Saturday 6 April 2013

Tiếp tục tìm hiểu về xuất xứ và ý nghĩa địa danh Cổ Loa (Trần Trí Dõi)


Tiếp tục tìm hiểu về xuất xứ và ý nghĩa địa danh Cổ Loa
(Qua cách giải thích địa danh này của Giáo sư Đào Duy Anh)

• Trần Trí Dõi

1. Dẫn nhập

Trong hai bài viết trước đây, chúng tôi đã sơ bộ trình bày những vấn đề khác nhau liên quan đến việc tìm hiểu xuất xứ (hay nguồn gốc) và ý nghĩa ban đầu của địa danh Cổ Loa nhằm bổ sung cho cách giải thích về tên gọi này của giáo sư Đào Duy Anh [Đào Duy Anh, 1997]. Ở bài viết thứ nhất(1), chúng tôi đã tìm hiểu cách lập luận theo đó ông cho biết Cổ là cách Hán Việt hoá từ nôm "kẻ" trong tiếng Việt (với ý nghĩa là “làng”) mà thành. Đồng thời cũng nhờ cách giải thích nói trên của ông mà chúng ta nhận biết Cổ Loa, Khả Lũ (địa danh Hán Việt khác của Cổ Loa) xuất hiện trong thư tịch Hán Việt, sớm nhất, cũng chỉ từ thế kỉ XIII trở về sau.
Ở bài viết thứ hai(2), sau khi phân tích mối liên hệ ngữ âm giữa tên nôm và tên Hán Việt của 52 làng ở miền Bắc, chúng tôi cũng đã bước đầu chứng minh rằng khó có khả năng một thành tố chung của địa danh[FNT3a] nôm (thành tố chung kẻ trong phức hợp địa danh kẻ Loa) lại chuyển thành một yếu tố tên riêng Hán Việt (trong phức hợp địa danh làng Cổ Loa). Lí do khiến chúng tôi suy nghĩ như thế là vì cách chuyển đổi ấy là khác biệt với chuyển đổi của 52 tên nôm và tên Hán Việt theo kiểu Cổ Loa. Do đó, nếu có hiện tượng như giáo sư Đào Duy Anh nêu ra thì đó chỉ là duy nhất ở trường hợp địa danh Cổ Loa mà thôi. Nói một cách khác, cách giải thích của ông có vẻ chưa thật hợp lí khi phân tích tính hệ thống trong chuyển đổi địa danh tên làng từ nôm sang Hán Việt. Bởi vì khi cho rằng trong địa danh Hán Việt Cổ Loa, yếu tố Cổ là dạng chuyển đổi của kẻ, một yếu tố thuộc thành tố chung của phức hợp địa danh thì tính nhất quán do tư liệu có được (như chuyển đổi của 52 tên nôm sang tên Hán Việt đã phân tích) sẽ bị phá vỡ.
Cũng ở bài viết thứ hai, vì tình trạng nói trên, chúng tôi nghĩ rằng có thể có cách giải thích khác. Theo đó rất có thể Cổ Loa là địa danh Hán Việt liên quan về ngữ âm với một địa danh Hán Việt khác là Khả Lũ. Đồng thời cả hai địa danh Hán Việt này lại có mối liên hệ ngữ âm với địa danh nôm là chạ Chủ. Vậy là, ở đây hình như để tìm hiểu xuất xứ củaCổ Loa, theo chúng tôi, chúng ta sẽ phải tìm hiểu trong mối quan hệ/liên hệ giữa Chủ–Khả Lũ–Cổ Loa. Lí do là, nếu không làm như vậy, sẽ rất khó giải thích để mọi người đồng ý cho rằng người Việt khi đã có tên nôm (chạ) Chủ (với nghĩa là “làng Chủ”) vốn hoàn toàn “thuần Việt” lại bỏ nó đi để dùng một tên khác là (kẻ) Loa nửa thuần Việt, nửa Hán. Bởi vì, theo như cách giải thích của giáo sư Đào Duy Anh, Loa là một yếu tố Hán có nguồn gốc từ địa danh Loa Thành do người Hán sử dụng trong thư tịch của Trung Quốc [Đào Duy Anh: 1997, trang 31-32].
Trong bài viết thứ ba này chúng tôi dự định sẽ đặt nhiệm vụ cho mình là xác định mối liên hệ ngữ âm có thể có trong lịch sử giữa ba thành tố tên riêng Chủ–Khả Lũ–Cổ Loatrong phức hợp địa danh (làng/chạ/kẻ) Chủ–Khả Lũ–Cổ Loa. Chúng tôi ngờ rằng chính mối liên hệ này sẽ là chìa khoá giải thích căn nguyên để có được hình thức ngữ âm Hán Việt Cổ Loa như hiện nay. Và nếu điều này là phù hợp, cũng sẽ nhờ đó, chúng ta có thể hiểu được ý nghĩa ban đầu thực sự của địa danh nổi tiếng này.

2. Thử tái lập dạng thức ngữ âm của âm tiết nôm “Chủ” trong phức hợp địa danh chạ Chủ

Trong tiếng Việt, phức hợp địa danh chạ Chủ có nghĩa là làng Chủ hay kẻ Chủ. Phức hợp ấy gồm hai yếu tố, trong đó chạ, làng, kẻ là thành tố chung chỉ “loại đơn vị cư trú”, còn yếu tố Chủ mới chính là tên riêng, thành tố địa danh đích thực[FNT3b]. Nhờ thành tố tên riêng này mà người ta phân biệt, chẳng hạn, (chạ, làng, kẻ) Chủ với (chạ, làng, kẻ) Mọc hay với (chạ, làng, kẻ) Chấp v.v... Cũng nhờ việc nhận diện nét khác biệt giữa hai yếu tố đó mà chúng ta đã có sự phân tích mối liên hệ ngữ âm giữa một âm tiết nôm Chủ và hai âm tiết Hán Việt Cổ Loa/Khả Lũ. Theo chúng tôi, sự tương ứng có tính nhất loạt như đã từng phân tích ở bài viết thứ hai là chìa khoá trong việc tái lập dạng thức ngữ âm của tên nôm “Chủ”.
2.1. Như đã từng phân tích và rút ra nhận xét ở trên, ở trường hợp chúng ta đang quan tâm, âm tiết nôm Chủ và hai âm tiết Hán Việt Cổ Loa/Khả Lũ có mối liên hệ với nhau. Để làm rõ mối liên hệ ngữ âm đang được quan tâm này, trước hết chúng ta sẽ nhận diện dạng ngữ âm ban đầu có thể có của âm tiết Chủ hiện nay. Do đó cũng có nghĩa là chúng ta thử tái lập dạng thức tiền ngôn ngữ của dạng ngữ âm âm tiết Chủ.
Chúng ta có những tên làng nôm tương ứng với tên Hán Việt giống như trường hợp đang được khảo sát ở đây như sau:
STTĐịa danh nômHán ViệtVị trí địa lí
1(kẻ/làng) ChấpCá LậpQuảng Xương (Thanh Hoá)
2(làng) ChèmTừ LiêmTừ Liêm (Hà Nội)
3(làng) ChỗCao ThọGia Bình (Bắc Ninh)
4(kẻ) ChẩyTri Lễ/Ước LễThanh Oai (Hà Tây)
5(kẻ) ChuôngPhương TrungThanh Oai (Hà Tây)
6(kẻ) Dâu/GiâuCổ ChâuTừ Sơn (Bắc Ninh)
7(kẻ) ChámCổ LãmLương Tài (Bắc Ninh)
8(chạ/kẻ) ChủCổ Loa/Khả LũĐông Anh (Hà Nội)
9(kẻ) ChàiCổ TraiKiến Thuỵ (Hải Phòng)
10(làng/kẻ) GiaiThư TraiPhúc Thọ (Hà Tây)
11(kẻ) DạmCổ LãmVõ Giàng (Bắc Ninh)
12(kẻ) GiaiCổ TraiDuyên Hà (Thái Bình)
13(kẻ) Sốm/XốmCổ LãmHà Đông (Hà Tây)
14(làng/kẻ) SẩuHà LiễuThanh Trì (Hà Nội)
15(làng) TròiKhúc ToạiVõ Giàng (Bắc Ninh)
16(làng/kẻ) ChôiThượng ThuỵĐan Phượng (Hà Tây)
Trong 16 tên làng nói trên, có thể chia ra thành những kiểu tương ứng khác nhau giữa âm tiết nôm với âm tiết Hán Việt. Những kiểu tương ứng ấy phản ánh những biến đổi ngữ âm khá thú vị. Tình hình cụ thể là như sau:
a, Có 5 trường hợp thể hiện sự tương ứng giữa âm đầu âm tiết nôm ch- với âm đầu âm tiết Hán Việt thứ hai là l-. Đó là:
STTĐịa danh nômHán ViệtVị trí địa lí
1(kẻ/làng) ChấpCá LậpQuảng Xương (Thanh Hoá)
2(làng) ChèmTừ LiêmTừ Liêm (Hà Nội)
4(kẻ) ChẩyTri Lễ/Ước LễThanh Oai (Hà Tây)
7(kẻ) ChámCổ LãmLương Tài (Bắc Ninh)
8(chạ/kẻ) ChủCổ Loa/Khả LũĐông Anh (Hà Nội)
Căn cứ vào tương ứng ngữ âm giữa âm đầu ch- với l- và giữa phần vần của âm tiết nôm với âm tiết Hán Việt thứ hai, ngữ âm lịch sử tiếng Việt(4) cho biết rằng có thể dạng thức tiền ngôn ngữ của Chèm là *tlèm/*klèm, của Chấp là *llấp/*klấp và của Chủ là*tlủ/*klủ(5). Đây có lẽ là những tương ứng phản ánh việc chuyển từ ngữ âm thuần Việt sang ngữ âm Hán Việt thông thường nhất, do đó đây là sự chuyển đổi điển hình nhất. Cũng chính nhờ sự chuyển đổi này, người ta có quyền nghĩ rằng những tên làng nói trên là những tên làng thuộc loại “xưa nhất” của cư dân người Việt.
b, Có 5 trường hợp thể hiện sự tương ứng giữa âm đầu âm tiết nôm ch- hoặc tr- với âm đầu âm tiết Hán Việt thứ hai là th-, t- hoặc tr-. Đó là:
STTĐịa danh nômHán ViệtVị trí địa lí
1(làng) ChỗCao ThọGia Bình (Bắc Ninh)
2(kẻ) ChuôngPhương TrungThanh Oai (Hà Tây)
3(kẻ) ChàiCổ TraiKiến Thuỵ (Hải Phòng)
4(làng) TròiKhúc ToạiVõ Giàng (Bắc Ninh)
5(làng/kẻ) ChôiThượng ThuỵĐan Phượng (Hà Tây)
Đối với những trường hợp này, sự khác biệt giữa ch- và tr- ở âm tiết nôm chỉ là sự khác biệt về mặt văn tự. Vì thế căn cứ vào âm đầu th-tr- và t- của âm tiết thứ hai trong địa danh Hán Việt, người ta có thể nghĩ rằng sự khác biệt về văn tự của âm đầu âm tiết nôm chỉ là những dạng văn tự khác nhau của một tổ hợp âm đầu thuần Việt trước đây. Tổ hợp âm đầu thuần Việt ấy nhiều khả năng là một tổ hợp giữa một âm tắc /t-/ hay /k-/ với một âm lỏng /l-/ hay /r-/ kiểu [kl-]/[kr-] hay [tl-] hiện tiếng Mường và một vài phương ngữ Việt vẫn còn lưu giữ. Bởi vì, như đã nói, tương ứng ch/tr hiện nay với kl /kr hay tl trước kia trong ngữ âm lịch sử tiếng Việt là thông thường; đồng thời tương ứng /t-/ hiện nay với [kl-]/[kr-] hay [tl-] trước kia vấn còn lưu giữ trong phương ngôn Việt(6).
Như vậy, các dạng thức tiền ngôn ngữ của âm tiết nôm Chỗ, Chuông, Chài, Tròi, Chôirất có thể được tái lập là *tlỗ, *tluông, *tlài, *tlòi và *tlôi. Sự khác biệt của 5 trường hợp này so với 5 trường hợp đã nói ở trên (trường hợp a) cho chúng ta biết thêm rằng có thể là chúng được chuyển sang Hán Việt không cùng thời điểm với nhau. Theo đó chuyển đổi từ nôm sang Hán Việt ở những trường hợp này muộn hơn, do đó trong tiếng Việt các tổ hợp âm đầu đó đã có sự biến đổi khác với dạng tiền ngôn ngữ nhiều hơn.
c, Còn 6 trường hợp còn lại, sự tương ứng giữa âm đầu âm tiết nôm với âm đầu âm tiết Hán Việt thứ hai phức tạp hợp hơn. Theo đó âm đầu d-/gi- hay s-/x- âm tiết nôm tương ứng với âm đầu ch-/tr- hay l- của âm tiết thứ hai trong địa danh Hán Việt. Tình hình cụ thể như sau:
STTĐịa danh nômHán ViệtVị trí địa lí
1(kẻ) Dâu/GiâuCổ ChâuTừ Sơn (Bắc Ninh)
2(làng/kẻ) GiaiThư TraiPhúc Thọ (Hà Tây)
3(kẻ) DạmCổ LãmVõ Giàng (Bắc Ninh)
4(kẻ) GiaiCổ TraiDuyên Hà (Thái Bình)
5(kẻ) Sốm/XốmCổ LãmHà Đông (Hà Tây)
6(làng/kẻ) SẩuHà LiễuThanh Trì (Hà Nội)
Tuy nhìn bên ngoài, trường hợp này có vẻ khác với hai trường hợp a và b vừa phân tích ở trên nhưng rất có thể chúng chỉ cùng là một kiểu tiền ngôn ngữ trong tiếng Việt trước đây. Bởi vì trong ngữ âm lịch sử tiếng Việt, chúng ta cũng có thể tìm thấy những tương ứng theo đó sự khác biệt một bên là d-/gi- hiện nay với một bên khác là ch-/tr- có thể chuyển đổi cho nhau; cũng vậy, có thể tìm thấy những tương ứng theo đó sự khác biệt một bên là s-/x- hiện nay với một bên khác là ch-/tr- hay l- có thể chuyển đổi được cho nhau(7).
Vì thế, người ta có thể tái lập dạng tiền ngôn ngữ trong tiếng Việt trước đây của các âm tiết tên nôm Dâu/Giâu, Giai, Dạm, Giai, Sốm/Xốm, Sẩu là *tlâu, *tlai, *tlạm, *tlai, *tlốm, *tlẩu. Sự khác biệt ở trường hợp này với hai trường hợp trên, như thế, là phản ánh sự khác nhau về thời gian người ta chuyển địa danh nôm sang địa danh Hán Việt. Do dạng thức ngữ âm của âm tiết nôm và Hán Việt hiện nay, có nhiều khả năng, sự chuyển đổi địa danh này rất muộn về sau, vì trong ngữ âm lịch sử tiếng Việt người ta đã chứng minh được điều đó [Nguyễn Tài Cẩn: 1995; Trần Trí Dõi: 2005].
2.2. Với những gì vừa phân tích ở trên, có cơ sở để chúng ta cho rằng, chính dạng thức âm nôm Chủ trong phức hợp địa danh chạ Chủ hiện nay phản ánh dạng tiền Việt là*klủ hay *tlủ trước kia. Dạng thức tiền Việt này do quy luật chuyển đổi ngữ âm lịch sử tiếng Việt (theo kiểu *kl-/*tl- > tr-/ch-) đã chuyển thành dạng ngữ âm chủ và nó là tên nôm của địa danh. Trong khi đó khi Hán Việt hoá địa danh nôm, âm tiết thứ hai trong địa danh Hán Việt thường phản ánh dạng thức ngữ âm của cả âm tiết nôm (tức là cả dạng ngữ âm tiền Việt) nên tương ứng với *klủ hay *tlủ trước kia sẽ là loa hay lủ Hán Việt; còn âm tiết thứ nhất trong địa danh Hán Việt thường chỉ phản ánh dạng thức ngữ âm của âm đầu nôm (tức là dạng ngữ âm của âm đầu âm tiết tiền Việt) nên tương ứng với *klủhay *tlủ trước kia sẽ là khả hay cổ Hán Việt hiện nay.
Như vậy, nếu nhìn thuần tuý ở mặt ngữ âm lịch sử tiếng Việt, rõ ràng sự hiện diện của tên nôm chạ Chủ tương ứng với tên tên Hán Việt Cổ Loa hay Khả Lũ cho thấy khả năng Cổ Loa hay Khả Lũ hiện nay là hệ quả của cách Hán Việt hoá địa danh *klủ hay*tlủ trước kia. Điều này cũng có nghĩa là cách đặt vấn đề của giáo sư Đào Duy Anh cho rằng cổ là hệ quả của cách Hán Việt hoá kẻ sẽ có hai điều khó giải thích. Một mặt sẽ khó giải thích lí do tại sao người ta bỏ đi tên nôm (chạ) Chủ (với nghĩa là “làng Chủ”) vốn hoàn toàn “thuần Việt” để dùng một tên khác là (kẻ) Loa nửa thuần Việt, nửa Hán. Mặt khác sẽ không loại trừ được khả năng hợp lí về mặt ngữ âm khi nhận thấy Cổ Loa hayKhả Lũ hiện nay là hệ quả của cách Hán Việt hoá địa danh *klủ hay *tlủ trước kia.
___________
(1) Bài viết tham dự Hội thảo khoa học “Ngôn ngữ văn hoá Hà Nội” (Hà Nội ngày 27 tháng 03 năm 2005 tại Trường Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội, do Hội Ngôn ngữ học Hà Nội và khoa Ngôn ngữ học đồng tổ chức), sẽ được in trong Kỉ yếu của Hội thảo năm 2005.
(2) Bài viết tham dự Hội thảo khoa học kỉ niệm GS Nguyễn Tài Cẩn 80 tuổi dự định tổ chức tại t.p Hồ Chí Minh tháng 12 năm 2005 do Hội Ngôn ngữ học t.p Hồ Chí Minh và khoa Ngữ Văn Đại học Sư phạm t.p Hồ Chí Minh đồng tổ chức.
(3) Sự xuất hiện đồng thời ba “thành tố chung” kẻ, chạ, làng cho một phức hợp địa danh nôm (kẻ) Chủ (chạ) Chủ và (làng) Chủ là một vấn đề rất phức tạp và lí thú. Do đó trong bài viết này chúng tôi chưa có điều kiện để giải thích được. Chúng tôi dự định sẽ trở lại vấn đề này khi đã thu thập được đầy đủ tư liệu.
(4) Những quy luật biến đổi của ngữ âm lịch sử tiếng Việt và thời gian lịch sử của hiện tượng ấy xin xem chi tiết ở tài liệu tham khảo số [4] và số [10]. Chúng tôi chỉ xin nói thêm đôi điều ở đây. Các âm tiết nôm Chấp, Chèm, Chủ cũng có thể viết bằng chữ quốc ngữ là Trấp, Trèm, Trủ. Hiện nay, quy luật ngữ âm lịch sử tiếng Việt theo đó âm đầu cổ*kl/tl/khl > tr/ch còn thấy rất rõ khi so sánh giữa tiếng Mường, tiếng Việt thế kỉ XVII (Từ điển Việt–Bồ–La của A. de Rhodes năm 1651), phương ngữ Việt ở bắc Trung Bộ và tiếng Việt hiện nay. Ví dụ, tiếng Mường: klu, tlầu, klời/tlời–tiếng Việt thế kỉ XVII: klu/tru, tlầu/trầu, klời/tlời/trời/lời–thổ ngữ Việt ở Quảng Bình: klu, klâu, tlời–tiếng Việt hiện nay:trâu/châu, trầu/chầu, trời/chời.
(5) Trong dạng thức tái lập này, để tránh sự phức tạp chưa cần thiết, chúng ta tạm thời coi dạng thức thanh điệu hiện nay là dạng thức cổ xua. Trong thực tế tình hình thanh điệu không đơn giản như vậy.
(6) Người ta có thể dẫn ra những tương ứng sau đây của tiếng Viết để chứng minh cho hiện tượng này. Ví dụ, Việt: (con) trâu, Việt ở Ninh Bình: (con) tâu, Mường: (con) klu; Việt: (cây) tre, Việt ở Ninh Bình: (cây) te, Mường (cây) kle; Việt: trắng, Việt ở Ninh Bình: tắng, Mường: klắng/tlắng v.v...
(7) Trong tiếng Việt hiện nay hiện vẫn lưu giữ cách nói kiểu (con) trai, (ăn) trầu, trời,... với kiểu (con) giai, (ăn) dầu, giời,...; và (gà) trống, (làm) trái, (cái) trẹo,... với (gà)sống, (làm) sái, (cái) sẹo v.v... có lẽ là sự phản ánh chuyển đổi ngữ âm nói trên.

3. Một vài nhận xét

Trong hai khả năng giải thích xuất xứ địa danh Cổ Loa (một cách của giáo sư Đào Duy Anh, một cách vừa nêu ra ở trên), sẽ rất khó khăn chỉ ra tính bất hợp lí của cách giải thích do chúng tôi đề xuất. Bởi vì nó hợp lí hơn về mặt biến đổi ngữ lịch sử lịch sử tiếng Việt; nó cũng rất phù hợp với tương ứng giữa âm nôm với âm Hán Việt theo kiểu tên làng hiện nay. Trong khi đó cách giải thích (chạ) Chủ > Cổ Loa/Khả Lũ lại phù hợp với cấu tạo nội tại của địa danh, giúp tránh được phải chấp nhận khả năng rất khó giải thích là khi Hán Việt hoá địa danh người ta lại ghép một thành tố thuộc yếu tố chung là kẻ với một thành tố thuộc yếu tố tên riêng là loa không đồng chất thành tên riêng của địa danh Cổ Loa. Đó là chưa kể, nếu vẫn giữ cách giải thích thứ nhất, làm sao giải thích được việc người Việt lại chấp nhận bỏ đi chạ Chủ hoàn toàn thuần Việt để dùng một kết hợp nửa thuần Việt nửa Hán Việt kẻ Loa với gần như “cùng một nghĩa” để từ kẻ Loa > Cổ Loa?
Tuy nhiên, để cho cách giải thích (chạ) Chủ > Cổ Loa/Khả Lũ hoàn toàn rõ ràng hơn về mặt ngữ âm lịch sử, còn cần phải làm rõ một vài mối tương ứng ngữ âm khác. Đó là mối tương ứng ngữ âm trong phần vần của các âm tiết Chủ–Loa–Lũ. Đó là việc cần làm rõ khả năng Chủ > Cổ Loa hoặc > Khả Lũ một cách đồng thời hay Chủ > Cổ Loa và Chủ > Cổ Loa một cách riêng rẽ. Với lại, chúng ta cũng còn phải làm rõ bản chất của hiện tượng mà giáo sư Đào Duy Anh nêu ra ở trường hợp tương ứng giữa tên nôm những làng có tên Hán Việt mang yếu tố Cổ như Cổ Bôn, Cổ Nhuế, Cổ Định. Do độ dài của một bài viết, những vấn đề nêu trên sẽ được chúng tôi tiếp tục ở những bài viết tiếp sau.

TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH
  1. Đào Duy Anh (1997). Đất nước Việt Nam qua các đời. Nxb Thuận Hoá (Huế), 252 trang.
  2. Hoàng Thị Châu (1964). Mối liên hệ về ngôn ngữ cổ đại ở Đông Nam Á qua một vài tên sông. Thông báo khoa học, Đại học Tổng hợp Hà Nội, tập 3, trang 94–106.
  3. Ngô Vi Liễn (1999). Tên làng xã và địa dư các tỉnh Bắc Kì. Nxb Văn hoá Thông tin, 1181 trang.
  4. Nguyễn Tài Cẩn (1995). Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt (sơ thảo). Nxb Giáo dục, 349 trang.
  5. Nguyễn Tài Cẩn (2001). Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 353 trang.
  6. Nguyễn Tài Cẩn (2001). Một số chứng tích về ngôn ngữ, văn tự và văn hoá. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 439 trang.
  7. Nguyễn Văn Tân (1998). Từ điển địa danh lịch sử văn hoá Việt Nam. Nxb Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 1616 trang.
  8. Nguyễn Kiên Trường (1996). Mô hình Kẻ + X trong tên làng xã cổ truyền. Văn hoá dân gian, số 2 (54), trang 102–107.
  9. Trần Trí Dõi (2001). Ngôn ngữ và sự phát triển văn hoá xã hội. Nxb Văn hoá Thông tin, 268 trang.
  10. Trần Trí Dõi (2005). Giáo trình lịch sử tiếng Việt (sơ thảo). Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 268 trang.
  11. Trần Quốc Vượng (chủ biên) (1996). Văn hoá học đại cương và cơ sở văn hoá Việt Nam. Nxb Khoa học xã hội Hà Nội, 627 trang.
  12. Từ Thu Mai (2004). Nghiên cứu địa danh Quảng Trị. Luận án Tiến sĩ Ngữ văn, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, 299 trang.
  13. Viện Khảo cổ học (1970). Hùng Vương dựng nước (tập I). Nxb Khoa học Xã hội Hà Nội, 251 trang.
  14. Vũ Thị Minh Hương; Nguyễn Văn Nguyên & Philippe Papin (1999). Địa danh và tài liệu lưu trữ về làng xã Bắc-Kì. Nxb Văn hoá Thông tin, 1289 trang.


Theo Trần Trí DõiTiếp tục tìm hiểu về xuất xứ và ý nghĩa địa danh Cổ Loa (Qua cách

No comments:

Post a Comment