Showing posts with label giải hoặc. Show all posts
Showing posts with label giải hoặc. Show all posts

Monday 24 February 2014

Có bao nhiêu phần trăm sự thật trong những câu chuyện về Platôn Nguyễn Văn Thành (Thành Nga)


Có nhiều câu chuyện về Platôn Nguyễn Văn Thành (Thành Nga) do chính những người thân thiết của ông kể lại trực tiếp (bạn chiến đấu (Nguyễn Kế Nghiệp), bạn văn (Tô Hoài) hay gián tiếp (con gái Janine). Platôn hẳn đã nếm trải nhiều đắng cay từ khi rơi vào tay quân Đức năm 1942. Người chấp bút có lẽ vì tế nhị, không muốn xát thêm muối vào vết thương, tùy tiện nghĩ ra đủ cách lướt qua một giai đoạn mà họ nghĩ chẳng có liên quan gì với người Việt. Nhưng chính vì sự tùy tiện đó mà các câu chuyện về Platôn Nguyễn Văn Thành bộc lộ nhiều chi tiết mâu thuẫn lẫn nhau và hết sức thú vị:

Câu dưới đây chấm phẩy tù mù:

Không sao hiểu được quan hệ giữa hai địa danh Khacốp (Liên Xô) và Đan Mạch. Cũng không thể hiểu được chuyện tù binh trong tay Đức tự nhiên bị động viên vào đội quân lê-dương của Pháp. Platôn là công dân của Pháp hay sao mà bị Pháp hốt đi nghĩa vụ quân sự?  
Chuyện trước giờ thua trận, phát xít Đức ngấm ngầm chuyển tù binh sang choAnh. Cùng phường xâm lược với nhau, Anh giao số tù binh này cho Pháp để bổ sungvào đội quân Lê Dương nghe có vẻ hợp lý hơn nhưng thuần túy là sản phẩm của trí tưởng tượng. Đúng là Pháp đã mộ được nhiều lính lê dương từ các trại tù binh nhưng người muốn đăng lính lê dương phải tự nguyện điền đơn, ký hợp đồng chứ không phải Đức đá ai qua cho Anh, Anh đá qua cho Pháp là người đó thành lính lê dương. Chi tiết này cũng mâu thuẫn với chuyện Platôn bỏ trốn trên đường bị giải về Liên Xô rồi bị người dân địa phương bắt giao cho chính quyền, bị sung vào đội quân lê dương (lại bị sung vào đội quân lê dương mà không phải là điền đơn tình nguyện).

Có vẻ như những người kể chuyện thấy cần phải nhấn mạnh việc Platôn bị cưỡng ép cầm súng đi đánh Việt Nam. Có thể là đúng là Platôn không thích cầm súng đánh nhau với ai. Ông vào lính lê dương chẳng qua chỉ đế trốn sự truy bắt của Liên Xô. Nhưng không có ai cưỡng ép ông đầu quân. Người ta chỉ cưỡng ép ông trở về Liên Xô thôi.
Platôn đã đắc tội thế nào với đồng bào, đồng chí khiến ông không còn đường quay lại tổ quốc? Sự thật có phải, theo như lời kể của con gái ông, là ông chỉ thực tập tiếng Pháp với tên cai ngục người Đức, làm cho đồng đội hiểu lầm? Tô Hoài kể khác:

Platôn có tham gia lính ngụy không? Trong số những câu chuyện về Platôn Nguyễn Văn Thành, câu chuyện của Tô Hoài có lẽ không được tròn trịa mấy, nhưng đáng tin nhất, gần với sự thật nhất:


Nguyễn Kế Nghiệp, người đồng ngũ của Platôn ở tiểu đoàn 307, kể một cách khác, ở đâu đó giữa một cực là Tô Hoài và cực kia là sự hoang tưởng:



Nhiều tác giả cho rằng Platôn đến Sài Gòn vào tháng 4-1946. Cuối năm 1946 một phái bộ quân sự Xô Viết đến Sài Gòn,bắt được 15 cựu tù binh Liên Xô trong hàng ngũ quân lê dương. Chúng ta không biết bằng cách nào Platôn lại một lần nữa thoát khỏi tay đồng bào, đồng chí cũ của ông. Những người kể chuyện cũng không nói rõ ông đã tìm cách liên hệ với Việt Minh từ lúc nào, trước, trong hay sau khi phái bộ quân sự Xô Viết đến Việt Nam / đi khỏi Việt Nam. Không trả lời được những câu hỏi này, chúng ta chưa thể tin là ông chuyển sang hàng ngũ Việt Minh vì giác ngộ lý tưởng cao đẹp của những người kháng chiến hay chỉ vì muốn cao chạy xa bay hơn nữa.

Giấy trắng mực đen khẳng định chắc chắn:

Hai đoạn dưới đây được cho là lời phát biểu của chính Platôn Nguyễn Văn Thành về khoảnh khắc giác ngộ trong tâm hồn người lính lê dương gốc Liên Xô:




Trước tháng 8-1947 (thời điểm Platôn vượt thoát sang phía Việt Minh), việc quân Pháp tịch thu được ảnh của đủ bộ tam sên Lênin, Stalin, Mao Trạch Đông ở chỗ Việt Minh quả là một việc hãn hữu vô song. Tìm thấy chỉ mỗi ảnh của Lênin thôi cũng đã là sự lạ, mặc dù đỡ xạo hơn một chút. Những sự việc như vậy, nếu có xảy ra trong muôn một, đương nhiên phải khiến cho Platôn hiểu được những người ở phía bên kia là ai. Hiểu được rồi vẫn nhào qua thì trốn sang tận Đông Dương để làm gì?



Theo các chi tiết đăng trên Trang Thông Tin Điện Tử của Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh Bến Tre, Platôn đã tìm cách liên lạc với Việt Minh từ hồi còn ở Vĩnh Long nhưng không thành.


Qua lời kể của Janine (con gái), sự kiện (các) tấm ảnh được dời trở lại trước Vĩnh Long:

Một ngày kia, trong mớ chiến lợi phẩmquân lê dương Pháp thu về có một tập tài liệu và mấy tấm ảnh. Sau này ông kể lại trên một tờ báo Nga: “Thoáng thấy mấy tấm hình bọn chúng giơ cao, tôi suýt nữa bật đứng nghiêm chào như thói quen ở Liên Xô. Đó là ảnh Lênin. Ngay lập tức tôi hiểu VN đứng về phía nào. Những tấm ảnh đã cứu linh hồn tôi”.
Tại Vĩnh Long, ông đã bắt liên lạc với một số người hoạt động bí mật trong thành phố, nhưng chưa nhận được tín hiệu trả lời thì họ đã bị mật thám bắt. 


Con đường dẫn Platôn đến với Việt Minh nhờ vậy hợp lý hơn, dễ hình dung hơn, thuận tiện hơn cho giả thuyết giác ngộ lý tưởng cao đẹp. Duy có sự tồn tại của mấy tấm ảnh là bất khả kiểm chứng.



Platôn có trúng mỹ nhân kế của Việt Minh không? Người phụ nữ móc nối với anh ở Bến Tre (Colette Nguyễn Thị Mai) đã trở thành vợ anh sau khi anh chạy sang Việt Minh.


Một năm sau Janine ra đời. Bến Tre bị chiếm đóng khắp nơi, Hai Thành chuyển về Trà Vinh hoạt động. Và vợ Hai Thành đi lấy chồng khác. Chấm dứt chóng vánh một cuộc tình (không) nghĩa.

Cô Mai đi đường của cô Mai. Ông Platôn hết lối để quay về. Ông có đau không?


Mục đích dĩ nhiên trở nên rõ ràng khi ta chỉ còn một đường mà đi.

Monday 28 October 2013

Nổ tung hay nổ văng miểng?



Đối với các tướng của ta (Lê Hồng Anh, Nguyễn Quang Phòng, Chu Duy Kính...), chiến hạm Amyot d’Inville (A-mi-ô-đanh-vin) đã thực sự nổ tung như xi-la-ma trong đêm 26 rạng ngày 27 tháng 9 năm 1950 ở ngoài khơi Sầm Sơn:

Chuyện chiến hạm Pháp bị điệp viên Việt Minh mang chất nổ đánh đắm được sách báo chính thức của ta hiện nay (Nhân Dân) xem là sự thật lịch sử khách quan, bất khả hồ nghi. Gần nửa thể kỷ sau chiến công lẫy lừng đó, nữ tìnhbáo viên Nguyễn Thị Lợi bỗng... được phong anh hùng và được dựng tượng (như Lê Văn Tám), dựng bia ghi công. Người ta còn đưa ra được bức quyết tâm thư của chị Lợi, chứng tỏ chuyện chị thanh thản đi vào chỗ chết không có liên quan gì tới những lần tự tử bất thành trước đó vì đau buồn riêng tư.
Christopher E. Goscha (2007:124) bảo rằng Hoàng Đạo đưa chị Lợi thuốc ngủ. Nói như vậy là làm giảm tầm vóc chiến công của ta. Sách báo của ta chỉ thừa nhận chuyện Chị Lợi lên tàu lấy lý do bị mệt vì say sóngdo đi từ bờ ra nên xin phép được về phòng nghỉ trước.

Giặc Pháp không công nhận tàu Amyot d’Inville bị nổ tung và bị đánh chìm cùng với thủy thủ đoàn. Trên bản tin tháng 10/1950 (trang 26) của Bộ Pháp Quốc Hải Ngoại, chúng chỉ nói là một vụ nổ xảy ra trên tàu Amyot d’Inville làm hạm trưởng thiếu tá Aubin (ông này xui: vừa lên hạm trưởng vài ngày thì mất mạng) và một thủy thủ thiệt mạng, không nhắc gì đến điệp viên Việt Minh (Le 27 septembre, à bord de l’aviso “Commandant Amyot d’Inville” une explosion s’est produite causant la mort du capitaine de corvette Aubin et d’un matelot;). Thông tin như thế cũng là gian dối, nhưng tàu chỉ có 8 sĩ quan, 32 hạ sĩ quan, 61 thủy thủ thành ra muốn chết đến 200 người (gồm một trung tá, hai đại úy và tám trung úy) cũng không được vì là tàu chiến, không nhồi nhét người như tàu đưa người vượt biên. Và một con tàu dài 78 mét, ngang 8,48 mét với 1 tháp pháo 2 khẩu 105 mm, 1 khẩu 40 mm, 6 khẩu phòng không 20 mm, 4 súng cối, 2 súng phóng lựu không thể chìm xuống biển khơi rồi lại trồi lên để về neo đậu tại Sài Gòn, sau đó túc tắc sang Nhật sửa chữa.

Ngày 3 tháng 8 năm 1951 tàu Amyot d'Inville được tuyên dương cấp quân đoàn. Phó đô đốc Ortoli, tư lệnh hải quân tại Viễn Đông viết trong bản tuyên dương như sau:


Sous les commandement successifs des capitaines de corvette Rieu, Majoyer, Maget et Roux a effectué des opérations fructueuses de surveillances en mer ayant abouti à la destruction de plusieurs centaines de tonnes de jonques rebelles et à la capture d'armes, de matériel et de ravitaillement au cours des 850 journées de mer représentant un parcours de plus de 75000 nautiques dans les eaux indochinoises entre le 1er février 1948 et le 1er juin 1951.
(Roux là hạm trưởng của Amyot d'Inville sau khi thiếu tá Aubin chết)
...
En dépit d'une grave explosion à son bord, du fait de l'ennemi, par un effort de tout son personnel a retrouvé très rapidement sa disponibilité et repris son activité.
(Mặc dù bị địch gây ra một vụ nổ nghiêm trọng trên tàu, nhờ nỗ lực của toàn thể nhân viên, tàu đã nhanh chóng phục hồi tình trạng khiển dụng và hoạt động trở lại)

Chỉ hơn một năm sau khi bị công an ta đánh chìm, tàu Amyot d’Inville từ Nhật trở về làm nhiệm vụ canh phòng trên biển như trước. Tháng 7-1966 nó mới bị hải quân Pháp khai tử (https://memorial-national-des-marins.fr/j/3625-amyot-d-inville). 

Sunday 27 October 2013

Lính lê dương nào đội mũ đỏ?

Lính lê dương chưa bao giờ đội mũ đỏ. Nghe các nhân chứng lịch sử thuật chuyện đánh nhau với bọn lính lê dương mũ đỏ, con cháu đâm ra hoang mang. Thật ra các cụ đã đánh nhau với bọn nào? Vì sợ mang tội bất kính nên không dám hỏi sự thật là các cụ có đánh nhau hay không. Nhưng nhân chứng đã kể như thế thành ra sách báo đời sau cứ ghi như thế. Cứ biết như thế. Chẳng chết thằng Tây nào cả.

Thursday 26 September 2013

Tướng Nguyễn Dũng Chi có nhầm không?




Và trước mặt chàng trai Nguyễn Dũng Chi lúc đó mới chỉ 27 tuổi, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 251, là một tên quan Tây cao lớn, mang quân hàm thiếu  tá, đầu đội mũ bêrê màu xanh lục, ngực đeo Bắc đẩu bội tinh đồng, đánh gót nghiêm chỉnh theo nghi lễ nhà binh, chào và nói:
- Tôi, Thiếu tá Bigeard, chỉ huy Tiểu đoàn 1, bán Lữ đoàn Lê dương số 13, xin thuộc quyền ngài. Quân số tôi chỉ còn 150 người. Xin đợi lệnh ngài.

Nhưng trước khi Điện Biên Phủ thất thủ, Bigeard đã được vinh thăng trung tá, cùng lúc với nhiều chỉhuy khác (De Castries lên thiếu tướng, Langlais lên đại tá...). Ngoài ra Bigeard cũng không phải là chỉ huy của  tiểu đoàn 1, bán lữ đoàn lê dương số 13 (13e DBLE). Ông ta vốn là chỉ huy tiểu đoàn 6 nhảy dù thuộc địa (6e BPC, còn chưa tới 40 người) và đội mũ đỏ, kể cả khi ở trại tù binh. Lê dương là lê dương (đội mũ bê rê lục từ năm 1952), thuộc địa là thuộc địa. Sao có thể lẫn lộn hai sắc lính đó được? 

Friday 23 August 2013

Về lá cờ chiến thắng trên nóc hầm Đờ Cát (Nguyễn Đoàn - Lao Động)

Về lá cờ chiến thắng trên nóc hầm Đờ Cát

Trận Điện Biên Phủ là một chiến thắng vĩ đại, chấn động địa cầu. Việc không có cảnh cắm cờ trên nóc hầm Đờ Cát không hề giảm một chút nào ý nghĩa lịch sử vô cùng to lớn của chiến thắng này.
Đồng chí Hoàng Đăng Vinh được
Bác Hồ gắn huân chương và huy hiệu
sau chiến dịch Điện Biên Phủ. 
Từ một bài báo...

Tôi đọc tạp chí "Lịch sử quân sự" số 5-2001 trang 19 có bài của đại tá Trần Quang Vĩ, viết: "14 giờ chiều ngày 7.5.1954, Đại đội 360 vượt hàng rào bùng nhùng, bất ngờ tiến công cứ điểm 507. Địch chống cự yếu ớt rồi bỏ súng giơ tay hàng. Không đầy 15 phút, cứ điểm 507 đã bị đánh chiếm. Ngay sau đó, đài quan sát trung đoàn báo cáo phát hiện có cờ trắng cả hai bên sông Nậm Rốm. Thời cơ đã đến, Ban chỉ huy trung đoàn hạ quyết tâm phải thừa thắng xông lên, lệnh cho Tiểu đoàn 130 và 154 vượt qua các cứ điểm 508, 509, cầu Mường Thanh tiến thẳng vào sở chỉ huy của Đờ Cát.

Nhận lệnh của trung đoàn, Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật chỉ huy trung đội của Chu Bá Thệ vượt cầu Mường Thanh, mặc cho khẩu đại liên 12 ly 7 của địch đang khạc đạn, tiến thẳng vào hầm Đờ Cát. Lúc đầu có đồng chí Vinh và Nhỏ, sau đồng chí Luật tới thì cả năm người (Luật, Vinh, Nhỏ, Lam, Hiếu) xông vào hầm. Đồng chí Luật nói tiếng Pháp bắt tướng Đờ Cát đầu hàng cùng toàn bộ ban tham mưu của ông ta".

Như vậy không có chuyện cắm cờ trên nóc hầm Đờ Cát như trong phim, ảnh. Sự thực thì khi đó mỗi tiểu đoàn chỉ được phát một lá cờ đỏ sao vàng dưới có thêu chữ "Quyết chiến quyết thắng" và không phải chỉ có Đại đội 360 được giao nhiệm vụ đánh vào sở chỉ huy của địch nên đại đội cũng không có lá cờ nào để cắm trên nóc hầm Đờ Cát lúc đó. Ông Vinh cho biết chưa bao giờ, khi kể chuyện bắt sống Tướng Đờ Cát, lại nói đến việc đã cắm cờ trên nóc hầm chỉ huy. Ông cũng đã báo cáo với Tổng cục Chính trị tháng 5.1984, nói với cán bộ Viện Lịch sử Quân sự VN khi về làm việc năm 1983 và trước Hội nghị các nhà báo họp tại Điện Biên tháng 3.1994 về vấn đề này. Ông nói: Sự việc diễn ra vào lúc 5 giờ chiều, ở miền núi đã hết bóng nắng nên cũng không ai cắm cờ để chụp ảnh. Việc chụp ảnh và quay phim là do nhà điện ảnh Karmen (Liên Xô) phối hợp với điện ảnh ta quay phim. Khi quay, kịch bản có cảnh cắm cờ để làm rõ chủ đề chiến thắng. Ba chiến sĩ được chọn ra để phất cờ và vác súng trên nóc hầm Đờ Cát như lâu nay ta thường thấy trong ảnh không phải là nhóm chiến sĩ của đồng chí Luật mà là các chiến sĩ của Đại đoàn 316 dựng lại giờ phút vinh quang của chiến thắng".

... đến việc cố gắng ghi dấu khoảnh khắc lịch sử
Từ bài báo trên, tôi rất băn khoăn về việc có chuyện cắm cờ trên nóc hầm Đờ Cát hay không? Vì từ năm 1954 đến nay, trong ảnh, tranh, cho đến cả con tem bưu chính và các văn hoá phẩm khác khi nói đến chiến thắng Điện Biên Phủ đều lấy cảnh cắm cờ trên nóc hầm Đờ Cát của Karmen quay làm hình ảnh tiêu biểu. Riêng tem bưu chính phát hành 20 mẫu tem trong 6 đợt về Điện Biên Phủ, thì có đến 9 mẫu tem có vẽ hình ảnh cắm cờ. Để tìm hiểu sâu thêm về vấn đề này, tôi đã đi tìm nhân chứng sống là Tạ Quốc Luật, Đại đội trưởng, Hoàng Đăng Vinh và đồng chí Nhỏ, Đào Văn Hiếu và đồng chí Lam ở Đại đội 360, Tiểu đoàn 130, Trung đoàn 209, Đại đoàn 312 hồi ấy thì được biết nay đồng chí Nhỏ và đồng chí Luật đã mất, đồng chí Lam từ khi vào chiến trường miền Nam không rõ nay ở đâu, chỉ còn xác định được địa chỉ của đồng chí Đào Văn Hiếu ở Ngọc Hưng - Nga Sơn - Thanh Hoá, Hoàng Đăng Vinh nay là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị xã Bắc Ninh. Tôi đến gặp ông Vinh và được ông Vinh kể lại toàn bộ diễn biến trận đánh và khẳng định: "Không có chuyện cắm cờ trên nóc hầm Đờ Cát vì thứ nhất tiểu đội chúng tôi không mang theo cờ, đại đội của tôi cũng không mang theo cờ, thứ hai là lúc đó đã chiều rồi, cả khu trung tâm đó không có một nhà nào, toàn giao thông hào, tù binh đã được áp giải ra hết và đơn vị chúng tôi cũng rút ra theo".

Như vậy, giờ phút cuối cùng của cuộc chiến này, bộ đội ta chỉ xông vào hầm sở chỉ huy của địch bắt sống Đờ Cát và toàn bộ đội ngũ sĩ quan của ông ra rồi áp giải đi, không có chuyện các chiến sĩ xông lên phất cờ trên nắp hầm Đờ Cát, mà đó là cảnh nhà quay phim Karmen dựng thêm khi quay phim.
Nguyễn Đoàn

Saturday 20 July 2013

Ai dốt?



Trong bài ChữViệt Gốc Pháp Còn Tồn Tại Đến Ngày Nay, Nguyễn Đức Tuấn có nhận xét như sau:
Số chữ Việt gốc Pháp có hơn trăm và hiện tại vẫn còn được sử dụng ở nhiều nơi, kể cả ở miền Bắc, nơi đả phá việc sử dụng tiếng nước ngoài. Bạn nên biết rằng sau khi Hồ Chí Minh lên nắm chính quyền, việc sử dụng tiếng Anh, tiếng Pháp bị cấm tuyệt đối, thuở ấy, miền Bắc rất cực đoan, những gì thuộc về thực dân đều bị kịch liệt đả phá. Thế nhưng vẫn có nhiều chữ lọt lưới. Lấy ví dụ: PHANH (cái thắng), LốP (vỏ xe), SăM (ruột xe), CUốC (chuyến đi bộ hay xe), Xà CộT (cái bọc đựng đồ phụ tùng), BI đôNG (bình nước), CồN (alcool)..., dân vẫn thản nhiên nói, không những thế, xí nghiệp Nhà nước còn sản xuất SăM, LốP, PHANH... và để nguyên xi các chữ đó trên bao bì.
ông kết luận luôn:
Thì ra có cả một tập thể dốt, thấy đó mà không biết gốc gác.

Thứ nhất, không có chuyện sau khi Hồ Chí Minh lên nắm chính quyền, việc sử dụng tiếng Anh, tiếng Pháp bị cấm tuyệt đối. Có chuyện đại học chỉ dùng tiếng Việt để giảng dạy không dùng tiếng Pháp, nhưng chuyện đó có gì xấu xa? Người Pháp đi rồi, cũng là chuyện tự nhiên nếu tiếng Pháp nhường chỗ cho tiếng Việt trên sách báo, giấy tờ, trong giao thiệp hàng ngày, cần ai phải ra lệnh cấm?

Thứ hai, có thể nghĩ rằng thuở ấy, miền Bắc rất cực đoan, những gì thuộc về thực dân đều bị kịch liệt đả phá. Nhưng từ ngữ gốc Pháp không thuộc về thực dân mà thuộc về từ vựng tiếng Việt. Có nhà ngôn ngữ học đầu ngành (Tập SanNghiên Cứu Văn Sử Địa số 26 (1957:68, Hồng Giao) chủ trương không dùng ghi đông (thay bằng tay lái), juýp (thay bằng váy), phờ-ri-dê (thay bằng uốn tóc)..., nhưng đây thực chất là thanh toán tập quán nói năng của một bộ phận dân cư (nói trắng ra là trí thức cũ), tiến đến thống nhất ngôn ngữ (thống nhất ý thức là chuyện sẽ bàn sau) không phải là chống những gì thuộc về thực dân. Vì vậy mà HồngGiao (1957:68) không thích đui xết, nhưng lại chấp nhận 12 ly bảy (li là một từ gốc Pháp, millimètre), không thích pu-lô-vơ nhưng chấp nhận áo len cộc tay (len cũng là từ gốc Pháp laine).

Hồng Giao (1957:68) không điên cũng không dốt. Ông không đả phá từ gốc Pháp. Ông đánh từ ngữ (gốc Pháp hay gốc gì cũng thế) của ai đó (trí thức cũ), nhưng ông ủng hộ từ ngữ (gốc Pháp hay gốc gì cũng thế) của chính ông (và các đồng chí của ông). Bởi vậy mới có chuyện giữ lại PHANH (cái thắng), LốP (vỏ xe), SăM (ruột xe), CUốC (chuyến đi bộ hay xe), Xà CộT (cái bọc đựng đồ phụ tùng), BI đôNG (bình nước), CồN (alcool)... Nhưng không phải các từ ngữ đó lọt lướicả một tập thể dốt, thấy đó mà không biết gốc gác. 

Saturday 6 July 2013

Giọt nước nào ở trong tâm thức của người Việt?



Trần Quốc Vượng (2003) khám phá ra rằng:
Người thợ luyện kim có thể nói: Họ “giống nhau như đúc”. Nhưng bất cứ người dân thường Việt Nam nào cũng có thể nói: Họ “giống nhau như hai giọt nước.
Người Việt không cứ phải là thợ luyện kim mới có thể nói câu “Họ giống nhau như đúc”. Từ điển Gustave Hue (1937:343) đã ghi nhận thành ngữ này.
Từ điển Gustave Hue (1937:343) còn có giống như in, giống như lột, giống như tạc nhưng không có giống nhau như hai giọt nước. Người Việt biết tiếng Tây đầu thế kỷ 20 ắt biết se ressembler comme deux gouttes d’eau là gì, nhưng cách diễn đạt giống nhau như hai giọt nước chưa phổ biến đến mức được xem là thành ngữ, thậm chí còn có thể bốc mùi Tây quá nặng. Bằng cớ là trước Gustave Hue một năm, từ điển Pháp Việt của Đào Duy Anh (1950:486) đã dịch se ressembler comme deux gouttes d’eaugiống hệt nhau, giống nhau như đúc, như lột vì lúc ấy mà có chuyển thành giống nhau như hai giọt nước ắt sẽ có người la ó:
-Dịch thế bố ai hiểu được? Hay định bắt chước người nào dịch on the dotted line của Nabokov thành trên những dòng kẻ hử?

Thanh Nghị (1967b:602) có giống như đúc, như in, như tạc khuôn nhưng chưa có can đảm đưa giống nhau như hai giọt nước vào từ điển.
Nay thì giống nhau như hai giọt nước đã được Hoàng Phê (2006:403) công nhận là thành ngữ tiếng Việt. Quả thật người Việt nào cũng có thể nói câu Họ giống nhau như hai giọt nước và ngay cả nhà sử học cũng có thể ngộ nhận là người Việt xưa nay vẫn luôn bận lòng vì nước như thế.