Saturday, 1 February 2014

Sứ giả của Việt Minh (Lê Trọng Nghĩa)


QĐND - Gọi ông là “sứ giả của Việt Minh” vì rằng trong cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Hà Nội, ông là đại diện của cách mạng thực thi hàng loạt các cuộc thương thuyết quan trọng với Khâm sai Phan Kế Toại, Thủ tướng Chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim và tướng Tổng Tư lệnh kiêm Toàn quyền Nhật ở Đông Dương... Kết quả của các lần tiếp xúc đó đã góp phần trực tiếp làm cho cuộc Tổng khởi nghĩa thắng lợi rực rỡ và không đổ máu. Người “sứ giả” ấy là Đại tá Lê Trọng Nghĩa, nguyên Cục trưởng Cục Quân báo, nguyên Ủy viên Ủy ban khởi nghĩa Hà Nội, Ủy viên Ủy ban nhân dân cách mạng Bắc Bộ.
“Đêm trước” của cách mạng
Tháng 3-1945, ngay sau khi trốn khỏi Hỏa Lò cùng Bí thư Xứ ủy Trần Đăng Ninh, Xứ ủy viên Trần Tử Bình… Lê Trọng Nghĩa được đồng chí Lê Đức Thọ bắt liên lạc và giao nhiệm vụ sang phụ trách Đảng Đoàn ở Dân chủ Đảng. Đầu tháng 8-1945, tình hình Hà Nội biến động dồn dập. Phong trào cách mạng sục sôi, nóng bỏng đang lan nhanh từng ngày. Hầu hết các đồng chí lãnh đạo trong Trung ương và Xứ ủy đều được triệu tập lên Tân Trào. Hai Thường vụ Xứ ủy được phân công ở lại gồm: Nguyễn Khang, phụ trách Hà Nội và Trần Tử Bình, trực cơ quan Xứ ủy ở Vạn Phúc (Hà Đông), theo dõi 10 tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. 
Với sự giới thiệu của Khâm sai Phan Kế Toại, ông Nghĩa với danh nghĩa một cán bộ Việt Minh (bí danh giáo sư Lê Ngọc) đã chủ động có cuộc tiếp xúc với Thủ tướng bù nhìn Trần Trọng Kim để thăm dò khi ông ta đang ra Hà Nội thị sát tình hình. Trong lúc chuẩn bị khởi nghĩa, việc tiếp xúc với lãnh đạo chính quyền bù nhìn là một việc làm đầy nguy hiểm, hệ trọng nhưng cũng hết sức tế nhị. Vì vậy, ngay sau cuộc gặp, Lê Trọng Nghĩa đã tức tốc vào An toàn khu ở Hà Đông báo cáo ngay với Xứ ủy. Nghe xong, đồng chí Nguyễn Khang nói:
- Cậu hành động như thế là tốt nhưng hơi… liều vì chúng ta chưa báo cáo và xin ý kiến của Trung ương về cuộc gặp này. Tuy nhiên, với tình hình hiện nay thì cậu vẫn cứ phải theo hướng đó mà làm. Tôi sẽ chịu trách nhiệm và báo cáo Trung ương sau.
Chiều ngày 15-8, khi nhận được tin Nhật đã chính thức đầu hàng Đồng minh, hai ông Nguyễn Khang và Trần Tử Bình đã hội ý và quyết định thành lập Ủy ban khởi nghĩa Hà Nội do Nguyễn Khang làm chủ tịch và các ủy viên: Nguyễn Quyết, Lê Trọng Nghĩa, Trần Quang Huy và Nguyễn Duy Thân. 
Đại tá Lê Trọng Nghĩa: “Mỗi khi có dịp nhớ lại những sự kiện trong cuộc khởi nghĩa của Thủ đô Hà Nội lúc ấy, trong tôi bao giờ cũng hiện lên những hình ảnh sáng láng không thể nào phai mờ...”. 

Cũng trong ngày hôm đó, đồng chí Nguyễn Khang đã gặp riêng ông Nghĩa, phổ biến nhiệm vụ:
- Để tranh thủ khả năng êm thấm giành thắng lợi cho cách mạng, ta đã có chủ trương gặp Khâm sai Phan Kế Toại. Cậu là người đã có đầu mối, cơ sở ở Dinh Khâm sai và cũng đã từng gặp ông Toại, Xứ ủy giao cậu chủ động liên hệ để chúng ta tiếp xúc với ông ấy ngay trong ngày mai.
Ngày 16-8, ông Nghĩa cùng đồng chí Nguyễn Khang và Trần Đình Long (tham gia với vai trò “cố vấn”) đúng hẹn vào gặp ông Phan Kế Toại. Do không có phương tiện, các ông đành “cuốc bộ” từ trụ sở của Dân chủ Đảng (trên phố Trần Hưng Đạo) đến Dinh Khâm sai. Ông Toại và Chánh văn phòng, cùng các cộng sự đón mời từ tiền sảnh và bày tỏ thái độ tôn trọng, cầu thị. Khâm sai đặt vấn đề: “Chúng tôi muốn mời Việt Minh tham chính”. Không đồng ý với đề xuất này, ông Khang và ông Nghĩa đề nghị Khâm sai nên đứng về phía Việt Minh, nhanh chóng giao vũ khí và chính quyền cho cách mạng. Không đạt được đồng thuận, đoàn Việt Minh ra về. Lúc chia tay, với vẻ chân thành, Khâm sai Phan Kế Toại còn bày tỏ: “Tình hình căng lắm rồi, chúng ta cần sớm gặp lại nhau để bàn tiếp”.
Chiều ngày 17-8, Tổng hội công chức chính phủ Trần Trọng Kim tổ chức cuộc mít tinh tại Quảng trường Nhà hát Lớn. Thành ủy chỉ đạo phải phá cuộc mít tinh này. Hàng vạn người đứng đầy đường Paulbert (nay là phố Tràng Tiền) và các phố lân cận theo lời kêu gọi của Việt Minh đã biến cuộc mít tinh của Chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim thành cuộc tuần hành thị uy của quần chúng cách mạng. Từ thực tế chuyến khảo sát tình hình Hà Nội, đồng chí Nguyễn Khang đã trao đổi với đồng chí Trần Tử Bình và quyết định: Dựa trên chỉ thị “Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” và diễn biến hiện nay, lập tức tiến hành cho Hà Nội khởi nghĩa mà không cần chờ tới lệnh của Trung ương. 
Ngày 18-8, khi hội nghị cán bộ của Hà Nội đang họp để bàn việc thực hiện chủ trương Tổng khởi nghĩa thì nhận được tin, đại diện của Chính phủ Trần Trọng Kim là ông Bộ trưởng Hoàng Xuân Hãn đến trụ sở của Ủy ban khởi nghĩa (số 101 Trần Hưng Đạo ngày nay) xin gặp Việt Minh vì “có việc khẩn cấp”. Trong hội nghị có người băn khoăn, lo lắng vì không hiểu ý đồ của đối phương thế nào. Họ đến “đại bản doanh” của ta để nắm tình hình hay thăm dò thái độ? Ông Nguyễn Khang chỉ thị: Đồng chí Lê Ngọc (bí danh của ông Lê Trọng Nghĩa-TG) thay mặt Việt Minh ra tiếp ông Hoàng Xuân Hãn để nhanh chóng xem có vấn đề gì.
Ông Nghĩa bước ra ngoài phòng khách thì đã thấy ông Bộ trưởng quần áo chỉnh tề đứng đợi. Rồi rất bất ngờ, ông cho biết ông Phan Kế Toại đã từ chức, Chính phủ Trần Trọng Kim đã cử ông Nguyễn Xuân Chữ làm Khâm sai Bắc Kỳ. Cũng theo tin mới nhất, quân đội Đồng minh đã bắt đầu lên đường chia nhau vào nước ta. Ông Hãn bày tỏ: “Đất nước đang có nguy cơ đe dọa lại bị xâm chiếm và chia cắt một lần nữa. Chúng ta nên tiếp tục thương thảo, nói chuyện. Việt Minh các ông cứ nắm tất cả các vùng nông thôn nhưng nên để Chính phủ tiếp tục quản lý các thành phố lớn, cốt để có danh nghĩa mà nói chuyện với Đồng minh”. Ông Nghĩa khéo léo từ chối đề xuất này và khẳng định: 
- Lúc này chỉ có Việt Minh mới duy nhất có đủ tư cách, danh nghĩa và khả năng để đối phó với tình hình và chúng tôi đã sẵn sàng…
Biết không thể thay đổi được lập trường của Việt Minh, ông Hoàng Xuân Hãn buồn bã ra về…
Ngày 19-8 và hai cuộc điều đình với Nhật
Theo đúng mệnh lệnh Ủy ban khởi nghĩa, từ sáng sớm ngày 19-8, hàng chục vạn quần chúng đã theo các ngả đường tiến về Hồ Gươm, Nhà hát Lớn. Đâu đâu cũng vang lên tiếng hô các khẩu hiệu cách mạng và lời bài hát “Tiến quân ca”, “Diệt phát xít”… Đúng 10 giờ, cuộc mít tinh lớn chưa từng có của quần chúng cách mạng đã diễn ra tại quảng trường Nhà hát Lớn. Đại diện Việt Minh tuyên bố: “Đến giờ phút này, yêu cầu đồng bào hãy cùng Mặt trận Việt Minh tiến lên nắm lấy và tự giải quyết vận mệnh của mình”. Với khí thế như thác đổ triều dâng, lực lượng quần chúng nhanh chóng chia làm hai hướng tấn công Dinh Khâm sai và Trại Bảo an binh. Cũng thời điểm ấy, một số huyện ngoại thành của Hà Nội cũng nổi dậy chiếm các trung tâm hành chính.
Trên hướng Trại Bảo an binh - nơi tập trung lực lượng quân sự mạnh nhất, quân Nhật kéo xe tăng tới bao vây, đe dọa lực lượng cách mạng. Ông Nguyễn Quyết và bộ chỉ huy hội ý và quyết định cử ông Nghĩa ra điều đình với chỉ huy Nhật. Ông Nghĩa phóng xe Limuzin đen của Khâm sai có cắm cờ Việt Minh phóng thẳng đến khu vực quân Nhật kiểm soát. Sau phút tiếp xúc căng thẳng ban đầu, ông Nghĩa nói với viên chỉ huy Nhật: 
- Trại Bảo an binh thuộc quyền phủ Khâm sai người Việt, mà người Nhật sắp về nước rồi. Vậy không nên can thiệp vì chúng tôi không động chạm gì tới người Nhật.
Quân Nhật chịu rút quân về doanh trại nhưng yêu cầu Việt Minh phải gặp cấp trên của chúng. Thế là Trại Bảo an binh, Dinh Khâm sai, Tòa Thị chính đã về tay quần chúng. Những người cầm đầu của chính quyền cũ đã được tạm giữ hoặc thu phục. Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội đã giành thắng lợi mà không phải đổ một giọt máu.
Tối hôm ấy, Thường vụ Xứ ủy họp và tiếp tục cử Lê Trọng Nghĩa và Trần Đình Long đi gặp và đàm phán với viên tướng Tổng Tư lệnh kiêm Toàn quyền Nhật ở Đông Dương. Vì không có mối liên lạc sẵn với các quan chức Nhật, hai ông phải tìm đến một người phụ nữ, vợ chủ hiệu kem Nhật Bản ở chợ Hôm nhờ nói với chồng là sĩ quan Nhật làm trung gian đưa đến gặp các quan chức cao cấp Nhật. Đến giờ hẹn, hai ông cùng đồng chí tự vệ phóng chiếc xe từ Dinh Khâm sai có cắm cờ Việt Minh tới Tổng hành dinh quân đội Nhật. Hai người phỏng đoán, có khả năng sẽ bị đe dọa, uy hiếp nhiều hơn là bị cầm bắt nên chuẩn bị một thái độ thận trọng, thăm dò. Ông Long dặn ông Nghĩa: “Khi nói chuyện không nên động chạm đến thất bại của Nhật và hai quả bom nguyên tử của Mỹ vừa thả”. Viên Toàn quyền đã đợi sẵn ở phòng khánh tiết. Ông Nghĩa từ tốn: “Chúng tôi rất xúc động nhận được tin Thiên Hoàng chính thức ban lệnh đình chiến và đã đồng ý cho các ngài rút quân khỏi Đông Dương…”. Vừa nghe hai chữ “Thiên Hoàng”, thái độ của viên tướng Nhật và cộng sự thay đổi hẳn. Không khí cuộc gặp trở nên trang trọng, gần gũi hơn. Sau một hồi thương thảo, phía Nhật chấp nhận án binh bất động, không can thiệp vào công việc của Việt Minh. Đổi lại, binh lính Nhật sẽ được bảo đảm an toàn, không bị Việt Minh tấn công. Cuộc đàm phán thành công không chỉ làm cho cách mạng tránh được cuộc đụng độ với quân Nhật mà điều quan trọng là đã buộc các nhà chức trách Nhật phải thừa nhận chính quyền mới, dập tắt những hy vọng của các lực lượng chính trị khác tại Hà Nội khi đó.
Rời Tổng hành dinh của quân đội Nhật, hai ông trở về trụ sở Ủy ban khởi nghĩa khi đã nửa đêm. Thường vụ Xứ ủy rất phấn khởi khi nghe các ông báo cáo kết quả cuộc đàm phán với Toàn quyền Nhật và thông qua quyết định thành lập Ủy ban Nhân dân cách mạng Bắc Bộ do Nguyễn Khang làm chủ tịch, Lê Trọng Nghĩa là ủy viên, phụ trách công tác đối ngoại. Chính quyền mới sẽ ra mắt nhân dân vào ngay sáng ngày 20-8-1945…
(Ghi theo lời kể của Đại tá Lê Trọng Nghĩa)

No comments:

Post a Comment