Showing posts with label Hồ Chí Minh. Show all posts
Showing posts with label Hồ Chí Minh. Show all posts

Thursday 21 April 2022

Ai dám đứng chung với Trotsky?

Trốt-xki và Xta-lin hục hặc với nhau từ thời nội chiến sau Cách Mạng Tháng Mười. Sau khi Lê-nin mất (1924), Trốt-xki thất thế dần rồi bị Xta-lin đuổi ra khỏi Đảng năm 1927.

Ở Pháp, Thư Điếm Lao Động (Librarie du Travail – viết tắt là LdT) không theo Xta-lin (Đệ Tam Quốc Tế) mà theo Trốt-xki (Đệ Tứ Quốc Tế). Năm 1935 LdT còn dám in quyển La bureaucratie stalinienne et l’assassinat de Kirov của Trốt-xki tố cáo tệ nạn quan liêu của triều đại Xta-lin và vụ ám sát Ki-rốp.

LdT ra được khoảng 150 đầu sách từ năm 1918 đến 1939. Tôi không có danh sách xuất bản phẩm của Ldt trong ba năm hoạt động cuối cùng nhưng trong số 128 ấn phẩm của LdT trong giai đoạn 1918-1936 có ba tựa của Lê-nin, tám tựa của Trốt-xki và không có tựa nào của Xta-lin. Riêng năm 1926, đang lúc rất khó sống với Xta-lin ở Nga, Trốt-xki vẫn có sách in ở LdT. Cũng trong năm này LdT in Les Procès de la Colonisation Française (tức Bản Án Chế Độ Thực Dân Pháp) cho Nguyễn Ái Quốc.

Sunday 17 April 2022

Phong cách chính là người vậy

Buffon nói rằng phong cách chính là người vậy (Le style, est l'homme même / Le style, c'est [tout] l'homme).

Đọc đoạn văn sau đây có thể thấy bút lực của người viết thật đáng sợ: 

Ils étaient accoutumés à  boire   un   alcool   qui   présentait    un   certain   goût empyreumatique agréable, dû à la quantité des matières premières que, eux , ils employaient et, parmi lesquelles, un riz des plus délicats : la drogue qu'on ingurgite de force aux Annamites, est fabriquée avec des riz à bon marché, des ingrédients chimiques et a un sale goût.

(Nguyen Ai Quac – Le Procès de la Colonisation Française)

 

Empyreumatique tiếng Pháp nghĩa là khét. Đồng nghĩa với nó là brûlé. Đồng nghĩa nhưng phạm vi sử dụng khác nhau: empyreumatique là từ dùng trong hóa học ; brûlé là từ phổ thông. Tần số sử dụng cũng khác nhau: empyreumatique  chỉ xuất hiện đúng hai (2) lần trong khi brûlé xuất hiện 2123 lần trên các văn bản văn chương của TLF - Trésor de la Langue Française (tổng kích thước khối ngữ liệu là 150 triệu lượt từ). Kết quả thống kê này cho thấy rằng nếu đi hỏi một người Pháp học vấn phổ thông empyreumatique là gì, ta có thể chắc chắn là người đó không trả lời được trong khi xác suất để người đó đã từng nghe/gặp và hiểu brûlé là khá cao (cao hơn cả từ savon, nghĩa là xà bông / xà phòng, có tần số trên các văn bản văn chương là 452).

 

Một người không học hóa học khó có khả năng tiếp xúc với từ empyreumatique, càng không có lý do gì phải sử dụng từ đó để nói với những người không học hóa học, nhất là khi có sẵn một từ ai cũng hiểu là brûlé. Tuy nhiên hai khả năng sau đây có thể xảy ra ở một câu văn dùng từ empyreumatique:

1)     Một người ngoại quốc (Việt Nam chẳng hạn) tra từ điển Việt Pháp thấy mục từ khét = brûlé, empyreumatique chọn hú họa một từ với niềm tin rằng cả hai cách dịch tương đương với nhau. Chuyện này vẫn thường xảy ra ở những người học ngoại ngữ chưa đến nơi đến chốn. Đầu thế kỷ 20 chưa có từ điển Việt Pháp nên nếu phải đi qua nhiều chặng trung gian Việt Hán, Hán Pháp hay Việt Nhật, Nhật Pháp thì khả năng dùng từ ngữ sai phạm vi phong cách càng dễ xảy ra hơn.

2)     Người viết dùng từ ngữ bác học với một ý đồ phong cách nào đó. Một là khoe chữ. Hai là tạo cho câu văn một dáng vẻ khoa học, khách quan với ý định giễu nhại. Hoặc cả hai. Nhưng muốn gì thì cũng phải là người có hiểu biết về hóa học (như Nguyễn Thế Truyền) mới dùng chữ kiểu này được.

 

Lẽ thường phải là như thế. Dĩ nhiên không đúng với các trường hợp thiên tài xuất chúng, không cần học hóa học, không cần học cả tiếng Pháp nhưng vẫn viết được tiếng Pháp như các kỹ sư hóa học.

Friday 15 April 2022

Chơi chữ tài tình trong Procès de la colonisation française

 

Tiếng Pháp có từ chinoiserie, vốn dùng để chỉ những thứ có mùi Tàu. Từ này dùng ở số nhiều (chinoiseries) chỉ hàng mỹ nghệ của Trung Quốc nói chung: magasin de chinoiseries (cửa hàng mỹ nghệ Trung Hoa), cũng có thể dùng để chỉ những chuyện rất ư là phiền toái, rắc rối, không giống ai... vì người Pháp vẫn nghĩ “Tàu là thế”.
Dựa vào từ chinoiserie Nguyễn Ái Quốc đã tạo ra từ indochinoiserie để chỉ một sự hết sức vớ vẩn chỉ có ở Đông Dương:
Vous diriez peut­être que c'est une vaste indochinoiserie que de faire gouverner un pays par un homme qui n'y entend rien.
Bản dịch của nhà xuất bản Sự Thật (1975):
Có lẽ các bạn cho rằng đưa một người không hiểu gì về Đông Dương đến nắm vận mệnh Đông Dương thì thật là một trò hề lớn kiểu Đông Dương chứ gì.

Thursday 14 April 2022

Công sứ Darles chưa bao giờ bán cháo

 

Bản án chế độ thực dân Pháp có ít nhất hai lần gọi công sứ Darles là anh hàng cháo:

Cái ông Đáclơ ấy quả là một nhà cai trị có tài. Khoa cai trị của ông ta, ông ta đã học được ở khu phố latinh khi ông còn là một anh hàng cháo.
(Ce M. Darles est un administrateur de valeur. Il a acquis sa science politique au Quartier latin, où il fut marchand de soupe.)
...
Chễm chệ đứng đầu một tỉnh có hàng vạn dân, và được giao cho quyền hành tuyệt đối, ông ta vừa là tỉnh trưởng, vừa là thị trưởng, vừa là quan toà, vừa là mõ toà, vừa là người đốc thuế; tóm lại, ông ta nắm trong tay tất cả mọi quyền hành: Toà án, thuế khoá, điền thổ, tính mạng và tài sản của người bản xứ, quyền lợi của viên chức, việc bầu cử lý trưởng và chánh tổng, tức là vận mạng của cả một tỉnh được đặt vào tay cái anh hàng cháo ngày xưa ấy.
(Confortablement mis à la tête d'une province de plusieurs milliers d'habitants et investi d'un pouvoir sans contrôle, il est préfet, maire, juge, huissier, garnisaire, en un mot, il cumule tous les pouvoirs. Justice, impôt, propriété, vies et biens, des indigènes, droits des fonctionnaires, élections des maires et chefs de canton, c'est­à­dire la destinée d'une province entière est confiée aux mains de cet ancien popotier.)
Bản dịch này có chỗ không ổn.
Trước hết, cháothức ăn lỏng nấu bằng gạo hay bằng bột (Văn Tân, 1994:144) và thường thì nói tới cháo là người Việt nghĩ ngay tới gạo (Lê Văn Đức et al., 1970a:264). Nhưng người Việt thường dùng gạo để nấu thành cơm, ít khi nấu cháo. Bữa ăn trong tiếng Việt còn được gọi là bữa cơm. Ăn cháo là chuyện vạn bất đắc dĩ. Người Việt không ăn cháo nếu không đau ốm hoặc không quá túng thiếu.
Nhưng ở Pháp người ta không mấy khi ăn cơm. Bây giờ vẫn thế. Cách đây một thế kỷ chỉ nhà giàu mới rùng rẻng bạc tiền đi ăn cơm Tàu. Ăn được một bát cháo ở trời Tây còn khó hơn. Làm chủ hàng cháo ở khu phố La Tinh đại khái cũng giống như mở nhà hàng 5 sao giữa thành phố Hồ Chí Minh bây giờ.
Các từ marchand de soupepopotier trong bản gốc chỉ nhấn mạnh xuất thân hạ tiện của công sứ Darles, nguyên là một tay bán hàng ăn bình dân. Không việc gì phải đoán xem soupecháo hay xúp, món nào sang trọng (hay hèn kém) hơn món nào. Xúp là một món chủ lực của người Pháp nên từ soupe cũng có nghĩa là bữa ăn, không khác gì người Việt gọi bữa ănbữa cơm.
Theo cùng nguyên tắc này, người Công Giáo Việt Nam không xin bánh mì khi đọc kinh Lạy Cha:
Xin Cha cho con lương thực hàng ngày dùng đủ.
Pain trong tiếng Pháp (Donnez-nous aujourd'hui notre pain quotidien) panis trong tiếng La Tinh (Panem nostrum supersubstantialem da nobis hodie) có thể là miếng bánh đối với Tây, nhưng là bát cơm của ta. Nó là lương thực, là cái ăn trong mọi trường hợp.

Saturday 8 August 2020

Đấu tranh giai cấp với tư duy nhà báo Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh (Nguyễn Văn Khoan - Đại Biểu Nhân Dân)

Nhân kỷ niệm 86 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam

Đấu tranh giai cấp với tư duy nhà báo Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh

07:46 | 18/06/2011
Theo báo cáo của mật thám Jean tại Paris trong ngày 9 tháng 2 năm 1919, Nguyễn Ái Quốc đã hai lần đến thư viện Sainte Geneviève, rồi sau đó vào các ngày 10, 11, 12, 13, 15, 17, 19 và nhiều ngày nữa vẫn tiếp tục đến đọc sách trong thư viện này. Trong một lần kể chuyện cho một cán bộ, Hồ Chủ tịch nói Bác đã đọc Tư bản luận của Mác bảy ngày liền. Phải chăng Người đã đọc cuốn sách đồ sộ của Mác tại thư viện Sainte Geneviève?
Gần đúng hai tháng sau, ngày 11 tháng 2 năm 1920, Nguyễn Ái Quốc đã trình bày đề tài Chủ nghĩa Bônsêvích ở châu Á tại Hội nghị những người Thanh niên Cộng sản Pháp quận II, Paris. Tháng 7 cùng năm, Nguyễn Ái Quốc đọc tác phẩm của Lênin về Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về các vấn đề dân tộc thuộc địa đăng trên báo L’Humanité (Nhân đạo) số ra ngày 16 và ngày 17 tháng 7 năm 1920. Luận cương này đã làm cho Nguyễn Ái Quốc “cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao” - một tình cảm và nhận thức mà do nhiều nguyên nhân trước đó Người  chưa có cho đến khi đọc tác phẩm của Mác. Nguyễn Ái Quốc còn viết thư bằng tiếng Pháp gửi Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản cho biết: “Luận cương này đã ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành thế giới quan của mình”.
Văn bản đầu tiên mà Nguyễn Ái Quốc nêu tên V.I.Lê nin là bài “ Mấy ý nghĩ về vấn đề thuộc địa” viết bằng tiếng Pháp đăng trên báo L’Humanité, ký tên Nguyễn Ái Quốc, ngày 25 tháng 5 năm 1922. Trong bài này, tác giả viết: “Chủ nghĩa Bôn sêvích, trước con mắt người dân bản xứ có nghĩa là sự phá hoại tất cả, hoặc tự giải phóng khỏi ách nước ngoài. Nghĩa thứ nhất, làm cho quần chúng ít học và nhút nhát xa lánh chúng ta, nghĩa thứ hai thì dẫn họ đến chủ nghĩa quốc gia. Cả hai điều đó đều nguy hiểm cả”.
Băn khoăn, suy nghĩ về chủ nghĩa Bônsêvích thực ra là chủ nghĩa Mác áp dụng như thế nào trong một nước thuộc địa có bọn đế quốc thực dân và tay sai, có đông đảo nông dân, một bộ phận nhỏ công nhân mới hình thành cùng với nhiều tầng lớp xã hội khác - như ở Việt Nam - là một chuỗi dài tháng năm tư duy, chọn lọc, tìm kiếm của Nguyễn Ái Quốc.
Nguyễn Ái Quốc đã đi từ nhận định: “Ở Đông Dương có hai con người: Người được bảo hộ và người đi bảo hộ” (báo Le Paria, số 16 tháng 7 năm 1923) đến kết luận: “Vậy là, dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người, giống người bóc lột và giống người bị bóc lột” (Báo Le Paria, số 25 tháng 5 năm 1924) và “ chỉ có hai loại người: Thiện và Ác”.
Trong bài Phong trào cách mạng ở Ấn Độ đăng trên Tạp chí Cộng sản tiếng Pháp, số 18 - 19 tháng 8, 9 năm 1921, Nguyễn Ái Quốc viết: “Thảm họa của đất nước đã xóa bỏ, sự phân biệt đẳng cấp và tôn giáo, người giàu, người nghèo, quý tộc và nông dân, Hồi giáo và Phật giáo đều hiệp sức đoàn kết”.
Trong năm 1924, tại Mátxcơva, Nguyễn Ái Quốc đã được mời đến giảng tại một lớp học của những đảng viên cộng sản Đức, văn bản đã được nhà sử học Pháp Alain Rusico công bố dưới đề mục Báo cáo về Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ. Người đọc báo cáo này được đánh giá là một người am hiểu sâu sắc chủ nghĩa Mác và thực tế lịch sử Việt Nam trong quá khứ và hiện tại... Nguyễn Ái Quốc nói: “Cuộc đấu tranh giai cấp (ở Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ) không diễn ra giống như ở phương Tây”.
Tại sao vấn đề đấu tranh giai cấp - hòn đá tảng để phân biệt những người cách mạng chân chính hay cơ hội, là động lực phát triển của xã hội có giai cấp đối kháng như Mác - Lênin đã nêu, lại “không diễn ra ở phương Đông, ở Việt Nam, giống như phương Tây”? Nguyễn Ái Quốc, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam, với một tư duy độc lập nhằm mục đích cao nhất là tìm ra một phương pháp tối ưu, phù hợp với Việt Nam để giải phóng dân tộc, đã lập luận rằng: “Xã hội Đông Dương về mặt cấu trúc kinh tế không giống các xã hội phương Tây thời Trung cổ, cũng như thời Cận đại, và đấu tranh giai cấp ở đó (ở Đông Dương, Việt Nam) không quyết liệt như ở đây (ở châu Âu)”.
“Chủ nghĩa Mác sẽ còn đúng ở đó (ở Đông Dương). Dù sao thì cũng không thể cấm bổ sung “cơ sở lịch sử” của chủ nghĩa Mác bằng cách thêm vào đó những tư liệu mà Mác ở thời mình không thể có được”.
Nguyễn Ái Quốc nói tiếp: “Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử, nhưng lịch sử nào? Lịch sử châu Âu. Mà châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn thể nhân loại”.
Ở đây ta có thể thấy tư duy của phương Đông, của Việt Nam (mà Nguyễn Ái Quốc là một đại diện), khác với châu Âu. Triết học ở phương Tây thiên về lý, duy lý, có lúc đơn thuần, duy nhất, cực đoan. Ở Việt Nam có một triết lý khác: có cả lý và tình. Trong cái xấu còn có thể tìm ra cái tốt, ở cái mạnh vẫn bộc lộ điểm yếu, trong âm có dương...
Nguyễn Ái Quốc dẫn ra lý luận của Mác: “Sự tiến triển của xã hội phải trải qua 3 giai đoạn: chế độ nô lệ, chế độ nông nô, chế độ tư bản và trong mỗi giai đoạn ấy đều có đấu tranh giai cấp tuy có khác nhau”. Nhưng Nguyễn Ái Quốc lại cảnh báo: “Chúng ta phải coi chừng. Các dân tộc Viễn Đông có trải qua 2 giai đoạn đầu không?” 
Nguyễn Ái Quốc không phủ nhận “đấu tranh giai cấp” ở châu Âu theo chủ nghĩa Mác, mà suy tính vận dụng chủ nghĩa Mác vào Việt Nam như thế nào để cách mạng Việt Nam giành thắng lợi.
Trên thực tế, ở Việt Nam “chủ nghĩa dân tộc còn là động lực lớn nhất của đất nước”. Từ quá trình lịch sử hình thành dân tộc Việt, người Việt từ xa xưa đã có một tinh thần dân tộc cao, biết thương yêu đùm bọc lẫn nhau, đoàn kết chặt chẽ chống thiên tai, ngoại xâm. Từ đó nảy sinh ra tình yêu nước, thương dân cao cả. Hồ Chí Minh đã từng nói: “Hễ là người Việt Nam, ai cũng có lòng yêu nước”.
Tình yêu nước ấy gắn bó tất cả những người Việt, những cộng đồng các dân tộc chung sống với dân tộc Việt trên đất Việt Nam thành một thành viên chung được gọi là đồng bào. Hồ Chí Minh định nghĩa đồng bào “nghĩa hẹp là gia đình, anh em họ hàng, bạn bè, nghĩa rộng là đồng bào cả nước, rộng hơn nữa là cả loài người”.
Theo mạch tư duy riêng của mình, Hồ Chí Minh không định nghĩa cách mạng theo cách châu Âu là biến đổi bất ngờ và táo bạo trong cơ cấu kinh tế xã hội, là khởi nghĩa, nổi dậy, nổi loạn, bước ngoặt cơ bản, bước nhảy vọt bất ngờ từ một tình trạng chất lượng này sang một chất lượng khác, cuộc biến đổi lớn thông qua đấu tranh giai cấp... Trên cơ sở thực tiễn Việt Nam, Hồ Chí Minh đã định nghĩa ngay từ năm 1927 - trong Đường Kách mệnh: “Cách mệnh là phá cái cũ đổi ra cái mới, phá cái xấu đổi ra cái tốt”. Như vậy, làm cách mạng ở Việt Nam đâu nhất thiết theo cách hiểu của phương Tây?
Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh chủ trương ở nước Việt Nam bị đô hộ, vấn đề trước hết là phải nêu cao chủ nghĩa yêu nước, đoàn kết dân tộc, đoàn kết mọi giai cấp có thể đoàn kết được để giải phóng dân tộc, chớ chưa phải và không phải là đấu tranh giai cấp chống địa chủ, tư bản tràn lan. Có giải phóng được dân tộc mới có điều kiện giải phóng được giai cấp nông dân, công nhân. Quan điểm này đã khiến Quốc tế Cộng sản và nhiều học trò, đồng chí của Nguyễn Ái Quốc không tán thành, ủng hộ, và cho rằng Nguyễn Ái Quốc coi nhẹ đấu tranh giai cấp là cải lương, dân tộc chủ nghĩa, khiến cho Nguyễn Ái Quốc đã từng trở thành một lữ hành cô đơn (câu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp). Nhưng Nguyễn Ái Quốc vẫn giữ quan điểm của mình.
Trong sách Sửa đổi lối làm việc viết năm 1947, ký tên X.Y.Z, Hồ Chí Minh đã nhắc cán bộ rằng: “Nghe người ta nói giai cấp đấu tranh  mình cũng ra khẩu hiệu giai cấp đấu tranh mà không xét hoàn cảnh nước mình như thế nào để làm cho đúng”. Tiếp đó, trong bài Duy vật biện chứng và duy vật lịch sử ký tên X.Y.Z, đăng trên tờ Sinh hoạt nội bộ, Ban Chấp hành Liên chi khu bộ tái bản năm 1950, Hồ Chí Minh viết: “Trong lúc cần toàn dân đoàn kết mà chủ trương đấu tranh là một điều ngu ngốc. Việc gì cũng phải đúng với địa điểm, điều kiện và thì giờ thì mới thành công”. Ba điều đúng (địa điểm, điều kiện, thời cơ) đó chính là thực tiễn - thực tiễn Việt Nam.
Hồ Chí Minh viết tiếp: “Chính sách mà Đảng cách mạng lập ra trên sự cần kíp của xã hội, trên lực lượng chính của sự phát triển xã hội, chớ không phải lập ra trên những lý luận mênh mông”.
Đi từ thực tiễn Việt Nam, đối chiếu với chủ nghĩa Mác, theo Luận cương của Lênin về vấn đề thuộc địa, Hồ Chí Minh có lần giải thích rằng: “Chủ nghĩa Mác - Lênin ở Việt Nam là đại đoàn kết”. Đại đoàn kết tất cả các giai tầng xã hội, theo Hồ Chí Minh không phải là đoàn kết vô nguyên tắc, mà chỉ là đoàn kết những người yêu nước, phụng sự Tổ quốc, không đoàn kết với những kẻ phản bội Tổ quốc, những kẻ tham ô, tham nhũng.
Trong cải tạo công thương nghiệp tư doanh trên miền Bắc, sau khi hoàn thành cải cách ruộng đất, Hồ Chủ tịch đã nói trong một hội nghị cán bộ cao cấp rằng: “Không nên coi tư sản dân tộc là đối tượng cách mạng, mà nên coi họ là đồng minh”.
Nguyễn Ái Quốc đã từng vận dụng đấu tranh giai cấp ở Pháp, ở Hoa Nam, ở Xiêm trong đồng bào người Việt Nam. Năm 1941, sau 30 năm học tập lý luận, đối chiếu thực tiễn, qua kinh nghiệm hoạt động của bản thân, với những luận điểm riêng của mình đã được Quốc tế Cộng sản chấp nhận bước đầu qua Đại hội VII của Quốc tế cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đã trở về Việt Nam với đầy đủ kinh nghiệm để thực hiện đại đoàn kết. Người viết trên tờ trên tờ báo Việt Nam độc lập rằng: “Lực lượng chúng ta là ở chỗ đoàn kết, đoàn kết toàn dân, đoàn kết người đàn ông, đoàn kết đàn bà, người già, trẻ con, đoàn kết người làm ruộng, làm thợ, đi buôn, người làm việc cho Tây, người đi lính cho Tây”, “không phải đoàn kết nhất thời mà đoàn kết mãi mãi”.
Đại đoàn kết của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh - một vận dụng sáng tạo đấu tranh giai cấp của chủ nghĩa Mác ở Việt Nam, đã tập hợp, đại hòa hợp được tất cả con Rồng, cháu Tiên, nông dân, công nhân, trí thức, đại tư sản..., nghĩa là gần như tất cả những người dân yêu nước, chỉ trừ những kẻ phản quốc, Việt gian, kẻ chống lại Tổ quốc, dân tộc. “Đại đoàn kết ấy thực sự là một trong những yếu tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam”.
Là một di sản quốc bảo của Hồ Chí Minh, của Tổ quốc ta, dân tộc ta, bài học về đại đoàn kết, đấu tranh giai cấp này mãi mãi vẫn là một nhân tố quyết định đồng hành với thắng lợi của đất nước ta trong thế kỷ mới. Đối với một số quốc gia, dân tộc, di sản này còn là một phương án tham khảo tích cực.
Theo Dấu ấn của nhà báo Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh trong cách mạng giải phóng dân tộc
Ts Nguyễn Văn Khoan

Thursday 29 August 2019

Ai chứng lý lịch cho Bác Hồ?



Hồi sắp lấy vợ, ra phường xin xác nhận tình trạng độc thân, phường chứng:
-Anh M thường trú tại địa phương từ năm Y đến nay, không đăng ký kết hôn tại địa phương trong thời gian này.
-Từ hồi đủ 18 tuổi đến giờ tôi đều ở đây, không đi đâu hết. Sao không thể chứng là tôi chưa bao giờ kết hôn?
-Anh ở đây từ năm X đến giờ nhưng từ năm X đến năm Y hộ khẩu của anh ở trong trường. Ai biết anh có đăng ký kết hôn ở trường không?
Nói nghe có lý. Nhưng trường cũ giờ đã giải thể, chia làm hai trường mới. Trường mình học là trường ở quận 1:
-Hộ khẩu hồi đó ở quận 5 thì dzô quận 5 mà tìm.
Trường ở quận 5 bảo:
-Mười mấy năm rồi... Không biết phải làm sao.
Đứng ngẩn ngơ nhưng thằng mất sổ gạo rồi thất thểu đi ra. Tình cờ gặp ông V, phó phòng tổ chức, hỏi:
-Anh bảo em phải làm sao?
Ông V cười:
-ĐM... mày đưa đây tao chứng cho rồi vào lấy con dấu.
Ông V không phải là người quen thân, chỉ biết nhau lúc trường cũ chưa chia tách. Mình còn không biết ông ấy có vợ hay không. Có lẽ có, không chắc.
Bây giờ thành ra người có vợ có con là nhờ năm xưa không đi ra sớm quá hay trễ quá, đúng lúc ông V chạy xe vào.
Chỉ một chi tiết là độc thân hay không độc thân trong thời gian mấy năm ngắn ngủi đó thôi mà không ai xác nhận được chỉ vì trường cũ chia thành hai trường mới chứ không phải là chuyện vật đổi sao dời gì. Thử hỏi các nhà cách mạng nước ta khi bôn ba nơi hải ngoại, khi lặn lội nơi rừng sâu núi thẳm, thay tên đổi họ liền liền thì lúc ngồi khai lý lịch, ai chứng? Rồi không lẽ vì vậy mà nhịn lấy vợ, lấy chồng? Hay vẫn có những người chứng đại cho mình? 

Sunday 2 June 2019

LỜI PHÁT BIỂU CỦA HỒ CHỦ TỊCH TẠI KỲ HỌP THỨ 2, QUỐC HỘI KHÓA III, NGÀY 10-4-1965



LỜI PHÁT BIỂU CỦA HỒ CHỦ TỊCH
TẠI KỲ HỌP THỨ 2, QUỐC HỘI KHÓA III,
NGÀY 10-4-1965

Thưa các đồng chí,
Quốc hội ta họp kỳ này trong tình hình rất khẩn trương nhưng cũng đầy phấn khởi và tin tưởng. Phong trào chống Mỹ, cứu nước đang dâng lên sôi nổi khắp nơi. Cả miền Bắc và miền Nam đều giành được nhiều thắng lợi to lớn.
Hơn 10 năm qua, đế quốc Mỹ cùng bọn tay sai đã tiến hành một cuộc chiến tranh vô cùng tàn bạo, chúng đã gây ra biết bao tang tóc cho đồng bào ta ở miền Nam. Từ mấy tháng nay chúng lại điên cuồng mở rộng chiến tranh ra miền Bắc nước ta. Bất chấp Hiệp định Giơnevơ năm 1954 và luật pháp quốc tế, chúng đã đưa hàng trăm máy bay, hàng chục tầu chiến liên tiếp đến bắn phá miền Bắc, phơi trần bộ mặt ăn cướp của chúng, giặc Mỹ đang trắng trợn xâm phạm nước ta. Chúng hòng dùng sức mạnh của vũ khí để bắt 30 triệu đồng bào ta làm nô lệ cho chúng. Nhưng chúng đã lầm to, nhất định chúng sẽ thất bại nhục nhã.
Dân tộc Việt Nam ta là một dân tộc anh hùng. Hơn 10 năm qua, 14 triệu đồng bào miền Nam ta đã chịu đựng mọi gian khổ, hy sinh, chiến đấu vô cùng anh dũng. Từ hai bàn tay trắng, đồng bào miền Nam đã lấy súng giặc đánh lại giặc, đã tiến lên giành thắng lợi này đến thắng lợi khác và đang tấn công liên tục, đánh cho giặc Mỹ cướp nước và bè lũ bán nước ngày càng thất bại, ngày càng sa lầy. Càng bị thua to, chúng càng dùng những thủ đoạn tàn ác nhất, như bom napan và hơi độc để giết hại đồng bào ta ở miền Nam. Chính vì bị sa lầy ở miền Nam, mà chúng lồng lộn tấn công ra miền Bắc.
Quen thói vừa ăn cướp, vừa la làng, chính đế quốc Mỹ là kẻ xâm lược, mà chúng lại trơ tráo vu khống miền Bắc ta “xâm lược” miền Nam. Chính đế quốc Mỹ là kẻ phá hoại hòa bình, phá hoại Hiệp định Giơnevơ, mà chúng còn trắng trợn tuyên bố vì mong muốn “lập lại hòa bình”, vì để “bảo vệ Hiệp định Giơnevơ” mà chúng đem quân đội Mỹ đến nước ta để bắn giết, đốt phá. Chính đế quốc Mỹ là kẻ đang tàn phá đất nước ta, giết chóc đồng bào ta, mà chúng còn giả nhân giả nghĩa, ba hoa tuyên bố sẽ giúp một tỷ đôla cho nhân dân Việt Nam ta và các nước Đông Nam Á để “phát triển kinh tế và cải thiện đời sống”.
Tổng thống Mỹ Giônxơn còn lớn tiếng đe dọa dùng sức mạnh để khuất phục nhân dân ta. Đó chỉ là ảo tưởng điên rồ. Nhân dân ta quyết không bao giờ chịu khuất phục.
Kế hoạch Taylo đã tiêu tan. Kế hoạch Mắc Namara cũng phá sản. Kế hoạch “leo thang” mà hiện nay đế quốc Mỹ đang cố thực hiện ở miền Bắc cũng nhất định sẽ thất bại. Dù Mỹ đưa thêm mấy chục vạn binh sĩ Mỹ và cố lôi kéo thêm quân đội các nước chư hầu vào cuộc chiến tranh tội ác này, thì quân và dân ta cũng quyết đánh thắng chúng.
Bản tuyên bố của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam đã nêu cao chí khí anh hùng ấy. Lời kêu gọi của Mặt trận Tổ quốc Việt Namđã nêu rõ quyết tâm đanh thép ấy.
Chúng ta yêu chuộng hòa bình, nhưng chúng ta không sợ chiến tranh. Chúng ta quyết đánh đuổi giặc Mỹ xâm lược, để bảo vệ tự do, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc ta.
Nhân dân cả nước ta tin tưởng vững chắc rằng: với sức đoàn kết chiến đấu, tinh thần dũng cảm và trí tuệ sáng tạo của mình, với sự đồng tình và ủng hộ của nhân dân thế giới, chúng ta nhất định sẽ đưa cuộc kháng chiến vĩ đại này đến thắng lợi hoàn toàn.
Nhân dân ta rất biết ơn và quý trọng tình đoàn kết anh em và sự giúp đỡ chí tình của các nước xã hội chủ nghĩa, nhất là Liên Xô và Trung Quốc, của nhân dân khắp năm châu đang tích cực ủng hộ ta chống đế quốc Mỹ xâm lược, kẻ thù hung ác nhất của loài người.
Đối với nhân dân Lào và nhân dân Campuchia đang anh dũng đấu tranh chống đế quốc Mỹ và bọn tay sai, nhân dân ta luôn luôn thắt chặt tình đoàn kết, ủng hộ hết lòng.
Chúng ta rất hoan nghênh những thanh niên các nước tỏ lòng tình nguyện đến Việt Nam để cùng chúng ta chống giặc Mỹ.
Nhân dân Mỹ bị Chính phủ họ tuyên truyền lừa bịp và vơ vét hàng tỷ đôla để vứt vào hố chiến tranh. Hàng nghìn thanh niên con em họ đã chết và bị thương thê thảm ở chiến trường Việt Nam, cách xa nước Mỹ hàng muôn dặm. Ngày nay nhiều đoàn thể và nhân sĩ Mỹ đang đòi Chính phủ họ chấm dứt ngay cuộc chiến tranh phi nghĩa và rút ngay quân đội Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam. Nhân dân ta kiên quyết đánh đuổi đế quốc Mỹ, kẻ thù không đội trời chung. Nhưng chúng ta luôn luôn tỏ tình hữu nghị với nhân dân tiến bộ Mỹ.
Một lần nữa, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trịnh trọng tuyên bố lập trường của mình trước sau như một là:
Kiên quyết bảo vệ nền độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam. Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, không ai được xâm phạm đến quyền thiêng liêng ấy của nhân dân ta. Đế quốc Mỹ phải tôn trọng Hiệp định Giơnevơ, phải rút khỏi miền Nam Việt Nam, phải chấm dứt ngay những cuộc tấn công vào miền Bắc. Đó là biện pháp duy nhất để giải quyết vấn đề chiến tranh ở Việt Nam, để thực hiện Hiệp định Giơnevơ năm 1954, để bảo vệ hòa bình của các nước ở Đông Dương và Đông Nam Á. Không có giải pháp nào khác. Đó là câu trả lời của nhân dân và Chính phủ ta cho đế quốc Mỹ.
Các đồng chí,
Nhân dân ta đang sống trong một thời kỳ lịch sử vô cùng oanh liệt. Nước ta có vinh dự lớn là một tiền đồn của phe xã hội chủ nghĩa và của các dân tộc trên thế giới đang đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân cũ và mới.
Nhân dân ta chiến đấu hy sinh chẳng những vì tự do, độc lập riêng của mình, mà còn vì tự do, độc lập chung của các dân tộc và hòa bình trên thế giới.
Trên mặt trận chiến đấu chống đế quốc Mỹ xâm lược, nghĩa vụ của dân tộc ta rất nặng nề mà cũng rất vẻ vang.
Lúc này chống Mỹ, cứu nước là nhiệm vụ thiêng liêng nhất của mọi người Việt Nam yêu nước. Dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Dân tộc Giải phóng, người đại diện chân chính và duy nhất của nhân dân miền Nam, đồng bào và chiến sĩ miền Nam anh hùng đang tiến lên giành những thắng lợi ngày càng to lớn để giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc.
Quân và dân ta ở miền Bắc vừa hăng hái thi đua xây dựng chủ nghĩa xã hội, vừa anh dũng chiến đấu bảo vệ miền Bắc, vừa hết lòng ủng hộ miền Nam.
Tôi đề nghị Quốc hội ta nhiệt liệt ủng hộ bản tuyên bố của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam và lời kêu gọi của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam! Nhiệt liệt hoan hô đồng bào và chiến sĩ miền Nam anh hùng! Nhiệt liệt khen ngợi quân và dân ta ở miền Bắc đang hăng hái thi đua sản xuất và đánh giặc lập công!
Tôi kêu gọi đồng bào và chiến sĩ ta:
Hãy luôn luôn nâng cao chí khí anh hùng cách mạng, tinh thần cảnh giác và chiến đấu!
Hãy đẩy mạnh phong trào thi đua “Mỗi người làm việc bằng hai”, kiên quyết vượt mọi khó khăn, ra sức xây dựng và bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, hết lòng ủng hộ cuộc đấu tranh yêu nước của đồng bào miền Nam !
Tất cả chúng ta hãy đoàn kết nhất trí triệu người như một, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược !
Vì tương lai của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, đồng bào và chiến sĩ cả nước anh dũng tiến lên!


Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia,
Hà Nội, 2002, xuất bản lần thứ hai, t.11, tr.431-435.

Monday 4 June 2018

Tìm hiểu quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về khái niệm nhân dân Việt Nam (Châu Thành - Đảng Cộng Sản Việt Nam)


Tìm hiểu quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về khái niệm nhân dân Việt Nam

(ĐCSVN) - Việc hiểu đúng khái niệm "nhân dân", thường được sử dụng trong các văn kiện của Đảng và Nhà nước, có ý nghĩa quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, trong công tác vận động nhân dân… góp phần thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp đổi mới hiện nay.

Trong cuộc đời hoạt động, Chủ tịch Hồ Chí Minh không ít lần nêu ra quan niệm về nhân dân ta.

Có lúc Người nói rằng nhân dân ta gồm “gái trai già trẻ” của “năm lớp Sĩ, Nông, Công, Thương, Binh”.

Có lúc Người chỉ rõ rằng: “Nhân dân là bốn giai cấp công, nông, tiểu tư sản, tư sản dân tộc và những phần tử khác yêu nước”. Người còn nhấn mạnh rằng bốn giai cấp công nhân, nông dân, tiểu tư sản, tư sản dân tộc và những phần tử khác yêu nước “Đó là nền tảng của quốc dân”.

Như vậy, theo quan niệm của Hồ Chí Minh thì nhân dân ta là bộ phận gồm đông đảo những người thuộc nhiều giai cấp, tầng lớp khác nhau và chủ yếu là những người lao động trong xã hội. Đó là tầng lớp trí thức (Sỹ); giai cấp nông dân – người sống bằng nghề làm ruộng (Nông); giai cấp công nhân – người lao động chân tay, làm việc cho chủ tư liệu sản xuất công nghiệp hoặc làm việc cho Nhà nước trong các cơ sở công nghiệp (Công);tầng lớp thương nhân hay tầng lớp những người buôn bán (Thương); những người làm việc trong Quân đội Nhân dân hay là quân nhân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Binh). Các tầng lớp, giai cấp nhân dân này “đoàn kết thành một khối” như “năm cánh ngôi sao vàng trên nền đỏ Quốc kỳ Việt Nam” và là “nền tảng của quốc dân Việt Nam”. Ngoài các tầng lớp, giai cấp lao động đó ra, theo Hồ Chí Minh, dưới chế độ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, “những người khác yêu nước”, cụ thể những nhân sỹ yêu nước (là người trí thức có danh vọng như cụ Huỳnh Thúc Kháng, cụ Bùi Bằng Đoàn, Luật sư Trịnh Đình Thảo) và những thân sỹ yêu nước (là người có học thức, thuộc tầng lớp trên của xã hội cũ như Cụ Phan Kế Toại) cũng trong địa vị nhân dân. Người dân Việt Nam nào trong địa vị nhân dân Việt Nam là người được hưởng đầy đủ mọi quyền lợi của một công dân Việt Nam do luật pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà quy định. 

Như vậy, theo quan niệm của Hồ Chí Minh về nhân dân Việt Nam thì “quốc dân Việt Nam” hay “người dân trong nước Việt Nam” không đồng nghĩa với “nhân dân Việt Nam”. Bởi vì, trong quốc dân có người trong địa vị nhân dân và có cả những người dân Việt Nam không trong địa vị nhân dân. Những người dân Việt Nam không trong địa vị nhân dân này không được hưởng các quyền công dân như nhân dân; nói cách khác, những người dân Việt Nam mất quyền công dân Việt Nam thì không được trong địa vị nhân dân Việt Nam, nhưng họ vẫn là quốc dân Việt Nam.

Cũng theo Hồ Chí Minh, những người Việt Nam trước đây thuộc giai cấp thống trị, giai cấp bóc lột, buôn dân bán nước, dưới chế độ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nếu họ chấp hành đúng chính sách của Đảng và Chính phủ, có quyền công dân thì họ là nhân dân; ngược lại những người Việt Nam trong địa vị nhân dân, nhưng vì lợi nhỏ mà quên nghĩa lớn, đi ngược lại quyền lợi của dân tộc và quyền lợi của toàn dân thì không thuộc nhân dân nữa. Chẳng hạn, Nguyễn Vĩnh Thụy hay Bảo Đại - ông vua bù nhìn cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam, tay sai đế quốc Pháp, khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, khi ông ta nộp ấn kiếm cho cách mạng, thề trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Chính phủ cách mạng, rồi làm Cố vấn tối cao của Chính phủ cách mạng lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thì lúc đó ông ta là nhân dân; nhưng sau đó ông ta lại theo giặc Pháp, cam tâm buôn dân bán nước, thì lúc này ông ta không trong địa vị nhân dân nữa.

Quan niệm về nhân dân ta như trên được Hồ Chí Minh nêu ra ngay từ những năm tháng đầu tiên của chế độ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và quan niệm đó hoàn toàn phù hợp với cách giải nghĩa từ “nhân dân” trong Đại từ điển Tiếng Việt xuất bản lần đầu vào giữa năm 1998.

Ngoài hai từ “nhân dân”, Hồ Chí Minh còn gọi nhân dân ta bằng những từ khác nhau. Có lúc Người gọi là “dân” hay “dân ta”; có lúc Người gọi là “dân chúng” (quần chúng nhân dân). Cách gọi nhân dân như vậy đã đúng, lại gần gũi, dễ hiểu.

Quan niệm của Hồ Chí Minh về nhân dân Việt Nam còn có một nội dung khác nữa cũng rất quan trọng khi phân định mâu thuẫn và giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân ta. Nội dung đó là: Trong công tác hay trong cuộc sống hàng ngày, tuỳ theo hoàn cảnh cụ thể trong mối quan hệ cụ thểmà mỗi người, mỗi nhóm người, hay mỗi đơn vị hoặc tổ chức đoàn thể trong nội bộ nhân dân có vị trí cụ thể là nhân dân hay không là nhân dân.Chẳng hạn: Nói hoặc viết một cách bao quát là “nhân dân Việt Nam”, nói hoặc viết như vậy là trong nhân dân có cả Đảng, Nhà nước và các đoàn thể nhân dân Việt Nam; nói hoặc viết “Đảng và nhân dân” – như vậy, trong nhân dân đó có cả cán bộ, đảng viên của Đảng; nói hoặc viết “Chính phủ và nhân dân” – như vậy trong nhân dân đó có cả công chức, viên chức của Chính phủ; cũng có thể hiểu tương tự như vậy, khi nói “cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân”; khi nói “bộ đội và nhân dân”; “công an và nhân dân”...

Xin được nêu dẫn chứng sau đây: khi viết về “vấn đề cán bộ”, Hồ Chí Minh chỉ rõ rằng: “Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng”. Trong câu này của Hồ Chí Minh, trước dân chúng, thì cán bộ của Đảng và Chính phủ không trong “tập hợp nhân dân” nữa.

Một dẫn chứng nữa: khi viết về bệnh hẹp hòi của cán bộ, đảng viên của Đảng, Hồ Chí Minh chỉ rõ rằng: “Có nhiều đồng chí tự tôn, tự đại, khinh rẻ người ta, không muốn biết, muốn học những ưu điểm của người khác. Biết được vài câu lý luận đã cho mình là giỏi, không xem ai ra gì, tưởng mình là hơn hết. Đó là bệnh hẹp hòi hạng nặng. Họ quên rằng: Chỉ đoàn kết trong Đảng, cách mạng cũng không thành công được, còn phải đoàn kết nhân dân cả nước. Họ quên rằng: so với số nhân dân thì số đảng viên chỉ là tối thiểu, hàng trăm người dân mới có một người đảng viên. Nếu không có nhân dân giúp sức, thì Đảng không làm được việc gì hết. Vì vậy ta cần phải hợp tác với những người ngoài Đảng. Ta không được khinh rẻ họ, chê bai họ. Ta phải liên lạc mật thiết với dân chúng. Rời xa dân chúng là cô độc. Cô độc thì nhất định thất bại”. Trong lời dạy, Hồ Chí Minh muốn nói tới quan hệ giữa nhân dân và Đảng ta, giữa quần chúng nhân dân và đảng viên của Đảng. Trong các mối quan hệ cụ thể này, trước nhân dân Đảng không ở trong “tập hợp nhân dân”. Như vậy, một cán bộ hay một đảng viên của Đảng, tuỳ theo vị trí cụ thể của mình trong quan hệ công tác hay trong một việc cụ thể, có lúc là người dân, có lúc không trong “tập hợp nhân dân”./.

Châu Thành
(http://dangcongsan.vn/tu-lieu-van-kien/tu-lieu-ve-dang/sach-chinh-tri/doc-510720154575656.html)