Nguyễn Văn Thành |
Ngày 17-8-1947, một người lính lê-dương trong quân đội Pháp chiếm đóng tại BếnTre, qua đường dây của cơ sở địch vận của ta, đã mang vũ khí sang hàng ngũ kháng chiến. Người hàng binh ấy nguyên là một hồng quân Liên Xô bị bọn phát xít Đức bắt làm tù binh, và cuộc chiến tranh đã đưa đẩy anh vào quân đội viễn chinh Pháp hoạt động ở chiến trường Việt Nam.
Anh tên là Skrinski Platon Alekxandrovich, sinh năm 1922 tại Ucraina. Sau khi tốt nghiệp trung học hệ 10 năm, anh gia nhập hồng quân Liên Xô năm 1941. Mùa xuân 1942, trong một cuộc bao vây của quân Đức tại mặt trận Khaccốp, anh cùng đơn vị bị bắt làm tù binh tại Đan Mạch, thì bị động viên vào đội quân lê-dương của Pháp.
Tháng 4-1946, anh bị đưa sang chiến trường Đông Dương và đã từng đóng quân ở nhiều nơi: Sài Gòn, Thủ Đức, Sa Đéc, Vĩnh Long, Bến Tre. Sống trong đội quân xâm lược, từng chứng kiến hằng ngày những hành động cướp bóc, đốt phá, hãm hiếp dã man của đám lính Âu Phi, anh đã dần dần hiểu ra tính chất phi nghĩa của cuộc chiến tranh do bọn Pháp tiến hành, mà anh chỉ là một con "tốt" đánh thuê không hơn, không kém. Bản thân anh cũng đã từng nếm trải những nỗi nhục nhằn, cay đắng trong các trại tù binh của phát xít Đức, cho nên khi có điều kiện, anh thường tìm mọi cách để giúp đỡ những người Việt Nam bị địch bắt, bị tra tấn, giam cầm.
Cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân ta nhằm giải phóng đất nước đã có tác động khơi dậy ý thức của người lính Xô-viết năm xưa trong con người Platon Alekxandrovich và giúp anh thấy rõ con đường phải chọn là nhanh chóng thoát khỏi kiếp lính đánh thuê, đứng về phía hàng ngũ của những ngừoi kháng chiến trên một chiến trường nhiệt đới còn xa lạ đối với anh lúc bấy giờ.
Khi ở Vĩnh Long, anh đã bắt liên lạc với cơ sở hoạt động bí mật ở thị xã, nhưng rủi thay, chưa kịp hành động thì cơ sở này bị vỡ, nhiều người bị địch bắt, bị tra tấn rất dã man. Thế là anh đứt mất liên lạc. Sau đó, anh được điều sang chiến trường Bến Tre. Tại đây, anh đã tìm cách liên lạc được với cơ sở cách mạng và ngày 17-8-1947, anh mang vũ khí ra vùng tự do. Tại đây, anh được phân công về công tác ở đội công tác 1, đơn vị hoạt động ở thị xã Bến Tre và vùng ven, cũng tại đây, anh mang cái tên Việt Nam là Nguyễn Văn Thành, hay như đồng đội và đồng bào quen gọi anh là "Thành Nga" hay Hai Thành. Anh đã tham gia chiến đấu hàng chục trận lớn, nhỏ.
Vốn điềm đạm, cần cù, tận tụy trong công tác, nên "Thành Nga" không những được đồng đội tin cậy mà còn được dân thương yêu, quý mến. Một người con gái ở Mỹ Thạnh An – nay thuộc thị xã Bến Tre – tên là Colette Mai đã đem lòng yêu anh, và hai người được sự giúp đỡ của toàn thể đơn vị và đoàn thể địa phương, trở thành vợ chồng. Lễ cưới được tổ chức tại xã Nhơn Thạnh. Trong ngôi nhà cột cây, vách lá do đồng bào góp công, góp sức xây dựng nên trong hoàn cảnh chiến tranh, họ sống với nhau khá hạnh phúc. Và cũng tại nơi đây, tháng 8-1949, cô con gái đầu lòng Janie ra đời. Bến Tre lúc này bị địch tăng cường càn quét, ruồng bố liên miên, đồn bót mọc lên chi chít khắp nơi. Hoạt động và đi lại của bộ đội và cán bộ ta ngày một khó khăn. Để đảm bảo sự an toàn cho hai mẹ con, buộc lòng tổ chức phải tìm cách đưa vợ con anh về sống hợp pháp ở thị xã, còn Hai Thành cũng chuyển công tác về một đơn vị trợ chiến thuộc trung đoàn Cửu Long, hoạt động ở vùng Trà Vinh.
Đến đầu năm 1953, anh tình nguyện xin về tiểu đoàn 307, được phân công làm khẩu đội trưởng súng cối 60 mm và tham gia chiến đấu ở đơn vị này cho đến ngày đình chiến (7-1954).
Trong thời gian chuyển quân tập kết, anh được phân công làm công tác phiên dịch trên tàu Xtarôpôn của Liên Xô ra Bắc vào Nam nhiều chuyến, sau đó trở về công tác tại đơn vị cũ lúc bấy giờ đóng tại Thanh Hóa. Cháu Janie cũng được đưa ra thủ đô Hà Nội, được chăm sóc chu đáo. Bản thân anh Hai Thành, sau đó cũng đã sống cùng với con gái một thời gian trong một ngôi nhà bên bờ Hồ Tây (Hà Nội).
Ngày 10-5-1955, theo sự thỏa thuận của hai chính phủ Việt Nam và Liên Xô, Nguyễn Văn Thành được về lại quê hương của mình cùng với cô con gái mang hai dòng máu Việt – Xô: Janie. Sau khi về nước, anh nhận công tác ở Ban tiếng Việt của Đài phát thanh Matxcơva cho đến khi về hưu. Anh cũng là người dịch và giới thiệu quyển Vượt Côn Đảo của Phùng Quán với độc giả Liên Xô.
Cô con gái của anh, sau khi tốt nghiệp ở Trường Đại học Tổng hợp Matxcơva, cũng đã nối tiếp theo con đường của bố, xin về làm ở Ban tiếng Việt, Đài phát thanh Matxcơva. Trong dịp Tết Quý Mão (1988), Janie (lúc này đã 38 tuổi) đã có dịp sang Việt Nam, về thăm lại quê ngoại Bến Tre, viếng mộ mẹ và bà ngoại, gặp lại những người thân đã từng chăm sóc, nuôi nấng bé Janie từ những năm gian khổ chiến tranh. Chuyến đi này đã để lại ở Janie nhiều xúc động sâu sắc về những tình cảm thương yêu quý mến của những người ruột thịt, những người đồng hương và cả những người đồng chí Việt Nam đã từng chiến đấu với cha mình trong đơn vị tiểu đoàn 307 nổi tiếng một thời của những năm chống Pháp ở chiến trường Nam Bộ.
Cuộc đời của Platon Alekxandrovich đầy những gian truân, nhưng cũng trải qua không ít may mắn kỳ lạ, giống như một huyền thoại. Một phần cuộc đời của anh gắn bó chặt chẽ với cuộc chiến đấu anh hùng của nhân dân Việt Nam với cái tên Hai Thành hay "Thành Nga", và nó đã trở thành một sự kiện đáng ghi nhớ, một bông hoa đẹp làm thắm tươi thêm tình cảm hữu nghị của hai dân tộc Việt – Xô.
|
No comments:
Post a Comment