| ||||||||||
Chuyện ít biết về vụ thảm sát kinh hoàng ở Thủy Nguyên - Hải Phòng | ||||||||||
14/05/2013 - 08:40 | ||||||||||
Trong lịch sử chiến tranh Việt Nam ở thế kỷ 20, nhắc đến các vụ thảm sát, người ta thường nghĩ ngay đến vụ thảm sát Mỹ Lai (huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi). Ít người biết rằng, tại xã Hoàng Hoa (Thủy Nguyên, Hải Phòng) cũng từng có một vụ thảm sát do thực dân Pháp gây ra, kinh hoàng không kém vụ Mỹ Lai.
* Xác chết ngập hồ
109 người trong một vùng đất đã bị giặc giết bằng súng ống, lưỡi lê. Nhưng một người trong số đó đã may mắn sống sót với vô số vết thương trên người. Hơn 60 năm trôi qua, ký ức kinh hoàng vẫn đau nhói trong tim. Ông là Nguyễn Kiểm, nhân chứng sống của vụ thảm sát kinh hoàng nhất lịch sử Hải Phòng.
Bên con đường nhỏ, cạnh chợ Lâm, thuộc xã Lâm Động (Thủy Nguyên, Hải Phòng), có một cái hồ nhỏ, nước lặng như tờ, hàng cây cổ thụ đổ bóng. Người dân trong vùng gọi đó là hồ Lâm.
Giữa hồ Lâm có một đài tưởng niệm xây hình trụ với 4 mặt. Một chiếc cầu cong dẫn ra đài tưởng niệm. Một mặt có dòng chữ: “Đời đời ghi sâu căm thù đế quốc”, mặt đối diện là con số khô khốc: 108.
Những người lần đầu đến đây, đều không hiểu được vì sao lại có con số đó ghi trên đài tưởng niệm. Nhưng với người dân trong vùng, thì đó là con số đau thương, con số in đậm vào tâm trí những người lớn tuổi, những người từng trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ.
Bên cạnh bờ hồ có một tấm bia đầy nước mắt, ghi danh 108 con người đã bị sát hại trong 2 ngày đen tối, là ngày 13 và 14 tháng 2-1949. Hầu hết tên tuổi trên tấm bia đều là dân thường. Chỉ có 3 liệt sĩ, thì có 2 liệt sĩ là vô danh. Đây là hai chiến sĩ cách mạng xâm nhập vào làng để chiến đấu với giặc và đã hy sinh mà không để lại tên tuổi.
Phần lớn những người bị sát hại ở các thôn như: Lôi Động, Hoàng Pha, thôn Xú, thôn Đền, thôn Bính, thuộc xã Hoàng Hoa ngày xưa.
Thi thoảng, người dân nơi đây lại thấy một ông già dáng đi lòng khòng, chậm chạp, ngồi rất lâu dưới bóng cây si già bên hồ Lâm. Ông ngồi trầm ngâm bên hồ và rất ít nói. Ông bảo, cứ mỗi khi ký ức sống dậy, ông lại muốn ra hồ Lâm. Ông ngồi đây “tâm sự” với những người đã khuất trong ngày kinh hoàng 60 năm trước. 108 người chết, chỉ có mình ông còn sống. Chỉ có những người già, những người đã trải qua kháng chiến chống Pháp mới biết đó là ông Nguyễn Kiểm.
Ông Nguyễn Kiểm, sinh năm 1931, hiện đang sống ở xã Hoa Động, là người duy nhất còn sống trong vụ thảm sát 60 năm về trước ở xã Hoàng Hoa. Ông Kiểm sống với ký ước nhiều hơn là hiện tại. Đã 60 năm trôi qua, nỗi đau tinh thần và thể xác vẫn dày vò ông. Những ngày trở trời, thay đổi thời tiết đột ngột, cái cơ thể vốn đã ốm yếu, gày gò của ông lại co giật vì những cơn đau hành hạ.
Hỏi lại chuyện xưa, ông vén áo lên, tôi thấy rõ ràng những di chứng khủng khiếp của chiến tranh: một bên ngực bẹp lép của trận đòn tra tấn và 11 vết sẹo dao đâm trên khắp cơ thể.
Ông Kiểm lần giở lại cuốn lịch thế kỷ 20 cũ mèm, mở những trang có dấu bút khoanh tròn ngày tháng và ký ức cứ cuồn cuộn hiện về...
Xã Hoàng Hoa được thành lập sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công. Khi đó, xã Hoàng Hoa rất rộng, gồm gồm 3 xã bây giờ là Hoa Động, Hoàng Động, Lâm Động.
Xã Hoàng Hoa nằm ngay bên bờ sông Cấm, bên kia là TP Hải Phòng, nên vùng đất này là vị trí chiến lược, là bàn đạp để tấn công về trung tâm thành phố. Chính vì thế, địa bàn xã Hoàng Hoa thường có vài đơn vị bộ đội đóng quân ở đây.
Nắm được vị trí quan trọng của Thủy Nguyên, nên tháng 2-1947, thực dân Pháp từ Hải Phòng vượt sông đánh chiếm Thủy Nguyên. Chúng lập tề, lùng sục bắn giết cán bộ, dân quân du kích. Chính quyền của ta còn non trẻ, lực lượng lại yếu, nên rút vào hoạt động bí mật, hoặc chuyển cơ sở về vùng núi non hiểm trở, thậm chí tận vùng Kinh Môn (Hải Dương).
Theo lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 25-10-1948, Ban chấp hành Đảng bộ Thủy Nguyên họp, phát động phong trào phá tề, trừ gian, với chỉ thị: "Tiến công đồn giặc, trừ gian diệt ác, phát động chiến tranh du kích".
Lực lượng du kích xã Hoàng Hoa được thành lập bí mật. Khi đó, ông Kiểm mới 18 tuổi, được phân về Tiểu đội 1, do đồng chí Đồng Xuân Băng làm Tiểu đội trưởng, thuộc Trung đội Trung Kiên, đại đội Lê Lợi.
Các đơn vị du kích địa phương đã tổ chức một số trận đánh, tấn công bốt địch, song không tiêu diệt được địch, vì lực lượng quá mỏng, vũ khí rất thô sơ. Để khuấy động phong trào trong dân chúng, du kích đã cắm cờ lên ngọn đa đầu làng để biểu dương lực lượng.
Để trấn áp sự quấy nhiễu của lực lượng du kích, đêm 30 và 31-10-1948, giặc Pháp tổ chức càn quét. Sau khi đánh lui lực lượng du kích, chúng đã điên cuồng cướp phá, đốt sạch nhà cửa ở hai thôn đầu xã.
Một tên thiếu úy đi sâu vào làng, tóm được đồng chí nữ du kích Đồng Thị Xuân. Khi tên này đang đẩy đồng chí Xuân đi, ông Nguyễn Văn Nhạc phục kích sau bụi tre đã ném lựu đạn. Tuy nhiên, lựu đạn mắc trên bụi tre và phát nổ. Tên thiếu úy thấy bị tấn công, liền bỏ chạy, nữ du kích cũng tẩu thoát. Nghe tiếng lựu đạn, sợ quân ta tấn công, nên bọn Pháp đã không tiếp tục lùng sục, đốt phá nữa mà rút quân luôn.
Ngày 11-2-1949, 3 tên lính Âu - Phi đóng ở đồn Mặt Nguyệt vác súng ống vượt sông vào xã cướp bóc, hãm hiếp phụ nữ ở xóm Vạn Hoa. Tiểu đội du kích của đồng chí Doanh được lệnh truy bắt chúng để khai thác thông tin. Tuy nhiên, bọn chúng đã chống trả quyết liệt, nên đồng chí Doanh đã bắn chết một tên khi hắn đang bơi dưới sông, bắt sống một tên, còn một tên chạy thoát. Tên bị bắt sống được giải về xã Hợp Thành. Hôm sau, tức ngày 12-2, thực dân Pháp tổ chức lực lượng, chia thành nhiều mũi bao vây càn quét Hợp Thành và cứu sống được tên này.
Khoảng 4h sáng 16-2, khi đang gác ở chốt, ông Kiểm nghe thấy tiếng ca nô chạy dọc sông Cấm từ phía Hải Phòng lên. Khi đến bến Lâm thì tiếng ca nô nhỏ dần rồi tắt hẳn. Chừng 10 phút sau, 3 tiếng súng cạc-bin vang lên. Thấy lạ, ông Kiểm gọi Tiểu đội trưởng Đồng Xuân Băng dậy để báo cáo tình hình. Đồng chí Băng tổ chức lực lượng để phục kích tiêu diệt địch. Ông Kiểm được phân công đi trinh sát ở xóm Đông thuộc làng Lâm để xem xét tình hình.
Tại xóm Đông, một tiểu đoàn 800 tên, gồm lính Pháp, Âu - Phi và ngụy dưới sự chỉ huy của hai tên quan hai, một tên ở Hải Phòng, một tên ở thị trấn Núi Đèo, đang càn quét trong xóm, dân chúng chạy tán loạn. Lực lượng du kích của xã tập hợp phục kích hai bên đường, chờ địch vào để tiêu diệt.
8h sáng, địch càn đến Lâm Động. Nhìn đâu cũng thấy quân địch với súng ống tua tủa, hỏa lực rất mạch. Quân ta chỉ có 3 tiểu đội du kích, mỗi tiểu đội có 2 khẩu súng trường cùng vài quả mìn muỗi, còn lại toàn dao kiếm, mã tấu. So sánh lực lượng thấy quá chênh lệch nên đồng chí Băng ra lệnh tạm thời phân tán xuống hầm.
Tuy nhiên, trước đó vài hôm, Thủy Nguyên mưa trắng trời, nước ngập khắp nơi, ngập hết cả hầm, nên mạnh ai người ấy chạy. Địch tiến vào Hoàng Hoa bằng 6 mũi, bao vây khắp ngả nên rất nhiều đồng chí bị bắt trên đường rút.
Đồng chí Tửu cùng ông Kiểm chui vào một chiếc hầm nổi, giữa đống gạch ở nhà ông Tài Hanh, xóm Đông, song cũng không thoát được. Chúng lùng sục từ trong nhà ngoài ngõ, trong vườn ngoài ruộng, chọc thuốn sắt xuống từng mét đất, lôi hết cả trẻ em lẫn cụ già từ dưới hầm lên tra khảo.
* Tổng cộng thằng Tây trắng này đâm ông Kiểm 11 nhát dao chí tử. Thấy người du kích không còn động đậy, máu chảy thành vũng, nhuộm đỏ cơ thể, chúng tưởng ông chết rồi nên bỏ đi.
Giặc Pháp điên cuồng lùng sục truy tìm các chiến sĩ cách mạng và du kích địa phương trên địa bàn xã Hoàng Hoa (Thủy Nguyên, Hải Phòng). Chúng đã phát hiện ra hầm và tóm được ông Nguyễn Kiểm và ông Tửu. Trẻ em, người già, phụ nữ chúng cũng bắt hết để tra khảo.
Một nhóm làm nhiệm vụ tra khảo ông Kiểm, một nhóm tra khảo ông Tửu. Chúng tách hai ông ra hai chỗ khác nhau để tra tấn nhằm kiểm chứng lời khai.
Nhóm lính da đen và da trắng thay nhau đấm đá, dùng đao xẻo da thịt ông Tửu, song cũng không cạy được nửa lời. Biết không khuất phục được ông Tửu, chúng dìm ông xuống một chiếc hầm ngập nước khiến ông chết ngạt.
Ông Kiểm vẫn đau lòng khi nhớ lại cảnh thảm sát hơn 60 năm trước
Cũng như ông Tửu, ông Kiểm chỉ nói mỗi hai từ “không biết”. Tên lính da đen thể hiện sức mạnh trâu bò bằng cách dùng đầu húc mạnh vào ngực ông Kiểm. Ông Kiểm chỉ nghe thấy tiếng “cục” rồi xỉu luôn. Cú húc đầu của hắn mạnh đến nỗi làm gãy 2 xương sườn, bẹp xương ngực. Dấu tích vết thương vẫn còn đến ngày hôm nay. Ông Kiểm kéo áo để tôi thấy ngực ông bên to, bên nhỏ.
Nhóm lính chờ ông Kiểm tỉnh dậy, lại tiếp tục đánh đập. Chúng thi nhau đấm đá, thúc mũi giày nhọn, thọc báng súng vào vết thương ở ngực, khiến ông hộc máu mồm, máu mũi. Không khai thác được gì từ ông Kiểm, chúng quẳng ông ra góc sân đình Cả để tên quan hai xử. Mấy đồng chí bộ đội và du kích địa phương cũng bị chúng đánh đập dã man, trói giật cánh khuỷu, máu me đỏ lòm ở miệng, mũi, nằm còng queo ở góc sân đình.
Đài tưởng niệm vụ thảm sát đặt cạnh hồ Lâm
Tại đình Cả, ông Kiểm được chứng kiến một cảnh tượng vô cùng kinh hoàng, sự tàn ác không tưởng tượng nổi của bọn thực dân. Tên quan hai ngồi trên một chiếc ghế trên thềm đình Cả, phía dưới sân là hơn trăm người.
Bọn lính Pháp dắt từng người đến trước mặt tên quan hai, rồi bịt mắt họ lại. Tên quan hai chỉ hỏi đúng một câu: “Súng và cán bộ ở đâu?”. Người lắc đầu, người bảo “không biết”. Lập tức, một tên lính tiến lại, chiếc dao găm sắc lẹm lướt qua cổ cắt đứt cuống họng, máu đỏ lênh láng khắp sân đình.
Cả một buổi sáng chúng giết hại người dân bằng cách man rợ như thế. Chúng muốn những du kích địa phương như ông Kiểm tận mắt cảnh giết chóc để ý chí các ông lung lạc, khai ra nơi giấu cán bộ. Tuy nhiên, hành động man rợ đó chỉ đào sâu lòng uất hận, căm thù.
Cắt cổ người dân mãi mà không khai thác được gì, tên quan hai người Pháp sai lính dắt số người còn lại ra chỗ khác để giết. Người thì bị treo cổ, người bị bắn vỡ đầu, người bị đâm chết… Toàn bộ hơn trăm người chúng dẫn về sân đình Cả bị giết sạch.
Hồ Lâm, nơi thực dân Pháp vứt xác người dân sau khi giết hại
Chú rể ông Kiểm cũng bị thực dân Pháp bắt trong trận càn quét hôm đó. Ông là thợ may, nên may cái áo kiểu chấn thủ mặc cho ấm. Bọn địch tưởng ông là bộ đội nên bắt về. Ông chú rể nhìn thấy ông Kiểm liền khóc lóc. Ông Kiểm an ủi chú: "Tý nữa là chết thôi chú ạ. Đâu cũng phải chết thì chết cho thật kiên cường". Tra tấn mãi không được thông tin gì, chúng lôi chú rể ông Kiểm đi bắn. Chú rể ông Kiểm đi hiên ngang trước nòng súng của địch. Tiếng súng Cạc-bin vang lên và ông gục xuống.
Giết hết người dân, bọn Pháp quay sang giết những du kích. Tra khảo không được gì, chúng xử luôn bằng viên đạn vào đầu. Ông Kiểm là người cuối cùng bị xử. Tên quan hai Pháp dẫm vào đầu ông, lấy mũi giày hất mặt ông lên. Nhìn khuôn mặt máu me và đôi mắt rực lửa hận thù, biết có đánh đập tra khảo cũng chẳng ăn thua gì, nên hắn ra hiệu bảo dắt đi.
Nhà bia ghi tên những người bị giết trong vụ thảm sát ở xã Hoàng Hoa
Mấy tên lính da đen dí súng vào lưng đẩy ông Kiểm đi. Nhóm khác khiêng xác những người đã bị hành quyết đi về phía hồ Lâm và ném xác xuống hồ. Trên đường đi, ông Kiểm gặp cảnh hai đồng chí du kích bị treo ngược lên cành si. Bọn lính thi nhau đấm đá như bao cát. Đấm đá mãi không khai thác được gì, chúng dùng dao găm xẻo thịt, cắt gân, dùng lưỡi lê thọc vào đùi tứa máu.
Khi hai đồng chí này xỉu đi vì mất sạch máu, chúng cắt dây rồi khiêng xác ném xuống hồ Lâm. Chúng tiếp tục treo ông Kiểm lên. Chúng buộc chiếc dây thép nhỏ xíu vào một cánh tay ông, rồi đạp ghế. Cảm giác kinh hoàng đó còn ám ảnh ông đến bây giờ. Cơ thể chàng trai 18 được treo bởi sợi dây nhỏ, như rút từng sợi thần kinh và gân cốt.
Một thằng hỏi bằng tiếng Việt lơ lớ: "Mày biết Việt Minh ở chỗ nào, khai ra, tao xin quan lớn tha cho". Ông Kiểm xác định kiểu gì cũng chết nên không thèm nói lời nào, cũng không thèm kêu đau. Điên tiết, chúng lao vào đấm đá tới tấp. Dây thép bị đứt, chúng không treo ông lên nữa mà dắt về phía hồ Lâm. Lúc đó, cơ thể bầm dập, xương ngực vỡ, xương sườn gãy đau buốt óc, muộn gục xuống, nhưng ông Kiểm vẫn gắng gượng hiên ngang bước đi.
Ngực phải ông Kiểm bị lép do tên Tây đen húc đầu làm bẹp xương ngực, gãy xương sườn
Đi đến đình Yến, một tay tên da trắng giữ vai ông, một tay rút dao găm từ hông và hỏi: “Biết Việt Minh ở đâu không?”. Ông lạnh lùng nói “không”, tên này đâm liên tiếp 3 nhát thấu ngực. Ông còn nhìn rõ dòng máu phun ra từ ngực mình xối xả. Hắn giơ chân đạp ông nằm sấp xuống đất rồi đâm tiếp 3 nhát vào lưng trái, chỗ tim, một nhát vào cổ, 2 nhát vào thái dương, một nhát ở mang tai, một nhát ở mông. Tổng cộng thằng Tây trắng này đâm ông Kiểm 11 nhát dao chí tử. Thấy người du kích không còn động đậy, máu chảy thành vũng, nhuộm đỏ cơ thể, chúng tưởng ông chết rồi nên bỏ đi.
Ông Kiểm nằm bên lề đường từ 11h sáng đến 4h chiều thì tỉnh dậy. Ông mở mắt, thấy hai thằng Tây khoác Cạc-bin đi qua. Ông chợt nghĩ, nếu có tỉnh dậy thì phải mở mắt quan sát trước đã, chứ nếu nó biết còn thoi thóp thì ăn đạn là cái chắc. Chỉ mới nghĩ được thế, ông lại ngất đi tiếp.
Nhập nhoạng tối, ông Kiểm lại tỉnh dậy. Ông nghe thấy tiếng bọn Tây cãi nhau chí chóe, tên nào cũng ôm một đống rơm. Như vậy, đêm đó chúng sẽ ở lại xã. Nếu đêm không trốn đi, ngày mai chúng sẽ dọn xác đem chôn hoặc quẳng xuống hồ Lâm.
Vết sẹo do đao găn đâm thủng cổ
Đợi đến khi trời tối mịt, ông lổm ngổm mò dậy, hai tay vẫn bị trói quặt sau lưng. Ông Kiểm gượng sức mình lội qua cánh đồng ngập nước. Vừa đi đến vườn đình Yến thì chóng mặt ngã chúi xuống và ngất đi. Do cơ thể mất quá nhiều máu, nên cả đêm ấy cứ hết tỉnh lại mê đến mấy chục lần.
Trời tảng sáng, ông thấy khuôn viên lăng tẩm trong đình cỏ mọc rậm rạp nên gượng sức bò vào nằm giấu mình trong bụi cỏ.
4h chiều, tiếng súng nổ, tiếng chó kêu ầm ĩ, ông biết rằng chúng đang dọn chiến trường. Đến xẩm tối, khi tỉnh dậy, không thấy tiếng súng, tiếng chó, tiếng xì xồ của bọn Tây nữa thì ông chắc chắn chúng đã rút đi.
Ông gượng sức bò ra sân đình Yến thì đã thấy nhân dân nháo nhác đi tìm xác người thân. Tiếng khóc, tiếng ai oán vang lên khắp ngả. Không khí tang tóc bao phủ khắp làng. Ông lại lăn ra bất tỉnh ở sân đình Yến.
Lúc tỉnh dậy, ông thấy mình đã nằm trong nhà cụ Tư Vĩ, người thôn Hầu. Cụ Tư Vĩ là thầy thuốc giỏi, đã đưa người du kích này về nhà mình để điều trị.
Ông Kiểm là nhân chứng sống duy nhất của vụ thảm sát kinh hoàng khiến 108 người chết
Sau đó, ông Kiểm được chữa trị suốt 3 tháng ở khu điều dưỡng Đông Triều. Ông Kiểm sống sót được sau cuộc tra tấn khủng khiếp đó cũng là một kỳ tích, song cũng do may mắn. Vết đâm chí tử vào cổ kéo dài từ trước ra sau nhưng may mà không đứt động mạch cổ. 6 vết đâm ở ngực và lưng đều là đâm dọc, nên dao không lách qua khe xương thấu vào tim, phổi.
Giờ đây, ông Kiểm là nhân chứng sống duy nhất của vụ thảm sát kinh hoàng này.
Sau này, khi khỏe lại, ông tiếp tục tham gia lực lượng du kích và chiến đấu tại địa phương. Hòa bình lập lại, ông được nhân dân tín nhiệm bầu làm chủ tịch xã kiêm bí thư 5 khóa liền, cho đến khi ông xin nghỉ hưu vì sức khỏe không cho phép.
Ông Kiểm kể: "Lúc điều trị vết thương ở nhà cụ Tư Vĩ tôi mới biết rõ rằng, chỉ trong buổi sáng, giặc Pháp vừa bắn, vừa giết, cắt cổ tổng cộng 108 người ở xã Hoàng Hoa. Lẽ ra phải là 109 người chết, nhưng tôi từ cõi chết trở về nên còn 108 người. Trong số đó, chỉ có 6 người là du kích, còn lại toàn bộ là dân chúng, người già, phụ nữ và trẻ em”.
Tối 19-2, Chi ủy, Ủy ban và Mặt trận tổ chức cuộc tưởng niệm những người đã hy sinh tại nhà ông Cai Phiệt ở thôn Đông. Nhà và sân ông Cai Phiệt có sức chứa hàng ngàn người mà đêm đó, cán bộ, nhân dân đứng chật ních, trắng xóa khăn tang. Cả làng, cả xã nghẹn ngào uất hận.
Theo VTC
|
Monday 2 June 2014
Chuyện ít biết về vụ thảm sát kinh hoàng ở Thủy Nguyên - Hải Phòng (VTC - Đài Phát Thanh Thủy Nguyên)
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment