Friday 14 January 2022

Ai để lại tài liệu cho tướng Trần Văn Trà?

 


Tướng Trần Văn Trà viết v thiệt hại của quân Mỹ trong trận Bàu Bàng ngày 12 tháng 11 năm 1965:

Theo tài liệu để lại, con số 2.040 quân Mỹ đã bị thương vong trong một trận đánh vận động tập kích của quân giải phóng miền Đông Nam Bộ, chứng tỏ khả năng đánh được Mỹ và đánh tiêu diệt được quân Mỹ.

Quách Thu Nguyệt (2021:133)

Cùng một cảm hứng đó, sách báo Việt Nam không ngần ngại tiêu diệt hoàn toàn sư đoàn Anh Cả Đỏ của Mỹ:

Kết thúc trận Bàu Bàng, 2 tiểu đoàn bộ binh, 2 chi đoàn tăng – thiết giáp, 1 đại đội pháo binh và toàn bộ Sư đoàn bộ binh “Anh cả đỏ” của Mỹ đã bị tiêu diệt hoàn toàn. Trên 2.000 lính Mỹ bị loại khỏi vòng chiến, gần 40 xe tăng và 8 khẩu pháo hạng nặng bị bắn cháy hoặc phá hủy.

(https://baophapluat.vn/noi-dau-lich-su-de-quoc-tren-vung-dat-huyen-thoai-viet-post205950.html)

Đánh Mỹ thật dễ hơn ăn gỏi. Câu hỏi đặt ra là: Sao quân ta không ăn gỏi đều đều mỗi ngày?

Một câu hỏi khác là: Quân ta đánh xong rồi rút ngay, đếm xác Mỹ bằng cách nào? Mỹ có điều kiện đếm xác của họ để còn phải trả tiền tử tuất đúng nơi đúng chỗ. Và họ chỉ nhận trong trận đó có 20 tử trận, 103 bị thương.

(John M. Carland, United States Army in Vietnam – Combat Operations: Stemming the tides, May 1965 to October 1966, Center of Military History United States Army, Washington, p.84)

Đại tá Mai Văn Quang (Viện Lịch Sử Quân Sự) đã bớt được một giá:

Sau hơn 3 giờ chiến đấu, quân ta đã làm chủ trận đánh, tiêu diệt 2 tiểu đoàn bộ binh, 2 chi đoàn thiết giáp, 1 đại đội pháo cối, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 1.000 tên địch, phá hủy 39 xe tăng, xe thiết giáp, thu nhiều vũ khí trang bị.
(https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/kip-thoi-dieu-chinh-quyet-tam-chien-dau-507877)

Không biết bao giờ sách vở mới xuống đến giá trị thật của chiến công Bàu Bàng.

Wednesday 12 January 2022

Ngụy quyền Sài Gòn mừng xứ ủy làm gì?

Sách Thượng tướng Trần Văn Trà và những chặng đường lịch sử B2 thành đồng viết về ngày 23 tháng 8 năm 1945 có câu:

Vậy mà thật nực cười, ngày 23/8, bọn ngụy quyền Sài Gòn và các tỉnh vẫn làm lễ đón Khâm sai đại thần Nguyễn Văn Sâm ra mắt nhậm chức và mừng Xứ ủy Nam Kỳ được quân đội Phù Tang cho về với Chính phủ Nam triều! (phải chăng bọn bù nhìn này có đặt ít nhiều hy vọng ở Anh, Mỹ, Pháp và Tưởng, khi mà Nhật đã tuyên bố đầu hàng?).

Quách Thu Nguyệt (2021-1:34)

Câu này có lẽ thừa chữ ủy. Nhiều khả năng là lỗi của người đánh máy.

Tuesday 11 January 2022

Nguyễn Thành Nam có thể làm việc gì có ích cho đời?

 

Ông Cao Xuân Hạo từng than rằng ở ta có hai ngành mà nhiều người quan niệm là không cần học một chữ nào cũng có thể làm được: đó là Văn và Ngữ.


Ông Nguyễn Thành Nam là một trong số nhiều người đó, đồng thời là một trong số ít người dám lên YouTube để dạy cái ông không cần học một chữ cũng có thể làm được” (ngữ).

Cái nốt này không nói chuyện “chủ trương đưa trẻ em đi lại con đường mà nhà ngữ âm học đã đi” là đúng hay sai. Tôi chỉ ghi nhận mấy chuyện sau:

-Ông Nguyễn Thành Nam không biết nhà ngữ âm học nào đã chế tác ra chữ quốc ngữ;

-Ông Nguyễn Thành Nam không biết chữ quốc ngữ đã được chế tác như thế nào;

 

-Ông Nguyễn Thành Nam chỉ biết tiếng Pháp và tên của cha Đắc Lộ, còn ngoài ra ông không biết cha Đắc Lộ đã làm gì;

-Ông Nguyễn Thành Nam không biết gì về ngữ âm học ngoài cái tên tiếng Việt của môn học này.

Cả cái video dài gần nửa tiếng của ông Nguyễn Thành Nam chỉ có ba câu sau đây là đúng:

Đôi khi mình không biết mà mình phát biểu ý kiến thì nó sẽ gây hại... Thầy thấy nhiều người thà rằng họ im đi họ đừng nói thì họ sẽ làm việc tốt chứ còn nếu mà họ nói họ sẽ làm hại...  Nhiều người có thể làm việc tốt bằng cách im đi...

(https://www.youtube.com/watch?v=pY5qs3JkCpE)

Monday 10 January 2022

Về một bài viết của Phan Anh Dũng - Nguyễn Cung Thông (tiếp theo và hết) (An Chi - Năng Lượng Mới)

 

Về một bài viết của Phan Anh Dũng - Nguyễn Cung Thông (tiếp theo và hết)

07:30 | 21/11/2015

|
Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi cũng có câu "Mực thước thế gian dầu có phải. Cân xưng thiên hạ lấy đâu tày" (Bảo Kính 172.5)".  

AC: PAD-NCT khẳng định rằng "Mực (hay mức) có nhiều nghĩa" (đây là tên của tiểu đề mục 3). Vậy đó là những nghĩa nào? Hai tác giả này cho biết như sau: "Mực bộ thổ có nghĩa là đen, tham ô, mực (viết), một hình phạt (bôi mực lên chữ thích trên mặt), đạo Mặc, một đơn vị đo lường (bằng năm thước). Các từ cá (con) mực, chó mực cho thấy cách dùng mực đã phổ thông trong tiếng Việt như mực (viết)". Nhưng những nghĩa này cho thấy tên của tiểu đề mục 3 mà PAD-NCT đã đặt ra là một cách gọi hoàn toàn không thích hợp vì "mức" trong tiếng Việt không hề có các nghĩa đó. Rồi họ lại khẳng định rằng nghĩa cổ của "mặc"

[墨] là "đo, mức độ" thì điều này cũng rất sai. "Đo" là một động từ, còn "mức độ" là một danh ngữ có nghĩa khái quát trong khi "mặc" là tên của một đơn vị đo chiều dài cụ thể. Trong 15 nghĩa của "mặc ≡ mực" [墨] đã cho trong Hán ngự đại tự điển (Thành Đô, 1993), không có nghĩa nào là "mức độ". Ta không biết PAD-NCT căn cứ vào đâu mà ghi nghĩa như trên; chỉ biết trước khi dẫn Tiểu nhĩ nhã thì ngay bên trên, Khang Hy tự điển đã ghi một cách cực kỳ súc tích rằng "(mặc [墨] là) độ danh [度名]", mà nếu dịch một cách chính xác thì "độ danh" là "tên [của đơn vị] đo lường". Thì đây: "Ngũ xích vi mặc, bội mặc vi trượng (năm thước là một mực, gấp đôi mực là một trượng)". Vậy "mặc" bằng 5 thước và bằng 1/2 trượng; sao lại nói "mặc" có nghĩa là "mức độ"? Thêm nữa, PAD-NCT cũng dịch không sát nghĩa câu "Bất quá mặc trượng tầm thường chi gian" trong Chu ngữ thành "chẳng qua cũng tầm thường trong khoảng một mực một trượng". Rất sai. "Tầm, thường" ở đây cũng có nghĩa cụ thể như "mặc" và "trượng". "Bát xích vi tầm, bội tầm vi thường" [八尺为尋,倍尋为常], nghĩa là "tám thước là một tầm, gấp đôi tầm là một thường". Vậy nếu đã dịch "mặc", "trượng" thành đơn vị đo lường thì cũng phải dịch "tầm", "thường" thành tên các đơn vị đo lường cho nhất quán chứ không thể dịch "tầm" và "thường" của tiếng Hán thành "tầm thường" trong tiếng Việt được. Và "bất quá" ở đây cũng không phải là "chẳng qua" (trong tiếng Việt), mà là "không bằng" (do ý "không quá" mà ra). Vậy "bất quá mặc trượng tầm thường chi gian" [不過墨丈尋常之間], là "không vượt qua khỏi cái độ dài của mặc, của trượng, của tầm, của thường", tức là nhỏ nhoi, ngắn ngủi.

Hai tác giả cũng không đúng vì cho rằng trong câu Kiều "Phong lưu rất mực hồng quần" thì chữ "mực" phải hiểu theo nghĩa "mức", "bậc", "phù hợp với nghĩa cổ ở trên", tức là nghĩa mà họ đã ghi là "đo, mức độ". "Mực" ở đây phải hiểu theo nghĩa "mức", "bậc" thì dĩ nhiên là đúng nhưng nói rằng nó liên quan đến nghĩa "đo, mức độ" thì sai vì, như đã nói, "mực" (≡ "mặc") là tên một đơn vị đo lường cụ thể chứ không phải là một từ chỉ mức độ chung chung. Cũng vậy đối với chữ "mực" trong câu "Mực thước thế gian dầu có phải" của Nguyễn Trãi. Còn nó liên quan đến cái gì thì chúng tôi sẽ nói sau.

PAD-NCT: "(…) mực với nghĩa mức là một từ thuộc nhóm phổ thông bậc nhất trong tiếng Việt, vẫn còn giữ nghĩa cổ của mặc 墨 là mức, độ, trong khi đó ở Hán ngữ nét nghĩa này có phần mai một, đây là một điều rất đáng lưu ý khi tìm hiểu lịch sử tiếng Việt, người Việt".

AC: Nhưng, như đã nói ở ngay trên đây, "mặc" [墨] không hề có nghĩa cổ là "mức, độ". Cái nghĩa "ngũ xích vi mặc" [五尺爲墨] của chữ "mặc" [墨] mà hai tác giả đã dẫn từ Tiểu nhĩ nhã là một khái niệm về đơn vị đo chiều dài cụ thể, hoàn toàn cụ thể, mà họ đã cưỡng chế thành hoàn toàn khái quát là "đo, mức độ". Ta cũng không biết được hai ông đã thống kê bằng phương pháp nào mà có thể khẳng định rằng "mực với nghĩa mức là một từ thuộc nhóm phổ thông bậc nhất trong tiếng Việt". Còn "mực" với nghĩa là "mức" liên quan đến cái gì thì chúng tôi cũng sẽ nói đến ngay dưới đây.

PAD-NCT: "Mực còn có thể là mặc bộ mịch 纆 [……….] TVGT (Thuyết văn giải tự - AC) ghi mực là sách dã 索也 (dây thừng). Đây là một nghĩa mà rất ít người biết đến! Ta có thể tìm thấy cách dùng chữ mực (viết) thông với dây đo mực 墨 (mực viết) hay mực/mức 纆 (dây đo) đã dùng tương đương trong thư tịch Hán cổ - được ghi nhận bởi học giả nhà Hán Dương Hùng 揚雄 (53 TCN - 18 SCN) trong Giải Trào, một chuyên gia (cũng như là tác giả) "Phương Ngôn"[………]".

AC: Vậy thì cái nghĩa "dây, thừng" ("sách dã" [索也]) của chữ "mặc" [墨] và, hiện tượng chữ "mặc" [墨] bộ "thổ"

[土] cũng dùng thay cho chữ "mặc" [纆] bộ "mịch" [糸] do đâu mà ra? Xin thưa rằng "dây, thừng" (sách dã) thực chất là một cái nghĩa phái sinh từ nghĩa "mực" của chữ "mặc" [墨]. Đó là một hoán dụ đã từ vựng hoá từ danh ngữ "mặc thằng" [墨繩], tức là "dây [có thấm] mực". Nhiều nguồn thư tịch như tc.wangchao.net.cn, zhidao.baidu.com, v.v... đều cho biết rằng "trọng thùy tuyến tại cổ đại thời hậu đích khiếu pháp thị mặc thằng" [重垂线在古时候的叫法是"墨绳"], nghĩa là "vào thời cổ xưa thì mặc thằng là cách gọi dùng để chỉ dây dọi (fil à plomb [Pháp]; plumb line [Anh])". Các quyển từ điển Hán Anh trực tuyến đều dịch "mặc thằng" [墨绳] thành "inked marking string", nghĩa là "dây [có thấm] mực [dùng để] đánh dấu". Trở xuống, chúng tôi sẽ gọi "mặc thằng" là "dây mực" cho gọn. Trong cái đấu mực, tức "mặc đẩu" [墨斗], thì dây mực là bộ phận chính dùng để nảy mực lên gổ làm chuẩn cho việc cưa, xẻ theo đường thẳng. "Nảy mực", tiếng Hán xưa gọi là "phụ thằng" [負繩], mà baike.com/wiki giảng là "dụng mặc thằng đả trực tuyến vu mộc" [用墨绳打直线于木], nghĩa là "dùng dây mực [để] kẻ đường thẳng trên gỗ". Còn Tàu hiện đại thì gọi "nảy mực" (tức "phụ thằng") là "đàn tuyến"

[彈綫]. Nếu hiểu thành danh từ thì "đàn tuyến" là "dây dùng để nảy mực lên gỗ" còn ở đây, chúng tôi hiểu theo động từ, tức là "nảy mực bằng dây mực" (tiếng Việt cũng có dị bản dùng "nẻ" thay cho "nảy"). "Nảy mực bằng dây mực" thường được nói tắt thành "nảy mực", như có thể thấy trong thành ngữ "cầm cân, nảy mực". Và chính vì căn cứ vào cái thực tế cụ thể và hiển nhiên này mà chúng tôi khẳng định rằng "mực ở đây là cái chất sệt thường là màu đen, dùng để viết, vẽ, đánh dấu, v.v... chứ không phải là cái dụng cụ của nghề mộc, như PAD-NCT đã khẳng định, và như chúng tôi sẽ phê phán ngay dưới đây. PAD-NCT: Mực tàu có hiệu Đốc Thằng thẳng ngay [………] "Mực tàu" ở đây chỉ một dụng cụ của thợ mộc vì đề mục đã xác định rõ là "Mộc công bộ", có lý hơn so với nghĩa thường hiểu (hiện nay) là mực (viết) của người Tàu (người Trung Hoa). Nếu mực trong mực tàu là mực viết/vẽ, thì đây chỉ là cách dùng đơn giản hóa trong tổ hợp "mực tàu" chỉ dụng cụ gồm ba thành phần chính: (a) mực (b) dây (thằng) và (c) tàu (hũ chứa, máng chứa mực)".

AC : Vì mải miết theo đuổi cách hiểu chủ quan của họ về hai tiếng "mực tàu" nên PAD-NCT đã không quan tâm đến đặc điểm cú pháp – ngữ nghĩa của danh ngữ này. Hai tác giả cho rằng trong "mực tàu" thì "tàu" là "hũ chứa, máng chứa mực". "Tàu" thì đúng là "máng" nhưng phải là máng có kích thước to, cỡ như máng trong chuồng ngựa, chuồng voi chứ ngay cả máng lợn thì cũng chẳng ai gọi là "tàu". Thế cho nên ta chỉ có "tàu ngựa", "tàu voi", chứ không có "tàu lợn". Vậy "tàu" là một loại máng, nhưng phải là máng to. Đến như nói "tàu" là "hũ chứa [mực]" thì chỉ là nói đùa cho vui về kích thước của cái "tàu" mà thôi. Cái "tàu" không thể nằm gọn trong cái "mực tàu" của PAD-NCT được. Đó là nói về mặt ngữ nghĩa. Còn nói về cú pháp thì, nếu được phép dùng "tàu" với nghĩa "hũ", người ta cũng sẽ phải gọi cái đồ nghề của PAD-NCT là "tàu mực", chứ không phải "mực tàu" vì đây chỉ là cách nói "ngược" của Tàu mà thôi.

TẠM KẾT LUẬN: Với những nhận xét trên đây, ta đã có thể thấy rằng bài "Tản mạn về nghĩa của 'mực tàu' 墨艚 qua từ điển Việt Bồ La (phần 1)" của PAD-NCT có nhiều chỗ sơ hở quan trọng nên không phải là chỗ dựa đáng tin cậy để tìm hiểu về nghĩa của hai tiếng "mực tàu". "Mực tàu", với chúng tôi, vẫn là mực Trung Hoa.

 

Năng lượng Mới 475

Sunday 9 January 2022

Về một bài viết của Phan Anh Dũng - Nguyễn Cung Thông (An Chi - Năng Lượng Mới

Về một bài viết của Phan Anh Dũng - Nguyễn Cung Thông

14:14 | 16/11/2015

|
Bạn đọc: Trong bài “Lẽ ra họ phải được gọi là người GHE”, đăng trên Báo Năng lượng Mới số 454 (4-9) & 456 (11-9-2015), ông An Chi vẫn khẳng định rằng “Tàu” trong “mực tàu” là từ dùng để chỉ nước Trung Hoa. Mới đây, www.khoahocnet.com (29-10-2015) đã đăng bài “Tản mạn về nghĩa của ‘mực tàu’  墨艚  qua từ điển Việt Bồ La (phần 1)” của Phan Anh Dũng/ Nguyễn Cung Thông. Xin ông An Chi cho biết nhận xét của ông về bài này. Xin cám ơn. LVT  (Phú Yên)  

Học giả An Chi: Chắc sẽ còn ít nhất là "phần 2" nên kỳ này chúng tôi chỉ xin nhận xét sơ bộ theo trình tự: PAD-NCT (ý kiến của Phan Anh Dũng - Nguyễn Cung Thông) rồi liền ngay dưới là nhận xét của AC (An Chi). Sau đây là các chữ viết tắt của PAD-NCT : - VBL là Từ điển Việt Bồ La); - HV = Hán Việt.

PAD-NCT: "Sinh thì (nghĩa là chết/VBL) so với sinh thì (sinh thời, dạng này hiện diện sau thập bán thế kỷ XIX cho đến nay) nghĩa là lúc còn sống".

AC: Hai tác giả đã so sánh không đúng. VBL có hai mục từ "sinh" khác nhau. Mục trước là "sinh, sóũ [sống]" mà A. de Rhodes dịch sang tiếng Bồ là "vivo" (= sống, còn sống) và tiếng La là "vivus,a,um" (cùng nghĩa). Còn mục sau là "sinh, lên" mà A. de Rhodes dịch sang tiếng Bồ là "subir" (= lên, lên cao) và tiếng La là "ascendo, is" (cùng nghĩa). Mục sau còn có "sinh thì, giờ lên" mà "giờ lên" chính là nghĩa của "sinh thì". Vậy "sinh" trong "sinh thì" là "lên" chứ không phải là "sống" nên không thể đánh đồng "sinh thì" ở đây với "sinh thời" hiện nay được. Huống chi, chính hai tác giả đã khẳng định rằng "sinh thời" chỉ "hiện diện sau thập bán thế kỷ XIX" thì nó không thể trực tiếp dính dáng gì về nguồn gốc với "sinh thì" của VBL (1651). Từ điển từ cổ của Vương Lộc và Từ điển từ Việt cổ của Nguyễn Ngọc San - Đinh Văn Thiện đều xác định rõ ràng rằng "sinh thì" chỉ là một lối nói riêng của Công giáo. Nó không thuộc tiếng Việt toàn dân. Vậy "sinh thời" không phải là "sinh thì" mở rộng nghĩa.

PAD-NCT: "Nhân danh dùng trong Kinh Thánh (nhân danh cha...) bây giờ đã mở rộng nghĩa (nhân danh đạo đức, nhân danh con người ...)".

AC: Cũng chẳng có mở rộng nghĩa gì cả. Chẳng qua là ở đây, Kinh Thánh đã xài lối nói của tiếng Việt toàn dân.    PAD-NCT: "bơm (bơm thơm - tóc bờm xờm, bù xù) - bây giờ không còn dùng nữa mà thay thế bằng nét nghĩa ống (máy) bơm từ kỹ thuật Tây phương nhập vào. AC: Ở đây hai từ "bơm" cũng chẳng có dây mơ rễ má gì với nhau cả. Trong "bơm thơm" thì "bơm" là một hình vị không rõ nghĩa của tiếng Việt hiện đại còn trong "máy bơm" thì "bơm" là một động từ có nghĩa và xuất xứ cụ thể (< "pompe" của tiếng Pháp). Thật là dị thường khi hai tác giả lại đánh đồng "bơm" này với "bơm" kia!

PAD-NCT: "Ghe nghĩa là nhiều (VBL) bây giờ không còn dùng nữa, thay bằng danh từ ghe (tàu)". AC: Ở đây ta cũng có hai từ "ghe" hoàn toàn khác nhau. Làm sao có thể nói "ghe" trong "ghe tàu" đã thay thế cho "ghe" có nghĩa là nhiều. Ta chỉ có thể nói "ghe" (= nhiều) là một từ cổ còn từ đồng âm với nó là "ghe" (= thuyền) thì vẫn còn tồn tại trong phương ngữ Nam Bộ.

PAD-NCT: "Non dạ (VBL - buồn nôn) bây giờ hàm ý thiếu suy nghĩ, còn non nớt ...".

AC: Ở mục này, ta phải nhận xét với óc phê phán rằng đây là "nôn" chứ không phải "non", nhất là khi mà chính A. de Rhodes đã liên hệ "non dạ" với "buồn nôn". Đây có thể chỉ là do lỗi in ấn mà ta có thể thấy không ít trong VBL (nên chính A. de Rhodes cũng đã phải làm bảng "Đính chính" [Appendix - Errata declarationis linguae corrige] nhưng vẫn còn để sót nhiều).

PAD-NCT: "Mực (hay mức) có nhiều nghĩa. Mực là một biến âm của mặc HV, thường là chữ mặc bộ thổ 墨 [……….] Chữ Mặc 墨 vốn có một nghĩa cổ là đo, mức độ. Khang Hy Tự Điển dẫn Tiểu nhĩ nhã và Chu ngữ: 小爾雅】五尺爲墨,倍墨爲丈。【周語】不過墨丈尋常之閒。 [Tiểu nhĩ nhã] ngũ xích vi mặc, bội mặc vi trượng (năm thước là một mực, gấp đôi mực là một trượng). [Chu ngữ ] bất quá mặc trượng tầm thường chi gian (chẳng qua cũng tầm thường trong khoảng một mực một trượng). Truyện Kiều có câu "Phong lưu rất mực hồng quần. Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê" rõ ràng mực câu này phải hiểu theo nghĩa "mức", "bậc", phù hợp với nghĩa cổ ở trên.

 

Năng lượng Mới 474

 

 https://petrotimes.vn/ve-mot-bai-viet-cua-phan-anh-dung-nguyen-cung-thong-349441.html