Sunday 10 March 2013

Tư tưởng chủ thể là gì?



Tư tưởng chủ thể là tư tưởng chính thống của nhà nước Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên. Chữ Triều Tiên là 주체사상, đọc là juche sasang; chữ Hán là 思想, âm Hán Việt là chủ thể tư tưởng. Học thuyết này cho rằng con người là chủ thể của tất cả mọi thứ trên đời này và quyết định tất cả mọi thứ. Vận dụng ý này vào hoàn cảnh cách mạng Triều Tiên thì người Triều Tiên chính là chủ thể của cuộc cách mạng đó.
Tất nhiên cả một hệ tư tưởng của một chế độ chính trị không chỉ đơn giản có thế. Bắc Triều Tiên có cả một đội ngũ hùng hậu các nhà lý luận chuyên làm công việc bồi da đắp thịt cho Juche. Juche phức tạp đến nỗi người phương Tây cảm thấy khó dịch trọn vẹn nội dung của thuật ngữ này, thường chọn giải pháp là phiên âm: tiếng Anh là Juche Idea, tiếng Pháp là Idées du Juche.
Tư tưởng chủ thể là sản phẩm trí tuệ của Kim Nhật Thành, nhà lãnh đạo sáng lập Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên. Một số nhà nghiên cứu Bắc Triều Tiên cho rằng Kim Nhật Thành đã có một số ý tưởng nền móng cho tư tưởng chủ thể từ những năm 30 của thế kỷ trước khi Người vừa đến tuổi 18. Nhưng bọn học giả phản động cho rằng nâng bi như vậy là sống sượng quá mức. Nói chung cả hai bên chỉ nhất trí với nhau ở điểm là trong thời gian từ 1955 đến 1970 tư tưởng chủ thể được Kim Nhật Thành tổ chức triển khai thành nguyên tắc điều hành, quản lý mọi mặt sinh hoạt của xã hội Bắc Triều Tiên. Năm 1972 tư tưởng chủ thể được đưa vào bản hiến pháp mới thay thế cho chủ nghĩa Mác Lê Nin, nhưng được định nghĩa như là một vận dụng sáng tạo của chủ nghĩa Mác Lê Nin.
Điều đáng ngạc nhiên là trong suốt ba, bốn mươi năm quan hệ hữu nghị Việt Triều, hầu như không người Việt nào biết tư tưởng chủ thể là cái gì, mặc dù Bắc Triều Tiên là một đồng minh thân cận của Bắc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Để duy trì thế đi dây đầy khó khăn giữa hai người bạn lớn là Liên Xô và Trung Quốc, Bắc Việt Nam không muốn dính dấp vào bất kỳ cuộc tranh cãi nào về lý thuyết. Nhà lãnh đạo kiệt xuất của Việt Nam là chủ tịch Hồ Chí Minh còn khiêm tốn tuyên bố rằng ông không có tư tưởng nào khác ngoài chủ nghĩa Mác Lê Nin, rằng Xta-lin và Mao Trạch Đông đã nghĩ, đã nói tất cả rồi.
Sau khi Liên Xô và các nước dân chủ nhân dân ở Đông Âu sụp đổ, các nhà lý luận ở Việt Nam phải đối mặt với một cục diện đầy khó khăn. Hệ thống thuật ngữ và khái niệm vẫn vận hành trước đó bị giảm sút uy tín, có nguy cơ phá sản và cần được thay thế gấp. Một trong những thành tựu mới mẻ và quan trọng nhất của giới lý luận nước ta là thuật ngữ “tư tưởng Hồ Chí Minh”. Thuật ngữ này giúp các nhà lý luận nước ta có được khoảng cách an toàn với tất cả những gì trót làm chủ nghĩa xã hội chịu nhiều tai tiếng trong lịch sử. Tư tưởng chủ thể trước đây có lúc đã gây nghi ngại trong bối cảnh xung đột Xô Trung thì hiện nay đã trở nên vô hại. Trên sách báo người ta bắt đầu đọc được nào là tư tưởng chủ thể, cách mạng chủ thể, sự nghiệp chủ thể hóa, học thuyết chủ thể, tượng đài chủ thể...
Bắc Triều Tiên có tư tưởng của Bắc Triều Tiên. Tại sao ta không thể có tư tưởng của ta?

No comments:

Post a Comment