QĐND - Thứ Năm, 30/12/2010, 21:40 (GMT+7)
Ngôi nhà cấp 4 đơn sơ
nằm cuối ngõ nhỏ thôn Phạm Xá, xã Tuấn Hưng, huyện Kim Thành, tỉnh Hải
Dương rộn ràng tiếng cười, tiếng chúc mừng, bởi một điều đặc biệt vừa
diễn ra. Ông Nguyễn Đình Viện-“vua mìn” đường 5 vừa được phong tặng danh
hiệu Anh hùng LLVT nhân dân ở tuổi 86.
Tóc đã bạc trắng nhưng đôi mắt ông vẫn
còn tinh anh, bước chân nhanh nhẹn và sôi nổi kể về một thời cùng đồng
đội mai phục tiêu diệt hơn 1000 tên lính Âu Phi bằng địa lôi.
Tháng 8 năm 1945, ông tham gia vào đội
du kích của xã. Đến năm 1950, ông chuyển sang đại đội Kim Thành làm
nhiệm vụ bám sát, đánh địch trong vùng địch hậu. Nằm trong vùng địch
chiếm đóng nên mọi hoạt động của du kích đều phải bí mật, khéo léo. Từ
ngày vào du kích, với sự mưu trí, sáng tạo và gan dạ, người du kích trẻ
tuổi ấy đã làm quân địch phải khiếp đảm, chùn bước. Nổi bật nhất phải kể
đến trận đánh bằng địa lôi tiêu diệt đoàn tàu chở quân tiếp viện của
thực dân Pháp trên đường 5 tại ga Phạm Xá được nhiều người biết đến.
Cuối năm 1953, Pháp phải chi viện quân,
thành lập những binh đoàn và tập kết số quân này tại Hải Phòng tăng
cường cho Điện Biên Phủ. Các chiến trường ở đồng bằng phải đánh mạnh để
phối hợp chiến trường chính, trọng tâm đánh phá các đường giao thông để
chặn quân tiếp viện của địch. Huyện đội Kim Thành được giao nhiệm vụ
chốt chặn lực lượng chi viện từ Hải Phòng lên Điện Biên Phủ. Nhiệm vụ
hết sức quan trọng, thời gian rất gấp nên cấp trên đã giao cho Đại đội
trưởng Nguyễn Văn Thòa và Tiểu đội trưởng Nguyễn Đình Viện chỉ huy tổ
chức chuẩn bị trận này. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn, nguy hiểm bởi sau
những lần bị lực lượng du kích và bộ đội địa phương mai phục, quân địch
bị tổn thất nặng nề nên chúng đã kịp rút kinh nghiệm, tuần tra, cảnh
giới rất nghiêm ngặt.
Ông Nguyễn Đình Viện (mặc áo trắng) trong ngày đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân
|
Sau những ngày bí mật tiếp cận theo dõi,
nắm chắc đặc điểm, quy luật của địch, ông Viện chọn vị trí đánh địa
lôi, cách ga Phạm Xá 100m về phía Tây Bắc (hướng đi Hải Dương). Cái khó
nhất là đặt mìn vào thời gian và phương pháp nào mà địch không phát hiện
được, trong khi khối thuốc nổ có trọng lượng lên tới 50kg. Nhiều giả
thiết được đưa ra, nhưng cuối cùng hai ông đã chọn phương án lợi dụng
khoảng thời gian địch xuất phát để bí mật đặt địa lôi. Để tiện quan sát
và tiêu diệt đoàn tàu đúng ý định, ông Thòa và ông Viện đã đào một hầm
bí mật cách vị trí đặt địa lôi 200m.
Sau hơn hai tuần mai phục vẫn chưa thấy
tàu chở quân tiếp viện, ngày 27 tháng Chạp năm 1953, đoàn tàu chở lính
Âu Phi đã tới. Ngồi trong hầm cả ngày, nước ngập ngang ngực khiến cho
chân, tay ông Thòa và ông Viện lạnh cóng, tê cứng. Nhưng khi nghe thấy
tiếng còi hú và nhìn thấy bóng dáng bọn địch lố nhố trên các toa tàu,
hai ông mừng rơn, quên hết cảm giác buốt giá đến tận xương. Chờ cho đoàn
tàu đi vào đúng vị trí, tiếng Đại đội trưởng Thòa đanh gọn “điểm hỏa”. Ở
tư thế sẵn sàng, ông Viện chập hai đầu dây điện. Sau tiếng nổ long
trời, đất đá bay mù mịt, đoàn tàu bị cắt đôi, lật ngửa, tiếng quân địch
kêu la ầm ĩ. Trận đánh đã tiêu diệt 1.017 tên lính Âu Phi và nhiều sĩ
quan chỉ huy cùng hàng trăm tấn vũ khí, quân trang, quân dụng, phương
tiện chiến đấu của quân địch.
Đây là trận đánh bằng địa lôi mang lại
hiệu suất lớn nhất trên đường 5, cắt đứt đường tiếp viện chủ yếu của
địch cho chiến trường, góp phần tích cực cho thắng lợi của chiến dịch
Điện Biên Phủ. Nghe tin, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi thư khen ngợi
và cũng sau trận này, ông Thòa và ông Viện được mọi người biết đến với
tên gọi “vua mìn” đường 5.
Sau những năm tháng tham gia kháng
chiến, ông Viện xuất ngũ về công tác ở hợp tác xã Tuấn Hưng. Trải qua
nhiều cương vị khác nhau như: Trưởng công an xã, xã đội trưởng, chủ
nhiệm hợp tác xã... ông đều hoàn thành tốt chức trách, được mọi người
tin yêu, tín nhiệm. Nghỉ hưu, trở về với cuộc sống đời thường, ông luôn
mẫu mực trong lối sống, tác phong sinh hoạt, sống chân thành, cởi mở. Đó
là những gì mà người dân nơi đây cảm nhận được từ ông, một người Anh
hùng rất đỗi bình dị.
Bài và ảnh: Lê Duy Hồng
No comments:
Post a Comment