Wednesday, 12 March 2014

Từ một công trình ngụy khoa học, lệch lạc về tư tưởng học thuật… (Nguyễn Ngọc Thiện - Hà Nội Mới)


Từ một công trình ngụy khoa học, lệch lạc về tư tưởng học thuật…
Thứ Năm 6:30 25/07/2013
LTS: Gần đây, trên nhiều báo như: Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Thanh 

tra, Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, Văn nghệ… đã có những bài, cụm bài viết 

nghiêm khắc đối thoại, phân tích chỉ ra những sai trái, lệch lạc trong Luận 

văn Thạc sĩ Ngữ văn (cùng 5 tiểu luận - phê bình thuộc dự án nghiên cứu) 

của Đỗ Thị Thoan/Nhã Thuyên. Dưới góc độ tiếp cận nghiên cứu lý luận 

văn học, khoa học, PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện, người đã có hơn 20 năm 

tham gia công tác đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ ngành ngữ văn, đã có bài phân 

tích sâu sắc về luận văn nói trên. Báo Hànộimới xin giới thiệu tới độc giả 

để có cái nhìn toàn diện, đúng đắn hơn về vấn đề này.

Công trình mà chúng tôi nói ở đầu bài, tức cái gọi là “Luận văn Thạc sĩ 

Ngữ văn” thuộc chuyên ngành văn học Việt Nam của Đỗ Thị Thoan gồm 

116 trang vi tính khổ A4, hoàn thành tháng 11-2010 tại cơ sở đào tạo Sau 

Đại học Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, sau đó ít lâu được phép đưa ra 

bảo vệ và đã “bảo vệ thành công” trước Hội đồng chấm luận văn do 

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội ra quyết định thành lập.


Các bài viết gần đây trên báo chí phê bình, trao đổi ý kiến về luận văn và 

tiểu luận của Đỗ Thị Thoan/Nhã Thuyên.

Thời gian cứ trôi qua, nhưng suốt gần 2 tháng nay, kể từ khi trên diễn đàn 

Hội thảo khoa học “Nâng cao chất lượng và hiệu quả của lý luận, phê 

bình” do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức vào các ngày 4 và 5-6-2013 tại thị 

trấn Tam Đảo (Vĩnh Phúc) khởi đầu đã có vài ba tiếng nói cảnh báo, phê 

phán hiện tượng ngụy khoa học này, thì đồng thời, liên tục trên các mặt 

báo chuyên ngành, báo hằng ngày như Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, 

Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Thanh tra, Vănvn.net (của Hội Nhà văn 

Việt Nam), Văn nghệ… đã có những bài viết, cụm bài viết nghiêm khắc đối 

thoại, phân tích chỉ ra những sai trái, lệch lạc của Luận văn này (cùng 5 

tiểu luận - phê bình thuộc dự án nghiên cứu, hoàn thành đầu năm 2012 

mang tên Những tiếng nói ngầm ký tên Nhã Thuyên - bút danh khác của 

Đỗ Thị Thoan - mà nội dung của nó là sự thoát thai, kéo dài và tiếp tục 

phát triển những quan điểm, tư tưởng của cùng một tác giả khai mở từ 

công trình Luận văn).

Trong hội thảo nói trên của Hội Nhà văn Việt Nam, chúng tôi đã có ý kiến 

rằng: “Trong cái mớ xô bồ lý thuyết từ Âu - Mỹ dội vào, ảnh hưởng vào 

nước ta, thì điểm nào, phương diện nào ta có thể tiếp nhận được, phù hợp 

để vận dụng soi vào thực tiễn văn học nghệ thuật nước ta, thuận với mặt 

bằng và sở trường tư duy sáng tạo, tiếp nhận ở ta. 

Nếu không sẽ bị lôi cuốn, mất đi sự tỉnh táo cần thiết, vồ vập xưng tụng 

chúng một cách thái quá, nóng vội vận dụng nó vào nghiên cứu phê bình, 

ắt sẽ không tránh khỏi sự khiên cưỡng, áp đặt, thiếu hiệu quả - nếu không 

muốn nói là rơi vào thói học đòi, theo đuôi người nước ngoài rồi tự đắc lấy 

làm sang (!)”(1).

Vì vậy, chúng tôi rất hoan nghênh và đồng tình với những tiếng nói thiện 

chí, có trách nhiệm, cảnh báo về sự nguy hiểm của công trình mang danh 

nghiên cứu khoa học được Hội đồng chấm Luận văn ngộ nhận đánh giá 

đạt xuất sắc, ở chỗ nó “nhân danh nghiên cứu để ca ngợi thứ thơ rác rưởi”, 

thực chất là “một luận văn sai lạc”, thể hiện “một góc nhìn phản văn hóa 

và phi chính trị”. Những luận điểm nền tảng mà tác giả Luận văn dựa vào là 

sự góp nhặt tùy tiện, hiểu thiếu chính xác và chưa được nghiên cứu tường 

minh, thấu đáo các lý thuyết triết học, mỹ học của chủ nghĩa hậu hiện đại 

và các luận thuyết thời thượng khác (như lý thuyết Trung tâm - Ngoại vi, 

phạm trù Cái bên lề, Cái khác, Sự giễu nhại và Mỹ học của cái tục, 

Samizdat - tức xuất bản và phát hành văn chương bí mật, không chính 

thức…) để soi chiếu vào những ấn phẩm gọi là thơ của nhóm Mở miệng 

vốn dĩ được xuất bản chui, lưu hành ngầm ở ta và ở nước ngoài từ đầu thế 

kỷ XXI, một cách không đàng hoàng nhằm “kích động sự phản kháng và 

chống đối” tư tưởng chính thống và thể chế chính trị hiện hành, cùng sự 

nghiệp đổi mới mà cả xã hội ta dày công vun đắp ngót 30 năm nay được 

những người có lương tri trên thế giới xem trọng.

Các bài báo nói trên cũng tách bạch rõ đâu là sai trái, lệch lạc, có dấu hiệu 

nguy hiểm cần phải dè chừng và biết dừng lại đối với tác giả Luận văn và 

tập tiểu luận; đâu là trách nhiệm liên đới của cơ sở đào tạo Sau Đại học là 

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội với Khoa Ngữ văn, nhà giáo hướng dẫn 

Luận văn, các nhà khoa học được mời vào Hội đồng chấm Luận văn đã 

không chút đắn đo thông qua và đánh giá cao “thành công” của Luận văn. 

Người ta không thể không đặt câu hỏi: Tại sao ở một trung tâm giáo dục 

và đào tạo đầu ngành sư phạm ở giữa Thủ đô mà trong suốt quá trình đào 

tạo một học viên cao học từ lúc đăng ký lựa chọn đề tài, thông qua tên đề 

tài và cái khung đề cương thực hiện, phân công người hướng dẫn khoa học 

khi học viên viết Luận văn, rồi cho phép Luận văn được bảo vệ để nhận 

một sự đánh giá tối ưu của Hội đồng chấm luận văn… - một quy trình đòi 

hỏi sự chặt chẽ, nghiêm túc về khoa học, sự kiểm tra giám sát của các cơ 

quan chuyên môn hữu quan và cán bộ phụ trách quản lý, hóa ra lại lỏng 

lẻo, dễ dãi và nể nang, châm chước nhau, gây nhiều sơ hở, bất cập đáng 

trách. Điều đó khiến cho một công trình ngụy khoa học của Đỗ Thị Thoan 

chứa đựng đầy rẫy những sai trái, lệch lạc về quan điểm tư tưởng học thuật 

và lộn xộn trong phương pháp nghiên cứu, lại lọt lưới, lẳng lặng vận hành 

đến đích suôn sẻ như vậy, đến mức tác giả của nó, ảo tưởng về sự cực 

đoan, thái quá, không chút e dè, cứ tiếp tục điềm nhiên truyền bá quan 

điểm, tư tưởng học thuật dị biệt và lạc lõng của mình trên diễn đàn mạng 

internet, trong dự kiến hoạt động thực tập hợp đồng giảng dạy tại nhà 

trường.

May thay, sự kiện hy hữu này đã bị phanh phui, phơi ra ánh sáng, khiến dư 

luận rộng rãi và giới học đường không khỏi giật mình, sửng sốt!

Thực ra, như người đời từ lâu đã nhắc nhở: có khi ngay ở dưới chân đèn 

cũng có thể có những khoảng tối và thời điểm tối; ngay ở trong một cơ thể 

vốn dĩ khỏe mạnh vẫn có thể có những điểm yếu chết người gọi là “gót 

chân Asin”!

*
* *

Là người chuyên nghiên cứu về lý luận văn học và văn học Việt Nam hiện 

đại từ nhiều năm nay, đã và đang tham gia vào công tác đào tạo tiến sĩ và 

thạc sĩ ngành ngữ văn tại một số cơ sở đào tạo Sau Đại học trong cả nước 

từ hơn hai mươi năm gần đây (giảng dạy, hướng dẫn hoặc chấm luận văn 

thạc sĩ, luận án tiến sĩ thuộc hai chuyên ngành nói trên), tôi xin phép được 

đề xuất một vài ý kiến để các cơ quan hữu quan và cá nhân nhà khoa học 

ngữ văn lưu ý tham khảo, xem xét như sau:

1. Triển khai nghiên cứu các vấn đề của khoa học xã hội và nhân văn ở ta 

cần khảo sát kỹ lưỡng và thận trọng, tỉnh táo, bởi đây là lĩnh vực khoa học 

liên quan đến hệ tư tưởng, thể chế chính trị và thực tiễn lịch sử, đời sống 

xã hội đương đại. Những người làm công tác nghiên cứu, giảng dạy và đào 

tạo trên lĩnh vực khoa học này cần lựa chọn một chỗ đứng và lập trường 

khoa học đúng đắn, vững vàng, kiên trì hướng về lợi ích của nhân dân 

đông đảo, của dân tộc và đất nước, không thể vì bất cứ lý do gì để bị chi 

phối bởi lợi ích nhóm đối lập, làm phương hại đến sự ổn định và trật tự xã 

hội hiện hành, gây mất đoàn kết, phân tâm chia rẽ trong khối cộng đồng, 

khiến kẻ xấu, kẻ thù có thể lợi dụng.

Trong khoa học xã hội và nhân văn, có khi chỉ có thể nghiên cứu đối 

tượng trong độ lùi cần thiết của lịch sử, khi sự việc, hiện tượng đã an bài, 

xong xuôi, người nghiên cứu đã có đủ tư liệu chính xác để nhìn nhận thỏa 

đáng các khía cạnh của vấn đề. Đối với những hiện tượng, vấn đề đang 

diễn tiến, nếu cần nghiên cứu phải bình tĩnh, khách quan, nhạy cảm và 

trung thực, không thể hấp tấp chằm bặp nghiên cứu, nhân danh khoa học 

mà chủ quan, cực đoan, phiến diện, ngụy biện gây rối, hoặc kích động 

nhân tâm dao động, hướng tới sự bất an.

2. Việc lựa chọn đối tượng nghiên cứu cùng với các dữ kiện nghiên cứu 

phải đáng tin cậy và hợp hiến cùng với đó là phương pháp nghiên cứu 

khoa học, phù hợp, có sức thuyết phục, là rất quan trọng.

Theo tôi, sự lựa chọn của tác giả Đỗ Thị Thoan/Nhã Thuyên nhằm đối 

tượng nghiên cứu - thơ của nhóm Mở miệng, là một việc làm khiên cưỡng, 

có ý đồ biện minh cho sự tồn tại của nhóm với những sản phẩm mà chính 

họ tự nhận gọi đó là “thơ dơ”, “thơ rác”, “thơ nghĩa địa” nhằm tôn vinh sự 

lệch chuẩn, chống đối lại thể chế và trật tự xã hội, bêu riếu những điều cao 

cả, thiêng liêng đối với toàn dân tộc.

Toàn bộ Phụ lục của Luận văn gồm danh mục các tác phẩm của Mở 

miệng cho thấy đây là những ấn phẩm của những người đứng ở phía bên lề 

đối lập với lợi ích của toàn xã hội. Cái gọi là tác phẩm của họ không dám 

xuất hiện một cách đàng hoàng, phải lén lút tự ấn hành, photocopy, tự xuất 

bản theo kiểu đối phó với sự kiểm duyệt của Nhà nước, gọi là kiểu xuất 

bản Samizdat (tr.108 - tr.110).

Đối tượng nghiên cứu như vậy rõ ràng là không đáp ứng các yêu cầu về 

phẩm chất và giá trị văn chương đích thực, không được thừa nhận hợp 

pháp và hợp hiến.

Từ đó, ta hiểu được vì sao việc nghiên cứu trước đó về nhóm này đã 

không bàn được về giá trị văn chương của cái gọi là thơ bộc phát từ nhóm 

Mở miệng, mà chỉ có thể đề cập đến những khía cạnh tác động xã hội của 

chúng (phê phán đó là “một nhánh kênh đen”, “thứ rác rưởi gọi là thơ” - 

như các bài đăng trên Báo Công an TP Hồ Chí Minh năm 2005, 2006; 

hoặc ngược lại ca ngợi đó là “một dòng thơ mới có tính cách tân”, “một 

cuộc cách mạng thầm lặng trong văn học”, với “những kiệt tác của tự do” 

- như đa phần bài viết trên mạng talawas; tienve.org; damau.org đã thổi 

phồng!).

Tình hình nghiên cứu như vậy đã gây không ít trở ngại cho tác giả khi viết 

mục “Lịch sử vấn đề” ở chỗ: trong số 34 đơn vị Thư mục được tác giả kể 

ra trong Thư mục nghiên cứu, thì có đến 20 thư mục lấy từ các trang mạng 

trôi nổi như trên đã nói, 5 đơn vị thư mục khác là các tài liệu do cá nhân 

bạn bè quen biết cung cấp riêng cho tác giả. Chỉ còn 9 đơn vị thư mục 

gồm các bài viết, sách dịch, sách nghiên cứu đã xuất bản chính ngạch 

hoặc Luận văn, Luận án đã bảo vệ về thơ Việt Nam đương đại là có thể 

kiểm chứng khi tác giả Luận văn trích dẫn. Song đáng tiếc những thư mục 

này lại được Đỗ Thị Thoan đánh giá thấp, cho rằng đó là “những bài báo 

vô nghĩa”, những luận văn, luận án “dè dặt trong tiếp cận và đánh giá” 

hoặc chí ít “mang tính chất điểm danh, nói theo, chỉ làm phong phú thêm 

những màu sắc của bức tranh giả mạo về thơ Việt Nam đương đại”.

Duy nhất có Luận văn của Trần Ngọc Hiếu cũng được bảo vệ trước đó tại 

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và các bài viết của cây bút này được Đỗ 

Thị Thoan đánh giá cao, rằng ở đó có “sự sâu sắc về tư duy”, có “tầm 

nhìn rộng ra sự khiêu khích và bản chất khiêu khích của những kẻ nổi 

loạn”, từ đó “đặt ra nhiều vấn đề có tính lý thuyết và cách thức tiếp cận 

thơ ca đương đại mà Mở miệng là một hiện tượng tiêu biểu”.

Tác giả Đỗ Thị Thoan đã tỏ ra thiên lệch khi viết Lịch sử vấn đề, nghiêng 

về khai thác những đánh giá về Mở miệng đã đăng trên mạng vì đó là của 

những người “cùng hội cùng thuyền” - những kẻ bên lề như Mở miệng. Họ 

hoang tưởng rằng những cái gọi là thơ đó có khả năng “gây hấn” mạnh 

mẽ… “tạo thành một vùng năng động mà những nhà văn học sử và những 

người nghiên cứu văn hóa có thể coi là một nguồn dữ liệu quan trọng để 

thấy được tinh thần văn chương của một thời kỳ.” (tr.13)

Trình bày về đối tượng và lịch sử vấn đề nghiên cứu như vậy, theo tôi, khó 

có thể bảo đảm sự tin cậy, khách quan, khoa học, khó có thể kiểm chứng 

được!

Luận văn đã thiếu khách quan, công bằng khi thiên về bình tán những ý 

kiến lạc lõng khen thơ của nhóm Mở miệng (mà người ta biết rằng chúng 

được xuất phát từ những động cơ khác nhau, khó có thể nói về sự lành 

mạnh của văn hóa đọc). Về phía người viết, thì tác giả đặc biệt cổ xúy cho 

Mở miệng, cho rằng thơ của họ không dừng lại ở văn bản, mà tất yếu dẫn 

đến hành động. Nói cách khác đó là “hành động thơ” để can dự vào việc 

chống sự trung tâm hóa, chống lại sự ổn định xã hội và điều hành của Nhà 

nước, chống đối bằng đòi hỏi sự lên ngôi của cái bên lề, của cái khác, 

những dòng ngầm của tư tưởng cùng là sự thừa nhận xuất bản chui, không 

chịu dễ bề để Nhà nước kiểm soát. Tóm lại là hòa cả làng, tôi cũng như 

anh, mọi sự bình đẳng, ngang bằng tuyệt đối một cách vô chính phủ (!).

Thử hỏi, viết “Lịch sử nghiên cứu vấn đề” của Luận văn với thiên kiến và 

mục đích chính trị đối lập, phản kháng đồng lõa với Mở miệng như vậy, 

thì đó có phải là khoa học và trung thực hay không?

3. Chính vì chọn lầm hay do sơ sảy lấy đối tượng nghiên cứu của Luận 

văn chuyên ngành Văn học Việt Nam nhằm vào loại thơ xuất bản chui, lén 

lút, không chính ngạch của nhóm Mở miệng và khi viết “Lịch sử vấn đề” 

chủ yếu dựa vào những ý kiến bức xúc một chiều xuất hiện trên các thông 

tin mạng trôi nổi thuộc diện ngoài luồng chính thống, thiên về xu hướng 

đối lập với chính thể Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nên 

tác giả Luận văn đã buộc phải né tránh, không viết các mục Lời cam đoan 

ở đầu Luận văn, tiểu mục xác định “Mục đích nghiên cứu và Những đóng 

góp mới của Luận văn” mà theo Quy định về thể thức trình bày và bố cục 

Luận văn cần thiết, bắt buộc phải có ở phần Mở đầu. Bởi, thật là quá khó 

và không có sức thuyết phục, nếu tác giả khẳng định bảo đảm về tính 

trung thực, hợp hiến và đáng tin cậy của nguồn dữ liệu nghiên cứu, khai 

thác từ cái mớ lộn xộn kiểu đồng nát, sắt vụn, tạp - phí - lù là thứ “thơ dơ, 

thơ rác, thơ nghĩa địa” xuất bản chui kia? Bởi, làm sao trình bày toát lên 

được mục đích cao đẹp, ý nghĩa văn hóa và nhân văn (dù nhan đề Luận 

văn có trương lên vế từ “nhìn từ góc độ văn hóa” đi nữa) của việc nghiên 

cứu trong một công trình khoa học về văn học, khi mà đối tượng nghiên 

cứu - oái oăm thay - lại là những sản phẩm phi văn chương, phản văn hóa, 

phản nhân văn, tha hóa, đội lốt văn chương nhằm thực hiện một ý đồ và 

tham vọng chính trị là công kích, nói xấu chế độ dân chủ hiện hành? Bởi, 

làm sao chỉ ra được những đóng góp mới của Luận văn hướng con người 

và văn chương vươn tới những mục tiêu cao cả của Chân - Thiện - Mỹ, khi 

Luận văn dường như chỉ là một tiếng nói a dua theo với Mở miệng và các 

thế lực bất mãn, ngầm chống đối chế độ (nhưng được tác giả Đỗ Thị 

Thoan khéo ẩn giấu dưới các mỹ từ là “chia sẻ và thúc đẩy để cùng tồn 

tại” nơi vị trí như bị bủa vây trong hộp đen của Mở miệng. Theo tác giả, 

họ đã bị đối xử bất công như một thứ “quái vật”, “một vật cấm”, trong khi 

thực chất họ thực hiện “tính cách tân và tính cách mạng trong tư tưởng và 

nghệ thuật” (tr.17) ở chỗ dám “chối bỏ quyết liệt”, “lên tiếng đòi phá nốt 

những thành trì kiên cố của sự chuyên chế, khi niềm tin vào chế độ và sự 

tự do đang có nguy cơ tan rã” (tr.104). Lúc đầu tôi không muốn làm khó 

cho những dòng này trong Luận văn, nhưng cuối cùng vẫn phải viện dẫn ra 

đây, để độc giả không còn chút mơ hồ về sự đội lốt, giả danh thơ ca để 

đạt mục đích chính trị của Mở miệng và kiểu cổ vũ, tán dương lập trường 

quá khích, “gây hấn” của nhóm này mà tác giả Luận văn muốn tiếp tục 

châm ngòi, giữ lửa?

Qua đây có thể thấy việc thiếu vắng trình bày những khoản mục bắt buộc 

đối với một Luận văn khoa học như trên đã nói, ít nhiều đã cho thấy ngọn 

ngành những khiếm khuyết, bất cập của Luận văn, chứ không thể “châm 

chước” như Hội đồng chấm Luận văn, xem đây là một Luận văn hoàn hảo 

đến mức không phải băn khoăn chấm điểm xếp vào hạng ưu (?).

4. Rút cục, cái gọi là Luận văn khoa học ấy đã bảo vệ “thành công sáng 

giá” cách đây hơn 2 năm và Hội đồng chấm Luận văn đã bỏ phiếu tán 

thành thông qua ở trình độ xuất sắc với điểm tuyệt đối để tác giả của nó 

được vinh danh với học vị Thạc sĩ chuyên ngành Văn học Việt Nam. 

Nhưng nay, khi có dịp nhìn lại một cách bình tĩnh theo các chuẩn mực 

khoa học, đã thấy Luận văn này ở một số phương diện bộc lộ sự đáng ngờ 

về mục đích nghiên cứu khoa học; có dấu hiệu lệch lạc về tư tưởng học 

thuật; giá trị khoa học và ý nghĩa văn hóa, nhân văn lại mỏng manh, vậy thì 

chúng ta phải ứng xử như thế nào?

Tôi thiết nghĩ, dù đây là trường hợp ít khi xảy ra, nhưng nếu Luận văn quả 

thật đó đây xuất hiện những dấu hiệu không thể xem thường, cho qua (ở 

đây, tuyệt nhiên không phải là cách nói đẩy sự việc quá lên mức nghiêm 

trọng, việc bé xé ra to) thì việc cần làm ngay là tiến hành phúc tra, thẩm 

định lại thực chất giá trị khoa học của Luận văn và kết quả đánh giá của 

Hội đồng chấm Luận văn do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội được thừa 

ủy quyền của Bộ Giáo dục và Đào tạo, lập ra.

Cấp có thẩm quyền tiến hành phúc tra, thẩm định lại kết quả đào tạo đã 

rồi, cần phải là cấp trên - cơ quan chủ quản của Trường cũng là cơ quan 

quản lý cấp Nhà nước về đào tạo, tức Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nên chăng 

quý Bộ chủ quản nói trên, theo đúng Quy chế quản lý khoa học và đào tạo 

Sau Đại học do Nhà nước ban hành, cần thành lập một Hội đồng tư vấn 

khoa học chấm phúc tra Luận văn của Đỗ Thị Thoan, để có căn cứ, kết 

luận rõ ràng về các phương diện cần xem xét, đánh giá lại Luận văn, đặc 

biệt là chất lượng khoa học của nó. Ý kiến tư vấn của Hội đồng khoa học 

độc lập này sẽ được trình lên để lãnh đạo Bộ xem xét, quyết định: hoặc là 

vẫn bảo lưu kết quả điểm của Hội đồng chấm luận văn mà nhà trường đã 

báo cáo ngay sau khi học viên Đỗ Thị Thoan bảo vệ năm 2010, hay cần 

phải cân nhắc, xem xét lại sự đánh giá “hơi bị hào phóng” của Hội đồng 

ngày trước, do không hoàn toàn phản ánh, nhìn nhận đúng giá trị thực chất 

của Luận văn?

Lúc này, cần quán triệt tinh thần, nếu việc nào làm đã đúng thì sẽ tiếp tục 

khẳng định, việc nào nhìn lại thấy là chưa đúng thì cần phải sửa chữa công 

khai trước công luận, ngõ hầu đảm bảo sự nghiêm túc, chuẩn mực, giữ gìn 

kỷ cương phép nước trong đào tạo cán bộ ở diện trình độ sau đại học.

Đối với những cán bộ khoa học quý là chuyên gia của ngành giữ vai trò 

liên đới trách nhiệm (người hướng dẫn, Hội đồng chấm luận văn, cơ quan 

quản lý khoa học và đào tạo của trường) cũng cần được nhìn nhận thấu 

đáo, có lý, có tình. Là cán bộ nhà nước, chuyên gia khoa học có học hàm 

học vị cao hoặc là đảng viên, căn cứ vào Luật Công chức và theo tinh thần 

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) của Đảng, những người nói 

trên cần được bảo đảm phát huy dân chủ trong phê bình và tự phê bình, 

để ngày càng làm tốt hơn phận sự của mình trong khi thực thi công vụ vì 

dân, vì nước, vì tính chất tiên tiến và nhân văn của khoa học xã hội Việt 

Nam.

Rất mong thiển kiến của chúng tôi được trao đổi chân tình và dân chủ, xây 

dựng, bảo đảm cho từng người trong đội ngũ trí thức khoa học của đất 

nước, đề cao được tinh thần “thực sự cầu thị” để tiến bộ, tiến bộ mãi, 

đoàn kết gắn bó trên lĩnh vực nghiên cứu khoa học và đào tạo, đáp ứng 

yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ và đòi hỏi nghiêm túc của nghề 

nghiệp.
Hà Nội, tháng 7-2013

 - - - - - - 
(1) Xem: - “Tài liệu Hội nghị Lý luận - phê bình văn học lần thứ III” in vi 

tính tháng 6-2013, sử dụng nội bộ của Hội Nhà văn Việt Nam, tr.248;
- Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam số 221 (tháng 6-2013), tr.12-13.
- “Hội nhập để nâng cao năng lực thẩm mỹ” (vanhocquenha.vn đăng ngày 

4-6-2013)
PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện
http://hanoimoi.com.vn/Ban-in/Van-hoa/599444/tu-mot-cong-trinh-nguy-

khoa-hoc-lech-lac-ve-tu-tuong-hoc-thuat%E2%80%A6

No comments:

Post a Comment