Kỷ niệm 60 năm chiến thắng La Ngà (1-3-1948 * 1-3-2008)
... Thắng lợi về chính trị còn lớn hơn!
Cập nhật lúc 22:17, Thứ Hai, 03/03/2008 (GMT+7)
Chiến thắng La Ngà 1-3-1948. |
Nhằm giữ bí mật tuyệt đối cho trận đánh, việc tập kết 1.100 quân gồm 3 đại đội A,B,C đang hoạt động ở các huyện Tân Uyên, Châu Thành, Xuân Lộc và Long Thành cùng với liên quân 17 gồm 3 trung đội tân binh đang được huấn luyện đều chấp hành nghiêm việc hướng dẫn của liên lạc chi đội. Trừ đại đội trưởng, không một cán bộ, chiến sĩ nào được phổ biến địa điểm trận đánh. Ngày 26-2-1948 các đơn vị hành quân bí mật về hướng Tây quốc lộ 20. Mãi đến chiều 29-2, toàn bộ lực lượng đã chiếm lĩnh trận địa, bộ đội mới được phổ biến kế hoạch trận đánh nhưng vẫn giữ bí mật địa điểm. Sở chỉ huy trận đánh đặt trên đồi 100 ở km 107 (nay là nơi đặt tượng đài Chiến thắng La Ngà). Giám đốc binh công xưởng Bùi Cát Vũ cùng các chiến sĩ quân giới tiến hành việc chôn địa lôi trên đường nhựa và dùng phân voi ngụy trang bên trên để đánh lừa lái xe và trinh sát địch thường đi qua quãng đường hay có đàn voi sinh sống này.
Sáng 1-3-1948 trên toàn tuyến trận địa La Ngà - Định Quán, hàng ngàn chiến sĩ chi đội 10 đã sẵn sàng nổ súng.
Trung úy Jeffrey - chỉ huy trưởng đại đội bảo vệ đoàn công-Voa, kể lại: "6 giờ sáng ngày 1-3-1948 từ Sài Gòn, đoàn xe 69 chiếc, trong đó có mấy chiếc Jeep chở các sĩ quan cao cấp Pháp và 5 xe ca chở những ông bà chủ Pháp, Việt có máu mặt ở Sài Gòn lên Đà Lạt nghỉ mát. Khi đoàn xe đến Hố Nai thì có chuyện rắc rối, chỗ thì du kích phá đường, chỗ thì cây bị chặt ngã xuống đường. Tệ hại hơn, thỉnh thoảng du kích bắn mấy loạt rồi biến mất. Binh lính bắt đầu có người bị thương, chết. Quá 12 giờ, đoàn xe mới rẽ được sang quốc lộ 20. Và mãi 14 giờ 20 phút, đoàn xe mới tới được La Ngà. Tôi cho dừng đoàn xe lại, báo cáo là tình hình không có gì lạ. Tôi gọi điện cho Đại tá Talès - chỉ huy trưởng khu vực Đồng Nai Thượng đề nghị cho thêm quân hộ tống hoặc đoàn xe nghỉ lại La Ngà, sáng mai đi tiếp. Đại tá Talès trả lời dứt khoát: "Khu vực này đã được bình định rồi! Không có gì đâu! Cứ đi đi. Chỉ có đám du kích quấy phá như hồi sáng thôi! Vừa đi vừa bắn mạnh vào hai bên đường". Tôi vẫn thấy chưa yên tâm nên ráng nói thêm là: "Xin đại tá cho quân ở Lâm Đồng xuống đón đoàn xe", thì Talès gắt ầm lên: "Đi ngay đi! Cứ vừa đi vừa bắn xua đuổi đám du kích...".
Thế là cả đoàn công-voa lại lăn bánh với tiếng súng nổ liên tục về phía hai bên đường. Trong lúc đó, cán bộ, chiến sĩ chi đoàn 10 và liên quân 17 trên khắp mặt trận vẫn giữ bí mật đến cùng, không được tự động nổ súng. Vào lúc 15 giờ 2 phút, chiếc thiết giáp đi đầu vào trận địa A bị trúng mìn tung bổng lên khỏi mặt đất và lao thêm đến cả 10 mét mới bốc cháy, nằm bẹp dí trên đường. Đoàn xe phía sau vẫn tiến lên... 15 giờ 17 phút, mìn ở trận địa C lại nổ khóa đuôi đoàn xe. Cả đoàn công-voa bị cắt làm 3 khúc. Bộ đội từ các điểm cao dọc lộ xung phong mãnh liệt. Đại liên, trung liên, lựu đạn tập trung vào các xe quân sự làm ngay những phút đầu làm hàng chục xe bốc cháy. Đoàn công-Voa như con rồng uốn khúc, oằn oại bốc cháy trên quốc lộ 20. Quân ta hò reo vang dậy, ồ ạt xung phong. Xác giặc ngổn ngang trên xe, dưới đường.
Trận đánh diễn ra quyết liệt trong vòng 55 phút. 150 lính Lê dương bỏ mạng, 25 sĩ quân Pháp chết tại trận; trong đó có đại tá De Sérigné - chỉ huy trưởng bán Lữ đoàn Lê dương thứ 13, Đại tá Patrius - Phó tham mưu trưởng quân Pháp ở Nam Đông Dương, đại úy Jean Couvreur trưởng phòng quân xa...
* Ban phước lành cho... "kẻ dữ"
Chi đội phó Nguyễn Văn Lung -người trực tiếp chỉ huy trận đánh La Ngà nhớ lại: "15 giờ 57 phút, trận đánh kết thúc. Quãng đường ngót chục km khói lửa ngất trời, chốc chốc lại gầm lên tiếng nổ dữ dội. Đạn, phuy xăng nổ, bánh xe nổ... Quân ta hoàn toàn làm chủ trận địa. Do bên ta ít người bị thương, tôi lệnh cho quân y các mặt trận đến băng bó, chăm sóc số hành khách đi theo. Đối với binh lính địch bị thương và những hành khách lớn tuổi, trẻ em không đi xa được (khoảng 50 người), ta giải thích chính sách của kháng chiến và phóng thích ngay tại chỗ, nhắn họ về báo cho bà con Sài Gòn biết rằng còn 220 người gồm hành khách và binh lính bị bắt cũng sẽ được trở về hết. Qua thái độ của chiến sĩ ta và được tin cho về, họ hết sức mừng vui và khi chia tay thật cảm động. Một "bà Phước" (Ma Soeur - nữ tu), khi chiến trường còn vang tiếng súng, đã hốt hoảng chạy ngã túi bụi, rúc đầu xuống đất kêu: "Xin Chúa cứu vớt con khỏi tay kẻ dữ". Lúc chị cứu thương của ta đến an ủi, cho uống nước và dắt đến chỗ ẩn nấp, bà còn nhắm nghiền hai mắt, không nhìn... Thế mà sắp chia tay, bà tháo chuỗi dây đeo Thánh giá choàng lên cổ trung đội trưởng Lê Ngọc Sinh rồi chấp tay lẩm nhẩm: "Xin chúa ban phước lành cho chiến sĩ ViệtNam ".
Trong số "khách" này có hai nhân vật khá đặc biệt là một vị giáo sư có con trai là trung úy trưởng phòng nhì phân khu Xuân Lộc và nhà báo Raoul Michel - cựu chủ bút tờ Ami du Peuple (Bạn Dân). Họ trầm ngâm suốt ngày, trước khi rời chiến khu, vị giáo sư Pháp bộc bạch với đồng chí Nguyễn Văn Lung và Võ Cương: "Những điều tai nghe mắt thấy đưa chúng tôi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, hoàn toàn trái ngược với những gì tôi biết trước đây qua tuyên truyền chính thức của Chính phủ Pháp. Là giáo sư sử học, tôi hiểu chính nghĩa thuộc về các bạn. Các bạn nhất định thắng lợi. Từ thâm tâm, chúc các bạn sớm thành công".
Nhà báo Raoul Michel về đến Sài Gòn bị đồng nghiệp bám theo moi tin, đã nói: "Cần viết đúng sự thật, mà sự thật khác hẳn những gì chúng ta đã từng viết".
Dân chúng và ngay trong chính giới Việt - Pháp ở Sài Gòn cứ xôn xao bàn tán về... chiến sĩ Việt Minh, bộ đội Cụ Hồ.
* Những chuyện kỳ thú... "hậu La Ngà"
Trong hồi ký có tên "Chiến khu Đ của tôi", cố nhà văn Nguyên Hùng cho biết: "Trong 9 năm kháng chiến đánh Tây, tôi có 6 năm ở Chiến khu Đ". Mà con đường dẫn anh phóng viên dân gốc miền Tây mới ra lò khóa báo chí đầu tiên của Nam bộ này đến Chiến khu Đ là do: "Tôi đọc bài bút ký "Khách đô thành viếng Chiến khu xanh" (đăng trên báo Tiền Đạo của Khu 7 số đặc biệt: Chiến thắng La Ngà) rồi phát mê miền Đông". Và ông đã xin về Ty Thông tin Biên Hòa. Cũng theo Nguyên Hùng, hạnh phúc lớn nhất của nhà báo, nhà văn như ông là gặp được nhiều nhân vật mà ông quý mến và ngưỡng mộ như: Huỳnh Văn Nghệ, Nguyễn Bình, Võ Cương, Bùi Cát Vũ... Trong đó có một nhân vật mà ông kính phục tôn là... "Nữ kiệt miền Đông": Đó là chị Lương Ngọc Tương, Trưởng ty y tế Biên Hòa kiêm Trưởng trạm dân y tỉnh. Trong số mấy nữ sinh học trường Tây ở Đà Lạt (đi chung đoàn công-voa với quan thầy Pháp) được làm cuộc "du ngoạn tình cờ" vào chiến khu nhân chi đội 10 phục kích trận La Ngà, chị Tương đã hiểu ra chính nghĩa Việt Minh và xin ở lại tham gia kháng chiến. Chị học trường Đầm rồi tốt nghiệp y tá quốc gia cũng do Pháp đào tạo. Cùng với bác sĩ Võ Cương, chị Tương trực tiếp chữa trị cho trung úy Jeffrey - chỉ huy trưởng đại đội bảo vệ đoàn xe bị thương gãy chân. Được trạm quân y chi đội 10 kết hợp Đông Tây y bó cho liền xương và chữa trị đi lại được, viên Trung úy an ninh Pháp vô cùng xúc động nói với bác sĩ Võ Cương: "Trường hợp như tôi thì ở Quân y viện của Pháp, bác sĩ thường cắt bỏ để điều trị được nhanh...".
Trước đó, mặc dù bọn chỉ huy quân đội Pháp ở Sài Gòn cố tìm mọi cách để che đậy sự thật, giảm bớt tiếng vang của trận La Ngà. Nhưng trong số sĩ quan và các nhà tư sản bị chết và mất tích có đến mười mấy tên thuộc dòng giống quý tộc "họ De" (Đờ) nên "tai tiếng" vang tận Paris. Tướng De Latour chỉ huy quân Pháp ở Nam bộ tức tốc cho quân truy kích chi đội 10 và càn quét Chiến khu Đ. Không ngờ, Việt Minh đã dự đoán trước tình hình, cuộc truy kích lại thất bại. Túng cùng De Latour xuống nước viết thư gởi Bộ tư lệnh Khu 7 xin được chuộc những người Pháp có họ De. Đại tá De Sérigné được làm lễ truy điệu theo nghi thức quốc tang, nhưng vợ ông ta quyết làm lớn chuyện và kiện đại tá Talès trước Tòa án quân sự. Quốc hội Pháp lại vào cuộc cật vấn Talès về kết quả thắng lợi của công cuộc bình định đã dẫn đến: "đại họa La Ngà". Talès bị giáng chức và ức quá đã uống thuốc độc tự tử. Tính ra, chỉ trận La Ngà đã có đến 3 đại tá thực dân Pháp bỏ mạng...
Bùi Thuận
No comments:
Post a Comment