Sunday 13 April 2014

Ai lấy sự dối trá trùm lên sự thật?



Nguyễn Văn Thịnh (trong bài Lấy sự dối trá trùm lên sự thật) nêu gần một chục chứng cứ cho thấy Vụ một thiếu niên đốt kho xăng Thị Nghè vào những ngày đầu Nam bộ kháng chiến là một sự thật.

Chứng cứ được trưng dẫn đầu tiên là:

Báo Cứu quốc số 74 ra ngày 23/10/1945 (bảy ngày sau sự kiện xảy ra) đưa tin trong cuộc họp báo tại Hà Nội, Hồ Chủ tịch nói: “Sự hy sinh của đồng bào ta trong cuộc chiến đấu oanh liệt trong Nam bộ bây giờ, cái cử chỉ phi thường của một chiến sỹ tự tẩm dầu xăng vào mình để vào đốt một kho dầu của bên địch, tỏ ra rằng một dân tộc đã có tinh thần cao đến bực ấy thì không sức mạnh nào có thể đè bẹp được”.

Lời của Hồ chủ tịch không thể được xem là bằng chứng vì Người không có mặt tại chỗ khi sự việc xảy ra. Hồ chủ tịch chỉ có thể nhắc lại điều Người đã đọc ở đâu đó (báo cáo, báo chí...).


Phan Huy Lê (2009), người dám tiết lộ Nhân vật lịch sử anh hùng Lê Văn Tám hoàn toàn không có thật! cung cấp được một số tư liệu báo chí:

Tư liệu báo chí lúc bấy giờ thì tại Thư viện quốc gia Hà Nội lưu giữ được rất ít, các số báo lại không đủ. Bước đầu tôi mới tìm thấy thông tin liên quan với Kho xăng Thị Nghè bị đốt cháy trong báo Quyết chiến là “cơ quan ủng hộ chính quyền nhân dân”, tòa soạn đặt ở phố Nguyễn Tri Phương, Thuận Hóa; báo Cờ giải phóng là “cơ quan tuyên truyền cổ động trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương” và báo Thời mới do Nguyễn Văn Luận làm Chủ nhiệm; nhưng các số không liên tục, không đủ.

Báo Quyết chiến số ngày thứ sáu, ?- 10 - 1945 đưa tin dưới tít lớn Một chiến sĩ ta tẩm dầu vào mình đốt cháy kho dầu Simon Piétri với nội dung như sau: “Một gương hi sinh vô cùng dũng cảm. Một chiến sĩ ta tẩm dầu vào mình tự làm mồi lửa đã đốt được kho dầu Simon Piétri, lửa cháy luôn hai đêm hai ngày.

Đài Sài Gòn trong buổi truyền thanh tối 17 - 10 công nhận rằng kho dầu này đã hoàn toàn bị thiêu ra tro, sự thiệt hại đến mấy chục triệu đồng”.
Ngày phát hành số báo, in ngày “thứ sáu”, số ngày không rõ và có người viết thêm bút mực con số 7, tiếp theo là tháng “10 - 45”. Theo lịch năm 1945, trong tháng 10 có 3 ngày thứ sáu là ngày 12, 19 và 26. Trong bản tin có nhắc đến buổi phát thanh của Đài Sài Gòn ngày 17, vậy ngày thứ sáu của tờ báo phải sau ngày đó và có thể xác định là ngày 19 - 10 - 1945.

Báo Thời mới số 6 ngày 28 - 10 - 1945, nhân lễ khai mạc Ngày Cứu quốc do Tổng hội sinh viên cứu quốc tổ chức, đăng bài Những chuyện cảm động của dân ta trong cuộc kháng chiến ở Nam Bộ, có đoạn kể lại câu chuyện đốt kho xăng ở Sài Gòn theo lời kể của một người từ Nam Bộ ra Hà Nội ngày 21-10-1945 như sau: “Một người bạn tôi ở Nam Bộ vừa ra đây hôm hai mươi mốt kể cho tôi nghe nhiều điều tai nghe mắt thấy ở Nam Bộ để chứng cho cái tinh thần kháng chiến anh dũng đó. Thứ nhất là chuyện anh dân quân tẩm dầu vào người, đốt cháy kho ét-săng và cao su sống ở Sài Gòn.

Có người nói rằng nhà chiến sĩ tuẫn quốc này tự nguyện xin mặc áo bông giầy tẩm xăng rồi lấy lửa tự châm mình như một cây đinh liệu, xông vào kho cao su sống kia. Không phải thế. Làm thế thì cố nhiên giặc Pháp ngăn lại ngay từ khi chưa tới cửa kho.

Thực ra thì nhà chiến sĩ của chúng ta phải dùng mưu nhiều lắm. Trước khi vào, anh em mọi Pleiku của chúng ta đã phải lừa lúc giặc Pháp canh phòng không cẩn thận, trèo lên những cái cây to ở xung quanh kho cao su, bắn tên độc vào những người gác ở bốn bề. Nhà chiến sĩ, nhằm chính lúc cơ hội thuận tiện đã đến, tẩm dầu vào người, đeo súng liên thanh, bò qua tường vào trong kho cao su tìm bắn những người Pháp. Chúng bâu lại như đàn ruồi.

Chiến sĩ Việt Nam biết không thể làm hơn được nữa, bắn lia lịa vào những thùng ét-săng ở hai bên, ét-săng tràn ra cả nhà. Chiến sĩ ta châm một mồi riêm vào người, nhảy lên đám thùng rỗng, chửi rủa giặc Pháp tàn tệ.
Trong lúc đó, cả mình mẩy anh bừng bừng lên. Anh vẫn chửi rủa giặc Pháp cho đến khi gục nằm xuống như một đấng thiên thần hiện ra rồi mờ đi trong giấc mơ dữ dội. Những người đứng xa ngoài ba mươi cây số còn trông thấy ngọn lửa đám cháy này và trong hai ba ngày đêm liền, giặc Pháp và phái bộ Anh không thể nào rập tắt”.

Báo Cờ giải phóng số ra ngày 25-10-1945, đưa lên trang đầu hình ảnh một người đang bốc cháy xông về phía trước kèm theo lời “Tinh thần anh dũng của đồng bào Nam Bộ muôn năm”.

Báo Cờ giải phóng ngày 5-11-1945, trong mục Mặc niệm: "trích đăng một vài tấm gương xung phong anh dũng đã được nêu lên trên mặt báo chí miền Nam”, có đoạn đưa tin: “Trước kho đạn Thị Nghè có rất đông lính Anh, Ấn, Pháp gác nghiêm ngặt, khó bề đến gần phóng hỏa.

Một em thiếu sinh 16 tuổi, nhất định không nói tên họ, làng, tình nguyện ra lấy thân mình làm mồi dẫn hỏa. Em quấn vải quanh mình, tẩm dầu xăng, sau lưng đeo một cái mồi, đứng im đốt mồi lửa, miệng tung hô “Việt Nam vạn tuế”, chân chạy đâm sầm vào kho đạn. Lính Anh đứng trong bắn ra như mưa. Một lần trúng đạn, em ngã nhào xuống, nhưng rồi ngồi dậy chạy luồn vào.

Lính Anh khiếp đảm bỏ chạy ra ngoài. Một tiếng nổ. Em thiếu sinh tiêu tán cùng với kho đạn Thị Nghè của giặc”.
Dưới bản tin có ghi chú “Kèn gọi lính, ngày 8 - 10 - 1945”. Như vậy báo đưa tin theo tin của báo Kèn gọi lính ngày 8 - 10 - 1945 và theo đó, kho đạn bị đốt cháy phải trước ngày 8 - 10 - 1945, ít ra là ngày  7-10-1945.   

Mỗi báo làm chứng một phách. Chẳng thể biết đâu là sự thật.

Đọc báo, tin báo, thà rằng đừng đọc báo. David Marr (2013:504) cho biết rằng sau khi Nam Bộ kháng chiến bùng nổ, báo chí của ta liền ba tháng  trời chỉ đăng toàn tin chiến thắng  ở Xuân Lộc, Phan Thiết, Phan Rang và Nha Trang trong khi sự thật là quân ta không chặn được quân Pháp nống ra ; báo Cứu Quốc thậm chí còn dám đưa tin (vịt) là tướng Douglas Gracey bị lính Ấn Độ giết, tưởng như quân giặc sắp loạn đến nơi!


Nguyễn Văn Thịnh đặc biệt trọng cung hơn trọng chứng. Sau khi dựa vào uy tín của Bác Hồ, ông lại kể đủ mặt các quan chức cao cấp như Nguyễn Văn Linh, Mai Chí Thọ, Trần Văn Giàu, Trần Trọng Tân... Lời ông Trần Trọng Tân đặc biệt khôi hài ở chỗ:
Báo Sài Gòn giải phóng tháng 9/2009, ông Trần Trọng Tân – nguyên phó bí thư thành ủy TPHCM có bài viết xác minh sự việc này là có thật.

Nhưng rồi chính ông Trần Trọng Tân sau đó lại phải chống chế:

Về phần tôi, khi viết về sự kiện “Cây đuốc sống Lê Văn Tám”, tôi đã tìm hiểu từ cuốn “Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945 - 1975) của Nhà xuất bản thành phố Hồ Chí Minh, xuất bản năm 1994. Chỉ đạo nội dung cuốn sách này là Ban tổng kết chiến tranh của Thành ủy Đảng Cộng sản Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh. Chủ biên là đồng chí Trần Hải Phụng (nhiều năm làm Tư lệnh các lực lượng vũ trang của Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định) và đồng chí Lưu Phương Thanh (phụ trách nghiên cứu lịch sử Đảng). Theo sách này thì đánh kho đạn Thị Nghè có hai lần. Lần thứ nhất vào ngày 17-10-1945 và lần thứ hai vào ngày 8-4-1946.

Đoạn văn mà ông Trần Trọng Tân trích ở trang 63 của quyển “Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945 – 1975) như sau:


“Ngày 17-10-1945, tại mặt trận phía Bắc, quân ta phục kích ở cầu Tham Lương đánh lui đoàn xe của địch gồm 8 chiếc chở lính có xe thiết giáp yểm trợ, hành quân lên Hóc Môn, ta phá hủy 5 xe và diệt một số tên. 10 giờ, kho đạn Thị Nghè nổ dữ dội. Đây là kho chứa bom đạn từ bến tàu bốc lên, đặt tại khu đường Docteur Angier (nay là đường Nguyễn Bỉnh Khiêm) cạnh vườn thú, được bố trí hệ thống phòng thủ nghiêm ngặt, xung quanh kho có hào sâu, tường cao 2 mét, chăng kẽm gai và hệ thống tháp canh, có đèn quét ban đêm. Một đại đội Âu Phi thường xuyên tuần tra canh gác.

Đội viên cảm tử Lê Văn Tám mới 13 tuổi, được giao nhiệm vụ giả câu cá, cắt cỏ ở bến sông để quan sát. Đêm 17-10 (1945) Tám tự quyết định một mình đánh kho đạn, lừa bọn lính gác, lọt vào ẩn nấp bên trong với chai xăng và bao diêm. Buổi sáng, chờ lúc sơ hở, em tưới xăng vào khu vực chứa đạn và châm lửa. Lửa cháy loang, một tiếng nổ long trời, kéo theo hàng loạt tiếng nổ liên tiếp, làm rung chuyển cả thành phố. Lê Văn Tám bị dính xăng bắt lửa, tự biến mình thành cây đuốc sống, đã hy sinh anh dũng. Kho bị phá hủy hoàn toàn. Đài phát thanh phía bên kia đường bị sập một phần lớn. Đại đội Âu Phi bảo vệ bị tiêu diệt. 
Gương hy sinh của em bé “đuốc sống” trở thành một hình tượng tiêu biểu cho tinh thần yêu nước, chiến đấu quên mình của thiếu niên nhi đồng trong những ngày đầu chống Pháp”. Ngày 19-10-1945, Báo Cứu Quốc có bình luận: “Trận Thị Nghè ghi vào chiến sử Việt Nam”. Theo sách “Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945 - 1975)”, ở trang 108, thì kho đạn này còn bị đánh lần 2 vào ngày 8-4-1946 và báo Tin Điễn ra ngày 9-4-1946 đưa tin: “Một tai nạn dữ dội... Kho đạn Sài Gòn (đường Docteur Angier, tả ngạn kênh Avalanche) phát nổ. Tai nạn có thể kéo dài đến nhiều ngày”. 

Nhưng những người soạn sách không buồn ghi chú cho người đọc biết họ lấy thông tin từ đâu.


Trần Trọng Tân tiếp tục đổ lỗi cho một tư liệu khác:

Sự kiện trận đánh ngày 17-10-1945 với “Cây đuốc sống Lê Văn Tám” còn được nêu cụ thể hơn trong tập II bộ sách “Mùa thu rồi ngày hăm ba” của Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Hà Nội năm 1996, ở trang 67:

“Đêm ngày 17-10-1945, đội viên cảm tử Lê Văn Tám dũng cảm đốt kho đạn Thị Nghè (người tổ chức cho Lê Văn Tám thực hiện chiến công này là anh Lê Văn Châu đã hy sinh năm 1946 tại Ngã ba Cây Thị). Kho đạn bị phá hủy hoàn toàn.

Đài phát thanh bên kia đường bị sập một phần lớn, đại đội Âu Phi bảo vệ bị tiêu diệt… (viết theo tư liệu của Ban Tuyên huấn Quận ủy Bình Thạnh)”.
Vẫn là một tài liệu dạng nghe người ta nói, kể lại, biết vậy được Trần Trọng Tân xem như chân lý:

Với các tư liệu như đã nêu trên thì có thể khẳng định: Đánh kho đạn Thị Nghè có 2 lần vào ngày 17-10-1945 và ngày 8-4-1946; trận ngày 17-10-1945 với “Cây đuốc sống Lê Văn Tám” là có thực; Lê Văn Tám đã đốt kho đạn, không phải kho xăng; Lê Văn Tám không phải “tự tẩm xăng vào người và chạy vào đốt kho xăng” mà “đã lừa bọn lính gác, lọt vào ẩn nấp bên trong với chai xăng và bao diêm chờ lúc sơ hở, em tưới xăng vào khu vực chứa đạn và châm lửa. Lê Văn Tám bị dính xăng bắt lửa thành “cây đuốc sống”; người tổ chức, bày kế hoạch cho Lê Văn Tám làm là anh Lê Văn Châu, đã hy sinh trong trận đánh giặc Pháp ở Ngã ba Cây Thị năm 1946.

Anh Lê Văn Châu hy sinh rồi, không thể ra làm chứng cho ông Trần Trọng Tân được, thành ra ông cứ thoải mái nói kho đạn Thị Nghè nổ hai lần trong khi giặc Pháp chỉ nhận có một vụ nổ ngày 8 tháng 4 năm 1946 (Lucien Félixine, 1959:150, Goscha, 2002:43 ; Goineaud-Bérard, 2007:325).  Liên quan đến trận đánh trên, văn khố CAOM (Centre des Archives d’Outre-Mer) hiện còn lưu một bản báo cáo (Nguyễn Bình ký ngày 16 tháng 4 năm 1946) và một bức thư  (Nguyễn Bình ký ngày 19 tháng 4 năm 1946) khen đồng chí Triệu Cải, trung đội trưởng trung đội cảm tử Nam Bộ (Goscha, 2002:43). Các văn kiện trên được soạn thảo khá muộn vì vụ nổ ngày 8 tháng 4 năm 1946 kéo dài kéo dài cả tuần lễ, phá nát một nửa khu Đa Kao, khiến cho hàng ngàn người lâm cảnh không nhà không cửa, phải sống trong trại tạm cư đến 3-4 năm trời, thiệt hại tính ra tiền lên đến hàng tỉ phơ-răng (Lucien Félixine, 1959:150). Vì sao không có một thông tin nào về mức độ thiệt hại trong vụ nổ kho đạn lần trước?

Ông Trần Trọng Tân xác nhận là ngày 17 tháng 10 năm 1945 nổ kho đạn Thị Nghè (lần l). Ông Trần Văn Giàu chứng là ngày ấy tháng ấy năm ấy kho xăng (trạm xăng?) Thị Nghè bị đốt cháy. Người đọc không biết  phải tin ông nào. Riêng Nguyễn Văn Thịnh quyết định tin cả hai, có lẽ vì ông quan niệm kho hay trạm, xăng hay đạn đều không quan trọng, miễn là có xảy ra cháy nổ ở nơi ấy ngày ấy tháng ấy năm ấy.

Ông Võ Khanh Khiết (Kiết) chắc như bắp:
Bởi thế vùng này tôi rành lắm. Kho xăng Thị Nghè thực ra chỉ là một đại lý bán sỷ của hãng dầu Shell, nằm trên con rạch Văn Thánh, sát đầu cầu, gần chợ, thuyền ghe, xe tải đều ra vô được. Tôi còn nhớ rõ đó là một căn nhà thấp, nền đất, không rộng lắm, mái tôn xập xệ, vách là những tấm gỗ mảnh đóng thưa, bên trong chứa đầy chật những phuy xăng dầu dung lượng 200 lít, tới nơi sặc hơi dầu.

David Marr (2002:504) nói là ngày ấy tháng ấy năm ấy chỉ cháy mấy cái bồn đầu ở nhà máy xi măng Simon Piétri, không phải cái đại lí nào của hãng dầu Shell cả. Nguyễn Văn Thịnh vừa dẫn Võ Thanh Khiết (Kiết) xong lại dẫn luôn Dương Đình Thảo:
Cụ Dương Đình Thảo hồi đó làm Chính trị viên tiểu đoàn 924 thuộc trung đoàn 308 Nguyễn An Ninh, chiến đấu tại Sài Gòn xác nhận có vụ đánh cháy kho xăng Simon Piétry bên Khánh Hội (Quận IV ngày nay.

Rốt cục là Thị Nghè hay Khánh Hội? Shell hay Simon Piétri?


 Ông Trần Văn Giàu không biết do ai tổ chức và người nào thực hiện việc đốt kho xăng. Ông Võ Thành Khiết (Kiết) cho biết Tin tức nội bộ nói là do một thiếu niên tên Tám xung phong đánh. Ông Phan Vũ kể Những năm ở chiến trường Nam Bộ tôi có nghe chuyện một thiếu niên Sài Gòn dũng cảm xông vào đốt cháy một kho xăng. Muốn chứng minh Lê Văn Tám quả thật đã đốt kho xăng/đạn Thị Nghè/Khánh Hội ngày 17 tháng 10 năm 1945, các nhà sử học dân gian chỉ có một nguồn sử liệu duy nhất là các tin tức nội bộ, truyền miệng, đăng lên báo rồi chép lại của báo, in thành sách và chép lại của sách. Tất cả đều được coi là chứng cứ kể cả khi chứng cứ này mâu thuẫn rành rành với chứng cứ kia. Ai có gan thắc mắc thì bị coi là lấy sự dối trá trùm lên sự thật.

No comments:

Post a Comment