Monday 25 January 2016

Xây dựng hải quân nhân dân Việt Nam vững mạnh theo tư tưởng Hồ Chí Minh - Phó Đô đốc NGUYỄN VĂN TÌNH (Nguyễn Văn Tình - Đảng Cộng Sản Việt Nam)

Xây dựng hải quân nhân dân Việt Nam vững mạnh theo tư tưởng Hồ Chí Minh - Phó Đô đốc NGUYỄN VĂN TÌNH

Cập nhật lúc 14h20  -  Ngày 25/09/2015
share facebookgửi emailin bài này
Phó Đô đốc NGUYỄN VĂN TÌNH*

Việt Nam là một quốc gia biển, vì thế biển đảo là một phần của lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Nền văn minh lúa nước cũng như những thành quả của cuộc khai thác, sử dụng tài nguyên biển, truyền thống đánh giặc ngoại xâm và những chiến công trên chiến trường sông biển đã tác động, ảnh hưởng sâu sắc trong việc hình thành tư tưởng của Hồ Chí Minh. Trong hệ thống quan điểm của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm khá nhiều đến biển đảo, cũng như xây dựng lực lượng chuyên trách bảo vệ biển đảo.
Một là, Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm nhận thức rõ vai trò của biển Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
Từ năm 1910, với tư cách là thầy giáo dạy học ở trường Dục Thanh (Phan Thiết), cùng với việc phổ biến những bài ca yêu nước cho học trò của mình, tranh thủ những giờ ngoại khóa, Nguyễn Tất Thành thường đưa học sinh đến thăm những bãi biển đẹp (như bãi biển Thương Chánh) với một gợi cảm sâu xa: biển của ta giàu đẹp, nhưng tại sao người dân Việt Nam vẫn chịu cảnh lầm than. Những gợi cảm ẩn chứa của Người đã làm thức dậy lòng yêu nước, tinh thần quật cường dân tộc trong lòng mỗi học trò của mình.
Khi được đọc, được nghe bằng tiếng Pháp những từ “Tự do, bình đẳng, bác ái”, Nguyễn Tất Thành nung nấu quyết tâm tìm mọi cách ra nước ngoài, sang Pháp và các nước phương Tây để xem ở đó có những gì ẩn chứa đằng sau những lời hoa mỹ ấy. Ra đi bằng cách nào, bằng con đường nào? Người đã suy nghĩ rất nhiều và cuối cùng quyết định ra nước ngoài bằng đường biển, trên một chiếc tàu buôn của Pháp. Quyết định ra đi tìm đường cứu nước cho dân tộc bằng đường biển là quyết định đúng đắn, bởi Người nhận thức sâu sắc rằng, đây là con đường nhanh nhất có thể đến với các nền văn minh thế giới, nhất là nước Pháp.
Thực dân Pháp bằng con đường biển xâm chiếm thuộc địa, nô dịch các nước, trong đó có Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh tìm đường cứu nước thoát khỏi ách nô lệ của thực dân Pháp cũng bằng con đường biển, nhưng với chiều ngược lại, để đi đến nơi xuất phát của những đội quân viễn chinh đi xâm lược, được che đậy bởi luận điệu lừa bịp “khai hoá văn minh” cho nước khác. Hơn 30 năm rời xa Tổ quốc, trên nhiều con tàu, bằng đường biển, Người đã đặt chân đến nhiều châu lục trên thế giới. Trong suốt chặng đường hành trình đó, Người đã rút ra nhiều kết luận quan trọng về “những gì ẩn chứa sau nền văn minh tư sản”, nhưng đồng thời cũng khẳng định biển và đại dương luôn gắn liền với sự phát triển của văn minh nhân loại.
Với lòng yêu nước thiết tha và đi đến nhiều nước bằng đường biển, Hồ Chí Minh từng bước hiểu nền văn minh của nhân loại, dần đến với chủ nghĩa Mác Lênin, đến với con đường cứu nước, giải phóng dân tộc đúng đắn. Khi về Trung Quốc, mở các lớp huấn luyện, đào tạo thế hệ những người cộng sản Việt Nam đầu tiên, Người cũng chỉ đạo đưa người sang Trung Quốc bằng cả đường bộ và đường biển. Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, trên cương vị là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, với tầm nhìn chiến lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân có đầy đủ thành phần, lực lượng. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kéo dài chín năm gian khổ, Người quan tâm chỉ đạo các lực lượng vũ trang tiến công địch trên chiến trường sông biển và mở các con đường vận tải chi viện cho các chiến trường bằng đường biển, lập nên những chiến công trên dòng sông Lô (1947), sau đó là chiến dịch Biên Giới (1950)... Trước đó, sự ra đời của các đội vận tải biển gắn liền với những chiến công trên chiến trường sông biển miền Trung và Nam Bộ là minh chứng cụ thể. Năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp giao nhiệm vụ cho một bộ phận cán bộ miền Nam trong đoàn quân Nam tiến chở vũ khí vào Bến Tre bằng thuyền. Chuyến đi đó thành công, là cơ sở quan trọng để hình thành chủ trương mở con đường Hồ Chí Minh huyền thoại trên biển Đông trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước sau này. Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của biển thể hiện rõ nét nhất thông qua lời di huấn khi Người về thăm bộ đội Hải quân năm 1961. Nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ, Người nhấn mạnh: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết  giữ gìn lấy nó”1. Luận điểm này là sự khái quát rất ngắn gọn và dễ hiểu về lịch sử truyền thống, khái niệm mới về Tổ quốc, cũng như về tiềm năng của biển nước ta và trách nhiệm của mọi thế hệ trong việc khai thác, quản lý, bảo vệ biển. Khi đất nước đang chìm trong đêm dài nô lệ, chúng ta dựa vào địa hình hiểm trở của núi sông, dựa vào đêm để đánh giặc. Khi dân tộc được giải phóng, Tổ quốc theo tư tưởng Hồ Chí Minh còn là vùng biển rộng lớn với nhiều tiềm năng cần được khai thác để phục vụ cho công cuộc xây dựng xã hội mới. Đây cũng là cơ sở để Đảng ta định ra nhiều chủ trương, giải pháp phát triển kinh tế biển, gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh, nhất là hình thành Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.
Hai là, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Hải quân nhân dân Việt Nam.
Với quan điểm đúng đắn về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam phải có đầy đủ quân chủng, binh chủng. Từ chủ trương đó, ngay sau khi miền Bắc được hòa bình (năm 1954), việc xây dựng lực lượng chuyên trách để bảo vệ vùng biển mới giải phóng từ Móng Cái đến vĩ tuyến 17 là vấn đề hết sức cần thiết. Đó cũng là cơ sở cho việc ra đời Cục Phòng thủ bờ biển - tiền thân của Hải quân nhân dân Việt Nam sau này.
Vừa là lãnh tụ thiên tài, lại là người thủy thủ đầu tiên, với nhiều kinh nghiệm khi còn là thủy thủ trên những chiếc tàu buôn có mặt hầu hết các đại dương, đối với Hải quân, Bác ân cần dạy bảo những điều cụ thể, từ xây dựng lực lượng, huấn luyện cách đánh, cũng như các thao tác của mỗi thành viên trên tàu.
Trong giai đoạn 10 năm xây dựng hải quân trong thời bình (1955-1964), Người đã dành thời gian đến thăm, động viên và giao nhiệm vụ nhằm xây dựng và phát triển lực lượng Hải quân nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền vùng biển, hải đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. Hiểu Hải quân là lực lượng non trẻ, lại đảm nhiệm trọng trách nặng nề, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, phải trên cơ sở học tập kinh nghiệm chiến đấu hiện đại, đồng thời kế thừa và vận dụng sáng tạo nghệ thuật quân sự Việt Nam, truyền thống đánh giặc của tổ tiên, phải thể hiện tính đặc thù của Hải quân Việt Nam cả về tổ chức biên chế, vũ khí trang bị kỹ thuật cũng như cách đánh.
Lần về thăm bộ đội Hải quân đầu tiên (tháng 3-1959), khi đến thăm cán bộ, chiến sĩ biên đội những con tàu sắt đầu tiên do Trung Quốc viện trợ, Bác căn dặn: Các chú xây dựng Hải quân thì phải học tập các nước anh em là đúng. Nhưng không phải học như thế nào thì làm y nguyên như thế, mà phải vận dụng vào điều kiện nước ta sao cho thích hợp, kể cả việc dùng chữ. Cũng lần ấy, Bác đã gợi ý thay đổi cách gọi của một số ngành, vị trí lên tàu rất Việt Nam. Ví dụ như: “buồng hàng hải” thành “buồng lái”; “buồng thủy vũ” (tức là nơi để vũ khí dưới nước) thành “buồng vũ khí dưới nước”. Bác còn dạy cho chiến sĩ cách tết dây mồi sao cho đẹp, ném đi được xa. Đáng ghi nhớ nhất là lần Người từng đội mũ hải quân, tự tay cầm lái tàu “Hải Lâm” (tàu du lịch của Bác giao cho Hải quân quản lý) đưa Titốp anh hùng phi công vũ trụ Liên Xô thăm Vịnh Hạ Long là một minh chứng sống động về những suy nghĩ, trăn trở, sự gắn bó, ân cần của vị lãnh tụ với sự trưởng thành của Hải quân nhân dân Việt Nam. Trong điều kiện miền Bắc còn nhiều khó khăn, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương xây dựng Quân chủng Hải quân phù hợp với tình hình phát triển kinh tế và tiềm lực của đất nước, điều kiện môi trường, chiến trường sông biển Việt Nam. Người nói: Hải quân Việt Nam phải học tập kinh nghiệm chiến đấu hiện đại, nhưng không được quên truyền thống đánh giặc của tổ tiên. Phải xây dựng Hải quân nhân dân Việt Nam của dân tộc Việt Nam chứ không phải hải quân của thế giới... Người đồng thời chỉ rõ con đường xây dựng Hải quân Việt Nam phải là con đường nâng cao ý chí độc lập tự chủ, tự lực, tự cường. Muốn vậy, phải coi trọng công tác lãnh đạo, chỉ huy; chăm lo cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, nâng cao chất lượng kỹ thuật tàu. Thường xuyên rèn luyện toàn diện, phấn đấu không ngừng tiến bộ về mọi mặt để xây dựng hải quân mau chóng trưởng thành. Đến thăm những con tàu, đơn vị đảo, Người nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ hải quân phải không ngừng trau dồi phẩm chất đạo đức cách mạng, lòng yêu quê hương, đất nước. Điều đặc biệt, Người chỉ rõ yêu quê hương, đất nước đối với cán bộ, chiến sĩ hải quân là phải bằng những điều cụ thể. Đó là phải yêu đảo như nhà mình, phải chịu khó cải tạo, xây dựng đảo thành những mảnh đất vừa giàu, vừa đẹp, vừa có lợi cho mình, vừa ích cho đất nước.
Ba là, cùng với tư tưởng về xây dựng lực lượng hải quân non trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn theo dõi, chỉ đạo sát sao mỗi bước trưởng thành, lớn mạnh của Hải quân nhân dân Việt Nam.
Khi Cục phòng thủ bờ biển mới thành lập, hiểu rõ vị trí quan trọng của vùng biển miền Bắc trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, trong mối quan hệ với cách mạng thế giới cũng như cách mạng miền Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm theo sát mỗi bước trưởng thành của Hải quân nhân dân Việt Nam. Khi các lực lượng của Quân chủng Hải quân bắt đầu bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đánh đuổi tàu khu trục Ma Đốc, bắn rơi máy bay, bắt giặc lái Mỹ đầu tiên, lập nên chiến thắng trận đầu ngày 2 và ngày 5-8-1964, tiếp đó là những trận chiến đấu không cân sức cùng quân và dân miền Bắc chống chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của Mỹ, Quân chủng lập nhiều chiến công, bắn chìm và bắn bị thương hàng chục tàu thuyền, máy bay Mỹ. Bác đã gửi thư khen ngợi Hải quân đã anh dũng chiến đấu, tích cực diệt địch, bắn rơi máy bay, đánh đuổi tàu chiến Mỹ, đoàn kết lập công, bảo vệ vùng trời, vùng biển của Tổ quốc. Đó là lời khen, sự động viên kịp thời, tiếp thêm sức mạnh cho cán bộ, chiến sĩ tiếp tục nêu cao ý chí quyết tâm dám đánh, quyết đánh và biết đánh thắng Mỹ. Với tầm nhìn chiến lược, với việc vận dụng kinh nghiệm truyền thống đánh giặc của dân tộc, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương chi viện cho chiến trường miền Nam bằng hai con đường trên bộ và trên biển. Theo chủ trương đó, con đường biển huyền thoại được khai thông từ cuối những năm 50, đầu những năm 60 của thế kỷ XX. Theo dõi sự vận hành của tuyến đường biển, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chỉ đạo sát sao, từ việc xây dựng lực lượng, xác định tuyến đi, phương thức vận chuyển sao cho hiệu quả. Thực hiện sự chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, trực tiếp là Quân ủy Trung ương; với khẩu hiệu “Vì miền Nam ruột thịt”, cán bộ, chiến sĩ hải quân đã vượt qua hàng chục cơn bão lớn, hàng trăm cuộc vây ráp của kẻ thù, nghiên cứu áp dụng nhiều phương thức vận chuyển độc đáo. Trong 14 năm (1961-1975), bộ đội hải quân đã thực hiện vận chuyển hàng trăm ngàn tấn vũ khí, hàng hóa cho chiến trường miền Nam, chủ yếu là đến những nơi mà con đường vận chuyển chiến lược Trường Sơn chưa vươn tới, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Nhằm cắt đứt mối liên hệ giữa miền Bắc xã hội chủ nghĩa với cách mạng thế giới, hậu phương lớn với tiền tuyến lớn miền Nam, đế quốc Mỹ đã dùng nhiều thủ đoạn nham hiểm bao vây, phong tỏa miền Bắc. Thực hiện quyết tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị chính trị đặc biệt tháng 8-1964, Hải quân nhân dân Việt Nam đã vượt qua mọi hiểm nguy, đóng vai trò là lực lượng nòng cốt, nghiên cứu sáng chế ra nhiều phương tiện, khí tài và tổ chức rà phá hàng ngàn quả thủy lôi, bom từ trường của đế quốc Mỹ, nhanh chóng khai thông các cửa sông, cửa biển, luồng lạch, bảo đảm giao thông thông suốt, bảo đảm sự chi viện kịp thời cho chiến trường miền Nam. Theo dõi hoạt động rà phá của hải quân, và khi biết được chúng ta đã tháo gỡ được quả thủy lôi đầu tiên tại Cửa Hội, Người vừa động viên, vừa nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ hải quân phải thật sự khôn khéo, tránh mọi tổn thất hy sinh.
Kế thừa truyền thống đánh giặc của tổ tiên, tìm cách đánh phù hợp với vũ khí, trang bị, kỹ thuật và con người Việt Nam, với phương châm: lấy nhỏ đánh lớn, lấy ít địch nhiều; lấy vũ khí nhỏ tinh gọn đánh vũ khí hiện đại; bí mật, táo bạo, bất ngờ, áp sát, luồn sâu, đánh hiểm, đánh trúng, trong kháng chiến chống Mỹ, Hải quân nhân dân Việt Nam thành lập lực lượng đặc công nước. Qua 7 năm liên tục chiến đấu trên chiến trường Cửa Việt Đông Hà, đặc công nước đã tổ chức đánh hơn 300 trận, bắn chìm 339 tàu thuyền của Mỹ ngụy, phá hủy hàng ngàn tấn phương tiện chiến tranh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam. Hơn nửa thế kỷ xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, từ 141 cán bộ, chiến sĩ và 20 chiếc ca nô gỗ đầu tiên, đến nay Hải quân nhân dân Việt Nam đã phát triển trở thành một quân chủng tương đối hoàn chỉnh, cơ bản có đủ những binh chủng cần thiết (tàu mặt nước, tàu ngầm, tên lửa bờ biển, hải quân đánh bộ, đặc công nước, công binh). Các thế hệ cán bộ chiến sĩ quân chủng hải quân đã đúc kết nên truyền thống vẻ vang “Chiến đấu anh dũng, mưu trí sáng tạo, làm chủ vùng biển, quyết chiến quyết thắng”, xây dựng quân chủng thực sự là lực lượng nòng cốt của sự nghiệp bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. Thành quả của 52 năm qua bắt nguồn từ nhiều yếu tố, trong đó yếu tố quyết định là sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Bác Hồ kính yêu.
Bốn là, thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh xây dựng lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Biển nước ta từ xưa tới nay luôn đóng vai trò quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Kinh tế biển đã thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong sự nghiệp đổi mới đất nước. Biển còn là không gian chiến lược đặc biệt quan trọng đối với quốc phòng và an ninh quốc gia. Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc đã cho chúng ta thấy biển luôn là một hướng tiến công quan trọng của hầu hết các cuộc xâm lược của kẻ thù bên ngoài, có khi là hướng tiến công chủ yếu.
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng đã xác định: phải đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội biển, đảo, gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh và hợp tác quốc tế, phải xây dựng nước ta trở thành một quốc gia mạnh về phát triển kinh tế biển trong khu vực. Gần đây, Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá X đã bàn và quyết định Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, nhằm làm cho nước ta giàu lên từ biển, mạnh lên từ biển. Những quan điểm, mục tiêu đó phản ánh trung thành mong ước của Bác Hồ kính yêu “Bờ biển ta dài, tươi đẹp. Ta phải biết giữ gìn lấy nó”. Tiến ra khơi, khai thác nguồn lợi của biển làm giàu cho đất nước đang trở thành nhu cầu cấp bách trước mắt và lâu dài. Hướng ra biển để khai thác và làm chủ biển trở thành vấn đề sống còn của dân tộc chúng ta. Trong cuộc hành trình tiến ra biển và làm chủ biển, một trong những vấn đề hết sức quan trọng là phải xây dựng lực lượng bảo vệ biển thực sự vững mạnh, đặc biệt là hải quân. Cụ thể là:
Trước hết, phải xây dựng Hải quân nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị, làm cơ sở để nâng cao sức mạnh tổng hợp của quân chủng. Tiếp tục bồi dưỡng nâng cao lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội cho cán bộ, chiến sĩ, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong bất kỳ tình huống nào, Hải quân nhân dân Việt Nam vẫn một lòng tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, sẵn sàng chiến đấu, tỉnh táo và kiên quyết đánh bại mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hoà bình”, gây bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch trong và ngoài nước. Mỗi con tàu, hòn đảo, đài trạm sẽ trở thành những pháo đài thép bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Nhiệm vụ thường xuyên và có ý nghĩa rất quan trọng hiện nay là phải tiếp tục nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, nâng cao và tăng cường khả năng quản lý, bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo của Tổ quốc. Thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “học tập kinh nghiệm chiến đấu hiện đại, nhưng không quên truyền thống đánh giặc của tổ tiên”. Thực hiện huấn luyện bộ đội theo đúng phương châm: cơ bản, thiết thực, vững chắc, coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, sát với thực tế tình hình, các phương án chiến đấu của các lực lượng tàu, đảo, phòng thủ căn cứ và đối tượng tác chiến. Tổ chức tốt diễn tập hiệp đồng tác chiến giữa các lực lượng nhằm nâng cao trình độ cũng như bản lĩnh của cán bộ, chiến sĩ. Hiện nay, Nhà nước, Bộ Quốc phòng đang tạo ra những điều kiện tốt nhất để tăng cường huấn luyện cho bộ đội. Đây cũng là cách tốt nhất để chuẩn bị sẵn sàng đối phó hiệu quả với mọi cuộc chiến tranh xâm lược, kể cả chiến tranh sử dụng vũ khí công nghệ cao.
Cùng với huấn luyện, phải từng bước nâng cao năng lực quản lý vùng biển, tăng cường lực lượng tuần tiễu, trinh sát, theo dõi, nắm chắc tình hình mặt biển, các hoạt động xâm phạm chủ quyền, gây rối an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên biển, đảo, nhất là các vùng trọng điểm. Chủ động phối hợp chặt chẽ với các lực lượng vũ trang và các địa phương xử lý kịp thời, chính xác mọi tình huống theo đúng quan điểm đường lối của Đảng, luật pháp của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Cùng với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, Bộ Quốc phòng, phát huy cao độ ý chí tự lực, tự cường, tiếp tục hoàn thiện tổ chức biên chế, xây dựng lực lượng, nâng cao chất lượng các loại vũ khí trang bị kỹ thuật đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới. Để đáp ứng nhiệm vụ làm nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, Hải quân nhân dân Việt Nam cần được kiện toàn tổ chức lực lượng theo hướng tinh gọn, mạnh, linh hoạt, cơ động nhanh, có sức chiến đấu cao, coi trọng tính hợp lý, đồng bộ giữa các lực lượng thường trực và lực lượng dự bị động viên, lực lượng chiến đấu với cơ quan phục vụ. Xây dựng lực lượng phù hợp với điều kiện hiện nay, đồng thời từng bước đáp ứng cho chiến tranh trong tương lai nếu xảy ra. Ưu tiên xây dựng đối với các lực lượng làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, lực lượng bảo vệ mục tiêu trọng điểm trên biển, đảo và thềm lục địa. Bảo đảm cho các lực lượng trong quân chủng có thể tác chiến độc lập, liên tục dài ngày ở vùng biển gần cũng như vùng biển xa thắng lợi.
Là một quân chủng chiến đấu bằng lực lượng binh chủng hợp thành và phương tiện kỹ thuật hiện đại, cùng với đầu tư phù hợp để mua sắm trang bị, đóng mới tàu thuyền, xây dựng hạ tầng cơ sở, cần phát huy ý chí tự lực, tự cường, thực hiện tốt Cuộc vận động “Quản lý, khai thác vũ khí trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và an toàn giao thông”. Duy trì tốt hoạt động của vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện có, đồng thời nắm bắt các thành tựu khoa học công nghệ mới nhất để nghiên cứu cải tiến, sáng chế, góp phần đổi mới trang thiết bị, cơ sở hậu cần, kỹ thuật theo hướng ngày càng hiện đại, đáp ứng ngày càng đầy đủ nhiệm vụ xây dựng và sẵn sàng chiến đấu của Quân chủng Hải quân.
Để đánh thắng kẻ thù tiến công xâm lược nước ta từ hướng biển phải phối hợp hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng, ngay trong thời bình phải chú trọng xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân trên vùng biển đảo vững chắc, trong đó Hải quân nhân dân Việt Nam là lực lượng nòng cốt. Đây là một trong những nội dung quan trọng trong quá trình triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ tám khoá IX, Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Để hoàn thành tốt, một mặt phải nâng cao chất lượng, hiệu quả phối hợp tuyên truyền về chủ quyền vùng biển, đảo của Tổ quốc trong các tầng lớp nhân dân, nhằm nâng cao nhận thức về chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ quốc gia trên các vùng biển, đảo và trách nhiệm công dân trong việc bảo vệ, khai thác tài nguyên vùng biển đảo nước ta. Xây dựng và nâng cao chất lượng huấn luyện, quản lý lực lượng tự vệ biển, lực lượng dự bị động viên có cơ cấu và số lượng hợp lý. Chủ động hiệp đồng chặt chẽ giữa hải quân với các lực lượng vũ trang, các lực lượng quản lý, bảo vệ và khai thác tài nguyên trên biển, đảo, trong đó chú trọng luyện tập các phương án sát với tình huống của chiến tranh. Quán triệt và để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng, Hải quân nhân dân Việt Nam phải tham gia tích cực vào quá trình phát triển kinh tế xã hội biển, đảo. Đặc biệt là phát huy năng lực hiện có, tận dụng tối đa thế mạnh của các doanh nghiệp vào những ngành kinh tế biển. Chủ động hướng dẫn, hỗ trợ ngư dân làm ăn, sinh sống trên các vùng biển xa, tổ chức hiệu quả việc cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai. Đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại quân sự, nhất là với hải quân các nước trong khu vực, hướng tới xây dựng vùng biển hòa bình và ổn định.
Để thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ, vấn đề quan trọng có ý nghĩa quyết định là phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tiếp tục xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện và sức chiến đấu của các tổ chức đảng. Thực hiện tốt Cuộc vận động Xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khoá VIII, Nghị quyết Trung ương 3 khoá X, đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Xây dựng mỗi chi bộ đảng, mỗi cán bộ, đảng viên trong quân chủng phải thực sự là những tấm gương tiêu biểu về phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị và năng lực hành động. Chú trọng xây dựng chi bộ tàu, đảo, nhà giàn đủ sức lãnh đạo đơn vị hoạt động độc lập, kể cả tác chiến xảy ra trên biển, đảo, hoàn thành nhiệm vụ trong mọi tình huống.

Nguồn: Bộ Quốc phòng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Viện Khoa học xã hội và nhân văn quân sự: Chủ tịch Hồ Chủ Minh với sự nghiệp xây dựng quân đội,
 Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2007, tr.591-605.
 (http://dangcongsan.vn/tu-lieu-van-kien/tu-lieu-ve-dang/sach-chinh-tri/books-1924201511165546/index-092420151112164627.html)
–––––––––––––––
* Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chính ủy Quân chủng Hải quân.
1. Dẫn theo: Lịch sử Hải quân nhân dân Việt Nam, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2005, tr.80

No comments:

Post a Comment