Sunday 9 February 2014

Tập trung dân chủ, nguyên tắc tổ chức cơ bản giúp đảng cộng sản loại bỏ mọi khuynh hướng của chủ nghĩa cơ hội (Bùi Phan Kỳ - Đảng Cộng Sản Việt Nam)

Tập trung dân chủ, nguyên tắc tổ chức cơ bản giúp đảng cộng sản loại bỏ mọi khuynh hướng của chủ nghĩa cơ hội 
17:36 | 24/11/2010
(ĐCSVN) - Tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức cơ bản giữ cho đảng cộng sản khó chấp nhận các khuynh hướng của chủ nghĩa cơ hội. Tập trung dân chủ là một "pháp bảo" về “tổ chức chính đảng kiểu mới của giai cấp công nhân,” tổng kết từ lịch sử đấu tranh gian khổ của phong trào XHCN trên toàn thế giới; Phát huy tính ưu việt của nguyên tắc tổ chức cơ bản, khắc phục những nhận thức sai lầm trong quá trình thực hiện nguyên tắc “tập trung dân chủ”.

Tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức cơ bản giữ cho đảng cộng sản khó chấp nhận các khuynh hướng của chủ nghĩa cơ hộị.

Những kẻ mắc hội chứng "chống Cộng" mãn tính, khi dùng cách "bới lông tìm vết" và "bóp méo" sự thật để phủ định quyền lãnh đạo của đảng cộng sản với sự nghiệp cách mạng Việt Nam, thường đi từ những định kiến cố hữu để mô tả đảng cộng sản như một tổ chức độc tài, nếu không "gia đình trị” như đảng "Cần lao nhân vị" của họ Ngô thì cũng độc đoán như đảng Quốc xã của Hítle, ở đó, những người có quyền lực muốn làm gì tuỳ ý. Cũng không ít kẻ đã từng là đảng viên cộng sản nhưng chưa bao giờ thực sự biết đến nguyên tắc tổ chức cơ bản của Đảng, đã tuỳ tiện chà đạp lên nguyên tắc “tập trung dân chủ” mà vẫn luôn tự nhận là “đảng viên chân chính”, “chẳng hiểu vì sao” lại bị đối xử bất công! Bất cứ ai chăm lo xây dựng Đảng đều hiểu rõ "tập trung dân chủ" là nguyên tắc tổ chức cơ bản mở ra một loạt các nguyên tắc cụ thể cho mọi tình huống hoạt động, không cho phép bất kỳ ai được quyền cá nhân quyết định một vấn đề gì trái với nghị quyết của tập thể. Cho đến lời nói và việc làm cũng không được trái với nghị quyết chung, dù cá nhân đó khi cần thiết vẫn được quyền bảo lưu ý kiến thiểu số, được phản ánh lên cấp trên xem xét. Trong các cơ sở đảng thực sự vững mạnh, từ các đảng viên lão thành đến lớp đảng viên trẻ, mọi người đều coi bảo vệ nguyên tắc tổ chức là nghĩa vụ hàng đầu của người đảng viên cộng sản.

Có thể nói, toàn bộ Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, ngoài đoạn mở đầu nói gọn về quá trình hình thành, bản chất tôn chỉ mục đích của Đảng, tất cả các chương, điều còn lại đều thể hiện nguyên tắc “tập trung dân chủ” trên từng mặt hoạt động của ĐảngÝ thức tổ chức tự giác là nét riêng nổi bật để phân biệt đảng viên cộng sản với bất cứ đảng nào khác.

“Tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức cơ bản của đảng cộng sản” có thể giải thích gọn là nguyên tắc quy định mọi công việc của Đảng đều phải đưa cho toàn thể đảng viên bàn bạc một cách hoàn toàn dân chủ, rồi tập trung mọi ý chí và hành động của từng đảng bộ cho tới đảng viên trong toàn Đảng vào các trung tâm lãnh đạo của từng cấp. Những trung tâm đó không bao giờ là một cá nhân mà là một tập thể đã được toàn thể đảng viên trong đảng bộ lựa chọn và bầu cử bằng phiếu kín, không chịu áp lực của bất cứ thế lực nào. Trong lịch sử lâu dài của Đảng Cộng sản Việt Nam, chưa bao giờ xảy ra tình trạng những đảng viên bình thường vì không bầu cho người có quyền thế không xứng đáng mà bị gây phiền nhiễu.

Nguyên tắc tổ chức cơ bản đó khi vận dụng vào từng hoạt động cụ thể, từ việc kết nạp đảng viên, thảo luận và quyết định công việc của Đảng, phân công công tác trong các cấp uỷ, xét kỷ luật đảng viên... đều chuyển thành các nguyên tắc cụ thể, không cho phép bất cứ cá nhân nào thao túng để mưu tính lợi riêng. Muốn xin vào Đảng, dù là ai, nếu không được tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở tín nhiệm, thừa nhận là cảm tình Đảng, có trình độ giác ngộ nhất định, có phẩm chất và năng lực, được ban chấp hành các đoàn thể và đảng viên cũ giới thiệu thì có "thần thế" đến đâu cũng không ép được cả một chi bộ biểu quyết đồng ý kết nạp vào Đảng. Thảo luận công việc thì hoàn toàn tự do, không ai cấm ai được nói hết ý của mình nhưng khi biểu quyết thì thiểu số phải phục tùng đa số, có biên bản ghi chép và được đọc lại cho toàn chi bộ nghe rõ. Ai cần bảo lưu ý kiến được ghi vào biên bản, báo cáo cấp trên xem xét. Nguyên tắc "tập trung dân chủ" không cho phép bất cứ đảng viên nào được nói và làm trái nghị quyết chung. Khi cấp uỷ bàn bạc để triển khai nghị quyết của Đảng bộ thì phải thực hiện "Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách". Không ai có quyền "xông" vào lĩnh vực mình không được tập thể phân công.

Mối quan hệ trong nội bộ Đảng thì cá nhân phải phục tùng tổ chức, cấp dưới phải phục tùng cấp trên, địa phương phải phục tùng Trung ương, toàn Đảng phải phục tùng đại hội. Giữa 2 nhiệm kỳ đại hội là cấp uỷ từng cấp do Đại hội bầu ra... Do từng đảng viên được giáo dục điều lệ, hiểu rõ từng phần của nguyên tắc tổ chức cơ bản, những đảng bộ giữ vững nguyên tắc tổ chức thường rất ít khi phát sinh các vấn đề phức tạp. Khi xảy ra hiện tượng đột xuất mà giải quyết đúng nguyên tắc tổ chức đều không gây nên hậu quả gì nghiêm trọng. Qua màng lưới sàng lọc đó, không một thiên hướng cơ hội chủ nghĩa nào có thể đứng vững. Đó là thực tiễn mà tác giả đã tự thân trải nghiệm trong suốt 65 năm sinh hoạt Đảng đều đặn, qua rất nhiều đảng bộ từ dân sự đến quân sự, ở nhiều cấp bộ, vùng miền, không phải là lý thuyết.



Tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức xương sống rất ưu việt của đảng cộng sản. Tập trung dân chủ là một "pháp bảo" về “tổ chức chính đảng kiểu mới của giai cấp công nhân”, tổng kết từ lịch sử đấu tranh gian khổ của phong trào XHCN trên toàn thế giới.


"Tập trung dân chủ" không phải là nguyên tắc tổ chức riêng của Đảng Cộng sản Việt Nam mà là nguyên tắc tổ chức cơ bản rút ra từ “học thuyết xây dựng Đảng kiểu mới” của Lênin, tổng kết kinh nghiệm suốt từ cuộc vận động cách mạng đầu tiên của K.Marx và F.Engels, trải qua 2 tổ chức quốc tế tới cuộc đấu tranh thành lập Quốc tế Cộng sản, gắn với cuộc đấu tranh chống phái menchevik trong đảng CNDCXH Nga để thành lập ĐCS Nga. Mấy nét dưới đây nhằm ôn lại quá trình gian khổ đó:

Từ 6/1847, K.Marx và F.Engels thành lập "Liên đoàn những người cộng sản" trước khi xuất bản "Tuyên ngôn của ĐCS" vào năm 1848, thành tổ chức tiền thân của Quốc tế I. Sau 5 năm truyền bá chủ nghĩa Marx, Liên đoàn tuyên bố tự giải tán ngày 17/11/1852 sau "vụ án những người cộng sản" ở Cologne. Mới qua bước khởi đầu, "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản" đã chỉ ra hàng loạt khuynh hướng cơ hội đều nhân danh CNXH, cùng hàng loạt luận điểm của các học giả tư sản tấn công hòng tiêu diệt CNXH, đủ biết ở bất kỳ thời nào, CNXH cũng phải sẵn sàng chống lại 2 đối thủ: chủ nghĩa cơ hội và các học giả "chống Cộng".

Vào thập niên 20 của thế kỷ XIX, khi những chính đảng đầu tiên của giai cấp tư sản công nghiệp đã lần lượt ra đời, như Đảng Bảo thủ Anh (1818), Đảng Dân chủ Mỹ (1828), rồi đến Đảng Cộng hoà Mỹ (1854)...đều đã thực sự trở thành đảng nắm giữ chính quyền, các nhà sáng lập CNXH khoa học ý  thức rõ trách nhiệm phải hình thành tổ chức quốc tế của giai cấp công nhân để hướng dẫn phong trào cho có hiệu quả. K.Marx với sự hỗ trợ đắc lực của F.Engels đã thành lập "Hội liên hiệp lao động quốc tế" vào năm 1864. Đến Đại hội La Haye (7/1872) Quốc tế (I) đã lập tổ chức bí mật mang tên "Liên minh dân chủ XHCN" nhằm thúc đẩy giai cấp công nhân các nước giành chính quyền, đã cử ra cơ quan lãnh đạo T.Ư là "Tổng hội lao động quốc tế" do K.Marx là uỷ viên thường trực, đấu tranh kiên quyết chống chủ nghĩa bè phái, hướng vào mục tiêu giành thắng lợi cho CNXH. Sau Công xã Paris, hình mẫu chính quyền đầu tiên của giai cấp vô sản, Quốc tế I thấy rõ nhu cầu phải xây dựng chính đảng ở từng nước tư bản nên đã tuyên bố tự giải tán tại đại hội Philadelphia (1876). Các đảng Xã hội đầu tiên ra đời ở châu Âu có thể là đảng Xã hội Đức (1869), đảng Xã hội Ý và đảng Xã hội Ba Lan (1892), đảng Lao động Anh (1893),đảng Công nhân dân chủ xã hội Nga (1898), đảng Xã hội Pháp (1908), rồi mới tới đảng Xã hội Áo và nhiều nước khác.

Quốc tế II được khôi phục vào năm 1889, tới 4/1890 họp đại hội tại Paris, ra nghị quyết thành lập Cục quốc tế XHCN gồm đại diện các Đảng tới tham gia đại hội, vừa làm nhiệm vụ Ban chấp hành vừa là tổ chức thông tin. Những vấn đề thường khó nhất trí trong các đảng Xã hội lúc đó là thái độ của Đảng đối với các nhà nước tư sản. Tới năm 1914, nội bộ ban chấp hành Quốc tế II không thống nhất về thái độ đối xử với bọn trùm đế quốc gây chiến tranh chia sẻ thế giới nên cũng tự ý ngừng hoạt động. Riêng trong nội bộ đảng CNDCXH Nga, ngay từ Đại hội Đảng lần thứ II (1903) khi thông qua Cương lĩnh và Điều lệ Đảng đã phát sinh nhiều chính kiến khác nhau. Số đông đảng viên (đứng đầu là Lênin) tán thành Đảng phải coi “cách mạng dân chủ tư sản” chỉ là cương lĩnh tối thiểu để tiến lên thực hiện cương lĩnh tối đa là “cách mạng XHCN”... trong khi số ít đảng viên (đứng đầu là Mactôp) không tán thành cách mạng vô sản, cải cách ruộng đất và chuyên chính vô sản... Về điều lệ, trong khi nhóm đa số chủ trương đảng viên phải hoạt động trong một tổ chức của Đảng thì nhóm thiểu số chủ trương đảng viên chỉ cần tán thành cương lĩnh tối thiểu và ủng hộ Đảng về vật chất. Do điều lệ Đảng chưa có hình thức ràng buộc nào cụ thể, cuộc đấu tranh giữa 2 nhóm đa số (bolchevik) và thiểu số (menchevik) kéo dài từ đó cho tới ngày đánh đổ Nga hoàng vào tháng 2/1917.

Chính trong cuộc đấu tranh dai dẳng chống nhóm menchevik mà Lênin buộc phải nghiền ngẫm về lịch sử vận động cách mạng trong phong trào công nhân kể từ ngày K.Marx cùng F.Engels thành lập “Liên đoàn những người cộng sản”, trải qua 2 tổ chức quốc tế dẫn đến sự ra đời hàng loạt đảng Xã hội ở châu Âu, nay vận dụng vào thực tiễn xây dựng đảng CNDCXH Nga, hình thành nên “học thuyết Lênin về xây dựng chính đảng kiểu mới của giai cấp công nhân”. Trong thời gian đó, một thành tựu nổi bật rút ra từ học thuyết được Lênin đề xuất và được Đại hội Đảng 1906 nhất trí đưa vào Điều lệ, đó chính là nguyên tắc “tập trung dân chủ” nhằm mở rộng triệt để sự đóng góp ý kiến của toàn thể đảng viên nhưng sau đó phải tập trung mọi ý chí và hành động vào cơ quan đầu não được bầu cử dân chủ qua mỗi kỳ đại hội. Bước thay đổi mang tính bước ngoặt về tổ chức cơ bản đã làm cho đảng CNDCXH Nga thoát khỏi tình trạng vô chính phủ, tập trung được ý chí và hành động, có sức lãnh đạo ngày càng thiết thực, vượt lên trên hàng loạt chính đảng ở Nga lúc đó: ngoài các đảng tư sản như đảng Dân chủ lập hiến,- phái Lao động đại diện những người dân chủ, tiểu tư sản trong các Đuma nhà nước, còn những đảng mang danh XHCN nhưng không kiên định lợi ích của giai cấp công nhân như "đảng XHCN cách mạng" đòi ruộng đất cho nông dân rồi đi theo giai cấp tư sản,- “những người XHCN cách mạng cánh tả" sau này đã vũ trang chống lại chính quyền Xô viết. Sau thành công của cách mạng Tháng Mười, Đảng CNDCXH Nga đã hoàn toàn đoạn tuyệt với phái menchevik, mở Đại hội VII vào cuối năm 1918, đổi tên thành ĐCS Nga. Vừa lãnh đạo cách mạng đánh bại những phản ứng của bọn bạch vệ và cuộc vũ trang can thiệp ào ạt của phe đế quốc, Lênin đã thành lập Quốc tế III tại Matxcơva vào năm 1919 lấy tên là Quốc tế Cộng sản với điều kiện gia nhập Quốc tế đã tổng kết từ cuộc đấu tranh trong nội bộ Quốc tế II, lấy “tập trung dân chủ” làm nguyên tắc tổ chức cơ bản để xây dựng các ĐCS . Hưởng ứng Quốc tế III, các đảng Xã hội ở châu Âu đều gạt bỏ những phần tử cơ hội, lần lượt gia nhập Quốc tế và tự đổi tên thành đảng Cộng sản. Các đảng ở châu Á đều thành lập sau khi Quốc tế Cộng sản ra đời như ĐCS Trung Quốc (1921), ĐCS Nhật (1922). ĐCSVN sau khi thành lập đã từng được công nhận là một chi bộ của Quốc tế Cộng sản (Kominter ), đến 1942 tự tuyên bố chuyển thành cơ quan "Thông tin Cộng sản" (Kominfor).

Nguyên tắc tập trung dân chủ được nhiều đảng cộng sản đưa vào điều lệ đã đóng góp đắc lực vào việc ổn định nội bộ của các đảng, tạo ra sự nhất trí đủ sức vượt qua những thời kỳ phong ba bão táp mà vẫn không bị phân liệt. Nhưng không phải mọi thế hệ lãnh đạo các  đảng cộng sản đều hiểu rõ điều đó. Khi đã ở cương vị lãnh đạo, qua tiếp xúc với các đảng phương Tây, họ đã nhiễm thói đọc quyền, độc đoán, coi thường điều lệ đảng. Khi đã vứt bỏ nguyên tắc “tập trung dân chủ” thì dù Đảng có thành tích đầy mình cũng không tránh khỏi đổ vỡ.

Những tư liệu trên có dụng ý nhắc lại một quá trình đầy sóng gió hình thành các chính đảng của giai cấp công nhân mà "tập trung dân chủ" đã thành một "pháp bảo" về khoa học tổ chức cuối cùng đúc kết được trải qua lịch sử rộng lớn của mấy thế hệ quốc tế và các đảng Dân chủ xã hội ở châu Âu, trong đó có đảng CNDCXH Nga do đích thân V.I Lênin cải tạo, đã phát huy tác dụng lãnh đạo làm nên những kỳ tích lịch sử.

Phát huy tính ưu việt của nguyên tắc tổ chức cơ bản, khắc phục những nhận thức sai lầm trong quá trình thực hiện nguyên tắc “tập trung dân chủ"

"Tập trung dân chủ" là nguyên tắc tổ chức cơ bản của đảng cộng sản nhằm thống nhất ý chí, thống nhất hành động của từng đảng bộ cho tới toàn thể đảng viên vào cấp uỷ cùng cấp đã được dân chủ bầu cử giữa 2 kỳ đại hội. Nguyên tắc tổ chức cơ bản đó kéo theo hàng loạt nguyên tắc cụ thể trong từng bước hoạt động thành một chỉnh thể được thi hành đồng bộ, bỏ qua bước này sẽ lập tức tác động tới bước khác.
Thực tiễn hoạt động chính trị chứng minh rằng do xuất xứ và quá trình phát triển khác nhau, giữa các đảng viên cộng sản, để đạt được sự thống nhất về quan điểm, lập trường, thái độ ứng xử với mọi đối tượng và đối tác của cách mạng không bao giờ là việc giản đơn. Điều đó không tuỳ thuộc vào mối quan hệ tình cảm trong đời sống hàng ngày, nhưng chỉ có thể thực hiện trong những chính đảng tổ chức theo nguyên tắc “tập trung dân chủ”.

Trái với nhiều đảng cầm quyền lớn mạnh mới bước đầu gặp khó khăn đã vội vứt bỏ nguyên tắc tổ chức cơ bản của Đảng, người chủ trì không dựa vào tập thể, vào sức mạnh của đội ngũ đảng viên đông đảo bao gồm không ít các đảng viên lão thành, tự ý ứng xử kiểu thủ lĩnh của các đảng độc tài (như tự tuyên bố giải tán Đảng) thì tai họa không có cách gì tránh khỏi. Đảng ta cũng như nhiều Đảng anh em, từ khi thành lập đã trải qua rất nhiều bước thăng trầm, có lúc phải tuyên bố “tự giải tán” mà vẫn không bị phân hoá, chỉ phát triển ngày càng vững mạnh chính là đã biết lấy nguyên tắc “tập trung dân chủ” làm nguyên tắc tổ chức cơ bản. Tuy nhiên, trong quá trình nhận thức và thực hiện, không phải không còn những khía cạnh cần làm rõ:

Do có thời gian đã tiếp thu những kinh nghiệm của cách mạng Trung Quốc, nhiều từ ngữ được diễn đạt theo kiểu Hán - Việt: Đảng Cộng sản Đông Dương được viết là Đông Dương Cộng sản Đảng, Đảng Tân Việt được gọi là Tân Việt Đảng, nguyên tắc tập trung dân chủ được viết (và nói) là nguyên tắc dân chủ tập trung... Tìm lại nguồn gốc, khi ghi nguyên tắc này vào Điều lệ của đảng CNDCXH Nga vào năm 1906, Lênin viết là Democraticheskii centralism, được các nước châu Âu dịch là centralisme démocratique (Pháp) và Democratic centralism (Anh, Mỹ), nguyên văn dịch sang tiếng Việt phải là “chế độ tập trung dân chủ” (tập trung là danh từ, đóng vai trò chủ ngữ còn dân chủ là tính từ, đóng vai vị ngữ hay thuộc ngữ), nói rành rọt ra là “sự tập trung mang tính dân chủ". Cái yếu của cách diễn đạt Hán - Việt là không cho phép phân biệt đâu là danh từ, đâu là tính từ, khiến không ít người hiểu cả 2 từ kép đó đều là tính từ đến mức đã đặt một dấu nối (-) giữa “tập trung - dân chủ”. Đã là tính từ tất phải nói lên tính chất của sự vật. Bởi vậy đã có vài luận án tiến sĩ phân tích về “hai mặt mâu thuẫn thống nhất, gắn bó với nhau, lồng vào nhau, quy định lẫn nhau, thể hiện tính biện chứng của một nguyên tắc tổ chức.” Không ít người dày công phân tích "tính tập trung" phản ánh bản chất của nền công nghiệp lớn, là nét đặc trưng của giai cấp công nhân. Chính đảng của giai cấp công nhân phải phản ánh đúng bản chất của giai cấp mình” v.v... Nhưng lịch sử các tổ chức chính trị của giai cấp công nhân trải qua từ Quốc tế I đến Quốc tế II, qua Quốc tế III lại xuất hiện Quốc tế IV, đã không chứng minh điều đó. Lịch sử các chính đảng của giai cấp công nhân trước khi tự chấn chỉnh theo Quốc tế III cũng không chứng minh điều đó. Những lập luận trên đây đã chạy sang lĩnh vực “bình luận chính trị” mà không còn đứng vững trên bình diện của “khoa học tổ chức”. Nét tinh tế, phức tạp nhất cần lay chuyển hiện nay là những nhận thức được khẳng định như một chân lý về “tính tập trung - dân chủ của nguyên tắc tổ chức"(?).

Nếu động từ "tổ chức" được hiểu là "sự sắp đặt, phối hợp để tạo ra một cấu trúc, một kết cấu cókhả năng hoạt động theo những mục tiêu nhất định" cũng có nghĩa là "làm cho có một trật tự, một nền nếp nhất định" thì "tập trung" không chỉ là hoạt động riêng hay tính chất đặc trưng của giai cấp công nhân. Giai cấp phong kiến phát triển từ cát cứ đến tập quyền, chủ nghĩa tư bản phát triển từ tự do đến độc quyền, giai cấp nông dân đi từ vườn ruộng manh mún tới các trang trại lớn. Hoạt động kinh tế đã thế, hoạt động chính trị là "biểu hiện tập trung của kinh tế" càng phải thế. Mỗi giai cấp xã hội đều thực hiện sự tập trung sức mạnh và quyền lực khi đã bước vào thời kỳ có tổ chức. Từ điển Petit Larousse định nghĩa "chế độ tập trung là chế độ kéo theo sự quy tụ mọi quyết định và hành động vào cơ quan đầu não của các đảng và các nghiệp đoàn", càng chứng minh chế độ tập trung là kết quả hoạt động tổ chức của mọi giai cấp xã hội, không riêng gì của giai cấp công nhân. Dù là giai cấp phong kiến, giai cấp tư sản cho đến giai cấp nông dân khi thành giai cấp cầm quyền đều kiên quyết tập trung quyền lực (như Tần Thuỷ Hoàng, Hitle, Quang Trung). Vậy tập trung không phải là một tính chất của nguyên tắc tổ chức đảng cộng sản mà là nguyên tắc tổ chức của mọi giai cấp trong xã hội, giai cấp công nhân không thể làm trái. Chỉ có dân chủ mới là nét riêng cần xây dựng cho chính đảng của giai cấp công nhân. Vì chủ nghĩa Mác -Lênin coi “quần chúng là lực lượng làm nên lịch sử” nên chính đảng nào của giai cấp công nhân tuân theo chủ nghĩa Mác-Lênin đều phải lấy dân chủ làm nền tảng của chế độ tập trung. Đó là điều khác biệt duy nhất giữa chế độ tập trung của đảng cộng sản so với chế độ tập trung quan liêu, độc đoán của các đảng tư sản và phong kiến.

Lược lại hoàn cảnh của Lênin khi đề xuất nguyên tắc “tập trung dân chủ”, hơn ai hết cũng như Marx và Engels, Người phải chống chọi với bao dạng thức của chủ nghĩa cơ hội trong các thủ lĩnh của phong trào công nhân, tất không thể có ảo tưởng về "tính tập trung của giai cấp công nhân" mà phải dựa vào sự mẫn tiệp về tổ chức lực lượng của một nhà lãnh đạo để bàn riêng về “chế độ tập trung” (xem chương 8 Sđd).

Tập trung là nguyên tắc tổ chức của mọi chính đảng. Còn dân chủ mới là tính chất cần xây dựng, làm nền tảng cho nguyên tắc tập trung của các đảng cộng sản. Tính chất có thể cho phép phát triển từ "thấp" đến "cao", qua nhiều sắc thái, từ “nhạt” tới “đậm”. Còn nguyên tắc là bất di bất dịch.

Nhớ lại Đại hội II của đảng CNDCXH Nga, V.I. Lênin đã công khai khẳng định: “Cần phải dựa vào bản điều lệ (đảng) để rèn một vũ khí ít nhiều sắc bén để chống chủ nghĩa cơ hội. Những nguyên nhân của chủ nghĩa cơ hội càng sâu xa bao nhiêu thì vũ khí ấy càng phải sắc bén bấy nhiêu”(sđd.tr. 136).

Thiết nghĩ, việc sử dụng Điều lệ Đảng với nguyên tắc “tập trung dân chủ” cần được xem là một phương thức đắc lực giúp đảng bộ các cấp quản lý đảng viên, phòng ngừa các chiều hướng “tả, hữu khuynh” diễn ra một cách không tự giác. “Tập trung dân chủ”, nguyên tắc tổ chức xương sống của các đảng cộng sản, trước sau vẫn phát huy tác dụng loại bỏ các dạng thức của chủ nghĩa cơ hội, kể từ khi V.I. Lênin đưa nó vào điều lệ đảng làm vũ khí đánh bại phái menchevik, nâng đảng CNDCXH Nga lên thành đảng bolchevik, đưa cách mạng xã hội chủ nghĩa từ phạm vi lý thuyết sang phạm vi thực tiễn, thành bước đột phá trong lịch sử./.
Các từ khóa theo tin:
GS. Thiếu tướng Bùi Phan Kỳ

No comments:

Post a Comment