Những đơn vị nhảy dù đầu tiên đến Sài Gòn là lính mũ (bê rê) đỏ của bán lữ đoàn SAS. Bọn này được tổ chức thành các đội biệt kích để phù hợp với điều kiện chiến tranh du kích ở Nam Bộ khi đó.
Lính SAS trước đội mũ đen, nhưng từ tháng 11-1944 thì đã chuyển qua mũ đỏ. Ngày 1-8-1945 hai trung đoàn số 3 và số 4 (của Pháp) biệt phái trong lực lượng SAS (của Anh) được chuyển thành các trung đoàn bộ binh nhẹ nhảy dù (RCP) số 2 và số 3 nằm trong biên chế của lục quân Pháp. Sau đó hai đơn vị này được gộp lại thành trung đoàn bộ binh nhẹ nhảy dù số 2 (mũ đỏ). Rồi trung đoàn này lại bị giải thể: quân số được chia cho trung đoàn bộ binh nhẹ nhảy dù (RCP) số 1và trung đoàn bộ binh xung kích không vận (RICAP) số 1, nhưng truyền thống và quân kỳ, gồm cả chiếc mũ đỏ, thì giao cho bán lữ đoàn SAS Đông Dương.
Tháng 2-1947 có thêm ba tiểu đoàn dù do trung tá Sauvagnac chỉ huy được gửi sang Đông Dương. Đó là các tiểu đoàn 1 xung kích, tiểu đoàn 1 và tiểu đoàn 2 thuộc trung đoàn 1 bộ binh nhẹ nhảy dù (RCP).
Kể từ năm 1948 thành phần tổng trừ bị của đạo quân viễn chinh có bảy tiểu đoàn nhảy dù, gồm hai tiểu đoàn lê dương (BEP mũ kê pi trắng, từ An-giê-ri đưa qua), ba tiểu đoàn thuộc địa (BCCP và BPC mũ bê rê đỏ, kế thừa truyền thống của SAS, từ Bretagne đưa qua) và ba tiểu đoàn chính quốc (BPCP mũ bê rê đen). Sau năm 1951 có thêm các tiểu đoàn nhảy dù Việt Nam (BPVN). Tuy nhiên sự phân biệt về danh xưng này không có ý nghĩa mấy:
Tiểu đoàn bộ binh nhẹ nhảy dù (BPCP) số 10, thành lập ở Maroc năm 1947, sang Đông Dương năm 1950, dự các trận Vĩnh Yên và Nghĩa Lộ rồi được chuyển giao cho quân đội Việt Nam với phiên hiệu tiểu đoàn 3 dù Việt Nam (BPVN). Đổi lại, năm 1953, tiểu đoàn 10 dù thuộc địa (BPC) trở thành tiểu đoàn 2, trung đoàn 1 bộ binh nhẹ nhảy dù (RCP) để lính dù chính quốc vẫn có mặt trong thành phần lính dù tham chiến ở Đông Dương. Trong năm 1953 một tiểu đoàn dù thuộc địa khác (tiểu đoàn 3) cũng được cải danh thành tiểu đoàn 5 nhảy dù Việt Nam.
Tháng 3-1951 tướng De Lattre quyết định cho tất cả lính dù ở Đông Dương đội mũ bê-rê đỏ ; riêng lê dương nhảy dù vẫn giữ mũ kê-pi trắng và các đại đội lê dương nhảy dù người Đông Dương có mũ bê rê trắng với ruy-băng xanh đỏ.
Năm 1952 lính dù lê dương bắt đầu dùng mũ bê-rê xanh lục (nhưng chưa chính thức thành quy định). Lính dù lê dương vẫn dùng mũ này cho tới nay. Tất cả các đơn vị không vận trong mọi binh chủng, ngoại trừ lê dương, sau ngày 3-9-1957, đều phải đội mũ bê rê đỏ.
No comments:
Post a Comment