Saturday 9 July 2022

Máy dịch hay người dịch?



BBC tiếng Anh viết như sau:
The Russian tanks in question were typically poorly employed, unsupported by dismounted infantry, and without the benefit of a strong non-commissioned officer (NCO) corps, such as one finds in the US Army or British Army.
(https://www.bbc.com/news/uk-61967180)

 

BBC tiếng Việt thành ra thế này:
Những xe tăng Nga thuộc diện cần xem xét là những chiếc được sử dụng không hiệu quả, không được hỗ trợ bởi lực lượng bộ binh đã suy yếu, và không hưởng được lợi ích gì từ một quân đoàn sĩ quan không được ủy nhiệm (NCO), có thể thấy trong quân đội Mỹ hoặc Anh. 

(https://www.bbc.com/vietnamese/world-62074202)



Máy dịch cũng không đến nỗi tệ như thế.
 


NCO corpslực lượng/ đội ngũ hạ sĩ quan. Quân đoàn là từ dùng để chỉ binh đoàn gồm vài sư đoàn trở lên.

Saturday 25 June 2022

Phương ngữ hay không phương ngữ? That is the question.


Về việc ông Huỳnh Công Tín trong quyển Từ Điển Từ Ngữ Nam Bộ (Huỳnh Công Tín, 2007:894) giảng rằng nhà báo là những người không có công ăn việc làm, thất nghiệp, đang ăn bám vào gia đình, các ông Phan Thế Hoài, Vương Trung Hiếu, Lê Khắc Cường cho rằng đó là không phải là phương ngữ.

Ông Phan Thế Hoài nhận diện phương ngữ như sau:

Phương ngữ là hệ thống ngôn ngữ được dùng cho một tập hợp người nhất định trong xã hội.
Để định nghĩa phương ngữ, trước hết cần định nghĩa được
hệ thống, ngôn ngữ, hệ thống ngôn ngữ, tập hợp người nhất địnhxã hội. Tất cả đều là những khái niệm mà ông Phan Thế Hoài mặc định là ai cũng biết và nhất trí với nhau tuyệt đối.

Ông Vương Trung Hiếu đưa ra cách nhận diện phương ngữ như sau:

Thứ hai, từ “nhà báo”không phải là phương ngữ Nam bộ, vì những từ gọi là phương ngữ đều có thể địnhnghĩa tương ứng nhau. Ví dụ: cá lóc (Nam bộ), cá quả (Bắc bộ), đều là từ chỉchung loài cá thuộc chi Channa, họ Channidae.

Dễ dàng kiểm nghiệm rằng tiêu chuẩn mà ông Vương Trung Hiếu đưa ra không phải một điều kiện cần và cũng không phải là điều kiện đủ. Thó trong Em và Trịnh có thể định nghĩa tương ứng với chôm, do đó cả hai đều là hiện tượng phương ngữ. Nhưng lính sách tê, xe ca lết không thể được công nhận là những hiện tượng phương ngữ Nam Bộ vì chưa có người tìm được hình thức tương đương với chúng trong một phương ngữ khác. Tương tự, biệt súng, ba thồ
không phải là những hiện tượng phương ngữ Bắc Bộ vì hiện nay người ta không biết hoặc đã quên nó tương đương với cái gì trong các phương ngữ khác.

Friday 24 June 2022

Vô tình hay cố ý?

 


Về việc ông Huỳnh Công Tín trong quyển Từ Điển Từ Ngữ Nam Bộ (Huỳnh Công Tín, 2007:894) giảng rằng nhà báonhững người không có công ăn việc làm, thất nghiệp, đang ăn bám vào gia đình, có thêm ông Hồ Xuân Mai đứng cùng bên  với các ông Phan Thế Hoài, Lê Khắc Cường, cho rằng đó là nghĩa bóng của từ nhà báo. Không những thế ông còn chỉ vẽ cho người làm từ điển cách trình bày các kiểu ý nghĩa sao cho đầy đủ. Rồi ông kết luận rằng mục từ nhà báo trong từ điển Huỳnh Công Tín (2007) là còn thiếu. Và ông ỡm ờ:

-Tôi không biết đây là sự vô tình hay cố ý.

Sự vô tình hay cố ý về phía ông Huỳnh Công Tín thì ông Huỳnh Công Tín có thể trả lời nếu ông ấy thấy cần thiết. Về phía ông Hồ Xuân Mai thì những việc sau đây chắc chắn là cố ý:

1)     Không đọc lời giới thiệu và thể lệ biên soạn của từ điển Huỳnh Công Tín (2007);

2)     Không đọc các từ điển Hoàng Phê để xem báo là một từ đa nghĩa hay hai, ba từ đồng âm.

Hai bài tập nhỏ bữa trước tôi cố ý soạn cho hai ông Phan Thế Hoài và Lê Khắc Cường thành ra vô tình dành cả cho ông Hồ Xuân Mai. Ông và các ông quan ngôn ngữ học giải quyết được thì tôi cảm ơn vì tôi suy nghĩ lâu rồi mà chưa có lời giải thỏa đáng.

Thursday 23 June 2022

Có phải là nhà báo nói gà và nói luôn cả vịt?



Trang 2 Báo Cứu Quốc số 43 ra ngày 14 tháng 9 năm 1945 đăng tin về cuộc tiếp xúc 8 giờ tối ngày 11 tháng 9 giữa các đại biểu Ủy Ban Nhân Dân Trung Bộ,  Ủy Ban Nhân Dân Thừa Thiên, Việt Minh, Hoa kiều và báo giới với các đại biểu quan sát Mỹ vừa tới Thuận Hóa. Trong cuộc tiếp xúc ấy:

Đại-biểu quan sát Mỹ lại nói thêm rằng, theo lời người Pháp và Nhật thì Chính-phủ Việt-Nam cấm nhân dân bán thực phẩm cho người Pháp. Chủ-tịch Thừa-thiên cải-chính và y sĩ Lê-Đình-Phẩm đại-biểu Phật-giáo yêu cầu đại-biểu quan sát Mỹ không nên tin những lời của người Pháp và Nhật vì hai kẻ đó rất ghét Chính-phủ nhân-dân Việt-Nam do Việt-Minh, một tử thù của Nhật lập nên, còn Pháp căm hờn người Việt-Nam vì họ không thể nào trồng (sic) ách nô-lệ lên Đông Dương một lần nữa.

Trên cùng trang báo, ngay cột bên cạnh là sắc lệnh số 6 của Chủ-tịch Chính-phủ Lâm-thời Dân-chủ Cộng-hòa Việt-Nam. Khoản thứ nhất của sắc lệnh đó như sau:
Nay cấm nhân-dân Việt-Nam không được đăng lính, bán thực phẩm, dẫn đường, liên lạc, làm tay sai cho quân đội Pháp.

Người ký là Võ Nguyên Giáp, Bộ Trưởng Nội Vụ. Ngày ký là 1 tháng 9 năm 1945.
Trên cơ sở dữ liệu của Thư Viện Pháp Luật, ngày ký là 5 tháng 9 năm 1945. Ngày 1 hay  ngày 5 thì cũng là việc đã xảy ra rồi trước khi người Mỹ hỏi chuyện.

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Quyen-dan-su/Sac-lenh-06-cam-nhan-dan-khong-duoc-dang-linh-ban-thuc-pham-lam-tay-sai-quan-doi-Phap-35848.aspx