Sunday 16 February 2014

MÂU THUẪN, XUNG ĐỘT TRONG QUAN HỆ VIỆT - TRUNG VÀ CHIẾN TRANH BIÊN GIỚI THÁNG 2 - 1979 (Nguyễn Thị Mai Hoa - Văn Hóa Nghệ An)



MÂU THUẪN, XUNG ĐỘT TRONG QUAN HỆ VIỆT - TRUNG VÀ CHIẾN TRANH BIÊN GIỚI THÁNG 2 - 1979

  •   NGUYỄN THỊ MAI HOA
  • Thứ bảy, 15 Tháng 2 2014 15:19
  • font size giảm kích thước chữ tăng kích thước chữ
Tù binh Trung Quốc trong cuộc chiến tranh biên giới 2.1979Tù binh Trung Quốc trong cuộc chiến tranh biên giới 2.1979
Trong những năm đầu sau ngày giải phóng miền Nam Việt Nam (1975), Trung Quốc là nước tiếp tục giúp đỡ, viện trợ cho Việt Nam. Theo một logic thông thường, lý ra sự hợp tác, quan hệ truyền thống giữa hai nước càng phải được củng cố, phát triển. Tuy nhiên, từ giữa năm 1975, do nhiều nguyên nhân lịch sử, chính trị.... quan hệ Việt Nam - Trung Quốc rạn nứt và trở nên không bình thường, rơi vào tình trạng thường xuyên căng thẳng dẫn đến đến đối đầu, xung đột với sự kiện đỉnh cao là cuộc tấn công của Trung Quốc dọc theo biên giới phía Bắc Việt Nam (2-1979).
1- “Khoảng lặng” trong quan hệ Việt - Trung
Sau năm 1975, điều bất thường là quan hệ Việt Nam - Trung Quốc bắt đầu bộc lộ nhiều “lỗ hổng” và mang dáng vẻ lạnh nhạt. Dường như không phải ngẫu nhiên mà đúng lúc Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam Lê Duẩn bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tại Bắc Kinh, tờ Nhân dân nhật báo ngày 18-9-1975 đã đăng 6 ảnh lớn về các đơn vị quân đội Trung Quốc ở Hoàng Sa[1]. Tương tự, một ngày sau khi phái đoàn Việt Nam rời khỏi Trung Quốc, các bức ảnh lớn về Hoàng Sa tiếp tục xuất hiện trong những tờ báo uy tín tại Bắc Kinh. Nhìn chung, chuyến thăm Bắc Kinh tháng 9-1975 của Lê Duẩn được các nhà quan sát coi như một thất bại chính trị - ngoại giao[2], bởi mặc dù được tiếp đón có vẻ như trọng thị, song phái đoàn đã rút ngắn thời gian lưu lại tại Bắc Kinh và đã không mở tiệc chiêu đãi để cảm tạ lòng hiếu khách của người Trung Hoa như vẫn thường thấy trong thông lệ ngoại giao. Phái đoàn đã rời Bắc Kinh đúng hai ngày trước khi kỷ niệm ngày Quốc khánh Trung Quốc (1-10), mà không đưa ra bất cứ một phát biểu hoặc thông cáo nào về cuộc viếng thăm. Tiếp đó, ngày 26-11-1975, sau khi Đoàn Việt Nam kết thúc chuyến thăm hữu nghị Liên Xô, tờ Quang minh nhật báo có bài viết về Hoàng Sa và Trường Sa với lời báo động không giấu giếm: "Một số đảo vẫn chưa trở về trong tay nhân dân Trung Hoa… Tất cả các đảo thuộc về Trung Hoa đều phải trở về lãnh thổ của Tổ quốc"[3].
Tuy hai nước còn cố gắng kiềm chế, tránh xung đột, nhưng từ giữa những năm 1976, quan hệ Việt - Trung đã xấu đi rất nhanh chóng với các tranh cãi liên quan đến vấn đề biên giới, vấn đề người Việt gốc Hoa và đặc biệt về vai trò của Liên Xô trong các vấn đề thế giới, khu vực. Trong bài phát biểu của Lê Duẩn tại Hội nghị lần thứ 25 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (họp từ ngày 24-9 đến 24-10-1976) xuất hiện những cụm từ nhiều hàm ý: “Ta thắng là nhờ có sự giúp đỡ tích cực của Liên Xô, Trung Quốc, của phe ta, của thế giới, Liên Xô và Trung Quốc giúp ta rất nhiều. Không có sự giúp đỡ của họ ta khó lòng thắng được. Ta phải luôn luôn biết ơn Liên Xô, Trung Quốc và các nước anh em khác đã giúp ta; ta nói cho con cháu ta mãi mãi nhớ ơn họ. Nhưng chúng ta phải độc lập, tự chủ bởi vì trong quan hệ quốc tế, mỗi nước có lập trường riêng do vị trí và quyền lợi mỗi nước một khác, cho nên giữa các nước anh em, khó có sự nhất trí với nhau, có khi về những vấn đề rất quan trọng đối với một nước trong phe, cũng không nhất trí được”[4].
Tháng 2-1977, Trung Quốcngỏ ý với Việt Nam rằng, không sẵn sàng cung cấpviện trợ cho Việt Nam trong công cuộc tái thiết đất nước sau chiến tranh[5].
Cũng vào thời kỳ này, biên giới Việt Nam - Campuchia liên tục có xung đột. Chính phủ Việt Nam không dưới một lần đề nghị Trung Quốc giúp đỡ dàn xếp, mong muốn thông qua hợp tác với Trung Quốc tác động tới phía Campuchia, song Trung Quốc đã im lặng. Việc Trung Quốc từ chối ủng hộ Việt Nam trong việc tìm kiếm các phương thức giải quyết căng thẳng biên giới với Campuchia càng cho thấy những vết nứt sâu hơn trong quan hệ hai nước. Điều đáng chú ý là trong thời điểm phức tạp, nhạy cảm của quan hệ Việt Nam - Campuchia, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Hoàng Hoa đã chính thức phát biểu (30-7-1977): “Chúng tôi ủng hộ lập trường chống đế quốc xét lại Liên Xô của Campuchia... và sẽ không thể ngồi nhìn bất cứ sự can thiệp nào đối với chủ quyền Campuchia hoặc thèm khát lãnh thổ nào bởi đế quốc xã hội. Chúng tôi sẽ ủng hộ Campuchia trong cuộc đấu tranh và có các hành động nhằm bảo vệ lãnh thổ, chủ quyền quốc gia Campuchia bằng mọi sự giúp đỡ có thể”[6]. Ngầm sau lời tuyên bố đó, người ta dễ dàng nhận thấy ẩn ý “chống lưng” của Ban lãnh đạo Trung Quốc đối với tập đoàn Polpot-Iêngxari.
Ngày 20-11-1977, Lê Duẩn sang thăm Trung Quốc một lần nữa. Đây được coi như một nỗ lực nhằm hàn gắn những vết rạn nứt trong quan hệ với Trung Quốc, thực hiện việc cố gắng cân bằng quan hệ giữa Việt Nam - Liên Xô; Việt Nam - Trung Quốc. Tuy nhiên, giới quan sát nhận thấy rằng, người đứng đầu Nhà nước Việt Nam Lê Duẩn đã được đón tiếp với một thái độ vừa phải (nếu không muốn nói là lạnh nhạt), trái ngược với sự trọng thị và nồng nhiệt được dành cho Polpot trước đó một tháng[7]. Chuyến viếng thăm Trung Quốc lần này của Lê Duẩn chẳng những không làm cho quan hệ hai nước ấm lên, mà bộc lộ những bất đồng mới. Trong cuộc hội đàm giữa Lê Duẩn và Hoa Quốc Phong, mặc dù hai bên đều tránh nói đến một vấn đề tế nhị trong quan hệ hai nước là những tranh chấp về Hoàng Sa, Trường Sa, song sự khác biệt về quan điểm đối với việc nhìn nhận thế giới, chiến tranh và hòa bình… đã bộc lộ ngày càng rõ. Lê Duẩn bày tỏ quan điểm không tham gia vào cuộc tranh cãi Trung - Xô thông qua việc "chân thành cảm ơn Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác về sự nhiệt tình, giúp đỡ to lớn đối với Việt Nam". Không khí có vẻ căng thẳng hơn, khi Lê Duẩn đề nghị những nhà lãnh đạo Trung Quốc yêu cầu Campuchia Dân chủ chấp nhận một giải pháp cho cuộc xung đột trên tuyến biên giới Tây Nam, nhưng Trung Quốc đã không mấy mặn mà. Cuối cùng, giống như chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 9-1975, Lê Duẩn cũng đã ra về mà không mở tiệc khoản đãi “những người Trung Hoa anh em”.
Về phía Trung Quốc, từ cuối năm 1977, các văn kiện của Quân khu Quảng Châu luôn nhấn mạnh tinh thần "phải chuẩn bị các mặt để đánh Việt Nam", tuyên truyền: "Việt Nam là tay sai của Liên Xô, có tham vọng xâm lược Campuchia, Lào, chiếm Đông Nam Á, thực hiện bá quyền khu vực, phải đánh cho bọn xét lại Việt Nam, không đánh là không thể được và phải đánh lớn. Việt Nam là tiểu bá ở châu Á, xâm lược Campuchia, xua đuổi người Hoa"[8]. Tháng 1-1978, Thủ tướng Phạm Văn Đồng yêu cầu các nước xã hội chủ nghĩa giúp đỡ giải quyết cuộc xung đột Việt Nam - Campuchia. Một lần nữa Trung Quốc không đáp ứng. Trong khi đó, tháng 1-1978, Bà Đặng Dĩnh Siêu, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc sang thăm Phnompenh và ký một hiệp định xúc tiến viện trợ quân sự cho Campuchia Dân chủ, bắt đầu chuyển vũ khí đến Campuchia. Thậm chí, trong chuyến thăm, bà Đặng Dĩnh Siêu đã tuyên bố, Trung Quốc sẽ không tha thứ cho một cuộc tấn công nào vào liên minh của họ (ngụ ý ám chỉ Việt Nam đã rõ, mặc dù không nêu đích danh).
2- Những đợt sóng mới
Sự rạn nứt trong quan hệ Việt - Trung trở nên sâu sắc và chuyển dần sang trạng thái căng thẳng, xung đột thể hiện qua hàng loạt sự kiện rắc rối khác, mà trước tiên là vấn đề người Việt gốc Hoa.
So với các khu vực khác trên thế giới, Đông Nam Á (trong đó có Việt Nam) là nơi có số lượng tương đối lớn Hoa kiều làm ăn, sinh sống, "lên tới hơn 20 triệu người (năm 1978)"[9]. Ở Việt Nam có khoảng 1,2 đến 2 triệu người Hoa đến lập nghiệp từ lâu đời, là một trong những thế lực kinh tế mạnh mẽ, nhất là ở miền Nam Việt Nam. Hoa kiều được gọi là “đội quân thứ năm” trong chính sách tăng cường ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực.
Người Hoa là một bộ phận cùng hợp thành cộng đồng dân tộc Việt Nam với 54 dân tộc thống nhất trong đa dạng.Cư dân người Hoa ở Việt Nam có nguồn gốc từ Trung Quốc, thuộc nhóm ngôn ngữ Hán của ngữ hệ Hán – Tạng[10]. Dưới các triều đại phong kiến Việt Nam thế kỷ XVIII, XIX, quy chế đối với người Hoa ở Việt Nam không khác gì so với cư dân thuộc các cộng đồng dân tộc khác[11]. Trong chiến tranh và xây dựng đất nước thời bình, người Hoa đã “đồng cam cộng khổ”, sát cánh cùng các dân tộc Việt Nam.
Về phía Trung Quốc, trước năm 1949, Trung Quốc yêu cầu tất cả các Hoa kiều tiếp tục giữ quy chế công dân Trung Quốc, hoặc có hai quốc tịch. Điều đó đồng nghĩa với việc Trung Quốc đòi duy trì quyền lãnh ngoại (quyền có thể can thiệp vào nước khác để bảo vệ kiều dân của mình). Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, các quốc gia độc lập ở Đông Nam Á đã đưa ra những đạo luật hạn chế các hoạt động của người Hoa, đặc biệt là hạn chế quy chế hai quốc tịch. Năm 1950, theo sáng kiến của Chu Ân Lai, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa chính thức từ bỏ yêu sách về quyền lãnh ngoại, coi như là sự chấp nhận những nguyên tắc bình đẳng giữa các quốc gia.
Năm 1955, ở miền Bắc Việt Nam, theo thỏa thuận của Đảng Lao động Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc, "người Hoa cư trú ở miền Bắc Việt Nam phải được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam"[12], sau dần dần chuyển thành công dân Việt Nam, được hưởng những quyền lợi như người Việt Nam và tự nguyện nhận quốc tịch Việt Nam. Cho đến năm 1975, giữa Việt Nam - Trung Quốc không có bất cứ một bất đồng nào trong vấn đề người Hoa ở miền Bắc Việt Nam. Còn ở miền Nam Việt Nam, từ năm 1956, dưới Chính quyền Ngô Đình Diệm, Hoa kiều đã gia nhập quốc tịch Việt Nam để có điều kiện dễ dàng làm ăn, sinh sống[13].
Tháng 4-1978, Việt Nam tiến hành cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh ở miền Nam. Vấn đề người Hoa được Trung Quốc nêu lên. Trung Quốc coi việc Việt Nam tiến hành cải tạo công thương nghiệp, động chạm tới người Hoa ở một số thành phố lớn miền Nam như một sự công khai thách đố chính sách bảo vệ Hoa kiều hải ngoại mà Trung Quốc vừa công bố[14]. Một phong trào đòi lấy quốc tịch Trung Quốc trong người Hoa ở Việt Nam được dấy lên. Trung Quốc đưa ra chính sách "đoàn kết với giai cấp tư sản Hoa kiều", kêu gọi chống lại chính sách "bài Hoa" của Việt Nam; đồng thời, loan truyền trong cộng đồng người Việt, gốc Hoa những luận điệu kích động[15]về một cuộc chiến tranh không thể tránh khỏi giữa Việt Nam - Trung Quốc, gây tâm lý hốt hoảng trong quần chúng người Hoa. Do sự khuyến khích đó của Trung Quốc và với sự im lặng đồng tình ngầm của Việt Nam muốn tống xuất hiểm họa của "đội quân thứ năm", trong năm 1978, các dòng người Hoa ở Việt Nam ồ ạt kéo về Trung Quốc[16]. Ngày 30- 4-1978, Chủ nhiệm Văn phòng Hoa kiều vụ đã phát biểu bày tỏ "sự quan tâm đối với hiện tượng Hoa kiều ở Việt Nam về nước hàng loạt", hứa hẹn "sẽ sắp xếp thích đáng cho những Hoa kiều đã trở về một cách vội vàng". Để thu hút sự chú ý của dư luận thế giới về tình trạng "nạn kiều", Trung Quốc lập ra các trạm đón tiếp dọc theo biên giới hai nước, tuyên bố sẽ gửi hai tầu chuyên chở sang Việt Nam để đón "nạn kiều" về nước, nói trắng ra rằng, tàu Trung Quốc sang Việt Nam không phải để đón người Hoa, người Việt gốc Hoa, hay Hoa kiều muốn đi Trung Quốc", mà đón "nạn kiều"[17].Tháng 5-1978, Trung Quốc đơn phương đưa tàu sang đón người Hoa về Trung Quốc[18]Ngày 12-7-1978, Trung Quốc đóng cửa biên giới Việt Nam – Trung Quốc, làm cho hàng vạn người Hoa muốn đi Trung Quốc bị kẹt lại, tạo nên tình trạng mất an ninh ở khu vực biên giới. Đến khi các đợt ra đi của người Hoa trở nên ồ ạt, Trung Quốc lại đưa ra điều kiện là người Hoa muốn về Trung Quốc phải chính thức xin giấy phép hồi hương do Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội cấp, cần có hộ chiếu xuất cảnh của Chính quyền Việt Nam. Trung Quốc chỉ đón nhận những “nạn kiều người Hoa” đang bị Chính quyền Việt Nam ngược đãi, chứ dứt khoát không nhận về “người Việt gốc Hoa”, hay người Hoa có quốc tịch Việt Nam. Cũng cần nói thêm rằng, trong khi Trung Quốc khêu lên vấn đề bảo vệ Hoa kiều một cách mạnh mẽ, thì ở Campuchia, do chính sách khủng bố trong nước của Chính quyền Campuchia, hàng vạn Hoa kiều chạy khỏi Campuchia, song Trung Quốc đã không có bất cứ một động thái phản đối nào.
Sự ra đi đông đảo của cư dân người Hoa đã làm cho tình trạng kinh tế tại các vùng biên giới phía Bắc Việt Nam trở nên tồi tệ. Hàng vạn người Hoa vội vã bỏ nhà cửa, chuẩn bị “hồi hương” đã phá hoại nghiêm trọng nền kinh tế nhỏ trong các hộ gia đình, làm tăng thêm tình trạng khan hiếm hàng hoá tiêu dùng một cách gay gắt, đánh mạnh vào nền kinh tế Việt Nam vốn đã khủng hoảng. Vấn đề người Hoa ở Việt Nam và phong trào đòi trở lại quốc tịch Trung Quốc đã làm mối quan hệ giữa Việt Nam - Trung Quốc trở nên phức tạp. Đây là một trong những nguyên nhân làm căng thẳng quan hệ Việt Nam - Trung Quốc sau năm 1975.
Việc Trung Quốc đơn phương cắt viện trợ cho Việt Nam là một trong những nguyên nhân tiếp theo làm cho sự căng thẳng trong quan hệ Việt - Trung ngày càng gia tăng. Ngày 12-5-1978, Bộ Ngoại giao Trung Quốc gửi Công hàm cho Đại sứ quán Việt Nam ở Trung Quốc thông báo quyết định cắt 21 dự án ở Việt Nam, với lý do là để chuyển các khoản tiền cùng vật chất trong các dự án này cho người Hoa hồi hương sinh hoạt và lao động sản xuất. Sau đó, Chính phủ Trung Quốc đã gửi Chính phủ Việt Nam Công hàm ngày 30-5-1978 hủy bỏ thêm thêm 51 dự án khác[19], cũng với lý do cách đối xử của Chính phủ Việt Nam đối với người Hoa là gánh nặng tài chính cho Trung Quốc, do Trung Quốc phải giải quyết vấn đề người Hoa nhập vào Trung Quốc từ Việt Nam[20]. Chỉ trong tháng 5-1978, Trung Quốc đã cắt 72 trong số 111 công trình viện trợ[21],gây cho Việt Nam nhiều khó khăn trong lĩnh vực kinh tế. Ngày 3-7-1978, Trung Quốc gửi thêm một công hàm nữa cho Chính phủ Việt Nam thông báo chấm dứt mọi trợ giúp kinh tế, kỹ thuật[22]và rút tất cả các chuyên gia Trung Quốc đang làm việc ở Việt Nam về nước[23].Ngày 22-12-1978, Trung Quốc đơn phương hủy bỏ việc chuyên chở trên tuyến đường sắt liên vận từ Hà Nội đến Bắc Kinh. Lý giải việc cắt toàn bộ viện trợ, ngoài  lý do vì “gánh nặng rất lớn về tài chính của Trung Quốc trong việc sắp xếp sản xuất và đời sống cho nạn kiều”[24], Trung Quốc còn đưa thêm lý do “Việt Nam ngày càng chống Trung Quốc, bài Hoa một cách nghiêm trọng, phá hoại các điều kiện tối thiểu nhất để các chuyên gia Trung Quốc tiếp tục công tác tại Việt Nam”[25], nên “Chính phủ Trung Quốc mới buộc phải quyết định ngừng viện trợ kinh tế, kỹ thuật cho Việt Nam, điều cán bộ Trung Quốc ở Việt Nam về nước”[26].  Cần lưu ý rằng, từ chối viện trợ cho Việt Nam với lý do “gánh nặng kinh tế giải quyết vấn đề người Việt gốc Hoa”, nhưng trong dịp Vương Thượng Vĩnh, Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc đến Phnôm Pênh đàm phán với Son Sen (2-1976), những nhà lãnh đạo Trung Quốc đã ký viện trợ quân sự cho Campuchia một khoản tiền không hề nhỏ, trị giá 226 triệu nhân dân tệ (tương đương 1,5 tỷ USD) trong ba năm (1976-1978)[27].
Cắt viện trợ cho Việt Nam vào thời điểm Việt Nam mới ra khỏi khói lửa chiến trường, đang nỗ lực khắc phục hậu quả chiến tranh, kiến thiết đất nước và gồng mình bảo vệ tuyến biên giới Tây Nam, quả thật, Trung Quốc đã giáng một “đòn chí tử” có tính toán vào nền kinh tế của Việt Nam đang trong thời kỳ bấp bênh, khiến Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với những thử thách mới.
Cùng với việc đơn phương cắt bỏ mọi khoản viện trợ mà hai bên đã ký kết, Trung Quốc hủy bỏ hiệp ước về lãnh sự. Ngày 17-6-1978, Trung Quốc yêu cầu các lãnh sự quán Việt Nam ở Côn Minh, Quảng Châu và Nam Ninh phải dời về nước. Quan hệ Việt - Trung tiếp tục đi xuống một bước.
Đi kèm với vấn đề người Hoa,“câu chuyện Campuchia” tiếp tục là một nhức nhối mới trong quan hệ Việt - Trung.
 Ngay từ giữa những năm 60 (XX), các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã có kế hoạch nắm trọn vấn đề Campuchia, phục vụ  mục đích tạo vùng ảnh hưởng của mình tại khu vực Đông Nam Á, sau khi nhận thấy “những biểu hiện bướng bỉnh” của Việt Nam đi chệch quỹ đạo mà Trung Quốc muốn sắp đặt. Từ năm 1973, Ban lãnh đạo Trung Quốc đã có chỉ thị: "Bề ngoài ta đối xử tốt với họ (Việt Nam - TG) như đối xử với đồng chí mình, nhưng trên tinh thần phải chuẩn bị họ trở thành kẻ thù của chúng ta"[28].Nói như nhà báo Gareth Porter (tờ Dân tộc, New York), thì “Campuchia đóng vai trò trung tâm trong chiến lược của Trung Quốc, nhằm bao vây ảnh hưởng của Việt Nam tại Đông Nam Á”[29]. Thực hiện kế hoạch nắm Campuchia, Trung Quốc tăng cường viện trợ cho Campuchia Dân chủ. Theo tính toán của nhà nghiên cứu D.R.SarDesai, “từ năm 1975-1978, Trung Quốc cung cấp cho Campuchia súng đại bác, súng cối, súng bazoca, súng đại liên, súng trung liên, vũ khí các loại, xe cộ và xăng đầu đầy đủ để trang bị cho đội quân 200.000 người. Trung Quốc cũng viện trợ cho Campuchia một khoản tiền rất lớn. Thêm vào đó, Trung Quốc đã gửi khoảng 10.000 cố vấn và chuyên gia quân sự sang Campuchia để hỗ trợ và rèn luyện quân đội Pôn Pốt”[30]. Nhà báo Marish Chandona[31] cung cấp một thông tin: Nếu tháng 7-1977, Campuchia chỉ có 6 sư đoàn, thì vào tháng 1-1978, Campuchia có 25 sư đoàn, Trung Quốc đã cung cấp vũ khí để lập ra 19 sư đoàn mới trong ba năm[32].
Những năm 1975-1976, Trung Quốc vẫn còn muốn giữ quan hệ, duy trì ảnh hưởng của mình tại Việt Nam, muốn Việt Nam đứng về phía mình để chống Liên Xô, giảm ảnh hưởng của Liên Xô tại Việt Nam và vùng Đông Nam Á; do vậy, Trung Quốc vẫn đóng vai trò trung gian hoà giải khi những cuộc đụng độ quân sự giữa Việt Nam và Campuchia mới bắt đầu diễn ra. Nhưng từ đầu năm 1977 trở đi, khi quan hệ giữa Việt Nam và Campuchia trở nên gay gắt, rồi dẫn đến tan vỡ ngoại giao vào cuối năm 1977 và tiếp diễn chiến tranh trong năm 1978, quan hệ Việt – Trung cũng chuyển sang một tình trạng xấu hơn, phức tạp hơn, nhất là khi Trung Quốc ủng hộ cả chính trị, lẫn quân sự cho chế độ Khơme Đỏ.Từ tháng 9 đến tháng 10-1977, Pôn Pốt có chuyến thăm dài ngày tới Trung Quốc, nhằm thắt chặt thêm quan hệ liên minh được thiết lập. Sau chuyến thăm này, tháng 12-1977, Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Đông Hưng đã tới thăm Campuchia và đi thị sát những vùng gần biên giới Việt Nam. Tuyên bố của Phó Thủ tướng Uông Đông Hưng cũng mạnh mẽ hơn và đầy hàm ý: “Không một lực lượng nào có thể đứng cản trở quan hệ hữu nghị giữa Trung Quốc và Campuchia, hai nước sẽ là đồng chí với nhau mãi mãi”[33]. Tháng 3-1978, các kỹ sư Trung Quốc xây dựng lại đường xe lửa Konpongthom - Phnôm Pênh và ở lại tại chỗ sau khi sửa xong. Ngày 12-7-1978, lần đầu tiên, tờ Nhân dân Nhật báo - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, công khai buộc tội Việt Nam “tìm cách sáp nhập Campuchia vào một Liên bang Đông Dương dưới sự thống trị của Việt Nam”[34]. Ngày 4-11-1978 (một ngày sau khi Việt Nam và Liên Xô ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa hai nước có giá trị 25 năm), Uỷ viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc Uông Đông Hưng đi Phnôm Pênh để tỏ sự ủng hộ của Bắc Kinh đối với chính sách của Campuchia[35]. Theo Cơ Bằng Phi, thì đó là sự trả lời trực tiếp của Trung Quốc đối với việc ký Hiệp ước Việt - Xô. Tháng 1-1979, Việt Nam đưa quân vào Campuchia, lật đổ chế độ Pôn Pốt và đối với Trung Quốc, "việc không thể chấp nhận được đã thành sự thật"[36].  Một thời gian ngắn sau khi Phnompenh bị thất thủ, tờ Nhân dân Nhật báo (27-1-1979) đã có bài viết, trong đó chứa nhiều hàm ý: “Sự thất thủ của Phnompenh không có nghĩa là chiến tranh chấm dứt mà chỉ là khởi đầu”. Nói một cách cụ thể hơn, đối với Trung Quốc, "vấn đề Campuchia đóng vai trò vật xúc tác để đẩy các quan hệ với Việt Nam vượt quá một điểm không thể nào quay trở lại được nữa"[37].
Campuchia bị mất, Thái Lan trở nên một địa bàn quan trọng để Trung Quốc có thể tiếp tục giúp đỡ cho Khơme Đỏ. Tháng 1-1979, Đặng Tiểu Bình bí mật cử Uỷ viên Bộ Chính trị Gừng Giao cùng Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Niệm Long khẩn cấp sang Bangkok, hội đàm với Thủ tướng Thái Lan Kriangsak tại căn cứ không quân Utapao. Thái Lan lúc này không còn giữ thái độ trung lập nữa, đồng ý để Trung Quốc sử dụng lãnh thổ của mình làm nơi tiếp tế cho Khơme Đỏ. Đồng thời, trước sự vận động của Trung Quốc, sau hơn mười năm vắng bóng trên chính trường, ông Hoàng Sihanouk xuất hiện, đại diện cho Campuchia đọc diễn văn trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, yêu cầu Đại hội đồng ra nghị quyết buộc Việt Nam phải rút quân ra khỏi Campuchia[38].
Trong thời gian này, bên cạnh những khúc mắc như đã nói ở trên, xung đột biên giới trên bộ và tranh chấp chủ quyền trên biển Đông là một trong biểu hiện cụ thể, tập trung nhất trạng thái bất bình thường trong quan hệ Việt - Trung, nó đẩy quan hệ Việt - Trung rơi xuống nấc thấp nhất.
Với Trung Quốc, Việt Nam có đường biên giới đất liền dài khoảng 1.406 km, từ ngã ba biên giới Việt Nam - Trung Quốc - Lào đến bờ biển vịnh Bắc Bộ (Quảng Ninh – Quảng Đông), đi qua 7 tỉnh biên giới phía Việt Nam, tiếp giáp với hai tỉnh phía Trung Quốc[39]. Đường biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc là đường biên giới thực tế lịch sử, đến cuối thế kỷ XIX đã trở thành đường biên giới pháp lý (được luật pháp quốc tế thừa nhận). Theo R.V.Pretcot thì đây là "một trong những biên giới được xác định tốt nhất trong khu vực"[40].
Từ giữa năm 1975, tình hình biên giới Việt Nam - Trung Quốc trở nên căng thẳng do những hoạt động vũ trang từ phía Trung Quốc. Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc ngày càng xấu đi với những xung đột ở biên giới Việt Nam - Trung Quốc tại khu vực Cao Bằng - Lạng Sơn vào cuối năm 1976. Tháng 3-1977, Việt Nam và Trung Quốc tiến hành đàm phán về vấn đề biên giới Cao Lạng - Quảng Tây. Đoàn Việt Nam yêu cầu bàn biện pháp chấm dứt các vụ vi phạm biên giới quốc gia và trở lại đường biên giới lịch sử, trong khi đó, Đoàn Trung Quốc chỉ đề nghị bàn biện pháp ngăn ngừa xung đột, giữ nguyên trạng trong khi chờ Chính phủ hai nước đàm phán giải quyết vấn đề biên giới Việt Nam - Trung Quốc.
Từ năm 1978 đến đầu năm 1979, mức độ xâm phạm lãnh thổ, vũ trang khiêu khích biên giới Việt Nam của Trung Quốc ngày càng nghiêm trọng. Đặc biệt, từ tháng 7-1978, Trung Quốc đã sử dụng hành động này phục vụ cho mục đích công khai và chuẩn bị tạo cớ, gây cuộc tấn công dọc theo toàn tuyến biên giới Việt Nam. Theo thống kê của Việt Nam, công bố trong Bị vong lục của Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ngày 15-2-1979, số vụ xâm phạm vũ trang của Trung Quốc vào lãnh thổ Việt Nam năm 1978 là 583 vụ, tháng 1 và những tuần lễ đầu tháng 2-1979 tăng lên 230 vụ[41]. Cùng với những hoạt động vũ trang trên vùng biên giới đất liền với quy mô ngày càng rộng lớn, nhịp độ ngày càng tăng, Trung Quốc còn cho máy bay chiến đấu xâm phạm vùng trời, cho tầu thuyền xâm phạm vùng biển của Việt Nam. Trong năm 1978, đã cho trên 100 lượt máy bay xâm phạm vùng trời và 481 lượt tầu thuyền hoạt động khiêu khích trên vùng biển Việt Nam[42].
Trên biển Đông, vấn đề tranh chấp quan trọng nhất của Trung Quốc đối với Việt Namliên quan đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ngày 10-9-1975, phía Trung Quốc gửi công hàm cho Việt Nam Dân chủ cộng hòa khẳng định chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Tây Sa và Nam Sa (Hoàng Sa và Trường Sa-TG). Trong chuyến viếng thăm Trung Quốc của Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Việt Nam do Lê Duẩn dẫn đầu vào tháng 9-1975, phía Việt Nam nêu vấn đề chủ quyền của mình đối với hai quần đảo này. Trong cuộc gặp ngày 24-9-1975, nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình tuyên bố rằng, phía Trung Quốc có đầy đủ chứng cứ để khẳng định quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ xưa đến nay là lãnh thổ Trung Quốc, nhưng cần theo nguyên tắc hiệp thương hữu nghị để giải quyết bất đồng. Đặng Tiểu Bình cũng bày tỏ rằng, sau này hai bên có thể thương lượng, bàn bạc. Ngày 12-5-1977, Chính phủ Việt Nam ra tuyên bố về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế 200 dặm và thềm lục địa Việt Nam, bao gồm cả các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Trung Quốc đã phản ứng mạnh mẽ. Ngày 30-7-1977, Ngoại trưởng Trung Quốc Hoàng Hoa tuyên bố: “Khi thời cơ đến chúng ta sẽ thu hồi toàn bộ quần đảo Nam Sa (quần đảo Trường Sa - TG) mà không cần phải thương lượng gì hết”[43].
Sau mỗi lần Trung Quốc xâm phạm lãnh thổ và vũ trang khiêu khích biên giới Việt Nam, Chính phủ Việt Nam, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần ra tuyên bố và gửi công hàm phản đối tới Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
3- Chuẩn bị ngoại giao và tiến hành cuộc tấn công toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam tháng 2- 1979
Song song với việc liên tục xâm phạm chủ quyền và lãnh thổ của Việt Nam, Trung Quốc cũng ráo riết chuẩn bị mọi mặt cho cuộc tấn công quy mô lớn trên toàn tuyến biên giới Việt Nam, tập trung những quân đoàn chủ lực lớn dọc theo biên giới Việt – Trung.Theo nguồn tin từ Cục tình báo Trung ương Hoa Kỳ CIA (sau này được các báo chí Mỹ tiết lộ), thì từ giữa năm 1978, Trung Quốc đã hoàn chỉnh các phương án tác chiến, các đơn vị bộ đội Trung Quốc đã sẵn sàng mở cuộc tiến công quân sự quy mô lớn chống Việt Nam, “vấn đề còn lại là chỉ chờ đợi thời cơ là bật đèn xanh”[44].Trong những buổi họp của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc từ giữa năm 1978 - cuối năm 1978, nhiều biện pháp “trừng phạt” Việt Nam bằng quân sự được đưa ra[45]. Ngay cả thời cơ cũng được Trung Quốc tạo ra và chuẩn bị kỹ càng sau một loạt những sự kiện “nạn kiều”, “Việt Nam xâm chiếm, vũ trang khiêu khích biên giới Trung Quốc”.Cũng cần nói thêm rằng, một bước chuẩn bị quan trọng của Trung Quốc trước khi tiến hành tấn công Việt Nam là việc Trung Quốc đã kịp ký với Nhật Bản Hiệp ước hoà bình, hữu nghị(vào ngày 12-8-1978, có giá trị trong mười năm và sẽ tái ký sau đó), nhằm thu xếp, tạo thế cân bằng chiến lược ở khu vực Đông Bắc Á có lợi cho Trung Quốc, Trung Quốc có thể rảnh tay đối phó với Việt Nam.
Ngày 5-11-1978, Đặng Tiểu Bình đi thăm các nước ASEAN để tập hợp lực lượng cho bước đi sắp tới về Việt Nam. Việc Việt Nam – Liên Xô ký kết Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác toàn diện (3-11-1978)[46]là món quà bất ngờ cho Đặng Tiểu Bình trong chuyến đi này. Tuyên truyền rằng, việc ký Hiệp ước Việt - Xô là mối de dọa đối với các nước ASEAN, Đặng Tiểu Bình kêu gọi thành lập Mặt trận chống Liên Xô và Việt Nam, bao gồm Trung Quốc, khối nước ASEAN để cân bằng lại quyền lợi của các nước Đông Nam Á và nói rõ quyết tâm của Trung Quốc không để khu vực Đông Nam Á rơi vào tay Việt Nam. Tại Bangkok, theo yêu cầu của Đặng Tiểu Bình, Thái Lan đồng ý cho phép máy bay Trung Quốc quá cảnh qua vùng trời Thái Lan để đi Campuchia và trở về. “Liên minh giữa Bắc Kinh và Bangkok đã mở ra con đường mòn Đặng Tiểu Bình xuyên qua Thái Lan và biến Thái Lan thành một cái khoen chặn chiến lược an toàn của Trung Hoa tại Campuchia”[47].
Trong chuyến đi này, Đặng Tiểu Bình không giấu giếm ý định dùng biện pháp quân sự để đối phó với Việt Nam. Thái độ của từng nước ASEAN có điểm khác nhau, nhưng đều cho rằng cuộc xung đột Việt Nam- Campuchia và Việt Nam - Trung Quốc là “nhân tố không ổn định đối với hoà bình khu vực”. Tuy nhiên, khi Việt Nam nghiêng về phía Liên Xô, các nước ASEAN cũng nhận thấy cần phải nhích hơn chút nữa về phía Trung Quốc.
Chuyến đi Mỹ của Đặng Tiểu Bình tháng 1-1979, sau đó là tới thăm Nhật cũng là nằm trong mục đích chuẩn bị cho cuộc tấn công Việt Nam vào tháng 2-1979. Trong chuyến đi này, Đặng Tiểu Bình đã thông báo về ý định chuẩn bị tấn công Việt Nam, mong muốn là có được sự hỗ trợ về tinh thần từ phía Mỹ. Khi tiếp xúc bí mật với Brzezinski. Đặng Tiểu Bình tuyên bố: “Đối với Việt Nam, Trung Quốc phải chịu trách nhiệm đối phó” và nhấn mạnh: “Các ngài nhớ kỹ một điều là những lời phát biểu của tôi trong chuyến thăm nước Mỹ sẽ hoàn toàn được chứng thực bằng những hành động”[48]. Đặng Tiểu Bình cũng bảo đảm rằng, cuộc tấn công Việt Nam sẽ giới hạn và nhanh chóng. Chuyến đi của Đặng Tiểu Bình sang Mỹ là một chuyến đi thành công, “Đặng Tiểu Bình đã chuẩn bị tinh thần cho các đồng minh một cách chắc chắn rằng sẽ thực hiện sự trừng phạt như đã loan báo”[49]Hai tuần sau chuyến thăm, ngay trước khi Trung Quốc tấn công Việt Nam, Đại sứ Mỹ Malcolm kín đáo khuyến cáo Ngoại trưởng Gromutko là Liên Xô nên tự kiềm chế trong trường hợp Trung Quốc tấn công Việt Nam, để khỏi ảnh hưởng đến việc Quốc hội Mỹ sẽ thông qua Hiệp ước SALT mà Liên Xô rất mong muốn.
Trước dư luận trong nước và quốc tế, Trung Quốc công khai tuyên bố: “Việt Nam là tiểu bá theo đại bá Liên Xô”; “Trung Quốc quyết không để cho ai làm nhục”; cuộc tiến công của Trung Quốc vào Việt Nam sắp tới là nhằm “dạy cho Việt Nam một bài học”. Trước thái độ đó, báo chí và chính giới Mỹ không có phản ứng công khai, cònA.Kosyginthì nhận định: Tuyên bố của Đặng Tiểu Bình là một bản “tuyên bố chiến tranh với Việt Nam”.
Nhìn chung lại, thông qua các bước chuẩn bị ngoại giao, Trung Quốc thấy rằng, nếu đánh Việt Nam, Mỹ sẽ đồng tình, các nước ASEAN ít nhất cũng không lên tiếng phản đối, Liên Xô sẽ có phản ứng, nhưng không có khả năng mang hải quân can thiệp. Còn Việt Nam đang đứng trước những khó khăn nghiêm trọng, những thách thức về kinh tế, chính trị, nhất là sau cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam (với số lượng thương vong bằng 74% trong kháng chiến chống Pháp), đánh Việt Nam lúc này là thuận lợi.
Từ giữa tháng 12-1978, Trung Quốc đã chọn lực lượng quân đội từ năm quân khu và đưa áp sát biên giới Trung - Việt. Từ ngày 1 đến ngày 13 tháng 1-1979, phía Trung Quốc liên tiếp có nhiều phát biểu và bình luận mà nội dung là tố cáo Việt Nam xâm lược, lên án Việt Nam “chiếm” Phnôm Pênh. Trung Quốc kêu gọi Campuchia Dân chủ đánh lâu dài và hứa sẽ ủng hộ toàn diện. Trung Quốc đưa ra Hội đồng Bảo an Dự thảo nghị quyết đòi Việt Nam rút quân, kêu gọi các nước chấm dứt viện trợ cho Việt Nam.
Từ ngày 9 đến ngày 12-2-1979, Quân uỷ Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc họp hội nghị để nghe báo cáo của Đặng Tiểu Bình và đánh giá tình hình. Hội nghị quyết định tấn công Việt Nam và thành lập Bộ Chỉ huy chung[50]. Ngày 16-2-1979, Trung Quốc tổ chức cuộc họp phổ biến ý nghĩa của cuộc chiến tranh sắp tới chống Việt Nam cho cán bộ cao cấp các ngành. Trong cuộc họp này, Đặng Tiểu Bình nêu mục tiêu, cái lợi, hại của cuộc chiến tranh chống Việt Nam, nhấn mạnh đây là cuộc phản kích tự vệ, hạn chế về thời gian và không gian[51]. Ngày 17-2-1979, sau sự chuẩn bị kỹ lưỡng trên cả hai phương diện trong nước và quốc tế, Trung Quốc đưa 60 vạn quân cùng với gần 800 xe bọc thép, xe tăng, trọng pháo và máy bay các loại đồng loạt tấn công 6 tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam từ Pa Nậm Cúm (Lai Châu) đến Pò Hèn (Quảng Ninh) và đánh sâu vào lãnh thổ Việt Nam.  Các nhà bình luận phương Tây gọi cuộc tấn công của Trung Quốc dọc tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam (1979) là "cuộc chiến giữa những người anh em Đỏ", hay "cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứba". H. Kissinger đánh giá về cuộc chiến tranh này như sau: “Yếu tố ý thức hệ đã biến mất khỏi xung đột. Các trung tâm quyền lực của cộng sản cuối cùng đã tiến hành chiến tranh giành thế cân bằng quyền lực không phải căn cứ vào ý thức hệ mà hoàn toàn xuất phát từ lợi ích dân tộc”[52].
Về phía Trung Quốc, biện minh cho hành động của mình, Trung Quốc tuyên bố đây chỉ là “một cuộc phản kích để tự vệ” (?!). Thực chất, "đây là một cuộc chiến tranh xâm lược toàn diện bằng lực lượng chính quy của hầu hết các quân khu Trung Quốc"[53]. Trung Quốc "có sự chuẩn bị kỹ càng về các mặt"[54].Mục đích của Trung Quốc trong cuộc chiến là xâm chiếm lãnh thổ Việt Nam, làm giảm tiềm lực quốc phòng, kinh tế, làm suy yếu Việt Nam, hạ uy thế chính trị, quân sự của Việt Nam, thể hiện vai trò nước lớn trong khu vực và củng cố đoàn kết nội bộ. Một chiến thắng quân sự sẽ đập tan huyền thoại chiến đấu của quân đội Việt Nam, thoả mãn tinh thần “Đại hán”, nâng cao uy tín nước lớn Trung Hoa. Mặt khác, lợi dụng vào dân số và quân số đông đảo, số lượng vũ khí dồi dào, Trung Quốc dự định bằng cuộc hành quân chớp nhoáng, chiếm đóng một số thị xã dọc biên giới, phân tán mỏng lực lượng quân sự của Việt Nam, buộc Việt Nam phải rút bớt quân từ chiến trường Campuchia về nước, cứu nguy cho Khơme Đỏ. Ngoài ra, Trung Quốc tấn công Việt Nam còn nhằm mục đích kiểm tra tính chặt chẽ của Hiệp ước phòng thủ Liên Xô - Việt Nam, thăm dò phản ứng của Liên Xô, thách đố “liên minh quân sự” Việt - Xô. Hành động quân sự để đối phó với Việt Nam sau khi Việt Nam vừa ký Hiệp ước hợp tác hữu nghị với Liên Xô là một thách đố liều lĩnh, nhưng có tính toán. Chấp nhận những hậu quả có thể xảy ra khi Liên Xô trả đũa, Trung Quốc muốn cho Liên Xô biết quyết tâm của Trung Quốc không thể để bị bao vây, không thể chấp nhận ảnh hưởng gia tăng của Liên Xô tại Đông Nam Á; đồng thời, chứng minh cho các quốc gia Đông Nam Á thấy có thể tin cậy vào Trung Quốc để ngăn chặn ảnh hưởng của Việt Nam và tham vọng của Liên Xô thông qua Việt Nam. Nhà nghiên cứu Gilbert Padoul nhận định: Trung Quốc đánh trận 17-2, còn mang tính chất thông điệp với Việt Nam và thế giới: “Trung Quốc không thể chấp nhận một Đông Dương dưới sự giám hộ của Liên Xô và Việt Nam”[55]. Nhận xét trên của Gilbert Padoul không phải là ngẫu nhiên, bởi Đặng Tiểu Bình đã không chỉ một lần tuyên bố: “Chúng tôi có thể dung thứ việc Liên Xô có 70% ảnh hưởng ở Việt Nam, miễn là 30% còn lại dành cho Trung Quốc”[56].
4- Việt Nam hành động
Cuộc tấn công dọc tuyến biên giới phía Bắc (1979) là nấc thang cao nhất thể hiện thái độ thù địch của Trung Quốc đối với Việt Nam. Ngay sau khi Trung Quốc tấn công Việt Nam, trong ngày 17-2-1979Chính phủ Việt Nam ra tuyên bố:“Nhân dân Việt Nam là một dân tộc kiên cường, anh dũng, bất khuất đã từng đánh thắng mọi kẻ xâm lược, tin tưởng sắt đá rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩaViệt Nam, lại được bạn bè khắp năm châu đồng tình và ủng hộ mạnh mẽ, nhất định sẽ đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược của những người cầm quyền Trung Quốc, bảo vệ độc lập, chủ quyền của mình”[57].Ngày 18-2-1979, Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ra Lời kêu gọi toàn dân đoàn kết “kiên quyết bảo vệ Tổ quốc, chặn đứng và đập tan cuộc chiến tranh xâm lược đầy tội ác của bọn phản động Trung Quốc”[58].Ngày 4-3-1979, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ra Lời kêu gọi,trong đó có đoạn viết:Quân thù đang giày xéo non sông đất nước ta (…).Dân tộc Việt Nam ta phải ra sức chiến đấu để tự vệ. Cuộc kháng chiến chống quân Trung Quốc xâm lược đang diễn ra(…) Đánh thắng quân xâm lược Trung Quốc lần này là nghĩa vụ dân tộc vẻ vang”[59].
Ngày 1-3-1979, Ban Bí thư ra Chỉ thị số 67, Về việc phát động và tổ chức toàn dân chuẩn bị chiến đấu và bảo vệ Tổ quốc, nêu bật nhiệm vụ “xây dựng thế phòng thủ vững chắc của đất nước, tăng cường sức mạnh chiến đấu, đánh bại quân xâm lược Trung Quốc”[60]. Tiếp đó, ngày 3-3-1979, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 16, Về cuộc kháng chiến chống bọn phản động Trung Quốc xâm lược, dự đoán chiến tranh có thể diễn biến theo hai tình huống:Một là, địch bị chặn lại ở các vùng biên giới, bị tiêu diệt lớn, buộc phải rút quân về nước. Hai là, địch tạm thời chiếm được một số thị xã và huyện biên giới, mở rộng chiến tranh đến Hà Nội, vùng đồng bằng Bắc Bộ và lan ra cả nước”[61]. Trong bất kỳ tình huống nào, cũng phải giữ vững tư tưởng chủ đạo: “Nỗ lực vượt bậc, tranh thủ giành thắng lợi trong thời gian tương đối ngắn, đồng thời phải chuẩn bị mọi điều kiện để đánh lâu dài, lâu bao nhiêu cũng đánh, quyết đánh thắng hoàn toàn quân địch. Phải nắm vững phương châm “làm chủ đất nước, làm chủ chiến trường để tiêu diệt địch; tiêu diệt địch để làm chủ đất nước, làm chủ chiến trường”[62]. Về quân sự, Nghị quyết xác định: 1Quyết tâm tiêu diệt quân xâm lược ở biên giới; 2- Cả nước ráo riết chống chiến tranh xâm lược, sẵn sàng, mạnh mẽ, vững chắc chiến đấu ở các tuyến trung du và đồng bằng; 3- Triển khai kế hoạch bảo vệ Thủ đô Hà Nội và thành phố Cảng Hải Phòng; 4-Tiến hành bố phòng, chuẩn bị chiến đấu ở khu vực hậu phương trực tiếp (từ Hà Nội đến Thanh Hoá-Nghệ Tĩnh) và trong cả nước[63].
Trên tinh thần “tất cả cho Tổ quốc quyết sinh”, quân dân Việt Nam đã anh dũng chiến đấu bảo vệ từng mảnh đất biên cương của Tổ quốc. Trên các mặt trận dọc tuyến biên giới phía Bắc, chiến thuật “biển người” của Trung Quốc đã không thể phát huy tác dụng trước ý chí bảo vệ non sông, đất nước và lòng quả cảm của những con đất Việt. Máu đã đổ trên dải đất biên cương, quân xâm lược đã bị giáng trả thích đáng: Ở hướng Cao Bằng, các cánh quân Trung Quốc đều bị bộ đội địa phương, dân quân Cao Bằng đánh chặn, bị phản kích xé tan đội hình, bỏ chạy về bên kia biên giới;trên tuyến Hoàng Liên Sơn, sau 7 ngày bị dân quân, tự vệ cùng các lực lượng vũ trang đánh trả quyết liệt, hai quân đoàn Trung Quốc vẫn không qua nổi trận địa đánh chặn, phục kích; trên các hướng Lai Châu, Hà Tuyên, Quảng Ninh, qua hơn 20 ngày, quân Trung Quốc vẫn bị chặn ở Phong Thổ, hơn 1.000 lính Trung Quốc thiệt mạng ở Hà Tuyên,hai trung đoàn Trung Quốc đã bị đánh lui tại Quảng Ninh, tháo chạy sát về biên giới.
Ngay khi Trung Quốc tấn công Việt Nam, nhân dân yêu chuộng hoà bình trên thế giới đã đứng về phía nhân dân Việt Nam, đấu tranh đòi Trung Quốc rút quân. Ngày 18-2-1979, Chính phủ Liên Xô ra tuyên bố lên án Trung Quốc xâm lược Việt Nam. Tuyên bố có đoạn viết: “Việc Trung Quốc tiến công xâm lược Việt Nam chứng tỏ một lần nữa rằng, Bắc Kinh có thái độ vô trách nhiệm biết nhường nào đối với vận mệnh của hoà bình và Ban lãnh đạo Trung Quốc sử dụng vũ khí một cách tuỳ tiện, đầy tội ác biết nhường nào!.. Những hành động xâm lược đó trái với những nguyên tắc của Liên Hợp Quốc, chà đạp thô bạo luật pháp quốc tế, càng vạch trần trước toàn thế giới thế giới thực chất chính sách bá quyền của Bắc Kinh ở Đông Nam Á”[64]. Nhiều nước trên thế giới ratuyên bố lên án Trung Quốc, đòi Trung Quốc phải lập tức rút quân về nước. Nhiều cuộc vận động ủng hộ Việt Nam về tinh thần và vật chất đã được phát động. Một số nước khác (kể cả Anh, Mỹ) yêu cầu Hội đồng Bảo an thảo luận về tình hình Đông Nam Á và tác động đối với hoà bình thế giới.
Ngày 14-3-1979, trước sự chống trả của quân, dân Việt Nam ở biên giới, trước sức ép của dư luận và có lẽ tự cho là đã "dạy" cho Việt Nam một bài học, Trung Quốc tuyên bố rút quân khỏi Việt Nam. Trong điều kiện đó, ngày 6-3-1979, Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ra Chỉ thị số 69, nhận định về tình hình và đưa ra chủ trương trong điều kiện Trung Quốc rút quân. Chỉ thị của Ban Bí thư ghi rõ: Tối 5-3-1979, Tân Hoa Xã (Trung Quốc) ra Tuyên bố về việc "Quân đội Trung Quốc đã bắt đầu rút quân từ 5-3-1979", khẳng định: “Trong khi chấp nhận cho địch rút quân, chúng ta luôn luôn phải nâng cao cảnh giác, tăng cường quốc phòng, sẵn sàng giáng trả địch đích đáng, nếu chúng lật lọng, trở lại xâm lược nước ta lần nữa”[65]. Chỉ thị nhấn mạnh thêm: “Không được một chút mơ hồ nào đối với âm mưu cơ bản của bọn phản động Trung Quốc là thôn tính nước ta, khuất phục nhân dân ta (…) luôn luôn sẵn sàng chuẩn bị chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, đập tan bọn xâm lược”[66].  Về mặt quốc tế, “cần giương cao chính nghĩa của ta, bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc và bảo vệ hòa bình, xúc tiến việc hình thành mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ, bảo vệ Việt Nam"[67]. Bên cạnh việc “chấp nhận cho Trung Quốc rút quân”, để trả lời, phía Việt Nam cũng phản kích đánh vào Malipô, Ninh Minh, hai thành phố biên giới của Trung Quốc[68].
5- Từ quá khứ đến hiện tại
Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc là một trong những mối quan hệ địa - chính trị tồn tại khá lâu đời so với nhiều mối quan hệ địa - chính trị khác trên thế giới. Trong suốt chiều dài quan hệ, Trung Quốc luôn ứng xử với Việt Nam theo tinh thần nước lớn - tư tưởng có nguồn gốc sâu xa trong xã hội Trung Quốc. Từ sau năm 1975, Trung Quốc đẩy mạnh chiến lược chống Liên Xô, đặc biệt là chống ảnh hưởng của Liên Xô tại Đông Nam Á và phá hoà hoãn Xô - Mỹ. Cũng từ năm 1975 trở đi, đối với những nhà lãnh đạo Trung Quốc, một Việt Nam thống nhất, thực hiện chính sách độc lập, tự chủ bị coi là trở ngại cho chiến lược chống Liên Xô và chiến lược mở rộng ảnh hưởng ở Đông Nam Á - địa bàn “mở nước” cổ truyền của Trung Quốc. Hơn nữa, từ giữa năm 1976, Việt Nam đã dần dần rồi đi tới dứt khoát từ bỏ hình động đầy thận trọng giữa Liên Xô và Trung Quốc, một hành động được duy trì một cách tương đối trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, ngả hẳn sang phía Liên Xô, từ chối những đòi hỏi mới của Trung Quốc. Chính vì thế, chính sách của Trung Quốc đối với Việt Nam mang tính nước lớn và hai mặt rõ rệt: Vừa lôi kéo, vừa kiềm chế, chèn ép. Khi thấy Việt Nam vượt ra ngoài quỹ đạo của mình và quan hệ không như ý muốn, Trung Quốc lập tức tiến hành các biện pháp mang tính trừng phạt: Rút chuyên gia, cắt viện trợ, gây nên làn sóng tuyên truyền về vấn đề "nạn kiều", lôi kéo người Hoa bỏ về nước; hậu thuẫn, ủng hộ Polpot - Iengxari tiến công Việt Nam từ hướng biên giới Tây Nam, dùng Campuchia như con đê ngăn chặn Việt Nam, gây ra các sự kiện khiêu khích vũ trang với mức độ xung đột ngày càng tăng ở biên giới Việt - Trung… Hành động bộc lộ sự đối đầu cao độ trong một chuỗi những sự kiện này là cuộc tấn công ồ ạt với 60 vạn quân trên toàn tuyến biên giới phía Bắc của Việt Nam (17-2-1979), nhằm "dạy cho Việt Nam một bài học" – một hành động như các nhà phân tích nước ngoài nhận xét: Trước nhân dân thế giới, trước các dân tộc châu Á, “Trung Quốc hiện ra như một nước siêu cường, quân phiệt và bá quyền, hoàn toàn có khả năng áp bức các nước láng giềng yếu hơn"[69].
Với những điều vừa trình bày ở trên, có thể thấy quan hệ giữa Việt Nam, Trung Quốc luôn có hai mặt: Thực chất và hình thức - hai mặt này không phải bao giờ cũng tương đồng. Về mặt hình thức, quan hệ hai nước được thừa nhận trong một khuôn khổ có tính chuẩn tắc mà cả hai nước cùng công nhận, song về thực chất, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc phản ánh tương quan lực lượng và lợi ích giữa hai quốc gia, nhưng là hai quốc gia láng giềng lớn và nhỏ, với các chỉ số so sánh cách biệt.
Về phía Trung Quốc, tăng cường, mở rộng ảnh hưởng, trở thành cường quốc khu vực và thế giới là cái lõi của mọi quá trình hoạch định và thực thi chính sách. Đối với khu vực, Việt Nam vẫn là một nhân tố chính yếu mà Trung Quốc cần quan tâm và kiềm chế, nhằm thực hiện mục đích của mình một cách ít trở ngại nhất. Chính sách kiềm chế Việt Nam của Trung Quốc là nhất quán và lâu dài, tồn tại song song với mục tiêu chiến lược nêu trên; vì vậy, nó vẫn tiếp tục là nguyên nhân của những khó khăn, thách thức trong quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc hiện nay.
Ở thời điểm hiện tại, vấn đề nổi cộm, có ý nghĩa trọng yếu đối với an ninh quốc gia và vị thế đất nước liên quan đến quan hệ Việt - Trung là tranh chấp trên biển Đông, liên quan đến hai quần đảoHoàng Sa và Trường Sa.
Với tầm quan trọng của biển Đông, Trung Quốc coi đây là "không gian sinh tồn" với ý định rõ ràng là phải sở hữu bằng được các quyền lợi sống còn của biển Đông, mở rộng cương vực sinh tồn, tạo thêm sức mạnh trong cán cân quyền lực ở châu Á - Thái Bình Dương. Trong các tranh chấp trên biển Đông, Trung Quốc luôn có các hành động khó lường và yêu sách lấn dần không định rõ. Nói cách khác, chiến lược của Trung Quốc dường như đồng thời: Củng cố khả năng hải quân, mở rộng khả năng hiện diện hiện thực, từ đó hợp thức hóaviệc chiếm đóng.Có vẻ như Trung Quốc đã phát triển một chính sách ba không để giải quyết các vấn đề trên biển Đông: Không định rõ yêu sách, không đàm phán nhiều bên, không quốc tế hóavấn đề, bao gồm cả không có sự tham gia của các cường quốc ngoài khu vực[70]. Đó là cách, như Valencia.M.J bình luận: “Trung Quốc đang tìm cách viết nên luật lệ của chính mình cho trật tự thế giới, thay bằng việc chấp nhận các nguyên tắc đang tồn tại”[71]
Đối với các tranh chấp biển Đông, Việt Namkhông thể và không bao giờ từ bỏ chủ quyền đối với lãnh hải và thềm lục địa của mình. Tuy nhiên, tồn tại bên cạnhvà giải quyết tranh chấp với một người láng giềng khổng lồ luôn có khát khao thống trị thực sự là một áp lực đối với Việt Nam - Trung Quốc là một thực tế, là một câu chuyện "không bao giờ kết thúc". Trung Quốc, Việt Nam núi biển liền nhau như môi với răng, có mối quan hệ không chia cắt về địa dư, khi muốn gây sức ép, Trung Quốc không thiếu cách thức và lý do.
Lịch sử là một dòng chảy liên tục nối quá khứ với hiện tại và định hình con đường đi tới tương lai, là cuộc đối thoại nghiêm khắc giữa hiện tại với quá khứ, kết nối ngày hôm qua với hôm nay. Cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 đã lùi xa vào lịch sử 35 năm, thế giới đổi thay nhanh chóng, lịch sử đầy ắp các sự kiện, các thăng trầm khó đoán định trước. Tuy nhiên, lịch sử khách quan và công bằng, không thể đơn giản và dễ dàng xé bỏ trang này, hay trang kia theo ý muốn chủ quan. Cuộc chiến tranh biên giới 1979 đã là một dấu mốc khó phai mờ trong lịch sử Việt Nam hiện đại, trong ký ức và lương tri của loài người – của những ai đang phấn đấu cho công bằng và công lý. Nhiều câu hỏi của ngày hôm nay có thể có câu trả lời từ những bài học lịch sử xương máu đã qua.



[1]Marwyun S.Samules: Tranh chấp biển Đông, Bản dịch, Lưu tại Thư viện Quân đội, 1982, tr.127.
[2]Trong khi đó, cuộc đi thăm hữu nghị Liên Xô do Lê Duẩn dẫn đầu vào tháng 10-1975 lại được đánh giá là thành công. Việt Nam đã ký hiệp định phối hợp kinh tế quốc gia với Liên Xô trong 5 năm (1976-1980) và nhận được 500 triệu USD viện trợ với trên 400 hạng mục công trình.
[3]Marwyun S.Samules: Tranh chấp biển Đông, Tlđd, tr.7.
[4]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.37, tr. 333.
[5]Pao Min Chang: Cuộc tranh chấp Trung - Việt và vấn đề thiểu số người Hoa, Bản dịch, Lưu tại Thư viện Quân đội, Hà Nội, 1982, tr.16.
[6]Lưu Văn Lợi: 50 năm ngoại giao Việt Nam (1945-1995), Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 1998, t.2, tr.122.
[7]Hàng vạn người đã được huy động đứng dọc quãng đường từ sân bay về Thủ đô Bắc Kinh, vẫy cờ, hoa chào đón Polpot, còn cuộc đón tiếpLê Duẩn không khí lặng lẽ một cách bất thường. Tờ Nhân dân nhật báo đã đăng những bức ảnh đen trắng về chuyến thăm của Lê Duẩn, chứ không phải là các bức ảnh mầu như thông lệ khi có các vị thượng khách đến thăm.
[8]Bộ mặt thật, phản động, phản bội của tập đoàn cầm quyền Bắc Kinh và sự đầu độc của chúng đối với quân đội Trung Quốc, Báo cáo của Cục tuyên truyền đặc biệt, Tổng cục chính trị, Tập tài liệu văn kiện Trung ương, Lưu tại Tổng cục chính trị, Bộ Quốc phòng, tr.2.
[9]Bộ Ngoại giao: Sự thật về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong 30 năm qua, Sách trắng, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1979, tr.19.
[10]Người Hoa di cư đến Việt Nam từ lâu đời, kéo dài trong nhiều thời kỳ khác nhau với nhiều thành phần xã hội khác nhau. Họ đến cư trú ở hầu hết các nơi, tập trung đông nhất ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, đồng bằng Nam Bộ và các thị xã, thành phố lớn. Trải qua quá trình lịch sử, dần dần họ đã hoà nhập với cư dân bản địa và trở thành công dân của Việt Nam. Họ đã góp phần cùng các dân tộc khác trên lãnh thổ Việt Nam làm phong phú và phát triển nền văn hoá, giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế của Việt Nam.
[11]Người Hoa được hưởng các quyền lợi dân sự giống như người Việt, được đối xử bình đẳng như người Việt. Từ đầu thế kỷ XIX, trẻ em do hôn nhân dị chủng giữa người Hoa và người Việt được coi là người Việt và được hưởng đầy đủ các quyền lợi chính trị như người Việt khác.
[12]Ramses Amer:  Người Hoa ở Việt Nam và quan hệ Trung - Việt, Kuals Lumpur, Bản dịch, Lưu tại Thư viện Ban Biên giới Chính phủ, 1991, tr.8.
[13]Chính quyền Sài Gòn cũng có những quy định đưa Hoa kiều trở thành công dân Việt Nam. Ngày 7-12-1955, Chính quyền Sài Gòn đưa ra đạo luật số 10 quy định tất cả trẻ em sinh ra do hôn phối giữa người Hoa và người Việt đều được xem là công dân Việt Nam. Sau đó, ngày 21-8-1956, đưa tiếp Đạo luật số 48, theo đó tất cả người Hoa sinh ra tại Việt Nam đương nhiên trở thành công dân Việt Nam. Đạo luật này được áp dụng cho tất cả người Hoa sinh ra tại Việt Nam ở mọi thời điểm, kể cả trước đó (Nguồn: Ramses Amer, người Hoa ở Việt Nam và quan hệ Trung- Việt, Kuals Lumpur 1991, tr. 10).
[14]Từ cuối năm 1976 sang đầu năm 1977, ở Trung Quốc có sự thay đổi chínhsách đối với vấn đề gọi là "người Hoa ở hải ngoại". Nếu trong thời kỳ "cách mạng văn hoá" người Hoa ở nước ngoài bị phân biệt đối xử và nghi ngờ, thì từ đầu năm 1977, Trung Quốc lại mong nhận được sự giúp đỡ của người Hoa ở nước ngoài để phát triển kinh tế đất nước. Chính sách đối với Hoa kiều ở hải ngoại lần đầu tiên được công bố qua một bài viết của Liêu Thừa Chí, Chủ tịch Uỷ ban Hoa kiều Hải ngoại vụ (đăng trên Nhân dân Nhật báo ngày 4-1-1978), trong đó tuyên bố: Trung Quốc sẽ giành quyền bảo vệ tất cả Hoa kiều hải ngoại còn mang quốc tịch Trung Quốc.
[15]Trung Quốc lan truyền tin rằng, "Chính phủ Trung Quốc kêu gọi người Hoa về nước xây dựng Tổ quốc"; "ai không về là phản bội Tổ quốc".
[16]Tuy nhiên, bên cạnh dòng người Hoa đổ về Trung Quốc, với nhiều người Việt gốc Hoa thực dụng hơn đã coi đây là cơ may để đến được thế giới Tây phương - điều mà những người Hoa ở Đông Nam Á hẻo lánh không mơ tới được (BBCVetnamese.com, 10-2-2009).
[17]Tập tài liệu tổng kết công tác của Đảng (1975-1985),Cục lưu trữ, Văn phòng Trung ương Đảng.
[18]Chỉ trong vòng vài tháng, 17 vạn người Hoa đã rời Việt Nam đi Trung Quốc (Sự thật về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong 30 năm quaNxb Sự thật, Hà Nội, 1979,tr. 86). Sau khi Trung Quốc đóng cửa biên giới (12-7-1978), nhiều người Hoa vẫn cố vượt biên. Theo tính toán của Ramses Amer “thì con số người Hoa ra đi cụ thể từ tháng 4-1978 đến cuối tháng 12-1979 là khoảng trên dưới 25 vạn người” (Nguồn: Người Hoa ở Việt Nam và quan hệ Trung - ViệtKuals Lumpur, 1991, tr. 46).
[19]Hội đồng tương trợ kinh tế COMECON đã nhận đảm đương giúp Việt Nam 21 công trình lớn mà Trung Quốc bỏ dở.
[20]Ramses Amer: "Sino-Vietnameses Normalization in the Light of Crisis of the late 1970s", In: the "Pacific Affairs", Vol.67, N3, Fall 1994, University of British Columbia Canada, 1994,  tr. 360-361.
[21]Lưu Văn Lợi: 50 năm ngoại giao Việt Nam (1945-1995), Sđd, t. 2, tr. 113.
[22]Từ năm 1976, Trung Quốc giảm dần và đến năm 1978 thì cắt hẳn viện trợ: Khoảng 500 triệu đô la thiết bị và 300 triệu đô la/năm hàng hoá, vật tư, trong đó có 34 vạn tấn lương thực, 43 vạn tấn xăng dầu, 30 triệu mét vải và 1 vạn 5 tấn bông, 14 vạn tấn phân bón, 15 vạn tấn ximăng, 20 vạn tấn than mỡ v.v...(Nguồn: Phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế –xã hội trong 5 năm 1981-1985, Trình hội nghị lần thứ 11 của BCHTƯ Đảng CSVN, khoá IV, Văn phòng lưu trữ Trung ương Đảng).
[23]Ramses Amer: "Sino-Vietnameses Normalization in the Light of Crisis of the late 1970s", In: the "Pacific Affairs", Vol.67, N3, Ibid, tr.32.
[24]"Nghiên cứu vấn đề quốc tế", Tạp chí Nghiên cứu vấn đề quốc tế, Sở nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Trung Quốc, số 2, Bản dịch, Lưu tại Phòng Thông tin- tư liệu, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Bộ Quốc phòng, 1988),  tr.12.
[25]“Nghiên cứu vấn đề quốc tế", Tạp chí Nghiên cứu vấn đề quốc tế, Tlđd, tr.12.
[26]“Nghiên cứu vấn đề quốc tế", Tạp chí Nghiên cứu vấn đề quốc tế, Tlđd, tr.12.
[27]Về kế hoạch viện trợ này, Vương Thượng Vĩnh đã tuyên bố: “Trung Quốc sẽ đưa sang Campuchia 13.300 tấn vũ khí, trong đó có 4.000 tấn súng đạn, 1.301 xe các loại. Trung Quốc sẽ đào tạo cho Campuchia một trung đoàn pháo binh, một trung đoàn rađa, xây dựng và trang bị một sân bay quân sự, cung cấp cho Campuchia bốn tầu hộ tống và bốn thuyền cao tốc phóng ngư lôi, trang bị một trung đoàn xe tăng, một trung đoàn thông tin liên lạc, ba trung đoàn pháp binh, đào tạo 471 phi công, 157 sĩ quan hàng hải và xây dựng căn cứ hải quân, mở rộng xưởng sửa chữa vũ khí và cảng kép”. Riêng năm 1977, Trung Quốc cấp cho Campuchia 450 khẩu pháo lớn, 244 xe tăng, 1200 xe các loại, 52 máy bay và hai vạn cố vấn trực tiếp nắm và chỉ đạo tất cả mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, quân sự, xây dựng cho Campuchia một lực lượng vũ trang từ 7 sư đoàn lên 23 sư đoàn
[28]Bộ mặt thật, phản động, phản bội của tập đoàn cầm quyền Bắc Kinh và sự đầu độc của chúng đối với quân đội Trung Quốc, Tl d, tr.2.
[29]Cuộc xung đột Trung Quốc –Việt Nam, Bản dịch, lưu tại thư viện quân đội. tr. 9.
[30]Dẫn theo Ngô Vĩnh Long; Vài câu hỏi về quan hệ giữa ngoại giao và công việc cải tạo xã hội chủ nghĩa trong thập kỷ sau khi miền Nam được giải phóng, Tạp chí Thời đại mới, số 6/tháng 12-2005.
[31]Phóng viên tờ “Tuần châu Á”.
[32]Cuộc xung đột Trung Quốc –Việt Nam, Tlđd, tr.23.
[33]Cuộc xung đột Trung Quốc –Việt Nam,Tlđd, tr.46.
[34]Cuộc xung đột Trung Quốc –Việt Nam, Tlđd, tr.47.
[35]Tuy Uông Đông Hưng chuyển chính thức ý kiến của lãnh đạo Trung Quốc là không đồng ý đưa quân Trung Quốc sang Campuchia trực tiếp chiến đấu, nhưng khuyên Campuchia kháng chiến lâu dài bằng chiến tranh du kích và hứa sẽ hết sức ủng hộ Campuchia Dân chủ, gửi qua Campuchia gần 3 vạn cố vấn quân sự. Pôn Pốt lên đài phát thanh ca ngợi “sự  ủng hộ vô điều kiện” của Trung Quốc với Phnôm Pênh trong cuộc chiến đấu chống Việt Nam.
[36]Gilbert Padoul: Chính sách ngoại giao của Trung Quốc sau Mao Trạch Đông, Bản dịch, Lưu tại Thư viện Quân đội, tr.4.
[37]Michael Lelfer: Xét nghiệm lại cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ ba, Bản dịch, Lưu lại Thư viện Quân đội, 1979, tr.1.
[38]Nghị quyết tuy được đại đa số tán thành, nhưng bị Liên Xô phủ quyết. Còn Sihanouk sau khi dự Đại hội đồng đã bí mật gặp Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc Andrew yêu cầu được tị nạn chính trị, nhưng Hoa Kỳ không đồng ý bởi họ vừa mới thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc được hai tuần và Đặng Tiểu Bình sắp sang thăm hữu nghị Hoa Kỳ.
[39]Đường biên giới với Trung Quốc được phân định trong các Công ước ngày 26- 6-1887 và ngày 20-6-1895 giữa Chính quyền Pháp (đại diện cho Việt Nam lúc bấy giờ) và nhà Thanh (đại diện cho Trung Quốc). Công ước hoạch định biên giới Pháp - Thanh  ngày 26-6-1887 đã hoạch định lại một số đoạn biên giới tiếp giáp giữa Bắc Kỳ với Vân Nam và nói rõ đường kinh tuyến 105°43' là đường phân chia chủ quyền các đảo. Công ước bổ sung hoạch định biên giới Pháp - Thanh  ngày 20-6-1895 thống nhất hoạch định các đoạn biên giới mà hai bên còn gác lại trong các văn bản hoạch định trước và hoạch định mới đoạn biên giới giữa Bắc Kỳ và Vân Nam từ sông Đà đến sông Mê Công. Trên cơ sở của các bản Công ước này, từ năm 1889 đến năm 1897, trên toàn bộ tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc, Pháp và nhà Thanh đã hai bên đã tổ chức phân giới, xác định 314 vị trí mốc và đã cắm được 341 mốc giới trên thực địa. Nhìn chung, trong quá trình đàm phán thương lượng về biên giới, chính quyền Pháp và nhà Thanh đã vận dụng một số nguyên tắc phổ biến của pháp luật quốc tế cũng như thực tiễn quốc tế trong quá trình xác lập đường biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Trung quốc, thực hiện đầy đủ các bước từ xác định nguyên tắc, hoạch định, phân giới và tiến hành cắm mốc trên thực địa cũng như các thủ tục pháp lý khác. Về mặt pháp lý, Công ước năm 1887 và Công ước bổ sung năm 1895 cùng các biên bản, bản đồ phân giới cắm mốc thực hiện hai Công ước là một thể thống nhất các văn bản pháp lý bổ sung cho nhau, cung cấp khá đầy đủ các yếu tố về đường biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc.  Như vậy, về cơ bản, hai công ước Pháp - Thanh năm 1887 và 1895 thừa nhận đường biên giới lịch sử truyền thống giữa Việt Nam và Trung Quốc. Tuy nhiên, trong quá trình phân giới cắm mốc, phía Pháp đã nhân nhượng một số vùng lãnh thổ của Việt Nam cho Trung Quốc như Giang Bình, Bát Trang (Quảng Ninh), Đèo Luông (Cao Bằng), Tụ Long (Hà Giang). Trong giai đoạn chế độ Quốc dân đảng ở Trung Quốc, quan hệ biên giới giữa Pháp và Trung Quốc cơ bản ổn định, hệ thống mốc giới được bảo vệ, nhưng lợi dụng tình hình Pháp bị sa lầy và thất bại liên tiếp trong chiến tranh thế giới thứ hai, chính quyền Tưởng Giới Thạch đã có hành động di chuyển, phá hoại một số mốc giới, lấn chiếm quản lý nhiều khu vực đất đai sang phía Việt Nam.
[40]R.V.Pretcot : Những biên giới của Đông Nam Á, Nxb Membuốc, 1977, Bản dịch, Lưu tại Thư viện Ban Biên giới Chính phủ, tr. 60
[41]Bị vong lục Bộ Ngoại giao Việt Nam, Báo Nhân dân ngày 16-2-1979,tr.4.
[42]Bị vong lục Bộ Ngoại giao Việt Nam, Tlđd.
[43]D. Xtêphanov:Trung Quốc bành trướng trên hướng biển, Nxb Quan hệ quốc tế, Hà Nội,1980, tr. 144.
[44]Lê Kim: Một bước thất bại của bọn bành trướng Bắc Kinh, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1984, tr.12.
[45]Trong đó có đề nghị của Uỷ viên Bộ Chính trị Uông Đông Hưng đem quân tham gia trực tiếp tham chiến ở Campuchia; đề nghị của Tư lệnh quân khu Quảng Châu Hứa Thế Hữu[45] ào ạt tấn công Việt Nam; đề nghị của Chính uỷ Hải quân Sử Chấn Hoa đem hạm đội Đông Hải xuống vịnh Thái Lan yểm trợ vùng duyên hải Campuchia. Cuối cùng, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc chấp thuận kế hoạch “phản công tự vệ giới hạn” của Đặng Tiểu Bình (Nguồn: Hoàng Dung: Cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ ba, Việt Nam thư quán Online).
[46]Ngày 3-11-1978, Việt Nam và Liên Xô đã ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác toàn diện. Bên cạnh những điều khoản về quan hệ chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học, điều 6 của Hiệp ước còn nhấn mạnh: “Trong trường hợp một trong hai bên bị tấn công hoặc bị đe doạ tấn công, hai bên sẽ trao đổi với nhau nhằm loại trừ mối đe doạ đó và áp dụng những biện pháp thích đáng có hiệu lực để đảm bảo hoà bình, an ninh của hai nước”Cùng với Hiệp ước này, lực lượng hải quân Liên Xô tăng cường sự có mặt tại Vịnh Cam Ranh và biển Đông. Việt Nam trở thành một trọng điểm trong chiến lược châu Á- Thái Bình Dương của Liên Xô. Ở Cam Ranh, Liên Xô có khoảng 20-30 tầu chiến; 1 sân bay và một số tàu ngầm với lực lượng tổng cộng là 7.000 binh sĩ. Cam ranh trở thành căn cứ quân sự lớn nhất của Liên Xô ở nước ngoài trong so sánh với các căn cứ quân sự của Mỹ ở nước ngoài.Tuy biết rằng, Hiệp ước này được ký kết sẽ gây chấn động và bất lợi về chính trị, kinh tế, ngoại giao, nhưng tình thế lúc này khôngcho phép Việt Nam chần chừhơn được nữa.

[47]Nayan Chanda: Brother Enemy: The War After the War, 1988, p. 394.

[48]Lê Kim: Một bước thất bại của bọn bành trướng Bắc Kinh, Sđd, tr.12.
[49]Gilbert Padoul: Chính sách ngoại giao của Trung Quốc sau Mao Trạch Đông, Tlđd, tr.4.
[50]Tạp chí Sở nghiên cứu quốc tế Trung Quốc, số tháng 2-1981, Bản dịch, lưu tại thư viện quân đội.
[51]Có ít nhất hai lý do để Trung Quốc thực hiện kế hoạch “tấn công giới hạn”: Thứ nhất, Việt Nam cũng là một địch thủ đáng ngại. Trung Quốc không thể nào chịu nổi một cuộc chiến lâu dài, quy mô, bởi nó sẽ gây trở ngại cho chính sách “bốn hiện đại hoá”; thứ hai, một cuộc tấn công giới hạn, nhanh chóng sẽ không gây ra một phả ứng mạnh mẽ trong dư luận thế giới, hay một cuộc tấn công trả đũa từ Liên Xô
[52]Dẫn theo “Kissinger bàn về Trung Quốc”, Pháp luật, Trang thông tin điện tử báo Pháp luật T.P Hồ Chí Minh, ngày 12-2-2012.
[53]Bộ Ngoại giao: Sự thật về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong 30 năm qua, Sđd, tr.91.
[54]Bộ Ngoại giao: Sự thật về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong 30 năm qua, Sđd, tr.91.
[55]Gilbert Padoul: Chính sách ngoại giao của Trung Quốc sau Mao Trạch Đông, Tlđd, tr.8.
[56]Cuộc xung đột Trung Quốc –Việt Nam, Tlđd, tr.61.
[57]Báo Nhân dân, ngày 18-2-1979, tr. 1.
[58]Báo Nhân dân,  ngày 19-2-1979, tr.1.
[59]Báo Nhân dân,  ngày 5-3-1979, tr.1.
[60]Đảng Cộng sản Việt Nam: Chỉ thị số 67, ngày 1-3-1979,  Về việc phát động và tổ chức toàn dân chuẩn bị chiến đấu và bảo vệ Tổ quốc,Văn phòng lư trữ Trung ương Đảng.
[61]Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết số 16, ngày 3-3-1979 “Về cuộc kháng chiến chống bọn phản động Trung Quốc xâm lược”, Văn phòng lư trữ Trung ương Đảng.
[62]Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết số 16, ngày 3-3-1979, Tlđd.
[63]Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết số 16, ngày 3-3-1979, Tlđd.
[64]Báo Nhân dân, ngày 19-2-1979, tr.1.
[65]Ban Bí thư: Chỉ thị số 69, ngày 6-3-1979  “Về chủ trươngcủa ta trước tình hình bọn phản động Trung Quốc rút quân”, Lưu tại Cục lưu trữ, Văn phòng Trung ương Đảng.
[66]Ban Bí thư: Chỉ thị số 69, ngày 6-3-1979, Tlđd.
[67]Ban Bí thư: Chỉ thị số 69, ngày 6-3-1979, Tlđd.
[68]Lưu Văn Lợi: Ngoại giao Việt Nam (1945-1995), Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 1998, tr. 448.
[69]Những tác động chiến lược của cuộc chiến tranh Đông Dương, Bản dịch, Lưu tại Thư viện Quân đội, tr. 12.
[70]Valencia.M.J, Vandyke.J.M, Ludwig.N.A, "Chia sẻ tài nguyên ở biển Nam Trung Hoa", Bản dịch, Lưu tại Thư viện Ban Biên giới Chính phủ, tr.59.
[71]Valencia.M.J, Vandyke.J.M, Ludwig.N.A, "Chia sẻ tài nguyên ở biển Nam Trung Hoa", Tlđ d, tr.59. 

No comments:

Post a Comment