còn để lại (VBL, Phép Giảng Tám Ngày, Tường Trình về Đàng Trong):

Tản mạn về Mực Tàu-PAD-NCT (1)_html_1cd9c71d

Tản mạn về Mực Tàu-PAD-NCT (1)_html_1cd9c71d Tản mạn về Mực Tàu-PAD-NCT (1)_html_m6c23f2

VBL – trang 501/502 ghi “nảy mực tàu” mô tả rất đúng động tác “nảy mực” của thợ mộc, tiếng Việt có thành ngữ “cầm cân nảy mực”.

VBL – trang 728

LM de Rhodes đã hiểu được hàm ý của cách dùng “mực tàu” phần nào khi giải thích là “mực thợ mộc dùng kẻ đường thẳng trên gỗ” – so với các cách giải thích khác, như “thoi mực” (VBL, trang 488) hay “bát Ngô” (VBL, trang 29/30, de Rhodes ghi rõ ràng là dùng bởi người Tàu (tiếng La Tinh là da china, hay Sinas); ông sẵn sàng ghi ‘nguồn’ trong VBL như Nhân sâm (từ Cao Ly), Đại Hồng (tơ lụa từ Damas), mẩn (loại gạo từ Nhật Bản), chữ (văn chương Trung Hoa, chữ Trung Hoa) …v.v… Nhắc lại ở đây là trong VBL, tàu chỉ được dùng trong các ngữ cảnh không chỉ người Trung Hoa:

– tàu (thuyền bè, đóng tàu – VBL trang 727)

– tàu voi, tàu ngựa (VBL – trang 727/728)

– tàu nhà (VBL – trang 728)

– mực tàu (VBL – trang 728)

– đi tàu (vượt biển – VBL trang 876)

– thụt gỗ tàu hút nước (VBL – trang 788)

– thế tàu (VBL – trang 754)

Bây giờ thì hầu như không ai hiểu được thành ngữ7 “Thẳng mực tàu, đau lòng gỗ” vì không biết đến dụng cụ đặc biệt kẻ đường thẳng (mực tàu) như trên. Đây là nghĩa cổ hơn trong hai nét nghĩa đã từng được Béhaine (1772) và Taberd (1838) ghi nhận về “mực tàu”:

(a) Amussis8 (dây, thước đo)

(b) Atramentum sinicum (mực viết/vẽ của người Trung Hoa)

Nghĩa (a) rất phù hợp với các dữ kiện trong CNNAGN và VBL. Nghĩa (b) là cách hiểu của đa số trong tiếng Việt hiện đại.

Nhìn xa hơn nữa, tiếng Nhật dùng “mặc hồ” 墨壷 hay sumitsubo – sumi là than hay mực (tiếng Nhật) so với tiếng Trung (Quốc) là “mặc đẩu” 墨斗 “mặc tuyến đẩu” 墨線 hay “mặc bình” 墨坪. Các cách gọi dụng cụ thợ mộc này đều tương ứng với cách gọi “mực tàu” như đã phân tách bên trên. Chính người Nhật cũng thừa nhận “mực tàu” (mặc hồ) hay sumitsubo có gốc từ TQ – xem trang mạng của thành phố Sanjo (三条市 Tam Điều Thị) http://www.city.sanjo.niigata.jp/chiikikeiei/markinginkpot.html

Học giả Trương Vĩnh Ký9 cũng từng giải thích về chữ cordeau (tiếng Pháp) là “mực tàu”

Cordeau sm. Dây giăng mức; dây đo; mực tàu (trang 458 – Petit Dictionnaire francais annamite)

Rõ ràng, tàu trong hai chữ “mực tàu” (dụng cụ thợ mộc) không có nghĩa là người/nước Trung Hoa trong các tài liệu đã trích, hơn nữa chú ý tới dấu phảy mà LM des Rhodes đã đặt ở mục từ “tàu, mực tàu” cho thấy mực tàu có thể gọi tắt là cái “tàu” càng xác định rõ tàu ở đây không liên quan gì đến người/nước Trung Hoa ! Do đó, mực tàu là một dữ kiện quan trọng cho thấy quá trình tiến hóa của tiếng Việt, đặc biệt là phạm trù nghĩa của chữ tàu. Các danh từ chỉ người Trung Hoa đáng chú ý vì đây là những dấu ấn ngôn ngữ và lịch sử, cũng như là cánh cửa hé mở cho ta thấy phần nào tư tưởng của dân Việt trong xã hội của thời đại tương ứng.

5.3 “Tàu” chỉ người Trung Hoa

Người TH thường được gọi là Hán nhân/Đường nhân dựa vào hai thời đại cực thịnh của văn hóa TH. Người Nhật vẫn dùng Đường nhân 唐人hay Tōjin, so với Hoa kiều 華僑.

Tóm tắt các cách giải thích nguồn gốc chữ Tàu (nước/người Trung Hoa):

5.3.1 Chỉ người (dân) đi tàu sang VN hay giặc tàu ô10 – tàu hay tào là chữ hiếm chỉ thuyền bè … Chữ tào chỉ hiện diện sớm nhất là từ thời Ngọc Thiên (năm 543 SCN) nên giải thích được các cách dùng thuyền nhân, hàng nhân, chu nhân … chứ không thấy dùng *tào nhân, thêm vào đó là chữ Nôm thường dùng thanh phù tàođể chỉ tàu11 (thuyền) hay tàu (TQ). Liên hệ tàu (voi, ngựa) và tào cũng phù hợp với các dữ kiện trên.

5.3.2 Tàu có thể liên hệ đến Tào Tháo 曹操 (155-220) – theo Vương Duy Trinh/VDT (trong “Thanh Hóa Quan Phong”) cho rằng Tào là tiếng gọi nước Ngụy của Tào Tháo. VDT đỗ cử nhân năm 1870 và làm tổng đốc Thanh Hóa.

5.3.3 Tàu có thể là quan12 (một nghĩa cổ của tào ) – người Việt gọi những người Hán qua Giao Chỉ (làm quan) thời kỳ Bắc thuộc.

5.3.4 Tàu có thể là xe (như cách dùng tiếng Việt tàu bay, tàu hỏa, tàu thủy, tàu khí …) hay dùng danh từ tào như động từ tào (di chuyển bằng đường thủy) – chỉ một phương pháp di chuyển đến Giao Chỉ thời trước.

5.3.5 Tàu có thể liên hệ đến Tiều: các đợt di dân đến VN từ vùng Đông Nam TQ như dân Triều Châu 潮州 (Triều vần tiêu , giọng Mân Nam đọc là tiau5, tio5 với âm đầu T-) chẳng hạn, cũng như nhà Trần từng có nguồn gốc đánh cá thuộc Mân tộc (từ tỉnh Phúc Kiến), do đó hai danh từ tàunước có phạm trù nghĩa rất đặc biệt và có vị trí quan trọng trong văn hóa ngôn ngữ VN (‘một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ’).

5.3.6 Tàu có thể là một biến âm của đậu hay đẩu. So sánh các cách dùng đậu hủ 豆腐 còn gọi là đậu phụ, tàu hủ; tàu vị yểu (nước tương), chè tàu (táu) soạn … Đẩu hay đấu có thể liên hệ đến tẩu (cái tẩu hút thuốc). Tương quan giữa phụ âm đầu hữu thanh (đ) và vô thanh (t) vẫn còn thấy trong tiếng Mường (Bi) như tà (đã), tach (đặt), tai (đai), tang (đang), tản (đoàn), tảnh (đánh), tào (đào), tau (đau), tắp (đắp), tẩu (đấu), tenh (đinh) …v.v… Có thể tàu liên hệ đến *tao/*đao (tàu bè – xem phần 4.1 bên trên) hay đậu (vì người Tàu rất chuộng các món đậu/đậu nành).

Tóm lại, cách dùng “mực tàu” là một trường hợp cho thấy sự thay đổi nghĩa trong tiếng Việt từ thời CNNAGN/VBL đến thời Béhaine và Taberd, hay chỉ trong vòng 120 năm qua con chữ La Tinh. Hiểu nghĩa cổ hơn của “mực tàu” (hay mực thằng) thì ta có thể cảm thông phần nào hàm ý của thành ngữ “thẳng mực tàu, đau lòng gỗ”.

6. Phụ chú và phê bình thêm

Phần này không hoàn toàn theo cách ghi tài liệu (Bibliography) tham khảo APA hay MLA vì bao gồm các phê bình thêm về đề tài, tài liệu và tác giả để người đọc có thể tra cứu thêm chi tiết và chính xác. Các tài liệu tham khảo chính của bài viết này là cuốn từ điển Annam-Lusitan-Latinh (thường gọi là Việt-Bồ-La) in lại bởi NXB Khoa Học Xã Hội (1991); có thể tra từ điển này trên mạng, như trang này chẳng hạn http://books.google.fr/books?id=uGhkAAAAMAAJ&printsec=frontcover#v=onepage&q&f=false

1) Xuồng có khả năng là biến âm của thuyền, một dạng chữ Nôm là (bộ) chu hợp với chữ đồng hài thanh (thật ra chữ đồng này là một chữ Hán cổ nghĩa là chiến thuyền/mông đồng 艨艟, có thể đọc là đồng, *xung/sùng hay tràng). Chữ thuyền 船 舩 (thanh mẫu thuyền vận mẫu tiên bình thanh, hợp khẩu tam đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết

食川切,音膞 thực xuyên thiết, âm thuần (TVGT, ĐV, QV, TV, LT, LTCN 六書正𨫠)

市專切 thị chuyên thiết (NT, TTTH)

時專反 thì chuyên phản (NTLQ 玉篇零卷)

食專切 thực chuyên thiết (LT, TTTH)

淳線切 thuần tuyến thiết (TG 字鑑)

食專乀 thực chuyên phật (TNTTĐTA 精嚴新集大藏音

重圓切 trọng viên thiết (CV)

TNAV ghi thanh mẫu xuyên 穿 vận bộ 先天 tiên thiên

CV ghi cùng vần 先 椽 傳 遄 篅 船 (tiên chuyên truyền thuyên thuyền)

重圓切, 音椽 trọng viên thiết, âm chuyên (TVi)

殊倫切, 音純 thù luân thiết, âm thuần (TVi)

重員切, 音椽 trọng viên thiết, âm chuyên (CTT)

音純 âm thuần (CTT)

: 床全切, 音船 thuyền, sàng toàn thiết, âm thuyền (*soàng > xuồng) (TViB)

…v.v…

Giọng BK bây giờ là chuán yán so với giọng Quảng Đông syun4 syun2 và các giọng Mân Nam 客家话:[陆丰腔] son3 [沙头角腔] son2 [客英字典] son2 [海陆丰腔] son2 [梅县腔] shon2 [台湾四县腔] son2 [宝安腔] son2 [东莞腔] son2 [客语拼音字汇] son2, giọng Mân Nam/Đài Loan chun5, tiếng Nhật sen và tiếng Hàn sen.

Từ thời CV (1375), phụ âm đầu lưỡi tắc đã trở thành phụ âm ngạc và xát hóa trong tiếng Việt để cho ra các dạng xuồng và xõng, tương ứng với các dạng Mân Nam (Triều Châu) đọc âm thuyền. Điều này còn phù hợp với cách phiên thiết của Tự Vị Bổ (sàng toàn thiết 床全切). Các dạng này chỉ xuất hiện sau thời VBL (1651), cho thấy ảnh hưởng của âm Mân Nam ở Nam Bộ trong giai đoạn Nam Tiến cuối cùng trong lịch sử dựng nước Việt.

2) Bản đồ Nam Kỳ (1829) cho thấy mạng lưới sông ngòi và đầm lầy phức tạp, do đó phương tiện di chuyển chính thường là tàu bè – trích từ trang https://vi.wikipedia.org/wiki/M%E1%BA%A1c_C%E1%BB%ADu

Tản mạn về Mực Tàu-PAD-NCT (1)_html_7c673d9f

3) con (cá) mực/octopus tiếng Trung (Quốc) còn là bát trảo ngư, bát đái ngư, bất thị ngư, chương ngư, ô tặc, mặc ngư, hoa chi, mặc đẩu ngư 墨斗魚 (so với cách gọi mực tàu là mặc đẩu) … Octopus (con mực) tiếng Anh có gốc Hi Lạp oktopous (okto- là tám, pous là chân) cũng giống như cách gọi bát trảo ngư của tiếng Hán dựa vào hình thể loài vật. Cách gọi con mực của tiếng Việt cũng dựa vào một đặc tính của loài vật này là túi mực trong cơ thể, khi gặp nguy hiểm thì phun ra để dễ tẩu thoát (tiếng HV là ô tặc/giặc đen hay mặc ngư).

4) Nguyễn Trãi Quốc Âm Từ điển. Trần Trọng Dương, NXB Từ điển Bách khoa, Hà Nội 2014.

5) “Chỉ Nam Ngọc Âm Giải Nghĩa” 1985 Trần Xuân Ngọc Lan phiên âm và chú giải – NXB Khoa Học Xã Hội (Hà Nội) – Viện Khoa Học Xã Hội (Thành Phố HCM).

8) Amussis: tiếng La Tinh có nghĩa là dây đo (cordeau, règle, équerre – tiếng Pháp). Cách dùng ê ke để chỉ cây thước vẫn hiện diện trong tiếng Việt (từ thời Pháp thuộc).

9) Petit dictionnaire francais annamite 1884 J. B. P Trương Vĩnh Ký – NXB Imprimerie de la Mission, à Tân Định, 1884 (Sài Gòn)

10) Quan điểm tàu (thuyền) chỉ người/nước Trung Hoa có lẽ khởi đầu từ Gia Định Báo (số 5, năm thứ 6, phát hành ngày 16/2/1870):

“…An-nam ta kêu là Tàu, người bên Tàu, là vì khách thường đi tàu qua đây, lại dùng tàu chở đồ hàng hóa qua đây buôn bán; nên kêu là Tàu, hàng Tàu, đồ Tàu v.v… Từ Ba-Tàu có cách giải thích như sau: Ba có nghĩa là ba vùng đất mà chúa Nguyễn cho phép người Hoa làm ăn và sinh sống: vùng Cù Lao Phố (Đồng Nai), Sài Gòn-Chợ Lớn, Hà Tiên, từ Tàu bắt nguồn từ phương tiện đi lại của người Hoa khi sang An Nam, nhưng dần từ Ba Tàu lại mang nghĩa miệt thị, gây ảnh hưởng xấu…”.

Ý này lặp lại bởi các học giả sau này trong các từ điển về tiếng Việt như Huỳnh Tịnh Của: ‘… Người An Nam thấy tàu khách qua lại nhiều, lấy đó là nước Tàu …’ (trang 348, ĐNQATV/1895), Génibrel (1899), J. Bonet (1899) … Cũng theo Lê Ngọc Trụ (“Tầm Nguyên Tự Điển Việt Nam” 1993): ‘… Tàu: chỉ người Trung Hoa, xuất xứ do ta gọi giặc tàu ô Tàu < tào …’

11) Âm phục nguyên *tau/*tu cho các dạng chữ Hán cổ để chỉ tàu (thuyền) còn có thể liên hệ đến đò (tiếng Việt) hay duk (tiếng Khme/Stiêng/Chrâu, chiếc ghe), du:k (tiếng Bahna, chiếc thuyền) mà một dạng tiếng Việt là nốc (đ > n), tiếng Mường (Bi) đốc là đò. Tiếng Hán (cổ) khi nhập các âm này vào thường tha hóa phụ âm cuối c (k). Khả năng nguồn gốc phương Nam của tàu (thuyền) không nằm trong phạm vi bài viết này. Xem thêm chi tiết trang 623/195 về ngữ căn của chu và thuyền HV, “ABC Etymological Dictionary of Old Chinese” – tác giả Axel Schuessler – NXB University of Hawai’i Press (Honolulu, 2007).

12) Xem thêm chi tiết về bài viết của học giả An Chi trên Bách Khoa Tri Thức trang này http://www.bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/4324-4324-633778021918593750/Hoi-dap-Dong-Tay/Tai-sao-nguoi-Viet-Nam-lai-goi-nguoi-Trung-Hoa-la-Tau.htm hay Người Lao Động (22/11/2014) trang http://nld.com.vn/tieng-viet-tinh-tuy/co-sao-goi-nguoi-trung-quoc-la-tau-20141122214910842.htm

KS Phan Anh Dũng (Huế, Việt Nam)

Nguyễn Cung Thông (Melbourne, Úc)
(https://khoahocnet.com/2015/10/29/phan-anh-dung-nguyen-cung-thong-tan-man-ve-nghia-cua-muc-tau-%E5%A2%A8%E8%89%9A-qua-tu-dien-viet-bo-la-phan-1/)

No comments:

Post a Comment