Friday 5 April 2013

Suy nghĩ về hướng tiếp tục tìm hiểu địa danh Cổ Loa (Trần Trí Dõi & Trần Thị Hồng Hạnh)


Suy nghĩ về hướng tiếp tục tìm hiểu địa danh Cổ Loa
(Qua cách giải thích địa danh này của Giáo sư Đào Duy Anh)

• Trần Trí Dõi & Trần Thị Hồng Hạnh

1. Dẫn nhập

1.1. Cổ Loa là tên làng và cũng là tên gọi toà thành của Thục An Dương Vương, vua nước Âu Lạc trong lịch sử Việt Nam. Đây là một tên gọi Hán Việt, tương ứng với một tên gọi Hán Việt khác là Loa Thành hay thành Khả Lũ. Di chỉ thành này của An Dương Vương hiện nay thuộc làng Cổ Loa huyện Đông Anh, ngoại thành phía bắc Hà Nội.
Về ý nghĩa cũng như xuất xứ của ba địa danh nói trên, đã có nhiều cách lí giải khác nhau. Nhưng có lẽ giáo sư Đào Duy Anh là người có những giải thích chi tiết, có hệ thống và chứa đựng nhiều thông tin nhất. Trong bài viết này của mình, chúng tôi muốn thông qua cách giải thích của giáo sư xác định một hướng khảo sát bổ sung từ góc nhìn của ngôn ngữ học lịch sử với mục đích tiếp cận vấn đề chi tiết và hệ thống hơn nữa. Vì thế, nội dung của bài viết này thiên về phần đặt vấn đề, còn những lí giải chi tiết cho cách đặt vấn đề ấy sẽ được tiếp tục ở một bài viết khác tiếp theo.
1.2. Trong cuốn “Đất nước Việt Nam qua các đời”, khi trình bày về nước Âu Lạc và vấn đề Loa Thành, giáo sư Đào Duy Anh viết như sau:
“thành An Dương Vương là ở làng Cổ Loa, huyện Đông Anh thuộc Hà Nội ngày nay, thành ấy xây hình trôn ốc cho nên dược gọi là Loa Thành. Thuỷ kinh chú thì nói rằng trong huyện Bình Đạo có dấu cũ cung thành của An Dương Vương… Sách Thái bình hoàn vũ kí (q.170) ở đời Đường (thế kỉ thứ X) thì chép kĩ hơn mà nói rằng thành của An Dương Vương ở Bình Đạo có chín lớp, chu vi chín dặm. Mãi đến thế kỉ thứ XV người ta mới thấy trong thư tịch Trung Quốc có sách An Nam Chí [nguyên] chép đến tên Loa Thành là thành hình xoáy ốc mà tập truyền là của An Dương Vương. Trong thư tịch Việt Nam thì tên Loa Thành xuất hiện đầu tiên ở Lĩnh nam trích quái, điều ấy chứng tỏ rằng tên ấy đã có trong tập truyền của nhân dân từ trước. Lê Tắc (thế kỉ XIII) viết sách An Nam Chí Lược trước khi sách Lĩnh Nam trích quái được biên tập thì gọi thành ấy là thành Khả Lũ. Sách An Nam chí [nguyên] là sách sao tập nhiều đoạn của An Nam chí lược chép rằng Loa Thành cũng có tên là thành Khả Lũ. Cái tên Khả Lũ ấy khiến phải suy nghĩ. Chúng tôi nhận thấy Khả Lũ với Cổ Loa (tên làng hiện nay có di tích Loa Thành) là đồng âm. Nhưng Cổ Loa, theo chúng tôi, không có nghĩa là Loa Thành xưa (cổ). Muốn tìm hiểu ý nghĩa chữ cổ, chúng ta so sánh tên Cổ Loa với những tên Cổ Bôn và Cổ Định” (Đào Duy Anh: 1997, trang 30–31).
Đoạn trích trên đây của giáo sư cho chúng ta những thông tin rất hữu ích để tìm hiểu cặn kẽ không chỉ ý nghĩa mà cả dạng thức ngữ âm của những địa danh liên quan đến Cổ Loa. Theo chúng tôi, khi phân tích một cách chi tiết những thông tin quan trọng ấy ta thấy gồm có một số nội dung chính sau đây:
– Thứ nhất, tên gọi Cổ Loa, Loa Thành và Khả Lũ là những tên gọi Hán Việt và chúng xuất hiện trong thư tịch ở Việt Nam và Trung Quốc sớm nhất cũng chỉ thuộc vào từ (hoặc sau) thế kỉ XIII. Điều đó xác nhận rằng người ta có quyền suy ra trước thời điểm những tên gọi ấy có trong thư tịch, địa danh này sẽ là một tên gọi nôm theo cách gọi của dân gian người Việt. Và dường như những tên gọi Hán Việt có trong thư tịch về sau này chỉ là “sự Hán Việt hoá” tên gọi nôm đó theo những cách khác nhau mà thôi. Nhiệm vụ của chúng ta chính là gắng nhận biết những cách Hán Việt hoá khác nhau như thế của quá khứ.
– Thứ hai, trường hợp địa danh Loa Thành được giải nghĩa là “thành hình xoáy ốc” và ý nghĩa này liên quan đến ý nghĩa Hán Việt của từ Loa Thành. Theo đó, có thể địa danh là một từ Hán Việt được người ta dùng để ghi lại nghĩa của một tên nôm trước đây; nhưng cũng có thể ngược lại, địa danh là một từ Hán Việt chỉ thuần tuý ghi lại âm đọc của tên nôm, còn ý nghĩa là do suy ra từ nghĩa của từ Hán Việt sau khi nó đã trở thành địa danh. Tuy nhiên khi giáo sư Đào Duy Anh cho rằng “Cổ Loa không có nghĩa là Loa Thành xưa (cổ)”, ông đã gián tiếp cho chúng ta biết cái ý nghĩa “thành hình xoáy ốc” nghiêng về khả năng là do người ta diễn giải ra do suy từ nghĩa của chính từ Hán Việt khi nó đã trở thành địa danh để đánh dấu toà thành của Thục An Dương Vương.
– Thứ ba, theo giáo sư, Khả Lũ và Cổ Loa là “đồng âm”. Cách nói “đồng âm” này có nghĩa là hai địa danh đó có thể là hai dạng thức ngữ âm về sau khác nhau của cùng một dạng thức ngữ âm trước đây. Trong hai dạng thức ngữ âm khác nhau ấy, Khả Lũ và Cổ Loa, tên gọi nào có trước, tên gọi nào có sau rõ ràng là một vấn đề rất quan trọng và sẽ khá thú vị. Vì đó sẽ là một trong những chứng cớ có giá trị giúp chúng ta hiểu đúng ý nghĩa cũng như xuất xứ của các địa danh này.
Như vậy về mặt âm đọc để từ đó nhận biết xuất xứ, nếu theo cách giải thích của giáo sư Đào Duy Anh, trong ba địa danh Hán Việt đó, địa danh Loa Thành là một trường hợp có cách xử lí ngữ âm riêng, cách xử lí ngữ âm theo kiểu của người Trung Quốc; còn lại hai địa danh Khả Lũ và Cổ Loa hình như có một cách xử lí ngữ âm khác. Về mặt ý nghĩa, địa danh Cổ Loa và Khả Lũ được xếp vào một bên, còn Loa Thành thuộc vào một bên khác; đồng thời giữa chúng hình như không liên quan gì với nhau; vì thế, hai địa danh Cổ Loa và Khả Lũ không thể mang ý nghĩa là “thành hình xoáy ốc” của Loa Thành mà hình như chúng có ý nghĩa riêng của mình.
1.3. Tiếp tục với mạch giải thích vừa phân tích ở trên, giáo sư Đào Duy Anh đi sâu lí giải “ý nghĩa” yếu tố Cổ trong tên gọi Cổ Loa. Cũng trong công trình đã dẫn, ông viết:
“Đối chiếu chữ Cổ Loa với lai lịch chữ Cổ Bôn và Cổ Định, chúng ta có thể đoán rằng tên Cổ Loa hẳn là do tên nôm cũ Kẻ Loa mà ra. Trong tiếng Việt Nam có cái lệ lấy chữ Kẻ đặt lên trên một chữ khác để gọi tên một làng, chữ thứ hai này thường là chỉ một đặc điểm gì về địa lí hay về kinh tế của làng ấy, ví dụ như Kẻ Chợ… Khi người ta phiên âm tiếng Kẻ thành chữ Hán thì người ta phiên thành chữ Cổ, như Cổ Bôn, Cổ Ninh…
Do những điểm trên, chúng tôi nghĩ rằng chữ Cổ Loa có lẽ là do phiên âm chữ Kẻ Loa của dân gian, mà Kẻ Loa tức là người làng có thành Loa. Song chữ Loa Thành không phải là của dân gian mà là chữ Hán = ốc. Chúng tôi cho rằng cái tên Loa Thành thấy xuất hiện ở Lĩnh nam trích quái của ta có lẽ cũng có từ trước, từ thời nhà Tống (sau sách Thái Bình hoàn vũ kí) do người Trung Quốc đặt ra để gọi thành xưa của An Dương Vương mà tập truyền cho là hình xoáy ốc, vì thấy nó vòng trong vòng ngoài (bản đồ Cổ Loa ngày nay còn cho thấy rõ) nên tưởng tượng như hình xoáy ốc. Do tên Loa Thành của người Trung Quốc đặt đó, dân gian mới gọi tên làng ở đó là Kẻ Loa, thành ấy gọi là thành Kẻ Loa, rồi Kẻ Loa về sau đã được phiên thành chữ Hán là Cổ Loa; Lê Tắc khi ở Trung Quốc viết sách An Nam chí lược lại viết thành Khả Lũ là phiên chữ Kẻ Loa của Việt Nam theo tiếng Trung Quốc bấy giờ” (Đào Duy Anh: 1997, 31–32).
Phần trích tiếp theo nói trên của giáo sư Đào Duy Anh cho thấy rõ cách nhìn nhận của ông về ý nghĩa cũng như nguồn gốc của địa danh Cổ Loa. Chúng ta có thể phân tích chi tiết cách nhìn nhận ấy cả ở mặt ý nghĩa cũng như trình tự xuất hiện địa danh như sau:
Thứ nhất, trong địa danh Cổ Loa có hai yếu tố khác biệt kết hợp lại với nhau là Cổ và Loa. Trong đó, Cổ là dạng thức Hán Việt về sau của âm nôm Kẻ với ý nghĩa “người làng…”, còn Loa là có nguồn gốc Hán do người Trung Quốc đời Tống thấy thành của An Dương Vương xoáy nhiều vòng như hình ốc nên “tưởng tượng” mà gọi như thế (!). Vậy là, theo ông, ý nghĩa của địa danh Cổ Loa sẽ là “người dân làng có Thành Loa, tức là người dân ở làng có thành xoáy hình trôn ốc”. Và như thế, theo cách giải thích của giáo sư, hình như có một loại địa danh theo kiểu Kẻ Loa, trong đó yếu tố Kẻ là thuần Việt, còn yếu tố Loa là do dân gian Việt vay mượn của Hán (!).
Thứ hai, vậy là địa danh Kẻ Loa xuất hiện đầu tiên do người Việt ghép yếu tố Kẻ của mình với yếu tố Loa của tiếng Hán trong Loa Thành đã có trước đấy. Về sau Kẻ Loa được Hán Việt hoá thành địa danh Cổ Loa (theo cách Kẻ Loa > Cổ Loa). Còn Lê Tắc vào thế kỉ XIII khi viết An Nam chí lược bên Trung Quốc đã phiên Kẻ Loa thành tên gọi Khả Lũ theo cách của tiếng Hán đời Tống.
Có lẽ, những lí giải của giáo sư Đào Duy Anh về địa danh Cổ Loa như thế đã rất cụ thể và chi tiết. Nhưng dù sao những lập luận ấy vẫn còn phải được lấp đầy bằng nhiều cứ liệu địa danh hơn nữa. Và đó chính là một trong những lí do để chúng tôi nêu ra những suy nghĩ của mình về định hướng khảo sát bổ sung.

2. Suy nghĩ về những định hướng khảo sát bổ sung

Như vậy, qua những giải thích như trên của giáo sư Đào Duy Anh chúng ta có những cơ sở rất quan trọng làm chìa khoá cho việc tiếp tục tìm hiểu đầy đủ ý nghĩa cũng như lí do xuất hiện địa danh này. Theo suy nghĩ của chúng tôi, điều đó dược thể hiện ở mấy điểm sau đây.
2.1. Địa danh Cổ Loa rõ ràng là dạng thức Hán Việt hoá của một tên nôm có trước. Cho nên, muốn có được những lí giải đầy đủ về dịa danh ấy, chúng ta phải tìm hiểu cơ chế chuyển hoá ngữ âm từ địa danh nôm (thuần Việt) sang địa danh Hán Việt. Đây thực sự là một công việc rất phức tạp đối với chúng ta. So với thời gian giáo sư Đào Duy Anh lí giải địa danh Cổ Loa đã nói ở trên, vào thời bây giờ chúng ta đã có thêm rất nhiều những hiểu biết về biến đổi ngữ âm thuần Việt cũng như Hán Việt. Vì thế việc tìm hiểu cơ chế chuyển hoá này ở thời điểm hiện nay sẽ phong phú hơn, nhờ đó, tình hình sẽ dễ khả quan hơn. Nhưng không phải vì vậy mà công việc sẽ dễ dàng hơn.
2.2. Những chỉ dẫn của giáo sư Đào Duy Anh đã cho chúng ta có thêm một hiểu biết quan trọng khác nữa là địa danh Cổ Loa xuất hiện trong thư tịch Hán Việt, Khả Lũ xuất hiện ở thư tịch bên Trung Quốc trong khoảng thời gian từ thế kỉ XIII đến khoảng thế kỉ XV. Điều đó cũng có nghĩa là việc tìm hiểu cơ chế chuyển hoá ngữ âm từ địa danh nôm (thuần Việt) sang địa danh Hán Việt sẽ gắn với tri thức ngữ âm lịch sử thuần Việt và Hán Việt ở giai đoạn đoạn lịch sử này. Định hướng thứ hai này giúp cho chúng ta giới hạn những xử lí những vấn đề của định hướng thứ nhất ở khoảng thời gian xác định.
Trong tình hình nghiên cứu hiện nay, đây là giai đoạn ngữ âm lịch sử tiếng Việt ở thời kì Việt-Mường chung (Nguyễn Tài Cẩn: 1995; Trần Trí Dõi: 2005); còn ở địa hạt ngữ âm Hán Việt, đây chính là thời kì hoàn chỉnh cách đọc Đường âm theo kiểu của người Việt ở Đại Việt, hay nói một cách khác đã có một cách đọc Hán Việt riêng khác với cách đọc của người Hán ở lãnh thổ Trung Quốc (Nguyễn Tài Cẩn: 2001).
Có lẽ, theo suy nghĩ riêng của chúng tôi, muốn tiếp tục tìm hiểu căn kẽ về địa danh Cổ Loa chúng ta phải đặt công việc khảo cứu trong những giới hạn đó. Vậy là, tuy chỉ là một địa danh Cổ Loa nhưng việc khảo sát nó không thể tách rời khỏi tính biến đổi hệ thống, cụ thể là tính hệ thống trong địa danh gọi tên làng. Điều đó sẽ ích lợi cho không chỉ một địa danh này mà cho rất nhiều những địa danh cùng kiểu khác. Và đó chính là định hướng nghiên cứu của chúng tôi khi tiến hành tìm hiểu thêm về nguồn gốc ngữ âm và sau đó là ý nghĩa ban đầu của địa danh Cổ Loa này. Do tính phức tạp và dung lượng sẽ rất nhiều của công việc, chúng tôi xin phép trình bày những xử lí cụ thể để thực hiện định hướng nghiên cứu ấy trong một vài bài viết tiếp theo.
TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH
  1. Đào Duy Anh (1997). Đất nước Việt Nam qua các đời. Nxb Thuận Hoá, Huế, 252 trang.
  2. Hoàng Thị Châu (1964). Mối liên hệ về ngôn ngữ cổ đại ở Đông Nam Á qua một vài tên sông. Thông báo khoa học, Đại học Tổng hợp Hà Nội, tập 3, trang 94–106.
  3. Nguyễn Kiên Trường (1996). Mô hình Kẻ + X trong tên làng xã cổ truyền. Văn hoá dân gian, số 2 (54), trang 102–107.
  4. Nguyễn Tài Cẩn (1995). Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt (sơ thảo). Nxb Giáo dục, 349 trang.
  5. Nguyễn Tài Cẩn (2001). Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 353 trang.
  6. Nguyễn Tài Cẩn (2001). Một số chứng tích về ngôn ngữ, văn tự và văn hoá. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 439 trang.
  7. Trần Quốc Vượng chủ biên (1996). Văn hoá học đại cương và cơ sở văn hoá Việt Nam. Nxb Khoa học xã hội Hà Nội, 627 trang.
  8. Trần Trí Dõi (2001). Ngôn ngữ và sự phát triển văn hoá xã hội. Nxb Văn hoá Thông tin, 268 trang.
  9. Trần Trí Dõi (2005). Giáo trình lịch sử tiếng Việt (sơ thảo). Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 268 trang.
  10. Viện Khảo cổ học (1970). Hùng Vương dựng nước tập I. Nxb Khoa học xã hội Hà Nội, 251 trang.

No comments:

Post a Comment