Friday 28 February 2014

KỶ NIỆM SÂU SẮC VỀ NHỮNG LỜI DẠY CỦA BÁC HỒ (Thiều Quang Toa - Văn Nghệ Xứ Thanh)


 KỶ NIỆM SÂU SẮC VỀ  NHỮNG LỜI DẠY               CỦA BÁC HỒ        
                                 Thiều Quang Toa


      Năm 1959, ngành văn hóa có một loạt trường nghệ thuật được thành lập. Trong đó có trường Múa Việt Nam.
 Bộ trưởng Bộ Văn hóa, ông Hoàng Minh Giám, vào Phủ Chủ tịch báo cáo hoạt động của bộ với Bác Hồ và trình bày dự kiến của bộ sẽ thành lập một số trường nghệ thuật, trong đó có trường dạy múa. Bác hỏi ông Giám: Thế các chú định đặt tên trường là gì? Ông Giám trả lời: Thưa Bác Vụ Nghệ thuật đã họp và trình lên Bộ lấy tên là trường Vũ Việt Nam ạ.
Suy nghĩ một lát Bác xua tay vẻ không đồng tình, Bác nói: Vũ là từ mượn từ tiếng Trung Quốc, vũ tức là múa. Muốn nói theo Trung Quốc thì phải nói là: Việt Nam vũ đạo học hiệu mới đúng. Vũ đạo là nhảy múa. Chẳng nhẽ lại đặt tên là trường nhảy múa Việt Nam? Nên phải đặt tên làm sao cho người Việt Nam, đọc lên ai cũng hiểu, vậy nên đặt tên trường là trường múa Việt Nam. Lời dạy của Bác rất giản dị và đầy ý nghĩa. Tháng 10 năm 1959 trường khai giảng khóa học đầu tiên với tên trường là trường Múa Việt Nam. Năm 1961 tức là sau một năm học đầu tiên trường Múa xây dựng một chương trình cho học sinh thực hành và cũng là báo cáo kết quả sau một năm trường phấn đấu gồm các tiết mục:
Vũ kịch chúc thọ Bác Hồ. Kịch bản nhạc sĩ Lưu Hữu Phước. Biên đạo Thái Ly, Âm nhạc Vĩnh Cát.
Vũ kịch dân tộc được mùa. Biên đạo Thái Ly, Âm nhạc Xuân Hòa
Trích đoạn vũ kịch Nga: Suralie. Biên đạo là chuyên gia Nga bà Bờ- ru-nắc.
Âm nhạc cả hai chương trình do dàn nhạc giao hưởng Việt Nam, thể hiện dưới sự chỉ huy của nhạc sĩ Vũ Lương. Nhân thành tích này trường được vinh dự đón Bác về thăm. Buổi sáng hôm Bác đến thăm, mọi việc vẫn diễn ra bình thường, nhưng sau tiết học đầu tiên ban giám hiệu cho người xuống từng lớp thông báo. Tất cả ăn mặc nguyên quần áo tập lên nhà tập một (nhà tập lớn kiêm hội trường) tập trung, Bác Hồ đến thăm trường. Nghe được tin này từ thầy đến trò đều cuống cả lên vội vàng lên nhà tập một đón Bác. Cánh cửa ô tô mở ra từ sân trường Bác thoăn thoắt bước về nhà tập, mọi người đều hô vang Bác Hồ muôn năm! Bác Hồ muôn năm! Niềm vui đến quá bất ngờ trong lòng ai cũng dâng trào một niềm sung sướng trào nước mắt. Vào đến hội trường Bác giơ tay ra hiệu và nói: Các cháu ngồi cả xuống sàn. Chúng tôi ngoan ngoãn vâng lời. Bắt tay Ban giám hiệu xong, Bác niềm nở hỏi thăm chuyện học hành, ăn ở những thuận lợi và khó khăn của trường, Bác khuyên các cháu phải học tập giỏi để xứng đáng là chủ nhân của đất nước sau này, xứng đáng là lớp học sinh nghệ thuật múa đầu tiên được đào tạo chính quy dưới mái trường xã hội chủ nghĩa. Một học sinh tốt là phải vừa hồng vừa chuyên.
Bác giải thích chuyên là chuyên môn. Hồng là đạo đức mà muốn có đạo đức tốt sau này xây dựng đất nước phải chịu khó không chỉ học chuyên môn mà phải học chính trị nữa. Vậy trường ta có học chính trị không? Bác quay sang chú Hoàng Châu như ý hỏi. Cả hội trường đồng thanh: Thưa Bác có ạ!
Bác lại hỏi: Vậy cháu nào biết chính trị là gì nào? Cả hội trường hướng về Bác mà im phăng phắc, bỗng chú Kỳ Thanh giơ tay xin nói (chú là trưởng phòng giáo vụ của trường).
Bác chỉ vào chú Kỳ Thanh gật đầu: Cháu nói đi.
Chú Kỳ Thanh trả lời: Thưa Bác chính trị là thống soái ạ!
Bác mỉm cười vui vẻ và chậm rãi nhắc lại chính trị... là thống soái. Cháu nào giải thích nữa? Đứng cạnh Bác, chú Hoàng Châu vội trả lời. Thưa Bác chính trị là chìa khóa vàng ạ.
Vẫn nụ cười đôn hậu Bác nhắc lại. Chính trị là thống soái, chính trị là chìa khóa vàng.
Thấy không khí có phần căng, Bác nói.
- Thôi bây giờ đến Bác. Chính trị là chủ trương chính sách, đường lối của Đảng và chính phủ. Học chính trị là các cháu học chủ trương đường lối, chính sách của Đảng và chính phủ. Giải thích như vậy thì ai cũng nghe lọt và dễ hiểu phải không nào?
Thầy trò không ai bảo ai đều đồng thanh: Phải ạ! Rồi cũng vỗ tay theo Bác.
Bốn năm học tập kết thúc. Năm 1963 ra trường, tôi được Bộ phân về Đoàn Ca múa Trung ương (nay là Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam). Về đoàn tôi lại có dịp nhiều lần được gặp Bác qua các lần vào Phủ Chủ tịch biểu diễn cho khách Chính phủ. Những năm đó, năm nào Nhà nước ta cũng có nhiều đoàn khách nước ngoài sang làm việc, đoàn nào sang cuối cùng cũng có văn công phục vụ.
Trong các đoàn nghệ thuật trung ương thì Đoàn ca múa trung ương và Đoàn ca múa Tổng cục Chính trị là thường xuyên được thay nhau vào phục vụ khách. Biểu diễn nhỏ tính chất xalông thì trong Phủ Chủ tịch, lớn thì sân khấu hội trường Ba Đình. Thường một tháng chúng tôi được vào Phủ Chủ tịch một lần đi theo lối cổng sau đường Bách Thảo vào thẳng nhà lớn. Đột xuất có khi một tháng hai lần. Tiết mục do đó không thay kịp, theo như dân gian nói "Cũ ta mới người". Theo thông lệ ngoại giao, mỗi khi nhận được công văn điều đi biểu diễn, công văn ghi rõ tên đoàn khách do vậy tùy thuộc từng nước chương trình có một phần ba tiết mục của nước đó, gọi là phần giao lưu hữu nghị. Bài vở do các đại sứ quán, bộ phận tùy viên văn hóa cung cấp đoàn tập trước đến việc là lắp vào.
Thời kỳ này khách chủ yếu là 12 nước xã hội chủ nghĩa anh em, còn tư bản và trung lập thì hạn hữu, cũng do tiết mục của chương trình biểu diễn quá quen nên mỗi khi đoàn chúng tôi đến (đoàn ca múa nhân dân trung ương) Bác thường gọi vui là Đoàn Nón - Bầu - Ô - Lục - Sạp. Buổi lễ mở màn bao giờ cũng là múa Nón Thái (Hoa ban nở) của biên đạo   Minh Tiến. Tiếp theo là đàn Bầu do nghệ sĩ Nguyễn Văn Chương người quê Thọ Xuân, Thanh Hóa khi đó được coi là số 1 Việt Nam. Tiếp theo là múa Ô (múa nữ Mèo cầm ô), biên đạo Minh Hiến , rồi tốp nữ hát đánh đàn thập lục (gọi tắt là tốp nữ Thập Lục) với bài "Quê em" phát triển dân ca của phó giáo sư nhạc sĩ kéo ác cooc đê ông Xuân Tứ. Sau này tốp có bài thứ hai là bài "Quảng Bình quê ta ơi" của nhạc sĩ Hoàng Vân. Tốp nữ thập lục được vinh dự nhận danh hiệu thi đua là tổ lao động XHCN đầu tiên của đoàn - Cuối chương trình biểu diễn bao giờ cũng kết bằng điệu múa Sạp đông người nhất. Điệu múa do tập thể sáng tác sau chiến thắng Điện Biên Phủ. Do vậy Bác rất dí dỏm và vui vẻ tặng cho đoàn là Đoàn Nón - Bầu - Ô - Lục - Sạp.
Thời đó. Biểu diễn xong về nhà ăn bồi dưỡng toàn đoàn do anh nuôi nấu (khá ngon) hôm phở, hôm cháo gà tiêu chuẩn chung là 3 hào trừ vào tiền bồi dưỡng, còn tiền bồi dưỡng tính đồng loạt không kể sô lô đơn ca hay tốp tập thể. Cứ ba tiết mục là được bồi dưỡng 1 đồng 2 hào, có biểu diễn 4, 5 tiết mục cũng chỉ có thế, ấy vậy mà không hề thắc mắc ganh tỵ nhau. Đối với cánh nam trẻ chúng tôi nếu hôm nào có hai tiết mục thì phụ trách chuyên môn phân cho một công việc trong đêm diễn hoặc chiếu đèn than hoặc bê vác...  thì  cũng được coi là một tiết mục và cũng được 1đồng 2. Thời đó Hà Nội phở ngon nhất là phở gánh Phan Bội Châu cũng chỉ 4 hào còn là 3 hào một bát.
Mỗi khi vào Phủ Chủ tịch biểu diễn ngoài tiền bồi dưỡng của đoàn, Bác còn cho mỗi người phục vụ một xuất bồi dưỡng là 4 hào trị giá bằng một cân gạo được quy ra vật chất là một gói kẹo vừng do hậu cần của phủ chế biến. Mỗi lần biểu diễn khách về hết còn lại là diễn viên, phục vụ và Bác. Theo thông lệ chúng tôi xếp hàng ngang ngồi xuống để Bác phát quà. Ông Vũ Kỳ thư ký của Bác bê một chiếc thúng trong đựng các gói kẹo vừng đi theo sau Bác, Bác quay lại lấy từng gói kẹo chia đến tận tay từng người một, có lẽ Bác rất hiểu tâm lý chúng tôi, cháu nào cũng muốn nhận được quà từ tay Bác. Một lần chia hết người ngồi mà kẹo trong thúng vẫn còn, Bác biết ngay còn người vắng mặt (vì danh sách gửi vào bao nhiêu thì phục vụ chuẩn bị bấy nhiêu xuất) Bác vội hỏi? Còn cháu nào chưa có mặt. Ông Nguyễn Quang Giáp phó đoàn kiêm bí thư vội thưa.
- Còn mấy đồng chí làm hậu đài
Bác gặng hỏi: Cái gì? Tưởng mình thưa còn thiếu, ông Quang Giáp thưa: Thưa Bác còn mấy đồng chí hậu đài đương dọn đồ. Bác vẫn nghiêng tai hỏi như chưa rõ. Cái gì? Chợt hiểu ra ông Giáp vội cải chính: Thưa Bác còn mấy đồng chí đương dọn dẹp sau sân khấu ạ.
Bác à... một tiếng thật thoải mái rồi Bác nói tiếp làm sau sân khấu. Vậy là chúng ta có cách nói của chúng ta việc gì lại phải mượn tiếng nước ngoài. Hậu đài là chỉ sau sân khấu của tiếng Trung Quốc dịch ra. Từ nay các cháu cứ dùng từ nước mình có ai cũng hiểu. Tiện tay Bác vỗ vào vai ông Giáp lúc đó tai đương đỏ bừng. Bác nở nụ cười đôn hậu. Ra về Bác tươi cười vẫy tay như truyền cho chúng tôi hơi ấm của một tình thương bao la.
Một lần khác sau khi được Bác chia quà và chụp ảnh chung với Bác, trước khi chia tay Bác hỏi chuyện chúng tôi: ở đơn vị các cháu có đoàn kết không. Thưa Bác có ạ. Đúng! Bác nói đoàn kết là sức mạnh nhưng muốn giữ vững đoàn kết phải liên tục phê bình và tự phê để mình để bạn biết sửa lỗi nhỏ, không để thành khuyết điểm lớn, nhưng phê bình cũng phải có phương pháp mới có hiệu quả. Nếu bạn có mắc ba khuyết điểm, mình phê bình hai bạn sửa được một là tốt chứ hăng hái quá nói cả ba khuyết điểm bạn tự ti thấy mình xấu quá hoặc vì quá tự ái mà không sửa chữa điểm nào thì phê bình không có kết quả.
Bác ân cần dạy phê bình và được phê bình cũng như mình có kẹo cho bạn ăn kẹo, cho bạn từng cái một thì thấy kẹo ngọt nhưng cầm cả nắm kẹo đưa vào đầy miệng bạn cho hóc, bạn từ chối thì từ điều làm tốt thành không tốt. Bác hỏi có phải thế không nào? Chúng tôi đồng thanh: Thưa Bác đúng ạ.
Kỷ niệm về những lời dạy của Bác, mãi ấm áp trong mỗi chúng tôi, để suốt đời chúng tôi học tập, sửa mình.                   T.Q.T

No comments:

Post a Comment