Wednesday 13 June 2018

Hoa mộc (Đông A)

Hoa mộc

Photobucket

Trời sinh vật vuỗn bằng người
Nếu được thơm tho thiếu tốt tươi
Ắt có hay đòi thửa phận
Chẳng yêu thì chớ nữa chi cười
Nguyễn Trãi

Hoa mộc (hay còn gọi là mộc tê) có tên khoa học là Osmanthus fragrans. Hoa mộc ở Việt Nam thường có màu ngà (ảnh trên), trong khi đấy ở nước ngoài lại rất trắng (ảnh dưới). Nhà tôi có hai cây hoa mộc trồng trong chậu, còi cọc nhưng năm nào cũng ra hoa. Khác với hoa mộc ở nước ngoài, hương thoảng tận mũi, tôi phải nhắm mắt lại mới cảm được hương hoa mộc nhà tôi. Hương hoa mộc rất nhẹ nhàng, thơm dìu dịu. Đôi khi dịch thơ Đường, tôi dịch mộc tê thành cây quế, một cách dịch rất sai, vì mộc tê và quế thuộc các họ khác nhau. Người Trung Quốc gọi hoa mộc là quế hoa, nhưng không phải là hoa của cây quế chi Cinnamomum. Thành ra quế hoa dịch ra tiếng Việt phải là hoa mộc, chứ không phải là hoa quế. 

Photobucket

Sunday 10 June 2018

Hoa ngọc trâm (Đông A)

Hoa ngọc trâm

Photobucket

Anh tặng cho em hoa ngọc trâm
Hoa như ánh sáng, ngọc như mầm
Như cài trên tóc hoa trâm ngọc
Anh tặng cho em hoa ngọc trâm
Xuân Diệu

Người Việt chúng ta vẫn gọi hoa này là hoa ngọc trâm. Nhưng tôi cho rằng đó là một nhầm lẫn. Hoa có tên khoa học là Eucharis grandiflora. Hoa ngọc trâm thực sự phải là hoa thuộc chi Hosta. Phải giàu tưởng tượng lắm mới hình dung được bông hoa Eucharis grandiflora giống như một cái trâm cài đầu, trong khi đấy hoa Hosta plantaginea dễ thấy hình dạng của một cái trâm. Người Trung Quốc gọi hoa Hosta plantaginea là hoa ngọc trâm, trong khi đấy gọi hoa Eucharis grandiflora là hoa bách hợp hay hoa bạch hạc. Người Nhật cũng gọi hoa Eucharis grandiflora là hoa bách hợp. Tất nhiên tên gọi hoa của Trung Quốc, Nhật Bản không phải là chuẩn mực để người Viêt phải gọi theo, nhưng các tên gọi đều có nguồn gốc của chúng. Thông thường hoa bách hợp tương đương trong tiếng Việt là hoa huệ hay hoa loa kèn. Như vậy có thể gọi hoa là hoa huệ Amazon để lưu ký nguồn gốc bản địa của hoa hay hoa huệ ngọc trâm để giữ lại chút cố hữu của dân gian. Nhưng thói quen của dân gian là một điều rất khó thay đổi.

Hoa ngọc trâm Trung Quốc (Đông A)

Hoa ngọc trâm (Trung Quốc)

Photobucket

Yến bãi Dao Trì A Mẫu gia 
Nộn quỳnh phi thượng tử vân xa 
Ngọc trâm lạc địa vô nhân thập 
Hóa tác Giang Nam đệ nhất hoa
Hoàng Đình Kiên 

Tàn tiệc Tây Vương Mẫu tại nhà
Quỳnh thơ xe tía cưỡi mây xa
Ngọc trâm rớt đất không người nhặt
Hóa tại Giang Nam đệ nhất hoa

Đây là hoa ngọc trâm trong văn hóa của người Trung Quốc. Hoa có tên khoa học là Hosta plantaginea, hoàn toàn khác hoa ngọc trâm của người Việt. Hoa ngọc trâm của Trung Quốc có một số truyền thuyết về nguồn gốc của hoa. Một trong những truyền thuyết đó là tiên nữ của Tây Vương Mẫu sau một buổi yến tiệc làm rớt cây trâm ngọc cài đầu xuống địa giới và hóa thành hoa ngọc trâm. Hoa ngọc trâm của Việt Nam không thấy có truyền thuyết nào. Tôi thấy hoa ngọc trâm của Trung Quốc giống cây trâm cài đầu hơn hoa ngọc trâm của Việt Nam, bởi vì đài hoa ngọc trâm Việt Nam cong veo, không thẳng. Hoa ngọc trâm của Trung Quốc có hương thơm, còn hoa ngọc trâm của Việt Nam lại hắc.

宴罷瑤池阿母家
嫩瓊飛上紫雲車
玉簪落地無人拾
化作江南第一花
黃庭堅

Hoa bát thủ (Đông A)

Hoa bát thủ

Photobucket

立つ人に因りて八手の花もよし
Tatsu hito ni yorite yatsude no hana mo yoshi 
Kyoshi

Tùy theo người đứng
hoa bát thủ vẫn đẹp

Lần đầu tiên tôi nhìn thấy hoa bát thủ ở Lục nghĩa viên. Lúc đấy chưa biết hoa tên là gì. Sau sang Ngự uyển mới biết hoa có tên là bát thủ. Cây hoa có tên khoa học là Fatsia japonica, một loài cây bản địa của Nhật Bản. Sở dĩ cây hoa có tên là "bát thủ" được cho là do lá của cây tạo thành nhiều múi như những ngón tay. Nhưng thật sự số múi của lá cây luôn là số lẻ, 7 hay 9 múi. Có lẽ "bát" không phải chỉ số 8, mà mang ý nghĩa như "kép" hay "nhiều", kiểu giống như "bát trùng" có nghĩa là cánh kép.

Cây bát thủ thường được dịch ra tiếng Việt rất sai thành cây dây leo. Ví dụ bản dịch tiếng Việt của Ngô Quý Giang tiểu thuyết Tiếng rền của núi đã dịch thành: "Ngày chủ nhật ở nhà Singo dùng cưa cắt bụi dây leo quấn chặt lấy gốc cây anh đào ngoài vườn". Cây bát thủ đâu phải là loại dây leo. Đó là một loại cây bụi. Bản dịch tiếng Anh của Seidensticker là: "On Sunday morning, Shingo sawed down the yatsude at the foot of the cherry".

Thu hải đường (Đông A)

Thu hải đường

Photobucket

秋海棠その葉は何を片思い
Shukaido sono ha wa nani o kata-omoi
Hiroshige

Thu hải đường:
những chiếc lá
tương tư gì

Cây hoa này ở Hà Nội được gọi là trúc Pháp. Tôi thấy tên gọi kỳ dị quá, và hỏi cô hàng bán hoa sao lại có tên như vậy. Cô hàng bán hoa nói rằng lá cây giống lá trúc nên có tên gọi như vậy. Tôi nhìn vẫn không thấy lá giống lá trúc, tuy chúng có hơi dài và phía đầu lá hơi nhọn. Tôi thấy cây hoa đích thị là một loài thu hải đường, có tên khoa học là Begonia sp. Nhưng giờ đây làm sao có thể chỉnh về đúng tên gọi của nó là thu hải đường khi mọi người cứ gọi nó là trúc Pháp? Chúng ta luôn luôn bất lực trước những truyền thống và chẳng còn cách nào khác là đành phải buông xuôi.  

(http://donga01.blogspot.com.au/2012/04/thu-hai-uong.html)

Lan chu đinh (Đông A)

Lan chu đinh

Photobucket

蘭の香や蝶の翅に薫物す
Ran no ka ya cho no tsubasa ni takimono su
Basho

Hương lan
nơi cánh bướm
ngát thơm

Lan chu đinh là một loại địa lan, có tên khoa học là Spathoglottis plicata. Loài lan này tương đối dễ trồng, không phải chăm bón cầu kỳ. Không nhầm lẫn lan chu đinh với chu lan (hay châu lan) mà Ngô Thì Nhậm từng nói tới trong bài đề tựa cho tập Hoa trình học bộ: "Ta thường nghĩ những người thường có bốn điều không thể biết, đó là chơi hoa châu lan không biết thơm, uống trà long tỉnh không biết ngon, nghe khúc điệu cung đình không biết vui, đọc thơ Cầm sắt không biết hay. Bởi vì bốn cái ấy thanh cao quá, không thích hợp với người thường vậy. Tuy thế, đó là nói chưa biết mà thôi, còn khi đã biết rồi, thì ở dưới trời này, những cái được gọi là hoa, là trà, là khúc, là thơ, có cái gì lại cao siêu tuyệt diệu hơn được những cái ấy..."  Châu lan chính là loài hoa sói, có tên khoa học là Chloranthus spicatus.

Nhà tôi có một chậu lan chu đinh, thường để mặc không chăm bón và vẫn ra hoa. Tôi đi vắng về nhà chậu lan đã không còn. Hỏi người nhà mới biết chậu lan đã chết. Giở những tập ảnh tôi chụp vẫn còn thấy những bông hoa của nó.


Thử tình khả đãi thành truy ức
Chỉ thị đương thời dĩ võng nhiên
Lý Thương Ẩn

Mai đỏ (Đông A)

Mai đỏ

Photobucket

紅梅や見ぬ恋作る玉簾
koobai ya minu koi tsukuru tamasudare
Basho

Mai đỏ
không nhìn thấy tình yêu tác thành
rèm ngọc

Rèm ngọc là hình ảnh của người con gái khuê các. Mai đỏ là vẻ đẹp. Bài haiku thể hiện có một người con gái khuê các xinh đẹp làm xiêu lòng người nhưng lại không nhìn thấy được.

Cây hoa trong ảnh không phải là hoa mai chính tông. Những cái tên như mai đỏ, nhất chi mai là tên thậm xưng, kiểu như hoa mai vàng. Cây hoa có tên khoa học là Jatropha integerrima thuộc chi dầu mè.