Thursday 29 July 2021

Mấy nhận xét về những từ gốc Anh trong tiếng Việt và tiếng Hàn (Trần Văn Tiếng - Khoa Văn Học, Trường Đại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn Thành Phố Hồ Chí Minh)

 

Mấy nhận xét về những từ gốc Anh trong tiếng Việt và tiếng Hàn

(Trần Văn Tiếng, In trong cuốn "Những vấn đề ngữ văn" (Tuyển tập 40 năm nghiên cứu khoa học của Khoa VH&NN) 

1. Mở đầu

Do nhiều nguyên nhân khách quan, đặc biệt là trong tiến trình tiếp xúc ngôn ngữ và giao lưu văn hoá, hiện tượng tiếp nhận và sử dụng những từ ngữ có nguồn gốc khác vào trong hệ thống của một ngôn ngữ nào đó là một hiện tượng phổ biến. Thực tế, khái niệm “từ vay mượn”, “từ ngoại lai”, “từ ngoại nhập” vẫn chưa phản ánh hết bản chất của hiện tượng này trong hoạt động nói năng của một cộng đồng sử dụng ngôn ngữ bản địa. Cách gọi “từ ngữ nước ngoài” có lẽ là cách gọi khá phổ biến của những người quan tâm nghiên cứu vì nó mang tính khái quát hơn cả.

Tiếng Anh[1]– một trong năm ngôn ngữ được UNESCO công nhận là  thứ tiếng phổ biến trên thế giới – khoảng vài chục năm qua ngày càng mở rộng ảnh hưởng của mình trên trường quốc tế. Theo một tài liệu gần đây, người ta ước đoán có khoảng 2 tỉ người sử dụng tiếng Anh  như là tiếng mẹ đẻ hoặc ngôn ngữ thứ hai và ngoại ngữ ở trên 100 quốc gia và các vùng lãnh thổ khác nhau; trong khi ở Việt Nam có khoảng 98% số lượng học sinh, sinh viên theo học tiếng Anh [6/ tr.34-35]. Thêm nữa, từ lâu do tính phổ quát của tiếng Anh nên ngay trong nội bộ của ngôn ngữ này cũng đã dung nạp nhiều từ ngữ của các ngôn ngữ khác và dần dà người ta không quan tâm đến nguồn gốc của chúng[2].

Chính trong điều kiện như thế, nhằm đạt được hiệu quả giao tiếp, việc tiếp nhận và sử dụng từ ngữ tiếng Anh trong các ngôn ngữ là điều không thể tránh khỏi. Vấn đề còn lại là cách tiếp nhận và sử dụng chúng ra sao lại tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau (như tập quán, quan điểm, tâm lý, hoàn cảnh xã hội, chính sách ngôn ngữ của mỗi nước…) nên việc xử lý các từ ngữ tiếng Anh cũng theo những cách khác nhau. Lấy ví dụ, khi computer được phổ biến khắp thế giới, người Việt gọi là “máy tính/ máy vi tính” (chứ ít khi hoặc không dùng “mua máy computer”/ “cài đặt chương trình cho máy computer”); trong khi người Hàn lại phiên âm “computer” theo cách đọc của họ là “컴퓨터”. Tương tự, với máy “air conditioner”, người Việt chuyển thành “máy điều hoà/ máy điều hoà không khí/ máy lạnh” (cách nói thông thường là “lắp máy lạnh”, “mở máy điều hoà”), trong khi người Hàn lại phiên âm và tỉnh lược “~ditioner” thành “에어콘 [air-con]”.

Sự có mặt của nhiều từ ngữ tiếng Anh trong quá trình nói và viết tiếng Việt đã trở thành một hiện tượng xã hội và không phải chỉ mới diễn ra trong thời gian gần đây. Trong quá khứ, do điều kiện xã hội, do điều kiện tiếp xúc với thế giới bên ngoài còn hạn hẹp, các vị tiền nhân của chúng ta hầu hết chỉ biết chữ Hán và chỉ tiếp xúc với những từ ngữ gốc Anh – Mỹ thông qua sách vở của Trung Quốc nên không có cách nào khác ngoài âm đọc Hán Việt, vì thế mới có Hoa Thịnh Đốn ‰ ghi cho Washington, Nữu Ước ‰New Yook, Luân Đôn ‰London, Phần Lan ‰Finland, Ba Lê ‰Paris, Đan Mạch ‰ Denmark và những trường hợp khác như Anh, Đức, Ý, Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, v.v.

Sau khi nước nhà thống nhất, đất nước còn bộn bề khó khăn, để thích ứng với trình độ dân trí khi ấy, chủ trương phiên âm các từ ngữ gốc Anh đã được áp dụng và tiến hành trong một thời gian dài. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng đã nảy sinh hàng loạt vấn đề bất cập. Tỉ dụ như vấn đề nên hay không nên dùng dấu gạch ngang tách âm tiết của từ  (Washington š Oa-sinh-tơn > < Oasinhtơn), thêm hay không thêm dấu thanh (Australia š Ôt-xtrây-lia > <Ốt-xtrây-lia, Arabia š -rập> < A-rập), vấn đề xử lý thế nào những trường hợp bảng chữ cái tiếng Việt không có như f, j, z, w và các tổ hợp phụ âm sr, sh, cr/kr, pr, fl, str, cl… (Shakespeare š Sếch-xpia > < Sếc-xpia, Sếc-spia, Massachusetts š Ma-sa-su-set > < Mas-sa-chu-set, Bush š Bu-sơ…). Và cũng chính từ những sự thiếu nhất quán ấy, nhiều chuyên luận, nhiều cuộc hội thảo xoay quanh vấn đề này đã diễn ra nhằm đi tìm những giải pháp thích hợp, khả thi, kể cả giải pháp có tính chất pháp lệnh (thể hiện bằng các qui định của nhà nước). Tựu trung nội dung thảo luận quy tụ vào các điểm phiên hay không phiên âm và khi phiên âm thì phải phiên như thế nào cho thoả đáng về mặt ngữ âm và chữ viết [3]. Ở đây cũng cần nhấn mạnh thêm rằng dù có cố gắng thế nào thì việc dùng con chữ của một ngôn ngữ này (ví dụ như tiếng Việt) để phiên âm từ ngữ của một ngôn ngữ khác (ví dụ như tiếng Anh) vẫn không phản ánh đúng bản chất ngữ âm của từ cần phiên.

Kết quả khảo sát sơ bộ của chúng tôi dưới đây (dựa vào cứ liệu tiếng Việt và tiếng Hàn trên các phương tiện thông tin đại chúng) cho thấy thực tế việc tiếp thu và sử dụng các từ ngữ gốc Anh (TNGA) ở hai ngôn ngữ Việt, Hàn diễn ra theo chiều hướng khác. Điều này nhằm khẳng định thêm nguyên lý cơ bản: ngôn ngữ mang tính xã hội, là tài sản chung của xã hội, hoạt động theo những qui luật phát triển của nó do vậy một cá nhân (hay một nhóm người nào đó) muốn can thiệp, muốn xử lý các hiện tượng ngôn ngữ trong xã hội theo chủ kiến của mình thì hầu như khó đạt được kết quả. Ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp quan trọng nhất của con người, cho nên trong hoạt động nói năng, người sử dụng ngôn ngữ bao giờ cũng hướng đến mục đích là phù hợp với bối cảnh giao tiếp cũng như đạt được hiệu quả giao tiếp, vì thế việc xuất hiện các TNGA trong tiếng Việt cũng có lý do của nó.

2. Đôi nét về tình hình sử dụng những từ ngữ gốc Anh trong tiếng Việt hiện nay

Trong xu thế toàn cầu hóa cũng như trong điều kiện hội nhập và phát triển, tiếng Việt cũng phải vận động và phát triển theo hướng tích cực, đồng thời phải chứng tỏ được vị thế của mình trong giao lưu quốc tế. Bằng chứng là sau khi đất nước mở cửa, việc dạy tiếng Việt cho người nước ngoài đã phát triển mạnh hơn bao giờ hết, và tiếng Việt lại càng phải chứng tỏ năng lực của mình, đó là năng lực diễn đạt, là phương tiện giao tiếp cũng như công cụ của tư duy hữu hiệu nhất, quan trọng nhất trong mọi hoạt động xã hội. Bên cạnh đó, việc tiếp nhận, sử dụng TNGA trong hoạt động giao tiếp xã hội hiện nay là một hoạt động tất yếu.

Các TNGA thường xuất hiện trong tiếng Việt chủ yếu gồm những từ chỉ địa danh, nhân danh. Trong lĩnh vực khoa học, tiếng Việt cũng phải tiếp nhận những thuật ngữ khoa học mà hệ thống thuật ngữ tiếng Việt không có.

Để có cái nhìn tương đối về tình hình sử dụng những TNGA trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như trong hoạt động giao tiếp xã hội, chúng tôi đã sơ bộ khảo sát một số báo đài như Báo Tuổi Trẻ (TT), Thanh Niên (TN), Sài Gòn giải phóng (SGGP), Pháp Luật (PL), Phụ Nữ TP.HCM (PN), Đất Việt (ĐV), Người Lao Động (NLĐ), Hoa học trò (HHT), Hà Nội Mới (HNM), Lao Động (LĐ); các đài HTV7, HTV9, VTV1,VTV2, VTV3, VTV9. Thời gian khảo sát trong khoảng những tháng đầu năm 2010 [4].

2.1. Trước hết về lớp từ chỉ địa danh và nhân danh – những từ có tần số xuất hiện cao trên báo đài – kết quả khảo sát cho thấy:

-Các báo đài phía Nam có xu hướng giữ nguyên tự dạng những từ gốc Anh chỉ địa danh như Canada, Massachusetts, New Zealand, Philippines, Singapore, (Bang) Utah , California, LondonLos Angeles, New York, Sydney, Texas, Washington, … Sự thống nhất cao trong việc giữ nguyên tự dạng của các báo đài phía Nam còn thể hiện qua những từ tiếng Anh ghi âm địa danh của những quốc gia, vùng lãnh thổ thuộc ngữ hệ khác như Afghanistan, Argentina, Brazil, Brunei, Chile, Israel, Pakistan, Palestine, Peru, Romania, Athens, Bangkok, Berlin, Brussels, Dubai, Kabul, Tel Aviv, Concepcion, …

Riêng đối với những từ phiên chuyển qua cách đọc âm Hán Việt và đã thành truyền thống thì các báo đài cả phía Nam và phía Bắc đều xử lý như nhau. Ví dụ các trường hợp Ai Cập, Ấn Độ, Ba Lan, Bỉ, Bồ Đào Nha, Đan Mạch, Pháp, Nhật Bản, Hà Lan, Hy Lạp, Ý, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Thái Lan, Hàn Quốc, Đài Loan, Bắc Kinh, Bình Nhưỡng, …

-Có những trường hợp lưỡng khả xuất hiện đây đó trên báo đài phía Nam và phía Bắc; điều này không loại trừ khả năng người viết chưa chú ý hoặc công tác biên tập chưa nhất quán. Chẳng hạn “Australia” có báo giữ nguyên tự dạng (TN, LĐ), có báo sử dụng theo cách gọi truyền thống là  “nước Úc” (TT, PL, NLĐ, PN TP.HCM), hoặc dùng cả hai (SGGP). 

- Có những trường hợp mà theo chúng tôi là khá đặc biệt như là London, Moscow, Lebanon vẫn chưa ổn định. Với London, do áp lực của hình thức phiên qua âm Hán Việt trước đây (Luân Đôn) nên rải rác vẫn chưa có sự thống nhất, cụ thể các báo TT, TN, PL, NLĐ, PN TP.HCM giữ nguyên dạng London, trong khi đài VTV viết Luân Đôn còn báo SGGP và HNM lại dùng cả hình thức London, Luân Đôn. Tự dạng Moscow trong tiếng Anh được các báo xử lý cũng không nhất quán khi viết  như Matxcơva (TT), Moscow (NLĐ), Mátxcơva (HNM) hoặc cả hai hình thức Moscow/ Mátxcơva (VTV). Với trường hợp Lebanon, chúng tôi thấy vẫn tồn tại hai hình thức giữ nguyên tự dạng Lebanon và phiên âm Libăng/ Libăn  (TN, SGGP, TTOnline) hoặc chỉ là phiên âm Libăng/ Libăn (HTV)[5].

- Riêng với nhân danh (bao gồm tên người, tên chức vụ, tên ấn phẩm, tên các cơ quan, tổ chức) thì hầu như các báo đài phía Nam đều giữ nguyên tự dạng. Chẳng hạn Barack Obama, Gordon Brown, Hillary Clinton, Condoleeza Rice, George W.Bush, Michael Jackson, , The Ghost Writer (phim), Avatar (phim), The hurt locker (phim), Queensland, Massachusetts, Harvard, Oxford (Đại học), …Riêng chức vụ, hầu như các báo đều ghi nguyên tự dạng (trước đó có hoặc không ghi chức danh bằng tiếng Việt), đặc biệt là các trang quảng cáo, chẳng hạn: Giám đốc học vụ (Academic Director), bartender, Giám đốc nhãn hiệu (Brand Manager), Medical Manager, Quản lý căn hộ/ cao ốc (Resident Managers), Giám đốc điều hành (Chief Executive Officer), Trưởng bộ phận kỹ thuật (Resident Engineers), v.v.

Trong khi đó, chúng tôi thấy các báo đài phía Bắc vẫn giữ hình thức phiên âm xen lẫn với hình thức giữ nguyên tự dạng những địa danh: Ôxtrâylia, Chilê, Côoét, Mêhicô, Nigiê, Pakixtan, Palextin, Philíppin, Xingapo, Inđônêxia, Băng Cốc, Conxếpxơn, Mátxcơva, Niu Đêli, Niu Yoóc, Xantiagô, Xê-un, Pa ri, Xít-ni, Têhêran, Tô-ky-ô, Oasinhtơn, Manvinát (đảo Malvinas)… Ngay cả với những địa danh gắn liền với những sự kiện nóng hổi, mới xảy ra như vụ quân đội đảo chính Tổng thống Tamadou Tandja của nước Cộng hoà Niger (Republic of Niger) vào 18.2.2010 đều được các báo đưa tin và giữ nguyên tự dạng “Niger” nhưng báo NHM lại ghi bằng hai hình thức “Nigiê” và “Niger”.

Đối với nhân danh, hiện tượng này cũng thấy rải rác: Barắc Ôbama, Gôđơn Brao, Bu-sơ, …(HNM).

Trong nhóm các từ địa danh, nhân danh tiếng Anh, chúng tôi cũng chú ý đến các từ viết tắt. Nhìn chung, do tồn tại dưới dạng viết tắt nên hầu hết khi sử dụng trên báo đài chúng được xử lý như nhau về mặt hình thức. Thường thì người viết chuyển nghĩa tiếng Việt các từ viết tắt và chú thích tự dạng bên cạnh. Ví dụ: Hội đồng gỗ Đông Nam Á (AFIC), Chỉ số giá tiêu dùng (CPI), Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), …Cũng có vài trường hợp việc chuyển nghĩa sang tiếng Việt chưa nhất quán như: EU được chuyển thành Liên minh châu Âu (báo TT, SGGP, LĐ), Liên hiệp châu Âu (báo PN TP.HCM, NLĐ); UAE được viết là Tiểu vương quốc Arab thống nhất (SGGP), Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (HNM), Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (PN TP.HCM).

2.2. Bên cạnh những từ chỉ địa danh, nhân danh như trên, những thuật ngữ gốc Anh xuất hiện trên báo chí và đời sống xã hội trong mấy mươi năm qua cũng là một hiện tượng đáng lưu ý. Hoà theo tốc độ phát triển của kinh tế thế giới, nhiều ngành kinh tế, kỹ thuật, truyền thông nước ta cũng phát triển theo. Và trong xu thế ấy, nhiều thuật ngữ tiếng Anh chuyên ngành cũng du nhập vào nước ta, đáng lưu ý là lớp thuật ngữ tin học, viễn thông và thị trường chứng khoán. Lớp thuật ngữ trong những lĩnh vực này khá lớn và mang tính đặc thù nên việc xử lý và vận dụng chúng có những cách khác nhau. Chẳng hạn, thị trường chứng khoán là lĩnh vực đầu tư, kinh doanh tài chính mang tính phổ biến với sự tham gia của nhiều giai tầng xã hội nên xu hướng phiên các từ ngữ tiếng Anh sang nghĩa tiếng Việt (có chú thích từ nguyên dạng bên cạnh) là xu hướng phổ biến  trên các báo đài. Ví dụ: người môi giới (broker), lệnh giới hạn (limit order), cổ phiếu thường/ phổ thông (common stock), cổ phiếu ưu đãi (preferred stock), trái phiếu (bond), cổ phiếu OTC (Over the counter stocks), …Việc chuyển nghĩa này thuận tiện cho nhiều giới, ngay cả người bình dân có thể nắm bắt tình hình thị trường chứng khoán.

Trong khi đó, các thuật ngữ tin học, viễn thông hầu như được báo đài và nhiều nhóm xã hội sử dụng dưới dạng nguyên tự [6]. Thực tế là việc giữ nguyên dạng TNGA trong lĩnh vực thông tin viễn thông có tính ích lợi nhất định. Thực tế là người sử dụng rất khó có thể tìm hoặc nếu tìm được một từ ngữ tiếng Việt nào có nghĩa tương đương với các từ thuộc lĩnh vực này thì khi nói người ta vẫn có xu hướng dùng nguyên dạng như power point, search, reply, scan, copy, paste, save, folder, claptop, undo typing, update, online, email, blog, entry, nickname, admin, hacker, webcam, chatter, [7]…Theo chúng tôi, việc giữ nguyên dạng các từ thuộc lĩnh vực tin học, viễn thông hiện nay mang lại nhiều lợi ích, chí ít nó cũng giúp cho người học nhớ được nguyên tự dạng để dễ dàng tra cứu các tài liệu chuyên ngành, nhất là tài liệu trên mạng internet.

2.3. Ngoài những lĩnh vực nêu trên, những TNGA được dùng trong đời sống xã hội cũng cần được khảo sát, tìm hiểu một cách thấu đáo. Hiện nay, chúng tôi vẫn chưa có điều kiện thu thập hết những TNGA đã và đang đi vào đời sống xã hội. Quan sát trên báo đài, chúng tôi thấy những từ đã đi vào hệ thống từ vựng tiếng Việt và ổn định dưới dạng phiên âm như (xe) buýt, tắc xi, ô tô, vi rút, gas (phát âm “ga”), đề pa, (chạy) , a-xít, mô típ, sai (size), mít ting, căng tin, sếp, (quầy) bar, (tiền) cát  xêxi măng, xì-căng-đan, mát-xa, (bị) sốc, (đoạt) cúp, sút (bóng), (xem) phim, garage[8]; bên cạnh đó, những từ gần như đã được chuyển nghĩa hẳn sang tiếng Việt như máy tính, máy lạnh, máy giặt, ...làm cho hệ thống từ vựng tiếng Việt ngày càng phong phú. Tuy nhiên, thực tế là số lượng những từ được dùng trong xã hội dưới dạng nguyên tự vẫn chiếm số lượng đáng kể như festival, cotton, container, hattrick, game, gel, laser, liveshow, (độ) richter ( báo HNM viết là “ríchte”), (bị) stress, Resortfast food, zoom, talkshow, teen, video clip, hamburger, snack, cocktail, jeans, slogan, shopping, fan, poster… Một số ví dụ dẫn từ báo:

(1) Chia tay, dĩ nhiên  Dania Dilema Palsu đã không quên book phòng trước ở nhà Hiền (TT.28.2.2010).

(2) Mỹ Hiền – một “freelancer” chuyên viết quảng cáo ở TP.HCM (TT.28.2.2010).

(3) (…) Philip Kotler, cha đẻ của thuyết marketing hiện đại phân tích trường hợp điển hình trong sách “Thinking Asean” của ông vào năm 2007 (SGGP.1.3.2010).

(4)   (…) giới thương gia lắm tiền nhiều của thì đưa vợ đi shoping mua sắm (…) (SGGP.1.3.2010).

(5)   Bác sĩ có tư vấn cho chị sử dụng gel bôi trơn (…) (SGGP.1.3.2010).

(6)   Mới 15 tuổi, cách nói chuyện vẫn còn nguyên sự tinh nghịch của tuổi teen, nhưng Nguyễn Thị Kim Tuyến đang là tài năng triển vọng nhất của bơi lội TP.HCM (PN TP.HCM. 23.2.2010).

(7)   Festival thơ Nguyên tiêu Phú Yên (TN 26.2.2010)

2.4. Nhìn chung, sử dụng TNGA trong tiếng Việt hiện nay là một xu thế tất yếu. Thực tế là chúng ta đã có những cách xử lý khác nhau đối với chúng, trong đó việc giữ nguyên dạng là một xu hướng khá phổ biến, đáp ứng với trình độ dân trí nước ta hiện nay. Chúng tôi thấy việc này diễn ra bình thường trên báo đài. Một vài ví dụ:

(8) Đọc những entry và những comment của họ, ta bỗng thấy nhẹ người. (PN CN.28.2.2010).

(9) (…) thí sinh chỉ cần điền đầy đủ thông tin và một cú enter (ra kết quả),…(TT.1.3.2010).

(10) Với việc xuất hiện các loại điện thoại 2 sim, 2 sóng online giá vài trăm ngàn đồng và qui định khuyến mãi khi tặng thẻ nạp không quá 50% giá trị (…) (SGGP, 23.2.2010).

(11) Designer Phạm Thu Hà, người cùng tạo hình trên mái nhà với các cô gái Mường nói” cô tham gia chương trình vì công việc tạo hình rất gần với công việc của mình (TN, 27.2.2010).

Tuy nhiên, gần đây có vài ý kiến lo ngại về tình hình lạm dụng tiếng Anh trong khi nói và viết của giới trẻ trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là các ấn phẩm dành cho thanh thiếu niên. Hiện tượng này cũng đặc biệt diễn ra rất mạnh trên ngôn ngữ mạng. Theo thiển ý của chúng tôi, đây không phải là hiện tượng đặc biệt trong một xã hội phát triển, bởi lẽ đứng ở góc nhìn của ngôn ngữ học xã hội thì ngôn ngữ chat, ngôn ngữ 8X, 9X, hay mật mã @...thật ra chỉ là những biến thể ngôn ngữ dùng trong một nhóm xã hội nào đó, mang tính lâm thời, tồn tại có thời đoạn trong nhóm [9].

3. Về những từ ngữ gốc Anh trong tiếng Hàn

Tiếng Hàn (cách gọi thông thường thay cho “tiếng Triều Tiên”) thuộc loại hình ngôn ngữ chắp dính (Agglutinate). Về tự dạng, tiếng Hàn là chữ vuông, ghi âm. Đặc điểm loại hình này kết hợp với những yếu tố khác (như tập quán, tâm lý, quan điểm, ý thức xã hội, ý thức dân tộc…) khi tiếp nhận và sử dụng các từ ngữ gốc Anh khi nói, viết khác với các ngôn ngữ khác. So với tiếng Việt – ngôn ngữ sử dụng chữ Latin, tiếng Hàn dung nạp các từ ngữ gốc Anh  theo xu hướng phiên âm. Do đặc điểm ngữ âm của tiếng Hàn có nhiều dị biệt với tiếng Anh nên việc phiên âm có những qui tắc chuyển hóa khá đặc biệt. Ở đây, chúng tôi chỉ muốn nêu ra những truờng hợp xử lý các TNGA trong tiếng Hàn.

3.1. Trong đời sống xã hội, hầu như người Hàn đều phiên chuyển các TNGA sang hệ thống chữ viết tiếng Hàn. Hàn Quốc đã có một quãng thời gian dài tiếp xúc với tiếng Anh nên có nhiều từ thông dụng trong cuộc sống được “Hàn hoá” khá mạnh đến nỗi nó trở thành một bộ phận trong hệ thống từ vựng tiếng Hàn và được toàn xã hội chấp nhận, xuất hiện thường trực trên ti vi, được đưa vào từ điển như (pen), 스포츠 (sports), 카트 (card), 라이터 (lighter = bật lửa), (cap), 뉴스 (News), 페이지(page), 빌딩 (building), (cup), 퍼센트 (percent), 세미나 (seminar), 키스 (kiss), 프로그램 (progarm), …

Hiện tượng tiếp nhận và “Hàn hoá”các TNGA có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có thể do hệ thống từ vựng tiếng Hàn không có từ tương đương đối với những vật, những khái niệm mới mà đất nước Hàn trước đó không có; chúng được nhập vào Hàn Quốc cùng với tên gọi của chúng. Có thể nêu một số loại như dưới đây:

- Các loại trái cây, thực phẩm: 버터 (butter=bơ), 치즈 (cheese = pho mát), 칵테일 (cocktail), 토마토 (tomato), 햄 (ham = thịt nguội), 햄버거 (hamburger), 바나나 (banana), 바인애플 (pineapple), 멜론 (melon), 오렌지 (orange), 배 (pear), 커피 (coffee), 아이스크림 (ice cream), 수우프 (soup), 껌 (gum =kẹo cao su), 비프스테이크 (beef steak), 샌드위치 (sandwich), 오렌지주스 (orange juice)…

- Các loại thuộc trang phục, thời trang: 드레스 (dress), 셔츠(shirt), 재킷 (jacket), 코트 (coat), 웨딩드레스 (wedding dress), 스웨터 (sweater), 샌달 (sandal), 캡 (cap),…..

- Các từ liên quan đến thể thao (sports: 스포츠): 테니스 (tennis), 해트트릭 (hattrick), 스기 (ski), 볼링 (bowling), 골프 (golf), …

- Các từ thuộc lĩnh vực kinh tế: 마케팅 (marketing), 브로커 (broker), 서비스 (service), 슈퍼바켓 (supermarket), 슬로건 (slogan), 로고 (logo), …

- Các loại khác: 코미디 (comedy), 허니문 (honeymoon), 투어 (tour), 리조트 (resort), 버스 (bus), 기타 (guitar), 드라마 (drama), 파티 (party), 마스크 (mask = mặt nạ/ khẩu trang), 메뉴 (menu), 아파트 (Apart. = căn hộ), 타워 (tower), 택시 (Taxi), 게임 (game), 페스티벌 (festival), 호텔 (hotel), 리스트 (list), ….

Như vậy, có thể thấy trong đời sống xã hội, người Hàn có xu hướng dùng những từ tiếng Anh có tần suất xuất hiện cao. Tuy nhiên, khi trình bày trên các bảng hiệu, các phương tiện công cộng, các sản phẩm, các thông báo chỉ dẫn, máy rút tiền,…nếu có tiếng Anh, người Hàn đều phiên âm theo cách đọc của người Hàn. Điều này vừa thể hiện tính tự tôn hệ thống chữ Hangul vừa vô tình buộc người nước ngoài phải biết đọc chữ Hàn.

3.2. Tương tự như Việt Nam, ngành công nghệ thông tin, viễn thông ở Hàn Quốc cũng phát triển rất mạnh. Và khi tiếp xúc với kỹ thuật công nghệ máy tính, thông tin, người Hàn cũng tiếp nhận luôn hệ thuật ngữ của ngành nhưng hầu hết đều phiên sang âm đọc tiếng Hàn. Ví dụ: 홈페이지 (homepage),  이메일 (email), 소프트웨어 (software) 엔트리 (entry), 네트워크 (network), 온라인 (online), 닉네임 (nickname), 다운로드 (download), 데이터 (data), 디지털 (digital), 그레이드업 (upgrade = nâng cấp), 로크아웃 (log out), 로그인하다 (log in), 블로그 (blog), 네티즌 (netizen), 스파웨어 (spyware), 로밍 (roaming), 블루투스 (bluetooth), 카메라 (camera), 비디오 (video), 케퓨터 (computer), 핸드폰 (hand phone), 키보드 (keyboard), 오디오 (audio)…

3.3. Đối với các TNGA chỉ địa danh và nhân danh, khi đi vào hoạt động giao tiếp xã hội, người Hàn cũng chủ trương phiên âm toàn bộ.

Tên các quốc gia, vùng lãnh thổ, các địa phương đều được thể hiện dưới dạng âm đọc tiếng Hàn. Chúng được phiên và đưa vào sách giáo khoa, từ điển hoặc xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng. Chẳng hạn: 캐나다 (Canada), 매시코 (Mexico), 브라질 (Brazil),  필리핀 (Philippines), 뉴질랜드 (New Zealand),  프랑스 (France), 사우디아라비아 (Saudi Arabia), 자바 (Java), 잠비아 (Zambia), 필리델피아 (Phila Delphia), 보스턴 (Boston), 런던 (London), 모스크바 (Moscow, Moskva), 파리 (Paris), 시드니 (Sydney), 니제르 (Niger), …

Cũng như người Việt, trong quá khứ người Hàn sớm tiếp xúc với Hán tự và do vậy có một số địa danh còn mang dấu ấn của cách đọc truyền thống và đã ổn định về mặt hình thức. Đó là phiên âm các địa danh qua âm đọc Hán- Hàn. Chẳng hạn: 미국 (Mi kuk =  Mỹ Quốc), 영국 (Yeong kuk = Anh Quốc), 중국 (Jung kuk = Trung Quốc), 일본(Il bôn = Nhật Bản), 태국 (The kuk =Thái Quốc/ Thailand),…

Riêng với nhân danh (bao gồm tên người, tên chức vụ, tên ấn phẩm, tên các cơ quan, tổ chức) thì hầu như các báo đài đều phiên âm sang âm đọc của người Hàn. Ngay trong các giáo trình dạy tiếng Hàn cho người nước ngoài[10], người Hàn đều ghi theo cách này. Ví dụ: 마리 (Marie), 윌슨 (Wilson), 존스 (Jones), 젬임스 (James), 마이클 (Michael), 피터 (Peter), …

Các danh từ chỉ nghề nghiệp, chức vụ cũng được phiên âm: 바텐더 (bartender), 디자이너 (designer), 시이어 (CEO: Chief Executive Officer).

Có một hiện tượng khá thú vị, đó là trong xưng hô, các từ để gọi như Mr., Miss, M rs. đã được người Hàn dùng để gọi người đối thoại trong giao tiếp như “Mr.Kim”, “Miss Park”, “Mrs.Lee”. Do vậy từ lâu, những từ này trở thành những từ cửa miệng khi cần xưng hô và người Hàn phiên âm thành 미스 (Miss), 미스터 (Mr.) , 미시즈 (Mrs.) trên các văn bản.

Gần đây, có một hiện tượng lạm dụng tiếng Anh trong xã hội người Hàn, đó là việc dùng những từ tiếng Anh mà trong tiếng Hàn có và rất phổ biến. Từ 와이프 (wife) là một ví dụ. Mặc dù trong tiếng Hàn đã có từ thuần Hàn “아내” (vợ) nhưng không hiểu vì sao gần đây người ta rất thích dùng와이프 (wife) trong khi nói và viết.

Đối với tên các cơ quan, đơn vị, tổ chức, trường học, người Hàn cũng có xu hướng phiên âm âm đọc tiếng Hàn nhưng có thể dựa trên phương thức ghép TNGA với từ Hán-Hàn. Ví dụ “옥스퍼드대학”  là cách ghi cho “Oxford University” trong đó có sự kết hợp  옥스퍼드 (Oxford) + 대학 (Dae hak: âm Hán-Hàn); 하버드대학 ghi cho “Harvard University” trong đó có sự kết hợp하버드 (Harvard) + 대학 (Dae hak),…

3.4. Nhìn chung, tình hình phiên âm triệt để như trên có thể tạo thuận lợi trong việc phát âm, phạm vi ứng dụng cho mọi giai tầng xã hội người Hàn. Tuy nhiên, một trở ngại mà người Hàn cũng cần khắc phục là hình thức phiên âm theo con chữ Hàn thường gây cản trở khi cần khôi phục nguyên dạng trong quá trình viết, tiếp thu các văn bản tiếng Anh.

Theo một cuộc thăm dò với qui mô lớn vào năm 2007, Viện ngôn ngữ Hàn Quốc đã công bố kết quả khảo sát trên 2039 nam nữ (có độ tuổi từ 20 đến trên 50, đa dạng về nghề nghiệp, nơi sinh, trình độ văn hóa…) về nhận thức, thái độ của họ trong sự xuất hiện ngày càng nhiều của từ nước ngoài (chủ yếu là tiếng Anh). Kết quả là có 863 người trả lời “thỉnh thoảng có sử dụng” chiếm 42,3%; có 243 người “thường xuyên sử dụng” chiếm 11, 9 %; có 294 người “ sử dụng không nhiều” chiếm 14,4%; số người “hoàn toàn không muốn sử dụng" là  44 người, chiếm 2,2%.  Về quan điểm,  khi thấy người khác dùng ngoại ngữ, trong 2039 nguời được khảo sát cho biết:  việc đó là bình thường (1226 người, chiếm 60.1%; cảm thấy việc đó có vẻ lịch sự, tao nhã (378 người, 18.5%); trông có vẻ kiêu kỳ (162 người, 7.9%); mất tính dân tộc (99 người, 4.9%); cho có vẻ học thức (81 người, 4%); cảm thấy thiếu tế nhị (19 người, 0.9%), v.v. Đối với hoạt động quảng cáo buộc phải dùng tiếng Anh (đã phiên sang âm đọc tiếng Hàn),  người ta cũng có những quan điểm khác nhau. Trong 2039 người được hỏi có: 506 người (chiếm 24.8%) cảm thấy không có gì đặc biệt; 382 người (chiếm 18.7%) cho rằng trông sẽ linh hoạt hơn; 344 người (chiếm 16.9%) cho rằng cảm thấy mới mẻ và tao nhã; có 247 người (chiếm 12.1%) cho rằng khó hiểu; 222 người (10.9%) lại nghĩ vì xu thế hội nhập với phương Tây cho nên sử dụng là tốt, cần thiết; có 157 người (chiếm 7.7%) phản đối vì như thế sẽ làm mất tính dân tộc, v.v. (dẫn lại từ [7]).

4. Tạm kết

Từ những điều đã trình bày ở trên, chúng tôi muốn nêu ra mấy nhận định chung như sau:

- Ngôn ngữ là hiện tượng xã hội đặc biệt, là tài sản của xã hội. Ngôn ngữ tồn tại và phát triển theo những qui luật khách quan, do vậy cộng đồng sử dụng ngôn ngữ luôn có cách xử lý, cách vận dụng phù hợp các yếu tố bên ngoài vào ngôn ngữ bản địa. Xã hội phát triển đã nâng dân trí của người dân ngày một cao và ngôn ngữ cũng phát triển theo, đáp ứng tốt mọi hoạt động giao tiếp trong cộng đồng xã hội và quốc tế. Chính vì thế, chúng ta cần có cái nhìn khách quan, hợp qui luật phát triển để đánh giá các từ ngữ nước ngoài du nhập vào tiếng Việt. 

- Nhìn chung, những khác biệt trong việc vận dụng và xử lý về mặt hình thức và nội dung các TNGA trong tiếng Việt và tiếng Hàn là điều tất yếu bởi nó xuất phát từ nhiều  yếu tố (như đặc trưng loại hình ngôn ngữ, loại hình văn tự, tâm lý, tập quán, quan điểm xã hội, chính sách ngôn ngữ của mỗi quốc gia…) nhưng trên hết, mỗi ngôn ngữ phải được vận động và vận động theo những qui luật khách quan.

- Cũng cần phải nhấn mạnh đến vai trò của báo chí, phát thanh truyền hình, của hệ thống thông tin viễn thông trong việc xử lý các TNGA vào trong tiếng Việt cũng như tiếng Hàn. Ảnh hưởng của các phương tiện này đến người sử dụng các TNGA vào trong giao tiếp xã hội là rất lớn, và do vậy, các cấp quản lý cần chú trọng đến một mặt bằng chung trong việc tiếp nhận và sử dụng các TNGA.

 

THƯ MỤC THAM KHẢO

  1.  

Trần Thị Mai Đào:

2009, Hiện tượng dùng chêm tiếng Anh trên một số tạp chí dành cho thanh thiếu niên Việt Nam, Ngôn ngữ & Đời sống, 10 (168).

  1.  

Phạm Văn Đồng:

1999, Trở lại vấn đề: vì sự trong sáng và phát triển của tiếng Việt, Ngôn ngữ, 6.

  1.  

Nguyễn văn Khang:

2006, Về bản dự thảo Quy định cách viết, cách đọc tên riêng nước ngoài trong các văn bản quản lí nhà nước, Ngôn ngữ & Đời sống, 6 (128).

  1.  

Nguyễn Thị Kim Loan:

2009, Về việc chuẩn hoá chính tả từ  nước ngoài trên báo Hà Nội Mới, Ngôn ngữ & Đời sống, 5 (163).

  1.  

Nxb DooSan Dong A:

2008, Prime English-Korean Dictionary –프라임-영한사전.

  1.  

Phan Văn Quế:

2003, Tiếng Anh có trở thành ngôn ngữ toàn cầu?, Ngôn ngữ & Đời sống, 5 (91)

  1.  

Nguyễn Thị Thuý Kiều:

2009, Tìm hiểu những từ ngữ tiếng Hàn gốc Anh, Trường ĐH Lạc Hồng.

  1.  

Trần Văn Tiếng

2002, Baøn theâm veà caùc haäu toá chæ ngöôøi goác Haùn-Haøn,  Nhöõng vaán ñeà vaên hoaù, xaõ hoäi vaø ngoân ngöõ Haøn Quoác, Nxb Ñaïi hoïc Quoác gia TP.HCM.

  1.  

Hội Ngôn ngữ học VN – Hội Ngôn ngữ học TP.HCM – Trường ĐHKHXH & NV TP.HCM

1999, Tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng, Kỷ yếu.



[1] Để thuận tiện, chúng tôi gọi «từ ngữ gốc Anh» là cách gọi khái quát chỉ chung cho cách hiểu «từ ngữ gốc Anh, Mỹ».

[2] Từ “coffee” là một ví dụ. Theo Phạm Ngọc Uyển, đầu tiên caffé trong tiếng Pháp xuất phát từ tiếng Ý mà từ này lại có nguồn gốc từ tiếng A rập là «quahwa» ; hoặc như từ «jeans» cũng có nguồn gốc từ tiếng Pháp sau đó mới du nhập vào tiếng Anh – Mỹ (Mấy vấn đề về từ Việt gốc Tây, NN và ĐS, 5 (7)-1995, tr.24).

[3] Theo thống kê trên 10 tờ báo lớn (vào khoảng 4 tháng của năm 1997), Nguyễn Cảnh Phúc cho biết có khoảng 77% giữ nguyên tự dạng, 10% giữ nguyên tự dạng có kèm giải thích, 9% viết theo phiên âm trực tiếp bằng chữ Việt có dùng dấu gạch nối, 2% phiên âm trực tiếp không dùng gạch nối, 2% ghi phiên âm trực tiếp viết liền. Tỉ lệ này cũng không đều ở các báo (bài Thực trạng cách viết tên riêng tiếng Anh trên báo chí Việt Nam hiện nay, Ngôn ngữ và Đời sống số 3 (29), 1998, tr.17).

[4] Những trường hợp cần đối chiếu, chúng tôi sẽ tham khảo các bài báo phát hành vào những năm trước trên báo điện tử.

[5] Ở đây cũng cần lưu ý rằng đối với các ngôn ngữ không thuộc hệ thống chữ Latin như ngữ hệ Slave, Sanskrit, chữ khối vuông (như tiếng Hán, Hàn, Nhật)…thì trong giao dịch quốc tế, các nước đều có những qui định thống nhất cách phiên Latin như Moscow, Hungary, Afghanistan, Brunei, Kuwait, Seoul, Tokyo, Beijing, Tehran, Tel Aviv…Tuy nhiên, vẫn có vài trường hợp không thống nhất cách ghi như Moscow, Lebanon ở trên.

[6] Một thống kê cho thấy 97,2% sinh viên kỹ thuật dùng trực tiếp thuật ngữ tiếng Anh trên máy tính. Trong khi làm việc, người nói cũng thường dùng các lệnh bằng các từ gốc Anh theo cách phát âm của người Việt: «Click  đi!», « Mở phai (file) », «En tơ (enter) đi» [Nguyễn Thị Kim Thanh, Về việc sử dụng thuật ngữ tin học hiện nay, Ngôn ngữ & Đời sống, 6 (68), 2001, tr. 25-26].

 

[7] Thực ra những nhà chuyên môn trong lĩnh vực này cũng đã cố gắng chuyển nghĩa thuật ngữ sang tiếng Việt nhưng nội dung ngữ nghĩa lại không nhất quán. Chẳng hạn, từ access  đã được chuyển sang tiếng Việt với  11 trường hợp: lối vào, sự cho vào, đến gần, đường vào, sự truy cập, sự truy tìm, sự truy đạt, sự truy xuất, sự thâm nhập, sự mở để xem file, cửa vào…[theo Nguyễn Thị Kim Thanh, nt].

[8] Tuy nhiên cũng có vài trường hợp báo đài viết nguyên dạng; chẳng hạn từ xi măng, xì-căng-đan, mát-xa thỉnh thoảng xuất hiện nguyên tự dạng cement, scandal, massage, garage (trên báo TN, TT với tần suất thấp)  nhằm vào mục đích đặc biệt nào đó như tên bảng hiệu, đơn vị, tổ chức.

[9] Các nhà ngôn ngữ Thái Lan lại coi các biến thể này là hiện tượng thú vị, cần quan tâm nghiên cứu, thậm chí tập hợp thành từ điển để bảo lưu [Theo Dân trí, Đừng hoảng hốt vì ngôn ngữ tuổi « teen», 18.8.2007].

 

[10] Giáo trình “Pathfinder in Korean”, 한국어 I, Ewha Womans University, 1999; giáo trình한국어 I, Seoul National University, 1995. 

 

Về tác giả Trần Văn Tiếng: Tiến sĩ, nguyên giảng viên Khoa Văn học và Ngôn ngữ, hiện là giảng viên Trường ĐH Ngoại ngữ và Tin học.
Nguồn:

http://www.khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/nghien-cuu/ngon-ngu-hoc/5424-my-nhn-xet-v-nhng-t-gc-anh-trong-ting-vit-va-ting-han.html


Monday 26 July 2021

Nhớ trường Kiểu Mẫu (Phanxipăng - Chim Việt)

 

Nhớ trường Kiểu Mẫu

Phanxipăng

Trước đây, Việt Nam có ba trường trung học cùng mang tên Kiểu Mẫu. Cả ba trường đều trực thuộc Đại học Sư phạm tại địa phương chứ  không do Ty Giáo dục quản lý như hầu hết  các trường trung học khác.  Kiểu Mẫu ở Huế khai giảng khoá đầu tiên năm 1964. Năm kế tiếp, 1965, Kiểu Mẫu ở Thủ Đức hình thành. Kiểu Mẫu ở Cần Thơ xuất hiện vào năm 1968.
Năm 1964, Đại học Sư phạm Huế có cơ ngơi mới rất khang trang: tòa nhà chữ Y ở hữu ngạn dòng Hương. Bên cạnh, một tòa nhà chữ Y giống đúc là Trung học Kiểu Mẫu Huế, cơ sở thực nghiệm lẫn thực hành của Đại học Sư phạm Huế. Được thực hiện theo đồ án của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ (1), cả hai tòa nhà ba tầng nọ tọa lạc trong khuôn viên rộng 39.000m2, xưa là Toà Khâm sứ của Pháp.

Ngày 4-8-1964, nghị định 1352GP/PC/NĐ được ban hành nhằm "thiết lập trường Trung học Kiểu Mẫu Huế trực thuộc trường Đại học Sư phạm Huế". Ngày 20-9-1964, Trung học Kiểu Mẫu Huế khai giảng niên khóa đầu tiên với 8 lớp (gồm 4 lớp đệ thất (2) và 4 lớp đệ lục (3)), 320 học sinh, 24 nhà giáo, 7 nhân viên, do nhà giáo Trần Kim Nở làm Hiệu trưởng.

Trên một quả đồi thuộc xã Linh Xuân Thôn, quận Thủ Đức, tỉnh Gia Định, trường Đại học Sư phạm Sài Gòn và Trung học Kiểu Mẫu Thủ Đức được xây dựng trong khuôn viên 5.107m2 theo đồ án cũng của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ. Trường Trung học Kiểu Mẫu Thủ Đức được thành lập theo nghị định 840GP/PC/NĐ, khai giảng niên khóa đầu tiên vào ngày 11-10-1965 với 8 lớp (cũng gồm 4 lớp đệ thất và 4 lớp đệ lục), 280 học sinh, do nhà giáo Dương Thiệu Tống làm Hiệu trưởng.

Trung học Kiểu Mẫu Cần Thơ được thành lập theo nghị định 2072GP/PC/NĐ ngày 4-12-1968, xây dựng hoàn tất ngày 30-12-1969.

Xét thực tế, rõ ràng Trung học Kiểu Mẫu Huế trở thành "trưởng tràng" trong hệ thống các trường Trung học Kiểu Mẫu tại Việt Nam (4). Điều đó từng được tạp chí Thế Giới Tự Do tập XXI số 2 khẳng định: "Trong vụ khai trường năm nay (1965), một trường trung học phổ thông Kiểu Mẫu thứ hai đã được khánh thành tại Thủ Đức, cách phía đông bắc Sài Gòn 14 cây số, gần xa lộ Sài Gòn - Biên Hòa. Trường trung học phổ thông Kiểu Mẫu thứ nhất cũng thuộc loại này đã xây cất tại Huế và đã khai giảng từ năm 1964." Vả lại, kỷ yếu Trường Trung học Kiểu Mẫu Thủ Đức niên khóa đầu tiên 1965 - 1966 tam ngữ Việt - Anh - Pháp (5) hiện vẫn còn bảo lưu.

Thời đó, hầu hết học sinh các trường phổ thông phải tuân theo quy định về đồng phục: nam mặc áo trắng, quần xanh sẫm; nữ mặc áo dài trắng. Riêng học sinh Kiểu Mẫu hơi đặc biệt: nam mặc áo xanh da trời, quần xanh sẫm; nữ mặc áo dài hoặc váy xanh da trời. Ấy là hình thức. Còn nội dung và phương pháp học hành, thi cử của học sinh Kiểu Mẫu có gì khác lạ?

Trước tiên, về quy chế, trường Trung học Kiểu Mẫu không do Ty Giáo dục quản lý như tất cả trường công lập, bán công và tư thục trên địa bàn, mà trực thuộc Đại học Sư phạm. Tuy nhiên, trường Trung học Kiểu Mẫu vẫn giữ quyền tự trị nhất định: có ban giám hiệu độc lập và đội ngũ nhà giáo riêng đạt trình độ chuyên môn xuất sắc.

Triết lý giáo dục của trường Trung học Kiểu Mẫu dựa trên 3 nguyên tắc và 4 phương thức. 3 nguyên tắc: nhân bản, dân tộc, khai phóng. 4 phương thức: toàn diện, thích nghi, thực dụng, tân tiến.

Đường lối giảng dạy mà Trung học Kiểu Mẫu chủ trương và áp dụng là chú trọng việc hướng dẫn từng cá nhân. Do đó, sĩ số mỗi lớp thường không quá 45 học sinh. Yêu cầu đặt ra: trang bị cho học sinh một số kiến thức tổng quát tối thiểu và phổ thông để sau đủ khả năng theo đuổi bậc đại học, đồng thời cung cấp một số kiến thức thực dụng giúp học sinh hiểu biết để lựa chọn nghề nghiệp phù hợp trong tương lai hoặc bất đắc dĩ thì có thể mưu sinh nếu chẳng may không tiếp tục được việc học ở trường ốc.

Cần lưu ý rằng nội dung chương trình giảng dạy của trường Kiểu Mẫu thường xuyên được sửa đổi trên tinh thần linh động uyển chuyển nhằm thích ứng kịp thời với những khám phá mới trong lĩnh vực khoa học giáo dục Việt Nam và thế giới.

Từ thập niên 1960, học sinh Trung học Kiểu Mẫu đã được làm quen tân toán học, nhập môn lớp 6 liền "vui chơi" với lý thuyết tập hợp của Georg Cantor (1845 - 1918) thông qua tập hợp rỗng và tập hợp chứa ít nhiều phần tử với mấy mối quan hệ giao hoặc hội được thể hiện trực quan bằng giản đồ Venn. Các môn khác gồm Việt văn, sinh ngữ lẫn cổ ngữ (Anh, Pháp, Hán), lịch sử, địa lý, vật lý, hoá học, vạn vật (tức sinh học) cũng có nhiều đổi mới so với các trường khác cùng thời, thể hiện qua bài học ngắn gọn với các kiến thức cập nhật, đề cao suy luận sáng tạo hơn ghi nhớ máy móc, chăm chú rèn giũa kỹ năng thí nghiệm và thực hành. Học sinh Kiểu Mẫu còn học âm nhạc, hội hoạ, thể dục thể thao, lại được huấn luyện thêm nhiều môn mà các trường phổ thông khác không dạy như võ thuật, canh nông, chăn nuôi, công kỹ nghệ, doanh thương, kinh tế gia đình.

Lề lối thi cử của trường Kiểu Mẫu được cải tiến đáng kể: bãi bỏ thi lục cá nguyệt (học kỳ), bãi bỏ hệ số các môn thi cuối cấp (tú tài). Điều đó xuất phát từ quan niệm: cần trang bị kiến thức nền một cách toàn diện và không xem thi cử là quyết định tối hậu.

Hồi ấy, các trường trung học chấm bài theo thang điểm 20, riêng Kiểu Mẫu không dùng điểm số mà áp dụng điểm chữ: A (giỏi), B (khá), C (trung bình), D (kém), L (loại / liệt). Đề thi nhập học (tuyển sinh vào lớp 6 được áp dụng ngay từ niên khoá đầu tiên), thi tú tài và cả nhiều bài kiểm tra bình thường ở trường Kiểu Mẫu đều được soạn chủ yếu dưới dạng trắc nghiệm với nhiều kiểu khác nhau: điền khuyết, chọn lựa, trả lời vắn tắt, v.v.

Trung học Kiểu Mẫu Huế niên khoá thứ nhì 1965 - 1966 đã có 12 lớp, 476 học sinh, 30 nhà giáo, 12 nhân viên, với Hiệu trưởng Dương Đình Khôi. Năm học kế tiếp, trường được 15 lớp, 492 học sinh, 37 nhà giáo, 12 nhân viên, với Hiệu trưởng Trần Hữu Long. Niên khoá 1974 - 1975, nhà giáo Lê Bá Quân làm Hiệu trưởng Trung học Kiểu Mẫu Huế. Kể từ năm học 1975 - 1976, Trung học Kiểu Mẫu Huế chuyển tên thành Trung học Lê Lợi, do nhà giáo Trần Kiêm Tiềm (anh ruột của nữ ca sĩ Hà Thanh) làm Hiệu trưởng, tới mùa hè 1977 thì trường giải thể.

Trung học Kiểu Mẫu Thủ Đức niên khoá đầu 1965 - 1966 có 8 lớp (gồm 4 lớp đệ thất và 4 lớp đệ lục), 280 học sinh, do nhà giáo Dương Thiệu Tống làm Hiệu trưởng. Các vị Hiệu trưởng tiếp theo của trường Trung học Kiểu Mẫu Thủ Đức: Nguyễn Thị Nguyệt giai đoạn 1966 - 1969, Phạm Văn Quảng giai đoạn 1969 - 1972, Dương Văn Hoá giai đoạn 1972 - 1973, Huỳnh Văn Nhì giai đoạn 1974 - 1975. Từ niên khoá 1975 - 1976, Trung học Kiểu Mẫu Thủ Đức đổi tên thành Trung học Thực Dụng, tới mùa hè 1981 thì cũng giải thể.

Nhiều học sinh Kiểu Mẫu đã theo học đại học và sau đại học ở trong lẫn ngoài nước, ngày nay đang cống hiến năng lực ở bao lĩnh vực: giáo dục, y tế, báo chí, văn học nghệ thuật, thể dục thể thao, giao thông vận tải, sản xuất kinh doanh, v.v.

Thầy trò của Kiểu Mẫu vẫn thường xuyên liên hệ để thăm nom giúp đỡ nhau rất nghĩa tình, đã tổ chức một số đợt cứu trợ nạn nhân bão lụt và trợ cấp học bổng, thực hiện các trang web và ấn hành kỷ yếu, giai phẩm, đặc san (6), v.v.

Kiểu Mẫu Huế hội ngộ, liền vang vọng Kiểu Mẫu ca của Đặng Văn Nhuận:

Trong lòng miền Trung, Kiểu Mẫu ta hiên ngang
Hồn thiêng rền vang tiếng nung nấu bao lòng trai tráng
Sức ta khơi mạch nguồn, ý ta luôn trường tồn
Cho ngày mai huy hoàng Việt Nam.

Kiểu Mẫu Thủ Đức gặp mặt, vui tươi đàn hát Học sinh hành khúc - bài ca chính thức của trường này được Lan Đài (7) soạn nhạc, Bàn Thạch (8)đặt lời:

Đây đoàn học sinh lên đường cầm tay dưới nắng hồng
Reo lên vui tươi kết đoàn cùng một tấc lòng
Xây dựng ngày mai non Việt hạnh phúc tràn nơi nơi
Quốc dân no ấm, thương yêu tấm tình đầy vơi.

Được biết thời gian qua, Đại học Sư phạm Huế có lúc mong muốn tái lập Trung học Kiểu Mẫu Huế để làm cơ sở thực tập lẫn kiến tập, đồng thời làm nơi phát hiện và bồi dưỡng học sinh năng khiếu. Vì muôn vàn lý do, kế hoạch đó đến bây giờ vẫn chưa thể triển khai (9).

Quả thật, các trường Trung học Kiểu Mẫu Huế, Thủ Đức, Cần Thơ thuở nào vẫn là mô hình rất đáng tham khảo cho công cuộc chấn hưng sự nghiệp giáo dục của nước nhà hiện nay.

_________________
(1) - Ngô Viết Thụ (1926 - 2000) gốc làng Lang Xá, nay thuộc thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Năm 1955, Ngô Viết Thụ đạt giải khôi nguyên La Mã / giải thưởng lớn Roma về kiến trúc, đồng thời nhận bằng kiến trúc sư tại Paris. Một số thiết kế của Ngô Viết Thụ đã được xây dựng: Dinh Độc Lập, Viện Nguyên tử lực Đà Lạt, Nhà thờ chính tòa Phủ Cam, Khách sạn Hương Giang và Century ở Huế, Thương xá Tam Đa / Crystal Palace, Đại học Nông nghiệp Thủ Đức, Trụ sở Ty Thủy lợi Đăklăk, Bệnh viện Sông Bé, v.v.
(2) - Lớp đệ thất tương đương lớp 6 hiện nay.
(3) - Lớp đệ lục tương đương lớp 7 hiện nay.
(4) - Một số thư tịch ghi nhận nhầm lẫn rằng Trung học Kiểu Mẫu Thủ Đức là trường đầu tiên trong hệ thống được gọi "giáo dục tổng hợp". Chẳng hạn kỷ yếu Tiền phong tổng hợp 1965 - 1971 có dòng: "Trường Trung học Kiểu Mẫu Thủ Đức là trường trung học tổng hợp đầu tiên Việt Nam." Cần thêm: từ mô hình Trung học Kiểu Mẫu, chuỗi Trung học Dẫn Đạo xuất hiện gồm các trường Trung học: Gia Hội (Huế), Trần Quốc Tuấn (Quảng Ngãi), Ban Mê Thuột (Darlac / Đăk Lăk), Nguyễn Huệ (Tuy Hòa), Mạc Đỉnh Chi & Quốc Gia Nghĩa Tử (Sài Gòn), Phan Thanh Giản (Cần Thơ), Bến Tre (Kiến Hòa), Thoại Ngọc Hầu (Long Xuyên), Nguyễn Trung Trực (Rạch Giá), v.v.
(5) - Trung học Kiểu Mẫu: The Demonstration School (tiếng Anh), Le Lycée Pilote (tiếng Pháp).
(6) - Thống kê chưa đầy đủ các kỷ yếu, giai phẩm, đặc san cấp trường đã xuất bản: Trường Trung học Kiểu Mẫu Thủ Đức niên khóa đầu tiên 1965 - 1966; Tiền phong tổng hợp 1965 - 1971; Trường Trung học Kiểu Mẫu Thủ Đức niên khóa 1970-1971; Kiểu Mẫu Huế 1972; Kiểu Mẫu Thủ Đức xuân Quý Sửu 1973; Nhìn về trường xưa 2006; 45 năm Trung học Kiểu Mẫu Thủ Đức 1965-2010; Kiểu Mẫu Huế 2013; v.v.. Đau buồn tiếc xót thay! Đặc san Kiểu Mẫu Huế 2013 (NXB Thời Đại) mắc những lỗi lầm không đáng có, nghiêm trọng nhất là vi phạm bản quyền mà đây là một trường hợp: bài thơ Huế - tên của nỗi nhớ của Hoàng Phủ Ngọc Phan từng in tạp chí Đất Việt ở Canada cuối thập niên 1980, được tuyển vào sách Hai thập kỷ thơ Huế (NXB Văn Học, Hà Nội, 1995), được nhạc sĩ Nguyễn Viêm phổ thành bài hát và ca sĩ Minh Huyền trình bày; vậy mà Huỳnh Hữu Bi trộm 20/30 dòng, ghi địa điểm và niên điểm sáng tác là "Huế - Sài Gòn 96", đăng trên trang 135 đặc san Kiểu Mẫu Huế 2013. Sự cố ấy đã bị Cô Tú - một bút danh của Hoàng Phủ Ngọc Phan - vạch rõ trên bán nguyệt san châm biếm và trào phúng Tuổi Trẻ Cười 478 (15-6-2013).
(7) - Lan Đài: Nguyễn Kim Đài.
(8) - Bàn Thạch: Dương Thiệu Tống.
(9) - Tin vui: Trải qua nhiều vận động lâu dài tích cực, trường Trung học Kiểu Mẫu - Huế trực thuộc Đại học Sư phạm Huế đang được tái lập, dự kiến khai giảng vào mùa thu năm 2014 này.
Đã đăng Áo Trắng số 1 bộ mới (15-5-2007)

Huy hiệu Kiểu Mẫu Huế

Đại học Sư phạm Huế & Trung học Kiểu Mẫu Huế nhìn từ trên cao. 
Ảnh: Phanxipăng

Huy hiệu Kiểu Mẫu Thủ Đức

Mở đầu bài "Trường Trung học Kiểu Mẫu Thủ Đức" 
trên tạp chí Thế Giới Tự Do tập XXI, số 2, năm 1965

Đại giảng đường Trung học Kiểu Mẫu Thủ Đức. 
Ảnh: Phanxipăng

Dãy A & C trường Trung học Kiểu Mẫu Huế. 
Ảnh: Phanxipăng

Dãy B trường Trung học Kiểu Mẫu Huế. 
Ảnh: Phúc Đường

Một góc trường Kiểu Mẫu Thủ Đức. 
Ảnh: Phanxipăng

Đồng phục học sinh Kiểu Mẫu: áo màu xanh da trời. 
Ảnh: Phanxipăng

Huy hiệu Kiểu Mẫu Cần Thơ

Xe buýt đưa đón học sinh trường Trung học Kiểu Mẫu Cần Thơ

Sunday 18 July 2021

Đóng góp của lực lượng nội tuyến ở chiến trường B2 trong Đại thắng mùa Xuân năm 1975 (Nguyễn Khắc Trai - Học Viện Chính Trị Bộ Quốc Phòng)

 

Đóng góp của lực lượng nội tuyến ở chiến trường B2 trong Đại thắng mùa Xuân năm 1975

Thứ sáu, 24/04/2020 - 10:53 sáng GMT

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, hoạt động nội tuyến là nội dung quan trọng trong công tác binh vận của Đảng, là hoạt động xây dựng cơ sở cách mạng và tuyên truyền vận động, gây binh biến, khởi nghĩa, kết hợp với tiến công từ bên ngoài làm suy sụp tinh thần, tan rã về tổ chức quân đội, chính quyền VNCH từ bên trong.

Nhận thức sâu sắc vai trò của hoạt động nội tuyến, sau Hiệp định Pari (1-1973), Trung ương Cục miền Nam lãnh đạo đẩy mạnh công tác binh vận, đẩy mạnh hoạt động nội tuyến trong lòng địch, với nhiều hình thức, biện pháp phù hợp và đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần làm nên thắng lợi vĩ đại của Đại thắng mùa Xuân năm 1975. 

Chiến trường B2 là chiến trường có tính chất phức tạp, có nhiều cơ quan đầu não của chính quyền và quân đội VNCH, quân chủ lực và hệ thống quân địa phương VNCH được kiện toàn đầy đủ, với số lượng đông.Chiến trường B2 là chiến trường rộng lớn, bao gồm các tỉnh: Quảng Đức, Tuyên Đức, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, Bình Tuy; các tỉnh Nam Bộ bao gồm: Phước Long, Long Khánh, Phước Tuy, Bình Long, Bình Dương , Biên Hòa, Tây Ninh, Hậu Nghĩa, Long An, Kiến Tường, Kiến Phong, Định Tường, Bến Tre, Gò Công), Châu Đốc, An Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh,Cần Thơ, Ba Xuyên, Kiên Giang, Cà Mau, Chương Thiện và đặc khu Sài Gòn - Gia Định[1]. Tuy nhiên, sau Hiệp định Pari (1-1973), đế quốc Mỹ rút quân khỏi miền Nam Việt Nam, chính quyền và quân đội VNCH có biểu hiện hoang mang lo sợ, mâu thuẫn nội bộ ngày càng gay gắt, nhiều binh sĩ đảo ngũ chạy về với cách mạng, mong muốn được hòa bình thống nhất dân tộc, chính quyền VNCH tiến hành bắt lính tràn lan, coi trọng về số lượng, đó chính là điều kiện thuận lợi cho hoạt động của cơ sở nội tuyến.

Trước những biến đổi mới về tư tưởng và tổ chức của quân đội VNCH, Trung ương Cục miền Nam nhận định, làm tan rã binh sĩ VNCH là việc làm rất quan trọng, đặc biệt là làm mục ruỗng, tan rã binh sĩ VNCH ngay từ bên trong. Từ nhận định trên, Trung ương Cục chủ trương đẩy mạnh công tác binh vận và đẩy mạnh hoạt động nội tuyến trong lòng địch. Để hoạt động nội tuyến diễn ra có hiệu quả, Trung ương Cục xác định, trước tiên phải xây dựng được hệ thống cơ sở nội tuyến rộng khắp trong các đơn vị chủ lực và địa phương quân VNCH. Hội nghị Trung ương Cục lần thứ 12 (12-1973), chủ trương“Phải tích cực khẩn trương xây dựng cơ sở trong lòng địch phục vụ cho yêu cầu trước mắt và lâu dài, chú ý công tác vận động sĩ quan, nhằm những sĩ quan từ cấp úy trở xuống[2].Đối với sĩ quan bên trên, tận dụng mọi khả năng quan hệ tình cảm, kể cả việc khai thác quan hệ làm ăn buôn bán để tranh thủ hòa hoãn trung lập từng bước và vô hiệu hóa họ. Đối với binh sĩ VNCH, nắm chắc chuyền biến tư tưởng và thái độ chính trị và lợi dụng mâu thuẫn trong nội bộ của chúng, đề ra nội dung truyên tryền vận động binh sĩ cho phù hợp.

Để xây dựng cơ sở nội tuyến rộng khắp và hiệu quả, tháng 8 năm 1974, Thường vụ Trung ương Cục ra Nghị quyết về công tác binh vận, đề ra một số giải pháp cấp bách xây dựng cơ sở nội tuyến như: Khai thác khả năng của tất cả các lực lượng, các tổ chức tham gia xây dựng cơ sở nội tuyến. Phát động thành phong trào của mọi người, trước hết là cán bộ, đảng viên có con em trong hàng ngũ địch để móc nối xây dựng cơ sở. Các cấp nỗ lực xây dựng thật nhiều cơ sở trong những đơn vị quan trọng, chú trọng những quân, binh chủng, kho tàng, cơ quan đầu não địch. Nhiệm vụ cấp bách trước mắt là phải tìm mọi cách nâng cao chất lượng cơ sở nội tuyến một cách toàn diện, về trình độ chính trị, nghiệp vụ, đạo đức, cách hoạt động trong lòng địch. Cấp ủy các cấp phải trực tiếp chỉ đạo hoạt động cơ sở nội tuyến, phân công đồng chí cấp ủy viên chuyên trách đi sâu.

Thực hiện chủ trương trên, tại Tây Nam Bộ hết năm 1974 ta xây dựng được 2000 cơ sở nội tuyến, kể cả trong các cơ quan đầu não của địch ở Cần Thơ, tại Sài Gòn - Gia Định đã mở thêm và củng cố trên 300 lõm chính trị, nắm các lực lượng PVDS, dân vệ, cảnh sát, tại tỉnh Bến Tre xây dựng cơ sở nội tuyến trên 400 đồn bốt, cuối năm 1974 có 979 cơ sở nội tuyến trong toàn tỉnh [3]. Đến nửa đầu tháng 4 năm 1975, cơ sở nội tuyến được xây dựng ở hầu hết các đơn vị chủ và địa phương quân đội VNCH, các đội công tác nội tuyến đã phát triển, liên lạc được với các cơ sở trong Bộ Tổng Tham mưu, các sư đoàn chủ lực, trung tâm huấn luyện Quang Trung, sân bay Tân Sơn Nhất, cơ quan Bộ Tư lệnh Hải Quân, Hải quân công xưởng, Ty cảnh sát Gia Định. Kết quả trên là cơ sở quan trọng để Trung ương Cục chỉ đạo cơ sở nội tuyến tiến công địch thường xuyên, liên tục và đạt hiệu quả cao.

Cùng với việc xây dựng cơ sở nội tuyến, Trung ương Cục chỉ đạo các cơ sở nội tuyến kết hợp với tiến công quân sự, đấu tranh chính trị, đấu tranh pháp lý của Hiệp định tiến công địch mạnh mẽ với nhiều hình thức. Ngày 20 tháng 4 năm 1973, Ban Binh vận Trung ương Cục chỉ đạo các cấp phải xây dựng kế hoạch công tác nội tuyến. Kết hợp chặt chẽ giữa cơ sở nội tuyến với tiến công quân sự và nổi dậy của quần chúng nhân dân ở cơ sở để tiến hành binh biến, khởi nghĩa trong các đồn bốt địch. Khoét sâu vào mâu thuẫn và phân hóa cao độ trong hàng ngũ quân VNCH, làm suy yếu tinh thần, tư tưởng, tổ chức quân đội VNCH. Chuẩn bị đầy đủ và sẵn sàng hành động theo nhiều phương án để khi cần hiệu triệu binh lính, sĩ quan VNCH đứng lên hành động theo yêu cầu binh biến, phản chiến, khởi nghĩa ly khai to lớn và toàn diện trong quân đội VNCH. Thực hiện sự chỉ đạo trên, trong 7 tháng đầu năm 1973 phong trào phản chiến ở Trung Nam Bộ có 144 cuộc, tại sư đoàn 7 có cả hai tên thiếu tá chỉ huy tiểu đoàn tham gia. ỞTây Nam Bộ có 118 cuộc, cơ sở nội tuyến liên tục khởi nghĩa diệt 75 đồn bốt, vận động binh sĩ bỏ ngũ lẻ tẻ và tập thể [4]. Tại Sài Gòn-Gia Định đêm 02 rạng 3 tháng 12 năm 1973 nội tuyến kết hợp với đặc công phá nổ hoàn toàn 35 triệu Galong xăng Shell[5].

Trước yêu cầu mới của cuộc chiến tranh, tháng 3 năm 1974, Ban Binh vận Trung ương Cục triển khai Đề án công tác binh vận, yêu cầu cơ sở nội tuyến trong bất cứ tình hình nào cũng phải tìm cách đánh địch, những lúc lắng dịu tạm thời lại càng nhân cơ hội ấy mà hành động kiên quyết và táo bạo hơn. Cơ sở nội tuyến phải nắm chắc thời cơ khi ta đánh mạnh, khi phong trào quần chúng lên cao, nội bộ địch cắn xé nhau để tiến công giành thắng lợi lớn. Đến cuối năm 1974 và đầu năm 1975 công tác nội tuyến ở nhiều nơi giành được kết quả tốt. Ban Binh vận Tây Nam Bộ cùng với Ban Binh vận Vĩnh Long, Trà Vinh sử dụng 60 cơ sở nội tuyến đánh chất nổ các cơ quan đầu não địch, kho tàng bến bãi, diệt ác, gỡ 40 đồn, diệt 1300 tên, thu 1000 súng. Tại Tây Nam Bộ cơ sở nội tuyến đánh 483 trận và tổ chức 3 cuộc binh biến, diệt 205 đồn bốt, thu 1975 súng. Tháng 10 năm 1974, đội P729 của Ban Binh vận Trung ương Cục chỉ đạo cơ sở nội tuyến tại sân bay Trà Nóc nổ mìn tan xác 2 máy bay Skyraider.

Để bảo đảm cho trận đánh lớn, trận đánh cuối cùng giành thắng lợi, hoạt động nội tuyến trên chiến trường B2 được chỉ đạo liên tục với những nội dung, hình thức khác nhau. Ngày 4 tháng 11 năm 1974, Ban Binh vận Trung ương Cục chỉ đạo các cấp khẩn trương tổ chức cơ sở nội tuyến trong lòng địch hành động, tạo thành một lực lượng cách mạng nổi dậy từ bên trong, liên hiệp với tiến công và nổi dậy bên ngoài. Cơ sở nội tuyến chiến lược hành động đúng thời cơ, đúng thời điểm, gây tác động quân sự, chính trị lớn trong quân đội và chính quyền VNCH, góp phần tạo nên chuyển biến tình hình mạnh mẽ. Ngày 14 tháng 01 năm 1975, Thường vụ Trung ương Cục chỉ đạo các Khu ủy, Quân ủy Miền, yêu cầu cơ sở nội tuyến các cấp, chỗ nào làm binh biến, khởi nghĩa ly khai được thì tiến hành ngay, vừa làm suy yếu tan rã lực lượng của địch vừa xây dựng, phát triển cơ sở của ta trong hàng ngũ địch. Để đáp ứng yêu cầu Tổng tiến công và nổi dậy làm tan rã binh sĩ VNCH, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam. Ngày 29 tháng 3 năm 1975 diễn ra Hội nghị Trung ương Cục lần thứ 15, Trung ương Cục chủ trương tổ chức và lãnh đạo phong trào quần chúng rộng mạnh tiến công binh vận và thực hiện “binh biến khởi nghĩa trong quân đội Việt Nam Cộng hòa thật kiên quyết, liên tục, táo bạo[6] trên cơ sở phối hợp chặt chẽ với nhịp độ tiến công quân sự để đẩy nhanh sự tan rã lớn của quân đội Việt Nam Cộng hòa.

Với chủ trương và sự chỉ đạo quyết liệt của Trung ương Cục và Ban Binh vận Trung ương Cục trong giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh, các địa phương, ban ngành nhanh chóng tổ chức cơ sở nội tuyến tiến công địch với nhiều hình thức phong phú. Thành ủy Sài Gòn – Gia Định chỉ đạo kết hợp nổi dậy của quần chúng với hoạt động nội tuyến, hình thành công, nông, binh liên hiệp nổi dậy, toàn bộ cơ sở nội tuyến phải hành động theo kế hoạch, ở đâu phối hợp được là phối hợp và hành động ngay. Ở Bình Thuận, thị xã Phan Thiết quần chúng nhân dân nổi dậy kết hợp với cơ sở nội tuyến và lực lượng bên ngoài giải phóng thị xã. Cơ sở nội tuyến trong 3 mũi góp phần làm tan rã 8 tiểu đoàn, 18 đại đội biệt động, 136 trung đội bảo an, dân vệ và toàn bộ hệ thống kìm kẹp, vận động 14.000 binh sĩ ra đầu hàng nộp vũ khí[7]. Nhằm thúc đẩy thời cơ chiến lược, làm tan rã lớn binh sĩ VNCH, Ban Binh vận Trung ương Cục phối hợp với lực lượng quân sự, chỉ đạo cơ sở nội tuyến chiến lược Nguyễn Thành Trung trong phi đoàn 540, sư đoàn 3 không quân VNCH, sáng 8 tháng 4 năm 1975, lái máy bay F5E xuất kích từ sân bay Biên Hòa bay đến ném bom dinh tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, sau đó bắn phá kho xăng Nhà Bè. Hành động Nguyễn Thành Trung lấy máy bay của địch ném bom dinh tổng thống Nguyễn Văn Thiệu làm cho bộ máy chính quyền đầu não và binh sĩ VNCH hoang mang dao động. Sáng 28 tháng 4 năm 1975, Ban Binh vận Trung ương Cục chỉ đạo cơ sở nội tuyến thiếu tá Lê Quang Ninh tiểu đoàn trưởng thuộc trung đoàn 50, sư đoàn 25 VNCH đưa cả tiểu đoàn 270 người về với cách mạng. Cơ sở nội tuyến chiến lược Nguyễn Hữu Hạnh, chiều 29 tháng 4 năm 1975, với danh nghĩa phụ tá Tổng Tham mưu trưởng, ra lệnh cho quân đội VNCH án binh bất động ở nguyên vị trí. Sáng 30 tháng 4 năm 1975, Nguyễn Hữu Hạnh vận động đại tướng, Tổng thống Dương Văn Minh và Thủ tướng Vũ Văn Mẫu đầu hàng nhanh chóng vào lúc 9 giờ 30 phút. Cơ sở Triệu Quốc Mạnh, giám đốc cảnh sát Sài Gòn – Gia Định lệnh cho cảnh sát không được nổ súng, giải tán 16.000 cảnh sát. Tướng Lâm Văn Phát, Tư lệnh biệt khu Thủ Đô đầu hàng và nộp nguyên vẹn căn cứ, biệt khu, vũ khí, phương tiện chiến tranh cho cách mạng. Cơ sở nội tuyến Nguyễn Văn Huấn chỉ huy phó trung tâm huấn luyện Quang Trung lệnh cho các trại không được nổ súng, làm tan rã 20.000 khóa sinh, binh lính, sĩ quan ngày 30 tháng 4 năm 1975. Chi bộ nội tuyến viễn thông bưu điện do đồng chí Tư Chí ủy viên Ban Binh vận Trung ương Cục trực tiếp chỉ đạo, đã bảo vệ an toàn những nơi trọng yếu như đài Viba, đài điện báo và các xưởng quan trọng sau ngày 30 tháng 4 năm 1975. Cơ sở nội tuyến trong Bộ Chỉ huy biệt động quân, vận động tan rã 2 chiến đoàn, giữ căn cứ giao cho cách mạng. Cơ sở nội tuyến ở các nơi đều hướng dẫn binh sĩ VNCH tan rã hoặc đầu hàng, giúp bộ đội ta tiếp quản nhanh chóng[8].

Những ngày cuối của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, tại đồng bằng sông Cửu Long từ Khu ủy đến xã, ấp liên tục chỉ đạo cơ sở nội tuyến kết hợp chặt chẽ với sự nổi dậy của quần chúng nhân dân và lực lượng vũ trang địa phương làm binh biến, khởi nghĩa, hướng dẫn binh sĩ VNCH tan rã hoặc đầu hàng, giúp bộ đội ta tiếp quản nhanh chóng và giành chính quyền ở nhiều nơi. Tại trọng điểm thành phố Mỹ Tho, sáng 30 tháng 4 năm 1975, 8 thanh niên kết hợp với cơ sở nội tuyến chiếm kho súng của phòng vệ dân sự trong trường Nguyễn Đình Chiểu. Tại tỉnh Bến Tre thiếu tá Bửu cơ sở nội tuyến ra lệnh thiết quân luật, thúc ép sĩ quan còn lại đầu hàng vào 20 giờ ngày 30 tháng 4 năm 1975, làm tan rã 20.000 binh sĩ VNCH. Tại Cần Thơ ngày 30 tháng 4 năm 1975, cơ sở nội tuyến trong trại nhập ngũ số 4 mở cửa giải phóng 4000 thanh niên bị bắt lính, mở cửa 2 trại giam giải phóng 6.000 tù chính trị. Tại Long Xuyên và Châu Đốc cơ sở nội tuyến phối hợp với sự nổi dậy của quần chúng nhân dân và lực lượng quân sự tại chỗ chiếm đài viễn thông, bãi pháo, sân bay, ty giáo dục, ty ngân khố, góp phần làm tan rã 2 vạn quân Hòa Hảo có ý định tử thủ đến cùng[9].

Hoạt động nội tuyến trong lòng địch trên chiến trường B2 trong giai đoạn 1973 -1975, được Trung ương Cục, Ban Binh vận Trung ương Cục và các địa phương quan tâm đề ra chủ trương, chỉ đạo và tổ chức tiến công địch kiên quyết với nhiều hình thức sáng tạo, đạt hiệu quả cao. Kết quả của hoạt động nội tuyến trên chiến trường B2 thực sự to lớn, làm tan rã hàng vạn binh sĩ VNCH, thuyết phục được nhiều cán bộ cấp cao của chính quyền và quân đội VNCH đầu hàng, hợp tác, ra lệnh ngừng bắn, giải tán các đơn vị quân đội VNCH, góp phần vào hạn chế thương vong, tổn thất cho cách mạng. Hoạt động nội tuyến còn làm cho quân đội và chính quyền VNCH hoang mang về tinh thần, dệu dão về tư tưởng, tan rã nhiều đơn vị, có nơi tan rã cả Trung đoàn, Chiến đoàn quân đội VNCH. Thắng lợi của hoạt động cơ sở nội tuyến, góp phần thuận lợi cho các mũi đấu tranh quân sự, chính trị tiến công địch, giành thắng lợi cuối cùng. Hành động của Dương Văn Minh ra tuyên bố đầu hàng sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975 là kết quả của quá trình vận động của cơ sở nội tuyến chiến lược có ý nghĩa to lớn cho cách mạng, được Ban Bí Thư Trung ương Đảng ghi nhận “tuyên bố của Dương Văn Minh và nhật lệnh của Nguyễn Hữu Hạnh có tác động nhất định làm giảm ý chí đề kháng của đại bộ phận quân ngụy vào những giờ chót của cuộc chiên tranh, đó là thành công của công tác binh vận chọn đúng đối tượng, tác động đúng thời điểm”[10]. Thắng lợi của hoạt động nội tuyến trên chiến trường B2, góp phần to lớn vào Đại thắng mùa Xuân năm 1975, kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở miền Nam.

 


[1] Ban Tổng kết chiến tranh B2 (1984), Dự thảo, Quá trình cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ và quy luật hoạt  động của Mỹ - ngụy trên chiến trường B2, Lưu hành nội bộ, Tài liệu lưu tại Viện Lịch sử quân sự.

[2]Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb CTQG, t34, tr.507.

[3]. Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh - Tổ Biên tập công tác binh vận (2000),Tổng kết công tác binh vận trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975) trên chiến trường B2 cũ. Tài liệu lưu tại Cục Dân vận, Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng, Hà Nội, tr.129-131.

[4]. Ban Binh vận Trung ương Cục(1973),Số liệu công tác binh vận từ sau ký Hiệp định Pari đến tháng 7 năm 1973, Lưu Cục Dân vận, Tổng Cục Chính trị, Bộ Quốc Phòng, Hà Nội.

[5]Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh - Tổ Biên tập công tác binh vận (2000),Tổng kết công tác binh vận trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975) trên chiến trường B2 cũ. Tài liệu lưu tại Cục Dân vận, Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng, Hà Nội.

[6]Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb CTQG, t36, tr.503.

[7] Thường vụ Đảng ủy Bộ Tư lệnh Quân khu 5 (1995), Lịch sử Khu 6 (Cực Nam Trung Bộ)trong kháng chiến chống Mỹ (1954-1975), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, tr.416.

[8]Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh - Tổ Biên tập công tác binh vận (2000),Tổng kết công tác binh vận trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975) trên chiến trường B2 cũ. Tài liệu lưu tại Cục Dân vận, Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng, Hà Nội, tr.141-151.

[9]Quân đội nhân dân Việt Nam (2002), Tổng kết công tác binh – địch vận trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, tr.185.

[10]Hội đồng chỉ đạo biên soạn Lịch sử Nam Bộ kháng chiến (2012), Lịch sử Nam Bộ kháng chiến, tập II, 1954 -1975, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.1028.

http://www.hocvienchinhtribqp.edu.vn/index.php/bai-bao-khoa-hoc/dong-gop-cua-luc-luong-noi-tuyen-o-chien-truong-b2-trong-dai-thang-mua-xuan-nam-1975.html

Saturday 17 July 2021

Hồ sơ về tướng Dương Văn Minh (Phạm Văn Hùng - Hồn Việt)

 

Hồ sơ về tướng Dương Văn Minh

29 Tháng Năm 2009 7:00 SA

Bookmark and Share

Hình ảnh của Hồ sơ về tướng Dương Văn Minh

Phạm Văn Hùng

L.T.S: Hồn Việt số 11 (tháng 5/2008) đã đăng một số ý kiến về Tướng Dương Văn Minh. Đó là một số ý kiến bước đầu quan trọng, giúp ta tìm hiểu sâu hơn một sự kiện lịch sử, một con người. Kỳ này, Hồn Việt xin công bố bản tóm tắt của một công trình nghiên cứu công phu, nhiều tư liệu mới với độ tin cậy cao của ông Phạm Văn Hùng. Hi vọng rằng, với công trình nghiên cứu này, sự kiện về Tướng Dương Văn Minh sẽ được sáng tỏ thêm. Nó chứng minh thêm tầm vóc của ngày 30/4 lịch sử dưới sự lãnh đạo toàn diện, sâu sát, kiên trì… của Bộ Chỉ huy tối cao đứng đầu là Lê Duẩn và của những người trực tiếp tham gia ở chiến trường miền Nam, của Trung Ương Cục miền Nam. Nó cũng chứng tỏ sự phối hợp tuyệt đẹp giữa quân sự - chính trị - địch vận… trong cuộc chiến tranh giải phóng. Nó nói lên sự phong phú vô tận của cuộc sống, của cuộc đấu tranh cho độc lập dân tộc của lòng yêu nước Việt Nam…

Chúng tôi mong nhận được thêm nhiều ý kiến.

THÂN THẾ VÀ GIA ĐÌNH

- Ông Dương Văn Minh sinh năm 1916 ở tỉnh Mỹ Tho. Cha là ông Dương Văn Huề, khi đi học mướn lấy tên là Dương Văn Mau (tên của người bà con), làm thầy giáo, sau làm tri phủ, rồi đốc phủ sứ (hàm).

Ông Dương Văn Huề và bà Nguyễn Thị Kỹ có bảy người con: bốn trai, ba gái. Ông Minh là con cả. Dương Thanh Nhựt là con trai kế, có tham gia hoạt động cách mạng từ trước Cách mạng tháng Tám (năm 1944) và suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, là đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam. Dương Thanh Sơn, em trai thứ năm, là sĩ quan chế độ cũ.

Gia đình ông Minh theo đạo Phật, lễ giáo, nề nếp.

- Năm 1940, Dương Văn Minh học trường đào tạo hạ sĩ quan và sĩ quan dự bị của Pháp. Năm 1942 vào quân đội Pháp.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Dương Văn Minh tham gia lực lượng vũ trang cách mạng chống Pháp xâm lược. Pháp trở lại, gia đình ông Minh tản cư về Chợ Đệm (Tân An). Lần đó, ông về thăm nhà, đơn vị rút đi, ông bị kẹt lại chưa tìm được đơn vị thì bị Tây bắt, buộc ông trở lại làm việc cho quân đội Pháp. Năm 1946, Dương Văn Minh là thiếu úy, đại đội phó quân đội Pháp. Lần lượt lên đến cấp tá, rồi qua Pháp học trường võ bị, là một trong những sĩ quan đầu tiên của quân đội “Việt Nam Cộng Hoà”.

Ông Minh cũng theo đạo Phật, nhân từ, thương người. Sợ sát sinh, sợ phải giết người. Thấy ai bị nạn thì ra tay cứu như can thiệp cho em trai bà Bùi Thị Mè (1) là thiếu tá chế độ cũ bị tình nghi hoạt động cho “Việt Cộng” được thả ra; giúp ông Nguyễn Minh Triết (Bảy Trung), cán bộ của ta và là em bạn dì ruột bị địch bắt giam ở nhà lao Phú Lợi, được ra tù…

- Ông Minh là người rất tự trọng. Sau ngày 30/4/1975, ông được về nhà (98 đường Hồng Thập Tự, nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 3) sống với tư cách một “công dân của một nước độc lập” (2). Đời sống khó khăn, ông lại bị bệnh tiểu đường, bị đau dạ dày. Có lúc lãnh đạo Thành phố (đồng chí Võ Văn Kiệt) nhờ bà Bùi Thị Mè gợi ý khéo là Đảng và chính quyền thành phố muốn hỗ trợ ông trong cuộc sống. Nhưng ông Minh từ chối với lý do: “Các anh các chị sống được thì tôi cũng sống được nếu chưa quen thì phải tập lại cho quen”.

Năm 1983, ông Minh được Chính phủ ta chấp thuận để ông sang Pháp trị bệnh và thăm con. Toà Tổng Lãnh sự Pháp ở Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Bộ Ngoại giao Pháp giúp ông Minh vé máy bay và tiền gửi hành lý nhưng ông Minh từ chối, nói rằng “đã có Chính phủ Việt Nam lo rồi”.

Khi đi, ông Minh chỉ xin mang theo một ít đồ cổ trong nhà. Sang Pháp, ông không nhờ vả gì Chính phủ Pháp, không xin trợ cấp xã hội Pháp.


Dương Văn Minh

QUÁ TRÌNH BINH ĐỊCH VẬN ĐỐI VỚI TƯỚNG DƯƠNG VĂN MINH

Công tác binh địch vận đối với tướng Dương Văn Minh bắt đầu từ năm 1962, với nhiều lực lượng, nhiều ban ngành tham gia: Binh vận Trung Ương Cục, Tình báo, An ninh T4 (Sài Gòn - Gia Định), Trí vận…

1/ Ban binh vận Trung Ương Cục miền Nam

Năm 1960, theo yêu cầu của Ban binh vận Xứ ủy Nam bộ (sau này là Trung Ương Cục miền Nam), đồng chí Võ Văn Thời, Cục trưởng Cục địch vận Tổng Cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam đề nghị và được cấp trên đồng ý điều động đồng chí Dương Thanh Nhựt (3) về Cục để giao nhiệm vụ về miền Nam vận động Dương Văn Minh. Đồng chí Nhựt được đặt bí danh là Mười Ty. Cuối tháng 12/1960, đồng chí Mười Ty lên đường.

Tháng 8/1962, đồng chí Mười Ty móc được với gia đình, trước hết là với ông Nguyễn Văn Di, cậu ruột; qua cậu, móc vợ là Sử Thị Hương, nhắn vợ về thăm mẹ và tìm hiểu thái độ của anh hai Dương Văn Minh. Sau đó Mười Ty thăm em trai là Dương Thanh Sơn, sĩ quan quân đội Sài Gòn và em thứ tám là Dương Thu Vân.

Thấy tình hình thuận lợi, đồng chí Mười Ty hướng dẫn cán bộ mật đem ý kiến của lãnh đạo trao đổi với Dương Văn Minh về việc đảo chính Chính phủ Ngô Đình Diệm. Trong lúc Tướng Minh đang bực tức Ngô Đình Diệm độc tài, gia đình trị, phủ nhận công lao của mình (tảo thanh Bình Xuyên và các giáo phái Hoà Hảo). Tướng Minh hứa sẽ tìm cách làm.

Ngày 01/11/1963, Trung tướng Dương Văn Minh nhân danh Chủ tịch Hội đồng quân nhân cách mạng phát lệnh đảo chính Chính phủ Ngô Đình Diệm và lên làm Quốc trưởng Việt Nam Cộng Hòa lần thứ nhất. Đồng chí Mười Ty nắm được ý định Tướng Minh chuẩn bị đảo chính Diệm và có báo cáo về Ban binh vận Trung Ương Cục.

Sau cuộc đảo chính Ngô Đình Diệm một thời gian, đồng chí Mười Ty có vào nhà Dương Văn Minh (98 Hồng Thập Tự, nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai), sau đó qua nhà em là Dương Thanh Sơn ở mười ngày. Qua nhiều lần gặp và trao đổi với Dương Văn Minh, đồng chí Mười Ty cho rằng Tướng Minh trước đây mơ hồ về Mỹ là tên xâm lược, nay thì hết tranh cãi về điều này, nhưng vẫn còn cho là Mỹ có giúp đỡ miền Nam. Tướng Minh hứa hủy bỏ ấp chiến lược, cho nhân dân về nhà cũ với ruộng vườn, mồ mả ông bà.

Trong thời gian làm Quốc trưởng lần thứ nhất. Dương Văn Minh có một số hành động tiến bộ có lợi cho cách mạng:

+ Quyết định hủy bỏ 16.000 ấp chiến lược. Đại sứ Mỹ Cabot Lodge hỏi Dương Văn Minh vì sao làm thế? Ông trả lời, đại ý: Người Việt Nam có phong tục tập quán riêng, không người nào muốn xa rời mảnh đất đã gắn bó đời mình và mồ mả ông cha. Dồn dân vào ấp chiến lược là chủ trương sai, vì lẽ đó tôi giải tán ấp chiến lược để người dân trở về quê cũ của mình.

+ Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Mc Namara và Tướng Harkin yêu cầu Quốc trưởng Dương Văn Minh để cho Hoa Kỳ ném bom ra miền Bắc, không ném ồ ạt mà ném bom nổ chậm trên đê sông Hồng. Miền Bắc sẽ bị lũ lụt mất mùa, người dân sẽ đói… Dương Văn Minh lắc đầu từ chối.

+ Tháng 1/1964, Đại sứ Cabot Lodge yêu cầu Quốc trưởng Dương Văn Minh nghiên cứu, chuẩn y và thực hiện kế hoạch 34A (hoạt động gián điệp, biệt kích chống miền Bắc). Dương Văn Minh không trả lời.

+ Theo lời kêu gọi của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam (4) Dương Văn Minh tỏ ý muốn thương lượng để tuyển cử tự do, thực hiện một chế độ trung lập, lập Chính phủ liên hiệp. Nhưng Mỹ cự tuyệt hòa đàm, chống mọi xu hướng trung lập.

- Do những chủ trương và hành động của Dương Văn Minh không theo đúng ý đồ “Bắc tiến” của Mỹ, theo chỉ thị của Tổng thống Mỹ Johnson, cuối tháng 01/1964, chính quyền Mỹ đã đưa Nguyễn Khánh lên làm Chủ tịch Hội đồng quân nhân cách mạng kiêm Thủ tướng Chính phủ Cộng Hòa Việt Nam bằng một cuộc đảo chính. Nguyễn Khánh tuyên bố: “Tôi đảo chánh Dương Văn Minh để cứu đất nước này khỏi rơi vào tay Cộng sản”.

Mỹ thấy Dương Văn Minh có hậu thuẫn ở miền Nam, nhưng khó điều khiển nên chỉ thị cho Chính quyền Sài Gòn phong Dương Văn Minh làm đại tướng và cử làm đại sứ lưu động ở Đài Loan. Mỹ mời ông Minh qua Mỹ một thời gian rồi cho lưu vong ở Thái Lan (từ đầu năm 1965) có sự giám sát của CIA, làm con bài dự trữ.

Cuối năm 1967, theo chỉ đạo của đồng chí Mười Cúc (Nguyễn Văn Linh, Phó Bí thư Trung Ương Cục miền Nam) và Ban binh vận Trung Ương Cục, đồng chí Mười Ty có chuyến qua Pháp, ở nhà em rể là Charlot để móc người em gái thứ 8 là Dương Thu Vân qua Pháp. Có thời gian Mười Ty ở nhà Dương Minh Đức (con trai Dương Văn Minh). Được biết, khi người em gái thứ 6 Dương Thu Hà bị ung thư chết, Dương Văn Minh có qua Pháp dự đám tang em gái, sau đó ở lại Pháp hơi lâu, có ý chờ tin của Mười Ty. Nhưng vì bọn CIA bảo trung tá Đẩu (sĩ quan tùy viên của Tướng Minh) kêu ông Minh về Thái Lan, nên không ở lâu hơn được nữa.

Khi chị Dương Thu Vân qua Paris gặp Mười Ty cho hay là ông Minh không thể qua Pháp được nữa, thì Mười Ty mới chuyển kế hoạch qua em (Dương Thu Vân) và cháu (Dương Minh Đức) truyền đạt ý kiến của cấp trên cho Dương Văn Minh. Sau đó Đức báo lại ý kiến của cha anh với Mười Ty như sau: “Lập Chính phủ ba thành phần là khó lắm, cần đánh cho văng Thiệu, Mỹ phải rút đi là hết chiến tranh. Tôi có ra làm chính phủ ba thành phần khi bầu cử thì ông Thọ (Luật sư Nguyễn Hữu Thọ) cũng thắng cử, tôi có thất cử cũng không nghĩa lý gì, miễn có lợi cho đất nước là hơn”. Dương Minh Đức nói thêm: Ba cháu không còn lực lượng, không biết làm chính trị, không giỏi bằng ông Thọ; ra ngoài (ra khu) lúc này là không có lợi, ở trong này khi cần có lợi hơn…

Sau đó, đồng chí Mười Ty về Hà Nội, được đồng chí Lê Duẩn gặp và mời cơm (với đồng chí Võ Văn Thời). Sau khi nghe đồng chí Mười Ty báo cáo đầy đủ chuyến đi công tác ở Pháp, đồng chí Lê Duẩn khen và nói: “Dương Văn Minh trả lời như vậy là thành thật, nói như vậy là làm được, chứ hứa hết có khi không làm được…

Cuối năm 1970,… theo chỉ đạo của Trung Ương và Trung Ương Cục miền Nam, Ban binh vận Trung Ương Cục tìm một người khác, để tiếp cận vận động Dương Văn Minh. Đó là chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, cơ sở của ta trong sĩ quan là bạn bè và thầy trò có thể tiếp cận được với Dương Văn Minh. Đồng chí Nguyễn Tấn Thành (tức Tám Vô Tư), bác của Nguyễn Hữu Hạnh, được Ban binh vận Trung Ương Cục giao nhiệm vụ trực tiếp nắm và bồi dưỡng cho Nguyễn Hữu Hạnh.

Tháng 3 và 4/1975, đồng chí Tám Vô Tư thường gặp ông Nguyễn Hữu Hạnh. Sau khi Nguyễn Văn Thiệu từ chức, đồng chí Tám Vô Tư gợi ý ông Hạnh nên tiếp cận và vận động Dương Văn Minh nếu lên làm Tổng thống thì tìm cách kết thúc cuộc chiến có lợi cho nhân dân.

Khi được tin ông Dương Văn Minh lên làm Tổng thống, ngày 28/4/1975, từ Cần Thơ, ông Nguyễn Hữu Hạnh bằng mọi cách, vượt mọi khó khăn lên Sài Gòn gặp Dương Văn Minh và được ông giao làm phụ tá Tổng tham mưu trưởng, thay Tổng tham mưu trưởng ở bên cạnh ông, sau đó là Quyền Tổng tham mưu trưởng. Với các cương vị này, ông Hạnh đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện lệnh của Tổng thống Dương Văn Minh làm cho quân đội Sài Gòn “án binh bất động”, tan rã tại chỗ, không nổ súng và thúc đẩy Chính phủ Dương Văn Minh sớm bàn giao chính quyền cho cách mạng.

2/ Thâm nhập vào “nhóm Dương Văn Minh”

Tháng 9/1972, Ban An ninh T4 (Thành phố Sài Gòn - Gia Định) thành lập Cụm điệp báo mới, bí số là A10, với nhiệm vụ xây dựng lực lượng điệp báo bí mật trong một số đối tượng, trong đó có lực lượng thứ ba, đặc biệt là “nhóm Dương Văn Minh”… (các thành viên bộ tham mưu nhóm Dương Văn Minh, ban biên tập bản tin nội bộ nhóm Dương Văn Minh, thư ký tòa soạn báo Điện Tín, báo Đại dân tộc…).

Đầu năm 1975, đồng chí Trần Quốc Hương (Mười Hương), Trưởng Ban An ninh T4, chỉ đạo A10 tìm cách thâm nhập vào lực lượng thứ ba và nhóm Dương Văn Minh để tác động, vận động lực lượng này chống đối, cô lập, chia rẽ chính quyền Nguyễn Văn Thiệu.

Thời gian này, Cụm điệp báo A10 tiếp cận, bám sát “nhóm Dương Văn Minh”, có lúc họa sĩ Ớt (Huỳnh Bá Thành) ở luôn trong nhà Dương Văn Minh; tham gia viết và in tuyên cáo “chống Chính phủ Thiệu không có Thiệu”, đòi Trần Văn Hương từ chức (Tổng thống).

Ngày 01/3 và cuối tháng 3/1975, đồng chí Huỳnh Bá Thành (lần sau có thêm các đồng chí Trần Thiếu Bảo, Huỳnh Huề…) vào căn cứ báo cáo với đồng chí Mai Chí Thọ (Bí thư thành ủy), Trần Thanh Vân (Phó trưởng Ban An ninh T4). Đồng chí Mai Chí Thọ chỉ đạo: “…Phải bằng mọi cách để Dương Văn Minh thay Nguyễn Văn Thiệu, rồi giao chính quyền cho cách mạng. Đó là chủ trương của Đảng nhằm tránh đổ máu, tránh tổn thất cho nhân dân”.

3/ Tác động vào Chính phủ Dương Văn Minh

Cụm điệp báo VĐ2 thuộc phòng tình báo chiến lược M22, cục tham mưu Miền cũng có chỉ đạo vận động tác động nội các Dương Văn Minh đầu hàng thông qua kỹ sư Tô Văn Cang trong những ngày cuối cùng của chế độ Sài Gòn. Theo ông Tô Văn Cang, sáng ngày 28/4/1975, ông Cang đến gặp Đại tá Nguyễn Văn Khiêm (Sáu Trí) ở nhà ông Ba Lễ (cơ sở tình báo) hẻm đường Triệu Đà, Sài Gòn, để báo ý kiến của ông Nguyễn Văn Diệp (trong Chính phủ Dương Văn Minh) muốn tìm gặp đại diện Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam để xin ý kiến xử trí tình hình Sài Gòn. Đồng chí Sáu Trí phân tích tình hình và “khuyên Chính phủ Dương Văn Minh chấp nhận đầu hàng vô điều kiện”. Ý kiến này được ông Cang phản ánh lại cho ông Diệp và sau đó ông Diệp có báo cáo lại cho bộ ba Dương Văn Minh – Nguyễn Văn Huyền – Vũ Văn Mẫu.

4/ Xây dựng lực lượng thứ ba ở đô thị

Sau hiệp định Paris (1973), Hội nghị lần thứ 21 Ban chấp hành Trung Ương (tháng 7/1973) đề ra nhiệm vụ: “Xây dựng lực lượng thứ ba ở đô thị”; “mở rộng hơn nữa Mặt trận dân tộc Giải phóng gồm mọi giai cấp, tôn giáo, lực lượng hòa bình, độc lập, dân chủ ở miền Nam và Việt kiều ở nước ngoài”.

Năm 1974, theo chỉ đạo của đồng chí Mười Cúc (Nguyễn Văn Linh), Phó Bí thư Trung Ương Cục miền Nam, đồng chí Quốc Hương (Mười Hương), Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban An ninh T4 đã chọn một số thanh niên, sinh viên cài vào hoạt động trong lực lượng thứ ba.

Trên thực tế thì lực lượng ta đã hình thành trước khi có hiệp định Paris qua tổ chức “Lực lượng quốc gia tiến bộ” do luật sư Trần Ngọc Liễng và nhà tư sản dân tộc (ngành vật liệu xây dựng) Phan Văn Mỹ thành lập tháng 6/1969 với mục tiêu là: đòi các lực lượng ngoại nhập (Mỹ và đồng minh) phải rút khỏi miền Nam, thành lập chính phủ hòa giải dân tộc. Sau đó, lợi dụng lúc Thiệu đi nước ngoài, luật sư Trần Ngọc Liễng lập “Lực lượng hoà giải dân tộc”. Sau hiệp định Paris, tháng 02/1974, nhóm luật sư Trần Ngọc Liễng lập “Tổ chức nhân dân đòi thi hành hiệp định Paris”, xác định mình là lực lượng thứ ba, mục tiêu chính là đòi thi hành hiệp định Paris, Mỹ rút quân, thành lập Chính phủ hoà giải dân tộc.

Thành viên của “nhóm Dương Văn Minh” gồm một số trí thức, dân biểu đối lập, ký giả, tướng lĩnh . Hằng tuần, nhóm họp bàn về tình hình thời sự chính trị (lúc tình hình sôi động mỗi tuần họp hai lần). Cạnh tướng Dương Văn Minh có Văn phòng báo chí. Lúc báo Điện tín bị đóng cửa, “nhóm Dương Văn Minh” ra bản tin bán công khai để phát cho các tổ chức, đoàn thể, báo chí trong và ngoài nước.

- Theo ông Lý Quý Chung (Hồi ký), tuần lễ đầu tháng 4/1975, tướng Dương Văn Minh và “nhóm Dương Văn Minh” đã họp tại Dinh Hoa Lan (nhà ông Minh) bàn và quyết định công bố ý định thay thế Nguyễn Văn Thiệu để góp phần chấm dứt chiến tranh.

5/ Phối hợp phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân Sài Gòn

Với các khẩu hiệu “đuổi Mỹ, lật Thiệu”, đòi Nguyễn Văn Thiệu từ chức, đòi thi hình hiệp định Paris, hòa bình, chấm dứt chiến tranh, đòi dân chủ, cải thiện dân sinh… các cuộc xuống đường diễn ra liên tục, mạnh mẽ thu hút hàng ngàn, hàng vạn người. Như cuộc xuống đường của 200 ký giả Sài Gòn ngày 10/10/1974, ngày “ký giả đi ăn mày” lôi cuốn gần hai vạn quần chúng tham gia đã có tiếng vang lớn cả trong và ngoài nước. Cuộc tuần hành ngày 20/4/1974 của hàng vạn công nhân lao động, sinh viên, học sinh, trí thức, thương phế binh… đòi Nguyễn Văn Thiệu từ chức, đòi thi hành hiệp định Paris, đòi hòa bình, cơm áo, chống sa thải, chống thuế VAT…, là cuộc đấu tranh lớn nhất từ sau hiệp định Paris.

MỸ, PHÁP VỚI TƯỚNG DƯƠNG VĂN MINH

* Mỹ: Năm 1971, Mỹ yêu cầu Dương Văn Minh ra tranh cử Tổng thống với Nguyễn Văn Thiệu để tỏ ra chế độ Cộng hòa miền Nam có dân chủ, nhưng phải thất cử để trở thành lãnh tụ của phe đối lập trong nghị viện. Tướng Dương Văn Minh từ chối. Đại sứ Mỹ Bunker còn trắng trợn hỏi ông Minh cần bao nhiêu đô-la cho cuộc tranh cử. Ông Minh cố nén giận, nhưng giữ lịch sự, đưa tay chỉ đại sứ Mỹ về phía của phòng (không tiếp đại sứ Mỹ nữa). Cuộc bầu cử đó, Tướng Dương Văn Minh có ra ứng cử, nhưng đến giờ chót quyết định rút lui, chỉ còn Nguyễn Văn Thiệu trở thành ứng cử viên Tổng thống “độc diễn”, làm bẽ mặt Mỹ – Thiệu.

Sau khi Thiệu từ chức, Phó tổng thống Trần Văn Hương lên thay tổng thống, tuyên bố “cương quyết tử thủ dù phải hi sinh đến nắm xương tàn”, đã bị nhân dân và báo chí Sài Gòn đấu tranh đòi Chính phủ Trần Văn Hương từ chức ngay lập tức. Trần Văn Hương trì hoãn việc giao quyền cho Dương Văn Minh, mãi đến ngày 26/4/1975, lưỡng viện Sài Gòn đã bầu Dương Văn Minh làm Tổng thống Việt Nam Cộng hòa với 147/151 phiếu.

* Pháp: Theo đồng chí Phan Nhẫn, ngày 27 (hoặc 28/4/1975), Bộ Ngoại giao Pháp gặp đồng chí Phạm Văn Ba (Giám đốc Trung tâm thông tin Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng Hòa miền Nam) gợi ý Chính phủ Cách mạng lâm thời nên đi vào đàm phán. Lúc đó, Pháp hi vọng “giải pháp Dương Văn Minh” và khả năng thương lượng với Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam.

Theo chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh và ông Lý Quý Chung, sáng ngày 30/4/1975, tướng tình báo Pháp Vanuxem đến Phủ thủ tướng (số 7 Thống Nhất, nay là đường Lê Duẩn) gặp Tổng thống Dương Văn Minh, gợi ý ông Minh nên kêu gọi Trung Quốc can thiệp để cứu miền Nam không rơi vào tay Cộng sản Bắc Việt. Ông Minh từ chối, nói rằng: “Tôi đã từng làm tay sai cho Pháp rồi cho Mỹ, đã quá đủ rồi. Tôi không thể tiếp tục làm tay sai cho Trung Quốc”.

TƯỚNG DƯƠNG VĂN MINH VỚI 3 NGÀY LÀM TỔNG THỐNG

15 giờ chiều ngày 28/4/1975, Tướng Minh làm lễ nhậm chức Tổng thống, cử Nguyễn Văn Huyền làm Phó tổng thống, Vũ Văn Mẫu làm Thủ tướng.

Tổng thống Dương Văn Minh cử một số Bộ trưởng và người phụ trách quân đội, cảnh sát, trong đó có đảng viên và cơ sở của ta là: Luật sư Triệu Quốc Mạnh, Giám đốc Nha cảnh sát đô thành, và chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, phụ tá Tổng tham mưu trưởng sau là quyền Tổng tham mưu trưởng.

Về Bộ quốc phòng, Tổng thống Dương Văn Minh chỉ định Giáo sư Bùi Tường Huân, Giáo sư Đại học Huế (không phải tướng tá) làm Bộ Trưởng. (Theo ông Lý Quý Chung, việc Tổng thống Dương Văn Minh chỉ định ông Bùi Tường Huân làm Bộ trưởng quốc phòng để chứng tỏ chính phủ này không muốn chiến tranh).

17 giờ ngày 28/4/1975, phi đội 5 chiếc A37 của Nguyễn Thành Trung ném bom sân bay Tân Sơn Nhất.

Theo ông Hồ Ngọc Nhuận (Hồi ký), tối hôm đó, Tướng Minh giao cho ông chuẩn bị chiếm đài phát thanh (đề phòng Nguyễn Cao Kỳ làm đảo chính).

Đêm 28/4, Tướng Dương Văn Minh và gia đình dời đến ở nhà một người bạn của tướng Mai Hữu Xuân ở đường Phùng Khắc Khoan do sợ Nguyễn Cao Kỳ ném bom dinh Hoa Lan (nhà ông Minh).

Theo cựu dân biểu Dương Văn Ba (Hồi ký), đêm 28/4/1975, hai đại tá phi công lái hai máy bay trực thăng phục vụ tổng thống đậu trên nóc dinh Độc Lập, gặp Tổng thống Dương Văn Minh đề nghị đưa Tổng thống và tất cả những người trong bộ tham mưu tổng thống và gia đình bay ra Đệ Thất Hạm Đội. Ông Minh trả lời: “Hai em có thể yên lòng lái máy bay ra Đệ Thất Hạm Đội, bất cứ ai có mặt ở đây muốn đi theo thì có thể ra đi. Phần tôi, tôi nhất quyết không đào ngũ bỏ chạy; không thể nào bỏ dân chúng Sài Gòn, không thể nào bỏ miền Nam như con rắn mất đầu”.

Ngày 29/4/1975

Tổng thống Dương Văn Minh, Phó tổng thống Nguyễn Văn Huyền và Thủ tướng Vũ Văn Mẫu bàn và ra lệnh cho Giám đốc Nha cảnh sát đô thành Triệu Quốc Mạnh thả tù binh chính trị; gửi công văn yêu cầu Đại sứ Mỹ Martin cho cơ quan Viện trợ quân sự Mỹ (DAO) rời khỏi Việt Nam trong vòng 24 giờ để giải quyết hòa bình ở Việt Nam.

Đến 16 giờ chiều ngày 29/4, đã thực hiện xong việc trả tù binh chính trị (trong đó có Huỳnh Tấn Mẫm). Chỉ huy các ban và cảnh sát 18 quận, huyện đã tan rã (trừ bộ phận biệt phái).

Tổng thống Dương Văn Minh chỉ thị không được di chuyển quân, không được phá cầu. Dựa vào chỉ thị trên, chiều ngày 29/4/1975, phụ tá Tổng tham mưu trưởng Nguyễn Hữu Hạnh đã ra lệnh cho các đơn vị không được phá cầu. Đơn vị nào muốn phá cầu phải có lệnh của Bộ Tổng tham mưu.

Sau đó, khoảng 15 giờ, phái đoàn do Luật sư Trần Ngọc Liễng cầm đầu có Linh mục Chân Tín, Giáo sư Châu Tâm Luân vào Trại David, được đồng chí Võ Đông Giang, Phó trưởng phái đoàn ta tiếp. Ông Liễng đã thông báo với phái đoàn ta về chủ trương “không chống cự” của Tổng thống Dương Văn Minh, mà ông coi là niềm vui sướng nhất trong đời ông, vì đã thông báo cho bên trong biết “Sài Gòn không chống cự” vào giờ chót của cuộc chiến tranh. Theo Luật sư Liễng, Tổng thống Dương Văn Minh đã chấp nhận đầu hàng từ buổi trưa hôm đó (ngày 29/4/1975).

Từ chiều và tối ngày 29/4, cũng có một số người tác động Tổng thống Dương Văn Minh hướng “Thành phố để ngõ”, đầu hàng. Như ông Lý Quý Chung, họa sĩ Ớt (Huỳnh Bá Thành). Thông qua ông Phan Xuân Huy và ông Đoàn Mai, thượng tọa Thích Trí Quang nói điện thoại trực tiếp với Tổng thống Dương Văn Minh: “còn chờ gì nữa mà không đầu hàng”.

Ngày 30/4/1975

- 6 giờ, chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh quyền Tổng tham mưu trưởng (tướng Vĩnh Lộc, Tổng tham mưu trưởng đã chuồn) và tướng Nguyễn Hữu Có đến báo cáo với Tổng thống Dương Văn Minh về toàn bộ tình hình quân sự. Sau đó, ông Minh (cùng các ông Hạnh và Có) đến Phủ Thủ tướng (số 7 Thống nhất, nay là đường Lê Duẩn).

Tổng thống Dương Văn Minh họp với Phó Tổng thống Nguyễn Văn Huyền, Thủ tướng Vũ Văn Mẫu và một số người trong nội các “nhóm Dương Văn Minh”, bàn và quyết định không nổ súng và giao chính quyền cho Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng Hòa miền Nam. Thủ tướng Vũ Văn Mẫu soạn bản thảo tuyên bố này.

- 9 giờ, Tổng thống Dương Văn Minh đọc vào máy ghi âm.

Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh đề nghị và được Tổng thống Dương Văn Minh đồng ý có nhật lệnh cho quân đội. Ông Hạnh soạn thảo nhật lệnh này. Đồng thời tướng Nguyễn Hữu Hạnh gọi điện thoại cho tướng Nguyễn Khoa Nam, Tư lệnh Quân khu 4 yêu cầu cố gắng thi hành lệnh của Tổng thống trên đài phát thanh.

9 giờ 30: Đài phát thanh phát tuyên bố của Tổng thống Dương Văn Minh: “Đường lối của chúng tôi là hòa giải và hòa hợp dân tộc”; “yêu cầu tất cả anh em chiến sĩ Cộng Hòa ngưng nổ súng, và ở đâu thì ở đó”; “Chúng tôi chờ gặp Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng Hòa miền Nam Việt Nam để thảo luận về lễ bàn giao chính quyền trong vòng trật tự, tránh sự đổ máu vô ích cho đồng bào”.

Sau đó, cả các ông Dương Văn Minh, Nguyễn Văn Huyền, Vũ Văn Mẫu cùng nội các đến Dinh Độc Lập để chờ bàn giao chính quyền cho cách mạng.

Sau khi đọc tuyên bố “đầu hàng” xong, Tướng Dương Văn Minh nói với mọi người (trong Chính phủ): “Mọi việc coi như đã xong. Bây giờ ai muốn đi hay ở thì tùy”.

11 giờ 30, xe tăng quân giải phóng vào Đinh Độc Lập. Xe quân giải phóng đưa ông Dương Văn Minh và ông Vũ Văn Mẫu đến đài phát thanh để đọc tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.

KẾT LUẬN

1/ Tướng Dương Văn Minh là người có tinh thần dân tộc, yêu nước. Từ chỗ lúc đầu còn mơ hồ về việc Mỹ xâm lược miền Nam, cho rằng Mỹ có giúp đỡ miền Nam, dần dần tỏ thái độ chống Mỹ: chống Mỹ đưa quân viễn chinh Mỹ và đồng minh vào miền Nam, kéo dài và mở rộng chiến tranh, muốn có hòa bình, độc lập và hòa hợp dân tộc.

2/ Theo ông Nguyễn Hữu Hạnh và ông Lý Quý Chung, Tướng Dương Văn Minh lên làm Tổng thống không có ý để thương thuyết với cách mạng vì đã thấy không còn khả năng thương thuyết; cũng không có ý để tiếp tục chiến tranh vì lâu nay ông Minh chủ trương hoà bình, chấm dứt chiến tranh. Điều này thể hiện rõ ở Tổng thống Dương Văn Minh chỉ định hai cơ sở của ta (chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh và luật sư Triệu Quốc Mạnh) nắm hai lực lượng vũ trang: quân đội và cảnh sát; cử một người dân sự (giáo sư Bùi Tường Huân) làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; chưa đầy một ngày sau khi nhậm chức thì ngày 29/4/1975, đã ra lệnh thả tù chính trị, đuổi phái đoàn DAO của Mỹ; không di chuyển quân, không phá cầu v.v..

3/- Trong điều kiện cuộc tổng tiến công quân sự của các binh đoàn chủ lực kết hợp với cuộc tiến công và nổi dậy của các lực lượng vũ trang và quần chúng ở thành phố Sài Gòn – Gia Định đã tạo sức ép quân sự lớn; công tác vận động, binh địch vận của nhiều lực lượng ta với Tướng Dương Văn Minh; được sự đồng tình, tác động tích cực của những người chủ yếu trong nội các, lực lượng thứ ba và “nhóm Dương Văn Minh”; Tổng thống Dương Văn Minh đã quyết định “không chống cự”, tuyên bố “ngưng nổ súng và ở đâu ở đó vào 9g30 (sau đó tuyên bố “đầu hàng vô điều kiện” vào 11g30) ngày 30/4/1975 là hành động thức thời, làm giảm ý chí đề kháng của đại bộ phận quân đội Sài Gòn vào những giờ chót của cuộc chiến tranh, tạo thuận lợi cho quân giải phóng tiến nhanh vào giải phóng hoàn toàn thành phố Sài Gòn còn nguyên vẹn và không đổ máu. Nhiều thành phố và thị xã khác cũng được giải phóng nguyên vẹn, ít tổn thất. Chúng ta biết rõ giành được thắng lợi to lớn này, cuộc tổng tiến công của các quân đoàn kết hợp với các cuộc tiến công và nổi dậy của lực lượng vũ trang và quần chúng địa phương đóng vai trò quyết định. Tuy nhiên, công bằng mà nói, hành động thức thời của Tổng thống Dương Văn Minh và nội các của ông đã góp phần làm cuộc chiến kết thúc sớm, tránh đổ nhiều xương máu của binh sĩ và nhân dân, thành phố Sài Gòn và nhiều đô thị còn nguyên vẹn. Đó là nghĩa cử yêu nước, thương dân của ông Dương Văn Minh.

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 30/10/2004

http://honvietquochoc.com.vn/bai-viet/961-ho-so-ve-tuong-duong-van-minh.aspx

____________

(1)

Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế – xã hội – thương binh Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam.

(2)

Phát biểu của ông Dương Văn Minh trong cuộc Thượng tướng Trần Văn Trà, Chủ tịch Ủy ban quân quản TP. Hồ Chí Minh tuyên bố trả quyền công dân cho toàn bộ viên chức Chính phủ “Việt Nam Cộng Hoà”.

(3)

Bộ đội Nam bộ tập kết ra Bắc, ở Sư đoàn 330. Sau đó chuyển ra nông trường quân đội.

(4)

Sách “Gởi người đang sống” (tr 334-335) của Thượng tướng Trần Văn Trà.