Thursday 19 December 2013

Chiến tranh Pháp - Việt bùng nổ vì đâu? (Vũ Như Khôi - Tạp Chí Cộng Sản)



Chiến tranh Pháp - Việt bùng nổ vì đâu?
22:48' 16/12/2011
TCCSĐT - Cuộc chiến tranh Pháp - Việt (1945 - 1954) là một cuộc chiến tranh lớn kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Qua 9 năm chiến tranh ác liệt, về phía Việt Nam, đất nước đã bị tàn phá nặng nề, hàng chục vạn quân nhân và dân thường bị thương vong, hậu quả nặng nề về kinh tế, văn hoá, xã hội còn kéo dài nhiều năm sau. Về phía nước Pháp, 561.900 binh sĩ bị chết và bị bắt, trong đó có 142.900 binh sĩ Âu Phi. Đáng kể là hai viên tướng Tổng Tư lệnh quân Pháp ở Việt Nam là Lơcléc và Đờlát Đờ Tátxinhi, mỗi người đều có một con trai chết trận trên chiến trường Việt Nam. Nước Pháp đã tiêu tốn 2.938,7 tỉ Phrăng chiến phí, trong đó có 1.154 tỉ Phrăng viện trợ Mỹ. Vết thương của một cuộc chiến bại còn để lại di chứng cho nhiều thế hệ người Pháp.
Vậy ai là người chịu trách nhiệm làm bùng nổ cuộc chiến tranh đó?


Trước kia, bọn thực dân gây chiến cùng những kẻ bồi bút cho chủ nghĩa thực dân cố tình xuyên tạc sự thật, đổ trách nhiệm cho phía Việt Nam là  “bội ước tấn công trước”.
Ngày nay, mấy kẻ phản động người Việt ở nước ngòai mạo danh “vì quốc gia, dân tộc” cũng lớn tiếng vu cáo Đảng Cộng sản Việt Nam theo đường lối “tả khuynh” của Quốc tế Cộng sản và của những người lãnh đạo các nước cộng sản lớn, đưa đất nước vào cuộc chiến 30 năm (cả chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ), khiến cho đất nước lụn bại, hàng triệu người chết (cả hai phía), dân tộc phân ly…(!)
Lịch sử với sự thật vốn có, luôn phán xử công minh.
Sau thắng lợi cuộc Cách mạng Tháng Tám, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Đảng ta và nhân dân ta chỉ mong muốn có cuộc sống hòa bình để xây dựng đất nước, chăm lo đời sống. Nhưng hòan cảnh nước ta lúc đó lại vô cùng phức tạp, gần 30 vạn quân của nhiều nước đế quốc, dưới danh nghĩa Đồng minh vào tước vũ khí quân phát xít Nhật, rải ra chiếm đóng các thành phố, thị xã, kể cả Thủ đô Hà Nội, các đường giao thông huyết mạch, các vị trí trọng yếu về chính trị, quân sự, kinh tế ở hầu khắp nước ta. Bọn đế quốc có ý đồ và hành động khác nhau, nhưng đều chung một dã tâm lật đổ chính quyền Việt Nam độc lập, đưa dân tộc ta trở lại cuộc sống nô lệ.
Trong các nước đế quốc thì thực dân Pháp có lực lượng và điều kiện hơn cả, quyết tâm xâm lược lại nước ta, đặt lại nền cai trị trên “đóa hoa đẹp nhất” trong vườn hoa thuộc địa của Pháp trước đây.
Ngày 2 - 9 - 1945, giữa lúc nhân dân Sài Gòn mít tinh chào mừng ngày Độc lập thì một số tên lính Pháp còn ẩn náu trong Thành phố, đã xả đạn vào đồng bào ta, làm hàng chục người chết và bị thương. Hai mươi ngày sau, 0 giờ ngày 23 - 9, được quân Anh và quân Nhật hỗ trợ, quân Pháp gây hấn ở Sài Gòn, bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược lại nước ta. Quân và dân Nam Bộ được cả nước chi viện, đã chặn đánh quyết liệt, gây cho quân Pháp nhiều thiệt hại và làm phá sản chiến lược đánh nhanh, thắng nhanh của chúng.
Lúc này, nhân dân cả nước sôi sục căm thù quân xâm lược và hăm hở chuẩn bị sẵn sàng đánh trả quân Pháp nếu chúng mở rộng chiến tranh. Với trọng trách trước vận mệnh đất nước, trước sự sống còn của cách mạng, Đảng phải sáng suốt, cân nhắc lợi, hại để lãnh đạo tòan dân vượt qua khó khăn, thử thách, đưa cách mạng tiến lên. Trong Chỉ thị Tình hình và chủ trương ngày 3 - 3 - 1946,Ban Thường vụ Trung ương Đảng chỉ rõ:
“Vấn đề lúc này không phải là muốn đánh hay không muốn đánh. Vấn đề là biết mình biết người, nhận định một cách khách quan những điều kiện lợi hại trong nước và ngòai nước mà chủ trương cho đúng”[1].
Vào lúc này, tình thế đất nước vô cùng hiểm nghèo. Chính quyền Tưởng Giới Thạch theo lệnh Mỹ, đã ký kết thỏa thuận cho quân Pháp vào miền Bắc Việt Nam thay thế quân Trung Hoa (lúc này thường gọi là quân Tưởng). Như thế, quân Pháp đương nhiên sẽ đổ bộ vào miền Bắc nước ta. Nếu ta đánh quân Pháp, chúng sẽ vu cáo ta chống lại Đồng minh. Quân Tưởng sẽ có cớ để dùng vũ lực lật đổ chính quyền ta, lập chính quyền tay sai, cài cắm lực lượng phục vụ cho âm mưu bành trướng sau này và gây sức ép buộc Pháp phải nhân nhượng thêm quyền lợi. Quân Pháp sẽ trắng trợn tiến đánh quân ta. Về phía ta, chính quyền còn non trẻ, mặt trận dân tộc thống nhất chưa được củng cố, lực lượng vũ trang còn ít ỏi và non yếu về nhiều mặt. Sức ta chưa thể cùng lúc dùng lực lượng vũ trang đánh lại cả hai kẻ thù.
Đảng ta, đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh chủ trương hòa hoãn với thực dân Pháp để sớm đuổi quân Tưởng về nước, loại bỏ một kẻ thù nguy hiểm; đồng thời tranh thủ khả năng giải quyết quan hệ với kẻ thù chính là thực dân Pháp bằng con đường hòa bình, chí ít cũng làm cho cuộc chiến tranh chậm nổ ra, giành được thời gian chuẩn bị cho cuộc chiến tranh lâu dài. Trong tình thế so sánh lực lượng bất lợi và để đạt được hòa hoãn, ta phải mềm dẻo nhân nhượng, chấp nhận phải đi đường vòng, đi từng bước một, nhưng bảo đảm chắc chắn tới đích cuối cùng.
Về phía Pháp, vào đầu năm 1946, nước Pháp đang còn khó khăn bề bộn do hậu quả chiến tranh thế giới; lực lượng quân viễn chinh ở Việt Nam chưa đủ khả năng mở rộng chiến tranh ra cả nước. Nhiều người trong chính giới Pháp, kể cả Tổng Chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương Lơcléc và Ủy viên Cộng hòa Pháp ở Đông Dương Xanhtơny cũng đề xuất dùng biện pháp đàm phán hòa bình để từng bước thôn tính Việt Nam - điều mà biện pháp vũ lực không thể đạt được.
Đó là bối cảnh lịch sử dẫn đến những cuộc hòa đàm Việt  - Pháp.
Ngày 6 - 3 - 1946, Hiệp định sơ bộ được ký kết tại Hà Nội giữa đại diện Chính phủ Việt Nam và đại diện Chính phủ Pháp. Những Điều khỏan chính của Hiệp định gồm: Chính phủ Pháp công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một quốc gia tự do, có chính phủ riêng, tài chính riêng và là một thành viên trong Liên bang Đông Dương và trong Khối Liên hiệp Pháp; việc thống nhất Nam Kỳ vào nước Việt Nam sẽ được quyết định thông qua một cuộc trưng cầu ý dân. Chính phủ Việt Nam tuyên bố sẵn sàng thân thiện đón quân đội Pháp vào thay thế quân đội Trung Hoa ở miền Bắc Việt Nam. Số quân Pháp giới hạn là 15.000 người và sẽ rút hết trong 5 năm, mỗi năm rút 1/5 quân số.
Hiệp định sơ bộ ghi nhận sự nhân nhượng của hai bên. Mục tiêu trước sau như một của tòan Đảng, tòan dân ta là độc lập, thống nhất hòan tòan, nhưng hòan cảnh cụ thể chưa cho phép ta đạt ngay tới mục tiêu đó. Chúng ta phải chấp nhận một nền độc lập hạn chế và một nền thống nhất có điều kiện. Trong tình thế đất nước như “ngàn cân treo trên sợi tóc”, sự mất, còn của vận mệnh dân tộc chỉ là một khỏang cách mong manh, hòa thì còn mà đánh thì rất có thể mất, thực hiện sách lược hòa hoãn ngay với kẻ thù xâm lược là một quyết sách cần thiết, đúng đắn và mưu lược.
Tiếp sau Hiệp định sơ bộ, cuộc đàm phán chính thức diễn ra qua Hội nghị trù bị Đà Lạt và Hội nghị Phôngtennơblô. Tại các cuộc đàm phán, lập trường chính nghĩa mềm dẻo của ta là độc lập, thống nhất quốc gia và hợp tác với Pháp trên cơ sở bình đẳng. Trái lại, lập trường của Pháp hết sức ngoan cố phản động. Giới cầm quyền nước Pháp, đại diện quyền lợi tầng lớp tư bản phản động vẫn đòi Việt Nam phải nằm trong vòng cai trị của Pháp, vẫn tách Nam Bộ khỏi nước Việt Nam thống nhất. Lập trường thực dân của Pháp dẫn đến cuộc thương thuyết chính thức tan vỡ. Cánh cửa hòa bình như đã đóng chặt, quan hệ hai nước rất căng thẳng. Cuộc chiến tranh trên cả nước Việt Nam có thể xảy ra một sớm một chiều.
Để cứu vãn tình thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết tâm tiếp tục vận động cho một giải pháp hòa bình, dù là tạm thời và mong manh. Ngày 14 - 9 - 1946, đại diện cho Chính phủ Việt Nam, Người đã ký với Mutê - đại diện Chính phủ Pháp - bản Tạm ước thỏa thuận hai bên đình chỉ xung đột về quân sự, ghi nhận cuộc thương thuyết vẫn còn được tiếp tục. Trong cuộc họp báo ở Pari giải thích việc ký Tạm ước 14 - 9, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Bản Tạm ước này đối với tôi có phải đã thỏa mãn không? Có và không. Được rất ít nhưng có còn hơn không. Ký Tạm ước này, chúng tôi muốn tỏ cho nhân dân Pháp biết chúng tôi mong muốn một tinh thần rộng mở trong sự hòa giải”[2].
Trong những hòan cảnh cụ thể, thực dân Pháp phải ký nhận sự hòa hoãn để đạt được một số mục tiêu mà chúng không thể đạt được bằng tiến công quân sự như đưa được một số quân ra miền Bắc Việt Nam, nhưng âm mưu trước sau như một của chúng là dùng vũ lực xâm lược lại đất nước ta. Cho nên, quân Pháp luôn vi phạm các điều khỏan đã ký kết, thường xuyên gây sự, xâm phạm chủ quyền nước ta.
Diễn biến chính trị nước Pháp ngày càng phức tạp, bọn thực dân hiếu chiến ra sức phản đối hòa hoãn, các chính phủ thay nhau lên nắm quyền ngày càng thiên hữu. Cuối năm 1946, sau khi quân đội Trung Hoa đã rút về nước và quân viễn chinh Pháp đã được tăng cường đáng kể, thực dân Pháp quyết phát động cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Giữa tháng 11 - 1946, quân Pháp đánh chiếm thành phố Hải Phòng, tiếp đó đánh chiếm nhiều công sở và tàn sát dã man đồng bào ta ở Lạng Sơn. Tướng Moóclie - Tổng Chỉ huy quân đội Pháp ở miền Bắc Đông Dương - đã nhận định rằng với các hành động đó, Hiệp định sơ bộ và Tạm ước đã tan vỡ hòan tòan, chắc chắn chiến cuộc sẽ lan rộng khắp Bắc Kỳ, và như thế chứng tỏ nước Pháp đã chọn chính sách dùng vũ lực.
Chính phủ ta cố gắng dàn xếp để chấm dứt cuộc xung đột, nhưng quân Pháp càng ngang ngược, yêu sách những điều xâm hại đến độc lập chủ quyền của nước ta. Trước tình hình nghiêm trọng này, Đảng ta khẳng định:
“Sự thật đã chứng minh rằng: thực dân Pháp ngang nhiên khiêu hấn. Chúng định dùng vũ lực bắt ta phải nhượng bộ. Nhưng không khi nào ta chịu. Tạm ước 14 tháng 9 là một bước nhân nhượng cuối cùng. Nhân nhượng nữa là phạm đến chủ quyền của nước, là hại quyền lợi cao trọng của dân tộc”[3].
 Ngày 17 - 12 - 1946, quân Pháp bắn vào trụ sở tự vệ ta và thảm sát dã man đồng bào ta ở Hà Nội. Ngày 18 - 12, quân Pháp đánh chiếm Bộ Tài chính và Bộ Giao thông công chính. Chúng ta vẫn kiềm chế, cử người đến gặp chỉ huy quân Pháp nhằm ngăn chặn hành động chiến tranh của chúng. Chính Xanhtơny trong bức điện từ Hà Nội gửi về Sài Gòn cũng phải thừa nhận:
“Dẫu sao, cái quyết tâm (của Chính phủ Việt Nam - VNK) không phát động một cuộc đổ vỡ hòan tòan vẫn được ghi nhận cho tới hôm nay”[4]. Trong ngày 18 - 12, Pháp chuyển cho Chính phủ ta hai bức thư đòi ta phá hủy những chướng ngại trên đường phố để quân Pháp tự do đi lại, đòi để cho quân Pháp đảm nhiệm việc trị an thành phố Hà Nội, đòi để cho quân Pháp chiếm đóng nhiều vị trí quan trọng trong thành phố... Những điều trên chúng ra điều kiện phải thực hiện trong ngày 19 - 12. Thực sự, đây là tối hậu thư đòi ta hạ vũ khí đầu hàng. Thực dân Pháp đã có kế hoạch đánh úp các cơ quan Chính phủ và quân chủ lực ta ở Thủ đô Hà nội vào ngày 20 - 12 - 1946.
Ngay ngày 18 - 12, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp tại làng Vạn Phúc, tỉnh Hà Đông (nay là phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội) dưới sự chủ tọa của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Hội nghị nhận định khả năng hòa hoãn đã hết và quyết định phát động Toàn quốc kháng chiến. 9 giờ 30 phút đêm 19 - 12 - 1946, Thủ đô Hà Nội nổ súng, mở đầu cuộc Toàn quốc kháng chiến.
Ngay trong đêm 19 - 12, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Tòan quốc kháng chiến[5]. Mở đầu Lời kêu gọi, Người nêu rõ thiện chí hòa bình của ta và dã tâm cướp nước ta của thực dân Pháp: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!”. Người khẳng định ý chí sắt đá của tòan Đảng, tòan quân, tòan dân ta: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.
Sự thật lịch sử, nhất là những sự kiện diễn ra trong quan hệ Pháp - Việt từ 23 - 9 - 1945 đến 19 - 12 - 1946 đã bác bỏ hòan tòan luận điệu xuyên tạc, “gắp lửa bỏ tay người” của bọn thực dân và những kẻ bồi bút tay sai chúng. Lịch sử cũng minh chứng rõ ràng nguyên nhân của cuộc chiến tranh Pháp - Việt (1945 - 1954) là do thực dân Pháp cố tình gây chiến, định dùng sức mạnh quân sự cướp nước ta một lần nữa. Nhân dân Việt Nam buộc phải cầm vũ khí chiến đấu để bảo vệ quyền độc lập, thống nhất thiêng liêng của dân tộc, quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc của mỗi người.
Những ai hiểu biết về cuộc chiến tranh, những người có lương tri trên thế giới, đều đứng về phía Việt Nam. Nhà sử học Pháp Philíp Đờvile đã nhận định có lý rằng: “Trong khi máy bay, xe tăng và binh lính Pháp ùn ùn kéo đến Việt Nam để chuẩn bị xâm lược, thì chỉ có một dân tộc cam chịu để mình bị cắt cổ, chỉ có một dân tộc ươn hèn, thực sự phản bội dân tộc mình mới không chuẩn bị gì, không hành động gì để chống lại”[6]. Sau này Tổng thống Pháp Ph. Mittơrăng, trong dịp sang thăm chính thức Việt Nam tháng 2 - 1993, đã trả lời các nhà báo rằng: “Ông Hồ Chí Minh đã tìm kiếm những người đối thoại, nhưng không tìm được. Dù rất mong muốn đàm phán để hướng tới độc lập, ông Hồ Chí Minh bị đẩy vào cuộc chiến tranh”[7].
Đáp lời kêu gọi của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả dân tộc ta nhất tề đứng lên chiến đấu với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh!”. Trải qua 9 năm chiến đấu gian khổ, hy sinh, quân và dân ta đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bằng chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Thực dân Pháp, kẻ gây ra cuộc chiến tranh xâm lược phải ký Hiệp định Giơnevơ, công nhận độc lập, chủ quyền, tòan vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam. Đội quân nhà nghề hùng mạnh của nước Pháp đã bại trận, phải cuốn cờ rút về nước.
Diễn biến và kết cục cuộc chiến tranh Pháp - Việt (1945 - 1954) để lại bài học tổng quát chung: Bọn xâm lược cuồng chiến dù có lực lượng hùng mạnh cũng không thể đè bẹp được một dân tộc dù là nhỏ yếu, dám đứng lên chiến đấu vì mục tiêu chính nghĩa bảo vệ nền độc lập, thống nhất quốc gia và có đường lối đúng đắn, có sức mạnh đòan kết tòan dân.
Ngày nay, Tổ quốc ta đã độc lập, thống nhất hoàn toàn, đang hòa bình xây dựng đất nước, nhưng chúng ta vẫn đang đứng trước sự đe dọa từ âm mưu xâm lược, can thiệp của các thế lực bên ngoài. Dân tộc ta với truyền thống chống ngoại xâm oanh liệt, với thế và lực mới, chắc chắn trong bất cứ tình huống nào cũng có đủ tinh thần và lực lượng đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược dù chúng lớn mạnh đến đâu và từ đâu tới./.


[1] . Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng 1945 - 1954, Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương xuất bản, H. 1978, t 1, tr 39
[2] . Nguyễn Thành: Chủ tịch Hồ Chí Minh ở PhápTạp chí Thông tin lý luận, H. 1988, tr 204
[3] . Báo Sự thật ngày 29 - 11 - 1946
[4] . Ph. Đờvile: Pari - Sài Gòn -Hà Nội, Pari, 1988, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1993, tr 129
[5] . Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2002, t 4, tr 480 - 481
[6] . Philíp Đờvile: Cuộc chiến tranh ở Việt Nam, Tạp chí Quốc tế, Pari, tháng 2 – 1949, tr 37, 38
[7] . Tạp chí Xưa và nay, số 2, tháng 5 - 1994, tr 9
PGS, TS Vũ Như KhôiHọc viện Chính trị - Bộ Quốc phòng

No comments:

Post a Comment