7.5.2005
Nguyễn Hữu Năng
Cuốn từ điển này đã được ấn hành bốn lần trở lên:
- Năm 1989, Nhà xuất bản thành phố Hồ Chí Minh xuất bản lần đầu tiên
- Năm 1999, Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh tái bản
- Năm 2002, Nhà xuất bản Từ điển Bách khoa in lại
- Năm 2003, Nhà xuất bản Văn học in lại.
và có thể còn được in một số lần khác nữa ở các nhà xuất bản khác. Sau khi đối chiếu cẩn thận, chúng tôi cảm thấy Từ điển từ và ngữ Hán Việt của ông Nguyễn Lân quả thật đã mắc quá nhiều sai lầm đúng như ông LMC đã vạch ra. Phải thừa nhận rằng ông LMC đã tốn nhiều công phu, lý giải chặt chẽ và thể hiện tinh thần trách nhiệm cao với bài viết của mình. Chúng tôi khâm phục sự táo bạo của ông, vì đã phải vượt qua đoạn đường nhiều bất trắc với những rào cản kiên cố, cao ngất, để rung một hồi chuông báo động đối với công chúng.
Một quyển từ điển không dày mà nếu chỉ có trên dưới một chục từ sai lầm thì đã nên xét lại, huống hồ đó là hai trăm từ bị giảng sai nghiêm trọng như ông LMC đã chỉ ra, con số này là quá lớn. Mọi người Việt có trình độ học vấn bình thường trong thế kỷ 21 này đều không thể chấp nhận một quyển từ điển về tiếng Việt mà lắm sai lầm đến thế. Chúng tôi rất khó hình dung nổi tại sao lại xảy ra hiện tượng kỳ lạ đến như vậy ở đất nước ta? Một đất nước mà không ít người vẫn thường tự hào về nền văn hóa lâu đời giàu truyền thống, về sự chỉ đạo sáng suốt, về sự quan tâm hết sức của các ngành, các cấp, lại trong bối cảnh có tới hơn ba mươi năm thống nhất và ổn định để xây dựng và phát triển. Vậy, điều phi lý kia bắt nguồn từ đâu? Có lẽ việc này còn phải để các chuyên gia mổ xẻ. Trong phạm vi bài này, chúng tôi chỉ muốn nêu thêm vài ý kiến về các quyển từ điển của Nguyễn Lân và một số việc liên quan đến chúng.
Nếu các thầy giáo và cô giáo cứ theo từ điển của Gs Nguyễn Lân rồi dạy con cháu chúng ta rằng, trong câu thơ “Gác mái, ngư ông về viễn phố” của Bà huyện Thanh Quan thì phố là chỗ bán hàng (thực ra, ở đây, phố nghĩa là cửa biển), và viễn phố là nơi ở xa (đúng ra là cửa biển xa), hoặc giảng rằng trong hai câu thơ “Sang nhà cha, tới trung đường, Linh sàng bài vị thờ nàng ở trên” của Nguyễn Du, linh sàng là giường thờ người mới chết chưa đem chôn (thực ra là cái bàn nhỏ tượng trưng cho chỗ nằm của người mới chết chưa hết tang, trên đó có bài vị, đặt cạnh bàn thờ), thì các thi nhân ấy phải dở khóc, dở cười và khó tha thứ cho sự dốt nát quá mức như vậy. Vậy mà các cuốn từ điển này còn được các giáo sư Lê Trí Viễn và Vũ Khiêu ca ngợi bằng những lời giới thiệu tuyệt vời: “Nó sẽ là một công cụ tra cứu rất quý không thể thiếu được với bất kỳ ai” (Lê Trí Viễn, trong lời giới thiệu ở Từ điển từ và ngữ Hán Việt), “một tác phẩm rất có giá trị mà cả xã hội đang mong đợi…” (Vũ Khiêu, trong lời giới thiệu ở Từ điển từ và ngữ Việt Nam). Có lẽ chẳng cần bàn gì thêm! Điều chúng tôi không thể hiểu được là tại sao những người chịu trách nhiệm về hai cuốn từ điển này, cho đến nay chưa có ý kiến gì? Cứ tiêm những thứ “rất có hại” này cho đồng bào đến bao giờ? Hay phải chờ đợi chúng cùng với các tế bào có hại khác di căn lên não thì mới cuống lên chạy chữa và đổ cho khách quan, số mệnh, “thiên tai”?
Câu chuyện về các từ điển của Nguyễn Lân cũng có thể gọi là Hiện tượng Nguyễn Lân. Hiện tượng này cho chúng ta thấy nhiều điều đáng đau lòng về thực trạng của nền văn hoá – giáo dục nước ta và cả của xã hội Việt Nam nói chung, mà nguyên nhân của nó chẳng thể đổ cho hậu quả chiến tranh hoặc nền kinh tế nghèo nàn lạc hậu. Một giáo sư lâu năm chuyên về tiếng Việt mà có trình độ tiếng Việt như vậy, một soạn giả như vậy mà lại được xem là mẫu mực về tinh thần học tập và rèn luyện không ngừng? Ông đã bịa ra nghĩa cho hàng trăm chữ Hán mà ông không hề biết mặt chữ, rồi dựa vào hiểu biết sai lệch của mình để giảng giải cho có vẻ xuôi tai. Xưa nay chưa từng có ai dám làm như vậy. Hiện tượng Nguyễn Lân là một ví dụ cụ thể sinh động của một căn bệnh phổ biến trong xã hội Việt Nam hiện nay: Bệnh “khiếm thị” của những người ngồi ở vị trí cao quá giá trị thật của mình. Được ngồi ở “chiếu trên” lâu ngày, họ “quên mình” luôn, không còn biết mình là ai. Họ nghiễm nhiên coi mình có quyền rao giảng cho người khác ngay cả ở lĩnh vực mà họ chẳng biết gì. Họ đưa ra nhiều ý kiến cùng những “sản phẩm trí tuệ” giả mạo mà không phải ai cũng dễ nhận ra, để lại tai hại lâu dài cho xã hội. Nhưng họ không thể che mắt được tất cả mọi người. Cuộc đời vốn có những quy luật nghiêm khắc. Kẻ tham lam thường không biết dừng đúng chỗ. Nếu ông Nguyễn Lân đừng bước vào lĩnh vực từ điển thì còn có thể giữ được đôi chút tiếng tốt. Nhưng vì quá hăng hái đến mức “quên mình”, ông đã quyết định “góp phần nhỏ bé của mình vào sự giữ gìn tính trong sáng của tiếng Việt và đảm bảo tính tinh xác của từ ngữ, chúng tôi đã soạn cuốn Từ điển Từ và ngữ Hán Việt này (lời nói đầu ở Từ điển từ và ngữ Hán Việt do ông Nguyễn Lân viết).
Hiện tượng Nguyễn Lân ra đời trong hoàn cảnh thích hợp với nó, trong một môi trường mà người ta thường không mấy quan tâm đến những điều cốt lõi, chỉ chuộng hình thức bề nổi của những “điển hình”, những “phong trào”. Trong mấy chục năm qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng, các nhân vật tai mắt không ngớt hô hào “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Viêt”, nhưng họ chỉ cố gắng làm cho ra vẻ tôn trọng di sản văn hoá của dân tộc, sau đó đâu lại vào đấy để rồi vẫn cứ lộn xộn, thậm chí thụt lùi. Báo chí đã từng nêu biết bao ví dụ về những thầy giáo, cô giáo đã giảng dạy hoặc các em học sinh đã sử dụng tiếng Việt một cách ngây ngô, ngớ ngẩn. Cứ sau mỗi kỳ thi đại học, báo chí lại trích đăng những đoạn văn lủng củng, rắc rối, thể hiện vốn từ ngữ thô thiển, nghèo nàn và quái dị của các vị tú tài mới, qua những bài thi đại học. Thực ra không mấy ai quan tâm thực sự đến việc giảng dạy và học tập và sử dụng tiếng Việt một cách có trách nhiệm. Nhiều vị quyền cao chức trọng thường hay dùng những từ ngữ có vẻ “thời thượng” như thể đua nhau tô điểm cho bản báo cáo hoặc bài nói chuyện của mình. Những từ như nổi cộm, bức xúc, vấn nạn, quan ngại, cứu cánh, bất cập, v.v. thường có mặt và được nhắc lại nhiều lần trong các bài diễn văn, các báo cáo của họ. Khó tin rằng họ đã hiểu hết ý nghĩa và cách dùng của những từ đó. Trong tình hình như vậy, ông Nguyễn Lân liền phất cao ngọn cờ “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”, nhưng trí lực của ông có những hạn chế như chúng ta đã biết, còn những người có trách nhiệm thì muốn trông cậy vào ông để có thêm sản phẩm trí tuệ của thời đại. Một vài vị được xem như những cây đa cây đề trong giới chữ nghĩa trong nước thì chưa hẳn đã giỏi hơn ông Nguyễn Lân, họ lại còn quá quen thuộc với nếp làm ăn kiểu phong trào, xuôi chiều, thiếu trách nhiệm, nên cũng liều lĩnh dùng “uy tín” của mình để cổ vũ ông một cách rất hăng hái. Vì vậy, Từ điển từ và ngữ Việt Nam đã được tái bản nhiều lần và tồn tại trong hơn mười lăm năm qua. Nhân đà này, trong năm 2000 ông Nguyễn Lân lại cho ra thêm quyển Từ điển từ và ngữ Việt Nam lớn hơn (gấp hai lần rưỡi) quyển trên. Người ta đã phát hiện ra rằng, hơn 90% những cái sai ở Từ điển từ và ngữ Hán Việt đã được chuyển sang quyển này một cách nguyên vẹn. Ngoài ra, nó còn chứa rất nhều sai lầm khác, như chúng ta đã thấy khi ông Huệ Thiên mới “đọc lướt” các vần A, B, C, tuy chưa thể vạch được hết nhưng đã phát hiện 117 sai lầm.Thật tai hại cho những người dùng nhầm sách của ông Nguyễn Lân.
Ai cũng biết nền giáo dục Việt Nam có nhiều vấn đề, nếu không sớm chấn chỉnh thì làm sao thoát khỏi thế tụt hậu như hiện nay. Khi nói về hiện trạng này, người ta bàn bạc đủ thứ nhưng không ai nói đến sự suy thoái trong việc giảng dạy và học tập tiếng Việt, chẳng ai biết mà lên án những quyển từ điển tồi tệ kia. Đối với mỗi người Việt Nam chân chính, ngôn ngữ mẹ đẻ là quý giá vô cùng, nó phải được coi là một môn học quan trọng nhất, đặc biệt là trong những năm đầu cắp sách đến trường, rồi còn phải học hỏi và trau giồi trong suốt cả cuộc đời. Vậy mà chưa có một dự án cải cách giáo dục nào nói đến việc chấn chỉnh chương trình dạy và học tiếng Việt. Mỉa mai thay, khi giới thiệu về một trường đại học nọ, Đài truyền hình Việt Nam đã trưng hình ảnh hàng chục cuốn Từ điển từ và ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân, hãnh diện khoe rằng, nhà trường đã không quản ngại tốn tiền mà trang bị những sách quý (220 ngàn đồng/cuốn, đủ nuôi một sinh viên trong một tháng) để tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên Việt Nam và sinh viên nước ngoài để học tập tốt tiếng Việt! Chỉ riêng với Từ điển từ và ngữ Hán Việt và Từ điển từ và ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân, chúng tôi thấy còn phải cùng nhau dóng thêm một hồi chuông báo động trong lĩnh vực dạy và học Tiếng Việt.
Bài “Hai quyển từ điển rất có hại cho Tiếng Việt” thể hiện tinh thần cao của tác giả trước một tai họa đối với Tiếng Việt. Nó vừa vạch ra những sai lầm của ông Nguyễn Lân, vừa cung cấp cho những người đọc những tri thức bổ ích. Tác giả thường giảng giải khá tường tận và chí lý. Chẳng hạn, ở các từ như ẩn lậu, hồn hậu, hùng hồn, tác giả cung cấp những hiểu biết thực sự sâu sắc. Cũng một từ tố hồn mà ở các từ hồn hậu và hùng hồn, có nghĩa tưởng như khác nhau nhưng cũng phát sinh từ cùng một nghĩa ban đầu. Hay như ở từ hạnh kiểm, quả thật, chúng tôi chưa thấy ai cắt nghĩa được từ tố kiểm một cách chí lý và chính xác như thế. Ở nhiều từ, nếu chỉ biết chữ Hán thôi thì cũng không thể giảng nghĩa cho đúng vì chúng có thể còn liên quan đến lịch sử, văn hóa của dân tộc ta hoặc liên quan đến những hiểu biết khoa học của nhiều ngành chuyên môn. Hẳn tác giả LMC còn sửa chữa và và bổ sung thêm nữa cho bài viết của mình, nhưng những gì ông đã viết ra đã thực sự có tính thuyết phục.
Trên tạp chí Văn hóa Nghệ An số 58, tháng 3 năm 2005, trong bài "Hoan hô tiếng còi Lê Mạnh Chiến, độc giả B.V.C viết:
"Đọc bài “Những quyển từ điển có hại cho tiếng Việt" trên Tạp chí Văn hóa Nghệ An tháng 1/2005, chúng tôi rất đồng tình và hoan nghênh tác giả đã “kiến nghĩa nhi vi”, thấy việc nghĩa mà (phải) làm, kịp thời giúp “thiên hạ” tránh được những lầm lẫn đáng tiếc khi dùng những từ bị giảng không chuẩn có trong những quyển sách được coi là công cụ để tra cứu chữ nghĩa.
Bằng những hiểu biết của mình và công phu tham khảo các tài lệu đáng tin cậy, bài viết đã chỉ ra những chỗ sai và qua đó gợi tỏ thêm nghĩa của những từ Hán Việt thường dùng nhưng dễ lẫn, mà sự nguy hiểm của sự dùng lẫn ấy chẳng khác nào dùng nhầm thuốc chữa bệnh.
Tuy nhiên, có một số từ, không hiểu sao, lại dẫn giải không sát với cách thường dùng nên gây thêm rắc rối, khó hiểu, ví như độc đắc và độc đặc, lạc quyên và lặc quyên.
- Độc đắc: duy chỉ một được, ví dụ: trúng số độc đắc. Còn độc đặc có lẽ ít dùng. Nếu có cũng không dính đến, không phạm đến cụm từ độc đắc nói trên. Mấy lâu nay chúng tôi cứ hiểu từ “đắc” là được.
- Lạc quyên: Quyên có nhiều nghĩa, trong đó có một nghĩa là đem tiền đi cúng vào việc nghĩa. Lạc quyên: vui lòng đem tiền cúng… Còn lặc quyên, ít nghe nói, cho dù, có khi sự đóng góp còn mang tính bắt buộc.
Về chữ nghĩa, chuyện hãy còn dài, thật vô bờ bến. Chẳng thế mà những cuốn từ điển hay tự điển dù lớn đến đâu cũng phải nhận trước là còn khiếm khuyết, huống chi những bài viết ngắn. Vì chữ nghĩa, những tiếng còi cảnh báo như của anh Lê Mạnh Chiến là hết sức cần thiết. Chúng tôi rất hoan hô."
Độc giả B.V.C đã hoàn toàn ủng hộ việc phê phán những quyển từ điển có hại của ông Nguyễn Lân, điều đó chúng tôi rất đồng tình. Nhưng, về việc giảng giải hai từ độc đắc và lạc quyên của ông LMC thì chúng tôi thấy không có gì là “không sát với cách thường dùng nên gây thêm rắc rối, khó hiểu” như độc giả B.V.C nói cả. Đơn giản là tác giả LMC phải đưa ra nguyên gốc của hai từ trên trong tiếng Hán (là độc đặc và lặc quyên) chỉ để giải thích cho được chính xác ý nghĩa của hai từ đó, bởi vì chữ Hán vốn là như thế, Tất nhiên là từ gốc thì nay đã biến âm nên không nghe nói tới mà thường chỉ dùng các từ đọc chệch đi của nó là độc đắc và lạc quyên mà thôi. Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh hay của Nguyễn Quốc Hùng (xuất bản ở Sài Gòn năm 1975) cũng xác nhận từ lặc quyên. Hiện tượng biến âm trong tiếng Việt xảy ra khá nhiều. Trong hai ví dụ nêu trên, cách diễn giải của ông LMC đã rõ ràng, đầy đủ và đúng đắn.
Trên tạp chí talawas, số ra ngày 23/3/2005, độc giả Toàn Thắng (TT) có viết bài “Đôi lời góp ý với ông Lê Mạnh Chiến”. Ông TT góp ý kiến với ông LMC về hai từ cấm cung và bộ đội và phân tích về các sắc thái sử dụng của hai từ này trong tiếng Việt hiện nay. Có lẽ vì ông TT chưa đọc kỹ bài của ông LMC nên đã góp ý không đúng chỗ. Mục đích của bài viết của ông LMC chủ yếu là tập trung lý lẽ để vạch ra những chỗ sai của ông Nguyễn Lân khi ông này giải thích sai nghĩa của các từ ngữ và các từ tố gốc Hán, có hại cho việc học hỏi tiếng Việt, chứ ông LMC không bàn đến việc diễn giải nghĩa đã biến dị khi đi từ gốc Hán sang cách dùng của người Việt hiện nay. Trong từ cấm cung, ông Nguyễn Lân đã nhầm lẫn các nghĩa của từ tố cấm (là giam hoặc chỗ vua ở) nên không xác định đúng nghĩa chính của từ cấm cung, mà lại giải thích lệch sang nghĩa đã biến đổi, rất xa nghĩa gốc. Ông LMC phê phán ở chỗ đó. Ông TT đã bàn rộng và xa mục đích này, hơn nữa khi nói “người soạn từ điển” tức là nói tới tác giả cụ thể của quyển từ điển này, tức ông Nguyễn Lân trong trường hợp rất cụ thể là Từ điển từ và ngữ Hán Việt. Nếu hiểu là tất cả người soạn từ điển thì lại là chuyện khác.Vì vậy, sự góp ý của ông TT có phần lạc đề. Trong từ điển này, ông Nguyễn Lân đã giải các nghĩa của từng từ tố trong mỗi từ rồi sau mới định nghĩa cho cả từ đó. Với từ bộ đội cũng vậy, ông Nguyễn Lân đã không biết rằng theo sách báo Trung Quốc lâu nay thì trong từ bộ đội, từ tố bộ có nghĩa là đơn vị biên chế quân sự cổ đại, mà về sau được dùng để chỉ quân đội nói chung, khác với từ bộ có nghĩa là bước. Do đó bộ đội cũng là quân đội mà thôi. Tuy nhiên trong tiếng Việt hiện nay, từ bộ đội thường mang một vài sắc thái khác với từ quân đội, đúng như ông TT đã phân tích. Nhưng điều này là nằm ngoài phạm vi mà ông LMC bàn đến.
Chúng tôi cho rằng khi góp ý kiến, phê phán về vấn đề rất hệ trọng này, chúng ta cần phải rất cẩn thận, phải đọc cho kỹ, phải nghiền ngẫm thấu đáo để không cản trở bước đường đi tìm kiếm lẽ phải vốn đã vất vả và đầy chông gai này.
© 2005 talawas
No comments:
Post a Comment