Thursday, 23 April 2015

Dùng địa lôi diệt quân tiếp viện (Gia Linh - Quân Đội Nhân Dân)

Kỷ niệm sâu sắc đời bộ đội
Kỷ niệm sâu sắc
Dùng địa lôi diệt quân tiếp viện


QĐND - Thứ Ba, 12/05/2015, 8:53 (GMT+7)


QĐND - "Dùng địa lôi diệt quân tiếp viện” tại ga Phạm Xá (Kinh/ Kim Thành, Hải Dương) là trận đánh thứ năm của Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Đình Viện trong kháng chiến chống Pháp. Đây là một trận đánh bằng địa lôi lớn nhất và kết quả cao nhất trên đường số 5, cắt đứt đường tiếp viện chủ yếu của địch cho Điện Biên Phủ.
Cuối năm 1953, sau nhiều chiến dịch bình định Đồng bằng Bắc Bộ, quân Pháp chủ trương đánh vùng Tây Bắc nối liền với Thượng Lào, mà trọng điểm là nhảy dù chiếm đóng Điện Biên Phủ làm căn cứ then chốt chiến lược, từ đó mở các cuộc hành quân lấn chiếm toàn bộ vùng Tây Bắc nước ta. Để thực hiện âm mưu chiến lược, Chính phủ Pháp phải đưa quân chi viện từ nước Pháp sang và quân chủ lực từ các chiến trường về, thành lập những binh đoàn tinh nhuệ, tập kết số quân này tại Hải Phòng để đưa lên Tây Bắc tăng cường cho Điện Biên Phủ.
Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Đình Viện (bên phải).
Trước ý đồ của thực dân Pháp, chủ trương của Đảng ta là lệnh cho các chiến trường ở đồng bằng đánh mạnh để phối hợp với chiến trường chính, nhất là đánh phá các đường giao thông như: Đường sắt, đường thủy, đường bộ… để chặn quân tiếp viện của địch. Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Đình Viện nhớ lại: Theo nguồn tin từ cấp trên mà chúng tôi nắm được, sắp tới, số quân Âu Phi khoảng trên dưới hai binh đoàn sẽ đi bằng tàu hỏa từ Hải Phòng lên Hà Nội, rồi từ Hà Nội lên Tây Bắc. Nắm được thông tin, Tỉnh đội Hải Dương chỉ đạo Huyện đội Kim Thành quyết đánh bằng được đoàn tàu này, nhằm tiêu diệt một số quân địch, phá cắt giao thông đường sắt, đường bộ, làm thất bại cánh quân tiếp viện của Pháp.
Nhiệm vụ nặng nề này Huyện đội Kim Thành giao cho đồng chí Thòa và tôi. Khi nhận nhiệm vụ, đồng chí Thòa có hỏi tôi: Cậu xem từ cầu Lai Vu về Kim Lương còn chỗ nào đánh địch được không? Tôi trả lời: Chỗ nào ta cũng đụng độ cả rồi, còn mỗi đoạn đường sắt từ thôn Phạm Xá đến thôn Xuân Mang là chưa bị ta đánh lần nào nên có thể địch dễ lơ là, chủ quan.
Qua nghiên cứu thực địa, tôi và đồng chí Thòa chọn điểm qua ga Phạm Xá khoảng 100m về phía Hải Dương làm nơi tập kích. Để chuẩn bị cho trận đánh, chúng tôi đã sử dụng 50kg thuốc nổ, thuốc đúc và một kíp nổ bằng cổ tay dài 30-40cm nổ tức thì, điểm hỏa bằng điện (nguồn điện chúng tôi làm bằng 150 cục pin, tính ra khoảng 200V), 1 khẩu tiểu liên do đồng chí Thòa giữ và chỉ huy. Tôi là người trực tiếp đánh. Để bí mật, an toàn, chúng tôi đào một chiếc hầm ngay trên đường làng thôn Phạm Xá, nắp hầm là một hòn đá xanh có chiều dài 50cm vừa hai người ngồi, trong hầm nước dâng đến bụng vì hầm ở đường bãi, bên cạnh ngòi nước, lại chật hẹp. Tôi ngồi dưới chân còn co ra, co vào được, còn đồng chí Thòa phải ngồi co chân. Sau khi hoàn chỉnh mọi việc, phải đợi đến hơn hai tuần lễ sau, đoàn tàu chở quân tiếp viện mới tới. Hôm đó đúng vào ngày 27 tháng Chạp năm 1953. Đồng chí Thòa quan sát toa trước thấy quần áo trắng xanh nhận định là dân, toa sau thấy mặc quần áo xám ngắt, tôi bảo đúng là tàu chở lính rồi liền quay vào chuẩn bị. Tàu qua ga Phạm Xá không dừng lại mà chạy tiếp. Khi các toa chở lính Âu Phi lọt đúng vào trận địa bố trí địa lôi của ta, tôi chập điện ở toa thứ 11. Một tiếng nổ vang trời, đất đá và khói bay lên mù mịt, thanh tà vẹt đường ray bay qua đường sang bên kia… Đoàn tàu bị cắt đôi, toa tàu bị dồn lại đổ ngang đổ ngửa, tiếng kêu thét ầm ĩ… Hai chúng tôi đội nắp hầm nhảy lên bờ. Đồng chí Thòa bị tê chân không chạy được, phải ngồi lại. Anh lệnh cho tôi chạy theo đường vòng ra bơn để thu hút địch. Tôi chạy về báo cáo đơn vị và Huyện ủy: Anh Thòa hôm nay không chạy được, một là nó bắn chết, hai là nó bắt sống. Tôi vừa báo cáo xong thì may sao, anh Thòa cũng về đến nơi. Mọi người chạy lại ôm chầm lấy anh vui mừng, xúc động.
Kết quả trận này, quân viễn chinh Pháp thừa nhận là thất bại lớn. Báo chí trong nước và nhiều nước đưa tin chiến thắng lớn của Quân đội nhân dân Việt Nam. Bộ Tổng tư lệnh khen thưởng và thông báo cho biết, địch chết 1017 tên lính Âu Phi và nhiều sĩ quan chỉ huy của Pháp cùng hàng tấn quân trang quân dụng, các phương tiện chiến đấu. Đây là một trận đánh bằng địa lôi lớn nhất và kết quả cao nhất trên đường số 5, cắt đứt đường tiếp viện chủ yếu của địch cho Điện Biên Phủ.
Bài và ảnh: GIA LINH

No comments:

Post a Comment