Sunday, 23 February 2014

Tráng ca 307 - Kỳ 3: Một người Nga ở 307 (Nguyễn Kế Nghiệp - Tuổi Trẻ)


Thành Nga (hàng đứng, thứ ba từ phải sang) với anh em đại đội trợ chiến tiểu đoàn 307 - Ảnh tư liệu
TT - Cuối năm 1951, sau nhiều chiến công hiển hách và đà phát triển mạnh, tiểu đoàn 307 thành lập thêm một đại đội trợ chiến, chuyên sử dụng súng lớn để phá thành, bắn tàu và máy bay. Trong số cán bộ chiến sĩ được tuyển chọn để hình thành đại đội này có một "ông Tây" tóc vàng, mắt xanh, cao tới 1,9m, nói tiếng Việt giọng Nam bộ.
Anh tên Nguyễn Văn Thành, đến từ trung đoàn 99 Bến Tre. Trước nữa thì anh tên Platon Alexandrovich, người Nga. Từ đó, 307 có Thành Nga.
Con đường vòng
Câu chuyện đẩy đưa Thành Nga đến với 307 thật ly kỳ. Thế chiến thứ hai xảy ra, như mọi thanh niên Nga, Platon gia nhập Hồng quân Liên Xô, nguyện hi sinh thân mình cho chiến tranh vệ quốc. Trong một trận đánh, Platon bị quân Đức bắt làm tù binh. Trải qua nhiều trại tù, Platon bị bắt làm lao dịch, rồi bị đưa vào đội quân phát xít tấn công nước Pháp. Quân Đức bại trận, số tù binh được bàn giao cho quân đồng minh, quân đồng minh giao luôn cho quân đội Pháp. Platon lại một lần nữa bị bắt buộc đổi quân phục, bị biến thành quân lê dương và bị đưa sang VN, về đồn Cái Cối, Bến Tre.
Platon chưa bao giờ biết VN. Cầm khẩu súng đứng lạc lõng trong đồn, lý tưởng vệ quốc, tinh thần quốc tế vô sản của một chiến sĩ Hồng quân trong Platon mách bảo những tiếng súng phát ra sau những lũy tre kia không phải là quân phiến loạn ở thuộc địa Pháp. Platon để tâm tìm hiểu và một ngày kia, trong mớ chiến lợi phẩm quân lê dương Pháp thu về có một tập tài liệu và mấy tấm ảnh. Thành Nga vẫn còn xúc động khi kể cho chúng tôi nghe giây phút ấy: "Thoáng thấy mấy tấm hình bọn chúng giơ cao, tôi suýt nữa bật đứng nghiêm và hô ua-ra như thói quen ở Liên Xô. Đó là ảnh Lênin, Stalin, Mao Trạch Đông và một người mà sau này tôi biết là Hồ Chí Minh. Ngay lập tức, tôi hiểu VN đứng về phía nào, những người lính phía bên kia là ai. Những tấm ảnh đã cứu linh hồn tôi và đó là việc duy nhất tôi phải cảm ơn quân Pháp".
Từ đó Platon tìm cách lân la đến gần những người Việt. Anh tận dụng mọi cơ hội, chọn một quán nước để "ngồi đồng", biểu lộ tâm tư bất mãn, chán nản của mình. Nhưng cả tháng vẫn không thấy tín hiệu khả quan, Platon sốt ruột đánh liều, anh lấy mảnh giấy viết một câu tiếng Pháp: "Tôi muốn liên lạc với Việt Minh" để lên bàn trước khi rời quán. Mảnh giấy lập tức được bà con chuyển đến ban công tác thành Bến Tre.
Một cuộc thăm dò công khai nhưng âm thầm được tiến hành. Ngày nào Platon cũng đến đúng chiếc bàn ấy chờ. Ban công tác nhận định tay lính này quả là có thiện ý móc nối. Một lần nữa Platon viết mấy chữ vào mảnh giấy, cô chủ quán đến lau bàn rồi cầm nó đi luôn. Platon sững người vì bất ngờ và vui mừng. Anh ra về, cố ý đi qua cô chủ. Cô nói khẽ, rất nhanh: "Sáng mai ông đến sớm, cà phê ngon hơn". Cuộc tiếp xúc với Việt Minh sáng hôm sau diễn ra chóng vánh. Thêm một tuần lễ chuẩn bị, nhân một cuộc đi càn, Platon vác một khẩu súng máy và một bao đạn, theo hướng dẫn của giao liên đi sâu vào vùng giải phóng.
Platon đã trở thành Việt Minh, thành Thành Nga. Anh tận dụng lợi thế của mình mặc quân phục sĩ quan Pháp, đeo lon quan hai cùng đồng đội cải trang, đi xe jeep tiến hành những cuộc đánh úp chiếm đồn bót, đoạt vũ khí nhanh gọn, đối phương trở tay không kịp. Gần một năm kiểu cải trang đó mới bị quân Pháp phát hiện là do tên lính đào ngũ. Thành Nga được đưa về trung đoàn 99 Bến Tre rồi được chuyển sang tiểu đoàn 307, là một đại đội phó sử dụng súng 12 ly 7 và cối 60 rất dũng cảm.
Năm 1952, Thành Nga được kết nạp vào Đảng Lao động VN.
Xứ dừa thành quê ngoại
Janine (giữa) và các cựu binh tiểu đoàn 307 tại Bến Tre năm 1987 - Ảnh tư liệu
Thành Nga đã cùng anh em 307 chèo xuồng, lội ruộng, băng đồng xuôi ngược từ Tháp Mười tới mũi Cà Mau. Anh trầm tĩnh, ít nói, nghiêm túc, hiền lành và hòa hợp, cũng cắm câu soi cá, cũng giậm cù bắt chuột, cũng mắm muối tương chao, cũng áo cổ vuông, quần đùi túi hàm ếch, cũng rút xuống lỗ chân trâu rít hơi thuốc trong đêm hành quân...
 Các má, các chị miền Tây cũng thương Thành Nga như thương tất cả các anh bộ đội khác, có phần còn ưu ái hơn cái đứa côi cút phải xa gia đình, xa quê hương, bản xứ. Các má vun đắp cho Thành Nga kết duyên với cô gái xinh đẹp nhất làng, chính là cô chủ quán nước hôm nào đã đem đến bước ngoặt cho đời anh. Dưới mái lá hạnh phúc, một cô con gái ra đời, ghi tên là Nguyễn Hồng Minh và gọi là Janine.
Đến ngày đình chiến, Thành Nga được lệnh tập kết. Anh bâng khuâng trước một cuộc ra đi nữa, xa nơi anh đã coi là quê hương thứ hai thì bà ngoại bế Janine xuống tận điểm tập kết ở Chắc Băng, Cà Mau trao vào tay. "Kẻo nó đi bơ vơ, tội nghiệp", bà chỉ nói đơn giản vậy nhưng mối dây nối với VN của Thành Nga sẽ không bao giờ đứt. Ra Hà Nội, một lần Janine 5 tuổi được theo thiếu nhi Liên Xô con các cán bộ đại sứ quán vào thăm Bác Hồ. Bác bế cháu lên nói chuyện bằng tiếng Nga, Janine không hiểu mà lại líu lo tiếng Việt. Bác Hồ vô cùng xúc động khi biết có một người Nga tham gia kháng chiến ở Nam bộ.
Về nước, Thành Nga vào làm biên tập viên chương trình tiếng Việt của Đài phát thanh Matxcơva. Cán bộ miền Nam nào sang Nga, Thành Nga cũng tìm đến để nói tiếng Việt và để hát "Cửu Long Giang sóng trào nước xoáy...". Anh dạy con gái tiếng Việt và Janine sau này cũng làm công việc như cha. Thành Nga bảo con về Hà Nội tu nghiệp thêm tiếng Việt ở ĐH Tổng hợp Hà Nội và tìm đường về quê ngoại, tìm các đồng đội xưa ở 307. Janine đã tìm được ban liên lạc tiểu đoàn 307, đã được các chú đưa về sông Cái Cối, bà ngoại và mẹ của Janine đã mất nhưng tình thương yêu mà bà con Bến Tre đã dành cho cô bé hai dòng máu thuở nào thì vẫn ắp đầy. Janine cúi lạy bên mộ bà và mẹ, bảo rằng từ nay cô có thêm một chốn để trở về.
Dịp kỷ niệm 40 năm ngày truyền thống 307 năm 1988, tỉnh Bến Tre đã mời Thành Nga trở về VN. Cuộc hội ngộ giữa những người cựu binh có nhiều nước mắt, nhiều tiếng cười. Sau khi cùng nhau hát vang "Ai đã từng đi qua sông Cửu Long Giang...", các đồng đội hỏi Thành Nga có ước muốn gì ở Bến Tre để cùng nhau thực hiện, anh bảo có hai điều: một là thăm mộ mẹ và vợ, hai là được ăn một bữa cơm với ba khía và rau lang luộc chấm chao.
NGUYỄN KẾ NGHIỆP
(nguyên trung đội trưởng bộ binh tiểu đoàn 307)
--------
Đầu những năm 1960, ở Hà Nội có một người được mệnh danh là Paven VN, trở thành tấm gương sống động của “thép đã tôi” trong mắt bao chiến sĩ, thanh niên thời ấy. Trước đó, anh là tiểu đoàn trưởng anh dũng thứ ba của tiểu đoàn 307.
Kỳ tới: Tay mềm mại bút hoa

No comments:

Post a Comment