Friday 13 November 2015

Giáo dục lòng yêu nước mới là mục đích của môn lịch sử tích hợp (Hông Vân - Ngân Anh - Nhân Dân)

Giáo sư - Viện sĩ Đào Trọng Thi.
Giáo sư - Viện sĩ Đào Trọng Thi.
NDĐT - Bàn về câu chuyện nên hay không nên dạy lịch sử theo môn học tích hợp, bên lề kỳ họp Quốc hội, Giáo sư - Viện sĩ Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhấn mạnh, hướng tới học sinh có được nhân cách, lòng yêu nước, trách nhiệm đối với đất nước, Tổ quốc mới chính là mục đích của môn học tích hợp này.
Dư luận đang chệch hướng và phản đối quá sớm
Hỏi: Thưa Giáo sư, quan điểm của ông như thế nào về tích hợp môn lịch sử vào hai môn học khác trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới?
Giáo sư Đào Trọng Thi: Tôi nghĩ, vấn đề tích hợp hay không tích hợp chỉ là hình thức thể hiện. Còn câu chuyện ngành giáo dục có giảng dạy nội dung về lịch sử hay không là vấn đề khác. Ở đây, ta chỉ bàn về hình thức mà không chú trọng tới phần nội dung, đó là đã đi chệch hướng.
Thực ra, giáo dục lịch sử, giáo dục về ngôn ngữ và những môn học thứ khác cho học sinh cũng chỉ là phương tiện thôi. Điều đạt được là nhân cách, lòng yêu nước, trách nhiệm đối với đất nước, Tổ quốc mới chính là mục đích của nó. Khi trao đổi về vấn đề tích hợp, nên phân biệt rõ điều này.
Ngoài ra, môn học nào, kiến thức nào là nội dung, còn hình thức thực hiện nội dung là một chuyện khác. Cuối cùng, phải xem xét tích hợp hay không tích hợp thì tốt. Nếu để dạy về lòng yêu nước, một môn học riêng biệt khó mà thực hiện tốt nhiệm vụ ấy. Thí dụ, lịch sử không kết hợp với văn học chưa chắc đã phải là hình thức giáo dục lòng yêu nước tốt nhất. Tác phẩm “Hịch tướng sĩ” là một áng văn hay, nhưng lại rất có giá trị giáo dục về lịch sử và lòng yêu nước. Đôi khi, kiến thức tích hợp của nhiều môn học như lịch sử, văn học, địa lý phối hợp lại mới tạo được một cơ sở để thực hiện tốt nhất mục đích là giáo dục lòng yêu nước.
Trở lại câu chuyện tích hợp môn lịch sử. Bây giờ, ngành giáo dục chưa nói rõ thực hiện cụ thể nội dung tích hợp như thế nào, phân tích học tích hợp tốt ra sao, thì làm sao bình luận được. Nếu như cách tách riêng ra mà không làm tốt, thì nội dung đó vẫn không tốt. Nếu tích hợp mà làm tốt nội dung ấy, thì vẫn là giải pháp tốt. Ở đây, không phải chuyện tích hợp hay không, môn riêng hay môn chung. Quan trọng là truyền đạt cho học sinh những kiến thức, nội dung, những kỹ năng gì. Và cuối cùng có đạt được mục đích truyền đạt cho học sinh lòng yêu nước, giáo dục về nhân cách, hình thành nhân cách cho học sinh hay không. Ý kiến của tôi như thế để thấy rằng, có lẽ trao đổi này không đúng hướng. Chúng ta mới bàn về những hình thức bên ngoài mà không nói về nội dung thực sự, nội hàm bên trong. Đặc biệt, chúng ta không đề cập mục đích mình đạt được là cái gì. Trao đổi như vậy đã bị lệch hướng.
- Vậy theo Giáo sư, cần nhìn nhận vấn đề này như thế nào là đúng hướng?
- Tôi cũng chưa hiểu ngành giáo dục sẽ làm cụ thể như thế nào. Tích hợp hay tách môn riêng, qua đó có truyền tải được những nội dung cần thiết hay không. Đặc biệt với những nội dung truyền tải ấy có đạt được mục đích là giáo dục lòng yêu nước và nhân cách cho học sinh hay không, đấy mới điều cần đề cập.
Theo tôi sẽ có ba mức. Thứ nhất, mục đích phải đạt được là gì, đầu tiên là giáo dục lòng yêu nước, hình thành nhân cách cho học sinh. Thứ hai, dùng phương tiện nào đạt được mục đích ấy. Phải truyền tải những kiến thức kỹ năng ở một số lĩnh vực như văn học, lịch sử, giáo dục an ninh quốc phòng, giáo dục công dân. Thứ ba, trực tiếp nhất là, dùng hình thức nào để thực hiện các phương tiện đó.
Bây giờ, cần xem ngành giáo dục trình nội dung dự thảo như thế nào. Tại sao người ta chưa trình nội dung gì mà mình đã bình luận, cần chờ xem.
- Nhưng đợi đến khi ngành giáo dục thực hiện rồi, hình thành một chương trình và sau đó thực hiện không tốt thì sao?
- Đó là một quy trình. Bộ phận soạn thảo hình thành dự thảo, rồi nhiều cá nhân, chuyên gia, nhân dân góp ý. Khi góp ý, phải xác định mục đích là gì, làm như vậy có đạt được mục đích hay không, đạt hiệu quả như thế nào. Còn hình thức thể hiện mang tính kỹ thuật. Ngành giáo dục mới đang có sơ thảo thôi, nên tôi nghĩ rằng chưa phải lúc.
Phương pháp tích hợp cần thử nghiệm trước
- Liệu để hình thành một chương trình chuẩn thì liệu có phải thử nghiệm trước việc tích hợp này không, thưa Giáo sư?
- Phải thử nghiệm. Trước kia, khi chúng ta thử nghiệm một dự án, cần tổng kết đánh giá xong mới được áp dụng đại trà. Nhưng lần này, chúng ta đưa một cách tiếp cập mới, có thể thử nghiệm những vấn đề, nội dung, phương pháp mới. Còn những nội dung đã sử dụng tốt rồi, không cần thử nghiệm lại.
Cách thử nghiệm bây giờ là thử nghiệm trong quá trình hình thành nội dung. Tức là, hình thành một bộ phận nội dung rồi đem vào thử nghiệm. Cách làm như vậy rút ngắn thời gian hơn. Phương pháp quốc tế hiện nay cũng không áp dụng như vậy nữa, mà chuyển sang áp dụng có thực nghiệm trong quá trình xây dựng, làm đến đâu thực nghiệm đến đấy. Không phải thực nghiệm toàn bộ mà chỉ thực nghiệm những điểm gì mới, cần xem những nội dung mới có phù hợp hay không. Vì trong xây dựng một chương trình, có nhiều nội dung chúng ta đã làm hàng chục năm nay, không cần thực nghiệm lại nữa.
- Vậy phương pháp tích hợp nói chung và tích hợp môn lịch sử nói riêng rõ ràng là mới và cần phải thực nghiệm đúng không, thưa ông?
- Phương pháp tích hợp của ta mới và cần thực nghiệm. Thí dụ, ngành giáo dục xây dựng một môn học tích hợp thì phải thực nghiệm, dạy thử đối với một nhóm đối tượng nhỏ và thực nghiệm riêng đối với riêng môn học đó. Thậm chí thực nghiệm riêng một số bài. Trong chương trình thực nghiệm ấy, có những phần tách riêng của từng môn học, hay gọi là phân môn, còn có những nội dung tổng hợp của nhiều môn. Như vậy, chúng ta chỉ thực nghiệm phần tổng hợp đó thôi. Trước đây, đó là môn học riêng còn bây giờ trở thành phân môn.
Nội dung đó vẫn là thành phần của môn học và vẫn được giao thực hiện một số nội dung cụ thể của môn học ấy. Thậm chí, ban đầu, rất có thể giáo viên vẫn là giáo viên của nhiều môn học khác nhau. Chưa có giáo viên dạy tích hợp thì phải có giáo viên của các môn cùng tham gia. Nhưng sẽ có một số bài mang tính chất tích hợp, tổng hợp kiến thức của nhiều mòn. Khi đó, cần phải thực nghiệm nội dung mới ấy, vì chúng ta chưa có trải nghiệm thực sự, phải xem hiệu quả đến đâu.
Vì thế, Nghị quyết của Quốc hội lần này đã nêu rõ, thực nghiệm những nội dung phương pháp mới, chứ không phải thực nghiệm tất cả.
- Nhưng giảng dạy tích hợp đòi hỏi giáo viên có kiến thức tổng hợp. Liệu chúng ta có chuẩn bị kịp nguồn nhân lực cho công tác này không, thưa ông?
- Đó là điểm chúng tôi rất băn khoăn. Chúng tôi đã cảnh báo Bộ Giáo dục và Đào tạo. Điểm khó nhất chính là đội ngũ giáo viên. Đội ngũ này không chỉ được bồi dưỡng một cách chung chung. Từ trước tới nay, trong lĩnh vực giáo dục chỉ thay đổi nội dung, nhưng vẫn là môn học ấy. Với trình độ giáo viên được đào tạo, đặc biệt là giáo viên chuyên nghiệp, họ vẫn có khả năng chuyển đổi, tự nghiên cứu và thực hành được. Nhưng ở đây, khi hình thành môn tích hợp, rất có thể sẽ thay đổi cơ cấu ngành, nghề của đội ngũ giáo viên. Việc này thay đổi cơ cấu ngành, nghề đào tạo của trường sư phạm.
Thí dụ, với môn tích hợp các môn khoa học xã hội, bây giờ không còn giáo viên lịch sử, địa lý riêng. Rất có thể hình thành môn khoa học xã hội nhân văn, và người thầy phải dạy được các kiến thức tích hợp. Điều này thay đổi cả cơ cấu đào tạo và thay đổi cơ cấu của đội ngũ giáo viên. Không hề đơn giản chút nào. Nhưng chắc chắn sẽ có bước quá độ. Có thể, trước hết hãy thiết kế những môn thành phân môn. Mỗi phân môn có thể do những giáo viên của các phân môn ấy dạy. Như vậy, một môn tích hợp có thể phải có nhiều giáo viên phân môn tham gia giảng dạy, trong khi chúng ta chưa có giáo viên tích hợp một cách chuyên trách.
Xin cảm ơn giáo sư!
HỒNG VÂN - NGÂN ANH THỰC HIỆN

No comments:

Post a Comment