Tuesday 23 November 2021

Tìm về quá khứ - Quê cũ năm xưa : Bánh đúc Bảo An (Nguyễn Hữu Quyền - Di Cảo) - Kỳ 17

 

BÁNH ĐÚC BẢO AN.

          Trong thời gian này, làng Hội Kê lập ra Hội Bảo An, để phụ giúp việc bảo đảm an ninh trong làng cho Ủy ban mới còn non trẻ của xã Quần Hiền. Theo quy chế, những thanh niên trong làng, từ 18 tuổi trở lên được vào hội với tinh thần thiện nguyện. Lúc đó (năm 1946), tôi chưa đủ tuổi để gia nhập, vì tôi sinh năm 1930, nhưng có lẽ vì vóc dáng tôi lúc đó đã có vẻ là một thanh niên rồi. Vả lại, hội trưởng Hội Bảo An lại là ông Nguyễn Hữu Hưởng (tức ông Chánh Hưởng, trưởng tộc họ NGUYỄN HỮU như đã nói ở phần trên) đã đặc biệt cho tôi được gia nhập hội. Nhiệm vụ của các hội viên Hội Bảo An là hằng đêm phải đi tuần hành ngoài cánh đồng để trông coi giữ gìn hoa màu và an ninh cho dân làng.) Tôi được phân công phụ trách cùng một tổ 3 người, với các ông Nguyễn Hữu Tạo và Nguyễn Hữu Quán. Hằng đêm phải đến trụ sở Hội để nhận chỉ thị đi trông coi vùng nào, từ 9 giờ tối đến 4 giờ sáng hôm sau thì hết nhiệm vụ ngày hôm đó. Cứ mỗi lần xong nhiệm vụ thì lại trở về qua trụ sở Hội (mượn nhà riêng của ông Tạo)  để được lãnh một miếng bánh đúc to bằng mức một người ăn vừa đủ. Đây chỉ là một thứ bánh đúc chay, nghĩa là chỉ có gạo và nước nấu chín như nấu cháo, đến độ sền sệt thì đổ ra mâm cắt thành miếng. Ngoài gạo và nước ra, chẳng có nhân nhị gì hết. Hồi đó, miếng bánh đúc này có một giá trị đang kể, vì nó có thể cứu sống được một người đói trong lúc đang cần ăn. Riêng tôi, cũng như một số anh em trong Hội, tuy đang là lúc « gạo châu củi quế » hạt gạo quý như vàng, nhưng gia đình cũng vẫn còn đủ sức cầm cự lâu dài, chưa đến nỗi phải rơi vào tình trạng thiếu đói trầm trọng. Thực ra, lúc đầu tôi cũng đã bị hấp dẫn bởi miếng bánh đúc này, mặc dầu nó chẳng phải là Bánh đúc TÔ CHÂU hay QUẢNG ĐÔNG gì cả , nhưng đó là quyền lợi sau mỗi đêm phục vụ của một hội viên, như là một thứ thù lao hay phần thưởng tinh thần !

          Tại sao lại có vấn đề thưởng bánh đúc cho các hội viên của Hội Bảo An như thế ? Vấn đề là như sau : Hồi Việt Nam còn thuộc Pháp, người Pháp đã lập ra Viện Dân biểu Bắc Kỳ, để người Việt Nam làm dân biểu đại diện cho dân VN, cho có vẻ dân chủ. Ở huyện Duyên Hà, Thái Bình, tại làng NẤP gần huyện lỵ, có hai anh em ông Nghị Hoành và Phán Sánh là hai nhân vật TƯ SẢN LỚN trong vùng. Hai ông muốn ứng cử vào Viện Dân biểu Bắc kỳ, và các cử tri đi bầu thời đó phải có đủ điều kiện về văn hóa đủ trình độ từ văn bằng CƠ THỦY (tức là bằng Certificat của Pháp) trở lên mới được ghi danh làm cử tri. Ở Thái Bình, có tổng chẳng có một người nào đủ điều kiện, nhưng ở tổng Thượng Hộ, huyện Duyên Hà, riêng tộc  NGUYỄN HỮU làng Hội Kê đã có tới 10 người đạt tiêu chuẩn trên, đủ điều kiện để ghi danh làm cử tri[1]. Hai ông HOÀNH và SÁNH, sau khi đánh hơi biết được việc trên đã tự động tìm đến Hội Kê để gặp cha tôi lúc đó đang là Tiên Chỉ của làng, và cũng là Trưởng thượng của tộc họ NGUYỄN HỮU, điều đình để giúp các ông đắc cử vào Viện Dân biểu Bắc kỳ. Kết quả, các ông đã được toại nguyện. Thế là, đến khi có Hội Bảo An Hội Kê, Quần Hiền, hai ông này đã nghĩ đến việc đền ơn đáp nghĩa khi xưa, bằng cách gửi tặng Hội Bảo An Hội Kê 300kg gạo, tức là 3 tạ lương thực. Ba tạ gạo hồi đó, đang lúc lương thực khan hiếm, thiếu hụt là cả một vấn đề to tát. Ông Hội trưởng Hội Bảo An liền quyết định lấy số gạo đó nấu bánh đúc và phân phối theo cách trên để tất cả các hội viên đều được hưởng đồng đều một cách công bằng. Một lần ông Tạo, ông Quán và tôi xong nhiệm vụ về, được lãnh ba phần bánh đúc. Ông Tạo cũng nhận, nhưng sau đó tặng cho ông Quán  và tôi phần của ông, vì nhà ông là nơi sản xuất ra bánh đúc này, hôm đó cũng đã có bánh đúc rồi. Tôi và ông Quán, về nhà ông Quán ăn xong hai phần của mình, còn lại phần của ông Tạo cho, ông Quán lại nhường cho tôi mang về nhà ngoài. Tôi đã mang về biếu lại mẹ tôi để dùng cho vui. Thoạt đầu, bà có vẻ ngạc nhiên, nhưng sau khi hiểu được ý của tôi, bà cũng đã vui vẻ ăn ngay lúc đó.



[1] Lúc đó, xã Quần Hiền vẫn còn thuộc Duyên Hà, chưa thuộc về Thư Trì.

 

Monday 22 November 2021

Tìm về quá khứ - Quê cũ năm xưa : Thành lập xã Quần Hiền (Nguyễn Hữu Quyền - Di Cảo) - Kỳ 16

 

THÀNH LẬP XÃ QUẦN HIỀN.

          D o tình thế đòi hỏi, năm làng cũ của tổng Thượng Hộ trước đó là Gia Lạc, Hội Kê, Phú Hậu, Duyên Mỹ, Phú Hữu được sáp nhập với nhau thành một đại xã mới là xã Quần Hiền. Riêng làng Thượng Hộ vì là làng lớn nhất trong tổng Thượng Hộ cũ, vẫn là một làng đứng riêng, không dính dáng gì đến xã mới Quần Hiền. Làng Mỹ Cơ vì quá nhỏ và giáp ranh với làng Hội Kê, nên đã được coi như một xóm của làng Hội Kê thuộc xã Quần Hiền. QUẦN HIỀN là tên gọi của một xã mới do Cụ Giáo Tứ Hội Kê đề nghị, với ý nghĩa là nơi tập hợp những người hiền tài (Union des Sages). Xã mới Quần Hiền này do ông Nguyễn Hữu Lộ, con Cụ Bát Hội Kê làm Chủ tịch.

Thời chính phủ Trần Trọng Kim, Quần Hiền là một xã mới nên trong xã có nhiều sự việc mới. Phong trào Thanh niên phát triển đến cao độ, hoạt động rất sôi nổi, khí thế bừng bừng. Lúc này, nước sông Hồng lên cao, ruộng vườn xã Quần Hiền bị nhận chìm trong làn nước lũ. Từ nhà nọ sang nhà kia phải đi bằng thuyền, đò. Chỉ có ruộng vườn bị ngập nước thôi, còn nhà ở thì vẫn sử dụng được. Do dó phong trào thanh niên của xã chưa bị ảnh hưởng nhiều, còn hoạt động bình thường được. Trong làng, một vài nơi hãy còn thói quen rượu chè, cờ bạc, là những thứ mà Đoàn Thanh Niên đang cố công bài trừ, tận diệt. Một hôm, được tin tại nhà ông Đích (hay Phó Đích) đang có bàn sóc đĩa. Ông Đích là một công nhân trong làng, có tay nghề thợ mộc, thường đi làm vắng nhà, nhưng thỉnh thoảng rảnh việc ở nhà, ông lại cho người ta mượn nhà để tổ chức sóc đĩa. Việc cho mượn nhà của ông cũng giúp ông thu được ít nhiều lợi nhuận. Được tin này, đoàn Thanh niên chúng tôi bèn quyết định ra đi để lập thành tích. Hôm đó, ông Quyến (Hội Kê), đoàn trưởng Thanh niên, cùng với ông Hòe (Gia Lạc) và một số thanh niên nữa, trong đó có tôi, đã cùng nhau tập hợp được một số đò nan nhỏ, thẳng tiến chèo đến bao vây nhà ông Đích. Trong nhà ông, những dân « kỳ bẻo » đang say sưa sát phạt lẫn nhau. Bỗng nhiên có tiếng gọi to trong loa (bằng sắt tây) vang lên : « Những con bạc phải ngồi nguyên tại chỗ, để đoàn thanh niên vào làm việc ». Trong số các con bạc này, có một vài tay cũng thuộc hàng vai vế ở mấy làng bên (Duyên Mỹ, Phú Hữu), xưa nay cũng bướng bỉnh và ít khi chịu nhường ai bao giờ. Thế mà lần này,  khi nghe tiếng loa gọi của thanh niên, cũng đã phải hoảng sợ, chạy ra đò rút êm. Bọn thanh niên chúng tôi hăng say chèo đò đuổi theo, rút cục mấy tay này phải nhảy xuống nước rồi tìm cách chuồn thẳng. Chúng tôi coi như đã hoàn thành nhiệm vụ, rồi giải tán ai về nhà nấy.

          Một việc nữa mà nhóm Thanh niên Quần Hiền đã làm trong thời đó là thành lập được Hội Khuyến Nhạc Quần Hiền. Thoạt đầu, Hội Khuyến Nhạc chỉ là mấy anh em trong nhóm thanh niên chúng tôi ở làng thích âm nhạc, và thường đến chơi nhà nhau để hòa nhạc với tính cách gia đình. Sau, nhân vì muốn phát huy và truyền bá âm nhạc ra ngoài quần chúng, và nhân có anh Liễn là một trong số anh em thường đi lại với nhau, lúc trước có ở Hànội, quen biết nhiều với nhạc sĩ Nguyễn văn Giệp, Hội truởng Hội Khuyến Nhạc Hànội. Anh Liễn lúc này cũng về làng, ở nhà và tương đối rảnh rỗi. Chúng tôi rủ anh đứng ra thành lập Hội và bầu anh là Hội trưởng. Anh Liễn là người có khả năng về lý thuyết âm nhạc tương đối vững vàng, diễn giảng lưu loát, mạch lạc, nhưng lại không sử dụng được một loại nhạc khí nào. Chuyện về Hội Khuyến Nhạc trong ban nhạc Quần Hiền sẽ còn được nói tiếp ở phần sau.

Sunday 21 November 2021

Tìm về quá khứ - Quê cũ năm xưa : Vụ đói năm Ất Dậu (Nguyễn Hữu Quyền - Di Cảo) - Kỳ 15

 

VỤ ĐÓI NĂM ẤT DẬU.

          Cũng trong năm này, một việc nữa đã xảy ra, vô cùng kinh khủng. Một việc mà trong Sử Việt Nam cũng như trong sách sử thế giới chưa hề bao giờ có. Đó là vụ NGƯỜI CHẾT ĐÓI NĂM 1945. Trong cuộc Đại chiến Thế giới lần thứ II, thế giới được chia thành 2 phe đối nghịch : Một bên là phe TRỤC gồm các nước Nhật - Đức  - Ý, cả ba đều là phát xít, và bên kia là phe ĐỒNG MINH gồm các nước Mỹ - Anh – Pháp – Nga – Hoa. Do nhu cầu tình thế, quân đội Nhật đã đổ bộ lên Đông Dương. Để dễ bề thao túng ở đây, phát xít Nhật đã hất cẳng thực dân Pháp. Chúng đã bắt dân VN phải phá bỏ hoa màu là lúa, ngô, khoai đang xanh tốt sắp được thu hoạch, thay vào đó là trồng đay để lấy đay tơ chế tạo thuốc súng, và làm bao tải để vận chuyển hàng hóa, khí giới mà chúng đang cần cho chiến tranh. Đây là nguyên nhân chính của vụ chết đói 2 triệu người năm 1945 ở đồng bằng Bắc bộ. Ngoài ra, phát xít Nhật và thực dân Pháp còn gây thêm tội ác như là không muốn ngăn chặn nạn đói này. Hồi đó máy bay Mỹ thường bay đi bắn phá những xe cộ, tàu thuyền di chuyển trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Trong khi ở miền Bắc, dân chết đói hàng loạt vì không có lương thực, thì ở Sàigòn, thực dân Pháp đã lấy thóc trong kho thay cho than đốt, để chạy máy Nhà máy đèn Chợ Quán trong một thời gian dài mà không hề nghĩ đến việc gửi thóc gạo ra miền Bắc để cứu đói, dù chỉ là một phần nhỏ, với mục đích để dễ bề cai trị.. Kết quả có vẻ như là phát xít Nhật và thực dân Pháp đã về hùa với nhau để tạo ra vụ chết đói hàng loạt này !

          Namđịnh và Thái Bình là hai tỉnh miền Bắc có người chết đói nhiều nhất, khoảng 2 triệu người trong vòng chỉ hơn một tháng. Hồi đó, cứ sáng dậy mở cửa ra đường là đã thấy có một xác người chết  nằm còng queo ngay trước cửa nhà. Gọi là xác người, chứ thực ra chỉ còn là một bộ xương bọc da khô đét, xám xịt, nhìn kỹ một lúc lâu mới nhận ra được đó là người quen, thật là thương tâm !

          Việc tạo hậu quả 2 triệu người chết đói, vụ phá bỏ hoa màu để trồng đay của người Nhật còn làm cho môi trường của vùng nông thôn những tỉnh này bị ô  nhiễm nặng. Sự ngâm vỏ cây đay tươi trong nước ao hồ tù đọng, tiết ra chất nhựa cây làm cho cá tôm và cả những sinh vật trong đó chết hàng loạt. Nước ao hồ bị ô nhiễm bốc lên một mùi hôi khó tả trong khắp vùng. Những người đang đói, hít phải hơi độc hại này, chỉ trong một thời gian ngắn là thấy ngay hậu quả, đã đi đến cái chết mau lẹ hơn. Trong vụ đói năm Ất Dậu (1945) này, tôi đã được chứng kiến một ngưòi bố giành được củ khoai luộc, ngồi ăn một cách ngon lành, thản nhiên bên cạnh một đứa con đang thoi thóp sắp chết vì đói ! Có những nơi người ta đã phải mang đi chôn tập thể những người chết đói cùng một huyệt. Nấm mồ tập thể này hình như ngày nay vẫn còn, ở ngay trong khuôn viên gần Tòa án Nhân dân Hànội. Nấm mồ này tuy ở Hànội, nhưng những người nằm trong đây phần lớn lại là dân Namđịnh, Thái Bình, có lẽ cả dân Hưng Yên và Hải Dương nữa, di tản lên thành phố Hànội để kiếm sống. Chuyện vụ đói năm Ất Dậu đã quá quen thuộc với người dân miền Bắc, nhất là ở hai tỉnh Namđịnh và Thái Bình nên cũng chẳng cần phải nói nhiều. Nhưng có điều là, sau vụ đói này, dân ta còn bị thêm một nạn nữa : đó là nạn CHẾT NO. Số là sau khi bị nhịn đói một thời gian khá dài chừng 3-4 tháng, đến lúc lúa, ngô, khoai được trồng lại và cho hoa màu, những người đã từng nhịn đói bây giờ thấy cần phải ăn nhiều, để bù đắp lại những ngày tháng phải nhịn đói lúc trước, nên lại phát sinh ra bệnh ăn quá no, và rồi cuối cùng cũng đã đi đến cái chết, nhưng là CHẾT NO, chứ không phải CHẾT ĐÓI.

          Số người chết no, tuy không nhiều lắm, nhưng cũng vẫn là một con số đáng kể !