Friday, 8 May 2015

Nhớ lại trận đánh sân bay U Ta Pao (Thái Lan) (Minh Anh - Sài Gòn Giải Phóng)

BỘ ĐỘI CỤ HỒ
Nhớ lại trận đánh sân bay U Ta Pao (Thái Lan)
Chúng tôi đi tìm căn cứ xuất phát
Thứ ba, 12/05/2009, 23:05 (GMT+7)
Tượng đài chiến thắng Lào - Việt tại thị xã A Tô Pư (Lào). Ảnh: Hoài Nam

Lịch sử Bộ đội Đặc công-Quân đội Nhân dân Việt Nam, trang 343, có ghi: “Đêm ngày 9 rạng ngày 10 tháng 1 năm 1972, tổ chiến đấu gồm Bùi Văn Phương, Vũ Công Đài, Trần Thế Lại tập kích sân bay U Ta Pao (Thái Lan).
Trong một tình thế đặc biệt, tổ đã nổ súng tiêu diệt cả toán tuần tra gồm 2 tên Mỹ và một chó bẹcgiê. Khi cả tổ đến khu vực để máy bay B52, địch phát hiện nổ súng bắn chặn. Hai đồng chí Phương, Đài lao nhanh đến mục tiêu, dùng thuốc nổ đánh vào từng chiếc máy bay. Kết quả ta đã phá hủy, phá hỏng 8 máy bay B52…”. Và với những thông tin kể trên, chúng tôi lần tìm lại dấu tích xưa!
Trước năm 1975, sân bay U Ta Pao (T90) là một căn cứ hiện đại của Mỹ tại Thái Lan. Xuất phát từ đây, máy bay B52 của địch đã thực hiện “rải thảm” đường Trường Sơn, cũng như chiến dịch 12 ngày đêm “đưa Hà Nội trở về thời kỳ đồ đá”. Và hôm nay, từ tỉnh Saravan trên dãy Trường Sơn Tây di chuyển về phía Nam, chúng tôi đến thị xã Păk Sê thuộc tỉnh Chămpasăk.
Ở đây, sông Mekong đã phân chia rõ rệt thành địa giới của 3 quốc gia Lào, Thái Lan, Campuchia. Nếu từ Păk Sê vượt qua sông Mekong và đi thẳng là đến tỉnh U Bon Ratchathani thuộc Thái Lan; nhưng nếu đi dọc sông về phía Nam thì gặp vùng đất tỉnh Stung Treng thuộc Campuchia.
Đại tá Nguyễn Đức Trúng, nguyên là Tư lệnh Bộ Tư lệnh Đặc công kể với PV Báo SGGP: “Đơn vị chúng tôi sau khi đi dọc Trường Sơn Tây vào đến Chămpasăk thì đóng quân bên dòng suối Huội Phạt thuộc rừng Đôn Canh Thung, tỉnh Chămpasăk (Lào), giáp U Bon Ratchathani và Stung Treng. Nước của dòng suối Huội Phạt chảy ra sông Mekong nên dòng chảy của nó có khi dạt sang Thái Lan, có khi xuôi về Campuchia”.
Theo lời kể của Đại tá Trúng, chúng tôi xác định được con đường mà các ông hành quân cũng chính là con đường mà Đoàn 559 cắt rừng từ Lệ Thủy (Quảng Bình) sang đất Lào, rồi vượt đường 9 (đoạn thuộc tỉnh Savanakhet), sau đó xuôi về phía Chămpasăk. Ông kể: “Lúc đó, tôi mới là Thượng tá Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Đặc công và được cấp trên chỉ đạo nghiên cứu đánh sân bay U Ta Pao. Nhiệm vụ đánh sân bay U Ta Pao quả thật rất nặng nề. Tuy nhiên nếu không thực hiện thành công, ta có nguy cơ rơi vào thế yếu trên bàn đàm phán tại Paris”.
Xe chúng tôi qua sông Sê Đôn rồi đi tiếp về phía biên giới 3 nước. Gió từ sông Mekong thổi lên mát rượi. Đoạn Mekong trên đất Lào rất khác đoạn Mekong trên đất Việt về địa hình. Nước sông không có phù sa và bùn đất mà chỉ rặt cát vàng ở hai bờ sông. So với Việt Nam, Mekong đoạn này cao hơn hẳn nên bên bờ sông còn có núi và những cánh rừng già bạt ngàn, mây trắng sà sát mực nước sông.
Ở giữa sông, những gờ đá mọc lên như thành như lũy, gặp sóng đập vào tung bọt trắng xóa. Ngày ấy, những người lính đặc công đã vượt sông ở đoạn này để vào đất Thái, rồi nhằm thẳng vào căn cứ quân sự, sân bay U Ta Pao của Mỹ. Đại tá Nguyễn Đức Trúng kể: “Khoảng cách từ Huội Phạt đến sân bay quân sự U Ta Pao quá xa, lại toàn rừng rậm bao bọc nên ban đầu chúng tôi chia khoảng cách khoảng 30km để cất giấu lương thực, vũ khí.
Tuy nhiên do thiếu kinh nghiệm bảo quản, các túi gạo giấu trong hốc đá, trên cây đều bị gấu rừng phá sạch. Chúng tôi lại cho gạo vào thùng đạn để tránh gấu nhưng anh em than “người khuân gạo còn nặng huống chi phải đánh vỗ mặt địch”. Thấy tình thế khó khăn không thể một lúc hủy diệt sân bay U Ta Pao, chúng tôi đổi phương án đánh chớp nhoáng tiêu hao sinh lực địch, giành thế chủ động cho việc đàm phán ký Hiệp định Paris năm 1973 sau này”…
Chúng tôi lần tìm những người Việt cao tuổi có khả năng nhớ về vị trí trú quân bên suối Huội Phạt năm ấy. Mặc dù tỉnh này có đến 4.375 người Việt sinh sống nhưng do thời gian trôi qua quá lâu, rừng rậm che lấp các dấu tích cũ nên không ai biết. Đang nản lòng thì Chủ tịch Hội Người Việt tại Chămpasăk Đoàn Hữu Đấu nhớ đến một công dân tên Lê Thành ở xóm Việt kiều Tân An (Chămpasăk).
Ông Đấu dùng xe Honda chở chúng tôi đến gặp ông Lê Thành và thông tin lại mở ra: “Đúng là có một trạm đóng quân của bộ đội ta bên suối Huội Phạt. Tôi từng đưa một trinh sát cắt rừng vượt biên sang đất Thái vào năm 1972 để nắm tình hình sân bay địch. Tên của người trinh sát đó tôi không nhớ rõ. Hồi ấy người Việt ở Chămpasăk rất nặng lòng với bộ đội Việt Nam, ai nhờ gì, đặt ra yêu cầu gì chúng tôi đều đáp ứng”. Nhưng đã lâu rồi đâu còn ai nhắc nhở gì đến Huội Phạt. Chúng tôi hỏi đường vào Huội Phạt. Ông Thành lắc đầu và nói: “Không thể vào được vì trong ấy toàn là rừng. Thêm nữa biên phòng Thái Lan và Campuchia đang tuần tra rất gắt gao vì những mâu thuẫn biên giới của họ xung quanh đền Preah Vihear. Nếu người lạ đến khu vực này, có thể bị bắn!”.
Chúng tôi luyến tiếc vì đã đến Chămpasăk rồi mà không vào được Huội Phạt. Có thể trên sử sách, chưa thấy ghi tên Huội Phạt. Có thể trong những chiến công của bộ đội ta trong những năm tháng đánh Mỹ, trận đánh sân bay U Ta Pao chỉ là một chiến công trong hàng vạn chiến công. Nhưng nếu ta nắm rõ vì sao 3 đồng chí Trần Thế Lại, Bùi Văn Phương, Vũ Công Đài (Tiểu đoàn 1A-Bộ Tư lệnh Đặc công) được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND thì mới thấy Huội Phạt thật xứng đáng được ghi vào sử sách.
Đại tá Nguyễn Đức Trúng kể: “Sau khi áp sát sân bay U Ta Pao. Bất ngờ chó bẹcgiê sủa lớn, biết bị lộ, tổ chiến đấu nổ súng tiêu diệt ngay 2 lính Mỹ và một chó bẹcgiê. Hai đồng chí Lại và Phương tiếp tục ôm thủ pháo đến gắn vào bình xăng của máy bay. Thấy thế, địch hoảng sợ không dám bắn thẳng vào máy bay mà bắn báo động. Khi ta kích nổ tiêu diệt hoàn toàn và phá hỏng 8 máy bay B52, cả thế giới rúng động… Báo chí Mỹ đã đưa tin: bộ đội Bắc Việt đã đánh được vào đầu não xuất phát của B52, trên đất Thái”.
Chúng tôi rời Chămpasăk vào một buổi trưa đúng dịp Tết Bun Pi May. Rất nhiều người Lào, người Việt đổ ra đường để thực hiện nghi thức té nước vào nhau cầu may mắn, cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. Chúng tôi thắp một nén hương bên tượng đài chiến thắng Việt-Lào, cầu mong Huội Phạt phải là một điểm mốc đáng nhớ mà bất cứ người Việt, người Lào nào khi được hỏi, đều biết đến với niềm tự hào chung!
MINH ANH

No comments:

Post a Comment