Những bí ẩn trong đời một "Việt Minh"
16/01/2010 03:20 (GMT + 7)
TT Phóng viên Tuổi Trẻ đã gặp Janine, con gái của “Việt Minh” Nguyễn Văn Thành tại Nga. Chị đã kể lại câu chuyện kỳ lạ của cha mình, người từng là Hồng quân Liên Xô, từng là tù binh của phát xít Đức, bị sung vào đoàn lính lê dương của Pháp đến Việt Nam và trở thành một “Việt Minh”.
Platon Alexandrovich, người lính Nga tham gia tiểu đoàn 307 dưới cái tên Việt Nam là Nguyễn Văn Thành. Qua ký ức con gái ông ở Matxcơva, đó là câu chuyện kỳ lạ của một con người từng là Hồng quân Liên Xô, từng là tù binh của phát xít Đức, rồi lại bị sung vào đoàn lính lê dương của Pháp để đến VN và trở thành một “Việt Minh”. Đó là chuyện của khát vọng hòa bình và lòng yêu thương.
Kỳ 1: Ký ức nơi miền tuyết trắng
Matxcơva dưới cái rét -20OC. Janine đón tôi ở bến ga điện ngầm. Trên tay cô là bó hoa hơi úa vì gió tuyết. Cô ôm chầm lấy tôi rồi nói bằng tiếng Việt lơ lớ: “Chào anh, người đồng hương Việt Nam của tôi!”. Janine đưa tôi về nhà, một căn hộ nhỏ nằm ở ven ô, nơi ấy chỉ có mình cô và những kỷ vật của cha...
“Tôi là con của Việt Minh”
Janine pha ấm chè đen loại ngon mời khách theo đúng phong tục Nga nhưng miệng thì líu lo tiếng Việt: “Tôi nhớ Việt Nam lắm, nhớ mùi sầu riêng ở Bến Tre”. Thấy tôi tròn mắt ngạc nhiên, chị mỉm cười: “Anh quên tôi là dân Nam bộ hả? Tôi là con của Việt Minh mà...”.
“Tôi sinh năm 1949 tại Bến Tre, mẹ tôi tên là Nguyễn Thị Mai, một phụ nữ Việt lai Pháp. Tôi còn nhớ Bến Tre quê tôi với những hàng dừa dài và đẹp, mẹ tôi thường lấy gáo dừa múc nước gội đầu. Tóc mẹ đen và dài lắm... Tôi còn nhớ những tiếng súng đùng đoàng giữa đêm giao chiến. Hay những khi trong làng có đám ma, tôi và bọn trẻ cùng lứa kéo nhau ra xem... Còn ba tôi là chiến sĩ Việt Minh, là bộ đội trong tiểu đoàn 307” - Janine nhớ lại tuổi thơ của mình ở Bến Tre.
Tuổi thơ của Janine cũng chịu nhiều đau thương và chia cắt như tất cả những đứa trẻ người Việt sinh ra trong chiến tranh lúc đó. Khi Janine được khoảng hai tuổi thì bố bị địch phát hiện, buộc ông phải chuyển về Trà Vinh hoạt động bí mật. Thời cuộc loạn lạc, bố lại là một ông Tây theo Việt Minh rày đây mai đó nên mẹ cô nối duyên với một thương lái người Hoa. Janine nhớ lại những ngày chia ly đó: “Dù bố dượng rất tốt với tôi nhưng trong lòng tôi lúc nào cũng nhớ đến bố. Mỗi đêm nghe tiếng súng nổ bên kia sông là tôi lại lo cho bố!”.
Mãi đến khi hiệp ước đình chiến năm 1954 được ký kết Janine mới được gặp lại cha. Cô nhớ lại: “Tôi còn nhớ đó là một buổi sáng cuối năm trời mát dịu. Ngoại và mẹ chở tôi trên chiếc xuồng ba lá ra vùng giải phóng để gặp bố. Mẹ và bố chẳng nói chuyện với nhau nhiều, chỉ thấy bố tôi rất buồn... Trước lúc hai người chia tay, ngoại bế tôi trao cho bố rồi nói: Con ẵm theo nó cho đỡ buồn! Từ đấy tôi sống với bố và các chú, các bác trong tiểu đoàn 307”.
Trong những dòng nhật ký của đời mình, Janine viết: “Tôi có hai tên: Nguyễn Hồng Minh do má Mai và bà ngoại đặt để ghi vào giấy tờ hồi tôi mới sinh ở Bến Tre. Và ở quê cha, trong giấy tờ chính thức tên tôi là Strjinskaya Anhie Platon. Nhưng từ bé đến bây giờ, người thân và bạn bè vẫn thường gọi tôi là Janine. Janine cũng là cái tên của các bác, các chú ở tiểu đoàn 307 quen gọi. Bây giờ, mỗi khi có dịp gặp lại các chú vẫn gọi tôi là Janine. Với tôi, cái tên Janine gợi nhớ nhiều kỷ niệm về quê mẹ ở Việt Nam, nó làm tôi ý thức rằng tôi là một đứa con của Việt Minh”.
Ở với bố và các đồng đội của bố tại vùng giải phóng một thời gian, đến tháng 4-1955 Janine cùng bố ra Hà Nội, sống một thời gian ở một cơ sở của Trung ương Đảng bên bờ hồ Tây. Trong dịp này cô được gặp Bác Hồ. Cô nhớ lại: “Tôi và bố được ăn tối cùng Bác. Bác rất ngạc nhiên về cuộc đời bố tôi, về một đứa con lai nói đặc sệt giọng Nam bộ như tôi”.
Những kỷ vật vô giá
Không lâu sau đó, khi Janine vừa tròn 5 tuổi thì cô cùng bố trở về Liên Xô. Dù ở nước Nga xa xôi nhưng trong lòng cô luôn mơ được một lần trở lại Việt Nam, được về xứ dừa quê mẹ. Nhưng giấc mơ đó đối với cô mãi đến 33 năm sau mới thực hiện được. Đó là năm 1988, Janine một mình quyết định trở lại Việt Nam tìm mẹ, tìm ngoại. Nhưng lần trở về đó cô đã không gặp cả hai, mẹ và ngoại đã ra đi...
Trong khoảnh khắc đau đớn đó cô đã viết: “Không hiểu sao đối với tôi mọi cuộc hành trình đều không có tính cách ra đi mà chỉ là trở về. Cách đây gần 33 năm (tính đến năm 1988, lúc Janine trở lại VN), khi tôi 5 tuổi - tôi rời khỏi Việt Nam, không phải ra đi mà cùng ba tôi trở về nước Nga. Và bây giờ, sau gần 33 năm từ Matxcơva không phải để đến mà trở về quê ngoại Bến Tre. Nhưng tiếc thay ngoại và mẹ không còn... Lòng tôi đau vô bờ bến!”.
Im lặng một hồi lâu, Janine lôi tấm ảnh của bố ra rồi nói: “Bố tôi mất ngày 26-3-2003, trước sinh nhật ông hai ngày. Trước lúc lâm bệnh nặng, ông đem hết những dòng hồi ký, những lá thư của đồng đội cũ, những bức ảnh hồi còn chiến đấu, những kỷ vật của tiểu đoàn 307 trao hết cho tôi. Trước lúc nhắm mắt ông còn dặn tôi: “Đừng bao giờ quên con là đứa con của Việt Minh. Hãy giữ lấy những kỷ vật này như là máu thịt của bố”.
Lúc này tôi mới giật mình nhận ra trong căn phòng nhỏ của Janine toàn là những kỷ vật gắn liền với Việt Nam. Ở một góc tường là hình bố cô, ông Platon Alexandrovich trong bộ đồ bộ đội bên một khẩu súng cối 60mm. Kế bên là bức tranh sơn mài tả cảnh sinh hoạt của người dân Nam bộ từ thế kỷ trước.
Treo trang trọng ngay giữa phòng là chiếc cặp lồng màu xanh của lính có khắc những dòng chữ nguệch ngoạc: “Chúng tôi: Hùng, Hoàng, Xinh, Hiếu... tặng bạn làm kỷ niệm khi về nước”. Janine nói lúc còn sống, ông gói ghém chiếc cặp lồng này một cách cẩn thận rồi khóa kín trong tủ. Chỉ những khi nhớ đồng đội hay kỷ niệm ngày thành lập tiểu đoàn 307 ông mới lôi nó ra lau chùi, ngắm nghía... Bây giờ, vì nhớ bố, nhớ Việt Nam nên cô treo nó ở nơi dễ thấy nhất cho vơi nỗi buồn!
Lôi những xấp album đã ngả màu thời gian, Janine lật từng trang rồi giới thiệu với tôi: “Đây là nhà của mẹ Mai và bố Thành lúc ở Bến Tre, đây là hình tôi bên lu nước lúc mới 2 tuổi. Còn đây là hình bố tôi cùng đồng đội trong tiểu đoàn 307...”. Cứ thế Janine say sưa lôi hết tập album này đến những kỷ vật khác ra khoe... Cuộc đời phiêu bạt qua những cuộc chiến của Platon Alexandrovich dần hiện về qua lời kể của người con.
THẾ ANH
**
Những bí ẩn trong đời một "Việt Minh" - Kỳ 2: Bi kịch của chiến tranh
17/01/2010 03:00 (GMT + 7)
TT - Năm 1940 Platon Alexandrovich vào Hồng quân Liên Xô. Số phận đưa ông từ cuộc chiến này đến cuộc chiến khác.
Trong hồi ký của mình, ông viết: “Tôi đã trải qua đủ các cung bậc của đời lính, có khi phải đối diện với cái chết nơi chiến trận, có khi nhục nhã kiếp tù binh, có khi phải cầm súng để bắn vào lý tưởng thời trai trẻ mà không hề hay biết. Để rồi cuối cùng tôi nhận ra chiến tranh, áp bức - đó là điều tồi tệ nhất của nhân loại!”.
Bị bắt làm tù binh của Đức quốc xã
Platon Alexandrovich sinh năm 1922 tại thành phố Kharkov. Đó là thành phố lớn thứ hai của Ukraine sau thủ đô Kiev, là trung tâm công nghiệp hàng đầu của Liên Xô cũ, nơi có nhiều trường đại học lớn, lâu đời và danh tiếng.
Dường như ngay từ lúc sinh ra, trong ông đã tiềm ẩn một sự luân lạc của dòng máu mẹ cha. Cha ông là một người Nga nhưng được sinh ra và lớn lên ở Pháp. Mẹ ông là một phụ nữ Ba Lan hiền dịu, họ kết duyên rồi về định cư ở Ukraine. Sau khi tốt nghiệp trung học, năm 1940 Platon Alexandrovich nhập ngũ để bảo vệ thành phố Kharkov thân yêu.
Khi cuộc chiến giữa Hồng quân Liên Xô và phát xít Đức nổ ra, ông cũng như bao thanh niên Liên Xô lúc bấy giờ đành gác lại những khát vọng của tuổi trẻ để lao vào chiến trận lúc tổ quốc lâm nguy.
Ông ghi lại những ngày đó trong dòng hồi ký của mình: “Tất cả chúng tôi đều rất trẻ, sau những trận đánh chúng tôi lại ngồi bên nhau nói về những dự định tương lai. Chúng tôi luôn tin hòa bình sẽ đến sớm, nhưng cũng hiểu cái giá của hòa bình sẽ phải trả bằng máu và mất mát. Đồng đội tôi nhiều người đã ngã xuống giữa mùa đông giá rét khi miếng bánh mì đen chưa kịp ăn xong, có người phải lùi về hậu phương với những vết thương thê thảm hơn cả cái chết. Sự tàn bạo của phát xít càng thôi thúc chúng tôi tiến lên, bởi chúng tôi biết rằng mình chiến đấu không chỉ cho người Nga, người Ukraine mà là chiến đấu cho cả nhân loại, chiến đấu để chống lại sự tàn bạo của Hitler”.
Sau nhiều trận đánh sinh tử chống lại quân Đức trên mảnh đất Kharkov, Platon Alexandrovich vài lần bị thương nhưng ông từ chối trở về hậu phương an dưỡng mà ở lại chiến trường cùng đồng đội. Cuối năm 1941 chiến trận trở nên ác liệt hơn, lực lượng Đức quốc xã tiến đánh Kharkov gồm 20 sư đoàn và hai lữ đoàn. Cuối cùng Kharkov rơi vào tay quân Đức. Tháng 5-1942 Platon Alexandrovich bị quân Đức bắt làm tù binh, số phận ông bắt đầu lênh đênh...
Trong những trại tù binh của Đức, Platon Alexandrovich từng trải qua những cảnh khủng khiếp, bị tra tấn dã man, bị bỏ rơi gần như chết đói. Nhiều khi ông phải nhặt miếng bánh mì còn dính máu của đồng đội vừa mới tắt thở để có sức chống chọi với giá rét, đòn roi.
Janine, con gái ông, kể: “Đến những ngày cuối đời mà nỗi ám ảnh trong trại tập trung Đức quốc xã vẫn còn hiện về trong những giấc mơ của bố tôi. Nhiều đêm nằm trong chăn mà ông cứ co mình run lên bần bật, ấy là lúc ký ức những ngày đói rét của một tù binh hiện về hành hạ ông. Ông thường nói với tôi việc không phải chết trong trại tù binh của Đức quốc xã đã là một điều thần kỳ. Ông hay kể về chiến tranh để dạy tôi biết quý trọng hòa bình, ông thường nhắc đến những ngày bị cầm tù để tôi biết quý trọng sự tự do...”.
Trở thành lính lê dương
Chiến tranh kết thúc, chưa kịp vui mừng vì tự do, hòa bình thì số phận lại đẩy Platon Alexandrovich xa hơn với tổ quốc, trở thành một người xa lạ với chính mình. Những ngày còn sống, nếu ai hỏi về câu chuyện trở thành lính lê dương của mình thì ông chỉ nói một cách ngắn gọn: “Từ tù binh Đức quốc xã, tôi bị sung vào lính lê dương”. Nhưng thực tế hoàn toàn khác, điều mà ông chẳng nói với ai ngoài người con gái Janine yêu quý.
Ngồi vuốt ve tấm hình thời còn trẻ của Platon Alexandrovich, Janine kể lại bí mật của bố mình trở thành lính lê dương: “Sau khi Đức quốc xã bị đánh bại, bố tôi cũng như những tù binh khác đến từ nhiều nước khắp châu Âu được trả tự do. Ông đang tìm cách trở về nước Nga thì sự cố xảy ra. Vốn là thời gian bị giam cầm ở trại tập trung của Đức quốc xã, do biết chút tiếng Pháp học từ ông nội nên bố tôi thường chuyện trò với tay cai ngục người Đức nói tiếng Pháp. Từ chỗ chuyện trò, tay cai ngục có vẻ thiện cảm với bố tôi nên đồng đội ông nghi ngờ ông là gián điệp.
Trên đường từ Đức trở về Liên Xô, ông được một người bạn thân khuyên nên trốn khỏi đoàn tù binh, nếu không có thể bị cầm tù sau khi trở về. Chờ khi trời tối bố tôi trốn khỏi đoàn, lẫn trong những cánh rừng gần biên giới Đức. Ông đi mà chẳng biết rồi sẽ đi về đâu.
Ông cứ chạy mãi vào rừng, lâu lâu ngoái đầu nhìn lại xem đồng đội có đuổi theo không. Phía trước lại lo sợ tàn quân của phát xít Đức sát hại. Ông lả đi vì kiệt sức, vì những vết thương tra tấn chưa lành hẳn, vì đói và khát... rồi ông lịm đi bên ngôi làng nhỏ, tỉnh lại mới biết mình đã lạc qua nước Pháp. Rồi ông bị người dân địa phương bắt giao cho chính quyền, bị sung vào đội quân lê dương”.
Sau khi bị sung vào đội quân lê dương, Platon Alexandrovich được đưa lên tàu chở đến những nước thuộc địa của Pháp, cầm súng bắn lại những người mà người Pháp lúc đó gọi là “phiến quân”. Lênh đênh trên biển hàng tháng trời, đi từ châu Phi đến châu Á, Platon Alexandrovich vẫn không thể hình dung con đường tương lai của đời mình.
Ông sống nhưng dường như không phải là chính mình, sự day dứt đó sau này được ông ghi lại: “Thật sự tôi đã rất sợ tiếng súng, sợ chiến tranh, vậy mà số phận đen đủi lại bắt tôi phải tiếp tục ôm súng. Lúc này đây tôi chỉ có một giấc mơ là được trở về Liên Xô, được ăn một bữa cơm gia đình cùng mẹ cha, được cùng bạn gái dạo chơi dưới rừng cây nhuốm sắc vàng thu, nhưng điều đó thật xa vời... Tiếng sóng dưới mạn tàu hoàn toàn xa lạ đối với tôi, những mảnh đất tôi đến chỉ có thù hận và chết chóc.
Nếu như trước đây tôi hiểu lý do khi cầm súng chống lại Đức quốc xã thì lúc này đây tôi chẳng biết mình đang chiến đấu vì điều gì. Nhiều lúc tôi tự hỏi có phải mình đang tìm sự sống trên xác chết của người khác? Đó là nỗi ám ảnh lớn nhất của đời tôi! Điều đó càng làm tôi đau đớn hơn khi sau này biết rằng quãng thời gian làm lính lê dương là lúc cầm súng bắn vào những lý tưởng thời trai trẻ của chính mình...”.
Trong khi số phận Platon Alexandrovich đang bị đẩy đưa theo đoàn quân viễn chinh của Pháp thì tại quê nhà, bố mẹ ông cắn răng tin rằng con trai của họ đã bỏ xác ngoài chiến trận. Còn Platon Alexandrovich sau những ngày tháng lênh đênh ông được đưa đến Việt Nam.
THẾ ANH
______________________
Platon Alexandrovich đến VN năm 1946, cầm súng bắn lại những “phiến quân” người Việt. Nhưng sau những trận càn, ông nhận ra người nằm xuống là những nông dân hiền lành, yêu Tổ quốc và khát khao công lý...
***
18/01/2010 00:45 (GMT + 7)
Những bí ẩn trong đời một "Việt Minh" - Kỳ 3: Con đường chính nghĩa
TT - Sau những ngày tháng lênh đênh, sống trong khủng hoảng tại các nước thuộc địa Pháp, tháng 4-1946 Platon Alexandrovich được đưa đến VN. Đến Sài Gòn, Platon được điều động lái xe trong một trung đội thông tin, nơi có cả lính Pháp và lính thuộc địa. Sau đó ông được điều về Thủ Đức, Sa Đéc, Vĩnh Long, Bến Tre để trấn áp quân “phiến loạn”. Platon chưa bao giờ biết đến VN.
Trong những đêm lạc lõng bồng súng canh trong đồn, linh cảm của một chiến sĩ Hồng quân mách bảo cho ông rằng những tiếng súng phát ra sau những rặng dừa kia không phải là quân phiến loạn ở thuộc địa Pháp.
Quyết định lương tâm
Platon Alexandrovich sinh ngày 28-3-1922 tại thành phố Kharkov, Ukraine. Tham gia Hồng quân Liên Xô chống lại phát xít Đức năm 1940, sau đó bị bắt làm tù binh ba năm rồi sung vào lính lê dương đưa đến VN. Từ 1947 ông theo Việt minh và được kết nạp vào Đảng Lao động VN. Từ 1955 ông về Liên Xô làm ở ban Việt ngữ đài phát thanh Matxcơva. Ông qua đời năm 2003.
|
Một ngày kia, trong mớ chiến lợi phẩm quân lê dương Pháp thu về có một tập tài liệu và mấy tấm ảnh. Sau này ông kể lại trên một tờ báo Nga: “Thoáng thấy mấy tấm hình bọn chúng giơ cao, tôi suýt nữa bật đứng nghiêm chào như thói quen ở Liên Xô. Đó là ảnh Lênin. Ngay lập tức tôi hiểu VN đứng về phía nào. Những tấm ảnh đã cứu linh hồn tôi”.
Tại Vĩnh Long, ông đã bắt liên lạc với một số người hoạt động bí mật trong thành phố, nhưng chưa nhận được tín hiệu trả lời thì họ đã bị mật thám bắt. Ông viết: “Dù biết con đường trở lại với chính nghĩa rất gian nan nhưng tôi vẫn không hề nản. Đau đớn nhất của tôi lúc đó là đã nhìn thấy ánh dương từ bên kia sông, sau những rặng dừa nhưng trong lúc chờ thời cơ tôi vẫn phải cầm súng bắn về phía đó theo lệnh của người Pháp”.
Giữa năm 1947, cơ hội thật sự đã đến với Platon khi ông được điều về lái xe bồn chở nước. Hằng ngày ông chở những tù binh người Việt đến lấy nước ở trạm bơm cách trường hạ sĩ quan khoảng 1km. Ông thường giấu khẩu phần ăn của mình mang theo phân phát cho tù binh, phụ họ xách nước, trò chuyện như những người bạn. Thấy ông tốt bụng, một tù binh hỏi: “Tại sao ông tốt với chúng tôi như vậy?”.
Ông trả lời: “Vì tôi cũng đã từng là tù binh như các anh. Các anh là tù binh của Pháp, còn tôi từng là tù binh của Đức. Tất cả chúng ta đều là con người nên cần phải đối xử với nhau như những con người thực thụ. Chúng ta chỉ là nạn nhân của chiến tranh, lòng tham và áp bức... Tôi ghét điều đó!”.
Platon Alexandrovich không ngờ rằng câu chuyện giữa ông và những tù binh Việt đã gây chú ý cho một chiến sĩ Việt minh tên Sô hoạt động bí mật ở trạm bơm. Những ngày tiếp theo, người chiến sĩ tên Sô bắn đi những tín hiệu và dường như Platon cũng bắt được. Một lần thấy Sô đứng gần, nhân lúc mọi người đang xách nước thì ông lột chiếc mũ cátkét trắng của quân lê dương đang đội trên đầu ném mạnh xuống đất.
Sô hỏi ông: “Nóng quá hả?”. Platon đáp như vô tình: “Không, tại nó làm đầu tôi đau. Tôi sẵn sàng thoát khỏi nó”. Rồi ông lôi từ trong túi ra chiếc mũ calô, chỉ cho Sô xem ngôi sao đỏ đính kèm trên mũ, nói tiếp: “Tôi thích cái này hơn. Tôi là cựu tù binh, người Liên Xô”.
Bước thăm dò đã xong, trường hợp của Platon được Sô thông báo về chỉ huy. Vài ngày sau họ gặp nhau. Ông ghi lại khoảnh khắc đáng nhớ đó: “Đêm đó trời tối như bưng, tôi trốn khỏi trại lính và mang theo một bao tải súng đạn đến nơi đã hẹn. Khi đến gần những bụi cây lúp xúp gần bìa rừng thì có người nhào ra nắm lấy tay tôi kéo vào sâu trong rừng. Đó là đêm 17-8-1947. Tôi đã tìm thấy rạng đông giữa đêm đen. Có thể nói đó là quyết định lương tâm mà tôi không thể nào cưỡng lại được!”. Trong đêm đó, giữa rừng sâu, Platon được kết nạp vào hàng ngũ Việt minh.
Xứ dừa máu thịt
Những ngày đầu trở thành Việt minh đầy gian khó. Trước đó, trong hàng ngũ lính lê dương Pháp chưa bao giờ ông phải vừa cầm súng, vừa lặn lội tìm cái ăn. Bánh mì, bơ sữa biến mất, thay vào là mắm muối, rau dưa. Ông tập tành chèo xuồng ba lá, kết lá dừa lợp nhà. Thấy các má mò cua bắt ốc, ông cũng nhào xuống phụ. Thấy các anh trong xóm gánh lúa, ông cũng nhào vô gánh...
Dần dà, ông được thương như con cái trong nhà, các má đặt cho ông tên mới là Hai Thành. Ai có nải chuối ngon, nhà ai nấu bánh cũng chừa phần cho ông. Janine, con gái ông kể lại: “Bố Thành cứ nhắc mãi ngày đầu ăn mắm do các má nấu, cái mũi bố như điếc đi nhưng không dám bịt lại vì sợ các má buồn.
Vậy mà sau vài lần bố lại nghiện luôn món mắm ăn với bông điên điển. Rồi ba khía, sầu riêng... đều là món khoái khẩu của bố. Sau khi về nước, bố vẫn thường nhắc đến những món đó. Có người bạn biết được, mỗi lần qua Nga đều mang cho bố ít ba khía nhưng bố nói vẫn không ngon bằng ba khía của các má làm...”.
Ở Bến Tre, Hai Thành mặc quân phục sĩ quan Pháp, đeo lon quan hai cùng đồng đội cải trang, đi xe jeep tiến hành những cuộc đánh úp chiếm đồn bót, cướp vũ khí. Gần một năm kiểu cải trang đó bị quân Pháp phát hiện, ông được đưa về trung đoàn 99 Bến Tre rồi được chuyển sang tiểu đoàn 307.
Hai Thành đã cùng đồng đội chèo xuồng, lội ruộng, băng đồng xuôi ngược từ Tháp Mười tới mũi Cà Mau. Hình ảnh của ông được một đồng đội nhớ lại: “Sau giờ đánh Pháp, anh lại lùi về cắm câu soi cá, bắt chuột, cũng mắm muối tương chao, cũng áo cổ vuông, quần đùi túi hàm ếch, cũng rút xuống lỗ trâu đằm rít hơi thuốc trong đêm hành quân...”.
Thương ông côi cút phải xa gia đình, xa quê hương, bản xứ, các má vun đắp cho Hai Thành kết duyên với cô gái xinh đẹp xứ dừa. Một đám cưới giản dị giữa một ông Tây và cô gái miệt vườn diễn ra trong vùng giải phóng năm 1948. Một năm sau Janine ra đời. Bến Tre bị chiếm đóng khắp nơi, Hai Thành buộc phải chuyển về Trà Vinh hoạt động. Đó cũng là lý do dẫn đến sự tan vỡ gia đình riêng của ông.
Ông ghi lại: “Được tin vợ đi lấy chồng khác tôi đã chết lặng. Tôi sầu muộn mấy tháng, nhưng nhờ có bạn bè tốt, cuộc đời có mục đích rõ ràng nên đã vượt qua. Tôi không hề trách cứ vợ tôi, ngược lại cảm ơn cô ấy đã cho tôi một đứa con. Nhờ có Janine mà tôi đỡ nhớ các má và xứ dừa khi về nước Nga xa xôi... Mỗi khi nhớ những hàng dừa rũ bóng bình yên bên sông là tôi lại ngồi im nhìn ngắm Janine. Có thể con tôi không biết, nhưng nó là hình ảnh quê hương thứ hai của tôi, nơi tôi đã từng có một gia đình...”.
THẾ ANH
___________________
Trước khi rời VN, ông chọn một vườn cau đứng chụp một tấm hình đầy lưu luyến. Tấm hình ấy như một vóc dáng quê hương thứ hai mà trọn cuộc đời Platon đã thề sẽ giữ thủy chung son sắt.
Những bí ẩn trong đời một "Việt Minh" (Kỳ cuối)
Kỳ cuối: Cha - con và câu chuyện “nhịp cầu”
Tháng 4-1955, Platon Alexandrovich và cô con gái Janine ra Hà Nội rồi trở về nước Nga sau 15 năm trời luân lạc. Từ đấy ông chuyển sang làm báo, dùng ngòi bút, sự trải nghiệm của đời mình để nối nhịp cầu Nga - Việt, truyền đi những thông điệp hòa bình...
Tấm ảnh kỷ niệm chụp trước khi Platon rời VN |
Hãy nói tiếng Việt và hướng về nơi ấy...
Giải thích về sự lựa chọn xin vào làm việc ở ban tiếng Việt của Đài phát thanh Matxcơva, Platon viết như sau:
“Tôi chọn nghề báo để có cơ hội chia sẻ với mọi người những trải nghiệm đáng sợ của một người lính đã đi qua nhiều cuộc chiến. Có hai lý do chính để tôi chọn nghề này. Thứ nhất, với 15 năm binh nghiệp, lúc đứng về chính nghĩa, lúc bị đẩy về bên kia, tôi đủ hiểu súng ống, chiến tranh là điều không nên có ở bất cứ nơi nào. Tôi muốn dùng ngòi bút để truyền đi thông điệp đó. Thứ hai, tôi chọn về làm ở ban tiếng Việt là vì quê hương thứ hai của tôi, vì đứa con gái mang nửa dòng máu Việt, đó là Janine”.
Ở ban tiếng Việt Đài phát thanh Matxcơva, Platon Alexandrovich là một trong số ít phát thanh viên nói giọng Nam bộ khá chuẩn. Cứ mỗi lần có cán bộ miền Nam nào sang Nga là ông lại tìm đến để nói tiếng Việt. Nhiều cựu sinh viên Việt Nam khi trở lại Nga, gặp ông đều tranh thủ ôn lại vốn tiếng Nga nhưng ông không chịu: “Hãy nói với tôi bằng tiếng Việt. Hãy kể cho tôi về Việt Nam, về các má và xứ dừa quê ngoại Janine”.
Để đứa con gái hiểu hơn về quê ngoại, ông dạy cho Janine tiếng Việt. Rồi khi Janine lớn lên, ông lại hướng con gái mình vào làm cùng ban tiếng Việt Đài phát thanh Matxcơva.
Janine nhớ lời cha dạy khi mới vào nghề: “Cha không muốn con quên nơi chôn nhau cắt rốn của mình, đó là lý do cha muốn con vào làm ở đây. Có thể cha sai, nhưng lương tâm của một người cha không cho phép để con mình quên mất nguồn cội. Con hãy học tiếng Việt, hãy nói tiếng Việt và hãy hướng về nơi ấy như là quê hương của mình”.
Đưa những xấp bản thảo bằng tiếng Việt lúc mới chập chững bước vào nghề, Janine kể: “Lúc ở nhà, bố thường nói chuyện với tôi bằng tiếng Việt. Bố sửa cho tôi từng con chữ, từng cái dấu... Ông vừa là một người cha mẫu mực, vừa là một người thầy nghiêm khắc, một đồng nghiệp tin cậy. Có lần, khi đọc xong bản thảo của tôi, ông đỏ mặt rồi vò ném ngay vào giỏ rác. Đó là lần tôi viết sai địa danh “Bến Tre” thành “Bến Che”.
Với ông, mảnh đất này như là máu thịt, là thánh địa của linh hồn. Vì thế, không được hiểu sai, không được viết sai dù chỉ là một cái dấu”. Để con giỏi tiếng Việt hơn, dù khó khăn nhưng Platon vẫn cố gắng thu xếp cho con về Hà Nội học thêm tiếng Việt ở Đại học Tổng hợp Hà Nội. Đó là lý do Janine nói tiếng Việt chuẩn theo giọng Bắc.
Nói về điều này cô cũng có cách lý giải khá thú vị: “Gia đình tôi có nét giống như số phận của nhiều gia đình người miền Nam tập kết ra Bắc: bố nói giọng Nam bộ còn con nói giọng Bắc. Nhiều người thường nói đùa gia đình của bố Thành là dân tập kết...”.
Dịp kỷ niệm 40 năm ngày truyền thống tiểu đoàn 307 (1988), tỉnh Bến Tre đã mời ông trở lại Việt Nam. Cuộc hội ngộ giữa những cựu binh có nhiều nước mắt, nhiều tiếng cười. Sau khi cùng nhau hát vang “Ai đã từng đi qua sông Cửu Long Giang...”, các đồng đội hỏi ông có nguyện vọng gì ở Bến Tre? Vẫn mộc mạc, chân tình như thời ở chiến khu, ông nói: “Cho tôi được ăn một bữa cơm với ba khía và rau lang luộc chấm chao cùng các má ở chiến khu!”.
Janine (thứ hai từ phải sang) bên mộ mẹ, trong lần trở về thăm quê ngoại năm 1988 - Ảnh do gia đình cung cấp |
“Trước chiến tranh là hòa bình!”
Janine nhớ lại những ngày cuối đời của bố:
“Bố thường thức dậy lúc nửa đêm, châm trà ngồi trầm tư một mình. Những lúc như thế ông thường kể cho tôi nghe chuyện những người Do Thái bị người Đức sát hại dã man mà ông chứng kiến. Ông kể cho tôi nghe về những đứa trẻ khóc thét bên xác cha ở xứ dừa, về những bà má nhìn con chết mà không dám khóc... Bố luôn nhắc tôi rằng trước chiến tranh là hòa bình! Đừng bao giờ tìm hòa bình sau chiến tranh, hãy nhớ trước đó hòa bình đã hiện hữu. Chiến tranh là kết cục của lòng thù hận, lòng tham...”.
Platon Alexandrovich dạy con gái lúc mới tập tành cầm bút: “Con hãy đứng về những người yếu thế, những người bị áp bức nhưng cũng đừng thù hận những người trót lỡ lầm...”. Người vợ ở Bến Tre đã rời bỏ ông khi ông rút về hoạt động bí mật, nhưng ông vẫn giữ những tấm hình thời son trẻ của bà đến tận ngày ông qua đời. Ông luôn nói với Janine những điều tốt đẹp về mẹ, xem quá khứ như là một nỗi buồn của chiến tranh, loạn lạc.
Năm 1988, có dịp trở lại Việt Nam, ông kính cẩn đặt lên mộ mẹ vợ và vợ những bó hoa tươi do chính mình mua rồi nói với Janine: “Nếu con biết tha thứ, cuộc đời sẽ bớt đi những gánh nặng muộn phiền”.
Ông ghi lại những suy nghĩ của mình: “Thật lòng mà nói tôi không hề căm ghét người Đức, tôi cũng không thù hận người Pháp. Điều duy nhất tôi căm thù là chiến tranh, là áp bức! Nếu có dịp, tôi sẽ bắt tay với những người đã hành hạ tôi lúc còn là tù binh, tôi sẽ ôm những cựu lính lê dương để nói với họ: tiếc rằng tôi và anh không biết nhau trước khi chiến tranh xảy ra, lúc ấy là hòa bình!”.
Trước khi chia tay, Janine đưa tấm hình của bố chụp trước khi về Nga cho tôi xem, đó là bức hình Platon đứng bên hàng cau với vẻ đầy lưu luyến. Chị nói: “Tôi sẽ đưa con và các cháu trở lại xứ dừa để nói với chúng rằng nơi ấy là một phần máu thịt của chúng. Kể cho chúng nghe về chiến tranh, kể về ông ngoại để chúng hiểu cái giá của hòa bình...”. Đó cũng là ước mơ cuối đời của “Việt Minh” Platon Alexandrovich!
(hết)
No comments:
Post a Comment