Showing posts with label thuật ngữ chính trị. Show all posts
Showing posts with label thuật ngữ chính trị. Show all posts

Thursday 19 June 2014

NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA HỌC THUYẾT TAM QUYỀN PHÂN LẬP VÀ Ý NGHĨA TRONG TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG CỦA BỘ MÁY NHÀ NƯỚC TA HIỆN NAY (Nguyễn Thị Thanh Nhàn)



                                            Nguyễn Thị Thanh Nhàn
                                            Trường Chính Trị Thanh Hóa                                                         
                                     
Trước chế độ dân chủ tư sản và dân chủ xã hội chủ nghĩa, mọi quyền lực nhà nước đều tập trung trong tay một cá nhân. Đây chính là căn nguyên của sự độc tài, chuyên chế trong việc thực hiện quyền lực nhà nước. Để chấm dứt chế độ này và đặt nền móng cho sự hình thành các thể chế tự do, dân chủ, một học thuyết của nhiều học giả tư sản đã được nêu ra, đó là thuyết tam quyền phân lập. Theo học thuyết này, quyền lực nhà nước không phải là một thể thống nhất, mà phân chia thành 3 quyền: quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Các quyền này được thực hiện độc lập với nhau, kiểm soát và kiềm chế lẫn nhau.
Tư tưởng phân quyền được các nhà triết học đặt ra từ thời La Mã cổ đại, với đại diện tiêu biểu là nhà bác học vĩ đại Aristote (384 - 322 tr.CN). Ông đã chia hoạt động của nhà nước thành ba thành tố: nghị luận, chấp hành và xét xử. Tuy nhiên, tư tưởng của ông mới chỉ dừng ở việc phân biệt các lĩnh vực hoạt động của nhà nước, chứ chưa chỉ rõ phương thức vận hành cũng như mối quan hệ bên trong giữa các thành tố đó. Tư tưởng về phân quyền chỉ trở thành một lý thuyết toàn diện và độc lập trong thời kỳ Khai sáng. Người khai sinh ra học thuyết này là triết gia người Anh, John Loke (1632-1704) và người có đóng góp lớn nhất trong việc phát triển nó một cách hoàn chỉnh là nhà luật học người Pháp S. Montesquieu (1689-1755).
Nội dung cốt lõi của học thuyết này cho rằng, quyền lực nhà nước luôn có xu hướng tự mở rộng, tự tăng cường vai trò của mình. Bất cứ ở đâu có quyền lực sẽ xuất hiện xu thế lạm quyền và chuyên quyền, cho dù quyền lực ấy thuộc về ai. Do vậy, để đảm bảo các quyền tự do cơ bản của công dân, ngăn ngừa hành vi lạm quyền của các chủ thể nắm giữ quyền lực nhà nước phải thiết lập pháp chế nhằm giới hạn quyền lực. Cách tốt nhất để chống lạm quyền là giới hạn quyền lực bằng công cụ pháp lý và cách thực hiện không phải là tập trung quyền lực mà phân chia nó ra. Muốn hạn chế quyền lực nhà nước thì trước hết phải phân quyền và sau đó phải làm cho các nhánh quyền lực đã được phân chỉ được phép hoạt động trong phạm vi quy định của pháp luật. Montesquieu đã lập luận tinh tế và chặt chẽ tính tất yếu của việc tách bạch các nhánh quyền lực và khẳng định: “Trong mỗi quốc gia đều có ba thứ quyền lực: Quyền lập pháp, quyền thi hành những điều hợp với quốc tế công pháp và quyền thi hành những điều trong luật dân sự.[1]Montesquieu chủ trương phân quyền để chống lại chế độ chuyên chế, thanh toán lạm quyền, để chính quyền không thể gây trở ngại cho người bị trị và đảm bảo quyền tự do cho nhân dân. Ông viết: “Khi mà quyền lập pháp và hành pháp nhập lại trong tay một người hay một Viên Nguyên Lão, thì sẽ không có gì là tự do nữa, vì người ta sợ rằng chính ông ta hoặc viện ấy chỉ đặt ra những luật độc tài để thi hành một cách độc tài. Cũng không có gì là tự do nếu như quyền tư pháp không tách rời quyền lập pháp và hành pháp. Nếu quyền tư pháp được nhập với quyền lập pháp, thì người ta sẽ độc đoán với quyền sống, quyền tự do của công dân; quan toà sẽ là người đặt ra luật. Nếu quyền tư pháp nhập lại với quyền hành pháp thì quan toà sẽ có cả sức mạnh của kẻ đàn áp. Nếu một người hay một tổ chức của quan chức, hoặc của quý tộc, hoặc của dân chúng, nắm luôn cả ba thứ quyền lực nói trên thì tất cả sẽ mất hết.[2]
          Theo học thuyết tam quyền phân lập, quyền lực nhà nước phân chia thành các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, không chỉ để chuyên môn hoá các quyền mà quan trọng hơn là để giữa các quyền có sự giám sát, chế ước lẫn nhau, tạo nên sự cân bằng về quyền lực giữa các cơ quan công quyền. Mỗi cơ quan được quyền hoạt động trong lĩnh vực của mình, không có quyền trong lĩnh vực khác, nhưng có quyền ngăn chặn cơ quan khác. Quyền lực ngăn chặn quyền lực chính là điểm cốt yếu trong chủ trương phân chia quyền lực. Trong tác phẩm “Tinh thần pháp luật” Montesquieu cho rằng “Cơ quan lập pháp có hai bộ phận ràng buộc nhau bằng chức năng ngăn cản bên này đối với bên kia. Cả hai bộ phận đều bị ràng buộc bởi quyền hành pháp, mà quyền hành pháp thì cũng bị ràng buộc bởi quyền lập pháp[3]. Theo ông, cơ quan hành pháp không có quyền thông qua luật. Nhưng có quyền ngăn chặn lập pháp biểu quyết những đạo luật có hại cho quốc gia... Ngược lại cơ quan lập pháp có quyền kiểm soát cơ quan hành pháp và khi luật lệ ban hành không được áp dụng thì cơ quan lập pháp truy tố các cộng sự của nhà vua. Cơ chế kiềm chế và đối trọng mà học thuyết tam quyền phân lập đưa ra nhằm mục đích giám sát và ngăn chặn lạm dụng quyền lực. Trong đó mỗi tổ chức sử dụng quyền lực nhà nước đều có sự độc lập cần thiết, đồng thời có quyền và phương tiện tương xứng để giám sát hoạt động của các cơ quan khác, tạo thế cân bằng về quyền lực giữa các cơ quan. Đây chính là cơ sở lý luận để hình thành nguyên tắc kiềm chế đối trọng trong tổ chức và hoạt động của nhà nước được xác định trong hiến pháp tư sản. Cả Jonh Locke và Montesquieu đều mong muốn một xã hội tốt đẹp, trong đó quyền tự do của con người được đề cao, xã hội không phải gánh chịu những lộng hành của Nhà nước. Và họ chủ yếu kỳ vọng vào sự kiểm soát quyền lực nhà nước ngay trong hệ thống quyền lực. Là nhà nước mang đậm nét phân quyền như Mỹ, Hiến pháp Hoa Kỳ quy định Quốc Hội là cơ quan độc quyền lập pháp, Tổng thống chỉ có thể đề nghị mà không có quyền trình dự án luật trước Quốc hội, nghĩa là không có sáng quyền lập pháp, nhưng Tổng thống có quyền phê chuẩn hoặc phủ quyết một dự luật đã thông qua theo một trình tự và giới hạn do luật định, nhằm kiềm chế bớt sự lạm quyền của Quốc hội. Pháp viện tối cao Hoa Kỳ có quyền tuyên bố một đạo luật là vô hiệu nếu trái ngược với Hiến pháp Hoa Kỳ, nhưng không có quyền thay đổi hoặc huỷ bỏ đạo luật đó. Đây chính là giới hạn quyền lực được đặt ra nhằm kiểm soát quyền lực, tránh lạm quyền.
          Có thể nói, ưu điểm quan trọng nhất của học thuyết tam quyền phân lập là tránh được sự chuyên quyền, độc tài trong thực hiện quyền lực nhà nước. Đánh dấu sự chuyển biến từ việc sử dụng “quyền lực dã man” trong các xã hội chuyên chế sang việc thực thi quyền lực văn minh trong xã hội dân chủ. Loại bỏ chế độ quân chủ chuyên chế, độc tài - mảnh đất tốt cho sự lộng quyền, bức rào cản của dân chủ và phát triển xã hội. Sự hình thành và phát triển của lý thuyết này gắn liền với quá trình đấu tranh cho bình đẳng, tự do và tiến bộ xã hội. Lấy pháp luât làm tối thượng, lấy bảo đảm các quyền tự do công dân làm mục đích cuối cùng. Không chỉ vậy, với cơ chế kiềm chế và đối trọng, kiểm tra và chế ước lẫn nhau giữa ba nhánh quyền lực đã loại trừ được nguy cơ tập trung tất cả quyền lực nhà nước vào tay một cá nhân, nhóm người hay một cơ quan quyền lực duy nhất nào đó - nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự tha hoá trong quá trình thực thi quyền lực. Nhờ cơ chế này mà không cơ quan nhà nước nào có thể chi phối hoặc lấn át hoàn toàn hoạt động của cơ quan khác. Đồng thời không cơ quan nào, tổ chức nào đứng ngoài hoặc đứng trên pháp luật; nằm ngoài sự kiểm tra, giám sát từ phía cơ quan nhà nước khác. Như vậy, sự phân chia rành mạch về chức năng và nhân sự cùng với cơ chế kìm chế, đối trọng có tác dụng vừa hạn chế khả năng lạm quyền, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát giác sự lạm quyền, đồng thời đề cao trách nhiệm cá nhân.
          Mặc dù thực tiễn chính trị đã thay đổi nhiều so với thời kỳ học thuyết phân quyền ra đời và cho dù tinh thần của học thuyết còn những hạn chế nhất định nhưng học thuyết này vẫn còn nguyên sức sống. Những giá trị mang tính phổ quát của nó vẫn đang được khai thác và nhân rộng trong tổ chức quyền lực của nhiều nước, không phân biệt điều kiện kinh tế, văn hoá và chế độ chính trị. Trong khuôn khổ lý thuyết phân quyền, thực tiễn đã hình thành những chính thể khác nhau phù hợp với đặc điểm kinh tế, xã hội và truyền thống văn hoá của mỗi nước. Ở các nước tư bản, các nhánh quyền lực nhà nước được thể chế hoá cao độ. Các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp được chuyên nghiệp hoá rất cao. Cơ chế kiểm soát quyền lực tỏ rõ tính hiệu quả trong việc hạn chế tình trạng lạm quyền, chuyên quyền, quan liêu, tham nhũng trong bộ máy nhà nước. Có thể thấy, cho đến nay, học thuyết phân quyền đã thể hiện và khẳng định những giá trị tiến bộ của nó. Những giá trị này đã được kiểm chứng trong thực tiễn chính trị hàng trăm năm ở các nước tư bản phát triển. Đúng như đánh giá của Ph. Ăngghen: “Phân quyền được xem như là nguyên tắc thiêng liêng và không thể xâm phạm trên thực tế, về thực chất nó không có gì khác là sự phân công công việc lao động được áp dụng đối với bộ máy nhà nước nhằm đơn giản hoá và để kiểm tra[4]
          Tổ chức và phân công quyền lực nhà nước ở nước ta trước đổi mới theo nguyên tắc tập quyền. Trong tư duy chính trị pháp lý và trong các văn kiện chính thức của Đảng, Nhà nước lúc bấy giờ, không hề tìm thấy các thuật ngữ “phân công, phân nhiệm một cách rạch ròi ba quyền: lập pháp, hành pháp và tư pháp”. Dưới ánh sáng đổi mới, một mặt Đảng và nhà nước ta khẳng định quyền lực nhà nước là thống nhất, nhưng mặt khác có sự kế thừa những nhân tố tiến bộ trong tổ chức và phân công quyền lực của nhân loại. Đặc biệt là những hạt nhân hợp lý, những giá trị tích cực trong học thuyết tam quyền phân lập. Nghị quyết Đại Hội Đảng X khẳng định: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp[5]. Quan điểm này cũng được quy định tại Điều 2, Hiến pháp 1992 (sửa đổi năm 2001). Quyền lực nhà nước là thống nhất không có nghĩa là quyền lực chỉ do một số người nào đó nắm giữ mà đó là sự tập trung, thống nhất quyền lực trong tay nhân dân thông qua người đại diện của họ, nhằm đảm bảo tính thống nhất, nhất quán trong tổ chức cũng như sử dụng quyền lực. Sự tập trung không những không đối lập với việc phân công, phân nhiệm, mà ngược lại đòi hỏi phân định rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ của bộ máy thực hiện quyền lực. Sự phân định càng thiếu rõ ràng thì việc kiểm soát quyền lực càng kém cả về hiệu lực lẫn hiệu quả.
Có thể nói, việc thừa nhận phân công và phân nhiệm trong tổ chức và thực hiện quyền lực nhà nước là một bước tiến về nhận thức lý luận. Cả lý luận và thực tiễn đều đặt ra yêu cầu tất yếu rằng, giữa các cơ quan nhà nước cần có sự phân công chuyên môn hoá lao động quyền lực, đảm bảo sự độc lập trong tổ chức của các cơ quan và sự phối hợp giữa chúng, nhưng đồng thời giữa các cơ quan cần có sự kiểm soát, kiềm chế, giám sát lẫn nhau. Nắm vững nguyên tắc này có ý nghĩa chỉ đạo hoạt động thực tiễn về tổ chức và phân công quyền lực nhà nước trong bộ máy nhà nước.
          Đảng và nhà nước ta đã chủ trương phân công và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện ba quyền. Điều đó có nghĩa là trong quá trình cải cách và xây dựng bộ máy nhà nước phải coi trọng việc xác định rõ chức năng, quyền hạn và nhiệm vụ của các cơ quan trong việc thực hiện ba quyền này để hạn chế sự lạm quyền, lộng quyền, chồng chéo và cản trở công việc của nhau. Tuy nhiên không phải vì phân công, phân nhiệm rạch ròi mà các cơ quan nhà nước quay lưng lại với nhau, không phối hợp với nhau, chống đối nhau. Chính nhờ vào quan điểm này mà bộ máy nhà nước ta qua cải cách và đổi mới ngày càng được củng cố và hoàn thiện hơn về tổ chức và hoạt động quyền lực, tránh được tình trạng như: lẫn lộn chức năng và quyền hạn giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp; dựa dẫm và ỷ lại nhau trong việc thực hiện quyền lực nhà nước; nể nang, xuê xoa trong giám sát, kiểm sát, thanh tra việc thực hiện chức năng và quyền hạn của mỗi bên.
          Tuy nhiên có thể thấy rằng, những hạt nhân hợp lý của học thuyết tam quyền phân lập vẫn chưa được chúng ta khai thác đầy đủ. Việc phân công quyền lực giữa các cơ quan nhà nước còn nhiều bất cập. Chính sự phân công không rõ ràng về thẩm quyền đã dẫn đến sự chồng chéo giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp trong việc thực thi quyền lực. Làm cho cơ cấu quyền lực không phát huy được hết hiệu quả. Bên cạnh đó, chúng ta cũng chưa kế thừa và thiết lập được cơ chế kiểm soát quyền lực hữu hiệu ngay trong bộ máy nhà nước, mà đó mới được coi là nội dung cốt lõi của học thuyết tam quyền phân lập.
          Do vậy, việc vận dụng học thuyết tam quyền phân lập trong tổ chức và thực thi quyền lực nhà nước ta cần tập trung vào các nội dung cơ bản sau:
- Tiến hành sự phân công, phân nhiệm rạch ròi về mặt chức năng, thẩm quyền giữa các nhánh quyền lực và thể chế hoá cụ thể, rõ ràng trong Hiến pháp nhằm tạo ra sự ổn định trong hoạt động của bộ máy nhà nước.
- Cần cầu thị học tập cơ chế kiểm soát quyền lực mà học thuyết tam quyền phân lập đã đưa ra và vận dụng sáng tạo trong điều kiện một đảng lãnh đạo, nhằm thiết lập các ràng buộc bên trong đối với quyền lực.
- Nhân sự phải được chuyên môn hoá cao độ mà trước hết là hạn chế tối đa sự kiêm nhiệm ở các bộ phận quyền lực khác nhau.
Có thể khẳng định rằng, cho đến nay việc nghiên cứu học thuyết tam quyền phân lập, tiếp thu những hạt nhân hợp lý của học thuyết này vẫn có ý nghĩa quan trọng đối với quá trình đổi mới hệ thống chính trị, cải cách bộ máy nhà nước ta theo hướng xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân. Khai thác nhân tố hợp lý của học thuyết này đòi hỏi phải làm rõ tính độc lập, chuyên nghiệp trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, có cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả nhưng vẫn đảm bảo quyền lực nhà nước là thống nhất, đề cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trước cơ quan quyền lực của nhân dân. Đó chính là những vấn đề thuộc về bản chất của nhà nước pháp quyền mà chúng ta đang xây dựng.


[1] Montesquieu (1996), Tinh thần pháp luật, Nxb Giáo dục, Đại học KHXH và NV, Hà Nội, tr.100.
[2] Montesquieu (1996), Tinh thần pháp luật, Nxb Giáo dục, Đại học KHXH và NV, Hà Nội, tr.100,101.
[3] Montesquieu (1996), Tinh thần pháp luật, Nxb Giáo dục, Đại học KHXH và NV, Hà Nội, tr.110.
[4] C.Mác - Ph.Ăngghen (1981), Tuyển tập, Tập 2, Nxb Sự thật, Hà Nội, tr.405.
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam (2006), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.45.
Last update : 10/09/2013

Saturday 14 June 2014

Tam quyền phân lập không phù hợp với thể chế chính trị ở nước ta (Bùi Văn Học - An Ninh Thủ Đô)



Tam quyền phân lập không phù hợp với thể chế chính trị ở nước ta

Thứ ba 10/09/2013 07:16
ANTĐ - Thời gian gần đây, lợi dụng việc góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, một số người đã cổ súy cho việc thực hiện cái gọi là “tam quyền phân lập”, đòi tách biệt quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp để “kiềm chế”, “đối trọng” giữa ba quyền này theo mô hình nhà nước tư sản... Đây là những luận điệu không mới và đã được các thế lực thù địch, phản động ra sức tuyên truyền, kích động nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Quốc hội và HĐND các cấp luôn đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng của người dân
(Trong ảnh: Cử tri phường Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa XIII)

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn quan tâm việc củng cố, từng bước hoàn thiện bộ máy nhà nước. Từ khi tiến hành công cuộc đổi mới, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng ta hết sức coi trọng việc cải cách bộ máy nhà nước, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp với điều kiện mới, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; đồng thời, có nhiều chủ trương, giải pháp nhằm kiểm soát quyền lực nhà nước. 

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã khẳng định: “Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Quyền lực nhà nước là thống nhất; có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Sự khẳng định quyền lực nhà nước là thống nhất, nhưng có sự phân công, phối hợp và kiểm soát quyền giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp là một bước phát triển mạnh mẽ trong việc hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước của Đảng ta. Với sự hoàn thiện này, nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước ta được xác định bởi bốn nội dung quan trọng: thống nhất quyền lực, phân công quyền lực, phối hợp quyền lực và kiểm soát quyền lực.

Thời gian gần đây, lợi dụng việc góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, một số người đã cổ súy cho việc thực hiện cái gọi là “tam quyền phân lập”, đòi tách biệt quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp để “kiềm chế”, “đối trọng” giữa ba quyền này theo mô hình nhà nước tư sản và đưa ra các luận điệu “để xây dựng cơ chế tam quyền phân lập trong tổ chức bộ máy nhà nước, điều kiện đầu tiên là áp dụng hệ thống chính trị đa nguyên, đa đảng”; “điều kiện khác của việc áp dụng chế độ tam quyền phân lập là phải trung lập hóa, phi chính trị hóa lực lượng quân đội và cảnh sát”(?!). Đây là những luận điệu không mới và đã được các thế lực thù địch, phản động ra sức tuyên truyền, kích động nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. 

Cần khẳng định “tam quyền phân lập” có thể phù hợp ở các mức độ khác nhau với một số nước trên thế giới, nhưng không phù hợp với thể chế chính trị nước ta, bởi lẽ việc thực hiện quyền lực nhà nước theo phương thức nào là phụ thuộc vào thể chế chính trị của mỗi quốc gia. Ở nước ta, nhân dân là chủ nhân của quyền lực chính trị, quyền lực nhân dân là cội nguồn của quyền lực nhà nước, quyền lực đó chỉ có thể thực hiện một cách thống nhất dưới sự giám sát của nhân dân, chứ không thể phân chia, chia cắt, phân rã. Nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân được bảo đảm thực hiện bởi sự kết hợp hài hòa giữa dân chủ trực tiếp (tức là nhân dân trực tiếp tham gia quản lý nhà nước và xã hội, giám sát hoạt động của Nhà nước) và dân chủ đại diện (tức là nhân dân phân công và ủy quyền cho các cơ quan nhà nước thực hiện quyền lực nhà nước).

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ chính trị, xã hội, pháp lý của mình đều hướng tới phục vụ nhân dân, thực hiện “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”, không để lập pháp vị lập pháp, hành pháp vị hành pháp, tư pháp vị tư pháp như các thể chế “tam quyền phân lập”. Quyền lực nhà nước là thống nhất do tất cả quyền lực nhà nước thuộc nhân dân và thống nhất về mục tiêu chính trị: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; quyền lực nhà nước là thống nhất, nhưng có sự phân công, phối hợp và kiểm soát quyền giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Sự phân công rành mạch giữa các cơ quan nhà nước là tiền đề quan trọng để kiểm soát quyền lực nhà nước, bảo đảm nguyên tắc quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Mặt khác, sự phân công đó cũng rất cần thiết để xây dựng một nền hành chính quốc gia ổn định, thống nhất từ Trung ương đến cơ sở. Yếu tố kiểm soát ở đây không phải là sự “kiềm chế”, “đối trọng”, mà là để tăng sự giám sát giữa các cơ quan thực hiện quyền lực nhà nước.

Từ sự phân tích ở trên, tôi hoàn toàn đồng tình với quy định tại Điều 2 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.
Bùi Văn Học

Sunday 6 April 2014

Chủ nghĩa tư bản thân hữu là gì?



Chủ nghĩa tư bản thân hữu là hệ thống kinh tế trong đó doanh nghiệp không thể vận hành và tìm kiếm lợi nhuận nếu không câu kết chặt chẽ với các quan chức nhà nước. Đồng nghĩa có tư bản bè phái, tư bản thân tộc. Nôm na hơn có tư bản móc ngoặc, tư bản cánh hẩu, tư bản bồ bịch... Tất cả được dịch từ crony capitalism của tiếng Anh và capitalisme de copinage của tiếng Pháp.

Báo Việt Nam sử dụng các thuật ngữ nói trên khi chuyển ngữ các bài báo nước ngoài về nạn tư bản bè phái ở nước ngoài (Ai Cập, Mê-hi-cô...):

Trước tiên là “chủ nghĩa tư bản thân hữu” (crony capitalism), cái mà chỉ rõ tính chất mối quan hệ giữa nhà nước và doanh nghiệp từ những năm 1970 và phát triển mạnh mẽ trong suốt thời Mubarak phải được giới hạn một cách rõ ràng.


 "Cả một lũ tư bản bè phái" - phát biểu của vị giám đốc mới của ECES hiện nay.



Cách đây 15 năm, đặc quyền của những nhà tư bản thành công lớn được gọi là Chủ nghĩa tư bản thân hữu (crony capitalism), qua đó các doanh nhân bắt tay kinh doanh với các quan chức nhà nước, và có thể tạo nên những bất ổn rất lớn vì  nó sẽ dẫn đến tham nhũng, lạm quyền của quan chức nhà nước.



Báo Tuổi Trẻ có thời dịch crony capitalismtư bản bộ phận để nói chuyện các nước xa như Xu-đăng, gần như In-đô-nê-xi-a:

Thế nhưng, thị trường thì bao la, con cháu đâu mà “bao sân” cho hết? Đến đây, “vòng tay” mở rộng ra đến bạn bè, từ “gia đình trị” tiến đến “bè phái trị” (cronyism). Ở châu Á, một số tác giả gọi đó là “chủ nghĩa tư bản bộ phận” (crony capitalism).
HữuNghị, “Bệnh gia đình trị”, Tuổi Trẻ, 06/11/2005

Chữ Hán là 裙带资本主义 (quần đới tư bản chủ nghĩa). Quần đới 裙带 nguyên là cái dây để buộc váy, sau dùng để ngầm chỉ những gì có quan hệ với vợ, chị, em, con gái... Quan hệ quần đới là quan hệ có gốc hôn nhân, thân quyến của chị, em, vợ, con gái câu kết với nhau.

Sunday 9 February 2014

Tập trung dân chủ, nguyên tắc tổ chức cơ bản giúp đảng cộng sản loại bỏ mọi khuynh hướng của chủ nghĩa cơ hội (Bùi Phan Kỳ - Đảng Cộng Sản Việt Nam)

Tập trung dân chủ, nguyên tắc tổ chức cơ bản giúp đảng cộng sản loại bỏ mọi khuynh hướng của chủ nghĩa cơ hội 
17:36 | 24/11/2010
(ĐCSVN) - Tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức cơ bản giữ cho đảng cộng sản khó chấp nhận các khuynh hướng của chủ nghĩa cơ hội. Tập trung dân chủ là một "pháp bảo" về “tổ chức chính đảng kiểu mới của giai cấp công nhân,” tổng kết từ lịch sử đấu tranh gian khổ của phong trào XHCN trên toàn thế giới; Phát huy tính ưu việt của nguyên tắc tổ chức cơ bản, khắc phục những nhận thức sai lầm trong quá trình thực hiện nguyên tắc “tập trung dân chủ”.

Tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức cơ bản giữ cho đảng cộng sản khó chấp nhận các khuynh hướng của chủ nghĩa cơ hộị.

Những kẻ mắc hội chứng "chống Cộng" mãn tính, khi dùng cách "bới lông tìm vết" và "bóp méo" sự thật để phủ định quyền lãnh đạo của đảng cộng sản với sự nghiệp cách mạng Việt Nam, thường đi từ những định kiến cố hữu để mô tả đảng cộng sản như một tổ chức độc tài, nếu không "gia đình trị” như đảng "Cần lao nhân vị" của họ Ngô thì cũng độc đoán như đảng Quốc xã của Hítle, ở đó, những người có quyền lực muốn làm gì tuỳ ý. Cũng không ít kẻ đã từng là đảng viên cộng sản nhưng chưa bao giờ thực sự biết đến nguyên tắc tổ chức cơ bản của Đảng, đã tuỳ tiện chà đạp lên nguyên tắc “tập trung dân chủ” mà vẫn luôn tự nhận là “đảng viên chân chính”, “chẳng hiểu vì sao” lại bị đối xử bất công! Bất cứ ai chăm lo xây dựng Đảng đều hiểu rõ "tập trung dân chủ" là nguyên tắc tổ chức cơ bản mở ra một loạt các nguyên tắc cụ thể cho mọi tình huống hoạt động, không cho phép bất kỳ ai được quyền cá nhân quyết định một vấn đề gì trái với nghị quyết của tập thể. Cho đến lời nói và việc làm cũng không được trái với nghị quyết chung, dù cá nhân đó khi cần thiết vẫn được quyền bảo lưu ý kiến thiểu số, được phản ánh lên cấp trên xem xét. Trong các cơ sở đảng thực sự vững mạnh, từ các đảng viên lão thành đến lớp đảng viên trẻ, mọi người đều coi bảo vệ nguyên tắc tổ chức là nghĩa vụ hàng đầu của người đảng viên cộng sản.

Có thể nói, toàn bộ Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, ngoài đoạn mở đầu nói gọn về quá trình hình thành, bản chất tôn chỉ mục đích của Đảng, tất cả các chương, điều còn lại đều thể hiện nguyên tắc “tập trung dân chủ” trên từng mặt hoạt động của ĐảngÝ thức tổ chức tự giác là nét riêng nổi bật để phân biệt đảng viên cộng sản với bất cứ đảng nào khác.

“Tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức cơ bản của đảng cộng sản” có thể giải thích gọn là nguyên tắc quy định mọi công việc của Đảng đều phải đưa cho toàn thể đảng viên bàn bạc một cách hoàn toàn dân chủ, rồi tập trung mọi ý chí và hành động của từng đảng bộ cho tới đảng viên trong toàn Đảng vào các trung tâm lãnh đạo của từng cấp. Những trung tâm đó không bao giờ là một cá nhân mà là một tập thể đã được toàn thể đảng viên trong đảng bộ lựa chọn và bầu cử bằng phiếu kín, không chịu áp lực của bất cứ thế lực nào. Trong lịch sử lâu dài của Đảng Cộng sản Việt Nam, chưa bao giờ xảy ra tình trạng những đảng viên bình thường vì không bầu cho người có quyền thế không xứng đáng mà bị gây phiền nhiễu.

Nguyên tắc tổ chức cơ bản đó khi vận dụng vào từng hoạt động cụ thể, từ việc kết nạp đảng viên, thảo luận và quyết định công việc của Đảng, phân công công tác trong các cấp uỷ, xét kỷ luật đảng viên... đều chuyển thành các nguyên tắc cụ thể, không cho phép bất cứ cá nhân nào thao túng để mưu tính lợi riêng. Muốn xin vào Đảng, dù là ai, nếu không được tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở tín nhiệm, thừa nhận là cảm tình Đảng, có trình độ giác ngộ nhất định, có phẩm chất và năng lực, được ban chấp hành các đoàn thể và đảng viên cũ giới thiệu thì có "thần thế" đến đâu cũng không ép được cả một chi bộ biểu quyết đồng ý kết nạp vào Đảng. Thảo luận công việc thì hoàn toàn tự do, không ai cấm ai được nói hết ý của mình nhưng khi biểu quyết thì thiểu số phải phục tùng đa số, có biên bản ghi chép và được đọc lại cho toàn chi bộ nghe rõ. Ai cần bảo lưu ý kiến được ghi vào biên bản, báo cáo cấp trên xem xét. Nguyên tắc "tập trung dân chủ" không cho phép bất cứ đảng viên nào được nói và làm trái nghị quyết chung. Khi cấp uỷ bàn bạc để triển khai nghị quyết của Đảng bộ thì phải thực hiện "Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách". Không ai có quyền "xông" vào lĩnh vực mình không được tập thể phân công.

Mối quan hệ trong nội bộ Đảng thì cá nhân phải phục tùng tổ chức, cấp dưới phải phục tùng cấp trên, địa phương phải phục tùng Trung ương, toàn Đảng phải phục tùng đại hội. Giữa 2 nhiệm kỳ đại hội là cấp uỷ từng cấp do Đại hội bầu ra... Do từng đảng viên được giáo dục điều lệ, hiểu rõ từng phần của nguyên tắc tổ chức cơ bản, những đảng bộ giữ vững nguyên tắc tổ chức thường rất ít khi phát sinh các vấn đề phức tạp. Khi xảy ra hiện tượng đột xuất mà giải quyết đúng nguyên tắc tổ chức đều không gây nên hậu quả gì nghiêm trọng. Qua màng lưới sàng lọc đó, không một thiên hướng cơ hội chủ nghĩa nào có thể đứng vững. Đó là thực tiễn mà tác giả đã tự thân trải nghiệm trong suốt 65 năm sinh hoạt Đảng đều đặn, qua rất nhiều đảng bộ từ dân sự đến quân sự, ở nhiều cấp bộ, vùng miền, không phải là lý thuyết.



Tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức xương sống rất ưu việt của đảng cộng sản. Tập trung dân chủ là một "pháp bảo" về “tổ chức chính đảng kiểu mới của giai cấp công nhân”, tổng kết từ lịch sử đấu tranh gian khổ của phong trào XHCN trên toàn thế giới.


"Tập trung dân chủ" không phải là nguyên tắc tổ chức riêng của Đảng Cộng sản Việt Nam mà là nguyên tắc tổ chức cơ bản rút ra từ “học thuyết xây dựng Đảng kiểu mới” của Lênin, tổng kết kinh nghiệm suốt từ cuộc vận động cách mạng đầu tiên của K.Marx và F.Engels, trải qua 2 tổ chức quốc tế tới cuộc đấu tranh thành lập Quốc tế Cộng sản, gắn với cuộc đấu tranh chống phái menchevik trong đảng CNDCXH Nga để thành lập ĐCS Nga. Mấy nét dưới đây nhằm ôn lại quá trình gian khổ đó:

Từ 6/1847, K.Marx và F.Engels thành lập "Liên đoàn những người cộng sản" trước khi xuất bản "Tuyên ngôn của ĐCS" vào năm 1848, thành tổ chức tiền thân của Quốc tế I. Sau 5 năm truyền bá chủ nghĩa Marx, Liên đoàn tuyên bố tự giải tán ngày 17/11/1852 sau "vụ án những người cộng sản" ở Cologne. Mới qua bước khởi đầu, "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản" đã chỉ ra hàng loạt khuynh hướng cơ hội đều nhân danh CNXH, cùng hàng loạt luận điểm của các học giả tư sản tấn công hòng tiêu diệt CNXH, đủ biết ở bất kỳ thời nào, CNXH cũng phải sẵn sàng chống lại 2 đối thủ: chủ nghĩa cơ hội và các học giả "chống Cộng".

Vào thập niên 20 của thế kỷ XIX, khi những chính đảng đầu tiên của giai cấp tư sản công nghiệp đã lần lượt ra đời, như Đảng Bảo thủ Anh (1818), Đảng Dân chủ Mỹ (1828), rồi đến Đảng Cộng hoà Mỹ (1854)...đều đã thực sự trở thành đảng nắm giữ chính quyền, các nhà sáng lập CNXH khoa học ý  thức rõ trách nhiệm phải hình thành tổ chức quốc tế của giai cấp công nhân để hướng dẫn phong trào cho có hiệu quả. K.Marx với sự hỗ trợ đắc lực của F.Engels đã thành lập "Hội liên hiệp lao động quốc tế" vào năm 1864. Đến Đại hội La Haye (7/1872) Quốc tế (I) đã lập tổ chức bí mật mang tên "Liên minh dân chủ XHCN" nhằm thúc đẩy giai cấp công nhân các nước giành chính quyền, đã cử ra cơ quan lãnh đạo T.Ư là "Tổng hội lao động quốc tế" do K.Marx là uỷ viên thường trực, đấu tranh kiên quyết chống chủ nghĩa bè phái, hướng vào mục tiêu giành thắng lợi cho CNXH. Sau Công xã Paris, hình mẫu chính quyền đầu tiên của giai cấp vô sản, Quốc tế I thấy rõ nhu cầu phải xây dựng chính đảng ở từng nước tư bản nên đã tuyên bố tự giải tán tại đại hội Philadelphia (1876). Các đảng Xã hội đầu tiên ra đời ở châu Âu có thể là đảng Xã hội Đức (1869), đảng Xã hội Ý và đảng Xã hội Ba Lan (1892), đảng Lao động Anh (1893),đảng Công nhân dân chủ xã hội Nga (1898), đảng Xã hội Pháp (1908), rồi mới tới đảng Xã hội Áo và nhiều nước khác.

Quốc tế II được khôi phục vào năm 1889, tới 4/1890 họp đại hội tại Paris, ra nghị quyết thành lập Cục quốc tế XHCN gồm đại diện các Đảng tới tham gia đại hội, vừa làm nhiệm vụ Ban chấp hành vừa là tổ chức thông tin. Những vấn đề thường khó nhất trí trong các đảng Xã hội lúc đó là thái độ của Đảng đối với các nhà nước tư sản. Tới năm 1914, nội bộ ban chấp hành Quốc tế II không thống nhất về thái độ đối xử với bọn trùm đế quốc gây chiến tranh chia sẻ thế giới nên cũng tự ý ngừng hoạt động. Riêng trong nội bộ đảng CNDCXH Nga, ngay từ Đại hội Đảng lần thứ II (1903) khi thông qua Cương lĩnh và Điều lệ Đảng đã phát sinh nhiều chính kiến khác nhau. Số đông đảng viên (đứng đầu là Lênin) tán thành Đảng phải coi “cách mạng dân chủ tư sản” chỉ là cương lĩnh tối thiểu để tiến lên thực hiện cương lĩnh tối đa là “cách mạng XHCN”... trong khi số ít đảng viên (đứng đầu là Mactôp) không tán thành cách mạng vô sản, cải cách ruộng đất và chuyên chính vô sản... Về điều lệ, trong khi nhóm đa số chủ trương đảng viên phải hoạt động trong một tổ chức của Đảng thì nhóm thiểu số chủ trương đảng viên chỉ cần tán thành cương lĩnh tối thiểu và ủng hộ Đảng về vật chất. Do điều lệ Đảng chưa có hình thức ràng buộc nào cụ thể, cuộc đấu tranh giữa 2 nhóm đa số (bolchevik) và thiểu số (menchevik) kéo dài từ đó cho tới ngày đánh đổ Nga hoàng vào tháng 2/1917.

Chính trong cuộc đấu tranh dai dẳng chống nhóm menchevik mà Lênin buộc phải nghiền ngẫm về lịch sử vận động cách mạng trong phong trào công nhân kể từ ngày K.Marx cùng F.Engels thành lập “Liên đoàn những người cộng sản”, trải qua 2 tổ chức quốc tế dẫn đến sự ra đời hàng loạt đảng Xã hội ở châu Âu, nay vận dụng vào thực tiễn xây dựng đảng CNDCXH Nga, hình thành nên “học thuyết Lênin về xây dựng chính đảng kiểu mới của giai cấp công nhân”. Trong thời gian đó, một thành tựu nổi bật rút ra từ học thuyết được Lênin đề xuất và được Đại hội Đảng 1906 nhất trí đưa vào Điều lệ, đó chính là nguyên tắc “tập trung dân chủ” nhằm mở rộng triệt để sự đóng góp ý kiến của toàn thể đảng viên nhưng sau đó phải tập trung mọi ý chí và hành động vào cơ quan đầu não được bầu cử dân chủ qua mỗi kỳ đại hội. Bước thay đổi mang tính bước ngoặt về tổ chức cơ bản đã làm cho đảng CNDCXH Nga thoát khỏi tình trạng vô chính phủ, tập trung được ý chí và hành động, có sức lãnh đạo ngày càng thiết thực, vượt lên trên hàng loạt chính đảng ở Nga lúc đó: ngoài các đảng tư sản như đảng Dân chủ lập hiến,- phái Lao động đại diện những người dân chủ, tiểu tư sản trong các Đuma nhà nước, còn những đảng mang danh XHCN nhưng không kiên định lợi ích của giai cấp công nhân như "đảng XHCN cách mạng" đòi ruộng đất cho nông dân rồi đi theo giai cấp tư sản,- “những người XHCN cách mạng cánh tả" sau này đã vũ trang chống lại chính quyền Xô viết. Sau thành công của cách mạng Tháng Mười, Đảng CNDCXH Nga đã hoàn toàn đoạn tuyệt với phái menchevik, mở Đại hội VII vào cuối năm 1918, đổi tên thành ĐCS Nga. Vừa lãnh đạo cách mạng đánh bại những phản ứng của bọn bạch vệ và cuộc vũ trang can thiệp ào ạt của phe đế quốc, Lênin đã thành lập Quốc tế III tại Matxcơva vào năm 1919 lấy tên là Quốc tế Cộng sản với điều kiện gia nhập Quốc tế đã tổng kết từ cuộc đấu tranh trong nội bộ Quốc tế II, lấy “tập trung dân chủ” làm nguyên tắc tổ chức cơ bản để xây dựng các ĐCS . Hưởng ứng Quốc tế III, các đảng Xã hội ở châu Âu đều gạt bỏ những phần tử cơ hội, lần lượt gia nhập Quốc tế và tự đổi tên thành đảng Cộng sản. Các đảng ở châu Á đều thành lập sau khi Quốc tế Cộng sản ra đời như ĐCS Trung Quốc (1921), ĐCS Nhật (1922). ĐCSVN sau khi thành lập đã từng được công nhận là một chi bộ của Quốc tế Cộng sản (Kominter ), đến 1942 tự tuyên bố chuyển thành cơ quan "Thông tin Cộng sản" (Kominfor).

Nguyên tắc tập trung dân chủ được nhiều đảng cộng sản đưa vào điều lệ đã đóng góp đắc lực vào việc ổn định nội bộ của các đảng, tạo ra sự nhất trí đủ sức vượt qua những thời kỳ phong ba bão táp mà vẫn không bị phân liệt. Nhưng không phải mọi thế hệ lãnh đạo các  đảng cộng sản đều hiểu rõ điều đó. Khi đã ở cương vị lãnh đạo, qua tiếp xúc với các đảng phương Tây, họ đã nhiễm thói đọc quyền, độc đoán, coi thường điều lệ đảng. Khi đã vứt bỏ nguyên tắc “tập trung dân chủ” thì dù Đảng có thành tích đầy mình cũng không tránh khỏi đổ vỡ.

Những tư liệu trên có dụng ý nhắc lại một quá trình đầy sóng gió hình thành các chính đảng của giai cấp công nhân mà "tập trung dân chủ" đã thành một "pháp bảo" về khoa học tổ chức cuối cùng đúc kết được trải qua lịch sử rộng lớn của mấy thế hệ quốc tế và các đảng Dân chủ xã hội ở châu Âu, trong đó có đảng CNDCXH Nga do đích thân V.I Lênin cải tạo, đã phát huy tác dụng lãnh đạo làm nên những kỳ tích lịch sử.

Phát huy tính ưu việt của nguyên tắc tổ chức cơ bản, khắc phục những nhận thức sai lầm trong quá trình thực hiện nguyên tắc “tập trung dân chủ"

"Tập trung dân chủ" là nguyên tắc tổ chức cơ bản của đảng cộng sản nhằm thống nhất ý chí, thống nhất hành động của từng đảng bộ cho tới toàn thể đảng viên vào cấp uỷ cùng cấp đã được dân chủ bầu cử giữa 2 kỳ đại hội. Nguyên tắc tổ chức cơ bản đó kéo theo hàng loạt nguyên tắc cụ thể trong từng bước hoạt động thành một chỉnh thể được thi hành đồng bộ, bỏ qua bước này sẽ lập tức tác động tới bước khác.
Thực tiễn hoạt động chính trị chứng minh rằng do xuất xứ và quá trình phát triển khác nhau, giữa các đảng viên cộng sản, để đạt được sự thống nhất về quan điểm, lập trường, thái độ ứng xử với mọi đối tượng và đối tác của cách mạng không bao giờ là việc giản đơn. Điều đó không tuỳ thuộc vào mối quan hệ tình cảm trong đời sống hàng ngày, nhưng chỉ có thể thực hiện trong những chính đảng tổ chức theo nguyên tắc “tập trung dân chủ”.

Trái với nhiều đảng cầm quyền lớn mạnh mới bước đầu gặp khó khăn đã vội vứt bỏ nguyên tắc tổ chức cơ bản của Đảng, người chủ trì không dựa vào tập thể, vào sức mạnh của đội ngũ đảng viên đông đảo bao gồm không ít các đảng viên lão thành, tự ý ứng xử kiểu thủ lĩnh của các đảng độc tài (như tự tuyên bố giải tán Đảng) thì tai họa không có cách gì tránh khỏi. Đảng ta cũng như nhiều Đảng anh em, từ khi thành lập đã trải qua rất nhiều bước thăng trầm, có lúc phải tuyên bố “tự giải tán” mà vẫn không bị phân hoá, chỉ phát triển ngày càng vững mạnh chính là đã biết lấy nguyên tắc “tập trung dân chủ” làm nguyên tắc tổ chức cơ bản. Tuy nhiên, trong quá trình nhận thức và thực hiện, không phải không còn những khía cạnh cần làm rõ:

Do có thời gian đã tiếp thu những kinh nghiệm của cách mạng Trung Quốc, nhiều từ ngữ được diễn đạt theo kiểu Hán - Việt: Đảng Cộng sản Đông Dương được viết là Đông Dương Cộng sản Đảng, Đảng Tân Việt được gọi là Tân Việt Đảng, nguyên tắc tập trung dân chủ được viết (và nói) là nguyên tắc dân chủ tập trung... Tìm lại nguồn gốc, khi ghi nguyên tắc này vào Điều lệ của đảng CNDCXH Nga vào năm 1906, Lênin viết là Democraticheskii centralism, được các nước châu Âu dịch là centralisme démocratique (Pháp) và Democratic centralism (Anh, Mỹ), nguyên văn dịch sang tiếng Việt phải là “chế độ tập trung dân chủ” (tập trung là danh từ, đóng vai trò chủ ngữ còn dân chủ là tính từ, đóng vai vị ngữ hay thuộc ngữ), nói rành rọt ra là “sự tập trung mang tính dân chủ". Cái yếu của cách diễn đạt Hán - Việt là không cho phép phân biệt đâu là danh từ, đâu là tính từ, khiến không ít người hiểu cả 2 từ kép đó đều là tính từ đến mức đã đặt một dấu nối (-) giữa “tập trung - dân chủ”. Đã là tính từ tất phải nói lên tính chất của sự vật. Bởi vậy đã có vài luận án tiến sĩ phân tích về “hai mặt mâu thuẫn thống nhất, gắn bó với nhau, lồng vào nhau, quy định lẫn nhau, thể hiện tính biện chứng của một nguyên tắc tổ chức.” Không ít người dày công phân tích "tính tập trung" phản ánh bản chất của nền công nghiệp lớn, là nét đặc trưng của giai cấp công nhân. Chính đảng của giai cấp công nhân phải phản ánh đúng bản chất của giai cấp mình” v.v... Nhưng lịch sử các tổ chức chính trị của giai cấp công nhân trải qua từ Quốc tế I đến Quốc tế II, qua Quốc tế III lại xuất hiện Quốc tế IV, đã không chứng minh điều đó. Lịch sử các chính đảng của giai cấp công nhân trước khi tự chấn chỉnh theo Quốc tế III cũng không chứng minh điều đó. Những lập luận trên đây đã chạy sang lĩnh vực “bình luận chính trị” mà không còn đứng vững trên bình diện của “khoa học tổ chức”. Nét tinh tế, phức tạp nhất cần lay chuyển hiện nay là những nhận thức được khẳng định như một chân lý về “tính tập trung - dân chủ của nguyên tắc tổ chức"(?).

Nếu động từ "tổ chức" được hiểu là "sự sắp đặt, phối hợp để tạo ra một cấu trúc, một kết cấu cókhả năng hoạt động theo những mục tiêu nhất định" cũng có nghĩa là "làm cho có một trật tự, một nền nếp nhất định" thì "tập trung" không chỉ là hoạt động riêng hay tính chất đặc trưng của giai cấp công nhân. Giai cấp phong kiến phát triển từ cát cứ đến tập quyền, chủ nghĩa tư bản phát triển từ tự do đến độc quyền, giai cấp nông dân đi từ vườn ruộng manh mún tới các trang trại lớn. Hoạt động kinh tế đã thế, hoạt động chính trị là "biểu hiện tập trung của kinh tế" càng phải thế. Mỗi giai cấp xã hội đều thực hiện sự tập trung sức mạnh và quyền lực khi đã bước vào thời kỳ có tổ chức. Từ điển Petit Larousse định nghĩa "chế độ tập trung là chế độ kéo theo sự quy tụ mọi quyết định và hành động vào cơ quan đầu não của các đảng và các nghiệp đoàn", càng chứng minh chế độ tập trung là kết quả hoạt động tổ chức của mọi giai cấp xã hội, không riêng gì của giai cấp công nhân. Dù là giai cấp phong kiến, giai cấp tư sản cho đến giai cấp nông dân khi thành giai cấp cầm quyền đều kiên quyết tập trung quyền lực (như Tần Thuỷ Hoàng, Hitle, Quang Trung). Vậy tập trung không phải là một tính chất của nguyên tắc tổ chức đảng cộng sản mà là nguyên tắc tổ chức của mọi giai cấp trong xã hội, giai cấp công nhân không thể làm trái. Chỉ có dân chủ mới là nét riêng cần xây dựng cho chính đảng của giai cấp công nhân. Vì chủ nghĩa Mác -Lênin coi “quần chúng là lực lượng làm nên lịch sử” nên chính đảng nào của giai cấp công nhân tuân theo chủ nghĩa Mác-Lênin đều phải lấy dân chủ làm nền tảng của chế độ tập trung. Đó là điều khác biệt duy nhất giữa chế độ tập trung của đảng cộng sản so với chế độ tập trung quan liêu, độc đoán của các đảng tư sản và phong kiến.

Lược lại hoàn cảnh của Lênin khi đề xuất nguyên tắc “tập trung dân chủ”, hơn ai hết cũng như Marx và Engels, Người phải chống chọi với bao dạng thức của chủ nghĩa cơ hội trong các thủ lĩnh của phong trào công nhân, tất không thể có ảo tưởng về "tính tập trung của giai cấp công nhân" mà phải dựa vào sự mẫn tiệp về tổ chức lực lượng của một nhà lãnh đạo để bàn riêng về “chế độ tập trung” (xem chương 8 Sđd).

Tập trung là nguyên tắc tổ chức của mọi chính đảng. Còn dân chủ mới là tính chất cần xây dựng, làm nền tảng cho nguyên tắc tập trung của các đảng cộng sản. Tính chất có thể cho phép phát triển từ "thấp" đến "cao", qua nhiều sắc thái, từ “nhạt” tới “đậm”. Còn nguyên tắc là bất di bất dịch.

Nhớ lại Đại hội II của đảng CNDCXH Nga, V.I. Lênin đã công khai khẳng định: “Cần phải dựa vào bản điều lệ (đảng) để rèn một vũ khí ít nhiều sắc bén để chống chủ nghĩa cơ hội. Những nguyên nhân của chủ nghĩa cơ hội càng sâu xa bao nhiêu thì vũ khí ấy càng phải sắc bén bấy nhiêu”(sđd.tr. 136).

Thiết nghĩ, việc sử dụng Điều lệ Đảng với nguyên tắc “tập trung dân chủ” cần được xem là một phương thức đắc lực giúp đảng bộ các cấp quản lý đảng viên, phòng ngừa các chiều hướng “tả, hữu khuynh” diễn ra một cách không tự giác. “Tập trung dân chủ”, nguyên tắc tổ chức xương sống của các đảng cộng sản, trước sau vẫn phát huy tác dụng loại bỏ các dạng thức của chủ nghĩa cơ hội, kể từ khi V.I. Lênin đưa nó vào điều lệ đảng làm vũ khí đánh bại phái menchevik, nâng đảng CNDCXH Nga lên thành đảng bolchevik, đưa cách mạng xã hội chủ nghĩa từ phạm vi lý thuyết sang phạm vi thực tiễn, thành bước đột phá trong lịch sử./.
Các từ khóa theo tin:
GS. Thiếu tướng Bùi Phan Kỳ

Thursday 25 July 2013

Hồ Chí Minh – người góp công mở đầu hiện đại hóa tiếng Việt (Bùi Khánh Thế - Chính Phủ)


(Chinhphu.vn) - Trong di sản ngôn ngữ của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, Đường Cách mệnh, Sửa đổi lối làm việc,Thường thức chính trị thuộc số những tác phẩm là cột mốc đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong quá trình đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam. Ngôn ngữ của những tác phẩm ấy còn ghi dấu những đóng góp của tác giả vào tiến trình “hiện đại hoá ngôn ngữ” toàn dân.
  
Theo hướng nghiên cứu và học tập di sản ngôn ngữ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, GS TS Bùi Khánh Thế Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP HCM đã so sánh 3 tác phẩm tiêu biểu của Người nhằm góp phần làm rõ công lao của Bác vào “sự mở đầu và quá trình hiện đại hóa ngôn ngữ và câu văn Việt Nam”.
Những tác phẩm của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, trong Hồ Chí Minh Toàn tập (xuất bản lần thứ 2, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000) được các cơ quan in riêng thành sách nhỏ, có 3 cuốn thuộc cùng một thể loại được chọn riêng để khảo sát, đó là: Đường Cách mệnh, Sửa đổi lối làm việc, Thường thức chính trị.
Cả ba tác phẩm trên đều có chung một tính chất là tài liệu huấn luyện. Đó là những sách giáo khoa về khoa học chính trị.
Đường Cách mệnh (cuốn này bản in năm 1927 viết là  Đường Kách mệnh) gồm những bài giảng cho các lớp huấn luyện chính trị ở Quảng Châu, Trung Quốc (1925 – 1927), sau đó năm 1927 được Bộ Tuyên truyền Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức ấn hành.
Sửa đổi lối làm việc được coi là văn kiện quan trọng về xây dựng Đảng. Cuốn này có ghi “viết xong tháng 10/1947”, được NXB Sự thật ấn hành lần đầu tiên năm 1948 và được đưa vào tập 5, Hồ Chí Minh toàn tập “theo sách xuất bản lần thứ 7, năm 1959”.
Thường thức chính trị gồm 50 bài viết đăng trên báo Cứu quốc năm 1953 và 1954 được NXB Sự thật tập hợp lại và in thành sách để cung cấp tài liệu học tập và tuyên truyền trong cán bộ và nhân dân.
Vì đối tượng của tài liệu học tập được xác định rõ ràng cũng như mục tiêu của việc học tập là rất cụ thể, nên các văn kiện này không chỉ phong phú và được nâng cao nhiều về mặt nội dung nhận thức, mà còn được trình bày với những ngôn từ được tinh lọc, tiết kiệm và dễ hiểu, thể hiện sự nghiêm khắc khi cần, nhưng luôn luôn tỏ rõ thái độ bao dung, chân tình.
Cùng một thể loại, ba tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh có một số đặc điểm chung về ngôn ngữ và đồng thời mỗi tác phẩm cũng có những đặc điểm riêng nhất định.
Đặc điểm chung về ngôn ngữ trong 3 tác phẩm này phản ánh hầu như tất cả những điều mà nhiều tác giả đã nhận xét khi viết về phong cách ngôn ngữ của Bác Hồ: “Cách diễn đạt giản đơn, sáng tỏ, dễ hiểu, dễ nhớ, có sức thuyết phục mạnh mẽ và sâu sắc” (Phạm Văn Đồng); "thể hiện tính quần chúng, sự phong phú, nhưng luôn luôn chọn cách thể hiện giản dị, dễ hiểu; “cốt cho nội dung tư tưởng tình cảm trong lời nói, câu văn có hiệu lực cao đối với nhận thức và hành động” của người nghe, người đọc (Hoàng Tuệ), đồng thời cũng “sáng tạo những từ ngữ mới, diễn đạt mới” khi cần (Nguyễn Kim Thản); tạo nên “các ngữ cảnh, văn cảnh mới mẻ khác nhau với những từ ngữ thông dụng” (Phạm Huy Thông)…
Chính nhờ vậy mà khi đọc ba tác phẩm này cũng như toàn bộ văn phẩm của Hồ Chí Minh, chúng ta cảm nhận rõ ràng tất cả đều “cao mà không xa, mới mà không lạ, lớn mà không làm ra vĩ đại, soi sáng mà không choáng ngợp”, như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nhận định.
Để phù hợp với nội dung từng tác phẩm cũng như đối tượng mà tác phẩm hướng đến, mỗi tác phẩm lại có những đặc điểm riêng nhất định về mặt ngôn ngữ. Thể hiện rõ hơn cả là phong cách ngôn ngữ trình bày: dùng cách giới thiệu, giải thích và dùng cách hỏi – đáp.
Về mặt này Đường Cách mệnh thiên về cách hỏi – đáp, còn Sửa đổi lối làm việc trình bày các vấn đề chủ yếu theo cách giới thiệu, giải thích. Ví dụ, cuốn Đường Cách mệnh có tới 14/15 mục ghi dưới dạng nêu tên vấn đề sẽ được giới thiệu, chẳng hạn: cách mệnh, quốc tế…Tuy nhiên tất cả các tiểu mục trong từng mục đều được trình bày theo cách hỏi – đáp.
Sửa đổi lối làm việc cũng có 32 lần hỏi – đáp và 4 câu hỏi tu từ, như “Nhưng thử hỏi cán bộ và Đảng viên ta đã mấy người biết rõ lí luận và biết áp dụng, và chính trị, quân sự, kinh tế và văn hóa? Đã mấy người hiểu “biện chứng” là cái gì”?
Giữa cách trình bày trong hai tác phẩm vừa được đối chiếu thì cách trình bày trong Thường thức chính trị ở vào vị trí trung gian (vừa đặt câu hỏi, vừa theo cách trình bày).
 
Thuộc số di sản ngôn ngữ mà Hồ Chí Minh để lại cho kho tàng tiếng Việt có một bộ phận quan trọng là các thuật ngữ thuộc những lĩnh vực khoa học khác nhau. Khảo sát 3 văn bản thuộc thể loại tài liệu giáo khoa và phổ biến khoa học này chúng ta có thể nhận ra hệ thống thuật ngữ thuộc các lĩnh vực khoa học xã hội, đặc biệt là khoa học chính trị và triết học.
Ví dụ trong Thường thức chính trị có hàng trăm thuật ngữ chưa có trong Đường Cách mệnh, phần lớn những thuật ngữ đã hình thành trong tiếng Việt vào thời kì trong và sau Cách mạng tháng Tám 1945: tư liệu sản xuất, chế độ bóc lột, khủng hoảng kinh tế, tư bản độc quyền, tư bản mại bản…
Điều cần được nhấn mạnh là trong tác phẩm của Bác những thuật ngữ chính trị xã hội phần lớn là các kết hợp thuật ngữ vốn có để tạo nên những khái niệm có tác dụng mở rộng sự hiểu biết cho người đọc, người nghe.
Hướng đến đối tượng có ý thức giác ngộ chính trị và trình độ hiểu biết chính trị cao, Sửa đổi lối làm việc có tỉ lệ thuật ngữ được dùng nhiều hơn hẳn so với hai tác phẩm kia. Trung bình mỗi trang của cuốn này có khoảng từ 8-10 thuật ngữ.
Có những thuật ngữ Bác đặt thành câu hỏi để giải thích cặn kẽ cho cán bộ, đảng viên như: Biện chứng là cái gì?, Trí thức là gì? Có những thuật ngữ là từ ngữ có vẻ quen thuộc, nhưng trong văn bản cần được hiểu cụ thể trong mối quan hệ biện chứng với nhau hoặc phải được hiểu theo tinh thần một Đảng viên, một cán bộ muốn phấn đấu tự hoàn thiện bản thân để có thể trở thành “người cách mạng chân chính”.
Chẳng hạn Bác viết: “Dân chủ, sáng kiến, hăng hái, ba điều đó rất quan hệ với nhau. Có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến. Những sáng kiến đó được khen ngợi, thì người đó càng thêm hăng hái, và người khác cũng học theo”. Bác cũng chỉ rõ: “Muốn trở nên người cách mạng chân chính, không có gì là khó cả… lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào thì mình sẽ tiến đến chỗ… khuyết điểm sẽ ngày càng ít, mà những tính tốt… ngày càng nhiều thêm”. Nói tóm tắt, tính tốt ấy gồm có năm điều: “nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm”. Và tiếp theo Bác giải thích vắn tắt về năm đức tính ấy. Rồi Bác kết lại “Đó là đạo đức cách mạng”.
Trong các tác phẩm hướng đến đối tượng đông đảo hơn, Bác có cách hành văn gợi nhiều cách tư  duy hình tượng, cụ thể, so sánh, gắn với cuộc sống đời thường.
Mở đầu Đường Cách mệnh Bác dùng hình ảnh từ một câu tục ngữ Trung Quốc mà cũng quen thuộc với người Việt: “Sư tử bắt thỏ tất dùng hết sức” để dẫn tới lời khuyên: “Huống gì làm việc to tát như việc giải phóng gông cùm nô lệ cho đồng bào, cho nhân dân, nếu không hết sức thì làm sao được”. Tiếp theo là hai câu tục ngữ Việt để nâng ý chí: “Người thấy khó thì ngã lòng” vì “không hiểu rằng nước chảy đá mòn và có công mài sắt có ngày nên kim”.
Giới thiệu về các cuộc cách mạng thế giới để người dân thường không chỉ biết được diễn biến của từng cuộc cách mạng và rút ra mặt hạn chế, mặt mạnh của mỗi cuộc cách mạng đó, không phải là dễ. Nhưng người trình bày đã giảng giải theo lối kể chuyện thông thường, dẫn chứng các con số, các sự kiện cụ thể và so sánh các mặt lợi hại để người đọc, người nghe tự rút ra kết luận. Đó cũng là cách Bác giới thiệu và giải thích về các tổ chức Đảng, các tổ chức đoàn thể quần chúng cách mạng quốc tế.
Chuyển sang Thường thức chính trị, một tác phẩm gần cùng loại vớiĐường Cách mệnh nhưng nội dung được mở rộng, phong phú và đối tượng tiếp nhận có trình độ nhận thức chính trị được nâng cao hơn do hoàn cảnh lịch sử đất nước đã khác trước, nên cách trình bày cũng thay đổi.
Một vài tục ngữ, thành ngữ quen thuộc được dùng không phải để lấy một lẽ thường, chứng minh cho một lập luận trừu tượng, mà nhằm thay cho một động từ, một định ngữ hay trạng ngữ thường dùng để cho hành động, đặc tính trở nên linh hoạt, có hình ảnh hơn. Ví dụ: “Có một số người không lao động thì lại ngồi mát ăn bát vàng”… 
Trình bày những vấn đề cơ bản mà mỗi người công dân của nước Việt Nam độc lập cần biết như chế độ chính trị, giai cấp, dân chủ tập trung, thành phần kinh tế và chính sách kinh tế… qua 50 bài viết trên báo vào thời điểm năm 1953, phong cách của Thường thức chính trị rất linh hoạt. Có những vấn đề còn được trình bày bằng cách giải đáp các câu hỏi, nhưng phần lớn đã được trình bày theo hình thức giảng giải, làm sáng tỏ trọn vẹn một vấn đề và đặt các vấn đề nối tiếp nhau thành một hệ thống chung.
Chẳng hạn đó là hệ thống các vấn đề về sự xâm lược của đế quốc Pháp, con đường giải phóng, động lực cách mạng, giai cấp lãnh đạo cách mạng, cách mạng và kháng chiến… Thực chất đây là loạt bài giảng về cách mạng Việt Nam, mang sắc thái của phong cách giáo khoa được trình bày phần lớn bằng các từ ngữ thường ngày mà người Việt Nam ở thời điểm lịch sử này đã khá quen thuộc.
Thực ra, cách diễn đạt những vấn đề chính trị phức tạp bằng lối nói giản dị, bình dân, theo phong cách giáo khoa của tác phẩm này chính là sự tiếp tục ở dạng phổ thông hơn phong cách ngôn từ đã từng thể hiện trong Sửa đổi lối làm việc. Bởi vì, tuy về mặt thể loại Thường thức chính trị gần với Đường Cách mệnh, nhưng về mặt thời gian lại được viết sau Sửa đổi lối làm việc và phát triển cũng như vận dụng cách trình bày sao cho thích hợp với đối tượng tiếp nhận tác phẩm.
  
Được viết và công bố sauĐường Cách mệnh gần 1/4 thế kỉ đã có rất nhiều thay đổi về mặt lịch sử - xã hội, số lượng thuật ngữ trongSửa đổi lối làm việc gia tăng, phản ánh các sự kiện, các cách nhìn đối với những thay đổi, những sự kiện mới mẻ vốn là điều hợp quy luật. Đáng chú ý hơn là sự phát triển về mặt biện pháp sử dụng ngôn từ của chính tác giả qua các tác phẩm cùng thể loại.Đường Cách mệnh cũng như Sửa đổi lối làm việcđều có đề cập đến Đảng.
Trong Đường Kách mệnh, nghĩa của thuật ngữ "Đảng" được giải thích súc tích chỉ với mấy nghĩa tố sau đây: 1. Chức năng của tổ chức này trong nước và đối với mọi nơi khác; 2. Quan hệ hữu cơ giữa Đảng với cách mệnh; 3. Quan hệ giữa Đảng với chủ nghĩa, tức học thuyết chính trị của Đảng.
Từ Đảng được dùng 20 lần ở chương Lịch sử cách mệnh Nga với mục đích giới thiệu quá trình hình thành Đảng Cộng sản Nga và vai trò của Đảng này trong việc tổ chức, lãnh đạo thành công Cách mạng tháng Mười. Thuật ngữ Đảng còn được dùng 12 lần để giới thiệu các Quốc tế (Đệ nhất, Đệ nhị, Đệ tam) và những tổ chức quần chúng có liên hệ.
Trong Sửa đổi lối làm việc người đọc không còn gặp những từ ngữ có cách dùng theo lối nói khẩu ngữ thông thường như dân tình “xục rục”, “chộn rộn” (tức biến động), “tước lục” (tước đoạt), “tước bác”/ “bác tước” (bóc lột), “giắc dai” (kéo dài)… mà nhiều cách dùng có sắc thái khẩu ngữ được thay bằng từ ngữ thuộc văn viết, mang tính thuật ngữ hơn. Chẳng hạn: “cách mệnh đến nơi” → cách mạng triệt để; “giựt lấy chính quyền” → giành chính quyền; “cơ quan sinh sản” → cơ sở sản xuất …
Nhiều tổ hợp từ gồm các thành tố cấu tạo gốc Hán trong Đường Cách mệnh dùng theo trật tự tiếng Hán, đến Sửa đổi lối làm việc đều chuyển sang kết cấu thuận cú pháp tiếng Việt: dân tộc cách mệnh → cách mạng dân tộc; thế giới cách mệnh → cách mạng thế giới; vô sản giai cấp → giai cấp vô sản; công đoàn chủ nghĩa → chủ nghĩa công đoàn; chính trị áp bức → áp bức về chính trị…
Phần lớn các chương trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc thực sự là những văn bản được trình bày theo phong cách giáo khoa, bàn về một vấn đề hoàn chỉnh: Tư cách và đạo đức cách mạng (III); Vấn đề cán bộ (IV); Cách lãnh đạo (V); Chống thói ba hoa (VI).
Trong di sản ngôn ngữ của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, Đường Cách mệnh, Sửa đổi lối làm việc,Thường thức chính trị  thuộc số những tác phẩm là cột mốc đánh dấu một sự kiện lịch sử hoặc một giai đoạn quan trọng trong quá trình đấu tranh cho nền độc lập dân tộc và sự toàn vẹn lãnh thổ của nhân dân Việt Nam. Ngôn ngữ của những tác phẩm ấy một mặt cho thấy bước phát triển của tiếng Việt do phản ánh thực tế xã hội lúc bấy giờ và mặt khác còn ghi dấu những đóng góp của tác giả vào tiến trình “hiện đại hoá ngôn ngữ” toàn dân.
Bùi Khánh Thế 
 GS.TS Ngữ văn, Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP HCM

Tuesday 7 May 2013

Cánh tả là gì?


Hiểu nôm na thì cánh tả là phe chủ trương cải tạo cục diện xã hội còn cánh hữu thì có xu hướng bảo thủ. Sự phân biệt này có từ thời Cách mạng Pháp 1789: các đại biểu phái Núi (Montagnards) và Gia-cô-banh (Jacobins) ngồi ở mé bên trái vị chủ tịch nghị viện.

Sunday 10 March 2013

Tư tưởng chủ thể là gì?



Tư tưởng chủ thể là tư tưởng chính thống của nhà nước Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên. Chữ Triều Tiên là 주체사상, đọc là juche sasang; chữ Hán là 思想, âm Hán Việt là chủ thể tư tưởng. Học thuyết này cho rằng con người là chủ thể của tất cả mọi thứ trên đời này và quyết định tất cả mọi thứ. Vận dụng ý này vào hoàn cảnh cách mạng Triều Tiên thì người Triều Tiên chính là chủ thể của cuộc cách mạng đó.
Tất nhiên cả một hệ tư tưởng của một chế độ chính trị không chỉ đơn giản có thế. Bắc Triều Tiên có cả một đội ngũ hùng hậu các nhà lý luận chuyên làm công việc bồi da đắp thịt cho Juche. Juche phức tạp đến nỗi người phương Tây cảm thấy khó dịch trọn vẹn nội dung của thuật ngữ này, thường chọn giải pháp là phiên âm: tiếng Anh là Juche Idea, tiếng Pháp là Idées du Juche.
Tư tưởng chủ thể là sản phẩm trí tuệ của Kim Nhật Thành, nhà lãnh đạo sáng lập Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên. Một số nhà nghiên cứu Bắc Triều Tiên cho rằng Kim Nhật Thành đã có một số ý tưởng nền móng cho tư tưởng chủ thể từ những năm 30 của thế kỷ trước khi Người vừa đến tuổi 18. Nhưng bọn học giả phản động cho rằng nâng bi như vậy là sống sượng quá mức. Nói chung cả hai bên chỉ nhất trí với nhau ở điểm là trong thời gian từ 1955 đến 1970 tư tưởng chủ thể được Kim Nhật Thành tổ chức triển khai thành nguyên tắc điều hành, quản lý mọi mặt sinh hoạt của xã hội Bắc Triều Tiên. Năm 1972 tư tưởng chủ thể được đưa vào bản hiến pháp mới thay thế cho chủ nghĩa Mác Lê Nin, nhưng được định nghĩa như là một vận dụng sáng tạo của chủ nghĩa Mác Lê Nin.
Điều đáng ngạc nhiên là trong suốt ba, bốn mươi năm quan hệ hữu nghị Việt Triều, hầu như không người Việt nào biết tư tưởng chủ thể là cái gì, mặc dù Bắc Triều Tiên là một đồng minh thân cận của Bắc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Để duy trì thế đi dây đầy khó khăn giữa hai người bạn lớn là Liên Xô và Trung Quốc, Bắc Việt Nam không muốn dính dấp vào bất kỳ cuộc tranh cãi nào về lý thuyết. Nhà lãnh đạo kiệt xuất của Việt Nam là chủ tịch Hồ Chí Minh còn khiêm tốn tuyên bố rằng ông không có tư tưởng nào khác ngoài chủ nghĩa Mác Lê Nin, rằng Xta-lin và Mao Trạch Đông đã nghĩ, đã nói tất cả rồi.
Sau khi Liên Xô và các nước dân chủ nhân dân ở Đông Âu sụp đổ, các nhà lý luận ở Việt Nam phải đối mặt với một cục diện đầy khó khăn. Hệ thống thuật ngữ và khái niệm vẫn vận hành trước đó bị giảm sút uy tín, có nguy cơ phá sản và cần được thay thế gấp. Một trong những thành tựu mới mẻ và quan trọng nhất của giới lý luận nước ta là thuật ngữ “tư tưởng Hồ Chí Minh”. Thuật ngữ này giúp các nhà lý luận nước ta có được khoảng cách an toàn với tất cả những gì trót làm chủ nghĩa xã hội chịu nhiều tai tiếng trong lịch sử. Tư tưởng chủ thể trước đây có lúc đã gây nghi ngại trong bối cảnh xung đột Xô Trung thì hiện nay đã trở nên vô hại. Trên sách báo người ta bắt đầu đọc được nào là tư tưởng chủ thể, cách mạng chủ thể, sự nghiệp chủ thể hóa, học thuyết chủ thể, tượng đài chủ thể...
Bắc Triều Tiên có tư tưởng của Bắc Triều Tiên. Tại sao ta không thể có tư tưởng của ta?