Saturday, 16 September 2017

Hai quyển từ điển rất có hại cho tiếng Việt (Lê Mạnh Chiến - Talawas)

http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=4091&rb=06
18.3.2005
Lê Mạnh Chiến

Cuối năm 2003, chúng tôi đã viết một bài phân tích hàng trăm sai lầm của một cuốn từ điển về tiếng Việt. Bài này đã được đăng liên tiếp sáu kỳ trên tạp chí Thế giới Mới từ số 582 đến số 587 (26/4 đến 31/5/2004) với nhan đề là “170 sai lầm trong một cuốn từ điển”. Tuy nhiên, vì nội dung khá dài nên còn rất nhiều sai lầm chưa được nói đến. Thông thường, khi phê phán một cuốn sách, người ta nêu tên của nó cùng với danh tính của tác giả rồi mới vạch các sai lầm hoặc khuyết điểm mà nó đã phạm phải. Nhưng, trong trường hợp này, vì lý do khách quan, chúng tôi phải vạch sai lầm trước đã, còn việc nêu tên thì chưa làm được ngay. Không ngờ, sự chậm trễ đó đã giúp chúng tôi kịp phát hiện thêm một quyển từ điển khác nữa, lớn hơn và lắm sai lầm hơn rất nhiều. Như vậy là, hiện tại, đã biết được hai quyển từ điển rất có hại cho tiếng Việt. Thứ nhất là Từ điển từ và ngữ Hán Việt, đó cũng chính là đối tượng mà chúng tôi đã phê phán. Thứ hai là Từ điển từ và ngữ Việt Nam, dày hơn 2100 trang, với số sai lầm nhiều gấp vài lần so với quyển thứ nhất. Cả hai từ điển ấy đều do một người biên soạn, đó là Nhà giáo nhân dân, nhà biên soạn ngữ pháp tiếng Việt, Giáo sư Nguyễn Lân. Sự phát hiện này đã được công bố trên tạp chí Nghiên cứu và Phát triển số 4-5 (47-48) năm 2004 và tạp chí Văn hoá Nghệ An số 56 (tháng 1 năm 2005), qua bài Những quyển từ điển rất có hại cho tiếng Việt, trong đó chỉ nêu vài chục ví dụ mới phát hiện thêm.

Sau đây, chúng tôi gộp cả hai bài dưới một tên chung là Hai quyển từ điển rất có hại cho tiếng Việt, trong đó, vẫn giữ nguyên bối cảnh khi viết trước đây nhưng có vạch thêm một số sai lầm khác và đặt lại vài đề mục.


*


Phát hiện một quyển từ điển có hại

Cách đây không lâu, tôi có việc đi về vùng ven biển huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Ở đó, tôi có người bạn thân thiết là cán bộ về hưu. Trong dịp này, tôi được gặp một thầy giáo đã về hưu từ lâu nhưng vẫn rất minh mẫn, hoạt bát. Ðó là thầy H. H. Phúc. Khi biết tên tôi, thầy càng vui vẻ hơn và nói: “Tuy mới gặp ông nhưng tôi cũng coi như đã quen ông từ nhiều tháng rồi. Hơn thế nữa, tôi đã định liên lạc với ông nhưng chưa biết ông ở đâu. Ông đừng ngạc nhiên. Chỗ này rất gần làng quê của Mai Thúc Loan nên rất nhiều người say mê đọc bài báo của ông bác bỏ chuyện Mai Thúc Loan phải làm phu gánh quả vải tươi sang kinh đô nhà Ðường rồi vì thế mà đứng lên khởi nghĩa. Nhưng tôi còn được biết mấy bài khác mà ông phân tích những cái sai ở một số từ ngữ do một số giáo sư chính thức quảng bá. Vì vậy tôi rất mừng khi gặp ông. Có một việc rất cụ thể cần nói với ông, nên tôi muốn mời ông đến nhà tôi”. Vì chưa vội về Hà Nội nên tôi đã vui vẻ nhận lời và hẹn ngày đến thăm.

Hôm sau, tôi đến thăm nhà thầy. Sau khi hỏi han trò chuỵện một lúc, thầy Phúc lấy ra một quyển sách khá dày rồi nói:

“Ðây là một quyển từ điển về những từ Việt gốc Hán. Một ông bạn của tôi ở bên huyện Can Lộc đã mua lại từ một hàng mua bán sách báo cũ nào đó. Nói là sách báo cũ nhưng phần nhiều là những thứ

chưa ai đọc cả. Các cơ quan có quỹ để mua thì cứ mua về, hoặc có khi được biếu tặng, để một vài tháng thấy không ai quan tâm thì họ lột bìa và xé những trang có đóng dấu rồi bán cùng với báo cũ. Ở Hà Nội thì loại này nhan nhản. Nhiều quyển dày cộp, giá mua có khi đến hàng trăm ngàn. Như quyển này, nếu mua cũng phải đến bảy tám mươi ngàn chứ chẳng ít đâu. Vốn là người quý sách, lại thấy quyển này thuộc loại rất cần thiết nên ông ấy đã mua lại với giá hai ngàn đồng, nếu đúng là sách quý thì ông sẽ tìm cách khôi phục lại hẳn hoi. Tôi cũng là người yêu quý sách, lại rất quan tâm đến từ ngữ tiếng Việt nên đã mượn về xem ít lâu để học hỏi thêm, nhưng càng đọc càng thấy bậy quá. Soạn giả này liều lĩnh quá, nói sai rất nhiều khiến tôi không chịu nổi. Cứ những sách như thế này mà đem ra dạy và học thì nguy to. Tôi và một số bạn của tôi rất phẫn nộ”.

Thế rồi thầy giáo nêu ra một số ví dụ, sau đó, vừa đưa sách cho tôi vừa nói: “Ông cứ xem đi, rồi sẽ thấy những điều tôi nói chỉ là một phần rất nhỏ trong vô số cái sai mà soạn giả đã phạm phải”.

Tôi cầm lấy quyển sách từ tay thầy. Sách dày hơn 850 trang, khổ 14,5 x 20,5 cm, giấy tương đối trắng. Có lẽ chỉ mới in cách đây vài năm là cùng. Trước hết, tôi lần theo những thí dụ mà thầy vừa nêu rồi xem lướt qua vài chục trang. Quả thật, những điều thầy nói hoàn toàn đúng. Thấy tôi cũng tỏ ra bực mình về nội dung quyển sách, thầy chậm rãi nói:

“Chính vì quyển sách này mà tôi phải cố mời ông đến đây. Một quyển sách như thế sẽ gây tai hại không nhỏ. Từ điển về tiếng Việt là cuốn sách dạy tiếng Việt cho mọi người Việt Nam (và cả cho mọi người nước ngoài cần học tiếng Việt) nên nó thuộc loại sách rất quan trọng. Soạn giả đóng vai trò như một ông thầy, tuy không đứng trên bục giảng nhưng có vô số học viên. Một thầy giáo nói sai trên bục giảng thì chỉ mới gieo điều sai vào cho vài chục hoặc vài trăm học sinh, nhưng một quyển từ điển về tiếng Việt mà sai thì nó làm loạn cả ngôn ngữ của chúng ta. Các học sinh, sinh viên, rồi các thầy giáo, cô giáo, các bậc phụ huynh, các nhà văn, nhà báo cứ theo đó hết năm này qua năm khác mà dạy sai, nói sai, viết sai thì tai hại thật khó lường. Trong lúc tiếng Việt đang ngày càng bị dùng sai đến mức đáng báo động thì sự tồn tại của quyển sách này càng có tác dụng phá hoại ghê gớm hơn. Chúng tôi hết sức phẫn nộ trước biểu hiện vô trách nhiệm của soạn giả đối với ngôn ngữ của dân tộc.

Những người đọc như chúng tôi rất muốn vạch rõ những cái sai hết sức tệ hại của nó để cảnh báo với xã hội, nhưng phải có tài liệu phong phú thì viết mới có sức thuyết phục, nên đành chịu. Ở Hà Nội có nhiều sách tra cứu nên việc đó đối với ông chắc không khó lắm. Chỉ có điều là ông phải đọc ngay, vì không phải là sách của tôi nên tôi không dám đưa cho ông mượn lâu. Hiện nay, chúng ta chưa biết tên sách và tên soạn giả, nhưng sớm muộn gì rồi cũng tìm ra thôi. Tôi nghĩ rằng, phải sớm vạch rõ những điều bịa đặt dối trá trong quyển sách này để nó bớt gây hại cho xã hội, rồi sau đó chính độc giả của ông sẽ giúp tìm ra “thủ phạm” cũng nên”.

Trước lời lẽ của thầy, tôi không thể từ chối nên đã cầm quyển sách ấy về nhà người bạn, cặm cụi đọc mấy ngày liền, ghi chép thật cẩn thận mọi điều cần thiết để viết một bài nhằm hạn chế ảnh hưởng xấu của quyển sách này càng sớm càng tốt. Việc truy tìm vị soạn giả rất đáng lên án kia đành phải để lại sau.

Qua mấy ngày miệt mài đọc và ghi chép, chúng tôi phát hiện được hơn 170 trường hợp rất đáng phê phán. Quả thật, chúng tôi rất thông cảm với nỗi phẫn nộ chính đáng của thầy Phúc cùng các bạn của thầy, và cũng rất khâm phục tính thận trọng cùng tinh thần trách nhiệm của họ, nên tôi thấy cần phải thực hiện sự uỷ thác của thầy giáo đáng kính này. Chưa thể nói là mọi sai phạm nghiêm trọng trong quyển sách đều đã được phát hiện hết, bởi vì chúng tôi chỉ mới đọc lướt qua nên chưa chắc đã phát hiện được một nửa số sai lầm mà soạn giả đã phạm phải, nhưng những gì mà chúng tôi viết ra thì phải trung thực, chính xác. Ngoài ra, chúng tôi cũng không kể đến những sai lầm mà có thể là do lỗi của biên tập viên hoặc của người xếp chữ. Khi trả lại sách cho thầy Phúc, tôi đã yêu cầu thầy mượn lại giúp trong trường hợp cần thiết. Có thể, sẽ có lúc chúng tôi phải đọc kỹ hơn và chắc hẳn là còn phát hiện thêm nhiều sai lầm khác.

Lúc đầu, chúng tôi cảm thấy một điều hơi lạ là, soạn giả đã giải nghĩa tất cả mọi từ tố gốc Hán, ý như muốn sửa chữa tận gốc mọi sai lầm lâu nay trong cách hiểu và cách dùng các từ Việt gốc Hán, sao ông (hay bà?) lại không ghi chữ Hán kèm theo. (Ðiều này cách đây vài chục năm thì quả là khó thực hiện, nhưng từ năm 1990 đến nay thì đã trở thành một việc đơn giản, vì có máy tính điện tử giúp sức). Tuy nhiên, sau khi đọc được vài chục trang, chúng tôi đã phát hiện ra rằng, soạn giả này hoàn toàn không đọc được chữ Hán nên không thể ghi các từ bằng chữ Hán được, nhưng ông vẫn muốn tỏ ra hiểu biết sâu sắc về mảng từ Hán Việt nên đã ra sức giải nghĩa từng từ tố. Vì thế, khi giải nghĩa các từ tố, ông ta chỉ có thể đoán mò dựa theo âm Hán-Việt hoặc bịa ra nghĩa cho các từ tố. Với vốn liếng như vậy, bằng cách suy luận chủ quan chứ không sử dụng được các phương tiện tra cứu có uy tín nhất thì vấp phải sai lầm là lẽ đương nhiên. Cho nên, việc ông bịa sai nghĩa của hàng trăm từ tố và sai nghĩa của hàng trăm từ cũng không có gì lạ. Ðiều đáng để cho chúng ta suy nghĩ là ở chỗ, ông dám đem sự hiểu biết bập bõm, lỗ mỗ của mình ra làm khuôn mẫu để dạy đời và lừa bịp mọi người, mà hậu quả là gieo rắc những điều sai lầm cho nhiều thế hệ. Từ xưa đến nay chưa từng có soạn giả nào liều lĩnh như ông.

Trong bài phân tích của mình, để cho thật cụ thể và giúp quý vị độc giả dễ dàng tra cứu lại, bên cạnh mỗi từ, chúng tôi đều kèm theo chữ Hán tương ứng ở dạng phồn thể (tức là dạng truyền thống mà mọi người học chữ Hán ở bất cứ đâu cũng đều đọc được), trừ những từ “nửa Hán nửa Việt” không thể có trong vốn từ ngữ của Trung Quốc. Với sự phân tích của chúng tôi, quý độc giả không thạo chữ Hán vẫn thừa sức lĩnh hội toàn bài.

Người viết bài này hy vọng rằng, những ai yêu mến và quý trọng tiếng Việt sẽ không cảm thấy uổng công sau khi đọc hết những trang dưới đây.

Hàng trăm sai lầm khó tưởng tượng

Ðể độc giả dễ theo dõi, chúng tôi tạm phân chia gần 200 mục từ phạm sai lầm ra thành 8 loại. Sự phân chia đó chỉ có ý nghĩa tương đối, bởi vì trong nhiều trường hợp, khi giảng giải các từ tố, nêu định nghĩa và nêu thí dụ về từng từ, soạn giả thường phạm vài sai lầm cùng một lúc (giải nghĩa sai một hoặc cả hai từ tố, nêu định nghĩa sai, ví dụ không đúng) nghĩa là số sai lầm lớn hơn con số 170 rất nhiều, nhưng chúng tôi thấy rằng mỗi từ dù đã phạm hai hoặc ba sai lầm cũng chỉ nên phân tích một lần. Vì phải xử lý hàng trăm trường hợp nên sự phân chia của chúng tôi có thể chưa thật thoả đáng. Hiển nhiên, một soạn giả đã phạm quá nhiều sai lầm nghiêm trọng về mặt ngữ nghĩa như thế thì hẳn là số trường hợp “chưa ổn” còn lớn hơn rất nhiều, chúng tôi không đủ thì giờ để bàn đến. Tuy chưa biết soạn giả là ông hay bà nhưng chúng tôi cứ tạm xưng bằng “ông”, hẳn cũng hơi liều. Kính mong quý vị độc giả thông cảm.


I. Giải nghĩa các từ tố chưa thoả đáng

Trong nhóm này, các từ tố được giải nghĩa không thoả đáng. Ở đây, soạn giả chỉ nêu được một vài nghĩa mà từ tố đó có thể có chứ không nêu được nghĩa đúng, thích hợp với từ mà ông đang xem xét. Chúng ta biết rằng, mỗi chữ Hán ứng với mỗi từ tố thường có nhiều nghĩa. Trong từng từ cụ thể, soạn giả phải nêu thật đúng một hay vài nghĩa của nó để giải nghĩa cho thât xác đáng. Ví dụ, chữ sinh 生 có nghĩa là sống nhưng cũng có nghĩa là sinh vật và nhiều nghĩa khác nữa, nếu trong trường hợp có nghĩa là sinh vật mà giảng nghĩa là sống thì không thích hợp và không thoả đáng. Trong những trường hợp dưới đây, ở mỗi từ, soạn giả chỉ nêu được một nghĩa cho mỗi từ tố mà không nêu được nghĩa thoả đáng cho từng trường hợp cụ thể.


1. ẩn lậu 陰漏

Theo soạn giả thì ẩn nghĩa là giấu kín; lánh đi; ngầm; lậu nghĩa là rỉ ra ngoài, và ẩn lậu nghĩa là giấu giếm, không thẳng thắn nói ra. Quả thật, trong chữ Hán, chữ lậu 漏 này có nghĩa là rỉ ra ngoài. Nhưng như thế thì các từ tố ẩnlậu có vẻ như trái nghĩa với nhau, bởi vậy, giải nghĩa như vậy là không thoả đáng, mà gọi là sai cũng được. Chữ lậu còn có vài nghĩa khác nữa, mà trong trường hợp này nó có nghĩa là lọt,thoát (lậu võng nghĩa là lọt lưới), cũng là trốn tránh mà thôi. Vậy ta có thể nói rắng, ẩn lậu nghĩa là giấu giếm, là lẩn tránh. Soạn giả định nghĩa rằng, ẩn lậu nghĩa là giấu giếm, không thẳng thắn nói ra là để “khắc phục” điều mâu thuẫn mà ông cũng nhận thấy như chúng tôi chăng, nhưng, không thẳng thắn nói ra nghĩa là nói một cách ấp úng vì sọ sệ, hoặc là ở trong tình thế không thể giấu giếm được nên đánh phải nói ra chứ đâu có phải là ẩn lậu.


2. ba đào 波濤

Soạn giả giải thích: ba = sóng; đào = dậy sóng; và, ba đào = chìm nổi gian truân. Theo chữ Hán, ba 波 là sóng (nghĩa là mặt nước bồng bềnh nhấp nhô), đào 濤 là sóng lớn (danh từ) chứ không phải là dậy sóng (động từ). Ba đào nghĩa là sóng nước, chỉ cảnh chìm nổi lên xuống trong cuộc đời. Ðã soạn từ điển thì phải tra cứu thật cẩn thận rồi mới nên viết ra, vì từ điển là sách tra cứu cho mọi người, góp phần đào tạo con em chúng ta “nên người”.


3. bị cáo 被告

Bị cáo là người bị tố cáo và bị toà án đem ra xét xử. Soạn giả đã hiểu đúng nghĩa của từ này, nhưng thật đáng ngạc nhiên khi thấy ông giải thích rằng, cáo nghĩa là báo cho biết! Nếu đúng như vậy thì từ bị cáo chẳng liên quan gì với việc báo cho biết. Ðành rằng, chữ cáo 告 cũng có nghĩa là báo cho biết, nhưng nó còn có một số nghĩa khác nữa, mà cụ thể ở đây là buộc tội, vạch tội.


4. bồng bột 蓬 勃

Theo các từ điển Hán ngữ, từ bồng bột 蓬 勃 vốn có nghĩa là xanh tốt um tùm (nói về thảo mộc) và nghĩa mở rộng là sôi nổi, mạnh mẽ (thường chỉ trạng thái hăng hái quá mức). Sang tiếng Việt thì hầu như từ này không được dùng với nghĩa vốn có ban đầu của nó trong Hán ngữ nữa. Từ điển Tiếng Việt do Gs Hoàng Phê chủ biên giải thích rằng, từ bồng bột có hai nghĩa: 1. (ít dùng) Sôi nổi và có khí thế mạnh mẽ; 2. Sôi nổi, hăng hái nhưng thiếu chín chắn, không lâu bền. Còn theo cuốn từ điển mà chúng ta đang xem xét thì bồng bột nghĩa là sôi nổi nhất thời. Theo chúng tôi thì Từ điển tiếng Việt giải nghĩa đầy đủ hơn. Nhưng, điều mà chúng tôi lưu ý ở đây là, soạn giả của chúng ta giải nghĩa các từ tố chưa thoả đáng. Ông cho rằng, bồng = cỏ bồng, cảnh tiên, và, bột = bỗng nhiên. Như vậy thì hai từ tố bồngbột thật khó tạo thành cái nghĩa sôi nổi nhất thời mà soạn giả đã nêu lên! Ðành rằng, chữ bồng có các nghĩa như ông đã nêu nhưng đó không phải là nghĩa của nó trong từ bồng bột. Chữ bồng còn có nghĩa là , bờm xờm và đó mới là nghĩa đúng ở đây. Nghĩa này đã trở nên quen thuộc với mọi người Việt Nam. Về từ tố bột, tuy nó cũng có nghĩa là bỗng nhiên nhưng còn có một số nghĩa khác nữa như mạnh mẽ, hưng thịnh; đùn lên, đẩy lên, v.v. Ðó chính là nghĩa của từ tố bột trong từ bồng bột.


5. cáo bệnh 告病, cáo lão 告老

Trong các từ này mà giảng rằng, cáo nghĩa là báo cho biết thì thật là ngớ ngẩn, nhưng chính soạn giả đã giảng giải như thế. Chữ cáo 告 có nhiều nghĩa, mà nghĩa cụ thể trong trường hợp này là xin rút lui, xin miễn trừ. Nghĩa này cũng đã đi vào tiếng nói hàng ngày của người Việt Nam, ví dụ, người ta nói “hôm nay có cuộc họp nhưng tôi xin cáo” thì cáo có nghĩa là xin miễn họp. Khi nói đùa thì người ta đổi cáo thành kiếu, ví dụ: chuyện đó thì tôi xin kiếu.


6. chu chuyển 周 轉

Sau khi giảng giải: chu = vòng quanh, khắp, đến nơi đến chốn; chuyển = lay động; soạn giả định nghĩa rằng, chu chuyển là chuyển động theo chu kỳ, từ hình thức này sang hình thức khác. Thực ra, chuyển nghĩa là xoay vần, là biến hoá chứ không phải là lay động. Hơn nữa, từ «chu chuyển» thường được dùng để nói về hiện tượng kinh tế, nghĩa là loại hiện tượng vô hình, do đó, dùng cụm từ «chuyển động theo chu kỳ» e không hợp, vì có vẻ hữu hình quá. Bởi vậy, nên nói là «vận động theo chu kỳ» thì thoả đáng hơn.


7. chúng sinh 眾生

Theo soạn giả, chúng = nhiều người, đông; sinh = sống. Ông đã giảng đúng nghĩa của chữ chúng 眾, nhưng chữ sinh 生 ở đây mà giảng là «sống» thì chưa ổn. Ðành rằng, chữ sinh 生 có nghĩa là sống, nhưng đó chỉ là một nghĩa chính, ngoài ra nó còn có hơn 30 nghĩa khác gồm cả động từ, danh từ, tính từ, mà nghĩa cụ thể ở đây là sinh vật, tức là động vật và thực vật. Về từ chúng sinh, soạn giả nêu ra hai nghĩa: 1) các sinh vật (theo cách nói trong Phật giáo), và 2) các cô hồn không ai thờ cúng (theo mê tín), rồi ông đưa ra một câu ví dụ: Ðổ cháo vào lá đa cuộn lại để cúng chúng sinh. Ðúng ra, phải là: để cúng cô hồn chúng sinh. Tra cứu ở một số từ điển tiếng Việt, cả Từ nguyênTừ hải của Trung Quốc, chúng tôi không thấy nghĩa thứ hai như soạn giả đã nêu. Từ chúng sinh chỉ có một nghĩa là mọi sinh vật chứ không hề có nghĩa là cô hồn không ai thờ cúng. Như vậy, khi giải thích từ chúng sinh, soạn giả đã phạm hai lỗi: chưa nêu thật đúng nghĩa của từ tố sinh và còn gán cho từ chúng sinh một nghĩa mà nó không có.


8. cố nông 僱農

Nghĩa của từ này thì ai cũng biết, đó là người nông dân nghèo không có ruộng đất và nông cụ, phải đi làm thuê, cho nên soạn giả định nghĩa không sai. Nhưng ông đã sai khi giảng rằng, chữ cố ở đây nghĩa là thuê làm, và còn sai hơn nữa khi cho rằng nó cũng có nghĩa là vững bền. Xin thưa rằng, chữ cố 僱 (trong từ cố nông) vừa có nghĩa là thuê làm và cũng có nghĩa là làm thuê. Trong từ cố nông thì cố nghĩa là làm thuê, còn trong từ cố chủ thì cố nghĩa là thuê làm. Chữ cố 僱 trong cố nông 僱 農 khác hẳn với chữ cố 固 nghĩa là vững bền (như trong từ kiên cố). Chỉ những người không biết chữ Hán mới không phân biệt được hai chữ cố này.


9. cử toạ 舉 座

Về từ tố cử, soạn giả nêu ra các nghĩa: cất lên, đưa lên, nổi dậy, thi đỗ; còn toạ thì có nghĩa là ngồi. Thực ra, chữ toạ 座 ở đây vốn có nghĩa là chỗ ngồi (khác với chữ toạ 坐 nghĩa là ngồi), và nghĩa mở rộng là người đang ngồi. Còn chữ cử 舉 thì, ngoài vài nghĩa mà soạn giả đã nêu, còn có nhiều nghĩa khác, trong đó có một nghĩa là tất cả, và đó chính là nghĩa của nó trong từ cử toạ. Vì thế cho nên, cử toạ nghĩa là tất cả những người có mặt (mà thường là phải có chỗ ngồi hẳn hoi, để theo dõi hoặc bàn luận một vấn đề nào đó, còn nếu có mặt trong trạng thái đứng hoặc đi để biểu thị một điều gì đó thì khó có thể dùng từ cử toạ).


10. cường điệu 疆調

Cường điệu nghĩa là nhấn mạnh quá mức để được chú ý đến. Soạn giả đã định nghĩa đúng. Nhưng chữ “điệu” ở đây lại được giải thích là “chuyển qua chỗ khác”, như thể là “điều động”, hẳn là không đúng. Tuy, chữ “điệu” 調 còn có âm là “điều” và cũng có nghĩa là chuyển qua chỗ khác, nhưng nó còn có nghĩa là sắc thái của giọng nói và của cử chỉ, như trong các từ âm điệu, thanh điệu, ngữ điệu, nhạc điệu, hay như ta thường nói, điệu múa, điệu hát, v.v. Ðó chính là nghĩa của từ tố điệu trong từ cường điệu, và nên hiểu là “phong cách diễn đạt”. Phải cắt nghĩa như thế thì mới thoả đáng.


11. danh thiếp 名 帖

Danh thiếp là tấm giấy nhỏ ghi họ tên, nghề nghiệp, địa chỉ của một người, dùng trong việc giao thiệp. Soạn giả đã nêu định nghĩa như vậy, quả là không sai. Nhưng, ông giải thích rằng, thiếpchữ viết trên lụa thì thật là không thoả đáng. Quả thật, chữ thiếp 帖 vốn có nghĩa như thế, nhưng còn có nghĩa là tấm giấy (hoặc tấm lụa, dùng khi con người chưa biết cách sản xuất giấy) viết sẵn hoặc in sẵn để chuyển đạt một thông tin ngắn gọn nào đó cho người khác biết. Trong từ danh thiếp 名 帖 thì thiếp 帖 là tấm giấy nhỏ có công dụng kể trên. Nghĩa này đã được du nhập vào tiếng Việt, như trong các từ thiếp mời, thiếp chúc mừng, v.v. Ngoài ra, ở Trung Quốc ngày xưa, bản chữ Hán viết rất đẹp dùng làm kiểu mẫu để luyện tập viết chữ Hán cũng gọi là thiếp, ví dụ, thiếp Lan đình của Vương Hy Chi (303–361) đời Tấn.


12. đột phá 突 破

Theo soạn giả, đột = bỗng nhiên; phá = phá phách.; và, đột phá = phá một cách bất ngờ. Chúng ta thấy lời giải thích ở đây có vài chõ chưa ổn. Ðột phá nghĩa là chọc thủng, là phá vỡ ở một chỗ để từ đó dễ phá rộng ra xung quanh hoặc tiến sâu vào bên trong… Trong chiến đấu, nhiều khi phải tập trung lực lương lớn và giao tranh rất lâu mới đột phá được phòng tuyến của đối phương, khi đó không hề có yếu tố “bỗng nhiên”. Ở từ này, soạn giả định nghĩa chưa chính xác và các từ tố đều được cắt nghĩa chưa thoả đáng. Tuy chữ đột 突 có nghĩa là bỗng nhiên nhưng còn có nghĩa là chọc thủng, mà đó mới là nghĩa của nó trong từ đột phá 突 破. Nghĩa này đã đi vào tiếng Việt như ở các từ mũi đột (mũi nhọn để chọc lỗ vào các vật cứng), đột lỗ (chọc lỗ vào các vật cứng). Còn từ tố phá 破 thì có nghĩa là làm hỏng, là gây thiệt hại chứ không phải là phá phách, bởi vì phá phách có nghĩa là phá lung tung, mà muốn đột phá thì phải tập trung sức lực vào một chỗ.


13. hạnh kiểm 行 檢

Theo soạn giả thì hạnh là nết na, đức hạnh; kiểm là tra xét; và, hạnh kiểm là tính nết và cách cư xử của một người. Chúng tôi thấy rằng, ở đây mà hiểu kiểmtra xét thì thật không ổn, bởi vì, tra xét là một từ chỉ hành động, mà hạnh kiểm lại là một danh từ trừu tượng để chỉ một phẩm chất của con người. Vả lại, thật khó nhận thấy mối liên quan giữa tra xéttính nết của con người. Quả thật, chữ kiểm 檢 (trong từ hạnh kiểm 行檢) có mặt trong các từ kiểm tra, kiểm sát, v. v. và trong các trường hợp này, kiểm 檢 nghĩa là tra xét, tuy nhiên, nó còn có nhiều nghĩa khác.

Thật vậy, thời xưa, khi chưa có giấy, người Trung Quốc phải khắc chữ lên các thẻ tre để làm sách. Viết xong, họ dùng dây xâu chuỗi các thẻ tre ấy và bó lại rồi gắn đất sét lên chỗ nút dây và đóng dấu, con dấu đó gọi là kiểm 檢 Về sau, chữ kiểm này có thêm 6, 7 nghĩa khác nữa, trong đó có các nghĩa: bó buộc, là cách thức, là phẩm cách, rối sau đó mới có thêm nghĩa mở rộng là tra xét, v.v., và cuối cùng, nghĩa tra xét lại trở thành nghiã phổ biến nhất. Trong từ hạnh kiểm thì kiểm nghĩa là phẩm cách, là phẩm chất của con người.


14. hứng thú 興 趣

Soạn giả giải thích rằng, hứng nghĩa là do cảm giác mạnh mà hăng hái lên, thú là xô về một hướng, rồi đi đến định nghĩa: hứng thú là cảm giác thích thú trước một sự việc. Ðịnh nghĩa như vậy tuy không sai, nhưng chưa hay, vì đã phải dùng dùng từ “thích thú” để định nghĩa từ “hứng thú”. Nhưng, điều đáng chê trách hơn là ở chỗ soạn giả đã giải thích rằng,“thú” 趣 nghĩa là xô về một hướng. Tuy rằng chữ “thú” 趣 cũng có nghĩa là “xô về một phía” nhưng nó còn có nghĩa là niềm vui thich, và đó chính là nghĩa của nó trong từ “hứng thú”. Hứng thú nghĩa là niềm vui thích khiến người ta hăng hái thêm.


15. khẩn hoang 墾 荒

Khẩn hoang nghĩa là vỡ đất hoang để biến thành đất trồng trọt. Soạn giả đã định nghĩa như vậy, hẳn là không có gì sai. Nhưng, khi viết rằng, khẩn nghĩa là cày ruộng, quả là soạn giả đã giảng sai nghĩa của từ tố này. Khẩn nghĩa là lật đất, là xới đất, là khai phá đất đai. Phải khẩn hoang thì mới biến đất hoang thành ruộng để cày cấy. Vậy, khi đang khẩn hoang thì đã làm gì có ruộng? Khẩn hoang là một công việc khó khăn và phức tạp, sau khi hoàn thành thì mới có ruộng để cày.


16. nghĩa cử 義舉

Trong từ này, soạn giả giải thích rằng, nghĩa tức là việc phải nên làm, là hào hiệp; cử nghĩa là cất lên,làm việc, và, nghĩa cửviệc làm vì nghĩa. Nếu căn cứ theo lời giảng giải về các từ tố thì nghĩa cử phải là làm việc một cách hào hiệp hoặc là làm cái việc nên làm. Chúng ta thấy ông giảng đúng nghĩa của từ nghĩa cử, đó là một danh từ nên từ tố cử ở đây không thể là động từ như ông đã giảng giải, bởi vì nó cũng là một danh từ! Soạn giả phạm sai lầm ở chỗ, ông không hiểu nghĩa của chữ cử 舉 ở đây. Ngoài các nghĩa như soạn giả đã nêu, chữ cử 舉 còn có nghĩa là việc làm, và đó chính là nghĩa cụ thể ở đây. Còn chữ nghĩa 義 thì có nghĩa là hợp với đạo lý. Do đó, nghĩa cử nghĩa là việc làm hợp với đạo lý.


17. ngoạ triều 臥朝

Lê Ngoạ Triều là tên mà người đời đặt cho Lê Long Ðĩnh (con của Lê Hoàn, giết anh để cướp ngôi làm vua từ năm 1005 đến năm 1009 thì mất, sống được 24 tuổi) một ông vua bạo ngược và dâm đãng đến nỗi mắc bệnh không ngồi được nên đến buổi họp của triều đình cũng vẫn phải nằm trên giường. Soạn giả đã viết gần giống như thế, chẳng có gì sai. Nhưng khi giảng nghĩa các từ tố thì ông giảng rằng, ngoạ nghĩa là nằm trên giường, triều nghĩa là triều đình. Nếu như thế thì chỉ có thể hiểu ngoạ triều là “triều đình nằm trên giường”. Thực ra, ngoạ chỉ có nghĩa là nằm (không chỉ rõ “nằm trên giường”). Và, triều ở đây phải là một từ chỉ hành động. Ðúng vậy, “triều” vốn là một động từ. Theo lễ giáo Trung Hoa ngày xưa, mỗi buổi sáng, con cháu phải gặp ông bà cha mẹ để thăm hỏi và chúc sức khoẻ, như vậy gọi là “triều”, tức là “chầu”. Việc các quan tụ họp trước mặt nhà vua để báo cáo tình hình mọi mặt và nghe mệnh lệnh cũng gọi là “triều”, tức là “chầu vua”. Nhà vua ngồi “coi chầu”, gọi là “thị triều”, “lâm triều”, “ngự triều”. Trong từ “ngoạ triều” thì từ tố”triều” có nghĩa là “thị triều”, tức là “coi chầu”, và, ‘ngoạ triều” nghĩa là “nằm coi chầu”.


18. ngọc bội 玉佩

Soạn giả giảng rằng, bội nghĩa là đeo, ngọc bội nghĩa là đeo ngọc, và còn có nghĩa bóng là người có đức hạnh cao quý. Thật là sai lầm. Ngọc là đá quý, bội là một thứ đồ trang sức mà người Trung Quốc ngày xưa thường đeo ở thắt lưng. (Trong từ điển Từ nguyên có vẽ hình cái « ngọc bội »). Con em các gia đình quyền quý thường đeo cái «bội» bằng ngọc, tức là cái ngọc bội. Vì vậy, ngọc bội có nghĩa mở rộng là con em nhà quyền quý. Tuy chữ bội cũng có nghĩa là đeo nhưng trong trường hợp này thì bội nghĩa là một thứ vật đeo để trang sức. Ngọc bội là một danh từ chỉ đồ vật, được mở rộng ra để chỉ một lớp người trong xã hội phong kiến chứ không phải là một động từ hoặc một danh từ chỉ hành động như soạn giả đã giảng giải. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã sử dụng từ này (ở câu 409-410) với nghĩa mở rộng:

Nàng rằng: “Trộm liếc dung quang,

Chẳng sân Ngọc bội, cũng phường Kim môn...”

để diễn tả cảm tưởng của Thuý Kiều về Kim Trọng qua lời thổ lộ với chàng: mới nhìn qua cũng biết, nếu chàng không phải là con nhà quyền quý thì cũng là hạng người cao sang. Nếu “ngọc bội” có nghĩa bóng như soạn giả đã giảng giải thì Thuý Kiều quả là người hấp tấp, vì chỉ mới trộm liếc Kim Trọng mà đã coi chàng là người có đạo đức cao quý. Nhân vật tài sắc vẹn toàn của Nguyễn Du hiểu rất đúng nghĩa của từ “ngọc bội” chứ không mù mờ như soạn giả của chúng ta.


19. ngu dân 愚 民

Nếu cứ giải thích rằng ngu nghĩa là đần độn, dân nghĩa là người dân, như soạn giả đã làm, thì rõ ràng, «ngu dân» nghiã là «người đần độn». Thật vậy, trong tiếng Hán, từ «ngu dân» cũng có nghĩa như trong tiếng Việt nhưng còn có một nghĩa là «người ngu». Trong tiếng Việt, từ «ngu dân» hoàn toàn không có nghĩa này, mà chỉ có nghĩa là «làm cho dân dốt nát». Ở đây, từ tố ngu có tác dụng chỉ hành động “làm cho mất trí khôn”. Như vậy, trong từ «ngu dân», ta không thể giải thích rằng, ngu = đần độn, mà phải hiểu rằng, ngu = làm cho… đần độn.


20. nguyên nhung 元 戎

Theo soạn giả, nguyên = đầu, bắt đầu, lớn; nhung = chiến tranh; và, nguyên nhung = người chỉ huy tối cao trong cuộc chiến tranh. Giải thích như vậy tuy không sai nhưng không chính xác và chưa hợp lý. Nguyên 元 còn có nghĩa là đứng đầu; nhung 戎 có các nghĩa: vũ khí, binh xa, quân đội, chiến tranh. Trong từ nguyên nhung thì nhung nghĩa là quân đội; nguyên nhung nghĩa là người đứng đầu quân đội, là người chỉ huy tối cao của quân đội, dù là có chiến tranh hay không.


21. phản phúc 反復

Chữ phản 反 có nghĩa gốc là lật ngược, và người Hán có thành ngữ dị như phản thủ, nghĩa là dễ như lật bàn tay. Trong từ phản phúc, từ tố phản mang nghĩa này. Chữ phúc 復 còn có âm là phục (như trong các từ phục cổ, phục hưng) nghĩa là trở lại và soạn giả giảng là lật lại cũng đúng. Do đó, từ phản phúc có nghĩa đen lật sấp rồi lại lật ngửa, và nghĩa bóng là lật lọng, tráo trở, khi nói ngược khi nói xuôi. Về chữ phản, soạn giả nêu ra các nghĩa: trái lại; chống lại; trở lại; không trung thành,. Các nghĩa đó đều có thật nhưng không phải là nghĩa thoả đáng trong từ phản phúc. Nói rằng phản phúc nghĩa là tráo trở làm hại người vẫn tin cậy ở mình hoặc đã làm ơn cho mình (đó chính là vong ân bội nghĩa) thì thật dài dòng và không ổn.


22. phản trắc 反側

Trong từ này, phản 反 nghĩa là lật ngược chứ không phải là trái lại, chống lại, trở lại, không trung thành như soạn giả đã giảng giải. Ngoài ra, từ tố trắc 側 ở đây có nghĩa là lật nghiêng (động từ) chứ không phải là nghiêng, và như vậy thì phản trắc mới có nghĩa gần giống như phản phúc, nghĩa là tráo trở, lật lọng. Khi muốn ghép từ tố trắc nghĩa là nghiêng với một từ tố khác đóng vai trò động từ thì từ tố trắc phải đứng trước, ví dụ, trắc thị 側視 mới có nghĩa là nhìn nghiêng, trắc ngoạ 側臥 mới có nghĩa là nằm nghiêng.


23. phục vụ 服務

Về từ tố phục, soạn giả nêu ra các nghĩa: chịu theo, quần áo, ăn uống, làm việc (chúng tôi hiểu rằng, ông chú ý đến nghĩa chịu theo, tức là tuân thủ). Còn từ tố vụ, theo ông, có nghĩa là công việc. Rồi ông định nghĩa rằng: phục vụ nghĩa là làm công tác của mình vì lợi ích của một đồi tượng nào. Thực ra, chữ vụ 務 có nhiều nghĩa khác nữa, như: chuyên tâm làm việc; theo đuổi, mưu cầu (như trong từ vụ lợi), v.v., mà cụ thể trong từ phục vụ 服務 thì phục 服 nghĩa là tuân thủvụ 務 nghĩa là chuyên tâm làm việc chứ không phải là công việc. Phục vụ nghĩa là chuyên tâm làm việc vì tuân thủ lợi ích của một đối tượng nào đó.


24. phụng sự 奉事

Theo soạn giả thì phụng nghĩa là vâng theo, là hầu hạ; sự nghĩa là việc, và, phụng sự nghĩa là phục vụ theo một lý tưởng cao cả. Quả thật, chữ sự 事 cũng có nghĩa là việc, với tư cách là danh từ, nhưng đó chỉ là một trong hơn một chục nghĩa khác. Ðặt cái nghĩa ấy vào đây thì thật khó lý giải nếu không nói là vô nghĩa! Rõ ràng, ở đây, phụngsự là hai từ tố có nghĩa gần giống nhau và đóng vai trò như nhau thì mới có thể có nghiã là phục vụ một lý tưởng. Phần lớn các động từ gồm hai từ tố trong tiếng Hán đã được tạo thành theo cách này, ví dụ như các từ kiểm tra, thảo luận, giải thích, phục vụ, v.v. Các nhà nho mẫu mực ngày xưa luôn luôn tuân thủ phương châm “trung thần bất sự nhị quân”, nghĩa là: kẻ bề tôi trung thành không thể thờ (= gắng sức phục vụ) hai vua. Trong từ phụng sự, chữ sự có nghĩa là thờ chứ không có nghĩa là việc. Bởi vậy, người Trung Quốc thường nói là sự phụng, với nghĩa giống như phụng sự. Ðịnh nghĩa về từ phụng sự như soạn giả đã nêu cũng có chỗ chưa ổn. Phụng sự nghĩa là phục vụ một cách đắc lực và thành kính, chứ chưa hẳn đã là phục vụ theo một lý tưởng cao cả. Hơn nữa, lý tưởng cao cả của từng người nhiều khi cũng không giống nhau.


25. thực sự cầu thị 實事求是

Soạn giả giảng giải rằng, thực = thật thà, đúng đắn, đầy đủ; sự = việc; cầu = mong mỏi; thị = như thế, và, thực sự cầu thị nghĩa là chỉ hoàn toàn dựa vào sự thật mà quyết định. Trước hết, chúng ta thấy rằng, hai từ tố cầuthị được giải nghĩa chưa thoả đáng. Chữ cầu 求 còn có nghĩa là truy tìm, tìm tòi, mà đó mới là nghĩa trong thành ngữ này. Chữ thị 是 cũng có nhiều nghĩa mà trong trường hợp cụ thể này, nó không hề có nghĩa là như thế. Ở đây, thị 是 nghĩa là sự đúng đắn. Tuy nhiên, trong các thành ngữ, các từ tố thường có nghĩa rộng và sâu hơn nghĩa thông thường của chúng. Theo sách Hán ngữ thành ngữ từ điển (Từ điển thành ngữ tiếng Hán) của Ðại học sư phạm Tây Bắc Trung Quốc do Nhà xuất bản giáo dục ở Thượng Hải ấn hành năm 1986 thì ở thành ngữ này, cầu nghĩa là nghiên cứu, còn chữ thị thì có nghĩa là mối liên hệ bên trong của sự vật khách quan, nghĩa là tính quy luật. Do đó, nên hiểu rằng, thực sự cầu thị nghĩa là xuất phát từ tình hình thực tế, tìm ra mối quan hệ bên trong của các sự vật xung quanh, tìm ra tính quy luật trong sự phát triển của tình hình đó. Một cách ngắn gọn, có thể nói rằng, thực sự cầu thị nghĩa là dựa vào sự thực để hiểu rõ căn nguyên và diễn biến của sự việc. Như vậy, về thành ngữ thực sự cầu thị, soạn giả chưa thực sự hiểu nghĩa của nó nên đã đưa ra một định nghĩa vừa hời hợt vừa mơ hồ và giải nghĩa các từ tố không đúng.


26. thực tế 實際

Ðịnh nghĩa về từ thực tế do soạn giả đưa ra, quả là chấp nhận được. Ông đã nêu ra hai nghĩa, một là: sự có thật trong cuộc sống, và, hai là: sát với sự thật. Như vậy chúng ta biết rằng, trong trường hợp thứ nhất thì “thực tế” là một danh từ, còn trong trường hợp thứ hai – là một tính từ. Nhưng, khi giải nghĩa các từ tố, ông cho rằng, tế nghĩa là thích đáng thì quả là một sự bịa đặt liều lĩnh, vì nó không hề có nghĩa ấy. Chữ tế 際 có nghĩa gốc là chỗ tiếp giáp của hai bức tường, và nghĩa mở rộng là sự giao tiếp. Các từ điển chữ Hán giải thích rằng, trong từ thực tế, 實際 chữ tế 際 có nghĩa là sự việc khách quan, và, thực tế nghĩa là sự việc khách quan có thật.


27. trợ thủ 助手

Theo lời của soạn giả thì trợgiúp đỡ, thủtay, và, trợ thủ nghĩa là giúp sức một cách đắc lực! Nói như vậy là không đúng.Trợ thủ 助手 nghĩa là người giúp sức trong công việc, và không phải trợ thủ nào cũng đắc lực. Soạn giả đã phạm sai lầm khi coi từ trợ thủ là một động từ, lại còn gán thêm cho nó một thuộc tính mà nó không có. Ngoài ra, khi giảng nghĩa từ trợ thủ mà cho rằng, thủ 手 nghĩa là tay thì chưa thoả đáng. Quả thật, chữ thủ 手 có nghĩa gốc là tay, nhưng nó còn có hơn một chục nghĩa khác nữa, trong đó có một nghĩa là: người chuyên làm một việc nào đó hoặc người thành thạo trong một lĩnh vực nào đó, như trong các từ: cầu thủ, hung thủ, pháo thủ, thuỷ thủ, tuyển thủ, xạ thủ v.v.


28. vu cáo 誣告

Vu nghĩa là bịa đặt để làm hại người khác. Chỗ này thì soạn giả nói đúng. Nhưng, cho rằng, cáo nghĩa là báo cho biết, thì quả là sai to! Ông chỉ biết được một nghĩa của chữ cáo, và vì không biết chữ Hán nên không thể tra cứu để biết các nghĩa khác. ở đây, cáo 告 nghĩa là buộc tội,vạch tội



II. Giảng đúng nghĩa của các từ tố, nhưng giảng sai nghĩa của từ
Nêu đúng nghĩa của các từ tố gốc Hán là một việc không đơn giản. Tuy nhiên, đối với một số từ tố gốc Hán đã quá quen thuộc với người Việt Nam thì nhiều người không biết chữ Hán vẫn có thể giải nghĩa đúng. Dưới đây là một số từ mà soạn giả đã nêu tương đối đúng nghĩa của các từ tố nhưng lại giảng sai nghĩa của từ hoặc không nêu được nghĩa mở rộng mà vốn lại là nghĩa chủ yếu của từ ấy. Soạn giả đã không đính chính được cách hiểu sai trong dân gian mà chỉ dựa theo cách hiểu sai ấy để nêu ra định nghĩa các từ.


1. âm đức 陰德

Theo soạn giả, âm là trái với dương, là nữ, là âm phủ, là ngầm, kín; đức nghĩa là đạo đức; và, âm đức nghĩa là ảnh hưởng đạo đức của tổ tiên đối với con cháu. Chúng tôi rất nghi ngờ định nghĩa này nên đã xem lại các từ điểnTừ nguyênTừ hải thì được biết rằng, âm đức cũng đồng nghĩa với âm công, nghĩa là công đức tốt đẹp nhưng kín đáo, không ai biết, chỉ có thần thánh biết mà thôi. Như vậy, âm đức không phải là ảnh hưởng đạo đức của tổ tiên đối với con cháu, như soạn giả đã định nghĩa.


2. bình sinh 平生

Bình sinh 平生 nghĩa là cả cuộc đời, là suốt đời. Theo soạn giả, bình bình thường, sinhsống, và, từ bình sinh có hai nghĩa: 1) trong cuộc sống hàng ngày; 2) sức sống vốn có. Thực ra, từ tố sinh ở đây có nghĩa là đời sống, là cuộc sống chứ không phải là sống. Khi nêu định nghĩa về từ “bình sinh”, định nghĩa thứ nhất tuy chưa đúng hẳn nhưng còn tạm được, định nghĩa thứ hai thì không đúng, mà chỉ là sự gán ghép chủ quan của soạn giả.


3. bố y 布依

Bốvải, yáo, soạn giả đã giải thích đúng hai từ tố này. Nhưng ông định nghĩa rằng, bố y = áo vải, người mặc áo vải thì chưa được. Ðịnh nghĩa như thế tuy không sai nhưng không đạt, vì chưa nói đến nghĩa mở rộng của từ này, mà nghĩa đó mới là nghĩa chính. Tôi đã có lần hỏi một số sinh viên về nghĩa của nhóm từ “người mặc áo vải” nhưng các em đều không trả lời được. Vậy, phải chỉ rõ thêm rằng, bố y nghĩa là thường dân hoặc như người ta thường gọi đùa là “phó thường dân” vậy.


4. cấm cung 禁宮

Soạn giả cho biết: cấm = không cho làm; giam; chỗ vua ở, và: cung = cung điện. Như vậy, các từ tố đều được giảng đúng nghĩa. Nhưng, có lẽ ông nghĩ rằng, nghĩa cụ thể của từ tố cấm ở đây giam (chứ không phải là nơi vua ở) nên đã đi đến định nghĩa về từ cấm cung: Nói về người thiếu nữ trong gia đình phong kiến luôn luôn phải ở trong phòng the, không được ra ngoài. Nếu quả như vậy thì ta chỉ cần định nghĩa rằng, cấm cung = giam hãm trong cung điện. Nhưng từ này không có nghĩa như thế. Ở đây, cấm nghĩa là chỗ vua ở, (như trong các từ cấm thành, cấm binh, cấm uyển...), cho nên, cấm cung hoặc cung cấm đều có nghĩa là cung điện của vua. Nghĩa của từ cấm cung như soạn giả đã nêu chỉ tồn tại trong khẩu ngữ dân gian. Người soạn từ điển không được phép coi đó là nghĩa đúng và nghĩa chính, mà chỉ có thể nêu thêm có kèm theo ghi chú.


5. củ hợp 糾合

Tuy đã cắt nghĩa các từ tố tương đối đúng, rằng: củ = sửa lại, kết hợp lại, xem xét; và, hợp = hợp lại; nhưng, lạ thay, «củ hợp» thì được định nghĩa là «tụ tập lại để làm điều bất chính» (!). Ðây chính là nghĩa của từ «cẩu hợp» 苟合, trong đó, «cẩu» 苟 nghĩa là qua loa, tạm bợ, như trong từ «cẩu thả» 苟且. Củ hợp nghĩa là tập hợp, là tụ hợp chứ không hề đồng nghĩa với cẩu hợp. Về từ tố hợp, ta nên nói rằng, hợp nghĩa là góp lại thì hay hơn.


6. Ðịa Trung Hải 地中海

Ðịađất, là lục địa; trungở trong, ở giữa; hảibiển. Ðịa Trung Hảibiển ở trong lục địa. Chẳng cần phải học hành gì nhiều thì ai cũng biết như thế. Tuy nhiên, từ này đã trở thành tên riêng để chỉ một biển cụ thể, có diện tích 25 triệu km2, nằm ở phía nam Châu Âu, phía bắc Châu Phi, phía tây Châu Á, thông với Ðại Tây Dương qua eo biển Gibraltar và thông với Biển Ðỏ qua kênh đào Suez. Ðiều đáng ngạc nhiên là, sau khi giải thích rằng, Ðịa Trung Hải là biển ở giữa lục địa, soạn giả đưa ra một câu ví dụ: Biển Caxpiên của Liên xô là một địa trung hải. Như vậy, ông đã không định nghĩa được từ Ðịa Trung Hải, lại còn dùng từ này như một danh từ chung, với nghĩa là cái hồ lớn! Ngoài ra, nói rằng, biển Caxpiên của Liên Xô thì cũng chưa đúng, vì ngay cả khi Liên Xô chưa tan rã thì biển này có một phần thuộc chủ quyền của nước Iran, với diện tích 43 200 km2


7. hậu phi 后妃

Soạn giả giải thích rằng, rằng, hậuvợ vua, phi cũng là vợ vua, và hậu phi cũng là vợ vua rồi đưa ra một câu để minh hoạ: Lịch sử khen bà hậu phi của vua Lý Thánh Tông là người đàn bà giỏi việc nước. Nêu thí dụ như vậy là càng tỏ ra không hiểu từ này, bởi vì hậuvợ chính của vua, phivợ thứ của vua (hoặc vợ chính của thái tử), dưới hậu một bậc. Hậu phi là một danh từ tập hợp, chỉ chung đám vợ lớn vợ bé của vua chứ không chỉ riêng một bà vợ nào cả.


8. hoa liễu 畫柳

Ở đây, hoa nghĩa là bông hoa, liễu nghĩa là cây liễu. Soạn giả đã nêu đúng nghĩa của hai từ tố này. Nhưng, nói rằng, hoa liễu là bệnh lậu hoặc bệnh giang mai thì không đúng. Thực ra, các bệnh kể trên được xếp vào nhóm bệnh hoa liễu, còn từ “hoa liễu” không phải là tên một bệnh, nó được dùng như tính từ để chỉ một nhóm bệnh liên quan đến tệ nạn mại dâm. Hoa liễu là hoa và liễu, vốn dùng để chỉ đàn bà con gái mảnh mai xinh đẹp, về sau lại có nghĩa là chuyện bướm ong trai gái, như trong các thành ngữ “tầm hoa vấn liễu”, hay “liễu ngõ hoa tường”, v.v., và cuối cùng là chỉ gái mại dâm. Các từ điển tiếng Việt từ năm 1954 về trước (cả ở Sài Gòn trước năm 1975) và tất cả các từ điển chữ Hán từ xưa đến nay đều định nghĩa như thế.


9. linh sàng 靈床

Linhthiêng liêng, là liên quan đến người chết; sàngcái giường. Các từ tố này đã được soạn giả giải nghĩa đúng. Nhưng ông đã phạm sai lầm nghiêm trọng khi cho rằng, linh sàng là giường thờ người mới chết chưa đem chôn. Nếu như vậy thì phải chăng ông cũng nghĩ rằng, ở hai câu trong Truyện Kiều:

Sang nhà cha, tới trung đường,
Linh sàng bài vị thờ nàng ở trên. 

Nguyễn Du đã không hiểu từ “linh sàng »? Thật ra, chỉ có soạn giả không hiểu, chứ Nguyễn Du thì hiểu từ này quá chính xác. Từ «linh sàng» có hai nghĩa: 1) giường đặt thi thể người chết khi đám tang; 2) cái bàn nhỏ đặt trước bàn thờ, làm “chỗ nghỉ” cho linh hồn người chết khi chưa hết tang. Trong câu thơ trên đây, “linh sàng” mang nghĩa thứ hai.


10. linh xa 靈車

Các từ tố “linh” và “xa” (linh là liên quan đến người chết, xa là cái xe) đều được soạn giả hiểu đúng. Song, phải chăng, linh xa là « kiệu dùng để rước linh hồn người chết trong đám ma theo phong tục cũ », như ông đã dạy? Hoàn toàn không phải như vậy. Linh xa là chiếc xe chở quan tài hoặc chở hộp đựng hài cốt của người chết để đưa đi chôn.


11. long nhãn 龍眼

Rất nhiều người hiểu lầm rằng, long nhãn nghĩa là cùi nhãn phơi khô. Soạn giả quyển từ điển này cũng hiểu lầm như thế. Thực ra, trong tiếng Hán, long nhãn 龍眼, mà âm phổ thông Trung Quốc là longyan (long 龍 là rồng, nhãn 眼 là mắt) là quả nhãn hoặc cây nhãn. Từ này đã được du nhập vào tiếng Anh để có từ “longan” nghĩa là cây nhãn hoặc quả nhãn. Tương tự như vậy, người Pháp gọi quả nhãn là longane và cây nhãn là longanier, cũng bắt nguồn từ “long nhãn” trong tiếng Hán. Các sách Ðại Nam quốc âm tự vị (của Huỳnh Tịnh Của) và Hán Việt từ điển (của Ðào Duy Anh) đều nêu đúng nghĩa của từ long nhãn. Có lẽ vì trong thuốc bắc có vị “long nhãn” mà người ta thấy đó là cùi nhãn nên cứ tưởng “long nhãn” nghĩa là cùi nhãn mà quên rằng, “long nhãn” chính là quả nhãn (hoặc cây nhãn). Soạn giả chỉ tiếp thụ được cách hiểu trong dân gian chứ không đọc được chữ Hán nên thường hay phạm phải những cái sai kiểu này.


12. nhân chứng 人証

Có lẽ chẳng cần giải thích thì ai cũng biết rằng, nhânngười, chứngbằng chứng, là chứng cứ. Nhưng hiện nay, rất nhiều người, trong đó có soạn giả, đã không phân biệt được hai từ nhân chứngchứng nhân. Họ hiểu rằng, nhân chứng hay chứng nhân cũng đều có nghĩa là người làm chứng. Chứng nhân thì dĩ nhiên nghĩa là người làm chứng rồi. Còn nhân chứng thì có nghĩa là bằng chứng do con người đưa ra. Cùng với nhân chứng, còn có vật chứng là chứng cứ thể hiện trên các vật thể. Thí dụ, bọn trộm cướp dùng búa đập cửa để vào một nhà hàng lấy của, cái cửa bị chúng đập vỡ bởi những nhát búa chính là vật chứng, nhiều người hàng xóm cho biết rằng, họ nghe tiếng búa nện vào cửa rất mạnh lúc ba giờ sáng, thì việc đó là nhân chứng, và chính các ông hàng xóm là những người làm chứng, họ là những chứng nhân.


13. nhũ danh 乳名

Nhũ, là sữa, là cho bú; danhtên. Soạn giả đã hiểu đúng nghĩa của các từ tố. Ðiều khiến chúng tôi rất ngạc nhiên là, ông đã định nghĩa rằng, nhũ danh là tên của phụ nữ đặt khi mới đẻ. Ðịnh nghĩa này khiến người đọc phân vân, không rõ có phải là người phụ nữ khi đẻ con thì được đặt một cái tên khác, hay là khi người phụ nữ mới ra đời (lẽ ra phải nói, khi em bé gái mới ra đời) thì được cha mẹ đặt cho một cái tên, gọi là nhũ danh? Nhưng khi thấy ông nêu ra một ví dụ quá cụ thể: bà Nguyễn Ðức Nguyên, nhũ danh là Phan Thị Nga, thì chúng tôi hiểu rằng, bà này chỉ có một nhũ danh, mặc dầu bà có nhiều con, vậy thì nhũ danh phải là tên được đặt cho bà khi bà vừa mới ra đời. Và, phải chăng chỉ riêng phụ nữ mới có nhũ danh? Ðể trả lời câu hỏi này, chúng tôi đã giở từ điển Từ nguyên ra xem và được biết rằng, nhũ danhtên đặt cho trẻ sơ sinh. Khi đứa trẻ đi học thì được thầy giáo đặt cho một tên khác, gọi là huấn danh hoặc học danh. Như vậy là, ai ai cũng đều có nhũ danh. Ðịnh nghĩa do soạn giả nêu ra vừa sai vừa dễ gây hiểu lầm, hoàn toàn không đạt yêu cầu.


14. quan ngại 關礙

Quan là cửa ải, là đóng cửa; ngạingăn trở. Các từ tố này đã được soạn giả hiểu đúng. Nhưng, soạn giả lại định nghĩa rằng, quan ngại là e ngại vì có khó khăn thì không đúng. Quan ngại nghĩa là trở ngại, là cản trở. Tất cả các từ điển chữ Hán của Trung Quốc hiện nay và các từ điển Hán Việt từ trước đến nay đều giải nghĩa như thế. Từ điển Hán Việt của Nguyễn Quốc Hùng do Nhà sách Khai trí phát hành ở Sài Gòn cuối tháng 4 năm 1975 cũng giải nghĩa như thế. Nhưng ở nước ta hiện nay, rất nhiều người đã hiểu sai và dùng sai từ này. Có quyển từ điển giải thích rằng, quan ngại tức là quan tâm và lo ngại. Nếu cho rằng, từ “quan ngại” đã được “Việt hoá” với nghĩa là “e ngại vì có khó khăn” hoặc “quan tâm và lo ngại” thì người biên soạn từ điển cũng vẫn phải giải thích đúng nghĩa vốn có của nó.


15. tê giác 犀角

Loài thú da dày mà nhiều người gọi nhầm là tê giác (trong đó có soạn giả) có tên là 犀 hoặc tê ngưu 犀牛.Tê giác 犀角 nghĩa là sừng tê (hoăc sừng tê ngưu). Nhiều người quen gọi con vật này là con tê giác, lại gọi sừng của nó là sừng tê giác thì không đúng, vì « giác » đã là sừng rồi. Hiện nay, hầu như mọi người ở nước ta đều quen dùng từ “tê giác” để chỉ con tê ngưu, còn cái sừng của con vật này thì gọi là “sừng tê giác”. Sự dùng từ sai như vậy rất cần sửa chữa. Người soạn từ điển phải giúp mọi người hiểu từ ngữ cho đúng chứ đâu phải chỉ biết chép lại cách hiểu sai của nhiều người.


16. tự điển 字典

Ðịnh nghĩa rằng, tự điển là sách từ điển xếp theo chữ như chữ Hán (như soạn giả đã làm) hẳn là quá mù mờ. Những người biết chữ Hán bao giờ cũng phân biệt rất rõ tự điểntừ điển. Ðối với các hệ thống chữ viết không biểu âm (tức là gồm các con chữ không thể hiện được cách đọc, ví dụ như chữ Hán) thì việc nhận dạng các con chữ cùng với âm và nghĩa tương ứng của chúng là điều rất quan trọng, và tự điển được soạn ra để giải quyết việc đó. Tự điểnmột loại sách công cụ, lấy “đơn tự” (tức là chữ đơn) làm đơn vị, được sắp xếp theo một trật tự nhất định, cho phép nhận dạng chúng và cũng cho biết cách đọc, nghĩa và cách sử dụng của chúng.


II. Ðoán mò hoặc bịa ra nghĩa của các từ tố vì không biết “mặt chữ”

Ðối với phần lớn những từ Việt gốc Hán, mọi người Việt Nam đều có thể hiểu đúng và định nghĩa rất đúng nhờ quá trình học hỏi và sử dụng tiếng Việt hoặc nhờ các cuốn từ điển tiếng Việt có chất lượng tốt. Nhưng muốn giảng nghĩa các từ tố cho thật chính xác thì khó hơn nhiều và phải sử dụng những bộ từ điển chữ Hán có dung lượng lớn hơn rất nhiều so với cuốn từ điển về tiếng Việt gốc Hán mà ta muốn biên soạn. Chẳng thế mà khi khảo đính văn bản Truyện Kiều, các học giả đã phải mất hàng năm ròng và phải sử dụng một số sách vở có dung lượng lớn gấp hàng trăm lần so với Truyện Kiều.

Khi thấy soạn giả giảng đúng nghĩa của từ nhưng giảng sai nghĩa của các từ tố, chúng tôi nghĩ ngay đến những em học sinh dốt về môn toán nhưng giỏi “cóp” bài của bạn. Các cậu này nhiều khi ghi được đáp số đúng nhưng không thể che giấu được cái dốt của mình vì cách làm bài để dẫn tới đáp số ấy thì sai hoàn toàn.

Cứ dựa theo âm để đoán nghĩa chứ không căn cứ vào dạng chữ Hán của các từ tố thì ắt phải “phán” sai rất nhiều chỗ, nhiều khi đến mức ngây ngô, nực cười. Như đã nói ở phần trên, có rất nhiều chữ đồng âm nhưng dị nghĩa nên phải thông thạo "mặt chữ" thì mới có thể hiểu đúng và giảng đúng nghĩa. Không đọc được chữ Hán mà cứ dựa theo âm để đoán thì sai là chuyện đương nhiên. Dưới đây xin nêu năm chục trường hợp như thế.


1. anh hùng 英雄

Theo soạn giả thì chữ anh ở đây có nghĩa là hoa đẹp, là vẻ đẹp, là người tài năng xuất chúng, còn chữ hùng có nghĩa là loài thú khoẻ nhất, là dũng cảm. Như vậy là ông chỉ giảng đúng nghĩa cuả chữ anh, còn chữ hùng thì giảng sai hoàn toàn. Chúng ta biết rằng, có hai chữ "hùng" là 雄 và 熊. Chữ hùng thứ nhất có nghĩa gốc là con chim trống hay con vật giống đực, và các nghĩa mở rộng là: a) nhân vật kiệt xuất, như trong các từ hùng trưởng, xưng hùng xưng bá; b) quốc gia giàu mạnh, như trong cụm từ chiến quốc thất hùng, nghĩa là bảy nước giàu mạnh nhất thời Chiến quốc; c) các nghĩa khác nữa như to lớn, mạnh mẽ, đều là những tính từ. Chữ hùng thứ hai 熊 nghĩa là con gấu như trong các từ Ðại Hùng Tinh nghĩa là Chòm sao Gấu Lớn và Tiểu Hùng tinh nghĩa là Chòm sao Gấu Bé). Chữ "hùng" thứ nhất, với nghĩa là nhân vật xuất chúng mới có mặt trong từ "anh hùng" 英雄. Soạn giả này đã giảng giải rằng, trong từ "anh hùng", chữ "hùng" nghĩa là loài thú khoẻ nhất, tức là con gấu. Thật là hài hước, nhưng có lẽ người đọc không khỏi xấu hổ thay cho soạn giả.


2. âm vị 因位

Ðó là đơn vị ngữ âm nhỏ nhất có tác dụng phân biệt ý nghĩa của từ. Ðịnh nghĩa như vậy có lẽ cũng chấp nhận được. Nhưng soạn giả giải thích rằng, "vị" nghĩa là nói, thì hoàn toàn sai! Trong các từ điển chữ Hán, từ "âm vị" (từ tương ứng trong tiếng Anh là phoneme) đựợc viết là 音位. Chữ "vị" ở đây nghĩa là chỗ đứng, là vị trí, là đơn vị, chứ không phải vị là "nói" 謂 như soạn giả đã dạy bảo.


3. ẩn dụ 隱喻

Ẩn dụ là phép mỹ từ dùng sự so sánh ngầm. Soạn giả viết như vậy quả là không sai, nhưng ông lại giải thích rằng: ẩn = giấu kín, lánh đi, ngầm; và, dụ = rõ ràng, thì đã bộc lộ ngay một điều không ổn, vì hai trạng thái giấu kín và rõ ràng được kết hợp với nhau cùng một lúc, thật mâu thuẫn. Hơn nữa, như vậy thì ẩndụ đều chỉ tính chất chứ không chỉ hành động, mà từ ẩn dụ thì lại chỉ hành động chứ không chỉ tính chất. Theo từ điển Từ hải, chữ dụ 喻 có ba nghĩa: a) hiểu dụ (nghĩa là cấp trên giảng giải cho cấp dưới hiểu rõ), b) thông hiểu (nghĩa là hiểu hết), và c) tỉ dụ, tức là ví dụ. Cả ba nghĩa này đều chỉ hành động. Ðem mấy nghĩa này ghép với từ tố ẩn thì ta có thể hiểu rằng, ẩn dụso sánh ngầm, hoặc là chỉ bảo ngầm, và cũng có thể là làm cho hiểu ngầm. Trong tiếng Hán, còn có từ minh dụ 明喻, nghĩa là so sánh rõ ràng, cụ thể, đó là từ phản nghĩa với từ ẩn dụ.


4. bàng bạc 磅礡

Soạn giả cho rằng, bàng = rộng lớn; bạc = đầy bốn mặt, và, bàng bạc = rộng lớn, tràn lan khắp nơi. Cứ theo lời diễn giải ấy, chúng tôi tìm trong các từ điển Hán - Việt thì thấy chữ "bàng" 龐 có nghĩa là rộng lớn. Tiếc thay, cả ở các từ điển lớn của Trung Quốc như Từ nguyênTừ hải đều không thấy trường hợp nào có chữ bàng 龐 ấy đi kèm với một chữ bạc nào cả. Ngoài ra, chúng tôi cũng chưa tìm thấy chữ bạc nào có nghĩa là "đầy bốn mặt". Tuy vậy, cuối cùng cũng tìm được từ bàng bạc 磅礡 trong các từ điển của Trung Quốc. Nhưng các chữ bàng 磅 và bạc 礡 ở đây lại không hề có nghiã gốc như soạn giả đã giảng. Cụ thể, bàng 磅 là một từ tượng thanh (âm phổ thông Trung Quốc đọc gần giống như "pang" trong tiếng Việt), có nghĩa gốc là tiếng kêu khi đá rơi hoặc khi đập vào đá, và nghĩa mở rộng là đầy ứ. Chữ bạc 礡 thì có nghĩa là nện, là đập. Nghĩa của từ bàng bạc 磅礡 này là rộng lớntràn đầy, phù hợp với nghĩa mà soạn giả đã nêu. Như vậy là, ông đã chép ở đâu đó được cái nghĩa đúng của từ bàng bạc 磅礡 trong tiếng Hán, nhưng lại tự ý suy luận sai nghiã của các từ tố "bàng" và "bạc". Suy luận dựa theo cảm giác chủ quan của mình thì hết sức thiếu trách nhiệm và đương nhiên là sẽ phạm sai lầm. Xin lưu ý thêm rằng, chữ "bàng" 磅 này còn được dùng để dịch chữ "pound", một đơn vị trọng lượng trong tiếng Anh, mà chúng ta đọc là "bảng". Cũng không nên nhầm với chữ “bảng”鎊 dùng để chỉ đơn vị tiền tệ của nước Anh và một số nước khác.


5. bành trướng 膨脹

Sau khi giải thích rằng, bànhnước chảy mạnh, trướngnước dâng lên, soạn giả nêu định nghĩa: bành trướng nghĩa là lan rộng ra, là phát triển rộng ra. Sự thật thì ông đã đoán sai nghĩa của các từ tố. Bành 膨 nghĩa là phình to ra chứ không phải là nước chảy mạnh, trướng 脹 nghĩa là nở trương lên chứ không phải là nước dâng lên. Cả hai từ tố này không liên quan đến nước. Bành trướng có nghĩa gốc là trương phình to ra, nhưng nghĩa bóng là “mở rộng phạm vi thế lực” mới là nghĩa thường dùng. Ðịnh nghĩa do soạn giả nêu ra tuy không quá sai, nhưng chưa đạt.


6. báo giới 報界

Báo giới tức là ngành báo chí, chỉ chung những người làm báo, trong đó, "giới" nghĩa là bờ cõi, là phạm vi, là lãnh vực chứ không phải là hạng hoặc loại như soạn giả đã dạy. Chẳng có chữ "giới" nào có nghĩa là hạng hoặc loại. Chỉ vì tác giả không biết chữ Hán mới đoán liều như vậy mà thôi.


7. bát dật 八佾

Bát là tám, dật 佾 là đội hình ca múa. Bát dật 八佾 là đội hình ca múa có tám hàng ngang và tám hàng dọc, gồm 64 người. Tuy soạn giả nêu được định nghĩa rằng, bát dật là lối múa cổ có tám hàng, mỗi hàng tám người, nhưng ông đã phạm sai lầm khi giảng rằng, dật nghĩa là yên vui. Ðó là một sự suy đoán tuỳ tiện của người không biết chữ Hán mà chỉ dựa theo âm của từ tố.


8. bắc thần 北辰

Bắc thần nghĩa là Sao bắc cực. Chữ thần 辰 này có nhiều nghĩa, trong đó, có nghĩa là thiên thể, là tinh tú, là ngày tháng, là đế vương (khác hẳn với chữ thần 臣 nghĩa là kẻ bề tôi hoặc chữ thần 神 trong từ tinh thần 精神. Trong trường hợp này, thần 辰 có nghĩa là ngôi sao. Nó còn có âm là thìn để chỉ ngôi thứ 5 trong 12 ngôi địa chi (tí, sửu, dần mão, thìn, tị…) Soạn giả đưa ra một định nghĩa rất dài dòng: bắc thần là ngôi sao sáng hình như đứng yên một chỗ trên bầu trời và giúp ta xác định hướng chính bắc. Ðịnh nghĩa này không sai nhưng quá rườm ra. Ðiều không thể tha thứ được là, ông đã “phán” bừa rằng, “thần” nghĩa là tinh thần.


9. bộ đội 部隊

Soạn giả cho rằng, trong từ này, từ tố bộ nghĩa là bước đi, là đi bộ, còn từ tố đội thì có nghĩa là đội ngũ rồi ông nêu ra hai nghĩa của từ bộ đội: 1. Lính bộ binh (cũ); 2. Quân đội. Thực ra, hai nghĩa trên đây ứng với hai từ khác nhau là 步隊 và 部隊 (trong tiếng Hán, hai từ này đã xuất hiện hàng ngàn năm, chúng hoàn toàn đồng âm và đều có âm Hán Việt là bộ đội). Cách giải nghĩa của soạn giả chỉ đúng với nghĩa thứ nhất (trong đó, bộ 步 nghĩa là đi bộbộ đội 步隊 nghĩa là lính bộ binh) nhưng trong tiếng Việt và cả trong tiếng Hán hiện nay hầu như không ai sử dụng từ bộ đội 步隊 này nữa, mà chỉ có từ bộ đội 部隊 với nghĩa là quân đội. Chữ bộ 部 này (có mặt trong các từ như bộ phận, bộ môn, bộ trưởng ) có hơn một chục nghĩa, trong đó có một nghĩa là đơn vị biên chế quân sự cổ đại, mà về sau được dùng để chỉ quân đội nói chung (trong Tân hiện đại Hán ngữ từ điển do Vương Ðồng ức chủ biên thì đó là nghĩa thứ hai của chữ bộ 部). Khi giảng giải từ bộ đội, có lẽ soạn giả có dựa theo một vài quyển từ điển Hán Việt trước đây, nhưng chúng tôi đã căn cứ vào gần một chục quyển từ điển của Trung Quốc mới dám viết những dòng này.


10. bức xạ 輻射

Theo soạn giả, bức nghĩa là bắt buộc, xạ nghĩa là bắn; bức xạ là sự phát và truyền năng lượng dưới dạng sóng và dạng hạt. Có thể chấp nhận định nghĩa này về bức xạ. Nhưng soạn giả đã phạm sai lầm nghiêm trọng khi ông đoán liều rằng, bức nghĩa là bắt buộc. Chữ "bức" 輻 ở đây (khác hẳn chữ bức 逼 là bắt buộc) có nghĩa gốc là nan hoa ở bánh xe, và có nghĩa mở rộng là toả ra khắp mọi phía xung quanh.


11. cải cách 改革

Từ cải cách vốn rất quen thuộc với mọi người nên soạn giả đã nêu được định nghiã đúng của nó: cải cáchsửa đổi về căn bản theo hướng tiến bộ. Tuy nhiên, ông chỉ giảng đúng nghĩa của từ tố cải 改 nghĩa là biến đổi, nhưng giảng sai nghĩa của từ tố cách. Chữ cách 革 có nghĩa gốc là cạo sạch lông trên da thú trước khi thuộc da, và có nghĩa mở rộng là trừ khử cái cũ, là thay đổi mạnh mẽ. Trong từ cải cách, cách 革 nghĩa là thay đổi mạnh mẽ (khác hẳn với chữ cách 格 trong từ “cách thức” 格式. Vì không đọc được chữ Hán, nên soạn giả đã đoán liều rằng, cách nghĩa là cách thức!


12. cao thượng 高尚

Cao nghĩa là không thấp kém. Ai cũng hiểu như thế, và đúng là như thế. Nhưng, thượng nghĩa là gì? Theo soạn giả thì thượng nghĩa là trên. Mới xem qua thì tưởng như thế là đúng. Tuy nhiên, kinh nghiệm và trí nhớ của chúng tôi đã mách bảo rằng, như thế chưa đúng. Tra cứu lại sách vở, chúng tôi thấy mình không nhầm. Trong từ cao thượng 高尚, chữ thượng 高 này (khác với chữ thượng 上 nghĩa là trên) có nhiều nghĩa, trong đó có nghĩa là «chuộng”, là vượt lên trên. Ðó chính là nghĩa được vận dụng trong từ này. Cao thượng nghĩa là chuộng cái thanh cao, là vượt lên cao, thoát khỏi những điều tầm thường. Ðiều đáng mừng là, tuy soạn giả không hiểu hết các từ tố nhưng ông đã nêu được một định nghĩa không sai về từ cao thượng. Giá như ông đừng khoe tài chữ nghĩa, đừng cắt nghĩa các từ tố thì đỡ phạm sai lầm. Nhưng khốn nỗi, việc giải nghĩa các từ tố lại là mục đích của cuốn từ điển này!


13. cấm khẩu 噤口

Ở đây, cấm 噤 nghĩa là câm chứ không phải là ngăn cấm; còn khẩumiệng thì có lẽ ai cũng biết. Cấm khẩu là cái miệng bị câm không nói được chứ không phải là cấm cái miệng, không phải là không cho nói. Soạn giả đã giải thích rằng, cấm nghĩa là không cho làm, và cấm khẩu nghĩa là không cho nói. Do không hiểu nghĩa của từ tố “cấm” vì không biết mặt chữ nên soạn giả đã giảng sai nghĩa của từ cấm khẩu.


14. đại để 大抵

Theo từ điển Từ nguyên, đại 大 là lớn, để 抵 là nền, là gốc (nay thường viết là 氐) ﹐ đại để 大抵 là bao quát những nét lớn. Hiện nay, chữ để 抵 chủ yếu được dùng với nghĩa là chống lai (như trong từ để kháng mà ta quen đọc là đề kháng), đụng đến, đến. Soạn giả không có khả năng tra cứu theo chữ Hán nên đã cho rằng, để nghĩa là cho đến. Ðó chỉ là một nghĩa của chữ để 抵 nhưng không phải là nghĩa đúng trong từ đại để.


15. đại sứ 大使

Ðại sứ là quan chức ngoại giao đại diện cho một nước tại một nước khác. Ðịnh nghĩa của soạn giả cũng gần giống như thế. Nhưng ông đã giảng giải rằng, đại nghĩa là thay thế, và sứ nghĩa là nhận lệnh đi làm một việc gì đó. Giảng như thế là sai. Ở đây, đạilớn, sứ người được triều đình hay chính phủ cử đi làm công việc ở bên ngoài. Phải chăng, ông nghĩ rằng, đại sứ là người thay mặt chính phủ cho nên "đại" phải là thay thế? Tuy nhiên, dù lý sự kiểu gì thì chúng ta vẫn phải căn cứ vào sách vở, mà các sách chữ Hán đều ghi từ đại sứ 大使, trong đó, đại 大 nghĩa là lớn chứ không phải chữ đại 代 nghĩa là thay thế.


16. đề bạt 提拔

Theo soạn giả: đề = nắm lấy, đưa ra; bạt = nhảy qua; đề bạt là cất nhắc người có tài lên địa vị cao hơn. Ông đã cắt nghĩa chữ "bạt" 拔 một cách thiếu suy xét. Ở đây, bạt 拔 nghĩa là nhổ lên, là nhấc lên, là nổi trội lên chứ không có nghĩa là nhảy qua. Ngoài ra, nên định nghĩa lại rằng, đề bạt là cất nhắc người cấp dưới lên chức vụ cao hơn trước. Nên bỏ bớt cụm từ “người có tài” vì nó gán thêm cho từ “đề bạt” một ý rất lành mạnh mà từ này vốn không chứa nghĩa ấy.


17. đồng bộ 同步

Ðây là một từ khá quen thuộc với mọi người, và ai cũng hiểu rằng, đồng nghĩa là cùng nhau, như soạn giả đã dạy. Nhưng, phần đông những người không biết chữ Hán thường nghĩ rằng, bộ nghĩa là một tập hợp gồm nhiều phần, như ta thường nói: bộ quần áo, bộ ấm chén, v.v. Soạn giả của chúng ta cũng nằm trong số những người ấy, và ông đã giải nghĩa từ tố bộ như trên. (Chữ bộ này 部 cũng dùng để chỉ cơ quan quản lý từng ngành ở cấp trung ương.) Còn trong từ đồng bộ 同步 thì bộ 步 nghĩa là bướcđồng bộ nghĩa là mối quan hệ nhịp nhàng giữa hai hoặc nhiều bộ phận hoặc sự vật song hành và luôn luôn biến hoá về lượng theo thời gian, như trong các nhóm từ động cơ đồng bộ, tăng trưởng đồng bộ. Khi đã không hiểu nghĩa của các từ tố thì thật khó nêu được định nghĩa đúng của từ. Theo soạn giả, đồng bộ = nói các bộ phận đều tiến hành đều đặn cùng một thời gian. Ðịnh nghĩa này không rõ ràng, không đạt, và chỉ chứng tỏ rằng, giữa nó và nghĩa của từ tố “bộ” mà soạn giả đã nêu chẳng có liên quan gì với nhau.


18. hậu cần 後勤

Hậu 後 là sau thì ai cũng biết rồi. Chữ cần 勤 có mặt trong các từ cần cù, cần lao, cần mẫn, cần vụ, cần vương… Nó có nghĩa là chịu khó làm việc, là chăm chỉ, là hết lòng giúp sức (như trong từ cần vương - nghĩa là hết lòng phò tá nhà vua), là cần vụ, tức là công việc trợ giúp, là việc phục vụ. Trong từ "hậu cần" thì "cần" nghĩa là sự trợ giúp, là sự phục vụ. Hậu cần là công tác phục vụ ở phía sau chiến trường. Chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy soạn giả giảng giải rằng, chữ "cần" ở đây nghĩa là cần thiết. Ðể diễn đạt sự cần thiết, trong tiếng Hán, ngươi ta dùng từ “nhu yếu”: Nên nhớ rằng, trong tiếng Hán không co chữ “cần” nào có nghĩa là “cần thiết” cả.


19. hoa lệ 華麗

Trong từ này, hoa 華 nghĩa là tốt đẹp (khác với chữ hoa 花 nghĩa là bông hoa), lệ 麗 nghĩa là đẹp đẽ. Hoa lệđẹp đẽ một cách lộng lẫy, sang trọng. Soạn giả không có khả năng đọc chữ Hán để hiểu nghĩa nên đã đoán liều rằng, hoa nghĩa là bông hoa và định nghĩa rằng, hoa lệ là đẹp đẽ và tươi vui. Ðó là một định nghĩa không chính xác.


20. hồn hậu 渾厚

Ðịnh nghĩa về từ này như soạn giả nêu ra là đúng. Ông cho rằng, hồn hậu là chất phác và phúc hậu. Nhưng trong hai từ tố, ông chỉ giảng đúng được một. Theo ông, hồnlẫn vào bên trong, không lộ ra, và, hậu nghĩa là dày. Chúng tôi cảm thấy nghi ngờ về cách giải nghĩa từ tố hồn của ông, mặc dầu vẫn biết rằng, ông đã dựa theo một quyển từ điển Hán Việt rất có uy tín (tuy nhiên, đây là một trong rất ít trường hợp chưa ổn trong quyển ấy). Sách Cổ kim Hán ngữ từ điển (Thương vụ ấn thư quán, Bắc Kinh, 2000) nêu ra 8 nghiã của chữ hồn 渾trong đó có nghĩa thứ năm là chất phác kèm theo thành ngữ hồn kim phác ngọc (nghĩa là vàng ngọc nguyên sơ, chưa chạm khắc) và từ hồn hậu. Như vậy, trong từ hồn hậu thì hồn nghĩa là chất phác, không trau chuốt, không giả tạo. Từ tố hậu tuy đã được cắt nghiã đúng nhưng cũng nên hiểu là đầy đặn, không bớt xén




21. hồn nhiên 渾然

Trên đại thể, nghĩa của hai từ hồn nhiênhồn hậu gần giống nhau, và soạn giả cũng hiểu như vậy. Ðương nhiên, từ tố hồn trong cả hai từ này vẫn bị giảng sai như đã nói ở từ hồn hậu. Về từ tố nhiên thì soạn giả cho rằng, nhiên = như thường, như vậy thật không ổn. Cổ kim Hán ngữ từ điển nêu ra 11 nghĩa của chữ nhiên 然, trong đó có nghĩa thứ mười là: từ tố được đặt sau tính từ, để biểu thì trạng thái, ví dụ, an nhiên, hốt nhiên, v.v. Phải giải nghĩa từ tố nhiên trong từ hồn nhiên (cũng như trong các từ điềm nhiên, hiển nhiên, mặc nhiên, ngang nhiên, tự nhiên, v.v. ) như vậy mới đúng. Trong quyển từ điển mà chúng ta đang xem xet, tất cả mọi từ có có từ tố nhiên ở cuối đều bị giảng sai như trên.


22. hùng cứ 雄踞

Theo soạn giả thì hùng nghĩa là mạnh mẽ, cứ nghĩa là chiếm giữ, và, hùng cứ nghĩa là chiếm giữ một nơi và tự coi như chúa tể nơi ấy.

Về định nghĩa của từ hùng cứ như soạn giả đã nêu, chúng ta có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, ông không được phép suy diễn một cách tuỳ tiện khi giải nghĩa các từ tố. Trong từ “hùng cứ”, chữ cứ 踞 có nghĩa là ngồi xổm (khác với chữ “cứ” 據 nghĩa là chiếm giữ), và hùng cứ nghĩa là choán chỗ một cách ngang nhiên, coi mình là chúa tể ở nơi mới chiếm được.


23. hùng hồn 雄渾

Trong các quyển từ điển chữ Hán thông thường, chữ “hồn” 渾 được giải nghĩa là nước đục, là lộn xộn (đồng nghĩa với chữ “hỗn” 混 trong các từ “hỗn hợp”, “hỗn độn” ), là chứa ở bên trong, là tất cả. Có lẽ soạn giả chỉ dựa vào đó nên đã cắt nghĩa rằng, hồn nghĩa là bao quát. Thật ra, các nghĩa vừa kể chỉ là một số nghĩa thông dụng nhất hiện nay của chữ hồn 渾, và đều là những nghĩa mở rộng chứ không phải là nghĩa gốc của nó (mà cũng là nghĩa được thể hiện trong từ “hùng hồn”). Chữ “hồn” vốn có nghĩa là nước trào dâng cuồn cuộn, rồi từ đó mà mở rộng ra thành các nghĩa kể trên. Trong từ hùng hồn 雄渾, hùng nghĩa là mạnh mẽ, chữ hồn 渾 được dùng theo đúng nghĩa gốc của nó, nghĩa là tuôn chảy. Hùng hồn là một tính từ để chỉ lời nói hoặc lời văn mạnh mẽ và trôi chảy, đầy sức thuyết phục. Tuy soạn giả đã nêu được định nghĩa gần đúng như thế cho từ hùng hồn và nghĩa đúng cho từ tố hùng nhưng ông đã bịa đặt nghĩa cho từ tố hồn, đó là một lỗi lớn.


24. khai khẩn 開墾

Khai 開 nghĩa là mở đầu, là mở rộng ra. Khẩn là bới lật đất, là biến đất hoang thành đất trồng trọt. Khai khẩn là vỡ đất hoang để trồng trọt. Soạn giả đã giải thích đúng nghĩa của từ tố “khai” và của từ “khai khẩn”. Nhưng ông giảng giải rằng, khẩn 墾 là cày bừa, thì quả là chưa chính xác. Cày bừa là công việc rất bình thường của nhà nông, còn khai khẩn đất đai là một công việc rất gian khổ nhằm tạo nên đất để cày bừa và trồng trọt.


25. khoản đãi 款待

Chúng tôi ngạc nhiên khi thấy soạn giả giải thích rằng, "khoản" nghĩa là lưu khách lại. Thực ra, khoản nghĩa là chân thành, như trong từ "khẩn khoản", và có nghĩa mở rộng là đối xử chân thành. Các từ điển của Trung Quốc giải thích rằng, khoản đãi nghĩa là ân cần tiếp đãi, tức là tiếp đãi chu đáo, tận tình. Tất nhiên, muốn khoản đãi ai thì thường phải giữ người ta ở lại nhà mình, nhưng chữ "khoản" không mang nghĩa ấy thì đừng nên bịa thêm mà làm sai nghĩa của nó.


26. khước từ 卻辭

Từ tức là từ chối, nhưng, bảo rằng khướcco lại thì quả là lạ. Vì thấy lạ quá nên chúng tôi phải tra một quyển từ điển khá to, có ghi chú bằng tiếng Anh, và được biết rằng, chữ khước 卻 có những nghĩa sau đây: 1) lùi bước, rút lui (step back, retreat, withdraw; 2) trừ khử (get rid of); 3) tránh (avoid); 4) cự tuyệt (refuse); 5) quay về, quay lại (turn back); 6) đánh lui, đẩy lùi (repulse); 7) lại, cũng (also); 8) nhưng mà, vậy mà, trái lại (at the same time). Hoàn toàn không có nghĩa nào là "co lại". Hơn nữa, những nghĩa vừa nêu cũng quá đủ để cắt nghĩa từ khước từ rồi, trong khi nghĩa "co lại" (cứ coi là có thật) thì cũng chẳng ăn nhập gì ở đây cả.


27. lâm tẩu 林藪

Soạn giả giải thích: lâm = rừng; tẩu = nơi đồng nội, và, lâm tẩu là nơi ở ẩn trong rừng núi, rối đưa ra một câu ví dụ: Kẻ thành thị, kẻ vui miền lâm tẩu (Cao Bá Quát). Thực ra, ông không hề biết nghĩa của chữ “tẩu” và nghĩa của từ “lâm tẩu”, mà đã dựa vào câu thơ của Cao Bá Quát để đoán mò. Tẩu 藪 nghĩa là nơi ao đầm có cỏ cây rậm rạp chứ không phải là nơi đồng nội. Từ “lâm tẩu” có hai nghĩa: a) nơi hoang vu rậm rạp; b) nơi tụ tập.


28. lộng hành 弄行, lộng quyền 弄權

Lộng hành nghĩa là hành động một cách coi thường mọi người. Lộng quyền nghĩa là đem quyền hành ra làm trò đùa, muốn làm gì thì làm, chẳng kể gì đến phép tắc luật lệ. Chữ lộng 弄 có một số nghĩa thông thường là: chơi đùa; đem sự vật khác hoặc sự việc khác ra làm trò đùa; khinh nhờn, coi thường. Với nghĩa như thế, người ta còn có từ lộng nguyệt, nghĩa là chơi đùa với trăng, tức là vui chơi dưới ánh trăng, lộng ngôn là nói năng bừa bãi, thích nói gì thì cứ nói, và lộng bút nghĩa là viết lách vô trách nhiệm, không biết cũng viết bừa, coi thường mọi người. Tiếc thay, soạn giả chỉ nắm được nghĩa sơ sài của các từ lộng hànhlộng quyền rồi suy ra rằng, “lộng” nghĩa là lấn át. Chưa kể đến hàng trăm trường hợp giảng giải liều lĩnh khác, chỉ riêng trường hợp này cũng đã đủ cho phép mọi người coi ông là một kẻ lộng bút.


29. mạch lạc 脈絡

Mạch 脈 là đường dẫn máu trong cơ thể, hẳn ai cũng biết rồi. Tất nhiên, mạch còn có nghĩa là một hệ thống các đường ngang lối dọc tựa như mạch máu. Còn lạc là gì? Soạn giả giải thích rằng, lạcdây thần kinh (!) Có đúng hay không? Phải chăng, nghĩa đen của từ mạch lạcmạch máu và dây thần kinh có quan hệ với nhau – như soạn giả đã giải thích? Thật là sai lầm khi hiểu rằng, lạc nghĩa là dây thần kinh. Chữ lạc không hề có nghĩa đó. Lạc là những nhánh ngang nối liền các đường dọc để tạo thành một mạng lưới đường ngang lối dọc. Theo các từ điển Từ nguyênTừ hải thì mạch lạc 脈絡 vốn là một thuật ngữ của Trung y (tức là y học cổ truyền của Trung Quốc, mà ta quen gọi là Ðông y), chỉ hệ thống động mạch và tĩnh mạch trong cơ thể. Từ đó, “mạch lạc” có nghĩa mở rộng là sự nối tiếp các mối liên hệ theo một trật tự hợp lý và có hệ thống. Ngoài ra, chúng ta còn dùng từ “mạch lạc” như một tính từ, với nghĩa là có hệ thống phân minh. Soạn giả cho rằng, mạch lạc là quan hệ chặt chẽ giữa các bộ phận. Ðịnh nghĩa như vậy chưa thật chính xác.


30. miên man 綿蔓

Miên man nghĩa là kéo dài, hầu như không bao giờ hết. Ðịnh nghĩa như vậy không có gì đáng phàn nàn. Nhưng, khi giải nghĩa các từ tố, soạn giả cho rằng, miên = kéo dài; man = nước tràn, dài thì chúng tôi thấy chỉ đúng ở chữ miên, còn nghĩa của chữ man thì quả là rất đáng nghi ngờ. Tra cứu ở vài quyển từ điển Hán Việt (trong đó có Hán Việt từ điển của Ðào Duy Anh), chúng tôi thấy có từ “miên man” 綿蠻 (trong đó, man 蠻 là chữ mà người Trung Hoa ngày xưa dùng để chỉ các dân tộc chưa khai hóa ở phương nam, như trong các từ nam man, dã man) và tìm thấy lời giải thích rằng, miên man nghĩa là tiếng chim kêu líu lo; có quyển còn nói rõ hơn: miên man = tiếng chim hót líu lo, tiếng nọ dính với tiếng kia; tiếp nối không dứt, hết cái này tới cái kia, hết chuyện này tới chuyện kia. Ðến đây, mối nghi ngờ vẫn chưa chấm dứt, bởi vì chữ man 蠻 không có nghĩa là tiếng chim hót, hơn nữa, từ miên man chỉ gợi hình ảnh chứ không gơị âm thanh. Cuối cùng, tra cứu ở từ điển Từ nguyên, chúng tôi tìm ra từ miên man 綿蔓, trong đó, man 蠻 nghĩa là bò lan dài ra (nói về thực vật bò hoặc leo). Từ tố này thật xác đáng, thật sát nghĩa, không có gì phải phân vân nữa.


31. minh tinh 銘旌

Từ minh tinh ở đây không phải là ngôi sao sáng, và có nghĩa khác hẳn vì có dạng chữ Hán hoàn toàn khác. Ðó là dải lụa (hoặc vải, giấy) có ghi tên tuổi và danh vị của người chết, được rước đi trước linh cữu trong đám tang. Soạn giả đã hiểu đúng như thế, nhưng đã suy đoán sai nghĩa của một trong hai từ tố. Theo ông, minh = tối tăm, sâu kín; tinh = cờ có cắm lông ở ngù. Có lẽ ông nghĩ rằng, đồ vật này liên quan đến người chết nên phải chọn chữ minh 冥 nghĩa là tối tăm. Nhưng, soạn từ điển mà không có nguồn sách tra cứu thật phong phú và đáng tin cậy thì dĩ nhiên là phải “sai tùm lum” như soạn giả của chúng ta vậy. Ông đã đoán sai chữ “minh”. Theo từ điển Từ nguyên thì trong từ minh tinh này, minh 銘 nghĩa là ghi nhớ, và chỉ trong đám tang của những người có chức tước mới có minh tinh. Ngoài ra, theo từ điển này, người ta cũng viết là minh tinh 明旌 trong đó minh 明 nghĩa là sáng, và cũng có khi viết là tinh minh 旌銘。


32. nghiễm nhiên 儼 然

Theo soạn giả, nghiễm nghĩa là hình như, giống như; nhiên nghĩa là như thường; và nghiễm nhiên có hai nghĩa; 1) tự nhiên được hưởng một quyền lợi; 2) không băn khoăn, không áy náy.

Giải thích như thế chưa ổn. Nghiễm nghĩa là trang trọng, nghiêm túc, đoan trang. Về từ tố nhiên, chúng tôi đã nói rõ ở mục từ hồn nhiên, số 20 trong phấn này. Nghiễm nhiên 儼 然
có vẻ trang nghiêm một cách bình thản, ra dáng đắc ý, làm cho mọi người phải ngạc nhiên.


33. ngoa dụ 訛喻

Có lẽ ai cũng biết rằng, ngoa 訛 nghĩa là nói quá sự thật. Ngoa dụ 訛喻 nghĩa là diễn đạt quá sự thật để làm nổi bật một ý nào đó. Soạn giả đã giảng đúng nghĩa của từ ngoa dụ nhưng giảng sai nghĩa của từ tố dụ. Ông cho rằng, dụ nghĩa là rõ ràng. Về từ tố dụ 喻, chúng tôi đã phân tích ở mục từ ẩn dụ (số 3 trong phần này). Trong trường hợp này, dụ có nghĩa là tỷ dụ, nghĩa là nêu ra một điều tương tự để gợi ý cho dễ hiểu.


34. ngoại diên 外延

Soạn giả giảng rằng, ngoại = ngoài, diên = noi theo, và, ngoại diênmột từ triết học, chỉ toàn thể hiện tượng và hình thức bao gồm trong một khái niệm. Thật ra, đây là một thuật ngữ logic học, và nên được định nghĩa như sau: ngoại diêntập hợp tất cả các đối tượng có các thuộc tính chung được phản ánh trong một khái niệm. Ngoài ra, ông đã đoán sai nghĩa của chữ “diên”. Chữ “diên” 延 này nghĩa là kéo dài, là nối dài ra, khác hẳn với chữ “duyên” 沿 (mà đôi khi người ta cũng đọc là “diên”) nghĩa là “noi theo”.


35. nhân huynh 仁兄

Ðây là một từ dùng trong việc xưng hô, để tôn xưng một người bạn quý. Soạn giả đã nói đúng nghĩa của từ nay. Huynh 兄 là anh thì ai cũng rõ rồi, nhưng, phải chăng, nhânngười? Cứ theo nghĩa của từ này thì người đọc tinh ý, dù không biết chữ Hán cũng cảm thấy đáng ngờ khi soạn giả giảng rằng, nhânngười. Thật vậy, ở từ này, nhân 仁 là tình thương yêu con người, là có phẩm chất tốt đẹp (khác với chữ nhân 人 là người).


36. niên hoa 年華

Niênnăm, hoatốt đẹp. Từ đó, soạn giả cho rằng, niên hoatuổi thanh xuân. Như vậy, phải chăng, niên hoa cũng đồng nghĩa với hoa niên?. Chúng tôi nghi ngờ lời giải thích này. Từ điển Từ nguyên cho biết rằng, niên hoa nghĩa là niên tuế, là năm tháng, là thời gian. Theo từ điển này thì ngày xưa, chữ hoa 華 và chữ quang 光 thường dùng để chỉ thời gian, như trong từ thiều quang hoặc thiều hoa. Như vậy, trong từ niên hoa, từ tố hoa không có nghĩa là tốt đẹp, mà có nghĩa là thời gian


37. phi công 飛工

Phi là bay, phi công là người lái máy bay. Ðiều đó thì ai cũng biết cả nên soạn giả cũng không lầm. Nhưng ông không hiểu từ tố “công” nên đã giảng sai nghĩa của nó. Chữ công 工 trong từ này nghĩa là người thợ, cũng giống như trong các từ công nhân, nhạc công (người sử dụng nhạc cụ chuyên nghiệp), họạ công (thợ vẽ), vũ công (thợ múa), chứ không phải công 公 nghĩa là ông, như soạn giả đã nghĩ. Nên chú ý rằng, từ phi công có lẽ do người Việt Nam đặt ra, vì trong các từ điển của Trung Quốc, không có từ này mà chúng tôi chỉ tìm thấy từ "phi hành gia".


38. quắc thước 矍鑠

Quắc thước (thường dùng để nói về các cụ già) nghĩa là có đôi mắt tinh anh và có dáng vẻ hoạt bát, khoẻ manh. Soạn giả hiểu được ý này nhưng đã đoán sai nghĩa của từ tố quắc. Quắc nghĩa là chợt mở to đôi mắt rất nhanh để nhìn khi gặp một tình huống bất ngờ, thể hiện tính nhạy cảm và linh hoạt của đôi mắt. Người cao tuổi mà vẫn giữ được dáng vẻ như thế là một điều đặc biệt. Vì vậy từ quắc thước dùng để nói về người già mà đôi mắt vẫn tinh tường, mặt mũi vẫn hồng hào đẹp đẽ. Trong tiếng Việt, từ quắc mắt thường được hiểu là mở to mắt mà nhìn với vẻ bất bình. Có lẽ soạn giả dựa vào đó để suy ra rằng, quắc nghĩa là nhìn chằm chằm. Không tra cứu được sách vở, chỉ biết dựa dẫm và đoán mò mà dám soạn từ điển thì quả là quá liều lĩnh.


39. tằng tổ 曾祖

Tằng tổ nghĩa là người cha của ông nội, tức là cụ nội. Soạn giả đã giảng giải đúng nghĩa của từ này. Tuy nhiên, ông cho rằng, tằngông tổ bốn đời thì không ổn. Các từ điển của Trung Quốc đều giải thích rằng, tằng 曾 là tính từ để chỉ quan hệ thân thuộc cách nhau hai đời (hoặc kể từ đời nọ đến đời kia thì tính là bốn đời). Bởi vậy, mới có từ tằng tôn nghĩa là đứa cháu ở đời thứ tư (mà ta gọi là chắt). Như vậy, rõ ràng rằng, tằng không phải là ông tổ bốn đời như soạn giả đã dạy.


40. thanh trừng 清澈

Theo soạn giả, thanh nghĩa là trong sạch; trừng nghĩa là trừng phạt, và, thanh trừngtrừng phạt để giữ được sự trong sạch. Rồi ông đưa ra một câu để ví dụ: Thanh trừng những kẻ tham ô của công. Ở mục từ này, ông chỉ nói gần đúng nghĩa của từ tố “thanh”. Thực ra, phải hiểu răng, thanh nghĩa là làm cho sạch thì mới đúng. Còn từ tố “trừng” mà giảng như thế thì chứng tỏ ông hoàn toàn không biết nghĩa của nó. Trừng ở đây nghĩa là gạn đãi để thải hết cặn bã, khác hẳn với chữ trừng 懲 trong từ trừng phạt 懲罰. Thanh trừng nghĩa là loại bỏ những phần tử có hại hoặc không cần nữa, để cho nội bộ một tổ chức được trong sạch, thuần nhất. Người Trung Quốc thường nói là “trừng thanh”, nghĩa là gạn đãi cho trong sạch.


41. thân hào 神豪

Soạn giả giảng giải rằng, thân nghĩa là cái dải mũ của quan văn, và cũng có nghĩa là người có học; hào nghĩa là tài giỏi; thân hào là người có học thức và có uy tín trong xã hội cũ. Về từ tố thân 紳 ông đã giải thích sai. Thân 神 là cái đai áo thụng của các quan to chứ không phải là cái dải mũ của quan văn, và cũng có nghĩa là người có địa vị cao.Chữ hào 豪 có nhiều nghĩa, ở đây có nghĩa là người tài năng xuất chúng. Thân hào 紳豪 là người có tài năng và địa vị cao trong xã hội phong kiến.


42. thân sĩ 紳士

Chữ thân ở đây cũng nghĩa là cái đai áo của các quan to nhưng soạn giả vẫn giải nghĩa là cái dải mũ của quan văn. Thân sĩ là người có học thức và địa vị cao trong xã hội cũ, chứ không phẩi là người có học thức tham gia cách mạng như soạn giả đã định nghĩa. Chúng tôi nghĩ rằng, soạn giả vốn không đọc được chữ Hán, mọi lời giảng giải của ông chủ yếu là dựa vào trí nhớ và kinh nghiệm, bởi vậy nên mới nhớ cái dải áo thành ra cái dải mũ.


43. thế nghiệp 世業

Thế 世 nghĩa là đời, nghiêp 業 là sự nghiệp hoặc sản nghiệp. Thế nghiệp 世業 là sự nghiệp hoặc tài sản do đời trước để lại. Các bộ từ điển đáng tin cậy đều định nghĩa như thế. Tiếc thay, soạn giả đã giảng rất sai rằng, thế nghĩa là quyền lực hoặc trạng thái (có dạng chữ Hán là 勢), nghiệp nghĩa là nghề, và, thế nghiệp là chức vụ do cha ông để lại trong thời phong kiến.


44. thôi thúc 催促

Từ này tưởng là quá đơn giản, thế mà soạn giả đã giảng sai.Theo ông, thôi nghĩa là thúc giục, và, thúc nghĩa là buộc. Thực ra, chữ thúc 促 này có nghĩa là giục giã,đòi phải tăng tốc, như trong từ đốc thúc, khác với chữ “thúc束 nghĩa là buộc. Chữ thúc trong từ thôi thúc cũng có âm là xúc, và có mặt trong từ xúc tiến.


45. thủ tục 手續

Soạn giả giảng giải rằng, thủtay, tụcthói quen, rồi đưa ra định nghĩa: thủ tục là cách thức tiến hành công việc theo một thứ tự hoặc một luật lệ đã quen. Như vậy, ông chưa giải nghĩa được các từ tố. Thủ 手 có nghĩa đen là bàn tay, và có nghĩa mở rộng là công việc, là cách làm việc; tục 續 nghĩa là tiếp nối, là trình tự, khác hẳn với chữ tục 俗 nghĩa là thói quen. Thủ tục 手續 là trình tự và phương pháp làm việc. Ðịnh nghĩa do soạn giả nêu lên tuy không sai, nhưng dài dòng và thừa các chữ “đã quen” và gán cho từ “thủ tục” cái sắc thái quan liêu và câu nệ hình thức, tuy không có sắc thái “tiêu cực” đó.


46. thuần dưỡng 馴養

Sau khi giảng giải rằng, thuần = đều một loạt, không tạp nhạp; và dưỡng = nuôi, soạn giả rút ra định nghĩa: thuần dưỡng là làm cho thú rừng trở thành thú nuôi. Ông đã giảng sai về từ tố thuần. Với nghĩa như thế thì từ tố thuần chắng dính dáng g với nghĩa của từ thuần dưỡng cả. Chữ thuần 馴 ở đây nghĩa là dạy cho động vật hoang dã quen với điều kiện sống do con người tạo ra. Như vậy, thuần dưỡng 馴養nghĩa là nuôi và dạy cho động vật hoang dã quen với điều kiện sống do con người tạo ra.


47. thuần hoá 馴化

Soạn giả cho rằng, trong từ thuần hoá, thuần = thực thà, dày dặn, tốt đẹp; và, thuần hoá = biến vật hoang dại thành vật thích ứng với môi trường mới. Ông đã giảng chữ thuần ở đây khác với chữ thuần trong từ thuần dưỡng, nhưng vẫn giảng sai. Chữ thuần ở đây và ở từ thuần dưỡng chỉ là một. Thuần hoá 馴化 nghĩa là cải biến môi trường sống và thói quen của động thực vật hoang dã, làm cho chúng thích nghi với điều kiện chăn nuôi và trồng trọt do con người tạo ra.


48. thường trực 常值

Ai cũng biết rằng, thường trực 常值 nghĩa là luôn luôn có mặt tại cương vị của mình. Thường 常 nghĩa là lúc nào cũng vậy, nhưng, phải chăng, trực nghĩa là gánh việc, như lời giải thích của soạn giả? Không phải như vậy. Chữ trực 值 có nhiều nghĩa. Trước hết, trực 值 là một động từ, có các nghĩa chính như sau:để, đặt; nắm giữ; trực ban (nghĩa là có mặt tại cương vị công tác của mình để giải quyết công việc). Ngoài ra, chữ trực 值 còn có âm là trị, nghĩa là đáng giá và cũng có nghiã là giá trị hoặc giá tiền. Chữ “trực” 值 chẳng có nghĩa nào là gánh việc như soạn giả đã bịa đặt.


49. trang hoàng 裝潢

Theo soạn giả, trang nghĩa là tô điểm, hoàng nghĩa là rực rỡ, và trang hoàng nghĩa là bày biện cho đẹp mắt. Ðịnh nghĩa về trang hoàng thì đúng, nhưng giải nghĩa các từ tố thì tuy có vẻ hợp lý nhưng mà sai. Quả thật, có những quyển từ điển Hán Việt đã giải thích như thế, nên đã viết là 粧煌, trong đó, trang 粧 nghĩa là tô điểm, hoàng 煌 có nghĩa là rực rỡ. Nhưng khi xem lại từ điển Từ nguyên thì chúng tôi chỉ thấy từ trang hoàng 裝潢 trong đó, chữ hoàng 潢 không có nghĩa là rực rỡ. Ở đây, trang 裝 nghĩa là bày đặt, sắp xếp, và cũng có nghĩa là làm cho đẹp; hoàng 裝 nghĩa là giấy mầu; trang hoàng có nghĩa đen là dùng giấy nhuộm màu để làm đẹp cho những bức thư hoạ (tác phẩm nghệ thuật kết hợp hội hoạ và thư pháp chữ Hán), và nghĩa rộng là bài trí để làm tăng vẻ đẹp, thường là cho các công trình xây dựng.


50. trữ tình 抒情

Soạn giả không hề biết “mặt chữ” mà chỉ biết phỏng đoán theo cảm tính nên đã giảng giải rằng, trữchứa chất, tìnhtình cảm; trữ tìnhchứa chất tình cảm. Thật là sai lầm nghiêm trọng. Nên nhớ rằng, ở đây, trữ 抒 nghĩa là biểu đạt, là bày tỏ. Trữ tình nghĩa là biểu đạt tình cảm. Cần phân biệt chữ "trữ" 抒 này với chữ trữ 貯 trong từ tích trữ.


51. trực ban 值班

Các từ tố trong từ này được giải thích không đúng. “Trực” ở đây mà giảng là thẳng, là thẳng thắn, là đợi, thì sai hết. Trực vốn là một động từ, ở đây cũng dùng để chỉ hành động (xin xem giải nghĩa từ tố này tại mục từ thường trực, số 47). Ban 班 ở đây nghĩa là phiên làm việc được phân công theo từng khoảng thời gian trong một ngày. Trực ban nghĩa là có mặt tại phiên làm việc để đảm nhiệm công tác, và cũng có khi được hiểu là người đảm nhiệm phiên làm việc ấy. Soạn giả nghĩ rằng, ban là tổ chức nhiều người cùng một việc rồi đi đến định nghĩa: trực ban là những người phải có mặt ở cơ quan để tiếp xúc với người đến có việc. Thật là thiếu sót, vì trước hết, trực ban là một từ chỉ công việc chứ không phải để chỉ một nhóm người.


52. trực chiến 值戰

Soạn giả cũng giải thích từ tố “trực” như ở từ “trực ban”, rồi định nghĩa: trực chiến là tự tham gia cuộc chiến đấu. Thật đáng ngạc nhiên về cách hiểu ngớ ngẩn như vậy của soạn giả. Phải định nghĩa như sau mới đúng: trực chiến là có mặt ở vị trí cần thiết để sẵn sàng chiến đấu.


53. từ vị 辭彙

Trước đây, ở nước ta, từ điển thường được gọi là tự vị (sai, xin xem các mục “tự vị” ở ngay dưới đây và mục II. 15) hoăc cũng có người gọi là từ vị. Soạn giả cũng cho rằng, từ vị nghĩa là từ điển. Ðiều đáng phàn nàn là, ông chỉ căn cứ theo âm để đoán nghĩa nên đã cho rằng, vị nghĩa là nói 謂. Hoàn toàn sai. Tất cả mọi từ điển chữ Hán của Trung Quốc và của các soạn giả Việt Nam đều không có quyển nào dùng chữ vị 謂 ấy, mà viết là 彙. Chữ vị 彙 này vốn có âm là hội. Ở Trung Quốc nó chỉ có một âm là hui (đọc là huây, tương ứng với âm “hội” của ta) còn ở Việt Nam lại có thêm hai âm nữa là vịvựng, nhưng nghĩa vẫn không thay đổi. Theo từ điển Từ nguyên, chữ này có ba nghĩa: đồng loại; phồn thịnh; con nhím. Phải chăng, vì con nhím có tên là “vị” 蝟 nên cha ông chúng ta cũng đọc chữ hội, 彙 này là vị. Ngoài ra, có lẽ vì chữ “hội” hoặc “vị“ 彙 này xem qua thì hơi giống chữ “vựng” 暈 nghĩa là “vầng” nên có người đã đọc nhầm rồi trở thành thói quen, tương tự như trong trường hợp người ta đã đọc nhầm chữ thung với chữ xuân 椿. Hiện nay, hầu như không ai dùng từ từ vị 辭彙 với nghĩa như từ điển nữa.

Giới ngôn ngữ học hiện nay dùng từ “từ vị” 辭位 (trong đó, vị 位 nghĩa là vị trí, là đơn vị) với nghĩa là “đơn vị cơ bản có nghĩa, và là yếu tố cấu trúc của ngôn ngữ, thường tương đương với từ”.


54. tự vị 字彙

Soạn giả vẫn giảng giải sai rằng, vị nghĩa là nói, tuy ông cũng biết rằng, tự vị cũng là tự điển. Ở Trung Quốc, ít khi người ta gọi tự điển là tự vị. “Tự vị” 字彙 (phải đọc là tự hội mới đúng) vốn là tên bộ tự điển của Mai Ưng Tộ thời Minh, thu thập 33 179 chữ. Ðó là bộ tự điển chữ Hán lớn nhất trước khi có bộ Tự điển Khang Hy (ấn hành năm Khang Hy thứ 55, tức là năm 1717, thu thập 47 035 chữ).


55. văn thân 文紳

Văn là chữ nghĩa, là học vấn và cũng có nghĩa là người có học vấn. Chữ thân 紳 có nghĩa ban đầu là cái đai áo của các quan to, và có nghĩa mở rộng là người có quyền thế, như trong các từ thân hào, thân sĩ, hương thân, v. v. Văn thân là người có học vấn rồi được làm quan trong chế độ phong kiến. Soạn giả đã giải thích rằng, “thân” nghĩa là cái dải mũ. Hoàn toàn sai. Trong tiếng Hán, “anh” 纓 là cái dải mũ, chữ này không hề tượng trưng cho người làm quan to hay người có quyền thế.


56. viễn phố 遠浦

Soạn giả giải thích rằng, viễn = xa, phố = chỗ bán hàng, nhà trạm; và viễn phố = nơi ở xa. Rồi ông trích dẫn câu thơ Gác mái, ngư ông về viễn phố… của Bà huyện Thanh Quan. Ông không hiểu rằng, ở đây, phố 浦 nghĩa là cửa biển chứ không phải phố 鋪 là cửa hàng. Viễn phố 遠浦 nghĩa là cửa biển ở xa. Chắc là Bà huyện Thanh Quan ở thế giới bên kia phải hết sức phẫn nộ và vô cùng đau lòng cho đất nước nếu bà biết rằng, có một nhà biên soạn từ điển tiếng Việt (rất có thể đó là một giáo sư từng được trọng vọng) ở đầu thế kỷ XXI đã không biết chữ Hán lại còn dám giảng giải thơ của bà như thế.


57. xuân đình 椿庭

Xuâncây xuân, một thứ cây sống lâu, thường chỉ người cha; đình là cái sân. Soạn giả giảng giải rằng, xuân đình là cây xuân ở trước sân, là nhà cha mình ở. Giảng như vậy quả là liều lĩnh và không có một chút hiểu biết tối thiểu về cách tạo từ trong tiếng Hán. Nên nhớ rằng, xuân đình là một từ Hán hẳn hoi, các từ điển của Trung Quốc đều có ghi từ này. Theo cách tạo từ trong tiếng Hán thì xuân đình không thể là cây xuân ỏ trước sân, mà phải là cái sân có cây xuân. Xuân đình là từ dùng để tôn xưng cha già của người khác.



IV. Dựa theo cảm thức chủ quan để “sáng tác” nghĩa cho các từ tố

Có một số chữ Hán được người Trung Quốc đặt ra để phiên âm các từ nước ngoài. Lại có những chữ Hán khác chỉ có thể ghép với những chữ nhất định nào đó để tạo thành một từ có nghĩa cụ thể. Bản thân các chữ (hay các từ tố) đó nếu đứng một mình thì chẳng có nghĩa gì cả. Vì không hiểu điều này nên soạn giả cứ ra sức cắt nghĩa hết mọi từ tố cho bằng được, và phải bịa cho chúng những cái nghĩa mà chúng không có. Ngoài ra soạn giả cũng mạnh dạn bịa ra nghĩa cho các từ tố trong một số trường hợp khác.

Ở phần trên, độc giả đã thấy soạn giả giảng sai nghĩa của hơn 50 từ tố, vì ông không đọc được chữ Hán mà chỉ đoán mò. Về thực chất, đó cũng là sự bịa đặt nghĩa cho các từ tố, nhưng vì các nghĩa đó thường là nghĩa của các chữ đồng âm với từ tố đang xét nên ta có thể biện bạch rằng, đó là sự “nhầm lẫn rất đáng tiếc”. Nhưng ở các trường hợp dưới đây thì đúng là soạn giả đã hoàn toàn bịa đặt, dẫu rộng lượng đến mấy cũng không thể dùng từ nào khác để gỡ tội cho ông. Xin kể ra vài chục trường hợp bịa đặt trắng trợn như thế mà chúng tôi đã phát hiện được.


1. anh vũ 鸚鵡

Theo soạn giả, anh nghĩa là tên chim, nghĩa là con vẹt, và anh vũ nghĩa là con vẹt. Rồi ông nêu thêm từ cá anh vũ và cho biết rằng, đó là một giống cá nước ngọt ở ngã ba Hạc. Quả thật, anh vũ 鸚鵡 nghĩa là chim vẹt, nhưng các từ điển chữ Hán từ xưa đến nay đều không hề giải thích nghĩa của các từ tố anh 鸚 và 鵡 , vì nếu chúng đứng tách khỏi nhau thì không có nghĩa gì cả, và chỉ khi đi liền với nhau mới có nghĩa là con vẹt. Soạn giả đã quá mạnh dạn gán cho mỗi từ tố ấy một nghĩa. Ngoài ra, nếu trong tiếng Hán cũng có từ anh vũ để chỉ một loài cá nước ngọt thì dạng chữ Hán của hai từ tố này cũng khác hẳn với hai chữ anh vũ trên đây, và tất nhiên, trong trường hợp này, không thể có nghĩa là con vẹt.


2. bàn hoàn 盤桓

Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã hai lần sử dụng từ bàn hoàn 盤桓 với hai nghĩa khác nhau. Ở câu 711-712:

Nỗi riêng, riêng những bàn hoàn,
Dầu chong trắng đĩa, lệ tràn thấm khăn.

thì bàn hoàn nghiã là vương vấn khôn nguôi, không dứt bỏ được. Nhưng ở câu 2399-2400:

Nàng rằng: “Thiên tải nhất thì,
Cố nhân đã dễ mấy khi bàn hoàn...”

thì bàn hoàn lại có nghĩa là quấn quýt bên nhau. Từ bàn hoàn 盤桓 có hai nghĩa như vậy.

Theo soạn giả, từ bàn hoàn có hai nghĩa: a) quanh quẩn không dứt ra được; b) quấn quýt với nhau. Giải thích như thế cũng tạm được. Tuy nhiên, theo chúng tôi, nên nói là “vương vấn không dứt ra được”, bởi vì “quanh quẩn“ thì có vẻ hữu hình quá, mà từ bàn hoàn thì chủ yếu là để diễn tả một trạng thái tâm lý, tình cảm.

Nhưng khi cắt nghĩa các từ tố thì soạn giả đã trổ tài bịa đặt cho ăn khớp với định nghĩa của ông.Theo ông, bànquanh co, hoànuốn éo. Thật liều lĩnh và vô trách nhiệm. Bàn 盤 nghĩa là vòng vèo (nếu nói là quanh co thì cũng tạm được), nhưng soạn giả đã hoàn toàn bịa ra nghĩa cho từ tố hoàn. Chữ hoàn 桓 này có các nghĩa như sau: a) cột gỗ dựng bên cạnh các dịch trạm (tức là trạm chuyển công văn) hoặc các công thự để quy định vị trí đứng đợi; b) tên một loài cây thuộc họ bồ hòn; c) to lớn. Như vậy, từ bàn hoàn 盤桓 có nghĩa ban đầu là đi lại quanh quẩn cái cột mốc để mong ngóng. Về sau, nó có nghĩa mở rộng là bồi hồi, vương vấn, và quấn quýt.


3. bàng hoàng 彷徨

Theo cách dùng của chúng ta ngày nay, bàng hoàng nghĩa là choáng váng, không ổn định tâm thần. Soạn giả đã nêu được định nghĩa đúng cho từ bàng hoàng theo cách hiểu của người việt Nam hiện nay. Nhưng khi giải thích nghĩa của các từ tố bànghoàng thì soạn giả lại suy luận một cách tuỳ tiện, vì không biết mặt chữ nên không hiểu nghĩa của chúng. Theo ông, bàng = ở bên, bất định; và, hoàng = nghi hoặc. Nhưng trong tiếng Hán, từ bàng hoàng được viết là 彷徨 và có nghĩa là đi tới đi lui, bồi hồi do dự. Chữ bàng 彷 trong bàng hoàng 彷徨 khác hẳn chữ bàng 旁 nghĩa là ở bên cạnh; nó chỉ có thể đi theo chữ hoàng 徨 để tạo nên từ bàng hoàng 彷徨. Cả hai từ tố này đều không có nghĩa nào giống như lời giảng của soạn giả.


4. bàng quang 膀胱

Cả hai từ tố bàngquang đều không có nghĩa là bọng đái. Chỉ khi chúng đi đôi với nhau để tạo thành từ bàng quang 膀胱 mới có nghĩa là bọng đái. Soạn giả vốn là bậc đại tài trong nghề nói mò, nên đã đoán liều rằng, bàng là bọng đái, và quang cũng là bọng đái. Quả là “điếc không sợ súng”.


5. biên đình 邊庭

Biên đình là miền biên giới. Nhưng soạn giả giảng giải rằng, đình nghĩa là cách xa. Chữ đình 庭 có nghĩa là cái sân, là nơi xử án, là công thự. Ngoài ra, trong hơn một chục chữ Hán có âm là đình thì không một chữ nào có nghĩa là cách xa cả, cho nên ở đây không thể có sự nhầm lẫn mà chỉ có sự bịa đặt liều lĩnh. Các từ điển của Trung Quốc giải thích rằng, biên đình có hai nghĩa: a) cơ quan nhà nước ở biên giới; b) biên cương. Trong tiếng Việt, biên đình thường mang nghĩa thứ ha, nghĩa là biên cương.


6. cà sa 袈裟

Cà sa là áo của các nhà sư tu đạo Phật, may bằng nhiều mụn vải màu khác nhau. Ðịnh nghĩa như vậy thì đúng, nhưng soạn giả lại giải thích rằng, cà = áo thầy tu; và, sa = áo thầy tu. Sự thực thì hai chữ cà sa 袈裟 này được đặt ra chỉ để phiên âm chữ kasaya trong tiếng Phạn (nghĩa là áo của nhà sư). Nếu đứng tách rời nhau thì 袈 và sa 裟 đều không có nghĩa gì cả.


7. diêm vương 閻王

Diêm vương là vua của địa ngục, là thần chết. Ðiều này thì hầu như mọi người đều biết, nhưng diêm là gì? Diêm là lối gọi tắt của từ Diêm la, mà Diêm la trong tiếng Hán là phiên âm từ Yama trong tiếng Hindu, nghĩa là vua của địa ngục. Nhưng soạn giả lại cho rằng,"yama" là hai vua, tức là hai anh em coi địa ngục. Chúng tôi đã tra cứu các từ điển lớn của Trung Quốc, Pháp và Anh, Mỹ, đâu cũng diễn giải rằng, yama là vị thần chủ quản địa ngục trong tín ngưỡng của người Ấn Ðộ.


8. do dự 猶豫

Có lẽ mọi người Việt Nam, ai cũng hiểu rằng, do dự nghĩa là ngần ngại, trù trừ, không quyết tâm. Nhưng giải nghĩa từ này theo các thành tố của nó (dodự) là một việc không dễ. Theo từ điển Từ nguyên, từ này "lấy âm làm nghĩa", tức là nghĩa của từ này vốn do âm của nó gợi nên, bởi vậy, cách viết của nó không thống nhất, ví dụ, có thể viết 猶豫 ﹐ 由預 v.v., vì các cách viết này đều được đọc là do dự. Trong cách viết của chúng tôi (và cũng là cách viết chính thống), chữ do 猶 vốn là tên một loài khỉ có chân ngắn, và dự 豫 vốn là tên một loài voi lớn. Bởi vậy, cũng có thuyết cho rằng, từ do dự 猶豫 là chỉ hai loài thú đó, chúng có tính đa nghi nên luôn luôn rụt rè ngần ngại trước mọi hành động. Riêng soạn giả thông thái của chúng ta thì cắt nghĩa rằng, do = cũng còn, cũng như; dự = từ trước. Các nghĩa này không ăn nhập gì với nghĩa chung của từ do dự. Ðó là một sự bịa đặt tuỳ tiện, thô bạo.


9. lâu la 嘍囉

Soạn giả nêu định nghĩa: lâu labọn tay sai của những kẻ tướng cướp trong chế độ phong kiến (cũ). Thực ra, chỉ cần nói rằng, lâu la là bọn tay sai của tên tướng cướp, thế là đầy đủ và chính xác hơn. Nhưng điều đáng nói ở đây là, ông đã tự ý bịa ra rằng, lâu nghĩa là cướp bóc, và la nghĩa là ăn cướp. Trong tiếng Hán, nếu chữ lâu 嘍 và chữ la 囉 tách rời nhau thì chẳng chữ nào có nghĩa riêng cả. Chữ lâu 嘍 không hề có nghĩa là cướp bóc, và cũng chẳng có nghĩa gì khác. Chữ la 囉 cũng vậy. Khi chúng ghép với nhau thành từ lâu la thì mới có nghĩa là tay sai của tên tướng cướp (không nhất thiết là trong chế độ phong kiến).


10. mã não 瑪瑙, agate

Soạn giả giải thích: mã = thứ đá quý; não = thứ đá; và, mã não = thứ đá quý rất cứng, có nhiều lớp màu khác nhau. Giải nghĩa các từ tố như vậy quả là tuỳ tiện. Bản thân chữ 瑪 và chữ não 瑙 nếu đứng riêng rẽ thì chẳng có nghĩa gì cả chứ không hề có những nghĩa như soạn giả đã nêu. Ngoài ra, định nghĩa về mã não do soạn giả đưa ra cũng rất mù mờ. Mã não là một loại đá rất cứng, có thành phần chủ yếu là oxit silic SiO2, là một loại thạch anh có những dải hoa văn màu sẫm (chứ không phải có nhiều lớp màu khác nhau).


11. mạt sát 抹殺, 抹煞

Theo các từ điển của Trung Quốc, trong từ mạt sát, chữ sát có hai cách viết là 殺 và 煞. Soạn giả giảng giải rằng, mạt nghĩa là xoá bỏ, sát nghĩa là rất; và, mạt sát nghĩa là chỉ trích mạnh mẽ để làm mất phẩm giá người ta. Giải nghĩa từ tố mạt và định nghĩa từ mạt sát như vậy thì được, song, cho rằng, sát nghĩa là rất thì không đúng. Tuy mỗi chữ sát trên đây đều có nhiều nghĩa nhưng cả hai đều có một nghĩa giống nhau là làm tổn thương, là gây tổn hại. Vì vậy, mạt sát nghĩa là dùng lời lẽ thậm tệ để làm tổn hại danh dự và xoá bỏ giá trị của người khác. Ðành rằng chữ sát 煞 có một nghĩa là rất, nhưng trong từ mạt sát thì nó không mang nghĩa như vậy.


12. phổ quát 普括

Soạn giả giải thích rằng, phổ = rộng, khắp; quát = rộng ra; và, phổ quátphổ biến rộng khắp. Ðịnh nghĩa từ “phổ quát” như vậy có thể coi là đúng, nhưng giải thích từ tố quát thì sai. Quátbao gồm chứ không phải là rộng ra như lời giảng của soạn giả. Phổ quát nghĩa là bao trùm một phạm vi rộng rãi.


13. sa đà 蹉跎

Theo soạn giả, sa nghĩa là cát sỏi, đà nghĩa là lần lữa, và, sa đà nghĩa là mất thì giờ vô ích. Vì không biết chữ Hán nên ông cho rằng, sa là cát sỏi, đó là một sự bịa đặt liều lĩnh không có căn cứ. Các từ điển đáng tin cậy đều cho biết rằng, sa 蹉 nghĩa là ngã, đà 跎 thì không có nghĩa riêng mà chỉ có thể ghép với sa 蹉 để tạo thành từ sa đà mới có nghĩa. Từ sa đà 蹉跎 trong tiếng Hán thường có 3 nghĩa: 1) lỡ bước (cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng); 2) bỏ phí thì giờ vô ích; và 3) buồn nản. Nghĩa thứ ba hầu như không có trong tiếng Việt.


14. thường xuyên 常川

Thường xuyên nghĩa là luôn luôn và đều đặn. Thường nghĩa là không lạ, là diễn ra luôn luôn. Nhưng, xuyên nghĩa là gi? Theo soạn giả thì xuyên nghĩa là thường đến, là không ngừng. Chúng tôi không có gan suy đoán liều lĩnh và coi thường độc giả như ông, nên phải tra cứu sách vở. Theo các từ điển của Trung Quốc, trong từ thường xuyên 常川, chữ xuyên 川 nghĩa là dòng sông. Nghĩa đen của từ thường xuyêndòng sông chảy không ngừng.


15. Xa cừ 硨磲 giant clam, tridacna

Theo soạn giả: xa = ốc to; cừ = vỏ ốc dày; và, xa cừ có hai nghĩa: 1) loài trai vỏ long lanh; 2) mặt trong của trai. Ở đây, ông cũng phạm sai lầm là bịa ra nghĩa cho chữ xa và chữ cừ. Cũng giống như các trường hợp ở ngay trên đây, hai chữ này chỉ dùng để tạo nên từ xa cừ, còn nếu đứng riêng rẽ thì chúng chẳng có nghĩa gì cả. Ngoài ra, khi viết rằng, xa cừmặt trong của trai, có lẽ soạn giả đã quá tiết kiệm lời nên chưa làm rõ nghĩa, hơn nữa, đó chưa phải là nghĩa đúng. Theo cách hiểu thông thường của người Việt Nam thì xa cừ (thường gọi là xà cừ) là lớp chất ngọc trai, có màu sắc óng ánh, ở mặt trong của vỏ trai. Trong tiếng Anh và tiếng Pháp, chất này được gọi là nacre, còn người Trung Hoa thì gọi là trân châu chất, tức là chất ngọc trai. Phải ghi nhận rằng, việc soạn giả nêu ra nghĩa thứ nhất (xa cừ = loài trai vỏ long lanh) tuy còn mù mờ nhưng cũng là một ưu điểm mà ta rất ít khi gặp trong quyển từ điển của ông, vì nhiều người chỉ biết xà cừ là vỏ trai óng ánh để khảm lên các đồ gỗ chứ không biết rằng, xa cừ là tên một loài trai. Nhưng, ở đây soạn giả cũng không biết loài trai ấy sống ở đâu, to lớn ra sao. Xa cừ là tên một loài trai rất to (có con nặng tới 250 kg), sống trên các đảo san hô ở Ấn Ðộ Dương và Thái Bình Dương, có tên bằng tiếng Anh là giant clam hoặc tridacna.


Không biết các trường hợp biến âm và nhớ sai âm đọc của các từ tố nên đã đoán sai nghĩa của chúng

Trong những từ tiếng Việt gốc Hán, có một số (rất ít) trường hợp, trong đó, một từ tố bị biến âm, được phát âm khác với âm Hán Việt thông thường của nó. Tiếc thay, soạn giả không hề biết điều đó, nên đã bịa đặt ra nghĩa khác cho các từ tố bị biến âm ấy. Lại có những từ tố mà soạn giả không hiểu, vì nghe người ta đọc sai nên ông đã chép sai rồi bám theo đó mà giải thích, và thế là giải thích sai. Những sai phạm như vậy chứng tỏ rằng, soạn giả chỉ hoàn toàn dựa vào trí nhớ không chính xác của mình mà không hề có khả năng và phương tiện tra cứu. Dưới đây là 13 trường hợp như thế. Ở những từ hoặc thành ngữ không có thật vì bị tác giả nhớ sai, chép sai, chúng tôi không được phép ghi chữ Hán.


1. ác ôn 惡棍

Theo soạn giả thì ác nghĩa là làm điều xấu với người khác, và ôn là bệnh dịch; và, ác ônkẻ hung dữ gây nhiều tội ác với nhân dân. Có thể chấp nhận định nghĩa như vậy về từ ác ôn, nhưng giảng giải rằng, 棍 là bệnh dịch thì sai nghiêm trọng. Bởi vì, từ mà chúng ta ngày nay gọi là ác ôn chính là ác côn 惡棍, do sự biến âm chút ít mà thành ra ác ôn. Chữ côn 棍 có nghĩa gốc là cái gậy và nghĩa mở rộng là kẻ vô lại; nó có mặt trong các từ du côn, côn đồ.


2. châu lỵ 州治

Ðó là nơi đặt cơ quan hành chính của một châu. Ðúng thế. Nhưng soạn giả giải thích rằng, lỵđến nhậm chức. Thật là sai lầm, bởi vì âm lỵ ở đây vốn là trị 治 nhưng do bị đọc chệch đi rồi trở thành thói quen, nay người ta thường gọi là lỵ. Nơi đặt cơ quan hành chính được gọi là trị sở 治所, hoặc chỉ gọi là trị 治, nhưng thường vẫn quen gọi là lỵ sở hoặc lỵ. Châu lỵ, huyện lỵ, quận ly, tỉnh lỵ vốn là châu trị, huyện trị, quận trị, tỉnh trị.


3. độc đắc 獨特

Từ này trong tiếng Hán vốn là độc đặc 獨特, trong đó, độc 獨 nghĩa là riêng một mìnhđặc 特 nghĩa là một mình duy nhất. Hai từ tố này ghép với nhau để làm nổi rõ nghĩa riêng một mình duy nhất. Vì không biết chữ nên soạn giả đã giảng giải rằng, đắc nghĩa là được, và độc đắcsố lớn nhất trong một cuộc xổ số. Ðã cố ý cắt nghĩa từng từ tố mà lại cắt nghĩa sai thì còn gì là từ điển nữa?


4. đồng loã 同伙

Có lẽ ai cũng biết rằng, từ đồng loã có hai nghĩa: 1) người trong cùng một nhóm làm ăn với nhau (danh từ), và 2) cùng tham gia một nhóm làm ăn (động từ). Cả hai nghĩa này thường mang ý xấu. Soạn giả dạy rằng, l nghĩa là cái bọc. Nhưng đó chỉ là sự suy đoán chủ quan của ông chứ trong ngôn ngữ Trung Hoa và Việt Nam chỉ có từ đồng loã 同伙, với dạng chữ Hán như chúng tôi đã viết, trong đó, loã là âm đọc chệch từ âm hoả 伙. Hoả nghĩa là lửa, là bếp. Theo binh chế ngày xưa, mười người thì nấu một bếp, tạo thành một hoả. Ðồng hoả nghĩa là người trong cùng một hoả, mở rộng ra, có nghĩa là bạn cùng làm việc. Chữ "hoả"火 ở đây thường được viết là 伙 (để chỉ người), và người Việt Nam ta thường đọc là loã. Ngoài ra, đồng loã còn được dùng như một động từ, với nghĩa là câu kết, là cùng nhau kiếm lợi. Ðó là nghĩa thứ hai, như trên đã nói.


5. Hợp chủng quốc 合眾國

Từ này đáng lẽ phải đọc là hợp chúng quốc (chúng 眾 nghĩa là nhiều), nhưng chữ chúng thường bị đọc sai thành chủng và trở thành thói quen. Soạn giả không vạch rõ được điều đó. Rồi ông giải thích rằng, chủng nghĩa là nhiều. May thay, vì chữ chủng ấy chính là chữ chúng, nghĩa là nhiều, nên lại không sai. Nếu là người biết chữ hẳn hoi thì phải nêu rõ sự biến âm rồi mới cắt nghĩa từng từ tố.


6. lãng công

Theo soạn giả thì ở đây, lãngsóng nước, là phóng túng; công là công việc; và, lãng công là hình thức đấu tranh của giai cấp công nhân trong chế độ tư bản, bỏ việc làm, để yêu sách hoặc phản kháng điều gì. Chúng tôi đã xem xét kỹ chữ lãng thì thấy ngoài nghĩa phóng túng còn có nghĩa là phung phí, nhưng dẫu có thêm nghĩa ấy nữa thì cũng không thích hợp với định nghĩa của soạn giả về lãng công. Hơn nữa, với định nghĩa như thế thì công nghĩa là “làm việc” chứ không phải là “công việc”. Trong hầu hết các từ điển tiếng Việt, chúng ta đều gặp từ lãn công chứ không hề thấy có từ lãng công. Lãn 懶 nghĩa là lười nhác. Lãn công là làm việc một cách lười biếng để biểu thị sự bất bình. Ðó là một biến tướng của đình công. Cũng xin nói thêm rằng, chúng tôi đã tra cứu khá nhiều từ điển của Trung Quốc nhưng chưa gặp từ lãn công, mà chỉ thấy có từ đãi công 怠工 với nghĩa như từ lãn công của ta. Ðiều đó không hề làm cho chúng ta nghi ngờ về từ lãn công, bởi vì chữ đãi 怠 cũng có nghĩa là lười biếng, gần như đồng nghĩa với chữ lãn 懶 , mà người Việt Nam ta rất quen với chữ lãn nhưng ít người dùng chữ đãi, cho nên các cụ ngày xưa đã dùng từ lãn công để thay cho từ đãi công, hẳn đó cũng là điều hợp lý. Ngoài ra, hiện tượng lãn công có thể diễn ra ở mọi thời đại chứ không riêng gì trong chế độ tư bản.


7. lạc quyên 勒捐

Soạn giả cắt nghĩa rằng, lạc= vui mừng, quyên = giúp người. và, lạc quyênyêu cầu những người có lòng tốt bỏ ra tiền, gaọ, quần áo... để giúp những người bị tai nạn như thiên tai, địch hoạ. Ông chỉ hiểu nghĩa của từ lạc quyên qua cách sử dụng từ này nhưng không biết nghĩa của các từ tố, đặc biệt là dựa vào âm lạc để đoán ra nghĩa vui mừng. Thực ra, từ này nguyên là lặc quyên 勒捐 trong đó, từ tố lặc có nghĩa gốc là cái dàm để chằng đầu và mõm ngựa, và có nghĩa bóng là gò ép, ép buộc; từ tố quyên có nghĩa là đóng góp. Như vậy, lặc quyên (mà nay ta quen gọi là lạc quyên) nghĩa là yêu cầu đóng góp tiền bạc, của cải... để làm một việc nào đó.


8. lưu chiểu 留照

Do không biết chữ Hán mà chỉ liều lĩnh đoán mò nên giải nghĩa sai là chuyện đương nhiên. Soạn giả giảng rằng, lưu = giữ lại; chiểu = văn bản; và, lưu chiểu là tác phẩm văn nghệ nộp cho cơ quan lưu trữ của nhà nước để làm tài sản chung. Nhưng, chẳng có chữ "chiểu' nào có nghĩa là văn bản cả. Hơn nữa, chúng ta biết rằng, chữ “chiểu” ở đây chính là biến âm của chữ chiếu 照, tức là đối chiếu, là so sánh để phát hiện thật hay giả hoặc đúng hay sai. Lưu chiểu là giữ lại bản mẫu của văn bản đã lưu hành để so sánh khi cần thiết. Mục đích chính của việc lưu chiểu là như thế chứ không phải để làm tài sản chung. Soạn giả đã không hiểu chữ chiểu và cũng không hiểu gì về từ lưu chiểu.


9. lỵ sở 治所

Soạn giả nêu được định nghĩa đùng: lỵ sở là trung tâm hành chính của một địa phương. Nhưng thật là sai lầm khi ông đoán rằng “lỵ” là đến nơi. (Chữ này có mặt trong từ lỵ nhậm 蒞任, nghĩa là đến nơi nhậm chức). Lỵ sở vốn là trị sở nhưng bị đọc chệch đi và đã trở thành thói quen. "Lỵ" ở đây chính là "trị" 治, nghĩa là cai quản, điều hành công việc, và cũng dùng để gọi tắt từ trị sở .


10. mại quốc cầu danh

Chúng tôi tưởng mình hoa mắt nên đã đọc nhầm mại quốc cầu vinh thành ra mại quốc cầu danh. Nhưng xem lại thì thấy rằng, chính soạn giả đã viết “mại quốc cầu danh”. Sau khi cắt nghĩa: mại = bán; quốc = nước; cầu = mong; danh = danh lợi, ông giảng giải rằng, đó là bán nước để mong được danh lợi. Rồi ông đưa ra một câu ví dụ: Lịch sử đã lên án những kẻ mại quốc cầu danh. Chúng tôi thấy thật buồn và xấu hổ thay cho ông, vì ở bất cứ sách nào (dĩ nhiên là trừ sách của ông), bao giờ cũng phải là nhóm từ “mại quốc cầu vinh”. Phải chăng, vì nghĩ rằng, làm điều xấu cũng có thể vừa thu lợi, vừa nổi danh nên mới có kẻ vứt bỏ lương tâm và danh dự hòng lừa bịp thiên hạn để cầu danh?


11. nữ sinh ngoại tộc

Nếu chúng tôi nhớ không nhầm thì câu này phải là “nữ nhân ngoại tộc” mới đúng. Câu này thường được hiểu rằng, đàn bà hoặc con gái là người của họ khác, tức là của họ nhà chồng, chứ không có vai trò và quyền lợi đáng kể trong gia tộc của bố mình. Soạn giả vốn quen dựa vào trí nhớ kém cỏi của mình mà không có khả năng tra cứu nên đã chép chữ “nhân” thành chữ “sinh” và giải thích rằng, ”sinh” nghĩa là “đẻ ra” rồi giảng giải: câu này nói về quan niệm phong kiến cho rằng con gái đẻ ra là thuộc bên ngoại và không có quyền lợi như con trai. Một lời giải thích thật tối nghĩa. Xin hỏi ông rằng, bên ngoại là bên nào vậy?


12. toạ sơn khan hổ đấu

Thành ngữ rất quen thuộc này đã bị chép sai. Ðáng lẽ phải là toạ sơn quan hổ đấu 坐山觀虎斗 nghĩa là: chờ cho hai kẻ thù tiêu diệt nhau, đến khi chỉ còn một kẻ thù đã suy yếu thì mới ra tay diệt nốt. "Quan" 觀 nghĩa là quan sát, là theo dõi, còn "khan" 看 chỉ có nghĩa là “xem". Soạn giả còn giảng giải rằng, thành ngữ này chỉ thái độ bàng quan của kẻ ngồi nhìn hai phía đánh nhau, hòng tìm cách có lợi cho mình. Thực ra, kẻ này chẳng hề bàng quan, mà đang theo dõi rất kỹ diễn biến của trận đấu. Chính vì soạn giả chỉ biết mang máng, không đọc được mà chỉ nghe lõm bõm nhưng đã vội lên mặt dạy đời rồi chép chữ "quan" thành ra chữ "khan" cho nên mới hiểu sai và giải thích sai như thế.


13. tông tích 蹤跡

Tông 蹤 nghĩa là dấu vết (đọc là tung thì đúng hơn), tích 跡 nghiã là vết chân. Nghĩa chung của tung tích 蹤跡 là dấu vết của một hành động, và có thể hiểu là lai lịch, là nguồn gốc của một sự việc hoặc của một nhân vật. Vì không đọc được chữ Hán, do đó không thể biết rằng, “tông” ở đây chính là do chữ “tung” 蹤 bị biến âm mà ra nên soạn giả đã giảng giải rằng, tông nghĩa là dòng họ. Chúng tôi đã tra cứu ở các từ điển Từ nguyênTừ hải thì chỉ thấy từ 'tung tích" 蹤跡 với nghĩa như chúng tôi vừa giải thích, trong đó, chữ tung 蹤 có nghĩa là dấu vết (mà có khi được đọc là tông) chứ không phải chữ tông 宗 nghĩa là dòng họ.


14. tự lực cánh sinh 自力更生

Ở đây đã xẩy ra hiện tượng biến âm, chữ canh 更 (nghĩa là thay đổi) đã được đọc là cánh. Soạn giả đã không biết điều đó nên cứ điềm nhiên giải thích vu vơ rằng, cánh nghĩa là lần lượt. Ðây vốn là một câu khẩu hiệu của Trung Quốc, kêu gọi “hãy tự gắng sức thay đổi cuộc sống cho mình, hãy dùng sức của mình đểtự giải quyết mọi vấn đề của mình”. Các từ điển của Trung Quốc đều giải thích thành ngữ này như vậy. Soạn giả cho rằng, tự lực cánh sinh tự mình mưu cuộc sống cho mình, không ỷ lại vào người khác. Lời giải thích này tuy không sai lắm nhưng không sát với tinh thần của câu khẩu hiệu.
 


Không phân biệt được các từ gốc Hán đã Việt hoá và các từ “thuần Hán”

Trong tiếng Việt, số từ gốc Hán chiếm tỷ lệ rất lớn, được ước tính vào khoảng trên dưới 60%. Chỉ riêng trong phạm vi những từ thông dụng, số từ Việt gốc Hán lên đến vài vạn. Chúng tôi đưa ra con số đó là dựa trên cuốn từ điển đang được nói tới ở đây. Dung lượng của cuốn này vào khoảng 15 000 từ, đúng là gồm những từ thông dụng nhưng còn thiếu rất nhiều. Nếu kể đến hệ thống thuật ngữ trong các khoa học xã hội, khoa học tự nhiên và kỹ thuật thì số từ gốc Hán có lẽ lên đến con số 5, 6 vạn hoặc hơn nữa. Tuyệt đại đa số các từ gốc Hán đã được cha ông ta và chúng ta ngày nay sử dụng theo nguyên nghĩa trong tiếng Hán, nghĩa là, chúng cũng có mặt trong vốn từ của người Hán với cùng nghĩa như chúng ta đang dùng. Chúng tôi tạm gọi đó là những từ “thuần Hán”. Ngoài ra, có một số ít từ ngữ gốc Hán đã được Việt hoá mà ta có thể gọi là “nửa Hán nửa Việt”. Chúng tôi tạm chia làm nhóm theo các đặc điểm như sau:

  1. Các từ tố đều có gốc Hán nhưng nghĩa của từ (hoặc thành ngữ) đã khác khá xa so với nghĩa trong tiếng Hán, ví dụ như từ khốn nạn, thành ngữ lang bạt kỳ hồ
  2. Các từ tố đều có gốc Hán nhưng được sắp đặt theo thứ tự của tiếng Việt, tức là ngược với thứ tự trong tiếng Hán, ví dụ như các từ án mạng, án thư, môi sinh, ngoại lệ, v.v.
  3. Một từ tố gốc Hán ghép với một từ tố “phi Hán” mà chúng tôi tạm coi là có “gốc Việt”, ví dụ như từ năng khiếu, phục hoá.

Các cuốn từ điển Hán Việt thường bao gồm các từ (hoặc thành ngữ) thuộc nhóm thứ nhất. Khi chúng được giải nghĩa theo cách dùng trong tiếng Việt thì các soạn giả đều nêu nghĩa ban đầu của chúng. Các từ hoặc thành ngữ thuộc nhóm thứ hai và thứ ba thì không soạn giả nào đưa vào từ điển Hán Việt vì chúng không có mặt trong vốn từ ngữ của người Hán. Nhưng, trong một cuốn từ điển tiếng Việt hoặc từ điển về những từ Việt gốc Hán thì sự có mặt của chúng là cần thiết. Chỉ có điều là, khi gặp những trường hợp như vậy, soạn giả không thể điềm nhiên cắt nghĩa từng từ tố rồi giảng nghĩa của cả từ là xong. Cần phải nêu rõ đặc điểm của các loại này, bởi vì, chúng chỉ chiếm chừng 0,1% trong tổng số những từ gốc Hán nhưng có đặc điểm khác hẳn so với 99,9% số từ gốc Hán còn lại. Nếu không, người đọc sẽ thấy có điều mâu thuẫn và có thể hiểu sai hoặc sử dụng sai nhiều từ khác. Ví dụ, sau khi đọc các mục từ nội chiến (nghĩa là chiến tranh giữa những người trong cùng một nước), nội hoá (nghĩa là hàng hoá sản xuất ở trong nước), và nội thành (nghĩa là khu vực bên trong thành phố), người đọc hẳn sẽ thấy có sự đổi ngược vai trò của từ tố nội ở từ nội thành. Nguyên nhân của sự đổi ngược đó là ở chỗ, các từ nội chiến, nội hoá được cấu tạo theo đúng cách thức của người Hán, còn từ nội thành tuy cũng gồm hai từ tố gốc Hán nhưng lại được cấu tạo theo cách thức của người Việt. Nếu người biên soạn từ điển không lưu ý người đọc trong những trường hợp “Việt hoá” như vậy thì nhất định sẽ dẫn người đọc đến nhiều điều lầm lẫn. Chính vì không phân biệt được cách cấu tạo từ theo kiểu Hán hay Việt nên rất nhiều người, kể cả soạn giả, đã đánh đồng giữa “nhân chứng” và “chứng nhân”, như đã phân tích ở mục từ II. 11. Dưới đây, chúng tôi nêu ra hầu hết những từ thuộc loại này mà soạn giả đã đưa vào cuốn từ điển của mình nhưng không nêu được tính chất “Việt hoá” của chúng, tổng số là 29 từ. Ở những từ thuộc nhóm b) và c), chúng tôi không thể ghi chữ Hán kèm theo.


1. ám ảnh

Theo soạn giả, từ ám ảnh có hai nghĩa: a) lởn vởn luôn trong trí óc, khiến cho phải lo lắng không yên; b) quấy rầy ở bên cạnh. Chúng ta chỉ có thể chấp nhận nghĩa thứ nhất nhưng khó chấp nhận nghĩa thứ hai. Tuy ám ảnh là một từ gốc Hán, nhưng nó đã được “Việt hoá” nên mới mang nghĩa thứ nhất như vừa nêu, và ta hiểu rằng, đó là một động từ. Cứ cắt nghĩa theo các từ tố thì “ám” nghĩa là mờ tối, “ảnh” nghĩa là cái bóng, và “ám ảnh” nghĩa là cái bóng mờ. Quả thật, đó là nghĩa của từ này trong trong tiếng Hán từ xưa đến nay. Soạn giả không nhận ra rằng, đây là một từ gốc Hán đã bị thay đổi nghĩa, nghĩa là nó đã bị “Việt hoá”. Ngoài ra, ông còn gán cho nó một nghĩa mà người đọc khó chấp nhận là quấy rầy ở bên cạnh.


2. án mạng

Chúng ta thường dùng từ án mạng để chỉ vụ án giết người. Từ này gồm hai từ tố gốc Hán nhưng được liên kết theo kiểu tiếng Việt. Các từ tố ở đây đã trở nên “Việt hoá” và được đặt theo trật tự trong tiếng Viêt. Nó tương đương với từ mạng án trong tiếng Hán. Người giảng dạy tiếng Việt cần phải nêu rõ điều đó.


3. án thư

Theo cách nói đã quen thuộc của chúng ta thì án thư là cái bàn để đặt sách vở, đúng như soạn giả đã giải thích. Nhưng cái bàn thờ, tức là cái bàn để thắp hương thì chúng ta phải gọi là cái hương án chứ không thể gọi là cái “án hương”. Án thư cũng là một trường hợp "phá lệ" như ở từ án mạng, không theo đúng trật tự của các từ tố trong tiếng Hán. Người Trung Quốc vẫn gọi cái án thư của ta là thư án.


4. ca trù

Ca là hát, trù 籌 là cái thẻ (có thể bằng tre, bằng gỗ hoặc bằng các vật liệu quý hơn). Theo những tài liệu đáng tin cậy thì ca trù (cũng gọi là hát ả đào) là lối hát bỏ thẻ, trong đó, người nghe cảm thấy chỗ nào hát hay thì ném thẻ thưởng cho người hát (gọi là cô đào). Ðịnh nghĩa của soạn giả về từ “ca trù” quả là không có gì sai. Tuy vậy, ông cứ điềm nhiên coi từ này như mọi từ “thuần Hán” khác, không nêu được tính chất “nửa Hán nửa Việt” của nó. Ðó là một thiếu sót không nhỏ.


5. diêm sinh

Nghe qua từ này, hẳn nhiều người nghĩ rằng, đó là một từ trong tiếng Hán hoặc ít ra thì các từ tố cũng bắt nguồn từ tiếng Hán. Cũng từ dự cảm đó nên soạn giả đã nghĩ ra rằng, diêmmuối, sinhsống, và giải thích rằng, diêm sinh là lưu huỳnh Chúng tôi đã tra cứu khắp các bộ từ điển lớn nhất của Trung Quốc, nhưng không hề thấy nơi nào có từ diêm sinh, trong đó, diêmmuối (鹽) và sinh (生) là sống, mà cũng không hề gặp từ nào tuy viết khác hẳn nhưng vẫn có âm là diêm sinh. Hẳn đây là một từ chỉ có trong tiếng Việt. Thật vậy, trong các từ điển như Ðại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của (Sài Gòn, 1895) và Dictionnaire Annamite-Francais của J. F. M. Génibrel (Sài Gòn, 1898) đều có từ diêm sinh. Ở hai bộ từ điển này, chữ diêmtrong tiếng Hán (nghĩa là ngọn lửa) được dùng để thể hiện chữ diêm trong tiếng Việt, còn chữ sinh thì được ghép từ chữ thạch (石) và chữ sinh (生) để nhắc rằng, đây là một chất khoáng chứ không hề có nghĩa là “sống”. Theo Huỳnh Tịnh Của thì diêm = vật dẫn hoả, giống như muối; sinh = vật vàng vàng có mùi hôi khét, hay cháy, vật để làm thuốc súng; vị thuốc trị sang độc; lưu huỳnh. Génibrrel thì viết: diêm = sel de nitre, salpêtre (một chất muối khoáng có công thức hoá học là KNO3, thành phần chính của thuốc nổ thông thường); sinh = souffre (lưu huỳnh), và diêm sinh = nitre et souffre. Như vậy, cả hai học giả này đã giải thích giống nhau, và từ đó, chúng ta đủ căn cứ để khẳng định rằng, soạn giả hoàn toàn phạm sai lầm khi giảng nghĩa các từ tố diêmsinh, như đã nêu trên đây. Theo soạn giả của chúng ta thì diêm sinh = lưu huỳnh. Quả thật, trong dân gian, người ta vẫn dùng từ diêm sinh để chỉ lưu huỳnh, đó cũng là một cách dùng theo thói quen, chúng ta không bác bỏ nó nhưng cũng phải lưu ý đến lời giải thích trong hai bộ từ điển của thế kỷ 19 kể trên.

Một điều thú vị là, trong từ điển của Huỳnh Tịnh Của đã có từ hộp diêm. Rõ ràng, từ này không hề chịu ảnh hưởng của tiếng Hán, bởi vì, hiện nay, người Trung Quốc gọi que diêm là hoả sài, và trước đây họ còn gọi bằng nhiều từ khác như hoả thốn, lân thốn, toại mộc, dương hoả, dương viêm đăng.


6. do thám

Theo soạn giả, từ tố do có các nghĩa: từ đó, bởi đó; noi theo; nguyên nhân. Còn từ tố thám có nghĩa là thăm dò, mà nghĩa đen là thăm dò nguyên nhân. Và, do thám nghĩa là thăm dò tình hình đối phương một cách lén lút. Với cách hiểu và cách giải thích của soạn giả thì từ tố do vốn có gốc Hán, và từ do thám là một từ gốc Hán hoàn toàn.

Mặt khác, chúng ta hiểu rằng, từ do thám gần như đồng nghĩa với các từ trinh sát hoặc thám thính, bởi thế, các từ tố dothám đều có vai trò của động từ và có nghĩa gần giống nhau, cho nên từ tố do không thể có những nghĩa như soạn giả đã nêu. Khi xem xét tất cả những chữ Hán có âm Hán Việt là do, chúng tôi không thấy có chữ do nào là động từ và có nghĩa là trinh sát, và trong các bộ từ điển lớn nhất cũng không tìm thấy từ do thám. Nhưng, theo các từ điển Ðại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của (Sài Gòn,1895) và Dictionnaire Annamite-Francais của J. F. M. Génibrel (Sài Gòn, 1898) thì trong chữ Nôm, ngoài chữ do 由 mà cha ông chúng ta mượn từ chữ Hán (để chỉ quan hệ về nguồn gốc hoặc nguyên nhân, mà nhiều khi có thể thay bằng bởi hoặc ), còn có chữ do nghĩa là dò xét (được dịch sang tiếng Pháp là explorer). Ðó chính là nghĩa của từ tố do trong từ do thám. Hai bộ từ điển này còn cho biết, từ tố do với nghĩa như thế còn có mặt trong các từ (mà ngày nay không dùng nữa) như canh do (=trông coi và tuần tra ban đêm), đi do (=đi tuần tra), quân do (= quân đi thám thính). Vì từ tố do này không có gốc từ chữ Hán nên cha ông chúng ta phải mượn chữ du 游 của Trung Quốc để ghi âm một cách gần đúng và để phân biệt với chữ do 由 ở trên. Như vậy, trong từ do thám, chỉ có từ tố thám (nghĩa là theo dõi để biết tình hình) mới có gốc Hán, còn từ tố do thì không có gốc Hán, và tất nhiên, nó không có nghĩa là từ đó hay bởi đó... như soạn giả đã giảng giải. Ông hoàn toàn không biết rằng, từ tố do không có gốc Hán và đã liều lĩnh gán cho nó một cái nghĩa sai.


7. đô hộ 都護

Ðô nghĩa là thâu tóm, hộ nghĩa là che chở. Soạn giả định nghĩa rằng, đô hộ là thống trị và áp bức bóc lột một nước. Ðó là cách hiểu thông thường của chúng ta hiện nay về từ này, coi như một từ đã “Việt hoá”. Ðáng lẽ soạn giả phải nêu được nghĩa ban đầu của từ này. Ðối với người Trung Quốc, đô hộ không có nghĩa là thống trị hoặc áp bức một nước khác. Ðô hộ vốn là chức trưởng quan cai trị tại các thuộc quốc của các triều đình phong kiến Trung Hoa, được thiết lập từ thời Hán đến thời Ðường. Sau đó, người Việt Nam chúng ta mới gán cho từ đô hộ cái nghĩa là thống trị hoặc áp bức.


8. hoá giá

Chúng ta vẫn dùng từ hoá giá với nghĩa là định giá một cách chính thức đối với những hàng hoá đã cũ hoặc đang tồn đọng. Như vậy, hoá giá có thể là một động từ, hoặc là một danh từ chỉ hành động, trong đó, hoá có nghĩa là làm thành. Nhưng, soạn giả lại giải thích rằng, hoá = của cải, đồ buôn bán; giá = giá cả; và, hoá giá = thuộc về giá cả hàng hoá. Cách giải thích như vậy là hoàn toàn sai và còn khiến người ta tưởng rằng, hoá giá là một tính từ.


9. hậu môn 後門

Chúng ta thường dùng từ hậu môn để chỉ lỗ đít. Ðó chỉ là cách dùng và cách hiểu của người Việt Nam. Trong tiếng Hán, từ hậu môn thường được dùng với nghĩa là cửa sau, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, và rất ít khi được dùng với nghĩa là lỗ đít. Từ hậu môn của chúng ta được dịch sang tiếng Hán là giang môn 肛門. Hậu môn là một từ gốc Hán đã được Việt hoá để mang một nghĩa khác với nghĩa của nó trong tiếng Hán.


10. hậu sản

Hậusau, sảnsinh đẻ. Người Việt Nam thường dùng từ hậu sản để chỉ bệnh của phụ nữ sau ngày sinh nở. Nhưng hậu sinh lại có nghĩa là sinh sau chứ không phải là sau khi sinh đẻ hoặc sau khi ra đời Vậy thì hẳn là có sự mâu thuẫn giữa các trường hợp này mà chưa được giải thích. Chúng tôi nghĩ rằng, đây là hiện tượng Việt hoá một phần, bằng cách đặt các từ tố gốc Hán theo thứ tự của tiếng Việt. Theo tiếng Hán thì sản hậu mới là bệnh của phụ nữ sau khi đẻ, và trong tiếng Việt, người ta vẫn còn dùng từ này.


11. khang trang 康莊

Theo soạn giả, khang nghĩa là yên vui, mạnh khoẻ; trang nghĩa là trau chuốt, tức là trang điểm; và, khang trang nghĩa là rộng rãi và đẹp đẽ. Như vậy, các từ tố đã được giảng chưa đúng. Khang còn có nghĩa là rộng lớn (đó mới là nghĩa của từ tố này trong từ khang trang), trang 莊 nghĩa là nghiêm chỉnh, nghiêm túc (chứ không phải trang 妝 là trau chuốt). Chữ trang 莊 trong từ khang trang cũng có mặt trong các từ trang nghiêm, trang nhã, trang trọng. Trong tiếng Việt, từ khang trang thường được dùng để chỉ nhà cửa rộng rãi đẹp đẽ, nhưng trong tiếng Hán, nó được dùng để chỉ đường sá rộng rãi bằng phẳng và toả ra mọi hướng. Ðây cũng là một điều cần lưu ý.


12. khốn nạn 困難

Soạn giả cho biết, khốn nghĩa là cùng khổ, là khó khăn; nạn là tai vạ nguy hiểm; rồi ông nêu ra hai nghiã của từ này: 1) tội nghiệp, đáng thương; và 2) hèn mạt, đáng khinh bỉ. Ðó là những nghĩa mà người Việt Nam đã gán cho nó và đã quen dùng, hầu như chẳng dính dáng gì với nghĩa của các từ tố. Trong một cuốn từ điển lấy mục đích chính là giải nghĩa các thành tố Hán ngữ thì giải thích như trên là chưa đủ, vì chưa nêu rõ hiện tượng Việt hoá và không nêu nghĩa ban đầu của từ này (là nghĩa do các từ tố tạo nên). Trong tiếng Hán, khốn nạn nghĩa là vô cùng khó khăn cực nhọc.


13. kinh nguyệt

Từ này được soạn giả định nghĩa không sai. Nhưng, không thể bỏ qua một điều là, trật tự các từ tố ở đây ngược với cách cấu tạo của các từ gốc Hán khác. Theo tiếng Hán thì phải gọi là nguyệt kinh. Phải chăng, soạn giả không nhận thấy điều đó nên mới điềm nhiên giải nghĩa mà không nêu nhận xét gì cả? Từ này đã được Việt hoá, các từ tố được sắp đặt theo thứ tự trong tiếng Việt.


14. lang bạt kỳ hồ 狼跋其胡

Ðây là một thành ngữ Trung Quốc. Soạn giả cho biết: lang = chó sói; bạt = chạy qua, nhảy qua; kỳ = cái ấy; hồ = phần dưới cằm; và, nghĩa đen của thành ngữ lang bạt kỳ hồ là: con chó sói nhảy qua cả cằm nó. Cứ theo cách giải thích của ông thì người ta ngỡ rằng, người Trung Hoa diễn đạt sao mà lúng túng, khó hiểu đến thế, và thành ngữ này có nghĩa gì? Sự thực thì không phải như vậy, mà lỗi là do soạn giả quá thông thái của chúng ta. Nay chúng tôi xin giải nghĩa lại như sau. Lang = chó sói; bạt = nhảy qua, bước qua; kỳ = của nó; hồ = cái yếm thịt ở dưới cằm và dưới cổ của con vật. Vậy, lang bạt kỳ hồ có nghĩa đen là: con sói bước qua (hay giẫm lên) cái yếm thịt dưới cổ nó, và nghĩa bóng là: lúng túng, vướng víu không gỡ được. Người Trung Quốc sử dụng thành ngữ này với nghĩa như thế.. Chúng tôi chưa biết tại sao người Việt Nam chúng ta lại sử dùng thành ngữ lang bạt kỳ hồ với nghĩa là đi xa và không có chỗ ở nhất định. Soạn giả không hiểu thành ngữ này trong tiếng Hán, tuy nhiên, ông đã nêu được cái nghĩa mà người Việt Nam thường dùng.


15. môi sinh

Chúng ta thường dùng từ môi sinh với nghĩa là môi trường sống của sinh vật. Trật tự các từ tố ở từ này không bình thường như ở các từ gốc Hán khác. Khi đã đưa những từ như vậy vào một quyển từ điển gồm tuyệt đại đa số những từ “thuần Hán” thì phải nói rõ nguyên nhân của sự khác biệt như vậy. Ðó là việc mà soạn giả phải làm. Từ môi sinh chỉ có thể dùng trong tiếng Việt mà thôi, bởi vì các từ tố của nó được đặt theo trật tự của tiếng Việt.


16. mưu chước

Chúng ta có thể đồng ý với soạn giả rằng, mưu là kế hoạch, là lo liệu, và tạm chấp nhận định nghĩa dài dòng của ông: mưu chước = cách lo liệu để giải quyết khó khăn. Nhưng soạn giả giảng giải rằng, chước = liệu cho ổn, thì thật khó đồng tình. Chước nghĩa là kế, là cách xử sự. Chẳng thế mà cụm từ tam thập lục kế đã được Nguyễn Du chuyển thành ba mươi sáu chước đó sao? Một điều đáng lưu ý nữa là, trong các bộ đại từ điển chữ Hán, không hề có từ mưu chước và cũng không hề có chữ chước nào có nghĩa là kế hoặc liệu cho ổn. Các bộ từ điển Ðại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của (Sài Gòn, 1895) và Dictionnaire Annamite – Francais của J. F. M. Génibrel (Sài Gòn, 1898) đều có chữ chước 斫 với nghĩa là kế, là mưu mẹo. Chữ chước 斫 này cũng có mặt trong văn bản Truyện Kiều bằng chữ Nôm, ở các câu thơ như “Chước đâu có chước lạ đời” hoặc “ba mươi sáu chước, chước gì là hơn”. Nó vốn là một chữ Hán, có âm là chước, nghĩa là chém, là chặt, nhưng nó đã được dùng như một chữ Nôm để thể hiện âm chước trong tiếng Việt, với nghĩa là kế. Soạn giả cứ tưởng đó là một từ tố gốc Hán, và đã bịa đặt cho nó một cái nghĩa hoàn toàn sai.


17. mưu cơ

Mưu là mưu mẹo, là khéo léo; mưu cơ là mưu mẹo khéo léo. Soạn giả đã giải thích như vậy, tuy đúng với cách hiểu và cách sử dụng từ này trong tiếng Việt nhưng chưa nêu được điểm khác thường trong cách cấu tạo của nó. Từ này chỉ tồn tại trong tiếng Việt, vì nó có trật tự ngược với từ cơ mưu trong tiếng Hán. Khi giảng giải những từ như vậy, nếu không nêu được sự khác thường của chúng thì người đọc sẽ cảm thấy có nhiều mâu thuẫn về cấu tạo của các từ gốc Hán và dễ hiểu sai các từ khác.


18. năng khiếu

Mới nhìn qua, nhiều người nghĩ rằng đây là một từ gốc Hán hoàn toàn. Hẳn là soạn giả cũng nghĩ như thế nên ông chỉ việc giải nghĩa các từ tố rồi nêu định nghĩa của từ mà không cần nói gì thêm. Theo ông, năngsức làm việc; khiếunăng lực hiểu biết; năng khiếukhả năng hiểu biết nhanh chóng một ngành nghề. Thực ra, khiếu biệt tài gần như bẩm sinh đối với một loại hoạt động nào đó. Từ tố khiếu này không có trong tiếng Hán. Trong số những chữ Hán có âm là khiếu, không có chữ nào mang nghĩa như thế. Các từ điển Việt Hán đều dịch: khiếu = thiên tài, tức là tài năng “trời cho”. Như vậy cũng phù hợp với cách hiểu mà chúng tôi vừa nêu, và cũng chứng tỏ nguồn gốc phi Hán của từ tố khiếu. Nên định nghĩa lại như sau: năng khiếu là tổng thể những phẩm chất sẵn có ở một số người, giúp họ hoàn thành tốt một loại hoạt động nào đó ngay cả khi chưa được học tập và rèn luyện trong hoạt động ấy. Vì không biết chữ Hán nên soạn giả đã coi khiếu là một từ tố gốc Hán và gán cho nó một nghĩa chưa thật xác đáng.


19. ngải cứu 艾灸

Soạn giả cho biết, ngảitên cây, cứuđốt bột lá ngải để chữa bệnh, và, ngải cứuloài cây thuộc họ cúc, lá dùng làm thuốc. Giữa nghĩa của các từ tố và nghĩa của từ ngải cứu, có một điều gì đó hơi khác thường mà ta không thể làm ngơ, bởi vì ở đây, từ tố cứu có tác dụng làm rõ nghĩa cho từ tố ngải nhưng lại đứng ở sau, một điều không thể có ở các từ thuần Hán. Thật vậy, đối với người Việt Nam, ngải cứu là tên một loài thực vật rất quen thuộc, thuộc họ Cúc, có tên khoa học là Artemisia vulgaris, dùng để làm thuốc chữa bệnh. Người Trung Quốc gọi cây này là ngải 艾 còn từ ngải cứu 艾灸 thì được họ dùng để chỉ việc cứu (tức là đốt tại một huyệt trên cơ thể người bệnh, để chữa bệnh) bằng một mồi lá ngải. Phải chăng, cha ông chúng ta đã hiểu từ ngải cứu là cây ngải để cứu nên đã Việt hoá từ này và dùng chỉ nó để gọi loài thực vật ấy mà thôi.


20. ngoại lệ, ngoại ngạch, ngoại thành

Ngoại lệ là ở ngoài lệ luật quy định, ngoại ngạch là ở ngoài mức quy định, ngoại thànhngoài thành phố. Người Việt Nam thường dùng các từ này với nghĩa như vậy, và soạn giả đã giải thích đúng. Nhưng, người đọc cẩn thận và có suy nghĩ sẽ hỏi rằng, vậy thì tại sao ngoại bang lại là nước ngoài chứ không phải là ngoài nước; ngoại cảnhhoàn cảnh hay môi trường bên ngoài chứ không phải là ngoài hoàn cảnh hay ngoài môi trường. Ðáng lẽ soạn giả phải nói rõ rằng, trong các từ ngoại lệ, ngoại ngạch, ngoại thành, trật tự các thành tố của từ không còn đúng như trong tiếng Hán nữa, mà đã thay đổi theo kiểu Việt Nam, đó là những từ của Việt Nam.


21. nhãn quan

Mọi người thường cắt nghĩa rằng, nhãn nghĩa là mắt; quan nghĩa là nhìn kỹ; và, nhãn quan nghĩa là tầm mắt, với nghĩa bóng là tầm hiểu biết. Soạn giả cũng giải thích như vậy. Nhưng trong mọi bộ từ điển chữ Hán của Trung Quốc và cả trong các quyển từ điển Hán Việt, chỉ có từ nhãn quang 眼光 nghĩa là tầm hiểu biết, chứ không hề có từ nhãn quan. Nhãn 眼 không những có nghĩa là mắt, mà còn có nghĩa là nhìn; quang 光 nghĩa là sáng, là ánh sáng, và còn có nhiều nghĩa khác, trong đó có nghĩa là cảnh sắc, cảnh vật. Nghĩa đen của nhãn quangcảnh vật nhìn thấy được, và nghĩa bóng là tầm hiểu biết. Lâu nay, đại đa số người Việt Nam thường nhầm lẫn, đều đọc là nhãn quan. Soạn giả vốn không biết chữ Hán nên không thể phát hiện được sự nhầm lẫn ở từ này.


22. nhân tình

Nhân tình nghĩa là tình cảm của con người. Ðôi khi người ta dùng từ nhân tình với nghĩa là người yêu, chủ yếu là trong ngôn ngữ thường ngày. Soạn giả cho rằng, nhân tình, trước hết, có nghĩa là người yêu. Thực ra, đó là cách hiểu và cách dùng của người Việt Nam, coi quan hệ giữa các từ tố ở đây giống như trong tiếng Việt. Người soạn từ điển phải chú ý giải thích trong những trường hợp như thế này. Trong tiếng Hán, tình nhân mới có nghĩa là người yêu.


23. nhất thiết 一切

Chúng ta thường dùng từ nhất thiết với nghĩa là nhất định, là dứt khoát, là không thể khác được. Soạn giả cũng định nghĩa như thế. Nhưng, trong tiếng Hán, nhất thiết nghĩa là tất cả,mọi thứ. Vậy, từ nhất thiết trong tiếng Việt đã mang nghĩa mới, khác hẳn với nghĩa của nó trong tiếng Hán. Ðây là một điều cần chú ý nhưng soạn giả đã không đủ kiến thức để nhận thấy điều đó.


24. nội nhật

Soạn giả đã giải thích: nộibên trong, nhậtngày, nội nhật nghĩa là trong phạm vi một ngày. Ðó chính là cách hiểu từ này theo thói quen của người Việt Nam. Trong khi đó, nội chiến thì không phải là trong cuộc chiến tranh, nội khoá không phải là trong bài học, v.v. Nếu không nêu được nguyên nhân của sự khác biệt trong cách sử dụng từ tố nội trong các trường hợp này thì sẽ gây nhầm lẫn lung tung. Nội nhật là một từ gồm hai từ tố gốc Hán được ghép lại theo trật tự của tiếng Việt thì mới có nghĩa là trong phạm vi một ngày. Nếu nói theo kiểu Trung Quốc thì phải gọi là nhật nội.


25. nội thành, nội thị

Tuy soạn giả giải thích đúng nghĩa của các từ tố và nêu được nghĩa thường dùng của các từ này, nhưng ông không biết rằng, chúng là những từ đã được Việt hoá. Nhìn qua thì dễ nghĩ rằng, nội thànhnội thị là những từ gốc Hán. Thực ra, trong các tưf này, chỉ các từ tố là có gốc Hán, còn trật tự của các từ tố lại là của tiếng Việt, ngược với trật tự của tiếng Hán.


26. phục hoá

Phục hoá là một từ do người Việt đặt ra, có nghiã là trồng trọt lại ở những thửa đất đã bỏ hoang, trong đó, từ tố phục có nghĩa là khôi phục, phục hồi, và từ tố hoá nghĩa là ruộng bị bỏ không, chẳng trồng trọt gì cả. Chúng ta không bàn về nguồn gốc của từ hoá ở đây, nhưng nghĩa của nó là như thế. Tuy từ phục hoá được soạn giả định nghĩa đúng, nhưng giải thích rằng, hoá nghĩa là thay đổi, thì ông đã phạm một sai lầm hết sức nghiêm trọng.


27. sai nha

Soạn giả đã giải nghĩa đúng: nhanơi làm việc của quan lại; sai nhangười hầu hạ ở các phủ huyện thời xưa. Từ này hẳn là đã được sử dụng trong tiếng Việt từ rất lâu rồi. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã sử dụng từ này vài lần (Hàn huyên chưa kịp dã dề, sai nha bỗng thấy bốn bề xôn xao; Một ngày lạ thói sai nha, làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền). Nhưng khi giải nghĩa từ này với tư cách là một từ Việt gốc Hán, cần phải phải thấy ở đây có điều hơi khác thường. Chúng ta đều biết các từ nha lại, nha dịch, công sai... là những từ đồng nghĩa với sai nha, nhưng từ sai nha lại có trật tự ngược so với các từ vừa kể. Trong từ này, các từ tố gốc Hán đã được đặt theo trật tự của tiếng Việt. Người soạn từ điển phải nêu được nguyên nhân của sự đảo ngược đó để giúp người đọc tránh những lầm lẫn đáng tiếc.


28. thuỷ nông

Ðây là một từ gồm hai từ tố gốc Hán nhưng lại là một từ hoàn toàn của Việt Nam. Chúng ta đều hiểu rằng, thuỷ nôngcông tác thuỷ lợi để phục vụ nông nghiệp. Soạn giả cũng hiểu như vậy. Ðiều cần chú ý ở đây là, từ này gồm hai từ tố gốc Hán, nhưng được cấu tạo theo kiểu của ta, và chỉ người Việt Nam mới hiểu theo nghĩa kể trên. Người Trung Quốc có thể hiểu thuỷ nônglàm ruộng nước. Khái niệm thuỷ nông của ta được gọi theo tiếng Hán là nông điền thuỷ lợi.


29. tiền khởi nghĩa

Từ tiền khởi nghĩa thường được hiểu là trước khởi nghĩa (tháng 8 năm 1945). Ngoài ra, từ tố tiền nghĩa là trước còn được dùng theo kiểu này trong một số từ khác như tiền cách mạng, tiền chiến, với nghĩa là trước cách mạng, trước chiến tranh (chống Pháp, ở Việt Nam). Tuy nhiên, trong đại đa số các trường hợp khác, như tiền án, tiền bối, tiền duyên, tiền đồ, tiền kiếp, tiền lệ, v.v. thì vai trò của từ tố tiền lại khác hẳn; chẳng hạn, tiền án không phải là trước vụ án, mà có nghĩa là bản án trước đó, v.v. Người soạn từ điển nên giúp độc giả phân biệt rõ những trường hợp khác thường để khỏi vận dụng sai.


30. tình chung

Ðọc đến từ này, kẻ viết bài này nhớ ngay đến câu thơ 791-792 trong Truyện Kiều của Nguyễn Du:

Biết thân đến bước lạc loài,
Nhị đào thà bẻ cho người tình chung.

Chưa cần cắt nghĩa từng từ tố, âm hưởng của câu thơ cũng đã khiến người đọc cảm nhận rằng, “người tình chung” là người yêu chỉ có một ở trên đời, tình yêu đối với người đó như đã thấm vào máu thịt, không thể nào phai nhạt. Và như vậy thì từ tình chung không phải là một danh từ để chỉ mối tình bền chặt, thuỷ chung, mà đó là một tính từ.

Theo soạn giả thì tìnhcảm xúc trong lòng, chung nghĩa là cuối, và, tình chung nghĩa là mối tình chung thuỷ. Nghĩ như vậy có lẽ chỉ vì ông vẫn thường nghe nói đến “mối tình chung thuỷ” nghĩa là mối tình trước sau như một (trong đó, chung 終 nghĩa là cuối, thuỷ 始 nghĩa là bắt đầu). Nhưng ông đã lầm to, mà lầm là phải, vì cứ dựa dẫm đoán mò thì thường chỉ có thể đúng ở những từ rất đơn giản.

Tình chung là một từ gốc Hán đã được Việt hoá, có lẽ nhờ ngòi bút của Nguyễn Du mà nó càng trở nên quen thuộc và có hồn hơn. Nó vốn là từ chung tình 鍾情 trong tiếng Hán, trong đó, chung 鍾 nghĩa là tụ lại, là đúc kết lại; tình 情 nghĩa là tình cảm, tình yêu, v. v., và, chung tình (là một tính từ) nghĩa là mang một tình yêu bền chặt như đúc thành một khối. Chúng tôi đã xem lại văn bản Truyện Kiều bằng chữ Nôm (bản Liễu Văn Ðường) thì thầy răng, từ tình chung được viết là 情鍾  trong đó, chữ chung 鍾 nghĩa là tụ lại, là đúc kết lại chứ không phải chữ chung 終 là cuối như soạn giả đã đoán bậy. Xin lưu ý rằng, trong chữ Nôm, cha ông ta cũng phân biệt hai chữ chung này.
Ở các câu 389-390 trong Truyện Kiều:

Duyên kia có phụ chi tình,
Mà toan sẻ gánh chung tình làm hai?

Nguyễn Du đã sử dụng từ chung tình với nghĩa giống như từ tình chung ở trên.


31. trị số

Soạn giả giải thích rằng, trị nghĩa là đánh giá, số nghĩa là con số, và, trị sốgiá trị bằng số. Nên hiểu chữ trị như một danh từ, nghĩa là giá trị, thì đúng hơn. Cần chú ý rằng, đây là một từ nửa Hán nửa Việt gồm hai từ tố gốc Hán được sắp xếp theo thứ tự của tiếng Việt, tương đương với từ số trị trong tiếng Hán.


32. viên chức

Viên nghĩa là người đảm đương một trách nhiệm nào đó, chứcphần việc phải làm. Ta thường hiểu rằng, viên chức là người làm việc trong một cơ quan hoặc đoàn thể. Soạn giả cũng nêu định nghĩa như thế nhưng không thấy được rằng, đây là một từ gốc Hán nhưng đã Việt hoá. Cả hai từ tố đều có gốc Hán, nhưng ở đây, chúng đã được kết hợp theo trật tự của tiếng Việt. Từ này tương đương với từ chức viên trong tiếng Hán.


33. vu khống

Chúng tôi đã xem hàng chục quyển từ điển Hán ngữ mà chưa hề gặp từ vu khống. Theo các quyển từ điển Việt Hán do người Trung Quốc biên soạn thì từ vu khống trong tiếng Việt được chuyển thành từ vu cáo. Vả lại, người Việt Nam cũng có thể dùng từ vu cáo để thay cho từ vu khống, và chính soạn giả của chúng ta cũng định nghĩa hai từ này giống nhau. Như vậy, có lẽ từ vu khống chỉ tồn tại ở Việt Nam. Tuy nhiên, hẳn đây không phải là một từ được đặt sai, bởi vì, quả là chữ khống 控 có một nghĩa là tố tụng, là vạch tội (các từ điển Hán Anh thường dịch là appeal, accuse), đồng nghĩa với chữ chữ cáo 告 trong từ vu cáo 誣告. Ðiều buồn cười ở đây là, vì không biết chữ Hán nên soạn giả đã đoán rằng, khống nghĩa là hư không, tức là không có gì.

Thực ra, chữ không 空 mới có nghĩa là trống không, trống rỗng, hư không. Chữ này còn có nghĩa là để trống, và trong trường hợp đó thì phải đọc là khống (tuy một số từ điển vẫn đọc là không, nhưng từ điển Từ nguyên chú âm là khổ cống thiết, khứ, tống vận, nên phải đọc là khống mới đúng). 



VII. Giải thích sai lệch các từ ngữ liên quan đến lịch sử và văn hoá

Nhóm từ ngữ có nội dung liên quan đến các khoa học xã hội và các hình thái ý thức xã hội có mặt rất ít trong từ điển này, chỉ ở con số vài ba chục. Phần nhiều là một số từ thường gặp trong sách giáo khoa lịch sử ở bậc trung học trở xuống. Tuy chỉ với một số từ ít ỏi nhưng vì soạn giả chỉ dựa vào trí nhớ hoặc đoán mò nên đã sai phạm rất nhiều trong việc giải nghĩa các từ hoặc các từ tố, gần như ở từ nào cũng có sai phạm. Chúng tôi xin nêu ra một số vị dụ.


1. ấm sinh 廕生

Soạn giả giải thích: ấmchức quyền, là ơn huệ cuả cha ông để lại; sinhhọc trò, và ấm sinhdanh vị phong kiến do cha làm quan to mà con trai được hưởng. Giải thích như vậy chỉ đúng ở từ tố sinhhọc trò, còn từ tố ấm và từ ấm sinh thì giảng chưa đúng. Trong tiếng Hán, chữ ấm 廕 (hoặc 蔭) có nghĩa gốc là che chở và nghĩa thứ hai là được che chở nhờ quan chức và công lao của ông cha. Các từ điển lớn cho biết rằng, ấm sinh là người nhờ cha ông có công lao với triều đình nên được vào học ở trường Quốc tử giám để được bổ dụng (hoặc có thể thi Hội mặc dầu chưa đỗ cử nhân). Như vây, ấm sinh 廕生 phải là một loại học trò. Hơn nữa, không phải hễ cứ là con quan to đều được làm ấm sinh, bởi vì trong mỗi gia đình quan to, số người được hưởng ân huệ như vậy đều có quy định. Chẳng hạn, theo quy định của nhà Thanh, quan trong triều từ tứ phẩm trở lên, và quan địa phương từ tam phẩm trở lên mới có một người con trai hoặc cháu trai được nhận làm ấm sinh.

Có thể nêu vài ví dụ về các vị ấm sinh, tuy chưa đỗ cử nhân nhưng được thi Hội và đã đỗ tiến sĩ.

  • Nguyễn Thiện, sinh năm 1860 quê ở xã Ðường Long, huyện Phong Ðiền, tỉnh Thừa Thiên, tuy chỉ đỗ tú tài nhưng được làm ấm sinh để vào học ở trường Quốc Tử Giám nên được thi Hội và đã đỗ tiến sĩ khoa Nhâm Thìn (1892) tức là năm Thành Thái thứ tư. Ông được làm ấm sinh vì có ông nội là tiến sĩ Nguyễn Văn Duy, người đã chiến đấu ở Gia Ðịnh và đã tuẫn tiết khi thành này bị thất thủ.
  • Nguyễn Sĩ Giác, sinh năm 1888, quê làng Kim Lũ, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Ðông, mồ côi cha, là cháu nội của tiến sĩ Nguyễn Trọng Hợp (Cơ mật viện đại thần, Tổng tài Quốc sử quán) nên được nhận làm ấm sinh, được coi là giám sinh thượng hạng. Tuy ông chỉ mới đỗ tú tài nhưng được thi Hội và đã đỗ tiến sĩ khoa Canh Tuất (1910) niên hiệu Duy Tân thứ tư.


2. cam lộ 甘露

Tuy soạn giả giải thích được rằng, cam 甘 nghĩa là ngọt, lộ 露 nghĩa là hạt móc đọng trên cây, nhưng ông đã giảng rất sai rằng, cam lộ nghĩa là nước phép của Phật. Thực ra, trước hết, cam lộ nghĩa là giọt móc ngọt. Người xưa tin rằng, trời cho móc ngọt là điềm lành, thiên hạ thái bình, cho nên, cam lộ có nghĩa là dấu hiệu của thời thái bình. Trong Phật giáo, từ cam lộ được dùng để chỉ giáo lý của Ðức Phật, chứ không phải là nước phép của Phật như soạn giả đã giảng giải. Hơn nữa, Phật không có nước phép. Chữ lộ露 này cũng có nghĩa là hiện ra (như trong các từ lộ diện, lộ thiên) và một số nghĩa khác nữa, trong đó có nghĩa là nước ngọt được chắt ép hoặc chưng cất từ hoa quả (tức là xi-rô), hay là nước ngọt do hoa và mầm lá tiết ra (gọi là mật hoa, mật lá). Bởi vậy, đôi khi người ta cũng gọi mật hoa là cam lộ.


3. cống sinh 貢生

Soạn giả giải thích: cống nghĩa là tiến dâng, sinh 生 là học trò, và, cống sinhngười thi đỗ hương cống thời phong kiến. Trong từ điển này không có từ hương cống, nhưng, theo Hán Việt từ điển của Ðào Duy Anh và vài cuốn từ điển khác thì hương cống là cử nhân từ trước thời Gia Long. Qua bài “Tổng luận về khoa cử ở nước Nam” trong sách Quốc triều hương khoa lục của Cao Xuân Dục, chúng ta được biết cụ thể hơn: Hương cống gọi là cử nhân, sinh đồ gọi là tú tài thì bắt đầu đổi gọi từ năm Mậu Tý, Minh Mạng thứ 9 (1828)”. Vậy, theo soạn giả thì cống sinh chính là cử nhân. Không đúng. Theo các từ điển của Trung Quốc, ở hai thời Minh và Thanh, các phủ, huyện, châu được chọn những người thi đỗ tú tài mà học giỏi để giới thiệu lên kinh đô học trường Quốc Tử Giám (sau này có thể thi tiến sĩ hoặc ra làm quan, mặc dầu chưa đỗ cử nhân). Như vậy cống sinh là người học trò chưa đỗ cử nhân nhưng được ưu tiên theo học trường Quốc tử giám để đi thi tiến sĩ hoặc ra làm quan như người đã đỗ cử nhân. Hán Việt từ điển của Ðào Duy Anh cũng giải thích rằng, cống sinh là người học trò giỏi do các tỉnh xét hạch lấy đậu, cấp lương ăn học để thi tiến sĩ, tức là được hưởng quyền lợi như cử nhân. Xin nêu một ví dụ:

Phan Dưỡng Hạo (1802 – 1849), quê ở xã Vân Tụ, huyện Ðông Thành (nay là huyện Yên Thành), tỉnh Nghệ An, thi Hương nhiều lần chỉ đỗ tú tài nhưng nổi tiếng học giỏi, được cử làm cống sinh vào học trường Quốc tử giám và thi đỗ thám hoa khoa Ðinh Mùi (1847), niên hiệu Thiệu Trị thứ bảy.


4. Cử nhân 举 人, cử tử 举 子

Theo soạn giả, cử có các nghĩa: cất lên; đưa lên, nổi dậy, thi đỗ; nhân nghĩa là người. Từ đó mà đi đến định nghĩa rằng, cử nhân là: 1. Người đậu chính thức khoa thi hương trong thời phong kiến; 2. Học vị đại học, trên tú tài, dưới tiến sĩ. Như vậy, theo soạn giả thì từ tố cử ở đây có nghĩa là thi đỗ. Chúng tôi nghĩ rằng, ông có hiểu sơ sơ về từ cử nhân rồi vận dụng chút hiểu biết ấy để đoán nghĩa của từ tố cử nghĩa là thi đỗ, nhưng đã đoán sai. Bởi vì, các từ điển lớn của Trung Quốc nêu gần hai chục nghĩa của chữ cử nhưng không nêu nghĩa này, mà chỉ giảng rằng, cử nghĩa là khoa cử khảo thí, nghĩa là việc thi tuyển (tương ứng với examination trong tiếng Anh) và cũng là cách gọi tắt của từ cử nhân. Dù chúng tôi có thể chưa tra cứu đến ngọn nguồn cũng vẫn đủ cơ sở để nói rằng, trong từ cử nhân 举 人 thì cử 举 hoàn toàn không có nghĩa là thi đỗ, như soạn giả đã ngộ nhận. Theo từ điển Từ nguyên thì nghĩa đầu tiên của từ cử nhântuyển dụng nhân tài, sau đó phát sinh nghĩa mới là người được tuyển dụng rồi sau nữa lại có nghĩa là người trúng tuyển kỳ thi ở các châu hoặc các tỉnh để được phép thi ở cấp trung ương. Như vậy, cử nghĩa là tiến dẫn, là tuyển chọn chứ không phải là thi đỗ. Trong lịch sử khoa cử ở Việt Nam, học vị cử nhân được sử dụng lần đầu tiên dưới thời vua Minh Mạng, từ khoa thi năm Mậu Tý 1828.

Trong từ cử tử 举 子 thì từ tố cử 举 lại có nghĩa là đi thi. Soạn giả đã định nghĩa đúng rằng, đó là người dự thi lối cử nghiệp. Nhưng theo ông, từ tố cử có nghĩa là thi đỗ. Ðiều đó cũng đủ chứng tỏ cái sai của ông, như chúng tôi vừa phân tích.

Ðộc giả có thể cho rằng, chúng tôi hơi câu nệ vào sách vở chữ Hán và có phần khắt khe đối với soạn giả. Xin độc giả hiểu rằng, nếu chỉ giải nghĩa mà thôi chứ không cắt nghĩa các từ tố thì chúng tôi không phải nói gì thêm ở hai từ này (và một số từ khác nữa). Nhưng vì soạn giả có chủ ý cắt nghĩa rành rọt từng từ tố để giúp người đọc hiểu thấu đáo các từ ngữ Hán Việt (cuối bài độc giả sẽ thấy đó là chủ trương từ đầu của ông) nên chúng tôi mới phải làm cái việc rất tốn công sức này, tuy không phải là vô ích.
5. dân tuý 民粹
Theo soạn giả, dânngười trong một nước, tuý nghĩa là say, rồi ông đưa ra một định nghĩa về từ dân tuý, tuy không sai nhưng rất dài dòng. Ðiều đáng chê trách là, ông không biết chữ Hán nhưng cứ đoán liều rằng, tuý nghĩa là say mê. Trong tiếng Hán, ở từ dân tuý 民粹 người ta dùng chữ tuý 粹 nghĩa là tinh hoa chứ không phải chữ tuý 醉 là say mê.

Phái dân tuý hay chủ nghĩa dân tuý là một trào lưu xã hội - chính trị ở Nga, xuất hiện trong những năm 70 của thế kỷ 19, coi nông dân (chứ không phải công nhân) là lực lượng cách mạng chủ yếu của nước Nga. Bắt nguồn ở từ narod trong tiếng Nga nghĩa là nhân dân (mà đại đa số dân Nga hồi ấy là nông dân), người ta đặt ra một từ là narodnichestvo, nghĩa là phái duy dân để chỉ trào lưu ấy. Từ này được dịch sang tiếng Anh là populism, tiếng Pháp là populisme, tiếng Hán là dân tuý chủ nghĩa 民粹主義 và tiếng Việt là chủ nghĩa dân tuý.


6. giám quốc 監國

Soạn giả cho biết: giám nghĩa là trông coi, quốcnước. Các từ tố này đã được giải nghĩa không sai. Nhưng, khi thấy ông định nghĩa rằng, giám quốcngười đứng đầu một nước cộng hoà tư sản thì chúng tôi thấy rằng, hiểu biết của ông về lịch sử hãy còn non kém lắm. Ông lại càng mắc sai lầm khi viết rằng, Ngày nay người ta dùng từ “tổng thống” để thay từ “giám quốc”.

Theo từ điển Từ nguyên, giám quốcngười cầm quyền tạm thời khi vua vắng mặt. Từ những thời xa xưa, khi vua đi đánh dẹp ở xa thì thái tử thường làm giám quốc để trông coi việc nước. Cũng có trường hợp, vua mới lên ngôi còn quá nhỏ thì đình thần cũng chọn một người làm giám quốc. Ví dụ, năm 1908, Phổ Nghi lên ngôi vua nhà Thanh khi mới hai tuổi, đình thần đã cử cha của ông ta là Tải Thuần làm giám quốc.

Ở nước ta cũng đã từng có chức giám quốc. Cuối năm 1787, Vũ Văn Nhậm theo lệnh của Nguyễn Huệ ra bắc giết Nguyễn Hữu Chỉnh rồi lập Sùng Nhượng Công Lê Duy Cận (con vua Lê Hiển Tông, chú của Lê Chiêu Thống) làm giám quốc vì Lê Chiêu Thống đã chạy khỏi kinh thành để cầu cứu quân Thanh. Khi Nguyễn Huệ ra bắc giết Vũ Văn Nhậm, ông vẫn để Lê Duy Cận làm giám quốc.

Ðúng là hồi cuối thế kỷ 19, có người đã dùng từ giám quốc để chỉ chức tổng thống nước Pháp, nhưng đó chỉ là cách dùng tạm thời, gượng ép. Sang đầu thế kỷ 20, không ai gọi tổng thống Pháp là giám quốc nữa. Ngày nay, chúng ta vẫn phải gọi Tải Thuần và Lê Duy Cận là những ông giám quốc ở thời trước. Nếu gọi họ là tổng thống thì thật đáng xấu hổ.


7. liêm phóng 廉訪

Nếu chỉ giải thích rằng, liêm = trong trắng, không tham ô; phóng = dò xét; và, liêm phóng = sở mật thám của thực dân Pháp - như soạn giả đã làm thì quá sơ sài và hời hợt, lại khiến người đọc tưởng rằng từ này chỉ mới xuất hiện dưới thời Pháp thuộc. Phải nói rõ thêm rằng, phóng ở đây là do đọc chệch từ chữ phỏng 訪 nghĩa là hỏi cho biết, tức là tìm hiểu sự việc (như trong từ phỏng vấn). Cơ quan liêm phỏng đã có từ rất lâu rồi. Năm 1285, nhà Nguyên đặt ra Túc chính liêm phỏng ty ở các đạo để xem xét công và tội của các quan. Năm 1325, vua Trần Minh Tông đặt Liêm phỏng ty ở các lộ. Năm 1400, Hồ Quý Ly đặt chức liêm phỏng sứ ở các lộ. Thời nhà Thanh cũng gọi án sát sứ là liêm phỏng sứ. Trong thời Pháp thuộc, sở mật thám được gọi là sở liêm phóng.


8. ngọc tỉ 玉璽

Tỉ 璽 là cái ấn của hoàng đế. Ngọc tỉ là cái ấn bằng ngọc của hoàng đế. Soạn giả nêu định nghĩa: ngọc tỉ là ấn của nhà vua, tuy không hoàn toàn sai, nhưng chưa chính xác lắm, vì ngọc tỉ phải là cái ấn bằng ngọc. Nhưng khi thấy ông đưa ra một ví dụ: Bảo Đại đã giao ngọc tỉ cho đại diện của chính phủ cách mạng, khi tuyên bố thoái vị, thì chúng tôi hết sức ngỡ ngàng, vì vua Bảo Ðại làm gì có ngọc tỉ. Cái ấn của ông ta là bằng vàng, tên gọi là “Hoàng đế chi ấn”, tức là “ấn của hoàng đế” chứ chưa bao giờ gọi là tỉ và cũng không phải bằng ngọc. Theo từ điển Từ nguyên thì ngọc tỉ nghĩa là Hoàng đế chi ngọc ấn, tức là ấn bằng ngọc của hoàng đế. Từ điển này còn cho biết thêm rằng, thời xưa, ở Trung Quốc, ấn được làm bằng vàng hoặc bằng ngọc, nhưng từ thời Tần về sau thì ấn được làm bằng ngọc. Ðó là việc ở Trung Quốc. Ở Việt Nam hình như chưa ai biết thời nào đã từng có ngọc tỉ; riêng ở triều Nguyễn thì chỉ có ấn bằng vàng mà thôi.


9. ngự lâm pháo thủ

Trước hết, xin nói thêm rằng, ngự lâm pháo thủ là từ mà cụ Nguyễn Văn Vĩnh đã dùng để chỉ lính hầu cận của vua nước Pháp hồi thế kỷ 17. Khi giải thích từ này, soạn giả phân tích như sau: ngự = thuộc về vua; lâm = rừng; pháo = súng lớn; thủ = tay. Do đó, ông đi đến định nghĩa: ngự lâm pháo thủ nghĩa là những người lính bắn súng lớn ở trong rừng của vua. Một định nghĩa thật ngô nghê buồn cười và rất sai. Trong sách Tam quốc diễn nghĩa, ở hồi thứ 24 có chỗ nói rằng, “Tào Tháo cho 3000 người tâm phúc sung vào ngự lâm quân, cử Tào Hồng thống lĩnh”. Ngự lâm quân cũng là cấm vệ quân, là từ dùng để chỉ đội quân chuyên việc phòng thủ kinh đô và bảo vệ nhà vua. Trong từ ngự lâm pháo thủ, ngự lâm nghĩa là lính ngự lâm, tức là lính bảo vệ nhà vua. Rất nhiều người đã biết tác phẩm Ba chàng ngự lâm pháo thủ của nhà văn Alexandre Dumas. Tên sách bằng tiếng Pháp là Les trois mousquetaires, nghĩa là ba người lính mang súng mousquet. Súng mousquet là loại súng dùng cho cá nhân nên có cỡ như khẩu súng trường, chỉ một người mang, nhưng khi bắn thì phải có giá đỡ, bởi vì nó vẫn là loại súng hoả mai, nghĩa là phải châm mồi lửa mới bắn được. Tuy nhiên, ở thế kỷ 17 thì nó là thứ vũ khí rất quý, nên được dùng để trang bị cho quân cấm vệ, tức là dùng cho lính ngự lâm. Mousquetaires nghĩa là những người lính mang súng mousquet, thời đó được dùng làm lính bảo vệ kinh thành và bảo vệ nhà vua. Bởi vậy, khi dịch Les trois mousquetaires sang tiếng Việt, nếu dịch cho đúng từng chữ thì chỉ cần dịch là Ba người lính mang súng hoả mai; nếu muốn thể hiện dúng tinh thần của nguyên tác thì chỉ cần dịch là Ba người lính ngự lâm cũng chính xác rồi. Nhưng ông Nguyễn Văn Vĩnh biết rằng, lính ngự lâm đến thời bấy giờ mới bắt đầu có súng, oai hơn hẳn trước kia, do đó, ông đã thêm các chữ pháo thủ để cho những anh lính này không bị nhầm lẫn với loại lính ngự lâm cầm gươm giáo “tầm thường” trước đó.


10. thái thú 太守

Soạn giả giải thích rằng, thái là rất, là tuyệt cao, là tiếng tôn xưng; thú là chức quan; thái thú là chức quan Trung Quốc xưa được cử đứng đầu một nước chiếm cứ được. Chưa nói đến sự hiểu biết quá mù mờ về từ tố thú, định nghĩa này vừa lủng củng vừa sai. Lịch sử cho biết rằng, từ thời Chiến quốc, thú là chức quan đứng đầu một quận, tôn xưng là thái thú. Các đời sau có khi đổi thành quận thú. Nhà Hán đặt nước ta thành quận Giao Chỉ của Trung Quốc nên tên quan đứng đầu quận này cũng được gọi là thái thú. Như vậy, thái thú là chức quan đứng đầu một quận thuộc Trung Quốc, do các triều đại phong kiến Trung Quốc đặt ra.


11. tham tụng 參訟

Theo soạn giả, tham nghĩa là dự vào, tụng nghĩa là đi theo, và, tham tụng là chức quan to thời Hậu Lê. Ðịnh nghĩa này không rõ ràng, hơn nữa, soạn giả đã bịa sai nghĩa cho từ tố tụng. Chữ tụng 訟 ở đây nghĩa có nghĩa gốc là bàn luận và có mặt trong từ tố tụng chứ không có nghĩa là đi theo. Tham tụn 參訟 nghĩa đen là "được dự bàn luật lệ". Ðó là chức quan to nhất trong phủ chúa Trịnh, được dự bàn việc trong phủ chúa Trịnh, giữ vai trò tể tướng.


12. thứ sử 刺史

Trong từ thứ sử, thứ nghĩa là sai khiến. Soạn giả đã nói đúng nghĩa của từ tố ấy, nhưng, thật đáng ngạc nhiên khi ông giảng rằng, sử nghĩa là quan coi việc chép sử, và, thứ sửchức quan coi việc cai trị một quận. Chúng tôi nghĩ rằng, chữ sử ở đây không có nghĩa là lịch sử nên phải tra cứu thật kỹ. Theo từ điển Từ nguyên, chữ sử ở đây nghĩa là sứ giả (phái viên) của hoàng đế. Thứ sử vốn là chức quan quản lý một châu. Hán Vũ Ðế chia Trung Quốc (gồm cả một số vùng phụ thuộc, trong đó có nước ta) thành 13 châu, mỗi châu đặt một viên thứ sử. Thời đó, nước ta được gọi là quận Giao Chỉ, (nằm trong vùng Giao Chỉ, là một trong 13 châu thời ấy) do một viên thái thú (cấp dưới của thứ sử) đứng đầu. Viên thứ sử Giao Chỉ trông coi một vùng đất lớn hơn nước ta rất nhiều. Như vậy, chức thứ sử thời đó tương đương chức tổng đốc ở Trung Quốc gần đây. Từ thời nhà Tuỳ (581 - 618) về sau, thứ sử là tên gọi thay cho thái thú, cai quản một quận, tương đương với chức tri phủ của Trung Quốc sau này. Năm 931, khi Dương Ðình Nghệ tự xưng là Tiết độ sứ, ông đã cử Ðinh Công Trứ (cha của Ðinh Bộ Lĩnh) làm thứ sử Hoan châu.


13. tiên đan 仙丹

Theo soạn giả, tiên = người tiên; đan = thuốc viên; và, tiên đan = thuốc tiên. Trước hết, vì không hiểu gì về chữ đan 丹 cho nên soạn giả đành nói liều rằng, đó là thuốc viên. Thực ra, hoàn mới là thuốc viên. Cao, đan, hoàn, tán cơ mà! Từ đó, đủ thấy rằng, ông chưa thể hiểu từ tiên đan. Theo quan niệm của đạo giáo (taoism) ở Trung Quốc, tiên là người ở cõi trời, có cuộc sống trường sinh bất tử và có nhiều phép lạ. Ðan là tên gọi tắt của đan sa, tức là thần sa hoặc chu sa (xem mục từ 15 ở phần VIII dưới đây), một chất khoáng được các đạo sĩ dùng làm nguyên liệu chính để chế luyện thành thuốc có công dụng đặc biệt. Bởi vậy, chữ đan lại có nghĩa là thuốc được chế luyện theo một phương thức bí truyền, và, tiên đan nghĩa là thuốc trường sinh, mà theo đạo giáo thì người được uống nó sẽ trở thành tiên, sống mãi không chết.

Trong tiếng Việt, từ thuốc tiên thường có nghĩa là thuốc chữa bách bệnh (bệnh gì cũng chữa được), hoặc là thuốc chữa khỏi bệnh ngay chứ không có nghĩa là thuốc trường sinh.


14. tiền sử

Tiền là trước, sử là lịch sử, vậy nên soạn giả định nghĩa rằng, tiền sử là thời kỳ lịch sử trước khi có sử, rồi nêu ra một câu ví dụ: Ngay từ thời tiền sử nhân dân ta đã biết làm ruộng. Bên cạnh từ tiền sử, ta thấy có những từ như tiền án, tiền sự, tiền đồ, tiền vận, v.v, trong đó, từ tố tiền tuy có cùng một nghĩa là trước nhưng đóng vai trò khác hẳn, ví dụ, tiền án không phải là trước vụ án, mà nghĩa là vụ án từ trước. Từ tiền sử gồm hai từ tố gốc Hán nhưng được ghép lại theo kiểu Việt Nam. Nếu theo đúng quy tắc cấu tạo như ở những từ vừa kể thì từ tiền sử kia phải đổi thành sử tiền, như người Trung Quốc vẫn dùng. Vậy thì người biên soạn cũng phải có đôi lời chỉ bảo để cho người đọc khỏi thấy bối rối và khỏi vận dụng sai trong những trường hợp khác.

Ngoài ra, theo cách định nghĩa như trên thì người đọc hiểu rằng, tiền sử là một danh từ. Sự thực thì nó phải là một tính từ. Chính ví dụ do soạn giả đưa ra đã chứng tỏ điều đó. Ông viết: Ngay từ thời tiền sử... thì đúng, chứ ông không thể viết: Ngay từ tiền sử... Chúng ta có không ít cụm từ, trong đó, tiền sử đóng vai trò tính từ, như: người tiền sử, khảo cổ học tiền sử, v.v. Danh từ préhistoire trong tiếng Pháp hoặc prehistory trong tiếng Anh được người Trung Quốc dịch là sử tiền kỳ, sử tiền học, trong đó, từ sử tiền (tương ứng với tiền sử trong tiếng Việt) được coi như một tính từ. Trong các từ điển Hán Anh (hoặc Hán Pháp), từ sử tiền được dịch thành tính từ prehistorical (hoặc préhistorique)

Ðể cho chặt chẽ và hợp lý, trong từ điển nên viết rằng, tiền sử: (thuộc về) thời kỳ lịch sử trước khi có chữ viết, để thể hiện vai trò tính từ của từ này.


15. tiết độ sứ 節度使

Khi đọc đến định nghĩa: tiết độ sứ là chức quan cai trị một địa phương trong chế độ phong kiến, người đọc được biết quá ít về chức vụ này và không thể hình dung được vai trò, chức trách, quyền hạn, v.v. của nó. Trong thời buổi mà độc giả gồm vô số tú tài, cử nhân, tiến sĩ, họ đòi hỏi thông tin cụ thể, chính xác, thì định nghĩa qua loa này thật không đạt.

Tiết độ sứ là một chức quan do chính quyền phong kiến Trung Quốc đặt ra từ năm 710, thời nhà Ðường, nắm quyền về quân sự và dân sự ở một khu vực rộng lớn, tương đương một châu (đơn vị hành chính trực thuộc trung ương, tương tự như một tỉnh ở Trung Quốc hiện nay nhưng thường có diện tích lớn hơn) điều khiển các thứ sử (lúc này, thứ sử chỉ là quận trưởng). Thời đó, nhà Ðường cũng cử một viên tiết độ sứ để cai trị nước ta (nghĩa là coi nước ta như một tỉnh), gọi là Giao Châu tiết độ sứ. Năm 906, khi nhà Ðường sắp bị diệt vong, Khúc Thừa Dụ được cử làm tiết độ sứ ở Giao Châu. Năm 931, Dương Ðình Nghệ đánh đuổi được bọn tướng Nam Hán rồi tự xưng là tiết độ sứ. Chức tiết độ sứ bị bãi bỏ từ thời Nguyên.


16. trạng nguyên 状元

Trạng nguyên là người đỗ đầu khoa thi đình trong thời phong kiến. Nên biết rằng, rằng, ở Việt Nam, học vị trạng nguyên chỉ tồn tại đến năm Bính Thìn, năm Vĩnh Hựu thứ hai (1736) đời vua Lê Hy Tông thì chấm dứt, với người đỗ trạng nguyên là Trịnh Huệ, quê ở xã Sóc Sơn, huyện Quảng Hóa (nay thuộc huyên Quảng Xương), tỉnh Thanh Hóa, mặc dầu chế độ khoa cử của chế độ phong kiến Việt Namvẫn tồn tại đến 1919. Tuy nhiên, định nghĩa như thế có thể coi là tạm được. Ðiều đáng nói là, soạn giả chưa hiểu nghĩa của các từ tố trạngnguyên vì ông cho rằng, trạng nghĩa là hình dáng, tình hình, bày tỏ; và, nguyênđứng đầu. Ở đây, nguyên nghĩa là người đứng đầu (chứ không phải là đứng đầu). Ðành rằng chữ trạng 状 có các nghĩa như soạn giả đã nêu, nhưng đó không phải là nghĩa của từ tố trạng 状 trong từ trạng nguyên 状元. Nếu từ tố trạng có nghĩa như thế thì ta thật khó lý giải về nghĩa của từ trạng nguyên.

Theo từ điển Từ nguyên, chữ trạng 状 còn có nghĩa là tờ đơn, tức là văn bản đề đạt lên cấp trên để trình bày một sự việc hoặc yêu cầu một điều nào đó. Từ thời nhà Ðường, khi những người đã đỗ cử nhân muốn tham dự khoa thi đình, họ phải nộp đơn (trạng) cho bộ lễ, nếu thi đỗ, họ sẽ là tiến sĩ. Do đó, người đỗ đầu trong số các tiến sĩ (mà cũng chính là đứng đầu những người đã nộp tờ “trạng” để xin dự thi)) được gọi là trạng nguyên.


17. vương phi 王妃

Nhiều người nghĩ rằng, vương là vua, và vương phi là vợ vua. Soạn giả cũng hiểu sai như thế, rồi đưa ra ví dụ: Bà vương phi Dương Vân Nga trao long cổn cho thập đạo tướng quân Lê Hoàn. Xin nói rõ rằng, chỉ ở những thời đại xa xưa, vương mới có nghĩa là vua một nước, ví dụ như Hùng vương, An Dương vương. Các vua ở Trung Quốc từ Tần Thuỷ Hoàng (thế kỷ III trước Công nguyên) trở về sau đều xưng là hoàng đế và thường phong tước vương cho con hoặc anh em mình. Ngay sau khi chấm dứt thời kỳ Bắc thuộc, các vua nước ta từ Ðinh Tiên Hoàng trở đi cũng đều xưng là hoàng đế và cũng phong tước vương cho các con hoặc anh em. Phi là vợ thứ của vua (dưới hoàng hậu một bậc), hoặc vợ chính của hoàng tử. Chỉ vợ chính của người mang tước vương mới gọi là vương phi. Vợ thứ của vua dưới hoàng hậu một bậc thì gọi là hoàng phi chứ không phải là vương phi. Như vậy, soạn giả đã đưa ra một định nghĩa sai về từ vương phi. Ngoài ra, không thể gọi bà Dương Vân Nga là vương phi vì bà đã được Ðinh Tiên Hoàng phong làm hoàng hậu, và khi bà trao long bào cho Lê Hoàn thì con bà là Ðinh Toàn đang làm vua, bà đã là thái hậu.




VIII. Giải thích sai các thuật ngữ liên quan đến khoa học tự nhiên

Trong cuốn từ điển này, số lượng thuật ngữ về khoa học tự nhiên vô cùng ít ỏi, chỉ khoảng vài chục, phần nhiều đều là những thuật ngữ khá thông dụng trong đời sống hàng ngày. Tiếc thay, hầu hết các thuật ngữ này đều được giải thích rất hời hợt và sai. Dưới đây là xin nêu 15 trường hợp đáng lưu ý để làm ví dụ.


1. an tức hương 安息香

Sau khi giải nghĩa các từ tố (an = yên ổn; tức = hơi thở; hương = hương thơm), soạn giả định nghĩa rằng, đó là vị thuốc đông y dùng để chữa bệnh ho. Nếu gọi đây là định nghĩa thì chúng ta có thể dùng câu này để định nghĩa cho rất nhiều vị thuốc đông y khác, mà thực chất là chẳng định nghĩa gì cả. Nên định nghĩa cho rõ ràng, có tính khoa học một chút, như sau: An tức hương là nhựa của cây cánh kiền trắng, còn gọi là cây bồ đề, có tên khoa học là Styrax tonkinense, được dùng làm thuốc trong đông y để chữa chứng viêm phế quản và chứng nẻ vú.


2. chỉ xác 枳殼

Theo soạn giả thì chỉcây bưởi, xácvỏ, chỉ xácvị thuốc làm bằng vỏ bưởi phơi khô (ta hiểu là vỏ của quả bưởi chứ không phải là vỏ của cây bưởi). Nhưng, chúng ta biết rằng, cây bưởi có tên chữ Hán là dữu 柚 và tên khoa học là Citrus grandis hoặc Citrus maxima. Tra cứu các tài liệu của Trung Quốc, chúng tôi được biết, chỉ 枳 là cây câu quất, còn gọi là xú quất (nghĩa là quất hôi hoặc quýt hôi), có tên khoa học là Poncirus trifoliata, thân cây không cao lớn, lá có ba thuỳ, quả nhỏ và chua. Chỉ xácquả già của cây chỉ này được bổ đôi và phơi khô. Trong Ðông y, chỉ xá được dùng để chữa các chứng ho, hen, đờm, suyễn, đại tiện khó khăn và kiết lỵ ở trẻ con. Giáo sư Ðỗ Tất Lợi cho biết, cây chỉ 枳 để làm ra vị thuốc chỉ xác cũng có vài loài, đều thuộc họ Cam quýt. Người ta cũng lấy quả non phơi khô để làm ra vị thuốc chỉ thực 枳實. Như vậy, chỉ không phải là cây bưởi và chỉ xác không phải là vỏ bưởi phơi khô.


3. kinh lạc 經絡

Soạn giả cho biết rằng, chữ kinh có các nghĩa: sửa trị, đường dọc, sách vở, từng trải, thường. (Chúng ta hiểu rằng, trong từ kinh lạc, thì kinh có nghĩa là đường dọc). Còn chữ lạc thì ông cho rằng, đó là dây thần kinh, và, kinh lạc là hệ thống dây thần kinh nối liền các huyệt . Chúng tôi rất nghi ngờ về định nghĩa này, bởi vì hệ thống thần kinh thì do người phương Tây tìm ra và người Trung Hoa mới học hỏi trong mấy thế kỷ vừa qua, trong khi hệ kinh lạc là sản phẩm trí tuệ độc đáo của Trung Quốc mà người phương Tây hiện nay đang tiếp tục tìm hiểu. Bởi vậy, chúng tôi đã tra từ điển Từ hải và được biết như sau: Kinh lạc là mạng lưới các đường vận chuyển khí huyết (gần có nghĩa như là năng lượng, theo quan niệm của đông y) trong cơ thể. Kinh 經 là những đường chính chạy theo chiều dọc của cơ thể; lạc 絡 là những đường nối ngang giữa các đường dọc ấy; các huyệt châm cứu đều nằm trên mạng lưới kinh lạc. Hệ kinh lạc khác hẳn hệ thần kinh, và các đường kinh lạc không trùng với các dây thần kinh.


4. dạ hợp 夜合

Nếu không suy nghĩ và tra cứu thật cẩn thận thì rất dễ tưởng lầm rằng, ở từ dạ hợp, soạn giả đã cắt nghĩa rất đúng. Theo lời ông thì dạ = ban đêm; hợp = thích hợp; và, dạ hợp là một loài cây cùng họ với ngọc lan, hoa trắng rất thơm, nở về ban đêm. Cách cắt nghĩa từ tố hợp như trên đã khiến ông tin rằng, dạ hợp nghĩa là thích hợp với ban đêm nên loài hoa này ắt phải nở về đêm! Ðó là một điều sai nghiêm trọng. Ðúng là chữ hợp 合 có một nghĩa là thích hợp, là phù hợp, nhưng nó còn có nhiều nghĩa khác nữa. Trước hết, nghĩa ban đầu của nó là khép lại, mà đó cũng chính là nghĩa cụ thể trong từ dạ hợp 夜合. Từ điển Từ nguyên nói về cây dạ hợp như sau: mộc bản, diệp trường, hoa thanh bạch sắc, hiểu khai dạ hợp, cố danh. Nghĩa là: thân gỗ, lá dài, hoa màu trắng xanh, trời sáng thì nở, ban đêm thì cụp lại, do đó mà có tên ấy. Như vậy, vào ban đêm, hoa dạ hợp không thể nở được, dẫu đã nở rồi cũng phải cụp lại. Ngoài ra, dạ hợp còn là một tên gọi khác của cây hà thủ ô, một loài cây leo được dùng làm thuốc trong đông y.


5. long diên 龍涎

Cách giải thích của soạn giả về long diên chỉ hợp với yêu cầu và trình độ của học sinh tiểu học. Theo ông, long = rồng, diên = nước dãi; nghĩa đen của long diêndãi rồng; long diên là hương liệu giống như sáp, dùng làm thuốc. Bởi vì đối tượng chính của từ điển này hẳn không phải là học sinh tiểu học, bởi vậy, giải thích như thế thì quá mù mờ. Long diên 龍涎 còn gọi là long diên hương, tiếng Anh: ambergris) là một hợp chất giống như sáp, do một loài cá voi tiết ra, thường gặp ở dạng khối tròn nổi trên mặt biển, nặng từ 300-400g đến vài kilogram. Loài cá voi này có đầu rất to, gọi là cá nhà táng (tiếng Anh và tiếng Pháp gọi là cachalot). Long diên hương là một chất có mùi thơm, được dùng làm hương liệu, làm thuốc giảm đau, sát khuẩn, trị hen.


6. ngoại dịch (tiếng Anh: perilymph)

Soạn giả đã định nghĩa rằng, ngoại dịch là chất nước trong hốc xương tai trong của động vật . Ðịnh nghĩa này rất mù mờ và không khác gì mấy so với định nghĩa về nội dịch ở mục từ 11 dưới đây. Phải định nghĩa lại như sau: ngoại dịch là chất lỏng ở ngoài đường rối màng, ngăn cách đường rối màng với đường rối xương của tai trong. Xin giải thích thêm: đường rối màng (membraneuos labyrinth) là bộ phận cảm giác của tai trong, gồm một hệ thống ống màng vòng vèo; đường rối xương (bony labyrinth, osseous labyrinth) là hệ thống rãnh bên trong xương tai của động vật có xương sống, nơi chứa đường rối màng của tai trong.


7. nhãn áp 眼壓 (tiếng Anh: intraocular pressure; tiếng Pháp: pression intraoculaire)

Nhãn là mắt, áp là sức ép, ai cũng hiểu như thế, không có gì phải nói về các từ tố này. Nhưng, soạn giả đã nêu một định nghĩa hoàn toàn sai rằng, nhãn áp là áp suất của máu ở mắt! Ông hoàn toàn không hiểu rằng, áp suất của máu ở mắt hay ở bất cứ chỗ nào khác trên cơ thể cũng đều phụ thuộc vào sự co bóp của trái tim. Ðể đánh giá hoạt động của hệ tim – mạch, người ta chỉ cần đo huyết áp ở cổ tay chứ không cần (và nhiều khi không thể) đo ở các bộ phận khác trên cơ thể. Ðiều này chứng tỏ ông rất thiếu những tri thức cơ bản bình thường nhất.

Nhãn áp không phải là áp suất của máu ở mắt, mà áp suất của chất lỏng bên trong nhãn cầu.


8. nhiệt hạch 熱核 (tiếng Anh: thermonuclear, tiếng Pháp: thermonucléaire)

Từ phép suy luận thật đơn giản rằng, nhiệt là nóng, hạch là hạt, thế là soạn giả đưa ra cái định nghĩa: nhiệt hạch là nhiệt phát ra từ sự phá huỷ hạt nhân nguyên tử. Như vậy, ông đã coi từ nhiệt hạch là một danh từ, điều đó đủ chứng tỏ tầm mức hiểu biết của ông chưa tới những năm đầu của bậc trung học, khỏi phải bàn nữa. Từ nhiệt hạch không hề có vai trò danh từ. Nó là một tính từ, vốn được dịch từ chữ thermonuclear trong tiếng Anh (hoặc thermonucléaire trong tiếng Pháp) mà ra. Bởi vậy, nó phải nằm trong các tổ hợp từ như: phản ứng nhiệt hạch, năng lượng nhiệt hạch, vũ khí nhiệt hạch, bom nhiệt hạch, hoả tiễn nhiệt hạch, v.v. Nhiệt phát ra từ sự phá huỷ hạt nhân nguyên tử thì phải gọi là nhiệt năng hạt nhân, hay có người gọi là nhiệt năng hạch tâm, mà tiếng Anh gọi là nuclear heat, tiếng Pháp gọi là chaleur nucléaire, và tiếng Hán gọi là hạch nhiệt năng và không thể gọi là nhiệt hạch như soạn giả đã dạy. Phản ứng phá huỷ hạt nhân nguyên tử có tên là phản ứng hạt nhân hoặc phản ứng hạch tâm (hạch tâm nghĩa là hạt nhân nguyên tử), mà tiếng Anh gọi là nucleair reaction. Trái lại, phản ứng nhiệt hạch (thermonuclair reaction) là phản ứng tổng hợp hạt nhân, xẩy ra giữa các hạt nhân của các nguyên tố nhẹ khi chúng là những hợp phần của một chất khí ở nhiệt độ cao hàng chục triệu độ, kết quả là sẽ giải phóng năng lượng vô cùng lớn.


9. nhiệt hoá học

Theo soạn giả, nhiệt hoá học là ngành hoá học nghiên cứu nhiệt lượng sinh ra bởi những phản ứng hoá học. Ðịnh nghĩa như vậy hẳn là quá sơ sài và thiếu chính xác. Ðơn giản nhất cũng phải định nghĩa như sau: nhiệt hoá học là phân ngành của hoá học, chuyên nghiên cứu và phân tích những sự trao đổi nhiệt gắn liền với những phản ứng hoá học và những sự thay đổi trạng thái của vật chất.


10. nhiệt phân 熱分 (tiếng Anh: thermolysis, tiếng Pháp: thermolyse)

Nhiệt phân là sự chuyển hoá các hợp chất hữu cơ dưới tác động của nhiệt, có kèm theo sự phá huỷ chúng. Tiếc thay, soạn giả đã giải thích rằng, nhiệt phân là phép phân tích hoá học bằng nhiệt. Hiện tượng nhiệt phân nhiều khi xẩy ra ngoài sự mong muốn của con người, còn phép phân tích hoá học lại là việc mà con người chủ động thực hiện vì mục đích của mình. Hiện tượng nhiệt phân hoàn toàn không phải là phép phân tích hoá học bằng nhiệt như soạn giả đã nhầm lẫn.


11. nhu động 蝚 動 (tiếng Anh: peristalsis, tiếng Pháp: péristaltisme)

Theo soạn giả thì nhu nghĩa là mềm yếu, mềm dẻo, và, nhu động là từ y học chỉ cử động của ruột để đưa thức ăn xuống trong bộ máy tiêu hoá. Ðịnh nghĩa này của ông vừa thiếu chính xác vừa không tổng quát. Do không biết chữ Hán nên ông cứ tưởng rằng nhu nghĩa là mềm. Thực ra, trong tiếng Hán có đến ngót hai chục chữ có âm Hán Việt là nhu nhưng chỉ có một chữ nhu 柔 có nghĩa là mềm. Trong từ nhu động, nhu 蝚 có nghĩa là nhúc nhích như giun bò chứ không phải nhu 柔 là mềm như ông đã giải thích. Theo từ điển McGraw-Hill Dictionary of Scientific and Technical Terms (là từ điển giải thích các thuật ngữ khoa học và kỹ thuật bằng tiếng Anh, in hàng năm tại 18 thành phố trên khắp thế giới, rất đáng tin cậy) thì nhu động (peristalsis) là sự co duỗi nhịp nhàng của cơ trong ruột (hay trong các cơ quan khác có dạng ống mềm) dưới tác động phối hợp của những sợi cơ ngang và những sợi cơ dọc.


12. nội dịch (tiếng Anh: endolymph, tiếng Pháp: endolymphe)

Soạn giả nêu định nghĩa: nội dịch là chất nước ở tai trong của động vật. Ðịnh nghĩa này hoàn toàn không rõ ràng và cũng gần giống như định nghĩa về ngoại dịch mà soạn giả đã nêu (xem mục từ số 5 ở phần này), nó không cho biết nội dịch khác với ngoại dịch ở chỗ nào. Cần phải định nghĩa lại như sau: nội dịch là chất lỏng trong đường rối màng (membranous labyrinth) ở tai trong của động vật.


13. phức số 複 數 (tiếng Anh complex number, tiếng Pháp: nombre complexe)

Phức số (cũng gọi là số phức) là một số có dạng a+bi, trong đó, a và b là những số thực, và i2 = -1. Rủi thay, soạn giả định nghĩa rằng, phức số là số tính không theo hệ thập phân, ví dụ, số giờ tính ra phút là một phức số.

Ðây là một khái niệm toán học rất quan trọng trong chương trình trung học.


14. san hô 珊 瑚

Soạn giả cho rằng, santiếng ngọc chạm nhau; nghĩa là ngọc; và, san hô có hai nghĩa: 1) động vật thuộc ngành xoang tràng sống định cư thành tập đoàn san hô ở bờ biển, cơ thể có bộ xương cũng bằng chất khoáng, kết thành từng khối theo hình cành cây; 2) bộ xương của san hô. Ðịnh nghĩa như vậy, vừa dài dòng, vừa lủng củng, mà thực ra là chưa định nghĩa gì cả, bởi soạn giả đã sử dụng từ san hô để định nghĩa cho san hô. Theo nghĩa thứ hai thì "san hô nghĩa là bộ xương của san hô”, thật là bí hiểm! Chúng tôi đã tham khảo vài bộ từ điển khoa học trên thế giới và xin nêu định nghĩa như sau: San hô là bộ xương bằng đá vôi, thường có hình cành cây, do các tập đoàn động vật ruột khoang có tên là "trùng san hô" (Anthozoan) tiết ra. Chữ san 珊 này trong tiếng Hán không có nghĩa riêng như soạn giả đã bịa ra, nó chỉ có mặt trong hai từ là san san 珊珊 và san hô 珊瑚. San san là từ để mô tả tiếng va chạm giữa cái thẻ ngọc đeo ở thắt lưng (ngọc bội) và quần áo. Chữ 瑚 cũng không có nghĩa riêng, nó chỉ được dùng để tạo nên từ san hô mà thôi.


15. thạch anh 石英

Soạn giả dạy rằng, "thạch anh là khoáng chất dạng kết tinh trông óng ánh". Ðó không phải là định nghĩa, mà chỉ là một nhận xét về thạch anh. Có thể nêu định nghĩa: thạch anh là một khoáng vật tạo đá, trong suốt, thường không có màu, là đioxit silic SiO( kết tinh.


16. thạch tín

Thạchđá, tíntin, thạch tínhợp chất của asen chứa nhiều độc tố. Ðó là lời giảng của soạn giả. Thật là một lời giải thích rất hời hợt, chẳng nêu được một đặc điểm nào để phân biệt thạch tín với các chất khác. Thực ta, tên gọi đúng của khoáng chất này là tín thạch 信石 (vì nó được tìm thấy ở Tín Châu, nay thuộc vùng Thượng Nhiêu, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc), có thành phần chính là As2O3, rất độc, được dùng làm thuốc tiêu đờm, chữa sốt rét. Tín thạch còn được gọi tắt là tín, nhưng chữ tín 信 gồm chữ nhân 人 (hai nét bút ở bên trái của chữ tín 信 chính là biến thể của chữ nhân 人) ghép với chữ ngôn 言, do đó người ta còn gọi tín thạch là nhân ngôn 人言.


17. thần sa 辰 砂 (tiếng Anh: cinnabar, tiếng Pháp: cinabre)

Lời giảng giải của soạn giả về thần sa vừa sơ sài vừa sai hoàn toàn. Theo ông, thần nghĩa là ông thần, là linh diệu, là tinh thần; sa nghĩa là đá sỏi; và, thần sa là khoáng chất có màu đỏ tươi thắm, có hàm chất thuỷ ngân. Ðịnh nghĩa như vậy thì chỉ thích hợp với học sinh tiểu học. Ông chỉ nói đúng nghĩa của chữ sa, còn chữ thần mà hiểu như thế thì chỉ là sự đoán mò bậy bạ và là một sự bịa đặt tuỳ tiện của kẻ không biết chữ.

Thần sa là một hợp chất tự nhiên của lưu huỳnh và thuỷ ngân, có màu son đỏ, có công thức hoá học là HgS. Sở dĩ có tên là thần sa vì thứ khoáng vật này được tìm thấy ở Thần Châu 辰州 (thuộc tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc). Ở đây, chữ thần 辰 (nghĩa là buổi sáng, nhưng trong trường hợp này là tên của một vùng đất) không hề có nghĩa là ông thần hay tinh thần như soạn giả đã ngộ nhận. Cũng khoáng chất này nhưng không phải là sản phẩm của Thần Châu thì gọi là chu sa. Trong Ðông y, thần sa hoặc chu sa được dùng làm thuốc an thần. Vì là một hợp chất của thuỷ ngân nên thần sa là một chất độc.


18. trung khu 中 樞

Dựa theo âm mà không biết dạng chữ Hán nên soạn giả đoán rằng, khu = địa hạt rồi đưa ra định nghĩa: trung khu = khu vực thần kinh của vỏ não có chức năng khác nhau nhưng cùng tham gia vào các quá trình tâm lý. Ông không biết rằng, ở đây, khu 樞 có nghĩa ban đầu là cái trụ xoay của cánh cửa (ngày xưa chưa có bản lề), có nghĩa mở rộng là phần hệ trọng nhất. Chữ khu 樞 này có trong tên cuốn sách Hổ trướng khu cơ 虎帳樞機 của Ðào Duy Từ. Ngoài ra, nó còn có âm là xu trong từ xu mật viện 樞密院 để chỉ cơ quan giải quyết những công việc trọng yếu của quốc gia thời xưa.

Ðịnh nghĩa về từ trung khu (thần kinh) do soạn giả nêu ra vừa dài dòng, vừa chứng tỏ sự hiểu biết lờ mờ của ông. Từ này tương ứng với từ nerve center trong tiếng Anh, đó là một nhóm tế bào thần kinh thực hiện một chức năng đặc thù.


19. vi điện tử

Vi điện tử là hạt điện tử rất nhỏ, đó là cách giải thích ngớ ngẩn và sai nghiêm trọng của soạn giả, khiến người đọc vừa buồn cười, vừa đau xót và xấu hổ thay cho ông, bởi vì, với trình độ hiểu biết quá kém cỏi như thế mà cũng cả gan dám dạy mọi người. Có lẽ ông muốn phân biệt với các điện tử khác lớn hơn chúng chăng? Xin thưa rằng, điện tử, tức electron, là một loại hạt cơ bản bền vững, là thành phần tích điện âm trong mọi vật chất thông thường, có khối lượng bằng khoảng 9,11 x 10-28 gram và điện tích khoảng -1,602 x 10-19 coulomb. Như vậy, điện tử có khối lượng và điện tích rất cụ thể, làm gì có thứ điện tử rất nhỏ khác nữa?

Từ vi điện tử vốn được dịch từ tính từ microelectronic(al) trong tiếng Anh (hoặc micro-electronique trong tiếng Pháp), nó chỉ có thể đóng vai trò tính từ, như trong các cụm từ như mạch vi điện tử, thiết bị vi điện tử, v.v. để chỉ mạch điện tử hoặc thiết bị điện tử có kích thước cực kỳ nhỏ bé.


20. vi kế

Soạn giả giải thích: vi = nhỏ bé; kế = cái đo, rồi định nghĩa: vi kế là máy đo vật cực nhỏ, và đưa ra ví dụ: Vi kế điện tử có thể đo những vật nhỏ tới 1/2000 m/m. Ðọc định nghĩa này, chúng ta chưa rõ có phải là đo kích thước của vật cực nhỏ hay không, rồi đọc tiếp đến thí dụ lại càng không thể hiểu được, vì m/m hoàn toàn không có nghĩa gì cả và không hề có đơn vị đo nào như thế. Cuối cùng, chúng tôi cũng hiểu ra rằng, đó là cái micrometre (mà người Trung Quốc gọi là trắc vi kế và ở ta được gọi là vi kế), là dụng cụ để đo bề dày và đường kính của các vật, với độ chính xác rất cao đến dưới 1/1000 mm (chứ không phải để đo các vật cực nhỏ). Ðây là một dụng cụ đo của các kỹ sư hoặc thợ gia công cơ khí chính xác, mà ở nước ta thường gọi là “pan me” (tức palmer, cách gọi của người Pháp, theo tên người sáng chế ra nó là Jean Louis Palmer). Ðịnh nghĩa và ví dụ do soạn giả nêu ra đều sai hoàn toàn. 


IX. Ðôi điều suy nghĩ khi đọc quyển từ điển nguy hại này

Bài này chưa thể vạch hết mọi điều sai lầm và tội bịa đặt dối trá trong quyển từ điển kia nhưng cũng đủ để đánh giá tầm mức tai hại của nó. Khi đọc những lời giải nghĩa vu vơ ngớ ngẩn và cẩu thả ở các mục từ, hẳn nhiều lúc người đọc cảm thấy rất buồn cười, nhưng là cái cười ra nước mắt. Chắc chắn rằng, quyển sách này gây ra nhiều điều nhức nhối, buộc chúng ta phải nghiêm khắc đánh giá về soạn giả. Bất cứ người nào có lương tâm, có trách nhiệm công dân và có nhân cách đều không thể đem những điều mà mình chưa hề hiểu biết, chưa hề học hỏi để thuyết giảng mọi người, coi đó như vốn kiến thức mà mọi người phải trang bị khi hoạt động trong xã hội ngày nay! Chắc chắn là từ cổ chí kim chưa từng có một người nào liều lĩnh đến thế. Mặt khác, đây là một sản phẩm của xã hội, nó đã và đang “sống được” trong xã hội của chúng ta, sự tồn tại của nó hẳn cũng có lý do và càng đặt ra nhiều vấn đề xã hội rất đáng lo ngại. Người viết bài xin miễn bàn thêm, và xin để cho quý vị độc giả suy ngẫm rồi tự rút ra những kết luận cần thiết.

Ðến đây, đông đảo bạn đọc thân mến vẫn chưa biết tên của quyển sách và tên soạn giả của nó. Ðó là một việc mà người viết bài này còn canh cánh bên lòng, coi mình có trách nhiệm phải trả lời. Kính mong quý vị bạn đọc giúp sức.



*


Phát hiện thêm một quyển từ điển khác dày hơn, phạm nhiều sai lầm hơn, cùng do một giáo sư biên soạn

Sau khi tạp chí Thế Giới Mới đăng bài “170 sai lầm trong một cuốn từ điển”, chúng tôi được vài độc giả mách bảo: phải chăng, cuốn từ điển chứa vô số sai lầm kia chính là Từ điển từ và ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân? Họ cho biết: quyển từ điển này chứa tất cả mọi sai lầm mà chúng tôi đã phân tích. Khi xem qua cuốn Từ điển từ và ngữ Việt Nam dày hơn 2100 trang (NXB Thành phố Hồ Chí Minh, nộp lưu chiểu tháng 3 năm 2000) thì chúng tôi biết ngay rằng, đó không phải là quyển sách mà chúng tôi đã xem xét. Nhưng, đúng là Từ điển từ và ngữ Việt Nam đã chứa gần trọn vẹn mọi lời giảng giải sai trái của hơn 170 trường hợp kia. Sở dĩ nói “gần trọn ven” là vì, có chưa đến một chục trường hợp, trong đó soạn giả không giảng giải các từ tố nên thoát khỏi cái tội bịa đặt nghĩa cho các từ tố mà ông vẫn thường phạm phải. Ngoài ra, Từ điển từ và ngữ Việt Nam còn phạm rất nhiều sai lầm khác ngoài những mục từ Hán Việt.

Nhờ sự gợi ý của các độc giả kể trên nên chúng tôi đã nhanh chóng xác định được rằng, cuốn sách mà chúng tôi đã phê phán cũng là của GS Nguyễn Lân, có tên là Từ điển từ và ngữ Hán Việt, do NXB Từ điển Bách khoa ấn hành năm 2002. Bản in đầu tiên của cuốn từ điển này do NXB Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành năm 1989, và cũng có bản in năm 2003 của NXB Văn học. Chúng tôi chưa biết còn có bản in nào nữa hay không.

Trong Lời nói đầu, GS Nguyễn Lân viết:

Trong tiếng Việt, quá một nửa số từ và ngữ bắt nguồn từ chữ Hán. Ðó là những từ và ngữ Hán–Việt. Trừ một số rất nhỏ từ Hán – Việt đã có nghĩa khác với nghĩa từ nguyên (như lịch sự, tử tế, khốn nạn, đồng hồ...), tối đại đa số từ Hán – Việt vẫn giữ nguyên nghĩa gốc. Song hiện nay, phần lớn các thầy giáo, cô giáo, sinh viên, học sinh không biết chữ Hán. Nhiều người khi đọc hoặc giảng một bài cổ văn không biết nghĩa chính xác của nhiều từ, nên có thể hiểu lầm, giảng sai. Huống chi hàng ngày ở chung quanh chúng ta, nhiều người lẫn lộn từ nọ với từ kia như: yếu điểm với nhược điểm, báo cáo với bá cáo, giả thiết với giả thuyết, chân tu với trân tu, bàng bạc với bàn bạc, bàng hoàng với bàn hoàn, bàng quan với bàng quang, vãn cảnh với vãng cảnh. Có người đọc và viết huyên thiênhuyên thuyên, phong thanh (nghe phong thanh) là phong phanh, xán lạnsáng lạng... Nhiều người nói và viết câu kếtcấu kết... Gần đây, trên một tờ báo lớn, người ta đã viết vô hình trungvô hình chung... Ðể góp phần nhỏ bé của mình vào sự giữ gìn tính trong sáng của tiếng Việt và bảo đảm tính chính xác của từ ngữ, chúng tôi đã soạn cuốn Từ điển từ và ngữ Hán – Việt này.

Cứ đọc những lời trên đây thì ai cũng ngỡ rằng mình đang có trong tay một cuốn từ điển rất đáng tin cậy, có thể giúp mọi người hiểu đúng và sử dụng đúng các từ ngữ Hán Việt, khắc phục được tình trạng hiểu sai và sử dụng sai ở rất nhiều từ ngữ. Nhưng, sự thực thì hoàn toàn ngược lại. Ông H. H. Phúc, người tố cáo với chúng tôi về những sai lầm nghiêm trọng trong quyển từ điển này cho biết: khi đọc qua chừng dăm chục trang, ông đã cảm thấy thất vọng hết mức, và càng đọc thì cơn phẫn nộ càng dâng lên. Hình như soạn giả chỉ đủ sức sửa chữa khoảng một chục sai lầm mà ông vừa nêu, chủ yếu là dựa vào vốn hiểu biết do kinh nghiệm mà có, vì rất nhiều từ khác mà nhiều người hiểu sai và sử dụng sai thì vẫn bị ông giải thích sai một cách thảm hại. Sản phẩm của ông chỉ có thể đưa đến hậu quả trái ngược với mục đích do chính ông đề ra.

Gần đây (tháng 10/2004), qua cuốn sách Những tiếng trống qua cửa các nhà sấm (do NXB Trẻ ấn hành), chúng tôi mới được đọc bài “Ðọc lướt Từ điển từ và ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân” mà tác giả Huệ Thiên đã đăng trên tạp chí Văn, số 6 và số 8, tháng 9 năm 2000. Chỉ từ vần A đến hết vần C mà ông Huệ Thiên đã vạch ra được 117 chỗ sai. Chúng tôi cho rằng, sự phê phán của ông Huệ Thiên là xác đáng và xin nêu ra đây để quý vị độc giả tham khảo.



Huệ Thiên
Ðọc lướt Từ điển từ và ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân

Cũng như một số từ điển tiếng Việt ấn hành trước nó, đây là một quyển sách công cụ bổ ích nhưng «dù có cố gắng đến đâu vẫn không thể tránh khỏi sai sót khiếm khuyết» («Lời nhà xuất bản», tr. 5). Chính vì vậy nên «nhà xuất bản và tác giả mong nhận được sự chỉ giáo của tất cả quý bạn đọc» (chỗ đã dẫn). Là một người thường xuyên dùng từ điển và dùng nhiều loại từ điển, sau khi đọc lướt qua quyển từ điển của Nguyễn Lân, chúng tôi xin có vài điều nhận xét bước đầu như sau:


Kỳ 1: phần chữ cái «A», «Ă», «Â», «B»
Trong phạm vi các chữ a, ă, â b, chúng tôi đã sơ bộ thấy có những chỗ sai sau đây (xin ghi lại nguyên văn từng mục rồi sau đó sẽ nêu nhận xét):

  1. «A hành ác nghiệp, tt (H. a: dựa theo; hành: làm; ác: ác; nghiệp: kiếp trước) Nói người độc ác hành hạ người khác: Người mẹ chồng a hành ác nghiệp».
    Trước nhất về từ loại thì a hành ác nghiệp không phải là tính từ («tt» theo cách viết tắt của tác giả). Đây cũng không phải là một từ vì nó là một thành ngữ tiếng Hán trong đó mỗi thành tố đều có nghĩa riêng biệt và cụ thể (như chính tác giả đã giảng). Thành ngữ này không chỉ tính chất mà chỉ hành động nên nó phải là một thành ngữ «động từ tính» (tương đương với động từ) chứ không phải là «tính từ».
    «Nghiệp» ở đây không phải là «kiếp trước». Từ điển Phật học Hán Việt của Phân viện nghiên cứu Phật học thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam (Nxb, KHXH, Hà Nội, 1998) giảng từ tổ «ác nghiệp» như sau: «Hành động trái với đạo lý gọi là Ác. Thân khẩu ý tạo tác gọi là Nghiệp. Hành vi do trái với đạo lý gọi là ác nghiệp.» (tr. 44). Vậy nghiệp ở đây chỉ có nghĩa là hành vi và ác nghiệp nói một cách đơn giản là việc ác. Và a hành ác nghiệp có nghĩa là hùa với kẻ khác mà làm điều ác chứ không phải dùng để «nói người độc ác hành hạ người khác». Bọn buôn bán ma túy chẳng những không hành hạ các con nghiện mà còn giúp cho họ «đi mây về gió» và «phê» đến cực điểm nhưng chẳng có lẽ vì thế mà việc làm của chúng lại không phải là ác nghiệp hay sao?
  2. «Ả đào. Người phụ nữ làm nghề ca xướng trong chế độ cũ».
    Cứ theo lời giảng của tác giả thì những nữ ca sĩ trong chế độ cũ đều là «ả đào» tất chăng? Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên đã giảng chính xác hơn: «Người phụ nữ làm nghề hát ca trù trong các nhà hát riêng thời trước».
  3. «Áo cứ chàng, làng cứ xã. Chê người có tính ỷ lại, không biết tự mình lo việc cho mình».
    Ở một chỗ khác, trong Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam (Nxb Văn Hoá, Hà Nội, 1989), tác giả Nguyễn Lân đã giảng bằng những lời lẽ khác, nhưng nội dung cũng tương tự, như sau: «Nói tính ỷ lại của người đàn bà, cũng như tính ỷ lại của những người dân trong thôn xóm, không thấy được vai trò làm chủ của mình».
    Câu này đã bị tác giả chép sai và vì chép sai nên cũng đã giảng sai hẳn ý nghĩa đích thực của nó. Nguyên văn của nó là «Áo cứ tràng, làng cứ xã» (còn có dị bản «Áo cứ tràng, làng cứ lý trưởng). Tràng là vạt trước của áo dài và đây là một cách hiểu hoàn toàn đúng với cấu trúc cú pháp - ngữ nghĩa của câu tục ngữ đang xét. Trong kiểu cấu trúc «A cứ B, C cứ D» này thì B luôn luôn là một bộ phận của A còn D luôn luôn là một bộ phận của C. Trong câu «Thuyền cứ mạn, quán cứ vách», chẳng hạn, thì mạn là một bộ phận của thuyền còn vách là một bộ phận của quán. Cũng vậy, trong câu đang xét thì tràng là một bộ phận của áo còn (trưởng) hoặc lý trưởng là một thành viên, nghĩa là một bộ phận của làng. Vì vậy mà đưa «chàng» (đối với «nàng») vào đây thì rất lạc lõng: làm sao mà «chàng» lại có thể là một bộ phận của cái áo cho được! Cũng vì tác giả nhất quyết đưa «chàng» vào cho nên «nàng» mới mắc cái oan của Thị Kính (bị chê là hay ỷ lại vào đàn ông) rồi dân làng cũng mang tiếng lây là không thấy được vai trò làm chủ của chính mình.
  4. «Ăn tết. Dự những cuộc ăn uống trong những ngày Tết».
    Cứ theo lời giảng của tác giả thì hễ ai cư trú ở thành thị mà về quê ăn tết thì cũng chỉ là về để «dự những cuộc ăn uống trong những ngày Tết» mà thôi chứ không cần cúng kiếng ông bà, viếng thăm hàng xóm, v.v... Và trong đôi câu đối:
    Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
    Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh

    thì chỉ có «thịt mỡ, «dưa hành» và «bánh chưng xanh» mới thuộc chương trình «ăn tết» ngày xưa chứ «câu đối đỏ», «cây nêu» và «tràng pháo» thì không!
  5. «Ẩn dụ (H. ẩn: kín; dụ: rõ ràng)»
    Thực ra, ở đây, dụ có nghĩa là sự so sánh chứ không phải là «rõ ràng».
  6. «Ẩn lậu (H. ẩn: kín, lậu: rỉ ra) Giấu giếm, không nói ra: Ẩn lậu hàng hóa»
    Lậu ở đây thực ra là sót, bỏ sót chứ không phải «rỉ ra». Đã «rỉ ra» thì «bật mí» rồi chứ còn đâu là «bí mật» mà nói đến chuyện «giấu giếm».
  7. Ấn hành (H. ấn: in; hành: làm) In ra và phát hành rộng».
    Thực ra, hành ở đây là lưu thông, khiến cho lưu thông chứ không phải «làm».
  8. «Ấu trùng (H. ấu: non ớt; trùng: động vật nhỏ li ti). Động vật nhỏ ở thời kỳ mới sinh»
    Trùng không phải là «động vật nhỏ li ti» mà là côn trùng, nghĩa là sâu bọ, như vẫn được giảng trong các quyển từ điển tiếng Hán. Con ve, con dế, con bướm, con ong, v.v... thì «nhỏ li ti» thế nào được? Ấu trùng cũng chẳng phải là «động vật nhỏ ở thời kỳ mới sinh». Hẳn không có ai lại cho rằng chuột là một giống động vật to lớn nhưng có lẽ nào vì thế mà người ta gọi chuột con mới sinh là «ấu trùng»? Ấu trùng thực ra là một dạng của côn trùng, mới nở ra từ trứng, có đời sống tự do và có những nét khác biệt quan trọng từ hình dáng đến chế độ ăn và môi trường, so với dạng trưởng thành.
  9. «Á nguyên (H: á: dưới một bậc; nguyên: bắt đầu)»
    Nguyên ở đây là đứng đầu chứ không phải «bắt đầu».
  10. «Ác nghiệt (H. ác: ác; nghiệt: mầm ác)»
    Nghiệt chỉ là mầm chứ không phải «mầm ác» (ác nghiệt mới là «mầm ác»)
  11. «Anh linh (H. anh: đẹp, tốt; linh: thiêng liêng). Hồn thiêng liêng.
    Linh ở đây có nghĩa là hồn của người chết chứ không phải «thiêng liêng».
  12. «Ảo giác (H. ảo: không thực; giác: thấy được)»
    Giác ở đây là điều thấy được chứ không phải «thấy được» vì đây là danh từ chứ không phải động từ.
  13. «Âm vị (H. âm: tiếng; vị: nói)»
    Vị ở đây không phải là «nói» mà là đơn vị.
  14. «Ấm sinh (H. ấm: con quan; sinh: học trò)»
    Ấm không phải là «con quan» mà là quyền lợi con cháu được hưởng nhờ công lao của cha ông.
  15. «Ba đào (H. ba: sóng; đào: dậy sóng)»
    Đào ở đây không phải là «dậy sóng» mà là sóng to (Ba đào là một từ tổ gồm có hai danh từ đồng nghĩa đẳng lập).
  16. «Ba hoa chích chòe (chích chòe là loài chim nhỏ)»
    Chim chích mới là một loài chim nhỏ chứ chích chòe thì không thể nói là nhỏ được. Có lẽ tác giả đã nhầm con sau thành con trước chăng?
  17. «Ba mươi sáu chước (dịch từ chữ Hán: tam thập lục kế). Ý nói cách trốn đi là hợp»
    Trên đây là Nguyễn Lân viết. Còn Nguyễn Du thì viết trong Truyện Kiều như sau:
    Thừa cơ lẻn bước ra đi,
    Ba mươi sáu chước, chước gì là hơn.

    «Chước gì» tức là chước «lẻn bước ra đi», nghĩa là chước trốn và chước trốn trong ngôn từ của Nguyễn Du chỉ là một trong ba mươi sáu chước mà thôi. Không biết do phép lạ nào mà trong từ điển của Nguyễn Lân nó lại kiêm luôn ba mươi lăm chước còn lại nên «ba mươi sáu chước» mới «có ý nói trốn đi là hợp».
  18. «Bạch đái (H. đái: đeo lấy)»
    Đái là tên một chứng bệnh phụ khoa mà Mathews’ Chinese-English Dictionary dịch là «a discharge or flux» (sự tiết ra hoặc sự băng huyết) còn Dictionnaire classique de la langue chinoise của F. S. Couvreur thì dịch là «leucorrhée» (khí hư). Vậy đái ở đây không phải là «đeo lấy».
  19. «Bạch phiến (H. phiến: tảng). Chất ma túy có thuốc phiện)»
    Ở đây «phiến» không thể có nghĩa là tảng được chỉ đơn giản vì đó là tiếng thứ hai trong hai tiếng «nha phiến» hoặc «a phiến» (mà tiếng Việt đọc trại thành «á phiện») dùng để phiên âm một từ có nghĩa là thuốc phiện mà chúng tôi cho là thuộc một phương ngữ của Ấn Độ, tuy chưa xác định nhưng có nhiều phần chắc chắn là có liên quan về nguồn gốc với tiếng Pāli «ahipheņa». Ahi là rắn còn phena là bọt; vậy ahiphenïa có nghĩa gốc là bọt mép của rắn, được chuyển nghĩa để chỉ á phiện. Concise Pāli-English Dictionary của A. P. Buddhadata Mahāthera, (Colombo, 1975) đã cho: «Ahipheņa: opium». Vậy a phiến < a(hi)phen(a) và «phiện» chỉ là một âm tiết vô nghĩa, còn bạch phiến chẳng qua chỉ là «bạch a (hoặc nha) phiến» nói tắt mà thôi. Xin lưu ý thêm rằng a phiến (hoặc nha phiến) còn có một từ đồng nghĩa nữa là a phù dung (mà tiếng Việt thường nói trại thành «ả phù dung») phiên âm từ tiếng Anh «opium».
  20. «Bản quyền (H. bản: của mình; quyền: quyền) Quyền lợi của tác giả».
    Ở đây, bản có nghĩa gốc là tấm, miếng, tờ, v.v... rồi nghĩa phái sinh là sách vở, rồi tác phẩm chứ không phải là «của mình». Đây cũng chính là chữ «bản» trong «xuất bản».
  21. «Bánh lái. Bộ phận hình tròn xoay được, dùng để lái xe hơi, máy cày...» .
    Thực ra, cái mà Nguyễn Lân đã tả bằng lời giảng trên đây là «tay lái (volant) chứ không phải «bánh lái». Đại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh-Tịnh Paulus Của đã giảng tại chữ «bánh» rằng bánh lái là «tấm cây tra sau lái ghe, để mà khiến nó đi» và tại chữ «lái» rằng bánh lái là «cây ván đóng bổ, tra sau đốc chiếc thuyền, để mà khiến bát cạy». Với nghĩa mà Huỳnh-Tịnh Paulus Của đã giảng, hai tiếng bánh lái còn được dùng theo ẩn dụ trong từ tổ «sao bánh lái», cũng theo Huỳnh-Tịnh Paulus Của là «các vì sao chòm, giống hình cái bánh lái ghe». Đấy, bánh lái là như thế. Chứ nếu nó là cái tay lái (volant) như Nguyễn Lân đã giảng thì sao bánh lái tất nhiên sẽ là một chòm sao hình... tròn vo như cái bánh xe.
  22. «Báo giới (H. báo: tờ báo; giới: hạng, loại). Nói chung những người làm báo».
    Giới ở đây không phải là «hạng, loại» mà là cõi, là lĩnh vực, là địa hạt. Báo giới, nói nôm na, chẳng qua là làng báo.
  23. «Bảo tháp (H. bảo: quí; tháp: lầu cao)»
    Tháp đây không phải «lầu cao» mà là một loại hình kiến trúc nhiều tầng và nhỏ dần theo chiều cao.
  24. «Bảo trọng (H. bảo: giữ; trọng: nặng) Giữ gìn và coi trọng».
    Trọng ở đây không phải là «nặng» mà là đánh giá cao, trái với khinh (là xem thường). Bảo trọng cũng không phải là «giữ gìn và coi trọng» mà là chú ý giữ gìn sức khỏe hoặc an toàn cho bản thân. Vì vậy, mà cái thí dụ «tự đặt» của Nguyễn Lân («Bảo trọng danh dự của gia đình») cũng là một thí dụ không thích hợp.
  25. «Bạo phát (H. bạo: dữ; phát: bắn tên ra). Bùng ra đột ngột và dữ dội».
    Phát ở đây không phải là «bắn tên ra» mà là khởi lên, nổ ra, xảy ra, v.v... .
  26. «Bát dật (H. bát: tám; dật: yên vui). Lối múa xưa, có tám hàng, mỗi hàng tám người».
    Dật ở đây không phải là «yên vui». Đây là một chữ Hán khác hẳn, có nghĩa là hàng. Vì vậy nên bát dật mới là tám hàng, như chính tác giả cũng đã giảng.
  27. «Bắc thần (H. bắc: phương bắc; thần: tế thần). Ngôi sao sáng nhất trong chòm sao Tiểu hùng tinh (... )»
    Đây là một chữ thần khác hẳn (chứ không phải thần trong tinh thần), có nghĩa là ngôi sao, chữ Hán là 辰 mà âm thông dụng là thìn và với âm này thì nó dùng để chỉ chi thứ năm trong mười hai địa chi, ứng với con rồng.
  28. «Băng hà (H. băng: sụp đổ; hà: xa). Nói vua chết».
    Để «nói vua chết», người ta chỉ có thể nói «băng» hoặc «thăng hà». «Băng hà» là một cách ghép sai mà đã là từ điển thì không nên thu nhận hoặc nếu thu nhận thì phải có nhận xét, phê phán.
  29. «Bần cố nông (H. bần: nghèo; cố: làm thuê; nông: làm ruộng). Người nông dân nghèo phải làm thuê cho địa chủ».
    Nông ở đây không phải là «làm ruộng» mà là người làm ruộng. Vì vậy nên Mathews’ Chinese-English Dictionary mới dịch là «a farmer» (nhà nông) còn Dictionnaire classique de la langue chinoise mới dịch là «laboureur» (dân cày).
    Bần cố nông cũng không phải là «người nông dân nghèo phải làm thuê cho địa chủ» vì đó là hai tầng lớp khác nhau trong giai cấp nông dân mà nếu liệt kê cho đầy đủ thì gồm có (từ nghèo nhất đến khá nhất): cố nông, bần nông, trung nông và phú nông mà phú nông thì vô hình trung từng bị xem là đã có một chân ngấp nghé bước sang «vùng đất» của giai cấp địa chủ. Cố nông được xem là vô sản nông thôn, còn bần nông thì còn có tí ti ruộng đất hoặc in ít tư liệu sản xuất gọi là. Vậy bần cố nông là bần nông và cố nông, nghĩa hai tầng lớp chứ không phải chỉ một tầng lớp như tác giả đã giảng.
  30. «Bất chắc, không chắc sẽ xảy ra: Phòng khi bất chắc dụng binh (Tú Mỡ)».
    Tiếng Việt chẳng làm gì có hai tiếng «bất chắc» với nghĩa mà Nguyễn Lân đã giảng. Câu thơ của Tú Mỡ mà tác giả đã nêu làm thí dụ có lẽ đã bị in sai («trắc» thành «chắc») còn Nguyễn Lân thì cứ ngỡ đó là một đơn vị từ vựng thực thụ của tiếng Việt. Cho là không có chuyện in sai thì hai tiếng «bất chắc» chẳng qua cũng chỉ là do ông Tú Mỡ «sáng tác» mà thôi. Nó đâu đã được mọi người chấp nhận mà đưa vào từ điển?
  31. «Bật đèn xanh. Ngầm xui làm việc gì».
    Đây là một lời giảng hoàn toàn sai: không phải «ngầm» mà hoàn toàn công khai; không phải «xui» mà là cho phép, khuyến khích khi được biết ý định của đương sự. Khi người ta nói «Chính phủ đã bật đèn xanh cho việc mở thị trường chứng khoán ở Việt Nam» chẳng hạn, thì ở đây chẳng làm gì có chuyện «xui», chuyện «ngầm» cả.
  32. «Bù chì (Cần phân biệt với bù trì; từ này do tích một người mẹ vì thương người con út nghèo nàn, khi đến lượt nuôi mình sợ con tủi là không bằng các anh chị, nên đeo thêm chì vào người để tỏ rằng con út nuôi mình vẫn chu đáo, nên không sút cân): Người con hiếu thảo không biết là mẹ đã «bù chì».
    Tác giả đã cẩn thận căn dặn người đọc cần phân biệt «bù trì» với «bù chì» mà không nghĩ rằng, thực ra, bù chì chỉ là một «biến tướng» của bù trì do từ nguyên dân gian tạo ra mà thôi. Đây không phải là chuyện «do tích nên có từ» mà lại là chuyện «do từ nên có tích». Nhà từ điển có lẽ cũng nên thẩm định kỹ trước khi đưa vào sách của mình chăng?
  33. «Bưng mắt bắt chim. Giấu giếm làm sao được».
    Thành ngữ này không hề có nghĩa là «giấu giếm làm sao được» như Nguyễn Lân đã giảng. Cách hiểu chung của mọi người là: Làm việc cầu may nên không hy vọng thành công, như đã giảng trong Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức và Từ điển thành ngữ, tục ngữ, ca dao Việt Nam của Việt Chương.

Trở lên là 33 chỗ sai mà chúng tôi đã sơ bộ thấy được trong Từ điển từ và ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân. Ấy là do chỉ mới được lướt qua và cũng chỉ nhận xét về loại lỗi giảng sai chứ chưa kể đến các loại lỗi khác như: ghi chú sai về từ nguyên, ghi không đúng nguyên văn thông dụng hoặc không đủ từ của thành ngữ, v.v... Và ấy là còn do chỉ mới hạn chế sự nhận xét ở 188 trang thuộc bốn chữ cái «a», «ă», «â» và «b» (tr. 15-202) mà thôi chứ không có thời gian để đọc tất cả 2094 trang cổ văn từ đầu đến cuối (tr. 15-2108). Dĩ nhiên là chúng tôi không có ý lấy tỉ lệ 33 lỗi trên 188 trang làm tỉ lệ chung cho cả quyển từ điển. Nhưng chúng tôi vẫn có cái cảm giác rằng hình như là người ta có thể bất chợt tìm thấy lỗi này lỗi khác đâu đó trong quyển sách một cách không lấy gì làm khó khăn.

Đương nhiên, Từ điển từ và ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân là một quyển sách cần thiết và bổ ích. Nhưng như đã thấy không phải là mọi mục từ của nó đều chính xác. Vì thế và vì cả độc giả của nó nữa, nên chúng tôi mới mạo muội viết bài nhận xét cỏn con này.
(Đăng lần đầu tiên trên tạp chí Văn, bộ mới, số 6, tháng 9.2000.) 


Kỳ 2: phần chữ cái «C»


  1. «Ca nhạc, tt, có hát và có âm nhạc».
    Ca nhạc là danh từ chứ không phải tính từ nên cũng chẳng phải là «có hát và có âm nhạc». Từ điển tiếng Việt 1992 giảng sát hơn: «Nghệ thuật biểu diễn bằng tiếng đàn và giọng hát».
  2. «Ca thán. Biến âm của ta thán».
    Đây không phải là «biến âm» (thuần túy) mà do loại suy từ thành tố ca trong ca cẩm, kêu ca (nên ta thán mới thành «ca thán»)
  3. «Cà ràng. Bếp lò làm bằng đất nung».
    Lời giảng này có thể áp dụng cho cả từ tổ hỏa lò, còn cà ràng lại là một thứ lò thấp, hình bầu dục có hai phần; phần trước có ba cái mấu để bắc nồi lên trên mà đun củi bên dưới, phần sau để đựng tro than cời từ phần trước ra.
  4. «Cá mè đè cá chép. Câu ca dao của trẻ em (...)».
    Đây không phải là ca dao, cũng chẳng phải của trẻ em. Huống chi trẻ em chắc gì đã đủ nhận thức để ứng dụng câu này.
  5. «Cả cười. Nói mọi người cười đùa vui vẻ».
    Cả cười là cười to chứ không phải là mọi người đều «cười cả».
  6. «Cả quyết. Biến âm của quả quyết».
    Đây không phải là biến âm của «quả quyết» mà là một cấu trúc có thành tố thứ nhất là cả giống như trong: cả ghen, cả giận, cả nể, cả sợ, v.v...
  7. «Các tận sở năng (các: mọi thứ, tận: hết; sở: của người ấy; năng: năng lực) Mọi người đều làm hết sức mình».
    Ở đây, các không phải là «mọi» mà là mỗi (S. s «mỗi người vì mọi người») đồng thời cũng không chỉ đồ vật (nên không thể giảng thành «mọi thứ») mà lại nói về người (nên các là mỗi người). Tận ở đây cũng không phải là «hết» mà là phát huy cho đến mức cao nhất. Sở không phải là «của người ấy» mà là cái vốn có, sẵn có, về một phương diện nào đó.
  8. «Cách điệu hóa (cách: cách thức; điệu: đưa chỗ này qua chỗ khác... )»
    Thực ra, điệu ở đây là điệu thức, nhịp điệu.
  9. «Cải cách (cải: thay đổi; cách: cách thức)».
    Cách ở đây cũng là thay đổi chứ không phải «cách thức».
  10. «Cam lộ (cam: ngọt; lộ: hạt móc đọng trên lá)».
    Lộ ở đây không phải là «hạt móc đọng trên lá» mà là rượu ngon.
  11. «Cam tuyền (...) suối nước ngọt: Khói cam tuyền mờ mịt thức mây (Chinh phụ ngâm)».
    Cam Tuyền trong câu thơ Chinh phụ ngâm trên đây là một địa danh chứ không phải «suối nước ngọt». Đó là tên một ngọn núi ở phía Tây Bắc huyện Thuần Hóa tỉnh Thiểm Tây, trên đó có đài khói để đốt báo hiệu khi có giặc.
  12. «Cảm giác luận (luận: bàn bạc)».
    Luận ở đây là học thuyết chứ không phải «bàn bạc».
  13. «Cảm thương (thương; tổn thất) Động lòng thương xót».
    Thương đây là đau đớn, xót xa chứ không phải «tổn thất».
  14. «Canh thiếp (Canh: bậc thứ bảy trong hàng can, chỉ tuổi tác (...)».
    Thực ra, canh ở đây là tuổi tác (như niên canh) không liên quan gì đến «bậc thứ bảy trong thập can».
  15. «Cau già dao sắc lại non. Ý nói: Người tuy có tuổi nhưng biết trang điểm thì vẫn có duyên».
    Ý câu này thực ra là dù cau có già, nghĩa là có rắn, chắc (hơn là cau non) đến mấy nhưng nếu có dao sắc thì vẫn có thể bổ được dễ dàng. Nó đã được dùng theo lối tỉ (trong ba lối phú, tỉ, hứng theo cách gọi truyền thống) để dẫn đến câu:
    Nạ dòng trang điểm lại giòn hơn xưa.
    Chính câu này mới có cái ý mà tác giả đã giảng. Câu sáu của ông Nguyễn Lân và câu tám mà chúng tôi vừa nêu hợp thành một liên lục bát duy nhất (nên mới có thể là một câu ca dao hoàn chỉnh) nhưng tác giả đã ngắt bỏ câu sau rồi lại lấy ý của nó mà gán cho câu trước.
  16. «Căn cứ (căn: rễ; cứ: dựa vào)».
    Cứ ở đây là bằng chứng, là chỗ dựa chứ không phải «dựa vào» (vì không phải là động từ).
  17. «Cầm loan (cầm: đàn; loan: keo gắn dây đàn). Tình nghĩa keo sơn».
    Loan là chim loan chứ không phải «keo gắn dây đàn». Keo loan mới là keo gắn dây đàn.
  18. Cấm khẩu (cấm: không được; khẩu: miệng)».
    Cấm ở đây là câm, là không nói được chứ không phải là «không được». Có lẽ tác giả đã nhầm với chữ cấm trong nghiêm cấm, cấm kỵ, v.v... , chăng?
  19. «Câu-rút (Pháp: croix) Giá bằng gỗ hình chữ thập, trên đó Chúa Giê-su bị đóng đinh».
    Danh từ câu rút đã có mặt trong tiếng Việt muộn nhất là gần cuối thế kỷ XVIII vì nó đã được ghi nhận trong Dictionarium anamitico-latinum (1772-1773) của Pigneaux de Béhaine. Lúc đó, tiếng Pháp không thể có ảnh hưởng đến tiếng Việt nên câu rút không phải do tiếng Pháp croix mà ra. Đó là hai tiếng, phiên âm từ tiếng Bồ Đào Nha cruz, có nghĩa là cây thập giá.
  20. «Câu thần: Câu thơ mà thi sĩ cho là có thần linh giúp cho».
    Câu thần chẳng qua là câu thơ cực hay chứ chẳng phải là có thần linh nào giúp cho cả. Chính Nguyễn Lân cũng đã giảng ở phần chữ «t» rằng thần là «tinh lắm, tài lắm».
  21. «Cây con. Thực vật và động vật dùng làm thực phẩm: Khách sạn đó có sẵn cây con làm những món ăn đặc sản».
    Hẳn là tác giả cho rằng ở đây cây chỉ thực vật còn con thì chỉ động vật nên mới giảng và cho thí dụ như thế chăng? Hàng quán có thể thu nhận lối nói này chứ từ điển thì không.
  22. «Cây nhang. Từ miền Nam chỉ cây hương».
    Tác giả đã giảng từ tổ cây nhang như trên mà cây hương thì được tác giả giảng là «bệ thờ xây ngoài trời». Chúng tôi chưa được biết nơi nào ở Nam Bộ có dùng hai tiếng «cây nhang» để chỉ cái «bệ thờ xây ngoài trời» như thế cả.
  23. «Chắc lép. Không tin là người ta sẽ giữ lời hứa: Ông ta không cho anh ấy vay vì chắc lép».
    Chắc lép thực ra là «đắn đo, tính toán để mình chắc chắn được phần hơn, không bị thiệt trong quan hệ với người khác». (Từ điển tiếng Việt 1992).
  24. «Chấn động (chấn: rung động; động: làm mạnh lên)».
    Động không phải là «làm mạnh lên» mà là làm cho di chuyển hoặc rung chuyển.
  25. «Chất phác (chất: chân thực; phác: mới hình thành)».
    Phác ở đây là mộc mạc, không trau chuốt chứ không phải «mới hình thành».
  26. «Châu: Một trong năm phần đất đai lớn của quả đất phân chia theo quy ước».
    «Năm phần đất đai lớn» của ông Nguyễn Lân là Âu, Á, Mỹ, Úc, Phi nhưng tác giả còn quên một châu nữa là châu Nam Cực vì từ lâu người ta đã bổ sung «năm châu» thành sáu châu» (Châu Nam Cực trước kia bị nhầm là một đại dương nên gọi là Nam Băng Dương).
  27. «Chế xuất. Sản xuất vật phẩm: Thành lập khu chế xuất ở ngoại ô thành phố. Khu chế xuất Tân Thuận ở gần thành phố Hồ Chí Minh».
    Chế xuất nói nôm na là chế tạo để xuất khẩu chứ không phải chỉ là «sản xuất vật phẩm» mà thôi.
  28. «Chia bài. Phân một cỗ bài ra thành nhiều phần bằng nhau».
    Nếu nói như tác giả thì cả bộ bài sẽ được chia hết nhưng thực tế thì thường vẫn còn lại một số lá bài sau khi chia (chẳng hạn khi đánh tứ sắc hoặc đánh cắc tê, v.v... )
  29. «Chia uyên rẽ thúy (uyên là chim uyên ương tức chim đực chim cái sống từng cặp; thúy là con chim chả (sic)). Làm cho cặp vợ chồng hoặc người yêu phải xa nhau».
    Nếu thúy chỉ là con chim trả (chứ không phải «chả») thì rẽ thúy là chia làm sao? Thực ra, thúy là con chim mái trong cặp phỉ thúyphỉ là con trống. Phải có đôi như thế thì mới «rẽ» được chứ.
  30. «Chiếc (mạo từ)».
    Chiếc là một danh từ chính danh (X. Cao Xuân Hạo, «Sự phân biệt đơn vị / khối trong tiếng Việt và khái niệm «loại từ», Tiếng Việt - mấy vấn đề ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa, Nxb Giáo dục, 1998, tr. 305-346; đặc biệt là phần phụ lục tr. 343) còn mạo từ là article.
  31. «Chiếc bách sóng đào (đào chữ Hán là nổi sóng)».
    Đào là sóng to chứ không phải «nổi sóng». Đây là một danh từ chứ không phải động từ.
  32. «Chiêu dân lập ấp (ấp: nơi tập trung người lao động)».
    Thực ra, ấp là nơi cư trú của cả nam, phụ, lão, ấu chứ có phải ai ở ấp cũng đều là người có đủ sức lao động cả đâu.
  33. «Chiêu đãi sở (sở: nơi làm việc) Nơi tiếp đón và thết đãi: Thân nhân của quân đội được mời đến chiêu đãi sở».
    Sở ở đây là nơi chốn, chứ không phải «nơi làm việc». Thân nhân của quân đội đến chiêu đãi sở chỉ ăn kẹo, uống trà, v.v..., và nói chuyện chứ có «làm việc» gì đâu.
  34. «Chiêu mộ (chiêu: sáng; mộ: buổi chiều) sáng và chiều».
    Tác giả đã viết sai chính tả: đây là triêu chứ không phải «chiêu».
  35. «Chiếu thư (chiếu: lệnh vua; thư: viết). Tờ chiếu của vua».
    Thư ở đây là văn bản (danh từ) chứ không phải «viết» (động từ).
  36. «Chinh phục (phục: chịu theo)».
    Phục ở đây là bắt phải theo chứ không phải «chịu theo».
  37. «Chính khách (chính: việc nước; khách: người ta)».
    Khách ở đây là người (như: du khách, thích khách, v.v... ) chứ không phải «người ta».
  38. «Chính quốc (chính: trái với phụ; quốc: nước) Nước đế quốc xâm lược đối với nước bị đô hộ».
    Ở đây, chính đối với thuộc trong thuộc quốc chứ không phải «trái với phụ» (như trong vai phụ, vai chính, chẳng hạn).
  39. «Chính sử (chính: đúng đắn; sử: lịch sử) Bộ sử do chính quyền phong kiến chủ trương biên soạn, khác với dã sử do tư nhân biên chép».
    Chính ở đây là chính thức, chính thống chứ không phải «đúng đắn». Nếu giảng như tác giả thì vô hình trung đã xem dã sử là không đúng đắn.
  40. «Chọc lét, từ miền Nam có nghĩa như chọc nách».
    Tác giả viết sai chính tả vì đây là léc, phiên âm từ tiếng Khmer kliêk là cái nách. Vì vậy dân miền Nam còn có một cách nói đầy đủ hơn: chọc cà-léc: Cà-léc là phiên âm từ kliêk.
  41. «Chọc trời. Cao lắm: Nhà chọc trời».
    Trong câu Kiều «chọc trời khuấy nước mặc dầu» thì chọc trời đâu có nghĩa là cao lắm». Thực ra, hai tiếng «chọc trời» của ông Nguyễn Lân nằm trong từ tổ cố định nhà chọc trời, một hình thức sao phỏng tiếng Pháp gratte-ciel (hoặc tiếng Anh sky-scraper). Vậy không thể tách riêng hai tiếng «chọc trời» ra mà giảng là «cao lắm».
  42. Chồm hỗm. Nói ngồi xổm một mình ở trên phản trên giường».
    Không phải «một mình» cũng chẳng phải chỉ «ở trên phản trên giường». Thí dụ: Tốp thợ xây đang ngồi chồm hỗm dưới đất để nghe cai thầu phân công. Ngồi chồm hỗm, thực ra, chỉ đơn giản có nghĩa là ngồi xổm.
  43. «Chồng chắp vợ nối. Chê cặp vợ chồng không có cưới xin đàng hoàng».
    Đây là tình trạng của những cặp vợ chồng mà người chồng đã có một đời vợ trước còn người vợ đã có một đời chồng trước chứ không phải là chuyện «không có cưới xin đàng hoàng». Có khi họ cưới nhau còn đàng hoàng hơn là bao nhiêu đám cưới «tơ» khác ấy chứ.
  44. «Chồng chéo (... ). Có mâu thuẫn với nhau: Đó là những vấn đề chồng chéo lên nhau».
    Thực ra, đây chỉ là chuyện cái này và (những) cái khác có những phần trùng lẫn với nhau chứ không nhất thiết «có mâu thuẫn với nhau».
  45. «Chồng chung vợ chạ. Chê những cặp vợ chồng không chung thủy với nhau».
    Đây không phải là chuyện «không chung thủy với nhau» mà là một kiểu «đa phu đa thê», một ông mấy bà một bà hai ông (mà vẫn ở chung nhà. Có thật đấy!). Họ đánh bài ngửa với nhau cả đấy chứ đâu cần đặt ra vấn đề chung thủy hay không chung thủy.
  46. «Chơi gái. Có quan hệ sinh lý với phụ nữ».
    Cứ như lời giảng trên đây của ông Nguyễn Lân thì, trừ những ông bất lực, có ông chồng nào lại chẳng «chơi gái» (Mỗi lần... với vợ là một lần «có quan hệ sinh lý với phụ nữ»).
  47. «Chu chuyển (chu: vòng quanh; chuyển: lay động)».
    Chuyển ở đây là lăn, đổi chỗ, vận động chứ không phải «lay động».
  48. «Chủ nhân (chủ: tự mình; nhân: người)».
    Chủ ở đây là người sở hữu chứ không phải «tự mình».
  49. «Chủ nô (chủ: đứng đầu; : nô lệ)».
    Ông Nguyễn Lân tưởng rằng chủ nô là một cấu trúc tiếng Hán nhưng thực tế hai tiếng này lại do người Việt Nam đặt ra theo cú pháp tiếng Việt. Còn tiếng Hán lại là nô lệ chủ (núlìzhú) trong đó chủ cũng là người sở hữu chứ không phải là «đứng đầu». Còn nếu chủ nô là tiếng Hán và cách giảng của ông Nguyễn Lân thực sự đúng (chủ: đứng đầu) thì chủ nô tất nhiên sẽ là người nô lệ đứng đầu những người nô lệ khác (chứ không phải chủ của nô lệ).
  50. «Chúa đất. Từ miền Nam chỉ bọn địa chủ lớn».
    Trong Nam Bộ, không có ai dùng hai tiếng chúa đất để «chỉ bọn địa chủ lớn» cả. Người ta chỉ gọi là đại điền chủ.
  51. «Chúng sinh (chúng: số đông; sinh: sống)».
    Sinh ở đây là sinh vật chứ không phải là «sống».
  52. «Chuyên đề (đề: đưa ra)».
    Đề ở đây là đề mục, đề tài chứ không phải «đưa ra».
  53. «Chuyên gia (gia: nhà)».
    Gia ở đây là người chứ không phải «nhà», còn nhà trong nhà văn, nhà báo thì cũng là người chứ không phải chỗ ở.
  54. «Chuyên luận (luận: bàn bạc)».
    Luận ở đây là luận đề, luận văn chứ không phải «bàn bạc».
  55. «Chuyên san (san: in ra)».
    San ở đây là tạp chí ra theo định kỳ chứ không phải «in ra».

    (Đăng lần đầu tiên trên tạp chí Văn, bộ mới, số 8, tháng 11.2000

  56. «Chữ đinh (Chữ Hán có nét ngang và nét sổ dọc) 丁 )».
    Thực ra, nét thứ hai của chữ đinh 丁 không phải là «nét sổ dọc» ( | ) mà lại là nét sổ móc . Nếu nét đang xét đúng là «nét sổ dọc» như Nguyễn Lân khẳng định thì ta sẽ có chữ T và đây là cổ văn của chữ hạ 下, chứ chẳng có liên quan gì đến chữ đinh 丁 cả.
  57. «Chưa chút. Vẫn không được tí gì: Tóc tơ chưa chút đền ơn sinh thành».
    Ở đây tác giả cứ ngỡ chữ chưa và chữ chút đi đôi với nhau như mặc dù, nhưng mà, tuy nhiên,... chứ không ngờ rằng đó là một sự ghép đôi ngộ nghĩnh vì «chưa chút» không phải là một từ cổ cố định.
  58. «Chức sắc (H. sắc: chiếu chỉ của vua)».
    Đây là chữ sắc 色 có nghĩa là « thứ», «loại» chứ có phải 敕 đâu mà bảo là «chiếu chỉ của vua».
  59. «Chức vị (H. vị: đơn vị)».
    Chữ vị ở đây mà giảng là «đơn vị» thì người đọc đành phải... chào thua vì vị ở đây thực ra là «ngôi thứ».
  60. «Chứng khoán (H. khoán: bằng cứ)».
    Thực ra, khoán không phải là «bằng cứ» mà là tờ giấy dùng để làm bằng chứng.
  61. «Có hậu. Nói quyển truyện có phần kết lạc quan, tốt đẹp».
    Nếu lời giảng của tác giả mà tuyệt đối đúng thì một vở kịch hoặc một bộ phim «có phần kết lạc quan, tốt đẹp» sẽ không được coi là «có hậu» chăng?
  62. «Con én đưa thoi (Cái thoi khung dệt đưa đi đưa lại như chim én bay lượn)».
    Tác giả đã giảng hoàn toàn ngược với chữ nghĩa thông thường vì đây là chim én liệng đi liệng lại giống như cái thoi khung dệt đưa đi đưa lại chứ đâu phải «cái thoi khung dệt đưa đi đưa lại như chim én bay lượn.»
  63. «Cố đạo. Linh mục của Thiên chúa giáo».
    Thực ra đây là linh mục Công giáo; còn Thiên chúa giáo thì rộng hơn và gồm nhiều chi phái khác nhau mà quan trọng nhất là Công giáo, Tin lành và Chính giáo.
  64. «Công sứ (sứ: nhận lệnh trên đi làm việc gì)».
    Thực ra, sứ là người được phái đi làm công việc được giao.
  65. «Công trạng (trạng: hình dáng)».
    Thực ra thì trạng ở đây là cái hình ảnh cụ thể bao gồm những chi tiết cụ thể.
  66. «Công trình sư (sư: thầy)».
    Có phải trong bất cứ cấu trúc nào cũng có nghĩa là «thầy» đâu. Bỉnh sư chỉ là anh thợ làm bánh mà thôi. Ở đây, là người thành thạo về một loại công việc nhất định.
  67. «Cộng hòa tư sản (sản: sinh ra)».
    Ở đây sản không phải là «sinh ra» mà là của cải.
  68. «Cốt cách (cách: cách thức)».
    Cách ở đây là bộ xương, khung xương chứ sao lại là «cách thức»?
  69. «Cốt cán (cán: tài năng)».
    Cán không phải là «tài năng» mà là cái cốt yếu của sự vật.
  70. «Cốt tử (tử: con)».
    Tử ở đây là một hình vị có tác dụng danh hóa chứ không phải là «con».
  71. Cơ cầu (H. cơ: khéo léo; cầu: mưu mô)».
    Tác giả Nguyễn Lân đã giảng sai hoàn toàn. Sau đây là lời giảng chính xác trong Hán-Việt từ điển của Đào Duy Anh: «Cơ là cái thúng, cầu là áo cầu. Con cháu hay nối nghiệp cha ông gọi là cơ cầu, tỷ như con nhà thợ làm cung giỏi thì tuy không được khéo bằng cha, nhưng cũng suy được ý cha mà bắt chước cách làm cung, để uốn nắn cây tre mà làm thành cái thúng; con nhà thợ hàn giỏi tuy không được khéo bằng cha nhưng tất cũng có thể mô phỏng được ý của cha, mà biết chắp vá loài da để làm áo cầu, ý nói con cháu giòng (sic) không bao giờ không dống (sic) cha ông.»
  72. Cơ đốc (H. cơ: gốc; đốc: xem xét)».
    Thực ra đây chỉ là hai tiếng hoàn toàn vô nghĩa dùng để phiên âm mà thôi.
  73. Cơ hoang (H. cơ: đói; hoang: bỏ không)».
    Thực ra, hoang là mất mùa chứ không phải «bỏ không».
  74. Cơ quan (H. cơ: trạng yếu; quan: then cửa)».
    Thực ra, ở đây là máy, bộ máy (đối với quan là then, chốt).
  75. «Cơm bưng nước rót. Ý nói: Phục vụ chu đáo».
    Thực ra, đây là chuyện được phục vụ chu đáo chứ không phải phục vụ chu đáo (cho người khác).
  76. «Cua thâm càng nàng thâm môi. Chê một người phụ nữ môi không đỏ».
    Cua thâm càng là cua óp, ít gạch; nàng thâm môi là nàng có dấu hiệu bệnh lý gì đó nên chàng phải cẩn thận chứ làm gì có chuyện chê nàng không đỏ môi.
  77. «Của đời muôn sự của chung. Ý nói: Cái đáng quý không phải là của cải vật chất».
    Thực ra, ở đây ta có một liên lục bát:
    Ở đời muôn sự của chung
    Hơn nhau một tiếng anh hùng mà thôi

    Chữ đầu của câu lục («ở») đã bị Nguyễn Lân cải biên thành «của» rồi giảng theo ý riêng nên tất nhiên là... chẳng ăn nhập vào đâu cả.
  78. «Cục tác. Tiếng gà mái kêu».
    Dĩ nhiên là nếu lời giảng trên đây của Nguyễn Lân mà đúng thì gà trống sẽ chẳng bao giờ biết cục tác cả.
  79. «Củi. Thứ dùng để đun bếp».
    Cứ như lời giảng trên đây thì rơm, mùn cưa, dầu hỏa, than và cả ga (gas) nữa, không thể dùng đun bếp chăng?
  80. «Cung cầu (cầu: hỏi xin)».
    Cầu là cần dùng chứ không phải «hỏi xin»
  81. «Cực khoái. Nói thái độ của những kẻ ham mê sự khoái lạc về xác thịt».
    Thực ra thì cực khoái tương ứng với tiếng Anh orgasm và tiếng Pháp orgasme và đó là điểm đỉnh của «sự khoái lạc về xác thịt».
  82. «Cục cưng. Đứa trẻ được người mẹ nuông chiều».
    Có lẽ tác giả chưa biết chuyện sếp cũng có thể gọi cô nữ thư ký xinh đẹp của mình là «cục cưng» chăng?
  83. «Cửa Phật. Nơi thờ Phật».
    Cửa Phật là chốn tu hành (theo Phật giáo) chứ đâu chỉ là «nơi thờ Phật».
  84. «Cương mục (H. cương: cái chủ yếu; mục: mắt lưới)».
    Đối với mắt lưới thì cương là cái giềng lưới.
  85. «Cưỡng chế (H. chế: phép định ra)».
    Thực ra, chế ở đây là bắt buộc.


*

Bạn đọc nào có tạp chí Văn, số 8 (bộ mới), tháng 11-2000, cũng có thể thấy được ngay phía dưới mục số 87 (tr. 106) có bốn chữ «còn tiếp kỳ sau». Nghĩa là sẽ đăng tiếp nhận xét của chúng tôi từ mục 88 đến mục 117 trên đây. Nhưng sau khi đăng bức thư của tác giả Nguyễn Lân gửi cho Tổng biên tập tạp chí Văn (cũng trên số 8), không biết do lời ra tiếng vào như thế nào mà BBT đã quyết định bỏ, không đăng tiếp. Vì vậy nên lần này, nhân đưa bài đang nói vào sách, chúng tôi xin đưa các mục từ 88 đến 117 vào cho trọn phần chữ cái «c» mà chúng tôi đã bỏ thời gian và công sức ra để nhận xét, và cũng để bạn đọc thấy thêm nhiều chỗ sai khác nữa trong quyển Từ điển từ và ngữ Việt Nam của tác giả Nguyễn Lân. Dĩ nhiên là những chỗ sai của tác giả này không dừng lại ở cuối phần chữ cái «c». Nói có sách, mách có chứng, bước sang chữ cái «d», ta cũng thấy được hàng loạt mục từ có vấn đề: da màu, da trắng vỗ bì bạch, dã sử, dạ đài, danh bút, danh cầm, danh hài, danh họa, danh tác, danh thiếp, danh vọng, danh y, dày dày, v.v... và v.v... Đó là ta còn chưa bước sang đến các chữ: dă-, dâ-, cho đến du, dư-, và cũng chỉ mới hạn chế ở chữ «d». Và chỉ cần liếc sơ sơ thêm, ta cũng có thể thấy nhiều chỗ ngoạn mục, chẳng hạn:

  • «Dắt gái. Nói kẻ xấu đưa phụ nữ đến cảnh mại dâm.»
    Thực ra, dắt gái là đưa (những) phụ nữ đã cam tâm mại dâm đến với các đấng mày râu «hảo ngọt» muốn đi «dã chiến».
  • «Dân túy (H. túy: say sưa)»
    Ta khó lòng biết được do phép lạ nào mà tác giả lại nghĩ ra được rằng túy là «say sưa» trong khi đây lại là chữ túy (粹) trong tinh túy, thuần túy v.v...
  • «Dối già. Làm việc gì vui vẻ trong tuổi già».
    Trước nhất, tác giả đã viết sai chính tả vì đây là giối, biến thể ngữ âm của trối, chứ không phải «dối». Kế đến, tác giả đã giảng hoàn toàn sai. Trối già là «(làm việc gì) nhằm cho thật thỏa mãn lúc tuổi già, coi là lần cuối trong đời» (Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên, 1992). v.v... và v.v...
    Rõ ràng là Từ điển từ và ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân đầy rẫy những chỗ sai khó tin nhưng có thật. Chính tác giả cũng đã thừa nhận trong bức thư gửi Tổng biên tập tạp chí Văn:
    «Tôi đã 95 tuổi, một mình soạn quyển từ điển dày 2111 trang ấy. Tất nhiên không thể hoàn hảo được nên trong bài Đôi lời tâm sự thay lời tựa tôi có ghi: Vì tuổi cao có thể có những sai sót, dám mong các độc giả dùng sách này vui lòng chỉ bảo cho.» (Văn, số 8-2000, tr. 100-1)

    Ông Nguyễn Lân đã viết như thế nhưng khi chúng tôi nêu lên một số trường hợp có lựa chọn trong những chỗ sai đó thì ông lại viết trái hẳn với tinh thần trên đây:
    «Sau khi đọc bài ‘Đọc lướt Từ điển từ và ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân’ do ông Huệ Thiên viết, tôi rất ngạc nhiên trước những nhận xét sai lệch của ông ấy (...) Ông Huệ Thiên nêu lên đến 34 từ (thực ra là 33 – HT) để phê bình tôi, nhưng đại loại từ nào ông ấy cũng mắc sai lầm cả.» (Đã dẫn, tr. 101-2)

    Chúng tôi sai lầm ở chỗ nào thì bạn đọc và các chuyên gia có thể nhận thấy được một cách dễ dàng vì chúng tôi đã trình bày rõ ràng trên giấy trắng mực đen. Còn về cái lý do «vì tuổi cao» nên «có thể có sai sót» của Nguyễn Lân thì, sau khi phân tích nhiều trường hợp cụ thể, nhà ngữ học Nguyễn Đức Dương đã khẳng định như sau:
    «Có người nghĩ rằng đây chẳng qua chỉ là những lời giải nghĩa chợt nghĩ ra và chưa được rà soát kỹ nên «(vì tuổi cao) có thể có sai sót» (như lời GS. Lân thường biện minh). Sự thật hoàn toàn chẳng phải vậy! Chứng cớ? Cách đây hơn 10 năm, vào năm 1989, tác giả cũng cho ra mắt công chúng TP. Hồ Chí Minh một công trình biên khảo tuy không đồ sộ lắm nhưng cũng dày tới gần 900 trang, cuốn Từ điển từ và ngữ Hán Việt, trong đó một loạt mục từ đã được ông giải thích chẳng khác chút nào so với những mục từ có trong Từ điển từ và ngữ Việt Nam mà chúng ta đang bàn. Lời giảng của hai bên giống nhau đến mức ai cũng có thể nhận thấy ngay rằng nội dung của nhiều mục từ trong Từ điển từ và ngữ Việt Nam chỉ là bản sao của Từ điển từ và ngữ Hán Việt. Nói cách khác, những lời giải thích đó, thực ra, đều là những «tri thức» đã được chắt lọcnghiền ngẫm kỹ lưỡng trong suốt mười mấy năm ròng
    («Những chỗ chưa ổn trong bộ từ điển mới của GS. Nguyễn Lân», Thông tin Khoa học & Công nghệ, Thừa Thiên - Huế, số 1 (31) - 2001, in lại trong Tìm về linh hồn tiếng Việt, Nxb Trẻ, TP. HCM, 2003, tr. 120)

    Đấy, quyển từ điển của ông Nguyễn Lân là một công trình như thế đấy. Thế nhưng khi chúng tôi chỉ ra nhiều chỗ sai của nó bằng những lời phân tích thường là ngắn gọn mà rành mạch thì ông lại phản ứng:
    «Những điều mà ông Huệ Thiên nêu lên trong bài ‘Đọc lướt’ của ông ấy đều tỏ rằng sự phê bình như thế là không chính đáng. Rất mong các vị độc giả đã đọc bài ‘Đọc lướt’ của ông ta trên tạp chí Văn ở miền Nam sẽ đánh giá khả năng và tư cách của ông ấy thế nào.» (Đã dẫn, tr. 102)

    Vâng, người đọc có thể đánh giá tư cách và khả năng của chúng tôi (Nguyễn Lân và Huệ Thiên) vì chữ nghĩa của hai bên đều rành rành trên giấy trắng mực đen. Nếu Huệ Thiên khen từ điển của tác giả Nguyễn Lân thì câu chuyện có lẽ đã đi theo một cái hướng khác. Còn dưới đây là một lời khen mà Nguyễn Đức Dương đã nhận xét như sau:
    «Viết đến đây, tôi bỗng nhớ tới những lời nhà thơ Trần Đăng Khoa khen ngợi cuốn Từ điển từ và ngữ Việt Nam của GS. Lân. Tôi không nhớ rõ lắm nhà thơ nổi danh này đưa ra câu đó ở đâu, trong dịp nào. Chỉ biết rằng lời khen này được đăng trên tạp chí Tài hoa trẻ (số 132-133, tháng 11-2000, tr. 5) và nguyên văn như sau:
    «Một mình ông làm bằng công việc của cả một viện ngôn ngữ. Công trình đồ sộ ấy ông lại hoàn thành ở cái tuổi 95... Ở ông, điều làm cho tôi kinh ngạc là dường như ông không có tuổi già...»

    Đọc những lời tán dương nồng nhiệt đó, óc tôi chợt nảy ra ý nghĩ: trước khi viết ba câu tôi vừa dẫn, hẳn tác giả Góc sân và Khoảng trời Chân dung và Đối thoại, chỉ mới kịp lật dăm trang đầu và vài trang cuối để biết rõ công trình mình sắp nhận xét dày bao nhiêu trang, thế thôi! Chứ nếu chịu khó đọc một chút, dù chỉ vài chục trang thôi, chắc thế nào người viết cũng phải đỏ bừng mặt, bởi lẽ những gì mà ông viết ra chỉ chứng tỏ được một điều: Chẳng cần có một chút tri thức nào về tiếng mẹ đẻ, người ta vẫn có thể trở thành một nhà thơ, thậm chí một nhà thơ nổi tiếng!» (Bđd, tr. 124-5)

Trở lên là lời đánh giá của nhà ngữ học Nguyễn Đức Dương mà chúng tôi xin mượn để kết thúc bài nhận xét về quyểnTừ điển từ và ngữ Việt Nam của tác giả Nguyễn Lân.

(Viết thêm giữa tháng 7-2003, in lại trong Những tiếng trống qua cửa các nhà sấm, Nxb Trẻ, 2004, trang 449-478.)


*


Như đã nói ở trên, mọi sai lầm trong cuốn Từ điển từ và ngữ Hán – Việt đều được mang gần như trọn vẹn sang cuốn Từ điển từ và ngữ Việt Nam. Bởi vậy, khi đọc bài của ông Huệ Thiên, chúng tôi nghiệm ra hai điều. Một là, chính mình còn bỏ sót khá nhiều lỗi đáng kể trong cuốn Từ điển từ và ngữ Hán – Việt, mặc dầu ông Huệ Thiên không khảo sát cuốn này. Hai là, ông Huệ Thiên mới “đọc lướt” nên chưa phát hiện được một số sai lầm nghiêm trọng khác, mà chủ yếu là ở các từ ngữ Hán Việt. Ví dụ, ông đã đọc từ vần A đến vần C trong Từ điển từ và ngữ Việt Nam nhưng không phát hiện được sai lầm khi GS Nguyễn Lân giảng giải các từ ác ôn (từ tố ôn vốn là côn, có nghĩa gốc là cái gậy, nghĩa bóng là kẻ vô lại, là côn đồ, rồi bị biến âm mà thành ra ôn, thì GS Nguyễn Lân giảng rằng ôn nghĩa là bệnh dịch) và anh hùng (hùng 雄 nghĩa là người tài giỏi thì ông “vận dụng kinh nghiệm” mà suy luận ra rằng, hùng nghĩa là con thú khoẻ nhất, bởi vì, cũng có chữ hùng 熊 nghĩa là con gấu).

Hai điều này cho phép đi đến kết luận:

Số từ phạm sai lầm (chứ không phải là số sai lầm, vì ở mỗi từ, ông Nguyễn Lân có thể phạm sai lầm ở 1 hoặc cả 2 từ tố, ở nghĩa của từ và cả ở ví dụ) trong Từ điển Từ và ngữ Hán Việt còn cần thêm nhiều công sức mới phát hiện hết.

Từ điển từ và ngữ Việt Nam, ngoài hàng trăm sai lầm từ cuốn Từ điển từ và ngữ Hán – Việt mang sang mà chúng tôi đã đối chiếu, chỉ từ vần A đến vần C (chiếm khoảng 20% tổng số trang) mà ông Huệ Thiên đã vạch ra 117 sai lầm. Số sai lầm trong cả quyển phải là con số dăm bảy trăm hay hơn nữa.

Những quyển từ điển về tiếng Việt phạm quá nhiều sai lầm như vậy sẽ gây tai hại như thế nào đối với nền văn hoá và giáo dục của nước nhà? Các trường học, các thư viện, các thầy giáo, các bậc phụ huynh có nên sử dụng chúng làm công cụ để trau giồi vốn từ ngữ tiếng Việt cho bản thân mình và cho thế hệ trẻ hay không?

Ðộc giả hoàn toàn có thể tự trả lời những câu hỏi này.

Nghĩ về vô số sai lầm trong hai cuốn từ điển của GS Nguyễn Lân, chúng tôi nhớ đến các GS Lê Trí Viễn và Vũ Khiêu vì họ đã đóng góp những Lời giới thiệu khó quên.

Về Từ điển từ và ngữ Hán – Việt, Gs Lê Trí Viễn đã viết Lời giới thiệu, trong đó đã đánh giá rằng nó (Từ điển của Nguyễn Lân) hơn hẳn các từ điển Hán Việt đã có từ trước, rồi kèm theo những lời ca ngợi: ”Ưu điểm lớn nhất trong đó là nó thể hiện được trình độ tiếng Việt hiện đại trong lĩnh vực Hán – Việt... Với nội dung phù hợp với yêu cầu có giới hạn do tác giả đặt ra từ đầu, trong mảnh đất văn học, nó sẽ là một công cụ tra cứu rất quý không thể thiếu được đối với bất kỳ ai, trước hết là học sinh, sinh viên, các thầy cô giáo, các nhà nghiên cứu, biên soạn khi muốn nắm được nghĩa chính xác các từ và ngữ Hán Việt trong tiếng Việt hiện nay.”

Trong Lời giới thiệu viết cho Từ điển từ và ngữ Việt Nam, Gs Vũ Khiêu đã dành nhiều lời để biểu dương trí tuệ uyên bác và vốn tiếng Việt vô cùng phong phú cùng với tâm huyết và tinh thần trách nhiệm cao cả của Gs Nguyễn Lân rồi kết thúc bằng những câu thật truyền cảm:“Hôm nay đọc bản thảo cuốn từ điển này, tôi xúc động nghĩ tới một trí thức tuổi đã cao mà vẫn đơn thương độc mã, cặm cụi suốt ngày viết viết, xoá xoá để cho ra cuốn từ điển này. Tác giả coi công trình của mình chỉ là một từ điển thông dụng mà thôi, nhưng tôi nghĩ rằng trí tuệ và tâm huyết của tác giả đã tạo ra một tác phẩm rất có giá trị mà cả xã hội đang mong đợị


Trước khi viết những Lời giới thiệu ngọt ngào, hai ông đã biết những gì về các quyển từ điển kia mà đưa ra được những lời tán tụng hấp dẫn đến thế. Phải chăng, khi giới thiệu sách, các ông chỉ cần đọc Lời nói đầu của tác giả để khẳng định giá trị của chúng một cách chắc chắn như đinh đóng cột rồi đưa ra những lời khen thật đẹp đẽ để tác động mạnh mẽ đến lòng tin của độc giả mà không cần nghĩ đến trách nhiệm to lớn đối với họ?



Tài liệu tham khảo chính:

  • Hán –Việt từ điển, Ðào Duy Anh, NXB Trường Thi, Sài Gòn
  • Hán – Việt tân từ điển, Nguyễn Quốc Hùng, Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn, 1975
  • Ðại Nam quốc âm tự vị, Huình Tịnh Paulus Của, Sài Gòn, 1896
  • Dictionnaire Annamite – Francais, J.F.M. Génibrel, Saigon 1898.
  • Quốc triều hương khoa lục , Cao Xuân Dục, NXB Thành phố Hồ Chí Minh
  • Quốc triều khoa bảng lục, Cao Xuân Dục, NXB Văn học, 2001
  • Cổ kim Hán ngữ từ điển, Thương vụ ấn thư quán, Bắc Kinh, 2000
  • Cổ kim Hán ngữ thực dụng từ điển. Tứ Xuyên nhân dân xuất bản xã, 1989
  • Tân hiện đại Hán ngữ từ điển (Kiêm tác Hán-Anh từ điển), Hải Nam xuất bản xã.
  • Hán Anh đại từ điển, Thượng Hải Giao thông Ðại học xuất bản xã, 1999
  • Từ nguyên, Thương vụ ấn thư quán, Bắc Kinh, 1997
  • Từ hải, Thượng Hải từ thư xuất bản xã, 1995
  • McGraw-Hill Dictionary of Scientific and Technical Terms, Fifth Edition, 1996
  • Comprehensive Dictionary of Engineering and Technology, English-French, Editions de l’Usine, Paris, 1984
 

No comments:

Post a Comment