Showing posts with label giải hoặc. Show all posts
Showing posts with label giải hoặc. Show all posts

Thursday 13 July 2017

Hội đồng chiến tranh nào cần thông ngôn?

Trần Hữu Tá (2016:14) viết về việc các quan chức thực dân không ưa Trương Vĩnh Ký:

Và D'Ariès tỏ thái độ: "Tôi không muốn chỉ định ông ta để Ngài chọn làm thông dịch viên cho các hội đồng chiến tranh của chúng ta".
(Từ bục giảng đến văn đàn - Chân dung 25 người thầy, nhà xuất bản Trẻ, Thành Phố Hồ Chí Minh, 2016,, 136 tr.)

Nghĩ mãi không ra hội đồng chiến tranh nào cần thông ngôn. Vả lại thời Trương Vĩnh Ký làm gì có cơ quan nào gọi là hội đồng chiến tranh.
Ông Trần Hữu Tá có lẽ chép lại của Nguyễn Vy Khanh:
 Một bức thư của chỉ huy trưởng D’Ariès gửi đô đốc Charner đề ngày 21-5-1861 đề cử Trương Vĩnh Ký : "trong số người Nam nói được ngôn ngữ của chúng ta chỉ có một người tên là Petrus Ký là biết khá rành rẽ có thể giữ các chức vụ Ngài muốn thiết lập bên cạnh các thẩm quyền quân sự của chúng ta", nhưng D’Ariès than phiền thái độ hợp tác lơ là của người thanh niên 23 tuổi này: "từng là nhân viên Sở Sự vụ bản xứ Sài-Gòn, ông ta đã bị sa thải vì thiếu mẫn cán và tận tụy, rất thông minh, rất có khả năng làm tốt công việc, nhưng ông ta dần dà đánh mất sự tin tưởng tạo được. Tôi không muốn chỉ định ông ta để ngài chọn làm thông dịch viên cho các hội đồng chiến tranh của chúng ta". Dù vậy vị tổng chỉ huy Charner nói trên vẫn chọn Trương Vĩnh Ký và đưa ra các điều kiện để D’Ariès chuyển lại họ Trương "40 đồng một tháng và phải luôn có mặt tại Sài-Gòn".
(http://vietsciences.free.fr/vietnam/danhnhan/tacgia/truongvinhky-nguyenvykhanh)

Conseil de guerre trong tiếng Pháp có thể là hội đồng chiến tranh/bộ chỉ huy tối cao/hội đồng quốc phòng, tức là những chỗ mà cả Tây như d'Ariès hay Ta như Trương Vĩnh Ký không chen chân vào được. Nhưng conseil de guerre còn một nghĩa nữa là tòa án binh/ tòa án quân sự. Công việc mà viên đại tá hải quân d'Ariès nói đến chỉ có thể là việc thông dịch ở tòa án binh.


Thursday 23 June 2016

"Ông Tùng đã thảo văn kiện đầu hàng" (Bùi Thanh - Tuổi Trẻ)


"Ông Tùng đã thảo văn kiện đầu hàng"

30/04/2007 06:07 GMT+7
TT - Trong phần tường thuật dưới đây, nhà báo chuyên nghiệp Borries Gallasch đã trả lời một cách chắc chắn về vấn đề gây tranh cãi hàng chục năm qua: người đã thảo lời tuyên bố đầu hàng cho tổng thống Dương Văn Minh.
RMM5mXjv.jpgPhóng to
Đại tá Bùi Văn Tùng
TT - Trong phần tường thuật dưới đây, nhà báo chuyên nghiệp Borries Gallasch đã trả lời một cách chắc chắn về vấn đề gây tranh cãi hàng chục năm qua: người đã thảo lời tuyên bố đầu hàng cho tổng thống Dương Văn Minh.

Thảo văn kiện
Sau một vài phút, ông Dương Văn Minh, ông Vũ Văn Mẫu và ông Bùi Văn Tùng rời khỏi phòng, theo sau là những người đã có mặt tại đây để sang đài phát thanh. Chúng tôi bước xuống cầu thang ra bãi cỏ, đến ngang chỗ vòi phun nước, tổng thống Dương Văn Minh và thủ tướng Vũ Văn Mẫu leo lên một chiếc xe jeep được bảo vệ bởi hai chiến sĩ giải phóng (đại úy Phạm Xuân Thệ đi xe này - TS). Chính ủy Bùi Văn Tùng và một người lính khác lên chiếc xe thứ hai. Tôi đang đứng ngay cạnh chiếc xe jeep nói chuyện với ông chính ủy bằng tiếng Pháp, cố gắng xin ông ta để được lên xe. Ông gật đầu đồng ý. Luật sư Đỉnh với bộ râu dài cũng leo lên chiếc xe jeep này và chúng tôi lái đi. Chỉ có hai chiếc xe này của chúng tôi chạy giữa thành phố lúc ấy - một thành phố đã từng sôi sục mà nay sự sợ hãi bỗng nhiên được làm dịu đi - qua tòa đại sứ Mỹ trống hoác, đến đài phát thanh nằm trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Chúng tôi đi vào phòng thu nhỏ trên lầu một. Những kỹ thuật viên đã lấy chân dung của Thiệu từ trên tường xuống và ném qua cửa sổ ra sân. Chúng tôi ngồi bất động một lát. Ông Mẫu quạt mặt mình bằng một quyển sách. Tổng thống Dương Văn Minh và chính ủy xe tăng Bùi Văn Tùng ngồi trên hai chiếc ghế và tôi ngồi giữa họ tại một chiếc bàn nhỏ. Ông Tùng thảo văn kiện đầu hàng trên một mảnh giấy màu xanh.
WG8hNwA4.jpgPhóng to
Trung tá chính ủy Bùi Văn Tùng và nhà báo Borries Gallasch tại dinh Độc Lập ngày 30-4-1975 (Ảnh tư liệu gia đình của Borries Gallasch)
Ông Mẫu trông có vẻ hài lòng. Ông tỏ ra như thể chiến thắng này là chiến thắng của ông. Người thành lập và phát ngôn cho lực lượng thứ ba, mà mới tuần trước đã giải thích cho tôi tại sao nhóm trung lập của ông ấy sẽ là một nhân tố cần thiết cho bất cứ một tương lai chính trị nào ở Nam VN, nay tuyên bố rằng: “Không còn lực lượng thứ nhất nữa nên chúng ta không còn cần đến lực lượng thứ ba, hòa giải dân tộc diễn ra sớm hơn dự định. Bây giờ dù muốn hay không chúng ta cùng làm việc cho nhân dân ta”. “Không phân biệt chính kiến?”. “Đúng, chúng ta có khác nhau về quan điểm nhưng những điểm khác nhau đó chỉ hướng chúng ta đi đến một mục đích chung”.
Chính ủy Tùng đã rất khó viết. Ông ngồi bất động trong khi thảo ra được một vài từ rồi đến từ nữa, rồi lại thay thế bằng những từ khác. Sau 30 năm chiến đấu cho một mục đích, thật là khó để biết phải viết như thế nào.
Trong lúc đấy mọi người dường như đang thư giãn và giảm phấn khích hơn so với một giờ trước. Đại úy Phạm Xuân Thệ, người đã bắt ông Minh trong dinh, vẫn còn lăm lăm khẩu súng trong tay. Ông ta nhắc đi nhắc lại với ông Minh về việc đầu hàng trên đài.
Thời khắc lịch sử
Trên đường tìm kiếm tài liệu và gặp gỡ nhân chứng, vào tháng 3-2005, phóng viên Tuổi Trẻ đã đến Bộ tư lệnh Quân đoàn II đóng ở Bắc Giang (cách Hà Nội 80km). Trong khi xem xét kỹ từng hiện vật ở bảo tàng quân đoàn (lúc đó còn rất ngổn ngang vì đang sắp xếp trưng bày lại), phóng viên Tuổi Trẻ đã sửng sốt khi nhìn thấy bản thảo lời tuyên bố đầu hàng của tổng thống Dương Văn Minh. Đó là hai trang giấy pơluya màu xanh, nhăn nhúm và lấm lem bụi đường. Nhìn nét chữ thì biết ngay của đại tá Bùi Văn Tùng và cán bộ bảo tàng cũng xác nhận điều đó.
Điều đáng nói là ngay bên cạnh bản thảo viết tay của đại tá Tùng, chúng tôi lại thấy một bản thảo cùng nội dung, nhưng được một người nào đó viết. Trả lời thắc mắc này, cán bộ Bảo tàng Quân đoàn II nói rằng: Sợ bản thảo gốc bị mờ, giấy lại nhăn, khó đọc, nên bảo tàng cho người viết lại để dễ đọc.
Một lời giải thích khó có thể chấp nhận! Do vậy cán bộ bảo tàng đã không thể trả lời được câu hỏi tiếp theo: Điều gì sẽ xảy ra khi bản thảo của đại tá Tùng bị mất, và con cháu chúng ta sẽ chỉ nhìn thấy một bản thảo được ai đó viết lại?
Sau cuộc hội ý với cấp trên, sĩ quan tuyên huấn quân đoàn đã không đồng ý cho phóng viên sao chụp, ghi hình tư liệu này.
Đại tướng Dương Văn Minh im lặng. Dưới chiếc mũ cối, những người lính bộ đội nhìn ông Minh với vẻ tò mò. Họ vây quanh ông ta trong lúc phía bên ngoài vẫn còn nghe những tiếng nổ. Những người lính giải phóng đã thể hiện sự vui mừng không kìm nén được. Cuối cùng ông Minh đã lên tiếng, hỏi một người lính: “Em trai của tôi hiện nay ra sao? Khi nào tôi có thể gặp chú ấy?”. Đó là số mệnh của những người dân VN: người em của tổng thống là một tướng lĩnh trong quân đội miền Bắc VN và trong 20 năm anh em ruột thịt ở hai bên chiến tuyến (Tuổi Trẻ sẽ trở lại câu chuyện này trong một hồ sơ sắp tới).
Đại úy Thệ im lặng. Tất cả mọi người bỗng nhiên im lặng. Rồi một vài người lính giải phóng nói chuyện với tôi bằng tiếng… Nga. Họ trông thấy phù hiệu “Báo chí Đức” trên áo sơmi của tôi và tưởng tôi là nhà báo Đông Đức. Họ đã nói chuyện với tôi về Các Mác. Bạn tôi là Hà Huy Đỉnh đã giải thích cho họ rằng tôi là nhà báo Tây Đức. Mặt họ sầm xuống, tỏ ra nghi ngờ và e dè hơn.
Cuối cùng mọi người đã sẵn sàng, nhưng không ai trong số người này biết sử dụng máy ghi âm. Chính ủy Tùng hướng dẫn rất rõ ràng cho tôi những việc tôi phải làm: ông Minh cần phải đọc lại bản tuyên bố vào máy ghi âm của tôi, việc này được lặp đi lặp lại ba lần. Lần đầu tiên ông Minh chần chừ vì được yêu cầu phải đọc là: “Tôi, Dương Văn Minh, tổng thống chính quyền Sài Gòn”, nhưng ông ấy chỉ muốn nói: “Tôi, đại tướng Dương Văn Minh...”. Họ tranh luận qua lại và cuối cùng đi đến thỏa thuận: không nhượng bộ ông Minh. Ông Minh phải nói: “Tôi, đại tướng Dương Văn Minh, tổng thống của chính quyền Sài Gòn”. Nhưng ông Minh không đọc được bản viết tay của chính ủy Tùng và nói sai nhiều lần. Tất cả mọi thứ lại phải được đọc lại từ đầu. Cuối cùng đã xong. Ông Minh kết thúc âm giọng chính xác: “...miền Nam Việt Nam”.
Tôi cũng ghi âm lời phát biểu của ông Mẫu và ông chính ủy Tùng rồi chúng tôi đi vào phòng thu thanh. Tôi ngồi ngay trước micro và bật băng của ba bài phát biểu. Ông Minh ngồi bên tay trái tôi. Chính ủy Tùng, ông Mẫu đứng đằng sau chúng tôi. Kỹ thuật viên ngồi phía bên kia của kính ngăn yêu cầu bật máy lại, lần này để máy lại gần micro hơn và không quá to. Lúc này mọi sự đều tốt đẹp. Chính ủy Bùi Văn Tùng đã nói những gì với tôi mà tôi không hiểu. Hà Huy Đỉnh dịch lại. Tôi đã được ông cảm ơn về sự giúp đỡ của tôi và cho phép tôi chở ông về lại dinh Độc Lập trên chiếc xe jeep. Chúng tôi rời khỏi tòa nhà. Tôi ngồi sau tay lái và ông chính ủy ngồi ghế bên.
Tôi không thể nổ máy chiếc xe. Lúc ấy ông chính ủy trở nên sốt ruột và chúng tôi đã đi sang một chiếc xe khác, nơi tôi lại ngồi băng ghế sau. Chúng tôi lại đi qua những con đường của VN. Lúc ấy khoảng 2g chiều, những người lính của Mặt trận Giải phóng đã đứng gác tại tất cả các ngã tư và trên những con đường đã rất đông người. Chúng tôi đã đi mà không có bảo vệ. Sài Gòn đã chắc chắn ở trong tay của chính quyền cách mạng, không gặp sự kháng cự nào.
Tại dinh Độc Lập, tôi nhảy ra khỏi xe. Trên khuôn mặt bình thản của chính ủy Bùi Văn Tùng giấu một nụ cười. Rồi ông nói với tôi bằng một câu tiếng Đức mà ông biết: “Danke” (cảm ơn).
Hai ngày sau, ông Minh được tự do trở về nhà với vườn hoa phong lan của mình.
m5kE4CFO.jpgPhóng to
Trong ảnh, Borries Gallasch ngồi cạnh ông Dương Văn Minh để chuẩn bị ghi âm lời tuyên bố đầu hàng. Đây là bức ảnh duy nhất ghi lại thời khắc lịch sử ở Đài phát thanh Sài Gòn ngày 30-4-1975.
Tác giả bức ảnh này là nhà báo Kỳ Nhân - một nhà báo đối lập trước năm 1975, lúc đó đang cộng tác cho Hãng tin AP (Mỹ). Khi nhìn thấy bức ảnh duy nhất này, cả George Esper và Peter Arnett (phóng viên chiến trường nổi tiếng, sau này làm cho CNN) đều thảng thốt: “Tấm ảnh này sẽ đi vào lịch sử!”.
Nhà báo Kỳ Nhân đã giao phim và ảnh cho AP. Sau đó ít ngày, George Esper và Peter Arnett đã “tặng” lại cho đại diện quân giải phóng là trung úy Phùng Bá Đam (nay là đại tá). Trước khi đi học, ông Đam có bàn giao phim và ảnh lại cho bộ phận tuyên huấn của Trung đoàn 66, Sư đoàn 304.
Đón đọc hồ sơ khởi đăng số tới:
Chuyện từ làng Hạ Bình (Trung Quốc)
Ô nhiễm môi trường gia tăng, nạn tham nhũng tràn lan, thị trường bất động sản nằm ngoài tầm kiểm soát... Đó chỉ là một vài trong số những thách thức mà Trung Quốc đang đối mặt sau ba thập kỷ theo đuổi nền kinh tế thị trường. Những mảng tối đó đã được phản ánh sinh động qua loạt phóng sự của các nhà báo tờ Wall Street Journal (WSJ), giúp đem về cho họ giải thưởng báo chí quốc tế Pulitzer 2007.
Mời bạn đọc theo chân WSJ đến làng Hạ Bình, tỉnh Phúc Kiến để tìm hiểu thực hư về những ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân.
BÙI THANH

Sunday 13 April 2014

Ai lấy sự dối trá trùm lên sự thật?



Nguyễn Văn Thịnh (trong bài Lấy sự dối trá trùm lên sự thật) nêu gần một chục chứng cứ cho thấy Vụ một thiếu niên đốt kho xăng Thị Nghè vào những ngày đầu Nam bộ kháng chiến là một sự thật.

Chứng cứ được trưng dẫn đầu tiên là:

Báo Cứu quốc số 74 ra ngày 23/10/1945 (bảy ngày sau sự kiện xảy ra) đưa tin trong cuộc họp báo tại Hà Nội, Hồ Chủ tịch nói: “Sự hy sinh của đồng bào ta trong cuộc chiến đấu oanh liệt trong Nam bộ bây giờ, cái cử chỉ phi thường của một chiến sỹ tự tẩm dầu xăng vào mình để vào đốt một kho dầu của bên địch, tỏ ra rằng một dân tộc đã có tinh thần cao đến bực ấy thì không sức mạnh nào có thể đè bẹp được”.

Lời của Hồ chủ tịch không thể được xem là bằng chứng vì Người không có mặt tại chỗ khi sự việc xảy ra. Hồ chủ tịch chỉ có thể nhắc lại điều Người đã đọc ở đâu đó (báo cáo, báo chí...).


Phan Huy Lê (2009), người dám tiết lộ Nhân vật lịch sử anh hùng Lê Văn Tám hoàn toàn không có thật! cung cấp được một số tư liệu báo chí:

Tư liệu báo chí lúc bấy giờ thì tại Thư viện quốc gia Hà Nội lưu giữ được rất ít, các số báo lại không đủ. Bước đầu tôi mới tìm thấy thông tin liên quan với Kho xăng Thị Nghè bị đốt cháy trong báo Quyết chiến là “cơ quan ủng hộ chính quyền nhân dân”, tòa soạn đặt ở phố Nguyễn Tri Phương, Thuận Hóa; báo Cờ giải phóng là “cơ quan tuyên truyền cổ động trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương” và báo Thời mới do Nguyễn Văn Luận làm Chủ nhiệm; nhưng các số không liên tục, không đủ.

Báo Quyết chiến số ngày thứ sáu, ?- 10 - 1945 đưa tin dưới tít lớn Một chiến sĩ ta tẩm dầu vào mình đốt cháy kho dầu Simon Piétri với nội dung như sau: “Một gương hi sinh vô cùng dũng cảm. Một chiến sĩ ta tẩm dầu vào mình tự làm mồi lửa đã đốt được kho dầu Simon Piétri, lửa cháy luôn hai đêm hai ngày.

Đài Sài Gòn trong buổi truyền thanh tối 17 - 10 công nhận rằng kho dầu này đã hoàn toàn bị thiêu ra tro, sự thiệt hại đến mấy chục triệu đồng”.
Ngày phát hành số báo, in ngày “thứ sáu”, số ngày không rõ và có người viết thêm bút mực con số 7, tiếp theo là tháng “10 - 45”. Theo lịch năm 1945, trong tháng 10 có 3 ngày thứ sáu là ngày 12, 19 và 26. Trong bản tin có nhắc đến buổi phát thanh của Đài Sài Gòn ngày 17, vậy ngày thứ sáu của tờ báo phải sau ngày đó và có thể xác định là ngày 19 - 10 - 1945.

Báo Thời mới số 6 ngày 28 - 10 - 1945, nhân lễ khai mạc Ngày Cứu quốc do Tổng hội sinh viên cứu quốc tổ chức, đăng bài Những chuyện cảm động của dân ta trong cuộc kháng chiến ở Nam Bộ, có đoạn kể lại câu chuyện đốt kho xăng ở Sài Gòn theo lời kể của một người từ Nam Bộ ra Hà Nội ngày 21-10-1945 như sau: “Một người bạn tôi ở Nam Bộ vừa ra đây hôm hai mươi mốt kể cho tôi nghe nhiều điều tai nghe mắt thấy ở Nam Bộ để chứng cho cái tinh thần kháng chiến anh dũng đó. Thứ nhất là chuyện anh dân quân tẩm dầu vào người, đốt cháy kho ét-săng và cao su sống ở Sài Gòn.

Có người nói rằng nhà chiến sĩ tuẫn quốc này tự nguyện xin mặc áo bông giầy tẩm xăng rồi lấy lửa tự châm mình như một cây đinh liệu, xông vào kho cao su sống kia. Không phải thế. Làm thế thì cố nhiên giặc Pháp ngăn lại ngay từ khi chưa tới cửa kho.

Thực ra thì nhà chiến sĩ của chúng ta phải dùng mưu nhiều lắm. Trước khi vào, anh em mọi Pleiku của chúng ta đã phải lừa lúc giặc Pháp canh phòng không cẩn thận, trèo lên những cái cây to ở xung quanh kho cao su, bắn tên độc vào những người gác ở bốn bề. Nhà chiến sĩ, nhằm chính lúc cơ hội thuận tiện đã đến, tẩm dầu vào người, đeo súng liên thanh, bò qua tường vào trong kho cao su tìm bắn những người Pháp. Chúng bâu lại như đàn ruồi.

Chiến sĩ Việt Nam biết không thể làm hơn được nữa, bắn lia lịa vào những thùng ét-săng ở hai bên, ét-săng tràn ra cả nhà. Chiến sĩ ta châm một mồi riêm vào người, nhảy lên đám thùng rỗng, chửi rủa giặc Pháp tàn tệ.
Trong lúc đó, cả mình mẩy anh bừng bừng lên. Anh vẫn chửi rủa giặc Pháp cho đến khi gục nằm xuống như một đấng thiên thần hiện ra rồi mờ đi trong giấc mơ dữ dội. Những người đứng xa ngoài ba mươi cây số còn trông thấy ngọn lửa đám cháy này và trong hai ba ngày đêm liền, giặc Pháp và phái bộ Anh không thể nào rập tắt”.

Báo Cờ giải phóng số ra ngày 25-10-1945, đưa lên trang đầu hình ảnh một người đang bốc cháy xông về phía trước kèm theo lời “Tinh thần anh dũng của đồng bào Nam Bộ muôn năm”.

Báo Cờ giải phóng ngày 5-11-1945, trong mục Mặc niệm: "trích đăng một vài tấm gương xung phong anh dũng đã được nêu lên trên mặt báo chí miền Nam”, có đoạn đưa tin: “Trước kho đạn Thị Nghè có rất đông lính Anh, Ấn, Pháp gác nghiêm ngặt, khó bề đến gần phóng hỏa.

Một em thiếu sinh 16 tuổi, nhất định không nói tên họ, làng, tình nguyện ra lấy thân mình làm mồi dẫn hỏa. Em quấn vải quanh mình, tẩm dầu xăng, sau lưng đeo một cái mồi, đứng im đốt mồi lửa, miệng tung hô “Việt Nam vạn tuế”, chân chạy đâm sầm vào kho đạn. Lính Anh đứng trong bắn ra như mưa. Một lần trúng đạn, em ngã nhào xuống, nhưng rồi ngồi dậy chạy luồn vào.

Lính Anh khiếp đảm bỏ chạy ra ngoài. Một tiếng nổ. Em thiếu sinh tiêu tán cùng với kho đạn Thị Nghè của giặc”.
Dưới bản tin có ghi chú “Kèn gọi lính, ngày 8 - 10 - 1945”. Như vậy báo đưa tin theo tin của báo Kèn gọi lính ngày 8 - 10 - 1945 và theo đó, kho đạn bị đốt cháy phải trước ngày 8 - 10 - 1945, ít ra là ngày  7-10-1945.   

Mỗi báo làm chứng một phách. Chẳng thể biết đâu là sự thật.

Đọc báo, tin báo, thà rằng đừng đọc báo. David Marr (2013:504) cho biết rằng sau khi Nam Bộ kháng chiến bùng nổ, báo chí của ta liền ba tháng  trời chỉ đăng toàn tin chiến thắng  ở Xuân Lộc, Phan Thiết, Phan Rang và Nha Trang trong khi sự thật là quân ta không chặn được quân Pháp nống ra ; báo Cứu Quốc thậm chí còn dám đưa tin (vịt) là tướng Douglas Gracey bị lính Ấn Độ giết, tưởng như quân giặc sắp loạn đến nơi!


Nguyễn Văn Thịnh đặc biệt trọng cung hơn trọng chứng. Sau khi dựa vào uy tín của Bác Hồ, ông lại kể đủ mặt các quan chức cao cấp như Nguyễn Văn Linh, Mai Chí Thọ, Trần Văn Giàu, Trần Trọng Tân... Lời ông Trần Trọng Tân đặc biệt khôi hài ở chỗ:
Báo Sài Gòn giải phóng tháng 9/2009, ông Trần Trọng Tân – nguyên phó bí thư thành ủy TPHCM có bài viết xác minh sự việc này là có thật.

Nhưng rồi chính ông Trần Trọng Tân sau đó lại phải chống chế:

Về phần tôi, khi viết về sự kiện “Cây đuốc sống Lê Văn Tám”, tôi đã tìm hiểu từ cuốn “Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945 - 1975) của Nhà xuất bản thành phố Hồ Chí Minh, xuất bản năm 1994. Chỉ đạo nội dung cuốn sách này là Ban tổng kết chiến tranh của Thành ủy Đảng Cộng sản Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh. Chủ biên là đồng chí Trần Hải Phụng (nhiều năm làm Tư lệnh các lực lượng vũ trang của Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định) và đồng chí Lưu Phương Thanh (phụ trách nghiên cứu lịch sử Đảng). Theo sách này thì đánh kho đạn Thị Nghè có hai lần. Lần thứ nhất vào ngày 17-10-1945 và lần thứ hai vào ngày 8-4-1946.

Đoạn văn mà ông Trần Trọng Tân trích ở trang 63 của quyển “Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945 – 1975) như sau:


“Ngày 17-10-1945, tại mặt trận phía Bắc, quân ta phục kích ở cầu Tham Lương đánh lui đoàn xe của địch gồm 8 chiếc chở lính có xe thiết giáp yểm trợ, hành quân lên Hóc Môn, ta phá hủy 5 xe và diệt một số tên. 10 giờ, kho đạn Thị Nghè nổ dữ dội. Đây là kho chứa bom đạn từ bến tàu bốc lên, đặt tại khu đường Docteur Angier (nay là đường Nguyễn Bỉnh Khiêm) cạnh vườn thú, được bố trí hệ thống phòng thủ nghiêm ngặt, xung quanh kho có hào sâu, tường cao 2 mét, chăng kẽm gai và hệ thống tháp canh, có đèn quét ban đêm. Một đại đội Âu Phi thường xuyên tuần tra canh gác.

Đội viên cảm tử Lê Văn Tám mới 13 tuổi, được giao nhiệm vụ giả câu cá, cắt cỏ ở bến sông để quan sát. Đêm 17-10 (1945) Tám tự quyết định một mình đánh kho đạn, lừa bọn lính gác, lọt vào ẩn nấp bên trong với chai xăng và bao diêm. Buổi sáng, chờ lúc sơ hở, em tưới xăng vào khu vực chứa đạn và châm lửa. Lửa cháy loang, một tiếng nổ long trời, kéo theo hàng loạt tiếng nổ liên tiếp, làm rung chuyển cả thành phố. Lê Văn Tám bị dính xăng bắt lửa, tự biến mình thành cây đuốc sống, đã hy sinh anh dũng. Kho bị phá hủy hoàn toàn. Đài phát thanh phía bên kia đường bị sập một phần lớn. Đại đội Âu Phi bảo vệ bị tiêu diệt. 
Gương hy sinh của em bé “đuốc sống” trở thành một hình tượng tiêu biểu cho tinh thần yêu nước, chiến đấu quên mình của thiếu niên nhi đồng trong những ngày đầu chống Pháp”. Ngày 19-10-1945, Báo Cứu Quốc có bình luận: “Trận Thị Nghè ghi vào chiến sử Việt Nam”. Theo sách “Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945 - 1975)”, ở trang 108, thì kho đạn này còn bị đánh lần 2 vào ngày 8-4-1946 và báo Tin Điễn ra ngày 9-4-1946 đưa tin: “Một tai nạn dữ dội... Kho đạn Sài Gòn (đường Docteur Angier, tả ngạn kênh Avalanche) phát nổ. Tai nạn có thể kéo dài đến nhiều ngày”. 

Nhưng những người soạn sách không buồn ghi chú cho người đọc biết họ lấy thông tin từ đâu.


Trần Trọng Tân tiếp tục đổ lỗi cho một tư liệu khác:

Sự kiện trận đánh ngày 17-10-1945 với “Cây đuốc sống Lê Văn Tám” còn được nêu cụ thể hơn trong tập II bộ sách “Mùa thu rồi ngày hăm ba” của Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Hà Nội năm 1996, ở trang 67:

“Đêm ngày 17-10-1945, đội viên cảm tử Lê Văn Tám dũng cảm đốt kho đạn Thị Nghè (người tổ chức cho Lê Văn Tám thực hiện chiến công này là anh Lê Văn Châu đã hy sinh năm 1946 tại Ngã ba Cây Thị). Kho đạn bị phá hủy hoàn toàn.

Đài phát thanh bên kia đường bị sập một phần lớn, đại đội Âu Phi bảo vệ bị tiêu diệt… (viết theo tư liệu của Ban Tuyên huấn Quận ủy Bình Thạnh)”.
Vẫn là một tài liệu dạng nghe người ta nói, kể lại, biết vậy được Trần Trọng Tân xem như chân lý:

Với các tư liệu như đã nêu trên thì có thể khẳng định: Đánh kho đạn Thị Nghè có 2 lần vào ngày 17-10-1945 và ngày 8-4-1946; trận ngày 17-10-1945 với “Cây đuốc sống Lê Văn Tám” là có thực; Lê Văn Tám đã đốt kho đạn, không phải kho xăng; Lê Văn Tám không phải “tự tẩm xăng vào người và chạy vào đốt kho xăng” mà “đã lừa bọn lính gác, lọt vào ẩn nấp bên trong với chai xăng và bao diêm chờ lúc sơ hở, em tưới xăng vào khu vực chứa đạn và châm lửa. Lê Văn Tám bị dính xăng bắt lửa thành “cây đuốc sống”; người tổ chức, bày kế hoạch cho Lê Văn Tám làm là anh Lê Văn Châu, đã hy sinh trong trận đánh giặc Pháp ở Ngã ba Cây Thị năm 1946.

Anh Lê Văn Châu hy sinh rồi, không thể ra làm chứng cho ông Trần Trọng Tân được, thành ra ông cứ thoải mái nói kho đạn Thị Nghè nổ hai lần trong khi giặc Pháp chỉ nhận có một vụ nổ ngày 8 tháng 4 năm 1946 (Lucien Félixine, 1959:150, Goscha, 2002:43 ; Goineaud-Bérard, 2007:325).  Liên quan đến trận đánh trên, văn khố CAOM (Centre des Archives d’Outre-Mer) hiện còn lưu một bản báo cáo (Nguyễn Bình ký ngày 16 tháng 4 năm 1946) và một bức thư  (Nguyễn Bình ký ngày 19 tháng 4 năm 1946) khen đồng chí Triệu Cải, trung đội trưởng trung đội cảm tử Nam Bộ (Goscha, 2002:43). Các văn kiện trên được soạn thảo khá muộn vì vụ nổ ngày 8 tháng 4 năm 1946 kéo dài kéo dài cả tuần lễ, phá nát một nửa khu Đa Kao, khiến cho hàng ngàn người lâm cảnh không nhà không cửa, phải sống trong trại tạm cư đến 3-4 năm trời, thiệt hại tính ra tiền lên đến hàng tỉ phơ-răng (Lucien Félixine, 1959:150). Vì sao không có một thông tin nào về mức độ thiệt hại trong vụ nổ kho đạn lần trước?

Ông Trần Trọng Tân xác nhận là ngày 17 tháng 10 năm 1945 nổ kho đạn Thị Nghè (lần l). Ông Trần Văn Giàu chứng là ngày ấy tháng ấy năm ấy kho xăng (trạm xăng?) Thị Nghè bị đốt cháy. Người đọc không biết  phải tin ông nào. Riêng Nguyễn Văn Thịnh quyết định tin cả hai, có lẽ vì ông quan niệm kho hay trạm, xăng hay đạn đều không quan trọng, miễn là có xảy ra cháy nổ ở nơi ấy ngày ấy tháng ấy năm ấy.

Ông Võ Khanh Khiết (Kiết) chắc như bắp:
Bởi thế vùng này tôi rành lắm. Kho xăng Thị Nghè thực ra chỉ là một đại lý bán sỷ của hãng dầu Shell, nằm trên con rạch Văn Thánh, sát đầu cầu, gần chợ, thuyền ghe, xe tải đều ra vô được. Tôi còn nhớ rõ đó là một căn nhà thấp, nền đất, không rộng lắm, mái tôn xập xệ, vách là những tấm gỗ mảnh đóng thưa, bên trong chứa đầy chật những phuy xăng dầu dung lượng 200 lít, tới nơi sặc hơi dầu.

David Marr (2002:504) nói là ngày ấy tháng ấy năm ấy chỉ cháy mấy cái bồn đầu ở nhà máy xi măng Simon Piétri, không phải cái đại lí nào của hãng dầu Shell cả. Nguyễn Văn Thịnh vừa dẫn Võ Thanh Khiết (Kiết) xong lại dẫn luôn Dương Đình Thảo:
Cụ Dương Đình Thảo hồi đó làm Chính trị viên tiểu đoàn 924 thuộc trung đoàn 308 Nguyễn An Ninh, chiến đấu tại Sài Gòn xác nhận có vụ đánh cháy kho xăng Simon Piétry bên Khánh Hội (Quận IV ngày nay.

Rốt cục là Thị Nghè hay Khánh Hội? Shell hay Simon Piétri?


 Ông Trần Văn Giàu không biết do ai tổ chức và người nào thực hiện việc đốt kho xăng. Ông Võ Thành Khiết (Kiết) cho biết Tin tức nội bộ nói là do một thiếu niên tên Tám xung phong đánh. Ông Phan Vũ kể Những năm ở chiến trường Nam Bộ tôi có nghe chuyện một thiếu niên Sài Gòn dũng cảm xông vào đốt cháy một kho xăng. Muốn chứng minh Lê Văn Tám quả thật đã đốt kho xăng/đạn Thị Nghè/Khánh Hội ngày 17 tháng 10 năm 1945, các nhà sử học dân gian chỉ có một nguồn sử liệu duy nhất là các tin tức nội bộ, truyền miệng, đăng lên báo rồi chép lại của báo, in thành sách và chép lại của sách. Tất cả đều được coi là chứng cứ kể cả khi chứng cứ này mâu thuẫn rành rành với chứng cứ kia. Ai có gan thắc mắc thì bị coi là lấy sự dối trá trùm lên sự thật.

Saturday 12 April 2014

Trả lại sự thật hình tượng Lê Văn Tám (Phan Huy Lê - Xưa và Nay)


GS Phan Huy Lê: Trả lại sự thật hình tượng Lê Văn Tám

- "Theo quan điểm của tôi, mọi biểu tượng hay tượng đài lịch sử chỉ có sức sống bền bỉ trong lịch sử và trong lòng dân khi được xây dựng trên cơ sở khoa học khách quan, chân thực" - GS Phan Huy Lê nhấn mạnh sau khi giải thích về hình tượng nhân vật Lê Văn Tám.

GS Trần Huy Liệu căn dặn chúng tôi phải nói lại
Bấy giờ là vào đầu những năm 60 của thế kỷ trước, tôi có nhiều dịp làm việc với GS Trần Huy Liệu trong công trình khoa học do GS chủ trì và tôi được mời tham gia. Lúc đó, GS Trần Huy Liệu là Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học xã hội, kiêm Viện trưởng Viện sử học. Ngoài những buổi họp ban biên soạn ở cơ quan, tôi có một số buổi làm việc với GS tại nhà riêng.
Ngoài công việc biên soạn công trình, GS thường trao đổi một cách thân tình những vấn đề thời sự sử học trong và ngoài nước, kể lại một số chuyện trong đời hoạt động cách mạng của mình. Trong những năm 1954 - 1956, khi tôi đang học ở trường Đại học Sư phạm/văn khoa Hà Nội, GS Trần Huy Liệu có đến giảng một số bài về cách mạng Việt Nam.
Về câu chuyện Lê Văn Tám, tôi xin được tóm lược một cách đầy đủ lời kể và lời dặn của GS Trần Huy Liệu mà tôi đã lĩnh hội như sau: Nhân vụ kho xăng của địch ở Thị Nghè bị đốt cháy vào khoảng tháng 10 - 1945 và được loan tin rộng rãi trên báo chí trong nước và đài phát thanh của Pháp, đài BBC của Anh; nhưng không biết ai là người tổ chức và trực tiếp đốt kho xăng nên tôi (GS Trần Huy Liệu) đã "dựng" lên câu chuyện thiếu niên Lê Văn Tám tẩm xăng vào người rồi xông vào đốt kho xăng địch cách đấy mấy chục mét.
GS Trần Huy Liệu còn cho biết là sau khi ta phát tin này thì đài BBC đưa tin ngay, và hôm sau bình luận: Một cậu bé tẩm xăng vào người rồi tự đốt cháy thì sẽ gục ngay tại chỗ, hay nhiều lắm là chỉ lảo đảo được mấy bước, không thể chạy được mấy chục mét đến kho xăng. GS đã tự trách là vì thiếu cân nhắc về khoa học nên có chỗ chưa hợp lý. Đây là ý kiến của GS Trần Huy Liệu mà sau này tôi có trao đổi với vài bác sĩ để xác nhận thêm.
Tôi nhấn mạnh là GS Trần Huy Liệu không hề “hư cấu” sự kiện kho xăng địch ở Thị Nghè bị đốt cháy mà trên cơ sở sự kiện có thật đó, chỉ “dựng lên”, theo cách nói của GS, chuyện thiếu niên Lê Văn Tám tẩm xăng đốt cháy kho xăng địch.
GS giải thích là thời Nam Bộ kháng chiến, có bao nhiêu tấm gương hy sinh vì Tổ quốc, nhưng “dựng” chuyện thiếu niên Lê Văn Tám là nghĩ đến biểu tượng cậu bé anh hùng làng Gióng (Phù Đổng Thiên Vương), còn việc đặt tên Lê Văn Tám là vì họ Lê Văn rất phổ biến ở nước ta và Tám là nghĩ đến Cách mạng tháng Tám.
Lúc bấy giờ, GS Trần Huy Liệu đang giữ chức Bộ trưởng Bộ Thông tin tuyên truyền trong Chính phủ lâm thời, nên GS nói rõ là muốn tạo dựng nên một biểu tượng anh hùng để tuyên truyền, cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân dân ta.
Cũng xin lưu ý là GS Trần Huy Liệu giữ chức Bộ trưởng Bộ Thông tin tuyên truyền trong Chính phủ lâm thời từ ngày 28 - 8 - 1945 đến ngày 1 - 1 - 1946, rồi Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền cổ động trong Chính phủ liên hiệp lâm thời từ ngày 1 - 1 - 1946 cho đến khi thành lập Chính phủ liên hiệp kháng chiến tại kỳ họp Quốc hội ngày 2 - 3 - 1946, nghĩa là trong thời gian xảy ra sự kiện Kho xăng Thị Nghè bị đốt cháy, chứ không phải trong thời gian “1946 - 1948?” sau sự kiện trên.
Điều căn dặn của GS Trần Huy Liệu là: Sau này khi đất nước yên ổn, các anh là nhà sử học, nên nói lại giùm tôi, lỡ khi đó tôi không còn nữa. Trong câu chuyện, GS còn tiên lượng là biết đâu sau này có người đi tìm tung tích nhân vật Lê Văn Tám hay có người lại tự nhận là hậu duệ của gia đình, họ hàng người anh hùng. Đây chính là điều lắng đọng sâu nhất trong tâm trí mà tôi coi là trách nhiệm đối với GS Trần Huy Liệu đã quá cố và đối với lịch sử.
GS Trần Huy Liệu là một con người rất trung thực, không muốn để lại một sự ngộ nhận trong lịch sử do mình tạo nên trong một bối cảnh và yêu cầu bức xúc của cuộc kháng chiến và tôi lĩnh hội lời dặn của GS như một trách nhiệm phải thực hiện một cách nghiêm túc.
Tôi kể lại câu chuyện này một cách trung thực với tất cả trách nhiệm và danh dự của một công dân, một nhà sử học.
Ngày nay, từ đầu thế kỷ XXI nhìn lại, trong hoàn cảnh chiến tranh đã lùi xa vào quá khứ hơn 30 năm, đất nước đã giành lại độc lập, thống nhất, tôi xin đặt ra hai vấn đề sau đây để thế hệ chúng ta cùng bàn luận.
- Xác minh rõ sự kiện Kho xăng địch bị đốt cháy trong tháng 10-1945.
- Thái độ ứng xử đối với biểu tượng Lê Văn Tám.
Vấn đề thứ nhất là cần cố gắng sưu tầm tư liệu đáng tin cậy để xác định rõ hơn sự kiện Kho xăng địch ở Thị Nghè bị đốt cháy trong tháng 10-1945:
Tôi nói tư liệu đáng tin cậy trong trường hợp này không phải là các sách báo viết về sau này, mà là tư liệu gốc khai thác từ nhân chứng lịch sử hay những thông tin trực tiếp từ sự kiện thời bấy giờ và dĩ nhiên đều phải đối chiếu, xác minh một cách khoa học.
Nhân chứng lịch sử:
Tôi đã có dịp hỏi GS Trần Văn Giàu - lúc đó giữ chức Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Nam bộ, thì GS khẳng định có sự kiện Kho xăng địch ở Thị Nghè bị đốt cháy và trong tình hình lúc đó là do ta đốt, nhưng không biết ai tổ chức và người nào thực hiện.
Nhà cách mạng lão thành Dương Quang Đông trong hồi ký viết rằng, người đốt Kho đạn Thị Nghè ngày 1-1-1946 không phải là Lê Văn Tám mà là tổ đánh mìn của công nhân nhà máy đèn Chợ Quán (tạp chí Xưa & Nay số 154).
Tư liệu báo chí:
Tư liệu báo chí lúc bấy giờ thì tại Thư viện quốc gia Hà Nội lưu giữ được rất ít, các số báo lại không đủ. Bước đầu tôi mới tìm thấy thông tin liên quan với Kho xăng Thị Nghè bị đốt cháy trong báo Quyết chiến là “cơ quan ủng hộ chính quyền nhân dân”, tòa soạn đặt ở phố Nguyễn Tri Phương, Thuận Hóa; báo Cờ giải phóng là “cơ quan tuyên truyền cổ động trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương” và báo Thời mới do Nguyễn Văn Luận làm Chủ nhiệm; nhưng các số không liên tục, không đủ.
Báo Quyết chiến số ngày thứ sáu, ?- 10 - 1945 đưa tin dưới tít lớn Một chiến sĩ ta tẩm dầu vào mình đốt cháy kho dầu Simon Píetri với nội dung như sau: “Một gương hi sinh vô cùng dũng cảm. Một chiến sĩ ta tẩm dầu vào mình tự làm mồi lửa đã đốt được kho dầu Simon Píetri, lửa cháy luôn hai đêm hai ngày.
Đài Sài Gòn trong buổi truyền thanh tối 17 - 10 công nhận rằng kho dầu này đã hoàn toàn bị thiêu ra tro, sự thiệt hại đến mấy chục triệu đồng”.
Ngày phát hành số báo, in ngày “thứ sáu”, số ngày không rõ và có người viết thêm bút mực con số 7, tiếp theo là tháng “10 - 45”. Theo lịch năm 1945, trong tháng 10 có 3 ngày thứ sáu là ngày 12, 19 và 26. Trong bản tin có nhắc đến buổi phát thanh của Đài Sài Gòn ngày 17, vậy ngày thứ sáu của tờ báo phải sau ngày đó và có thể xác định là ngày 19 - 10 - 1945.
Báo Thời mới số 6 ngày 28 - 10 - 1945, nhân lễ khai mạc Ngày Cứu quốc do Tổng hội sinh viên cứu quốc tổ chức, đăng bài Những chuyện cảm động của dân ta trong cuộc kháng chiến ở Nam Bộ, có đoạn kể lại câu chuyện đốt kho xăng ở Sài Gòn theo lời kể của một người từ Nam Bộ ra Hà Nội ngày 21-10-1945 như sau: “Một người bạn tôi ở Nam Bộ vừa ra đây hôm hai mươi mốt kể cho tôi nghe nhiều điều tai nghe mắt thấy ở Nam Bộ để chứng cho cái tinh thần kháng chiến anh dũng đó. Thứ nhất là chuyện anh dân quân tẩm dầu vào người, đốt cháy kho ét-săng và cao su sống ở Sài Gòn.
Có người nói rằng nhà chiến sĩ tuẫn quốc này tự nguyện xin mặc áo bông giầy tẩm xăng rồi lấy lửa tự châm mình như một cây đinh liệu, xông vào kho cao su sống kia. Không phải thế. Làm thế thì cố nhiên giặc Pháp ngăn lại ngay từ khi chưa tới cửa kho.
Thực ra thì nhà chiến sĩ của chúng ta phải dùng mưu nhiều lắm. Trước khi vào, anh em mọi Pleiku của chúng ta đã phải lừa lúc giặc Pháp canh phòng không cẩn thận, trèo lên những cái cây to ở xung quanh kho cao su, bắn tên độc vào những người gác ở bốn bề. Nhà chiến sĩ, nhằm chính lúc cơ hội thuận tiện đã đến, tẩm dầu vào người, đeo súng liên thanh, bò qua tường vào trong kho cao su tìm bắn những người Pháp. Chúng bâu lại như đàn ruồi.
Chiến sĩ Việt Nam biết không thể làm hơn được nữa, bắn lia lịa vào những thùng ét-săng ở hai bên, ét-săng tràn ra cả nhà. Chiến sĩ ta châm một mồi riêm vào người, nhảy lên đám thùng rỗng, chửi rủa giặc Pháp tàn tệ.
Trong lúc đó, cả mình mẩy anh bừng bừng lên. Anh vẫn chửi rủa giặc Pháp cho đến khi gục nằm xuống như một đấng thiên thần hiện ra rồi mờ đi trong giấc mơ dữ dội. Những người đứng xa ngoài ba mươi cây số còn trông thấy ngọn lửa đám cháy này và trong hai ba ngày đêm liền, giặc Pháp và phái bộ Anh không thể nào rập tắt”.
Báo Cờ giải phóng số ra ngày 25-10-1945, đưa lên trang đầu hình ảnh một người đang bốc cháy xông về phía trước kèm theo lời “Tinh thần anh dũng của đồng bào Nam Bộ muôn năm”.
Báo Cờ giải phóng ngày 5-11-1945, trong mục Mặc niệm: "trích đăng một vài tấm gương xung phong anh dũng đã được nêu lên trên mặt báo chí miền Nam”, có đoạn đưa tin: “Trước kho đạn Thị Nghè có rất đông lính Anh, Ấn, Pháp gác nghiêm ngặt, khó bề đến gần phóng hỏa.
Một em thiếu sinh 16 tuổi, nhất định không nói tên họ, làng, tình nguyện ra lấy thân mình làm mồi dẫn hỏa. Em quấn vải quanh mình, tẩm dầu xăng, sau lưng đeo một cái mồi, đứng im đốt mồi lửa, miệng tung hô “Việt Nam vạn tuế”, chân chạy đâm sầm vào kho đạn. Lính Anh đứng trong bắn ra như mưa. Một lần trúng đạn, em ngã nhào xuống, nhưng rồi ngồi dậy chạy luồn vào.
Lính Anh khiếp đảm bỏ chạy ra ngoài. Một tiếng nổ. Em thiếu sinh tiêu tán cùng với kho đạn Thị Nghè của giặc”.
Dưới bản tin có ghi chú “Kèn gọi lính, ngày 8 - 10 - 1945”. Như vậy báo đưa tin theo tin của báo Kèn gọi lính ngày 8 - 10 - 1945 và theo đó, kho đạn bị đốt cháy phải trước ngày 8 - 10 - 1945, ít ra là ngày 7-10-1945.
Trên đây là một số thông tin lấy từ báo chí ở thời điểm gần nhất với sự kiện liên quan đến chuyện Lê Văn Tám. Tôi hi vọng là những người quan tâm đến chuyện này có thể tìm kiếm và thu thập thêm thông tin báo chí mà tôi chưa được tiếp cận.
Còn sự kiện quân ta phá nổ kho đạn của địch ở Sài Gòn ngày 8-4-1946 mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói đến trong hồi ký "Những năm tháng không thể nào quên" thuộc giai đoạn sau, không liên quan đến chuyện Lê Văn Tám.
Trong những báo trên, thông tin sớm nhất là "Kèn gọi lính" do báo Cờ giải phóng trích đăng ngày 5-11-1945. Rất tiếc là tôi không tìm thấy báo Kèn gọi lính mà căn cứ theo đoạn trích của Cờ giải phóng. Theo thông tin này thì “một em thiếu nhi 16 tuổi” đốt kho đạn Thị Nghè trước ngày 8-10-1945, chứ không phải kho xăng Thị Nghè.
Báo Quyết Chiến ngày 19? - 10 - 1945 lại đưa tin “kho dầu Simon Píetri” bị “một chiến sĩ ta” đốt cháy vào trước ngày 17 - 10 - 1945. Kho đạn ở Sở thú và kho xăng ở Thị Nghè là hai địa điểm gần nhau. Như vậy theo những thông tin gần thời điểm xảy ra sự kiện thì vẫn còn phải tìm thêm cứ liệu để xác định là kho đạn hay kho xăng và thời điểm là ngày nào, chắc hẳn trước ngày 17 - 10 - 1945.
Rồi người thực hiện là “em thiếu nhi 16 tuổi” (Kèn gọi lính) hay “một chiến sĩ ta” (Quyết chiến) hay “anh dân quân tẩm dầu vào người” (Thời mới). Việc tẩm xăng vào người, lúc đó cũng đã gây ra sự bàn luận.
Thời mới đã bác bỏ chuyện người chiến sĩ tẩm dầu vào người xông vào kho xăng vì “không phải thế, làm thế thì cố nhiên giặc Pháp ngăn lại ngay từ khi chưa tới cửa kho” và cho rằng người chiến sĩ phải “dùng mưu nhiều lắm” để lẻn vào gần kho xăng rồi mới “tẩm dầu vào người”, dùng súng bắn thủng các thùng xăng và châm diêm vào người, nhảy vào đám thùng xăng. Không biết tác giả dựa trên căn cứ nào nhưng về khách quan, cách trình bày này hợp lý hơn.
Với những thông tin đã tập hợp, tuy chưa đủ và còn một số khía cạnh chưa xác minh được (kho xăng hay kho đạn, thời điểm, người đốt) nhưng sự kiện kho xăng (hay đạn) của địch ở Thị Nghè (hay gần Thị Nghè) bị ta đốt cháy là có thật.
Ngay lúc đó, trên báo chí đã xuất hiện những thông tin khác nhau về người đốt và cách đốt kho xăng, tuy nhiên có điểm chung là gắn với hình ảnh một chiến sĩ tẩm xăng đốt cháy kho xăng địch và không có tên Lê Văn Tám hay tính danh của người chiến sĩ đã hi sinh.
Điểm lại những tư liệu đã thu thập được thì càng thấy rõ, trên cơ sở sự kiện có thật và cả dư luận về hình ảnh người chiến sĩ tẩm xăng thời đó, GS Trần Huy Liệu tạo dựng nên biểu tượng “ngọn đuốc sống” gắn với tên tuổi thiếu niên Lê Văn Tám.
Vấn đề thứ hai là cách ứng xử đối với biểu tượng “ngọn đuốc sống Lê Văn Tám”:
Trong bàn luận, cũng có người nghĩ rằng, “ngọn đuốc sống Lê Văn Tám” đã đi vào lòng dân rồi, các nhà sử học không cần xác minh nhân vật đó có thật hay không, làm ảnh hưởng tới một “biểu tượng”, một “tượng đài” yêu nước. Tôi quan niệm hoàn toàn khác.
Đối với sử học, tôn trọng sự thật, tìm ra sự thật, xác minh sự thật là một nguyên tắc cao cả thuộc về phẩm chất và chức năng của nhà sử học. Dĩ nhiên, với trách nhiệm công dân, có những sự thật trong một bối cảnh cụ thể nào đó liên quan đến bí mật quốc gia hay ảnh hưởng đến lợi ích sống còn của dân tộc, nhà sử học chưa được công bố.
Về nguyên lý, mọi kết quả nghiên cứu sử học càng khách quan và trung thực, càng có tác dụng tích cực xây dựng nhận thức lịch sử đúng đắn và không có gì mâu thuẫn với các biểu tượng lịch sử, các tượng đài yêu nước có giá trị được nhân dân tôn vinh.
Ngay đối với những biểu tượng mang tính huyền thoại, truyền thuyết như Lạc Long Quân - Âu Cơ, Con Rồng-Cháu Tiên, Phù Đổng Thiên Vương, nỏ thần An Dương Vương, vua Lê trả Gươm thần ở hồ Hoàn Kiếm..., kết quả nghiên cứu khoa học chỉ góp phần làm sáng tỏ cơ sở khoa học, cốt lõi lịch sử của biểu tượng.
Ví dụ những phát hiện khảo cổ học về đồ sắt trong văn hóa Đông Sơn, kho mũi tên đồng ở Cổ Loa và gần đây, hệ thống lò đúc mũi tên đồng ngay trong thành Nội của thành Cổ Loa, giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn cốt lõi lịch sử của hình ảnh ngựa sắt của Thánh Gióng, vai trò của nỏ thần của An Dương Vương. Chuyện vua Lê trả Gươm thần ở hồ Hoàn Kiếm vẫn nguyên giá trị thiêng liêng, không hề bị ảnh hưởng bởi việc nghiên cứu giống rùa và tuổi thọ của rùa Hồ Gươm...
Biểu tượng “ngọn đuốc sống Lê Văn Tám” thực sự đã được quảng bá rộng rãi, đi sâu vào tâm thức của nhân dân, tiêu biểu cho tinh thần hi sinh anh dũng, ý chí xả thân vì nước của quân dân ta trong buổi đầu của Nam kỳ kháng chiến. Một số đường phố, trường học, công viên hiện nay đã mang tên Lê Văn Tám. Lời dặn của GS Trần Huy Liệu là đến lúc đất nước yên ổn, cần phải nói lên sự thật về câu chuyện Lê Văn Tám.
Đó không phải là tên của nhân vật lịch sử có thật, nhưng phản ánh một sự kiện lịch sử có thật, một tinh thần hi sinh vì Tổ quốc có thật. Đó là một biểu tượng đã đi vào lịch sử mang tính phổ biến và thiêng liêng. Trả lại nguồn gốc thật của biểu tượng này là để tạo lập một nền tảng nhận thức khoa học, khách quan về quá trình hình thành biểu tượng Lê Văn Tám.
Tôi nghĩ rằng tất cả các đường phố, trường học, công viên... mang tên Lê Văn Tám vẫn để nguyên, vẫn được tôn trọng như một biểu tượng với nội dung giải thích đúng sự thật và ngăn chặn mọi ý đồ dựng lên lý lịch Lê Văn Tám như một nhân vật có thật rồi có người lại nhận là hậu duệ của nhân vật này.
Đến đây, tôi đã làm tròn trách nhiệm đối với lời dặn của cố GS Trần Huy Liệu, kèm thêm một số đề xuất để xử lý câu chuyện Lê Văn Tám. Tôi hoàn toàn không coi đấy là việc làm trái với phẩm chất trung thực hay lương tâm của nhà sử học, cũng không ảnh hưởng đến uy tín của GS Trần Huy Liệu và càng không làm đổ một biểu tượng hay tượng đài yêu nước. Tôi nhấn mạnh, theo quan điểm của tôi, mọi biểu tượng hay tượng đài lịch sử chỉ có sức sống bền bỉ trong lịch sử và trong lòng dân khi được xây dựng trên cơ sở khoa học khách quan, chân thực.
* Title do Tòa soạn đặt lại
GS Phan Huy Lê (Bài đăng trên Tạp chí Xưa&Nay số ra tháng 10 năm 2009)

Sunday 30 March 2014

Có bao nhiêu phần trăm sự thật trong bản tự khai thành tích của Hà Minh Trí (Mười Thương)?



Gần năm mươi năm sau phát súng trên cao nguyên (22-02-1957), Hà Minh Trí mới được phong anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (năm 2005). So với anh Lê Đình Chinh bị côn đồ Trung Quốc đánh chết vừa năm ngày đã lên ngay anh hùng, anh Phạm Xuân Ẩn được phong anh hùng sau ngày hòa bình chưa đến một năm (1976), Hà Minh Trí với những thành tích đặc biệt trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước như ta biết qua báo chí dăm năm gần đây, quả thật đã chịu rất nhiều thiệt thòi. 

Hồ sơ của ông Phạm Ngọc Thảo bị ngâm đến năm 1987 với lý do là để bảo vệ vợ con của Thảo ở Mỹ.
Còn ông Mười Hương thì vừa nói đến Phạm Ngọc Thảo đã khóc như một đứa trẻ. Lần đầu gặp ông, khi chúng tôi hỏi vì sao Phạm Ngọc Thảo được công nhận liệt sĩ và phong anh hùng chậm như vậy, ông nức nở: “Phong anh hùng 10 lần cho Phạm Ngọc Thảo cũng xứng đáng, nhưng chưa thể được, vì vợ con Thảo đang ở Mỹ. Khi chiếu phim Ván bài lật ngửa, tôi gọi cho ông Trần Độ (lúc ấy làm Trưởng ban Văn hóa Văn nghệ T.Ư - TN) bảo hãy cấm cái phim đó đi, đừng làm hại vợ con Phạm Ngọc Thảo”.
Hồ sơ của Hà Minh Trí cần phải che giấu điều gì cho ai mà bị ngâm gần nửa thế kỷ?

Tổng thống, đại tướng, đại tá, bí thư... gì cũng khuất núi lâu rồi. Tất cả những người có vinh dự được ông nhắc tên (có lẽ trừ Phan Trung Chánh) đều không thể lên tiếng xác nhận lời ông nói, việc ông làm. Cả những việc rất tào lao của người khác (như mật lệnh giao cho đại úy Huỳnh Minh Đường đánh bom tàu HQ-401) cũng không có cách nào kiểm chứng. Có thật Nguyễn Chữ đã chào ông là đồng chí cộng sản núp bóng Cao Đài không? Nguyễn Chữ đã bị biệt động tiêu diệt từ lâu rồi (năm 1966), nghe ông nói là theo đề xuất của ông.

Vẫn theo lời ông thì còn nhiều người khác gán cho ông tội làm cộng sản:
Vui miệng, Phan Trung Chánh kể: “Sở dĩ sau khi Diệm – Nhu đã bị giết mà anh vẫn còn bị giam, là do tụi Cần Lao Nhân Vị của Ngô Đình Nhu còn lại trong bộ máy cảnh sát, chung ém hồ sơ của anh lại, tuyên truyền anh là cộng sản và tính chuyện thủ tiêu anh”.
Như vậy sao có thể nhận định rằng ông đã thành công trong việc lừa địch?

Báo chí khen rằng loạt đạn thứ hai của Hà Minh Trí (những lời khai của ông sau khi bị bắt) làm điên đảo chính trường Sài Gòn, thay đổi lịch sử... Trên thực tế tác dụng của loạt đạn đó chậm đến mức khó hiểu.

Mai Hữu Xuân, với tư cách là người chỉ huy nha an ninh quân đội, để cho phát súng trên cao nguyên nổ ra là đủ mất đầu rồi, không cần phải đợi ai trưng ra bằng chứng cho thấy ông ta tổ chức hay dính líu với những người tổ chức vụ mưu sát. Đổ tội cho Mai Hữu Xuân là thừa. Thế nhưng đến đầu năm 1958, tức là gần một năm sau đó, Mai Hữu Xuân mới phải giao nha an ninh quân đội cho Đỗ Mậu. Ngay khi nghe Hà Minh Trí khai, Ngô Đình Nhu đã tái mặt rồi, nhưng phải cả năm sau mới cách chức Mai Hữu Xuân, phản ứng chậm chạp đến mức ngớ ngẩn.

Luật sư Nguyễn Hữu Châu, nhờ vợ là Trần Lệ Chi mật báo nguy hiểm, đã rời bỏ chức vụ Bộ trưởng trốn sang Campuchia, rồi qua Pháp. Vì sao bộ trưởng phủ tổng thống Nguyễn Hữu Châu vẫn yên tâm công tác cả năm trời sau phát súng trên cao nguyên rồi mới gặp nguy hiểm? Tài liệu dưới đây hơi dài nhưng nói có sách, mách có chứng, cho thấy Nguyễn Hữu Châu không trúng miểng đạn nào của Hà Minh Trí:
Nguyễn Hữu Châu (1920-)
 Sinh ngày 5/8/1920. 1942: Luật sư. Lấy con gái Trần Văn Chương, Lệ Chi (chị của Lệ Xuân). 6/3/1956: Ðắc cử dân biểu quận I Sài Gòn. 5/1957: Bộ trưởng Phủ Tổng Thống, Bộ trưởng Nội Vụ; tháp tùng Diệm qua Mỹ.
12/1957: Trần Thị Lệ Xuân đề xướng Luật Gia Ðình (1/59), mà có người cho là chỉ có mục đích ngăn cản cuộc ly dị của chị gái Xuân, Trần Thị Lệ Chi, ngoại tình với một người Pháp [Etienne Oggeri] nhưng vẫn ham muốn gia tài của nhà chồng, tức Luật sư Nguyễn Hữu Châu.
 25/2/1958: Nguyễn Hữu Châu gặp Ðại sứ  Durbrow, cho biết chiều đó  đã xin Diệm cho từ chức Bộ trưởng Nội vụ. Diệm cử Lâm Lễ Trinh lên thay. Lý do từ chức của Châu:
   - Cá nhân: Ly dị vợ  và rắc rối về Luật Gia Ðình.
   - Diệm đang mất dần sự  ủng hộ của dân chúng (FRUS, 1958-1960, I:15-16).
 29/3/1958: Nguyễn Hữu Châu chính thức xin từ  chức. Theo XLTV Ðại sứ Mỹ, Howard Elting, có 3 lý do khiến Châu từ chức: âm mưu trả thù việc Châu quyết định xin ly dị Lệ Chi (đang ngoại tình); âm mưu trả thù của Ðảng Cần Lao; và, phản đối một chế độ ngày thêm độc tài. (FRUS, 1958-1960, I:30) Sau đó, vượt biên qua Miên, rồi lưu vong tại Pháp.
 22/12/1958: Châu gặp nhân viên sứ quán Mỹ  tại Paris lần thứ hai.
 Khẳng định không hề là “vòng bên trong”  của gia đình họ Ngô. Anh em họ  Ngô là những người được chim bẻ ná. [once you’ve shot the bird, there no more need for the slingshot]. Từ giữa năm 1957, bắt đầu bị thất sủng. Từ tháng 7/1957, sau khi Châu muốn ly dị vợ, trở thành mục tiêu hạ nhục của Ðảng Cần Lao. Từ đầu năm 1958, mất hết quyền lực, chỉ còn là một công chức. Nguyễn Công Viên, hiện là Ðại sứ tại Ðài Bắc, bị mất chức vì chống lại việc cấp giấy phép khai thác lâm sản dài theo lộ 20, đụng chạm với tay chân Ngô Ðình Thục. Năm 1956, Hoàng Hưng, cho Châu xem văn khế mua một ngôi villa gần Sở Thú mà PTCMQG tặng cho Ngô Ðình Diệm. giá 6 triệu MK. Theo đề nghị của Châu, villa này sau đứng tên Ngô Ðình Thục. Ðể che dấu sự thực, Châu dàn xếp cho một người mang tiền từ Huế vào trả cho chủ villa người Pháp. [115] PTCMQG cũng mua tặng vợ chồng Nhu một villa trên đường Miche. Việc tu sửa nghĩa trang gia đình và dinh thự ở Huế cũng nhờ những quà tặng kiểu này. Không biết Nguyễn Văn Bửu. Theo Châu, Diệm cho phép thuộc hạ làm những điều trái đạo đức. Các đảng viên Cần Lao phải làm lễ tuyên hứa trung thành với Diệm và Nhu. Ðảng viên hành xử như do thám tại các tòa Ðại sứ, như Trung tá Trần Văn Tung ở Pháp, hay một viên chức trẻ ở Oat-shinh-tân. Tại Sài Gòn, những người có nhiệm vụ tiếp xúc với Mỹ bị bí mật theo dõi. Vì thế Châu không bao giờ dám mời Tướng Williams đến nhà. Cẩn và Nhu là những người dám móc nối CS để duy trì quyền lực. Châu không hiểu tại sao Mỹ tiếp tục đổ viện trợ vào một xứ đã sử dụng viện trợ một cách bê bối như Nam Việt Nam. (FRUS, 1958-1960, I:114-117). 
Những dòng trên đây chưa hẳn đã đúng sự thật, nhưng người viết dẫu sao cũng cố tạo ra một dáng dấp khả tín với những sự kiện có ngày tháng, tên tuổi, địa chỉ văn khố để người đọc có thể kiểm tra. Cách làm này rất khác với kiểu khai thành tích của Hà Minh Trí.


Loạt đạn thứ hai của Hà Minh Trí còn bay chậm hơn, thậm chí bắn ngược dòng thời gian trong trường hợp Dương Văn Minh. Ông Minh đã giữ chức tổng thư ký thường trực bộ quốc phòng từ năm 1956 (trước khi Hà Minh Trí bắn loạt đạn thứ nhất) đến năm 1958 (giao lại cho Dương Văn Đức), không cần đợi loạt đạn thứ hai của Trí bắn ông văng sang chức vụ đó. Trước phát súng trên cao nguyên của Hà Minh trí chưa đầy một tháng, Dương Văn Minh lại được thăng trung tướng. Tại sao Cao Đài phải bắt tay với Dương Văn Minh để mưu sát người vừa gắn thêm sao cho Dương Văn Minh?  Sau phát súng trên cao nguyên tướng Minh còn được giao bộ tư lệnh hành quân (tháng 7 năm 1957). Đến tháng 12 năm 1962 bộ tư lệnh này bị giải thể, tướng Minh lãnh chức cố vấn quân sự phủ Tổng thống. Đây mới là chức vụ ngồi chơi xơi nước. Hóa ra loạt đạn thứ hai của Hà Minh Trí lại tranh công với cục địch vận của ta:
Dương Văn Minh được ta vận động từ năm 1962, ngoài binh vận, các cánh tình báo và trí vận Sài Gòn cũng có người quan hệ. Cục Địch vận - Tổng cục Chính trị đào tạo người em ruột của Dương Văn Minh là ông Dương Thanh Nhựt (Mười Ty).
Ông Nhựt được Thường vụ Trung ương Cục, trực tiếp là Bí thư Trung ương Cục Nguyễn Văn Linh và Thường vụ Trung ương Cục Trần Nam Trung (bí danh Hai Hậu, Năm Nga) chỉ đạo tiếp cận Dương Văn Minh nhiều lần ở Sài Gòn và ở nước ngoài. 
Sau khi Ngô Đình Diệm bị lật đổ, chẳng ai buồn lôi Hà Minh Trí ra hỏi lại một câu về loạt đạn thứ hai. Thế là thế nào? Vì đó chẳng qua chỉ là một loạt đạn vu vơ. Cả những người ra lệnh cho ông bắn thêm loạt đạn đó cũng thừa biết nó vu vơ, ngây ngô, ngớ ngẩn. Lẽ ra nó không ngớ ngẩn đến thế nếu Hà Minh Trí làm đúng lời dặn của Mai Chí Thọ, tạm cho là lời dặn này có thật, là chỉ đổ tội cho một mình Mai Hữu Xuân. Nhưng ông lại khai tuốt luốt nhiều cái tên khác thành ra ai cũng lạ về chuyện một sát thủ 22 tuổi, gần như thất học lại biết nhiều đến thế. Đợi đến nửa thế kỷ sau, bằng cách tráo đầu lộn đuôi các ngày tháng, sự kiện, nhân vật... các tướng lĩnh công an của ta như Mai Chí Thọ, Cao Đăng Chiếm,  Trần Quốc Hương bỗng tạo ra sức công phá mãnh liệt cho loạt đạn thứ hai. Lúc đó đương nhiên phải phong anh hùng cho Hà Minh Trí.

Không có những thành tích vẽ vời cho loạt đạn thứ hai, hành động của Hà Minh Trí có giá trị gì không? Vẫn có.

Phiên bản chính thức hiện nay của huyền thoại Hà Minh Trí kể rằng ông nhận lệnh trực tiếp từ Mai Chí Thọ. Trên nữa là ai chúng ta chưa được biết / biết được mặc dù ta có thể thả trí tưởng tượng bay bổng đến tận xứ ủy Nam Bộ hay xa hơn nữa. Việc để Mai Chí Thọ đứng ra nhận trách nhiệm (dù hơi muộn màng) vừa để phủ nhận sạch trơn sự can dự của các thành phần khác (Cao Đài chẳng hạn) vào phát súng trên cao nguyên, vừa khéo léo nâng cao uy tín của ông Mai Chí Thọ (và những người ủng hộ ông), đã lách được lệnh cấm của trung ương, không vi phạm kỷ luật của đảng mà vẫn đấu súng được với kẻ địch. Nếu cộng sản (chưa biết là tỉnh ủy Tây Ninh hay xứ ủy Nam Bộ) có dính líu (ít nhiều khoan bàn) vào vụ mưu sát, chỉ thị bắn loạt đạn thứ hai là cần thiết và tác dụng của loạt đạn đó hoàn toàn không phải là ly gián nội bộ địch mà chỉ là bảo vệ tổ chức của ta và quan trọng hơn nữa là bảo vệ cấp trên của ta khỏi bị cấp trên nữa thi hành kỷ luật.

Nhưng muốn quy công hoàn toàn cho tổ chức của ta không phải là dễ. Ta tạm tin ông Hà Minh Trí là người rất can đảm, chịu đựng tra tấn, giữ an toàn cho cơ sở, nhưng ta không thể hiểu tại sao một người can đảm như vậy lại khai ra Mai Hữu Xuân, Dương Văn Minh và một lô một lốc các cớm kẹ khác trong khi không đưa ra bằng chứng nào về việc họ giao súng đạn cho ông, dẫn ông vào hội chợ. Chúng ta ngày nay và kẻ địch khi xưa không biết ai đưa ông vào hội chợ với một khẩu tiểu liên, mấy chục viên đạn nặng hơn 4kg và bằng cách nào. 

Ông nói mình chun lỗ chó:
Anh đi lòng vòng xung quanh tường rào hội chợ thì phát hiện một cái lỗ vừa đủ một người chui lọt nằm ngay sát trụ sở của trung đoàn 60 nên cảnh sát chủ quan không canh gác, cái lỗ này là chỗ bí mật của bọn trẻ con bán cà rem thường chui. Trí chui theo những đứa trẻ bán cà rem kia vào tới nơi thì cũng là lúc đoàn xe tháp tùng Ngô Tổng thống vào tới cổng.

Chuyện anh Trí kể hoàn toàn có thể xảy ra nhưng hình ảnh một thương gia ăn mặc bảnh bao chui lỗ chó theo bọn trẻ bán cà rem mà không gây chút nghi ngờ gì cho ai thì lực lượng bảo vệ của địch quả là rất kém. Có điều nếu ngày hôm đó Trời Phật không phù hộ Hà Minh Trí tìm ra cái lỗ đó thì tráng sĩ Kinh Kha ra về tay không à? Để cho kế hoạch có chút khả năng tối thiểu, ông phải tìm cho ra một cái lỗ như vậy, thậm chí là hai, ba cái trong quá trình chuẩn bị mục tiêu, như ta có thể đọc được ở một lần kể chuyện khác:
Quá trình điều tra, nắm tình hình, ông phát hiện khu vực hàng rào hội chợ giáp với Trung đoàn 60 có 2 lỗ hở có thể chui vào được. 
Ai đã trổ sẵn (những) cái lỗ đó? Hay (những) cái lỗ đó chỉ tình cờ được phát hiện năm mươi năm sau để khỏi phải trả công cho (những) người đã đưa sát thủ và súng đạn vào tận nơi, đứng ngay trước mặt tổng thống, đàng hoàng ngắm bắn? Hai trung sĩ trung đoàn 60 từng quen biết với ông hồi ở lính Cao Đài đâu rồi? Họ tên gì?

Có chỗ thì Hà Minh Trí (tức Đinh Dũng) kể:
Một thuận lợi là Trung đoàn 60 bảo vệ Diệm vòng ngoài trong đó có rất nhiều lính Cao Đài sáp nhập vào. Chính nhờ những cơ sở này mà Đinh Dũng đã mang được súng vào tận vòng trong.
Chỗ khác lại kể:
Nhờ một người quen từng là lính Cao Đài tham gia Trung đoàn 60 bảo vệ hội chợ, Đinh Dũng đã nắm khá đầy đủ các chi tiết liên quan tới hội chợ, kể cả kế hoạch bảo vệ Ngô Đình Diệm và các quan chức trong lễ khai mạc. Cũng nhờ người quen này, Đinh Dũng đã mang được súng vào tận sân lễ, mặc dù ban tổ chức chỉ cho phép các quan chức, chính quyền sở tại cùng một ít thương gia tham dự lễ khai mạc, sau đó hội chợ mới chính thức mở cửa cho dân vào tham quan.

Đoạn này lại càng khác biệt rõ rệt với chuyện cái lỗ và bọn trẻ bán cà rem:
Người quen là lính Trung đoàn 60 bảo vệ hội chợ đã đón Hà Minh Trí tại cổng hội chợ và người thương gia Tây Ninh đã không mấy khó khăn qua được vòng bảo vệ bên ngoài, rồi vòng bảo vệ bên trong, có mặt tại sân lễ bên cạnh những quan chức, giới thương gia và dày đặc lực lượng quân cảnh bảo vệ.

Chuyện cái lỗ và bọn trẻ bán cà rem lại mâu thuẫn với việc cấp trên không cho ông dùng lựu đạn:
Khi lập kế hoạch, ông đã đề xuất sử dụng lựu đạn nhưng cấp trên kiên quyết không đồng ý vì sợ sát thương người dân vô tội, mặc dù, ông khẳng định rằng, khi khai mạc hội chợ, người dân chưa được phép vào sân lễ mà chỉ có lực lượng cán bộ của chính quyền Diệm. Rất lâu sau này, ông Mười Thương mới hiểu lý do cấp trên không cho sử dụng lựu đạn, vì thời điểm ấy, lúc nào bên cạnh Diệm cũng có một sĩ quan tham  mưu Biệt bộ Phủ tổng thống kè sát. Đó là ông Phạm Ngọc Thảo, một tình báo của ta cấy vào hàng ngũ địch. Nếu sử dụng lựu đạn thì Diệm chết chắc nhưng ông Phạm Ngọc Thảo cũng sẽ hy sinh.

Câu chuyện này thật thà, ngây ngô, hoàn toàn bất lợi cho hình ảnh của cách mạng. Mạng của dân quý hơn hay mạng của ông Thảo quý hơn? Mạng của ông Trí không quý bằng mạng của ông Thảo ư? Tại sao ta sẵn sàng thí mạng ông Trí mà không chấp nhận được việc ông Thảo hy sinh? Đổi thêm một mạng nữa để giết được một kẻ thù như ông Diệm không phải là lãi to sao? Mạng của ông Thảo (và mạng của dân) quý thế, tại sao mấy năm sau (ngày 26/11/1961) tỉnh ủy Kiến Hòa lại thảy lựu đạn toan giết ông (có cả dân thường ở đó)?
Vậy thật ra ai là người đáng được bảo toàn mạng sống trong ngày 22-02-1957 đó? Vợ con của lính Cao Đài ? Bản thân những người lính Cao Đài có mặt trong buổi lễ đó không? Trong số quan chức tháp tùng Ngô Đình Diệm, còn ai (không kể Phạm Ngọc Thảo) ăn ở hai lòng?

Kế hoạch ám sát tưởng như không hoàn hảo (vì khả năng tiêu diệt mục tiêu gần như bằng không) quả thật là một kế hoạch không hoàn hảo chút nào (vì mục tiêu không bị diệt, sát thủ bị bắt, có nguy cơ làm lộ tổ chức), nói trắng ra là thất bại. Nếu những người cộng sản ở miền Nam có dự phần trong kế hoạch này, ta gần như có thể chắc chắn rằng họ không nắm được / được nắm toàn bộ các khâu chủ trương, thiết kế, tổ chức và thi hành kế hoạch. Suốt một thời gian dài họ chẳng mặn mà gì với ý tưởng nhận trách nhiệm hoàn toàn về vụ ám sát đó, để cho Cao Đài gánh mọi điều tiếng. Cho đến một ngày:

Nhận định về giá trị của phát súng và lời khai đó đối với lịch sử của đất nước, năm 1992, tại TP HCM, Viện Khoa học Lịch sử Bộ Công an và một số tướng lĩnh nguyên lãnh đạo Ban Địch tình Xứ ủy như đồng chí Mai Chí Thọ, Cao Đăng Chiếm, Trần Quốc Hương, Ngô Quang Nghĩa, Nguyễn Thành Dương đã tổ chức kết luận: "Viên đạn nóng diệt Diệm tại Ban Mê Thuột tuy không trúng Diệm nhưng có tác dụng làm phát pháo kích thích phong trào quần chúng đấu tranh chống Mỹ - Diệm sau một thời gian trầm lắng. Tác dụng của lời khai đã tạo thành kết quả, dẫn đến nội bộ địch mâu thuẫn kéo dài tạo cơ hội nổ ra cuộc đảo chính và Diệm - Nhu bị giết chết, đầu não của ngụy quyền tay sai của Mỹ ở miền Nam bị khủng hoảng tạo lợi thế cho phong trào cách mạng, góp phần dẫn đến thắng lợi 1975, thống nhất đất nước"

Sau đó huyền thoại Mười Thương / Hà Minh Trí được cấp tốcdựng lên cho phù hợp với nhận định trên. Các nhà khoa học lịch sử công an vội đến nỗi không kịp đọc lại những gì họ viết.

Wednesday 26 March 2014

Gặp người tử tù mưu sát Tổng Thống Ngô Đình Diệm ở Hội Chợ Tết Ban Me Thuột năm 1957 (Trúc Giang MN - Nam Úc Tuần Báo)

Gặp người tử tù mưu sát Tổng Thống Ngô Đình Diệm ở Hội Chợ Tết Ban Me Thuột năm 1957Trúc Giang MN


x...



x...


1* Mở bài
Thời gian 1957, tổng thống Ngô Đình Diệm được suy tôn là một nhà chí sĩ yêu nước, người đã thành lập nước Việt Nam Cộng Hoà. Miền Nam sống trong thời thái bình, là điều kiện để nước Việt Nam Công Hòa non trẻ phát triển về mọi mặt.
Tin tức về ngưới ám sát tổng thống Diệm ở Ban Mê Thuột đã gây chấn động trong quần chúng.
Năm 1963, nhóm bạn trẻ chúng tôi đang sống và làm việc tại tỉnh Côn Sơn, rất nôn nao trước tin tức những chính khách tham gia đảo chánh ngày 11-11-1960 và người mưu sát tổng thống Diệm đã được đưa ra trại tù Côn Đảo. Nôn nao muốn được gặp mặt để thấy rõ hình dung của những chính khách đã từng được báo chí nhắc đến, đồng thời tìm hiểu thêm tin tức của người trong cuộc. Riêng đối với tử tù đã ám sát ông Diệm, câu hỏi mà chúng tôi cần có câu trả lời, anh ta là người quốc gia hay Cộng Sản?

2* Gặp người tử tù đã mưu sát tổng thống Ngô Đình Diệm
Chúng tôi muốn gặp phạm nhân mang án tử hình tên Hà Minh Trí nhưng quy định của nhà tù Côn Đảo cấm quân nhân và công chức tiếp xúc với phạm nhân, nhất là đối với tù Cộng Sản.
Người bạn của tôi, anh Nguyễn Văn Sáu, được gọi là Sáu Y Tế, vì anh là nhân viên của ty Y Tế Côn Sơn, đã có cơ hội gặp Hà Minh Trí nhiều lần.
Ty Y Tế Côn Sơn, ngoài việc chăm sóc sức sức khỏe cho công chức và quân nhân cùng gia đình của họ, còn chăm sóc sức khỏe cho tù nhân ở các trung tâm trong nhà tù Côn Đảo.
Anh Sáu thuật lại: “Hà Minh Trí là một thanh niên khoẻ mạnh, mặt mày sáng sủa dễ coi, ăn nói khá hoạt bác. Khi tôi đến gặp anh ở bàn làm việc bên ngoài chuồng cọp, anh khai bịnh: hai mắt bị mờ, nướu răng chảy máu. Đó là tình trạng thiếu dinh dưỡng. Tôi cho anh vitamine C, vitamine A&D và đa sinh tố deficiency.
Hà Minh Trí yêu cầu tôi giữ anh ta ở lại bàn làm việc càng lâu càng tốt, vì anh ta muốn hít thở không khí và tiếp nhận ánh sáng bên ngoài một thời gian lâu dài trước khi trở lại chuồng cọp.
Tôi chưa thể hiện sự chấp thuận, bèn hỏi: “Tôi thành thật hỏi anh, và cũng yêu cầu anh trả lời thành thật, anh là người quốc gia hay là người của phía bên kia?. Đối với tôi, anh là một bịnh nhân cũng như những bịnh nhân khác. Anh vi phạm luật pháp quốc gia và anh đã bị luật pháp trừng phạt, tôi không can dự vào việc đó. Tôi cũng không đưa khuynh hướng chính trị vào việc cho thuốc chữa trị người bịnh”.
Anh Sáu cho biết, Hà Minh Trí một mực khẳng định anh ta là lính Cao Đài trong Lực Lượng Bảo Vệ Toà Thánh Tây Ninh, và sau đó được cử làm phó trưởng ty Thông Tin VNCH ở Tây Ninh.
Những lần sau đó anh Sáu đã dành nhiều thời gian ở ngoài chuồng cọp cho Hà Minh Trí.
Sau ngày 1-11-1963, Hội Đồng Tướng Lãnh tuyên bố thả tù chính trị trong vụ đảo chánh hụt của đại tá Nguyễn Chánh Thi và trung tá Vương Văn Đông ngày 11-11-1960, trong đó có Hà Minh Trí. Trong thời gian chờ tàu từ Sài Gòn ra đưa về đất liền, thì Hà Minh Trí được ra khỏi nhà giam và có đến ty Y Tế cám ơn anh Sáu.

3* Vụ mưu sát tổng thống Ngô Đình Diệm ở hội chợ Ban Mê Thuột năm 1957
3.1. Hội chợ Tết Ban Mê Thuột năm 1957
Ban Mê Thuột tiếng Ê Đê gọi là Buon Ama Y-Thuot.
Cao nguyên Trung phần Việt Nam là vùng đất mầu mỡ chưa được khai phá, có tiềm năng rất lớn về kinh tế, hơn nữa cao nguyên giữ vị trí chiến lược quan trọng đối với miền Nam VN.
Nhiều bộ tộc thiểu số chưa phát triển cho nên vùng cao nguyên được tổng thống Ngô Đình Diệm quan tâm mở mang.
Hội chợ Tết Ban Mê Thuột năm 1957 nhằm mục đích triển lãm những máy móc phục vụ cho nông và lâm nghiệp, để đồng bào địa phương áp dụng cơ giới vào nông, lâm nghiệp, đồng thời giới thiệu những sản phẩm là thành tựu của việc phát triển cao nguyên.
Hội chợ Tết Ban Mê Thuột là một sự kiện quốc gia ở miền Trung, cho nên các địa phương nổ lực chuẩn và thực hiện rất chu đáo. Bộ Cải Cách Điền Địa, Phủ Tổng Ủy Dinh Điền, Tư lệnh Quân khu 2 và các tỉnh trưởng Darlac, Pleiku, Kontum, Phú Bổn, Lâm Đồng, Tuyên Đức... tích cực góp phần tổ chức hội chợ, được đặt cái tên là “Hội chợ kinh tế đoàn kết Kinh-Thượng”.

3.2. Lễ khai mạc


x... 



x...

Lễ khai mạc hội chợ Tết được tổ chức vào lúc 9 giờ sáng ngày 22-2-1957 tại Ban Mê Thuột, dưới sự chủ tọa của tổng thống Ngô Đình Diệm, thành phầm tham dự gồm các bộ trưởng và đại diện ngoại giao.

“Khán đài” là những hàng ghế đặt trên mặt đất ở giữa trời, có chiếc dù to che nắng. Tổng thống Diệm mặc quốc phục, áo dài đen, quần trắng, đầu bịt khăn đóng, ngồi trên chiếc ghế bành duy nhất ở giữa, những chiếc còn lại là ghế ngồi thường, chân gỗ.
Tổng thống Diệm ngồi giữa, bên trái ông là Tổng Giám mục Ngô Đình Thục, kế đến là bà Nhu và ông Nhu, quan khách.
Quan khách tham dự rất đông, là những thành viên chính phủ, chỉ huy quân đội, thân hào nhân sĩ trung ương và địa phương, đại diện các sắc tộc người Thượng.
Trước hàng ghế chủ tọa và quan khách là một cái sân rộng để trình diễn văn nghệ và biểu diễn của đàn voi cao nguyên. Trước mặt tổng thống có một hàng những bình rượu cần của người Thượng để chiêu đãi quan khách.
Bên kia sân, đối diện với hàng ghế chủ tọa, là đồng bào tham dự, gồm các già làng, đại diện các sắc tộc, công chức và học sinh cùng quần chúng rất đông đảo vì đây là một sự kiện quốc gia có ảnh hưởng đến nhiều tỉnh trên cao nguyên.
Hai bên là đàn voi và những thiếu nữ sắc tộc chờ trình diễn ca múa văn nghệ địa phương.

3.3. Phát súng ám sát tổng thống Ngô Đình Diệm


x... 

Hà Minh Trí bị bắt ngay tại trận


x...

MAT-49 (sẽ được cắt bán và nòng)

Sau khi chủ tọa và quan khách đã ổn định vị trí và an tọa, lễ chào cờ bắt đầu. Khi bài quốc ca vang lên thì bổng nhiên có hai tiếng súng nổ. Bộ trưởng Cải Cách Điền Địa bị trúng đạn, ngã xuống.
Hung thủ bị nhân viên an ninh khống chế và bắt ngay tại trận. Đó là Hà Minh Trí, 22 tuổi, trà trộn trong dân chúng dự lễ đã dùng súng tiểu liên MAT-49 mưu sát tổng thống. Hung thủ mặc sơ mi trắng, áo vét bên ngoài, thắt và vạt, khai là súng bị kẹt đạn nên chỉ bắn được có hai phát.
Sau đó, chương trình hội chợ tiến hành như đã định, tổng thống và quan khách đi thăm các gian hàng.
“Tiếng súng cao nguyên” mở đầu cho cuộc đời tù tội của Hà Minh Trí. Hung thủ bị kết án tử hình nhưng chưa thi hành bản án, và sau đó bị đày ra Côn Đảo. Nhà tù Côn Đảo giam giữ hàng trăm tù bị kết án tử hình.
Trong khi ám sát tổng thống Diệm thì Hà Minh Trí không còn ở trong Lực Lượng Bảo Vệ Toà Thánh Tây Ninh của Cao Đài, mà đã thoát ly ra căn cứ kháng chiến. Tài liệu ghi như sau: “Chỉ trong nửa tháng, Hà Minh Trí đã có ba chuyến đi giữa Sài Gòn và Buôn Ma Thuột, thám sát địa thế để thiết lập kế hoạch hành động”. Đó là lý do mà sau ngày 1-11-1963, đệ nhất Cộng Hoà bị sụp đổ, Hà Minh Trí bị giữ lại để điều tra, mà không được phóng thích cùng với nhóm đảo chánh hụt ngày 11-11-1960 do đại tá Nguyễn Chánh Thi và Trung tá Vương Văn Đông chủ trương.

4* Tiểu sử Hà Minh Trí


x...



x...


Hà Minh Trí (tên khai sanh là Phan Văn Điền) sinh ngày 18-8-1935 tại xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Cha chết năm 1940. Mẹ lấy chồng khác bỏ cậu bé Hà Minh Trí cho bà nội nuôi dưỡng. Nạn đói năm Ất Dậu 1945 đã xô cậu bé 10 tuổi với bà nội mù lòa đi làm ăn mày dọc theo ven quốc lộ 1 A, thuộc huyện Diễn Châu (Nghệ An). Một chiếc xe nhà binh Nhật chạy ngang đã bắt cậu bé ăn xin nầy vào tận thành phố biển Vủng Tàu để làm chân giữ ngựa cho sĩ quan Nhật.
Khi Nhật bại trận, cậu bé làm phụ việc trong một quán ăn mà ông chủ là một cán bộ Việt Minh, ông đã nhận cậu làm con nuôi và đặt cho cái tên mới là Đinh Văn Phú. Năm 13 tuổi, Hà Minh Trí được cử vào đội Biệt Động tỉnh N2. Sau đó, bị Tây và Cao Đài bắt đưa về Tây Ninh.
Giữa năm 1953, do bị theo dõi gắt nên Hà Minh Trí rút vào căn cứ kháng chiến.
Từ mật khu, lên Ban Mê Thuột ám sát tổng thống Ngô Đình Diệm, bị bắt đưa về Sài Gòn rồi đày đi Côn Đảo. Được phóng thích, ra căn cứ Củ Chi, ôm trọn trái bom Mỹ nhưng bom không nổ, trở thành thương binh, gãy chân trái, rồi sau năm 1975 về sống ở Tây Ninh được phong chức đại tá và danh hiệu “Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân”.

5* Con đường hoạt động của Hà Minh Trí
5.1. Năm mười ba tuổi biết ném lựu đạn khủng bố
Năm 1948, (13 tuổi) được đưa vào đội Biệt Động N2, tỉnh Bà Rịa-Vủng Tàu. nhiệm vụ ám sát những người làm việc cho Tây, Việt gian, phản động. Thành tích lẫy lừng, trích: “gây kinh hoàng cho bọn Pháp bằng những trận xuất quỷ nhập thần là ném lựu đạn vào các vũ trường và quán bar” (hết trích)
5.2. Hà Minh Trí bị bắt đưa về Tây Ninh và theo đạo Cao Đài
Cũng năm 13 tuổi, Hà Minh Trí được giao nhiệm vụ làm giao liên giữa Ủy ban kháng chiến Bà Rịa với thiếu úy trưởng đồn Cao Đài ở Bờ Đập.
Trưởng ban kháng chiến Hứa Văn Lến và trưởng ban quân báo Nguyễn Văn Bản giao nhiệm vụ đặc biệt cho Hà Minh Trí, vào đồn Cao Đài ở ngã ba Bờ Đập (nằm giữa ba xã Long Tân, Long Mỹ và Phước Hải thuộc huyện Đất Đỏ tỉnh Bà Rịa), do thiếu úy Cao Đài Phạm Ngọc Chẩn, đã chấp thuận kéo hết đại đội Cao Đài ra bưng theo Việt Minh.
Ngoài ra, Hà Minh Trí còn nhiệm vụ điều tra và vẽ bản đồ các đồn Cao Đài chung quanh đồn Bờ Đập, như các đồn Phước Hà, Nước Ngọt và đồn ngã ba Lò Vôi, để Việt Minh tấn công tiêu diệt sau khi Cao Đài Bờ Đập ra chiến khu theo Việt Minh.
Trong thời gian hai tháng ở trong đồn, tên đồn phó sanh nghi, theo dõi và mật báo cho phòng nhì Pháp ở Bà Rịa. Pháp báo về Bộ Tổng Tham mưu Cao Đài ở Tây Ninh, thế là thiếu úy Phạm Ngọc Chẩn và Hà Minh Trí bị bắt giải về Tây Ninh.
Sau hơn một tháng điều tra, Hà Minh Trí một mực khai rằng: “Trẻ mồ côi. Ở đợ chăn trâu gần đồn. Ông Chẩn dẫn quân đi tuần bắt đem về đồn. Biết tôi là trẻ mồ côi nên giữ lại trong đồn làm tạp dịch, phục vụ bưng trà nước và giặt quần áo cho ông”.
Phần thiếu úy Chẩn, vẫn một mực khai rằng: “Tên đồn phó tham ô nên bị kỷ luật, từ đó sanh ra thù oán, bịa chuyện báo cáo cho Tây, chớ gia đình tôi là đạo dòng (cha mẹ đều là Lễ sanh), anh ruột là trung tá Phạm Ngọc Trấn, tư lịnh Cao Đài miền Tây, thì làm sao tôi theo Việt Minh cho được”.
Sự việc do Tây báo cáo, căn cứ vào báo cáo của tên đồn phó, nên khó tìm chứng cớ. May mắn là trung tá Phạm Ngọc Trấn, anh ruột của Phạm Ngọc Chẩn, vốn là thầy học cũ của Trịnh Minh Thế, tư lịnh Cao Đài miền Đông, nên cả hai Chẩn và Trí được thả ra. Từ đó, Hà Minh Trí sống trong gia đình sĩ quan cao cấp Cao Đài và Trí cũng theo đạo Cao Đài.
Giữa năm 1953, bị nghi ngờ và theo dõi nên Hà Minh Trí rút ra bưng. Năm 1954 không tập kết ra Bắc, ở lại nằm vùng trong căn cứ, là đội trưởng đội ám sát mà mục tiêu là tổng thống Ngô Đình Diệm.
5.3. Âm mưu ám sát Ngô Đình Diệm ở Tây Ninh năm 1956.
Tài liệu Việt Cộng ghi như sau: “Mười Trí đeo ông Diệm từ toà thánh Tây Ninh, đến nhà thờ Đức Bà (Sài Gòn) và đến Buôn Ma Thuột”.
Năm 1956, Hà Minh Trí được trưởng ban địch tình tỉnh Tây Ninh là Lâm Kiểm Xếp (Năm Xếp) giao nhiệm vụ ám sát Tổng thống Diệm khi ông lên Tòa Thánh Tây Ninh vào ngày 20-10-1956 để ký thỏa ước Bính Thân với Cao Đài.
Do không nắm rõ chi tiết nên việc mưu sát không thực hiện được.
5.4. Âm mưu ám sát Tổng thống Diệm trong đêm Giáng Sinh năm 1956.
Căn cứ vào thói quen là cứ vào lúc 12 giờ đêm 24 tháng 12 thì Tổng thống Diệm thường đến nhà thờ Đức Bà (Sài Gòn) dự lễ Mừng Chúa Giáng Sinh. Việt Cộng quyết định ám sát ông Diệm.
Đêm Noel 1956, Hà Minh Trí được Lê Văn Của đưa vào bên trong nhà thờ. Bên ngoài, hai Việt Cộng Phan Văn Phát và Nguyễn Văn Tám đứng ở nơi có bình biến điện, khi nghe súng nổ thì cúp điện và ném lựu đạn gây hỗn loạn để tẩu thoát.
Đến 12 giờ. Lễ bắt đầu nhưng không thấy ông Diệm ở đâu cả. Qua hôm sau, đọc báo mới biết tổng thống đến cầu nguyện với giáo dân tại khu trù mật Đức Huệ, tỉnh Tân An.
Năm 1957, ám sát tổng thổng Ngô Đình Diệm ở hội chợ Ban Mê Thuột, bị bắt giải về Sài Gòn.
Từ 1957 đến 1965, bị giam giữ và kết án tử hình đày đi Côn đảo ngày 31-7-1963.
Ngày 10-3-1965 được quốc trưởng Phan Khắc Sửu phóng thích.
Ngày 13-3-1965, thoát ly ra căn cứ Củ Chi, Sài Gòn.
Tháng 4 năm 1965, công tác tại ban An Ninh T.4 khu Sài Gòn-Gia Định.
Năm 1989, giữ chức Phó ban Nội chính Tây Ninh. Năm 1992, Trưởng ban Tôn giáo Tây Ninh.
6* Cuộc đời tù tội của Hà Minh Trí
Cuộc đời tù tội của Hà Minh Trí bắt đầu từ trại giam của ty cảnh sát Ban Mê Thuột, đến trại P-42 trong sở thú (Sài Gòn), ra trung tâm thẩm vấn của Tổng Nha Cảnh Sát, khám Chí Hòa, rồi ra Côn Đảo.
6.1. Một mực cung khai
“Chính đại tá Phạm Ngọc Thảo đã trực tiếp thẩm vấn tôi trước mặt bác sĩ Trần Kim Tuyến và ông Ngô Đình Nhu”, Hà Minh Trí thuật tiếp: “Tôi là lính Cao Đài thuộc Lực Lượng Bảo Vệ Tòa Thánh Tây Ninh. Tôi ám sát Ngô Đình Diệm để trả thù cho thủ lãnh Cao Đài là Hộ Pháp Phạm Công Tắc, bị đàn áp cho nên phải chạy sang lánh nạn bên Cam Bốt, tôi cũng trả thù cho chủ tướng là Trịnh Minh Thế đã bị ông Nhu giết chết”. Hà Minh Trí khai như thế.


x...



x...

Tòa Thánh tại Tây Ninh

6.2. “Dùng kế ly gián làm đảo điên chính trường Sài Gòn”
Việt Cộng và báo chí nhà nước thường hay cường điệu hóa, thần tượng hóa những hành động gián điệp của bọn nằm vùng ở Việt Nam Cộng Hoà để tuyên truyền về tài năng của đảng CSVN.
Hà Minh Trí cho biết, “do sự chỉ đạo của đồng chí Mai Chí Thọ, phải dùng kế ly gián, nên tôi đã một mực khai báo như sau: “Tôi hành động (ám sát ông Diệm) theo chỉ thị của Dương Văn Minh và Mai Hữu Xuân”. Vừa nghe tôi trả lời như thế thì Ngô Đình Nhu tái mặt, ra lịnh cho ngừng ngay cuộc thẩm vấn và yêu cầu những người có mặt phải giữ kín cuộc thẩm vấn nầy. Lời khai vô cùng nghiêm trọng đối với hai ông Diệm Nhu”. (ngưng trích)
Theo tài liệu của Việt Cộng thì sau lời khai của Hà Minh Trí, thiếu tướng Mai Hữu Xuân, Giám đốc Nha An Ninh Quân Đội, và trung tướng Dương Văn Minh, Tư lịnh Biệt khu Thủ Đô, kiêm Tổng trấn Sài Gòn Gia Định, bị cho ra rìa. Nhiều tướng lãnh thân Pháp có liên hệ đến hai ông Minh và Xuân cũng chịu chung số phận.
Nội bộ chính quyền miền Nam phân hóa sâu sắc và nghi kỵ lẫn nhau. Tài liệu VC kết luận: “Kế ly gián của Hà Minh Trí đã làm đảo điên chính quyền Sài Gòn”.
6.3. Kế ly gián tào lao và vô lý
Hà Minh Trí và Việt Cộng cường điệu hóa bịa chuyện vô lý để tự hào về kế ly gián của họ, cho rằng: “Kế ly gián của Hà Minh Trí làm đảo điên chính quyền Sài Gòn”.
Hà Minh Trí khai rằng chính Dương Văn Minh và Mai Hữu Xuân chỉ đạo cho hắn ám sát ông Diệm.
Tào lao và ba xạo ở chỗ nầy.
Theo tiểu sử tự khai và tài liệu của VC, thì năm 1954, Hà Minh Trí không tập kết ra Bắc, mà ở lại hoạt động trong mật khu, không còn ở trong Lực Lượng Bảo Vệ Tòa Thánh Tây Ninh của Cao Đài nữa.
1). Và Hà Minh Trí cũng không có một dấu vết nào cho biết đương sự có liên hệ với Dương Văn Minh và Mai Hữu Xuân cả. Nếu Dương Văn Minh và Mai Hữu Xuân muốn giết ông Diệm thì phải chọn người đáng tin cậy trong đám thuộc hạ của mình, cớ sao mà phải lặn lội vào mật khu bàn thảo kế họach với một tên Việt Cộng, ở đợ chăn trâu cà lơ phất phơ như Hà Minh Trí để ám sát ông Diệm? Vô lý!
2). Hà Minh Trí nói tầm bậy mà báo chí vẫn loan tin. Trích: “Vừa nghe tôi trả lời như thế thì Ngô Đình Nhu tái mặt và ra lịnh cho ngưng ngay cuộc thẩm vấn”.
- Ngô Đình Nhu đâu có phải là đứa con nít, mà khi nghe như thế thì tái mặt và và tin tưởng ngay, nên ra lịnh cho ngưng ngay cuộc thẩm vấn. Trái lại, với một nhân viên thẩm vấn bình thường, khi nghe như thế thì cương quyết tiếp tục thẩm vấn cho đến cùng để moi ra tất cả những tin tức làm tài liệu và làm bằng chứng. Người điều tra ít khi vội vã tin ngay những lời khai của can phạm, vì có ai “chịu cha ăn cướp bao giờ đâu?. Bị bắt quả tang, có chứng cớ rành rành mà còn chối leo lẻo là chuyện thường xảy ra.
6.4. Trại giam P-42 trong Sở Thú Sài Gòn
Báo chí mô tả P-42 là một cái hầm bí mật trong Sở thú Sài Gòn mà tù nhân gọi là địa ngục trần gian, thật ra, nó là một biệt thự thuộc bộ Canh Nông nằm bên trong thảo cầm viên (Sở thú). Không ai ngờ rằng ngôi biệt thự nằm công khai giữa nơi dân chúng tấp nập qua lại hàng ngày lại là nơi giam giữ can phạm chính trị đặc biệt.
Từ năm 1956 đến 1960, ngôi biệt thự nầy trở thành phòng điều tra của Sở Nghiên Cứu Chính Trị Xã Hội (Sở mật vụ) do bác sĩ Trần Kim Tuyến phụ trách. Có thể bên trong toà nhà có những hầm để che giấu các hoạt động thẩm vấn và giam giữ can phạm.
6.5. Hà Minh Trí sống an nhàn ở trại P-42
Hà Minh Trí thuật lại: “Sau khi kết thúc phần thẩm vấn, tôi bị giam giữ ở Sở thú một năm rưởi. Thời gian nầy bọn chúng không thèm đếm xỉa gì đến tôi nữa. Tuy nhàn nhã với hai bữa cơm lưng lửng dạ dày mỗi ngày, nhưng tôi buồn thúi ruột vì không có ai để trò chuyện. Tôi giải khuây bằng cách hát. Tôi hát say sưa những ca khúc “kháng chiến”. Hát chán chê, tôi tập Yoga”.
6.6. Bài thơ “Lao Trung Lãnh Vận” của Trần Văn Hương
Nhà văn Hoàng Hải Thủy thuật lại câu chuyện của cố tổng thống Trần Văn Hương, nói về người tù Hà Minh Trí như sau: “Bị giam vào lao ít lâu, thường đêm lúc 9, 10 giờ, nghe có tiếng người ca hát văng vẳng từ xa đưa đến, giọng vô củng buồn thảm, như hờn, như oán, như khóc, như than. Ai nghe cũng đau lòng đứt ruột. Ban đầu ngỡ đó là tiếng hát của mấy ông lính canh, sau nghe kỹ lại thì đó là tiếng hát từ một xà lim cuối dãy, với giọng hát của một người trẻ tuổi. Một đêm, nghe tiếng hát, tôi xúc động làm bài thơ:
“Từng chập luồn sang giọng thiết tha
Đưa niềm u uất khách phòng xa
Nỉ non im nghẹn lời yêu nước,
Tê tái sầu vương hận mất nhà.
Oán dậy ào ào: cây núi đổ
Máu tuôn cuồn cuộn suối ngàn xa.
Lặng nghe não nuột người thông cảm,
Đồng bịnh cùng thương, lựa trẻ già”. (Trần Văn Hương)
Trần Văn Hương chỉ biết người tù đó là một người cùng cảnh ngộ mà thôi.
6.7. Việt Nam Cộng Hòa biết Hà Minh Trí là Việt Cộng nên không thả
Sau cuộc đảo chánh ngày 1-11-1963, Hội đồng Tướng lãnh tuyên bố trả tự do cho những tù nhân chính trị quốc gia, đối lập với Tổng thống Diệm, Hà Minh Trí được đưa về Sài Gòn trên cùng một chuyến tàu với những người tham gia đảo chánh hụt, nhưng do lý lịch không rõ ràng, nên Hà Minh Trí bị giam giữ lại để điều tra.
Sau đó, bà Ngô Bá Thành, một luật sư thân Cộng và theo Việt Cộng, mở chiến dịch báo chí đòi thả ngay Hà Minh Trí với tư cách là đối lập Cao Đài.
Trong khi những tù chính trị quốc gia đối lập với chế độ ông Diệm trong vụ đảo chánh hụt ngày 11-11-1960 đều được thả ra hết, chỉ còn Hà Minh Trí bị giam giữ, vì Hà Minh Trí là Việt Cộng nằm vùng, đội lốt Cao Đài.
Bác sĩ Nguyễn Chữ, người bị tù Côn Đảo trong nhóm đảo chánh hụt, được cử giữ chức Chủ tịch Hội đồng Cứu xét Phóng thích Tù Chính tri, đã gọi Hà Minh Trí lên hỏi:
- “ Ồ! khoẻ không đồng chí Cộng Sản núp bóng Cao Đài? Anh mà ra tù chắc anh theo cô Kim Hưng. (trích Hà Minh Trí)
Hà Minh Trí thuật lại:
- Hắn (Nguyễn Chữ) biết tôi và cô Kim Hưng có cảm tình với nhau, và hắn cũng biết Kim Hưng là Cộng Sản. Hắn mượn câu đó để xác định tôi là Cộng Sản chớ không phải Cao Đài.
Thế là Hà Minh Trí tiếp tục ngồi tù. Mãi cho đến ngày 10-3-1965, Quốc trưởng Phan Khắc Sửu, một tín đồ Cao Đài, giáo phẩm Thượng Đầu Sư Cao Đài Tiên Thiên, ký giấy thả Hà Minh Trí. Như vậy, Hà Minh Trí ở tù 8 năm 16 ngày.
Ba ngày sau, 13-3-1965, Hà Minh Trí trở về hoạt động ở căn cứ Củ Chi, Sài Gòn.

7* Mật lịnh đánh chìm chiếc tàu chở tù ra Côn Đảo


x...



x...

Tàu Hàn Giang 401 - Chiếc tàu tử thần chở tù ra Côn Đảo

Câu chuyện về mật lịnh của Phủ Tổng Thống chỉ thị cho đại úy phi công Huỳnh Minh Đường, thả bom đánh chìm chiếc tàu vận tải HQ-401 chở Hà Minh Trí và tù chính trị trong vụ đảo chánh hụt ngày 11-11-1960, trên đường ra Côn Đảo.
Có hai tài liệu với nhiều bài viết khác nhau về việc nầy. Một tài liệu của Việt Cộng có mục đích cáo buộc sự độc ác của tổng thống Diệm, với nhiều bài viết có tựa đề rất giật gân như: “Sự thật khủng khiếp về chuyến hải trình tử thần”, “Vì sao Diệm lịnh ném bom tàu chở tù ra Côn Đảo”, “Vì sao có lịnh ném bom tàu chở tù HQ-401?”
Một tài liệu khác ở hải ngoại cho rằng Vatican và CIA âm mưu ném bom, mục đích chia rẻ giữa Phật Giáo và Công Giáo.
Nhưng cả hai tài liệu nói trên hoàn toàn sai sự thật và rất vô lý.
7.1. Mật lịnh cho đại úy phi công Huỳnh Minh Đường đánh chìm tàu HQ-401
Tài liệu Việt Cộng ghi lại như sau:
“Anh em Ngô Đình Diệm ra lịnh cho đại úy phi công Huỳnh Minh Đường ném bom đánh chìm chiếc tàu hải quân để thủ tiêu những người đối lập đang trên đường đi đày ra Côn Đảo.
Ngày 5-10-1963, đại úy phi công Huỳnh Minh Đường nhận được hai bao thơ mật, một thơ ra lịnh công tác đi ném bom, bao thơ thứ hai chỉ được mở ra khi máy bay đã cất cánh lên bầu trời. Đó là ném bom đánh chìm chiếc hải vận hạm Hàn Giang HQ-401 trên đường chở tù ra Côn Đảo. Nếu làm xong nhiệm vụ sẽ được thưởng một triệu đồng và được thăng lên chức thiếu tá.
Buổi chiều hôm đó, chiếc tàu vận tải hải quân mang mã hiệu Hàn Giang HQ-401, rời bến Sài Gòn ra Biển Đông nhắm hướng Côn Đảo trực chỉ.
Chiếc tàu chở 400 tù nhân, tài liệu VNCH công bố, có 216 người thuộc “phe VNCH” đã từng tham gia đảo chánh ngày 11-11-1960 và nhóm Nghị sĩ Caraven như thiếu tá Phan Trọng Chinh, các nghị sĩ Phan Khắc Sửu, BS Phan Quang Đán, Vũ Hồng Khanh.
Khi lên tàu, nhóm tù VNCH được sĩ quan hải quân trọng đãi, cho lên boong tàu ngắm trời mây.
Khi tàu ra biển khơi, đột ngột phe VNCH phát hiện một chiếc máy bay Skyraider Buno, số hiệu U-3465 (loại khu trục ném bom), xuất hiện ngay trên đầu, đảo một vòng.
Bỗng chiếc máy bay bật tín hiệu, đó là tín hiệu ném bom. Mọi người đang lo lắng, thì chiếc máy bay kia đảo ba vòng để chào, rồi chuyển hướng về Campuchia, bay mất dạng.” (ngưng trích)
7.2. Đại úy Huỳnh Minh Đường trở về từ Cam Bốt
Tài liệu Việt Cộng ghi tiếp, trích nguyên văn như sau:
“Lúc 15h35 ngày 16-11-1963, sân bay Tân Sơn Nhất đón một chiếc máy bay từ Campuchia sang. Đó là chuyến bay chở những sĩ quan đã từng bị Diệm truy sát, đào thoát sang Campuchia trở về. Trong đó có đại úy Huỳnh Minh Đường, đã bay “chào” những tù nhân trên chuyến tàu ra Côn Đảo ngày 5-10-1963. Đại úy Huỳnh Minh Đường thuật lại: “Chiều ngày 5-10-1963, ông bất ngờ nhận được hai phong bì đóng dấu tuyệt mật của Phủ Tổng Thống, một phong bì là mật lịnh thực hiện phi vụ đặc biệt có chữ ký của Ngô Đình Nhu và Trần Kim Tuyến. Phong bì thứ hai được chỉ thị là sau khi rời đường băng, ông Đường nhận được lịnh của hoa tiêu dưới mặt đất điều khiển chuyến bay, yêu cầu chuyển tần số liên lạc sang Phủ Tổng Thống, mã số nằm trong phong bì thứ hai.
Khi kết nối vào tần số liên lạc đặc biệt của Phủ Tổng Thống, ông Đường nhận được một chỉ thị lạnh lùng: “Ném bom đánh đắm chiếc vận tải hạm HQ-401 đang trên hải trình chở tù nhân chính trị chống chế độ, đi Côn Đảo. Nếu hoàn thành nhiệm vụ thì được thưởng một triệu đồng và được thăng lên chức thiếu tá. Ông quyết định không ném bom, bay chào mọi người rồi đào thoát sang Campuchia”. (hết trích)
Câu chuyện về đại úy Huỳnh Minh Đường còn nhiều bí ẩn. Sự thật đại úy Đường có bay qua Cam Bốt tỵ nạn chính trị, và cũng đã về VN cùng chung với đại tá Nguyễn Chánh Thi và Vương Văn Đông.
Nhưng có hai tài liệu khác nhau. Tài liệu một cho rằng sau đó, đại úy Đường bị cho giải ngũ, về bán bánh mì nuôi gia đình và bị ám sát tại nhà ở ngã tư Bảy Hiền.
Tài liệu hai cho biết đại úy đường đến Mỹ định cư ở bang Washington và qua đời vào năm 2001.
Tài liệu VC cho rằng đại úy Đường ném bom giết Hà Minh Trí. Hà Minh Trí ám sát ông Diệm, làm cho bộ trưởng Canh Nông bị thương, toà kết án tử hình, thì cứ đem ra bắn là hợp pháp, cần gì phải ném bom giết quân nhân của mình?.

8* Nói về tù nhân trên tàu HQ-401 đến Côn Đảo
Ngay khi đến Côn Sơn, những tù chính trị quốc gia được cho ra ăn ở và làm việc trong các ty, sở hành chánh Côn Sơn. Họ không bị giữ trong trại giam. Có hai nhóm, nhóm dân sự và nhóm quân nhân.
1). Nhóm quân nhân thuộc binh chủng nhảy dù được ra ăn ở tại nhà của anh Nguyễn Văn Đồng, trưởng ty tiểu học, gồm có: đại úy Nguyễn Thành Chuẩn, trung úy Nguyễn Vũ Từ Thức, tr/u Nguyễn Bá Mạnh Hùng, và một vài người nữa không nhớ tên. Nhà ở Côn Sơn do Pháp xây cất nên ngoài toà nhà chính ra, còn có một số phòng phía sau làm nhà kho, nhà bếp và chứa những dụng cụ cần thiết, vì thế có chỗ ngủ cho khoảng 10 người.
Thiếu tá Phan Trọng Chinh không ra Ty Tiểu học cho nên không biết tin tức.
2). Nhóm chính trị được đưa ra làm việc ở Ty Y Tế Côn Sơn, gồm có: BS Phan Quang Đán, ông Phan Bá Cầm (Hoà Hảo), Trương Bảo Sơn, Phan Đình Nghị và Vũ Đình Lý. Hai ông Nghị và Lý thuộc các tổ chức miền Trung. BS Phan Quang Đán tham gia khám bịnh cho quân nhân, công chức tại ty Y Tế Côn Sơn.
Trúc Giang tôi không gặp Phan Khắc Sửu, Vũ Hồng Khanh, Bùi Lượng nên không biết tin tức về họ.
Những tù nhân đảo chánh bắn đại liên và súng cối vào Dinh Độc Lập mưu sát tổng thống Diệm mà khi ra Côn Đảo đã được đối xử tử tế như thế, cho thấy ông Diệm không phải là người nham hiểm, độc ác, âm mưu trả thù đối với những người cố ý giết mình.
3). Hà Minh Trí bị giam ở chuồng cọp.
Những tù nhân chính trị nguy hiểm mang án tử hình thì bị giam ở chuồng cọp. Chuồng cọp là những dãy phòng nằm sâu dưới nền nhà, phía trên có song sắt. Mỗi phòng dài 2.5m, rộng 1.45m giam giữ một người. Phòng nầy cách phòng kia bằng một bức tường nên tù nhân không liên lạc với nhau được. Đi trên nền nhà, giữa hai song sắt, giám thị cải huấn có thể quan sát được hai phạm nhân dưới hai hầm cùng một lúc. Mọi sinh hoạt: ăn ngủ, tiểu tiện đều ở trong phòng biệt giam đó. Cửa ra vào các “chuồng cọp” ở dưới nền nhà.


x...



x...


Song sắt là phần trên nóc của mỗi phòng biệt giam

4). Tổng quát về Côn Sơn


x...


Quần đảo Côn Sơn, trước kia có tên Pháp là Poulo Condor, rồi Côn Đảo. gồm 16 đảo, diện tích 76Km2. Ngoài đảo Côn Sơn lớn nhất, 50Km2, còn có những đảo nhỏ như các đảo: Hòn Bà, Hòn Cau, Hòn Tài Lớn, Hòn Tài Nhỏ, Hòn Trứng, Hòn Bãi Cạnh, Hòn Bông Lan, Hòn Trác Lớn, Hòn Trác Nhỏ, Hòn Tre, Hòn Vung...
Vào những năm 1960, Côn Sơn là một trại tù với bộ máy hành chánh cấp tỉnh phục vụ công tác cải huấn. Cũng có đầy đủ các ty, sở như các ty: Công Chánh, Kiến Thiết, Tiểu Học, Y Tế, Cảnh Sát, Ngân Khố, Thông Tin, Canh Nông, Bưu Điện, một nhà máy điện, một đài khí tượng, một trường trung học đệ nhất cấp... Không có thường dân trên đảo. Một tiểu đoàn Địa Phương Quân giữ an ninh cho đảo.
Mỗi gia đình công chức được xin một phạm nhân ra giúp việc trong nhà: đi chợ, nấu ăn, trồng rau...thường thì được thưởng tiền hàng tháng.
Không có điện thoại và báo chí, không có rạp ciné, không có những bóng hồng đối tượng của những chàng trai độc thân, cho nên độc thân vẫn độc thân suốt thời gian sống ở đảo. Đời sống Côn Sơn hầu như cách biệt với đất liền. Mỗi tháng có hai chuyến tàu tiếp tế ra đảo, như thế công chức được nhận thơ từ trong đất liền ra đảo, hai lần trong một tháng. Người ta trông tàu ra, cảm thấy vui mừng khi nghe tiếng trống báo hiệu tàu đến để nhận thơ và quà.

5). Người tù Côn Đảo
Nhà tù Côn Đảo giam giữ những phạm nhân bị kết án 5 năm trở lên. Khi đến nhà tù thì phạm nhân không còn bị tra khảo hay đánh đập gì nữa cả. Có hai loại tù: thường phạm (tù hình sự) và chính trị phạm. Tù chính trị gồm có chính trị quốc gia và chính trị Cộng Sản.
Án tù cũng chia làm hai loại: tù khổ sai và tù cấm cố. Tù cấm cố mơ ước được làm tù khổ sai để được “xuất ngoại”, tức là ra ngoài làm lao động, sáng ra tối vào trại. Ra ngoài được hít thở không khí trong lành, được cử động tay chân, tắm nắng...Tù cấm cố thì luôn luôn suốt năm ở trong trại.

9* Những điều vô lý của mật lịnh đánh chìm tàu
9.1. Vô lý #1: Tàu chở tù ra Côn Đảo vào ngày 31-7-1963 chớ không phải ngày 5-10-1963.
Trong thời gian đó, Trúc Giang tôi đang ở Côn Sơn, đã tiếp xúc với nhóm đảo chánh hụt suốt thời gian gần nửa năm. Bác Sĩ Phan Quang Đán đã dạy Anh Văn cho tôi và người bạn là Sáu Y Tế (Nguyễn Văn Sáu thuộc ty Y Tế Côn Sơn).
Một người bạn gái của anh Sáu ở Sài Gòn viết thơ ra nhờ giúp đở cho đại úy Nguyễn Thành Chuẩn ở tù vì tham gia đảo chánh hụt. Sau nầy, ông Chuẩn thăng đại tá, chỉ huy trưởng Biệt Động Quân Biên Phòng Vùng 3 Chiến Thuật.
Võ sư Phạm Lợi dạy Judo cho anh Sáu Y Tế và đã cùng với trung úy nhảy dù Nguyễn Bá Mạnh Hùng tập dượt Judo để trình diễn màn võ thuật, qua một vở kịch ngắn, trong ngày lễ chào mừng Ngày Quốc Khánh 26-10-1963 tại sân vận động Côn Sơn.
Nhiều bài viết xác định tàu HQ-401 khởi hành ngày 5-10-1963 là hoàn toàn sai, vì từ 5-10-63 đến 1-11-63 thời gian chỉ có một tháng thôi, mà thực tế chúng tôi đã tiếp cận với những người nầy trong thời gian 4 tháng.
9.2. Vô lý thứ #2. Trích cái vô lý như sau:
“Phe VNCH phát hiện một máy bay Skyraider Buno số hiệu U-3465 (loại khu trục ném bom), xuất hiện trên đầu họ”. (ngưng trích).
Cha nội tác giả bài nầy nói dốc vô lý. Đó là, làm sao mà người trên tàu đọc được số hiệu U-3465 cho được? trong điều kiện chữ khổ nhỏ, bay nhanh, khoảng cách rất xa giữa tàu và phi cơ trên trời cao?
9.3. Vô lý thứ #3. Trích điều vô lý như sau:
“Khi lên tàu, nhóm tù “VNCH”, được sĩ quan hải quân trọng đãi, cho lên boong tàu ngắm trời mây”
Sự thật là không có tù nhân nào được lên boong tàu cả, vì không có boong tàu dành cho hành khách, mà tất cả tù nhân bị còng chân, ngồi xếp hàng từng dãy có trật tự, đó là nguyên tắc an ninh của nha Cải Huấn.
Việc áp giải tù ra Côn Đảo do nha Cải Huấn phụ trách. Thủy thủ mọi cấp không được xía vào công việc an ninh của nha Cải Huấn.
Còng chân để giữ trật tự, an ninh. Tránh những trường hợp như: nổi loạn trên tàu, nhảy xuống sông, nhảy xuống biển hoặc giết nhau do thù oán cá nhân...
Tàu đi ra biển nào cũng phải theo con sông Sài Gòn, sông không to lớn lắm, đi qua rừng Sác rồi ra biển qua cửa Cần Giờ.
Việc áp giải tù nhân luôn được giữ bí mật, từ khám Chí Hoà đến khi xuống tàu không được tổ chức nơi bến công cộng có nhiều người trông thấy. Tàu hải quân có bến trong Hải Quân Công Xưởng (Sở Ba Son), là căn cứ quân sự của hải quân.
9.4. Kịch bản của Hà Minh Trí dở ẹt
Sở mật vụ và ông Nhu muốn giết một người tù thì dễ như trở bàn tay, có cả chục, cả trăm cách hợp pháp và hợp lý, tù bị kết án tử hình thì cứ đem pháp trường thi hành bản án là xong ngay, cần gì phải thực hiện hai cái bao thơ gọi là tuyệt mật rất vô lý, bởi vì buổi chiều ngày 5-10-1963 đại úy Đường nhận được hai bao thơ để đánh chìm chiếc tàu vào buổi chiều cùng ngày. Một sĩ quan, một cá nhân, không thể tự ý nạp bom vào phi cơ, rồi chờ cho đúng giờ tàu ra cửa biển để bay đi đánh chìm. Ai ai cũng biết là phòng hành quân ra lịnh thì phi vụ mới tiến hành được, nhất là quy luật an ninh của Không Quân, sau vụ ném bom của Phạm Phú Quốc và Nguyễn Văn Cử ngày 27-2-1962, thì mỗi phi vụ phải có ba chiếc để canh chừng lẫn nhau.
Trường hợp trung úy Việt Cộng nằm vùng Nguyễn Thành Trung, phi vụ cũng 3 chiếc, nhưng ông nằm vùng nầy lấy cớ trục trặc kỹ thuật gì gì đó để cất cánh chậm năm bảy phút, rồi đến thả bom xuống dinh Độc Lập ngày 8-4-1975.
Kịch bản của Hà Minh Trí như trên, tào lao là vậy.
Phủ Tổng Thống ra điều kiện thăng thưởng trên chuyến bay, thăng lên thiếu tá, thưởng một triệu đồng cho việc đánh chìm chiếc tàu HQ/VNCH là tự xác nhận mình vi phạm luật pháp, tội lớn nhất là giết binh sĩ của mình, phá hủy tài sản của mình, đó không phải là tác phong của sở mật vụ và của hai ông Diệm-Nhu.
Ở thời điểm những năm 1960, HQ/VNCH chỉ có 7 chiếc hải vận hạm mang số từ HQ-400, 401, 402, 403, 404, 405 và 406 do Mỹ chuyển lại trong nhiều đợt. HQ-401 là tàu chở quân đổ bộ đường biển, loại trung bình, thường gọi là tàu đầu bằng há mõm, được Mỹ chuyển giao năm 1956, tên gốc của nó là LSM-110. (LSM=Landing Ship Medium). Thủy thủ đoàn gồm 58 người. Hạm trưởng là Hải quân đại úy Nguyễn Văn Hớn (sau lên đại tá), hạm phó là HQ trung úy Lê Thành Uyển.
Sinh mạng của 58 người nầy không phải là người bình thường, mà là những người được đào tạo, huấn luyện, cho đi tu nghiệp và trải qua những thời gian dài thu thập kinh nghiệm để vận hành con tàu. Thủy thủ đoàn là những chuyên viên kỹ thuật của nhiều ngành nghề khác nhau. Con tàu và thủy thủ đoàn là một tài sản vô cùng quý báu của quốc gia trong thời gian đó, có nhiều tiền cũng không mua được, có xin thì cũng không được Mỹ cho ngay tức khắc. Mang một tài sản quý báu cộng thêm một triệu đồng tiền thưởng để giết một tử tù thì thật là một câu chuyện tào lao, bá láp. Khi toà đã kết án tử hình thì muốn đem ra thi hành bản án lúc nào mà không được?
Những người đã từng mưu sát ông Diệm như Hà Thúc Ký, lãnh tụ Đại Việt Quốc Dân Đảng, đã lập chiến khu Ba Lòng chống chế độ, đã tàng trữ vũ khí để mưu sát ông Diệm, bị tù nhưng vẫn còn sống sau đó. Trung úy Phạm Phú Quốc cùng với thiếu úy Nguyễn Văn Cử đã dội bom mục đích giết cả gia đình ông Diệm, bà Nhu bị té gãy tay khi chạy xuống hầm, Dinh Độc Lập bị sập phân nửa, thế nhưng cả ông Hà Thúc Ký và Phạm Phú Quốc vẫn còn sống nhăn sau khi ông Diệm chết.
Những điều đó chứng tỏ tổng thống Diệm không phải là người hiếu sát, thù cá nhân và nham hiểm.
Và kịch bản của Hà Minh Trí là dở ẹt, tào lao, bá láp và vô lý. Chỉ có những đầu óc thiếu học mới nghĩ ra cái quái thai đó mà thôi.

10* Kết luận
Hà Minh Trí là Việt Cộng đội lốt Cao Đài, mà mục đích hành động là ám sát tổng thống Ngô Đình Diệm. Đã ba lần mưu sát ông Diệm. Báo chí Việt Cộng thổi phồng quá mức “Kế ly gián của Hà Minh Trí làm đảo điên chính quyền Sài Gòn”
Kịch bản mật lịnh cho đại úy phi công Huỳnh Minh Đường đánh chìm tàu HQ-401 chở tù đi Côn Đảo trong đó có Hà Minh Trí, là một kịch bản rất tồi, rẻ tiền và vô lý, khó tin được. Một chi tiết đáng buồn cười là lá thơ tuyệt mật của Phủ Tổng Thống có hai chữ ký của Ngô Đình Nhu và Trần Kim Tuyến. Thơ của Phủ TT thì Ngô Đình Nhu ký tên thì đúng, chớ mắc mớ gì mà BS Trần Kim Tuyến lại ký thêm vào đó? Dốt đặc cán búa!
Tài liệu còn rất nhiều chi tiết sai sự thật. Nhóm tham gia đảo chánh hụt chỉ có 32 người chớ không phải là 216. Nhóm Caravelle không phải là nhóm nghị sĩ, Phan Khắc Sửu và Phan Trọng Chinh không phải là nghị sĩ, và nhóm Caravelle không tham gia đảo chánh ngày 11-11-1960. BS Phan Quang Đán không thuộc nhóm Caravelle.
(Nhóm Caravelle gồm 18 chính khách đối lập, lấy tên là nhóm Tự Do Tiến Bộ, họp báo tại khách sạn Caravelle ngày 26-4-1960 để phổ biến Bản Tuyên Cáo tố giác chính quyền độc tài và đề nghị tổng thống Diệm thay đổi chính sách. Trưởng nhóm là ông Trần Văn Văn. Các thành viên gồm có: Trần Văn Văn, Phan Khắc Sửu, Trần Văn Hương, Nguyễn Lưu Viên, Lê Ngọc Chấn, Huỳnh Kim Hữu, Phan Huy Quát, Trần Văn Đổ, Trần Văn Tuyên, Trần Văn Lý, Nguyễn Tăng Nguyên, Nguyễn Tiến Hỷ, Lê Quang Luật, Phạm Hữu Chương, Tạ Chương Phùng, Trần Lê Chất, Lương Trọng Tường và linh mục Hồ Văn Vui).
Một anh thất học, 5 tuổi cha chết, 10 tuổi dẫn dắt bà nội mù lòa đi ăn mày, 13 tuổi đi ném lựu đạn vào vũ trường, quán bar, rồi sau đó đi “làm cách mạng” thử hỏi thời gian đâu mà học với hành? Với trình độ đó, thì kịch bản cũng ở trình độ đó thôi.
Trúc Giang
NUTB:: Published on Friday 01.11.2013