Sunday 6 April 2014

Chủ nghĩa tư bản thân hữu là gì?



Chủ nghĩa tư bản thân hữu là hệ thống kinh tế trong đó doanh nghiệp không thể vận hành và tìm kiếm lợi nhuận nếu không câu kết chặt chẽ với các quan chức nhà nước. Đồng nghĩa có tư bản bè phái, tư bản thân tộc. Nôm na hơn có tư bản móc ngoặc, tư bản cánh hẩu, tư bản bồ bịch... Tất cả được dịch từ crony capitalism của tiếng Anh và capitalisme de copinage của tiếng Pháp.

Báo Việt Nam sử dụng các thuật ngữ nói trên khi chuyển ngữ các bài báo nước ngoài về nạn tư bản bè phái ở nước ngoài (Ai Cập, Mê-hi-cô...):

Trước tiên là “chủ nghĩa tư bản thân hữu” (crony capitalism), cái mà chỉ rõ tính chất mối quan hệ giữa nhà nước và doanh nghiệp từ những năm 1970 và phát triển mạnh mẽ trong suốt thời Mubarak phải được giới hạn một cách rõ ràng.


 "Cả một lũ tư bản bè phái" - phát biểu của vị giám đốc mới của ECES hiện nay.



Cách đây 15 năm, đặc quyền của những nhà tư bản thành công lớn được gọi là Chủ nghĩa tư bản thân hữu (crony capitalism), qua đó các doanh nhân bắt tay kinh doanh với các quan chức nhà nước, và có thể tạo nên những bất ổn rất lớn vì  nó sẽ dẫn đến tham nhũng, lạm quyền của quan chức nhà nước.



Báo Tuổi Trẻ có thời dịch crony capitalismtư bản bộ phận để nói chuyện các nước xa như Xu-đăng, gần như In-đô-nê-xi-a:

Thế nhưng, thị trường thì bao la, con cháu đâu mà “bao sân” cho hết? Đến đây, “vòng tay” mở rộng ra đến bạn bè, từ “gia đình trị” tiến đến “bè phái trị” (cronyism). Ở châu Á, một số tác giả gọi đó là “chủ nghĩa tư bản bộ phận” (crony capitalism).
HữuNghị, “Bệnh gia đình trị”, Tuổi Trẻ, 06/11/2005

Chữ Hán là 裙带资本主义 (quần đới tư bản chủ nghĩa). Quần đới 裙带 nguyên là cái dây để buộc váy, sau dùng để ngầm chỉ những gì có quan hệ với vợ, chị, em, con gái... Quan hệ quần đới là quan hệ có gốc hôn nhân, thân quyến của chị, em, vợ, con gái câu kết với nhau.

No comments:

Post a Comment