Tuesday, 4 March 2014

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA TRANH THỦ SỰ ỦNG HỘ, VIỆN TRỢ CỦA TRUNG QUỐC, LIÊN XÔ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP [1950 - 1954] (Nguyễn Văn Trí - Nghệ An)



Xuyên suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945- 1954), cùng với việc tự lực cánh sinh, VNDCCH cũng nỗ lực không mệt mỏi để tranh thủ sự ủng hộ quốc tế và sự ủng hộ từ bên ngoài có được thực tế đã là một nhân tố đảm bảo sự thành công cho cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam. Góp phần tìm hiểu những nỗ lực đó, chúng tôi tập trung tìm hiểu quá trình VNDCCH tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của Trung Quốc và Liên Xô từ năm 1950 đến năm 1954.
Trước năm 1950, VNDCCH đã quan tâm giành sự ủng hộ, giúp đỡ của Liên Xô và những người cộng sản Trung Quốc. Đối với Liên Xô, ngay sau khi nước VNDCCH ra đời, Chính phủ Hồ Chí Minh đã nhiều lần kêu gọi sự ủng hộ về vật chất và tinh thần đồng thời kín đáo khẳng định sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương trong cuộc kháng chiến của mình. Đối với những người cộng sản Trung Quốc, trước thực tế lực lượng này đang tiến hành cuộc nội chiến chống chính quyền Quốc Dân đảng, VNDCCH đã hỗ trợ họ nơi trú quân cùng một số nhu yếu phẩm[1]. Thậm chí, vào giữa năm 1949, VNDCCH còn điều quân phối hợp với Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc mở rộng khu giải phóng ở vùng biên giới Trung- Việt.
Nỗ lực của VNDCCH đã được Liên Xô và những người cộng sản Trung Quốc quan tâm và bí mật ủng hộ. Năm 1947, theo Phrăng xoa Goayô, những người cộng sản Trung Quốc đã giúp VNDCCH mua vũ khí ở Thái Lan[2]. Về phía Liên Xô, năm 1948, nước này giúp VNDCCH chuẩn bị mở các cơ sở thông tin ở Ba Lan và Tiệp Khắc. Vào giữa năm 1949, khi nước CHND Trung Hoa sắp ra đời, các lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc và Đảng Cộng sản Liên Xô đã thống nhất chủ trương cùng giúp nhân dân Việt Nam kháng chiến chống thực dân Pháp. Đến tháng 11 năm 1949, tại Đại hội công đoàn thế giới tổ chức ở Bắc Kinh, CHND Trung Hoa đã công khai ý định đó khi tuyên bố sẽ tích cực trợ giúp phong trào cách mạng Đông Dương[3].
Trong hoàn cảnh đó, vào đầu năm 1950, hoạt động tăng cường vận động sự ủng hộ từ Liên xô, Trung Quốc của VNDCCH nhanh chóng thu được kết quả to lớn. Thật vậy, tháng 1 năm 1950, Chính phủ VNDCCH cử một đoàn đại biểu do Hồ Chí Minh dẫn đầu bí mật đến Trung Quốc và Liên Xô trực tiếp vận động sự ủng hộ đồng thời gửi công hàm đề nghị hai nước này công nhận và lập quan hệ ngoại giao cấp đại sứ. Đáp lại, ngay trong tháng này, Chính phủ nước CHND Trung Hoa và Chính phủ Liên bang Cộng hòa XHCN Xô Viết lần lượt tuyên bố công nhận và thiết lập ngoại giao cấp đại sứ với VNDCCH. Sang tháng 2 năm 1950, các lãnh đạo Nhà nước Liên Xô và Trung Quốc cùng cam kết viện trợ, nhất là viện trợ quân sự, cho VNDCCH. Về viện trợ quân sự, Liên Xô cam kết giúp Việt Nam xây dựng 1 trung đoàn pháo phòng không 37 ly, 5 tấn thuốc ký ninh và một số xe ô tô vận tải Môlôtôva; Trung Quốc nhận trang bị cho Việt Nam 6 đại đoàn và 1 đơn vị pháo binh, đồng thời Trung Quốc cử cố vấn quân sự giúp Việt Nam về tham mưu và huấn luyện[4]. Như vậy, nước VNDCCH đã giành được sự ủng hộ thực tế và to lớn từ bên ngoài, chấm dứt thời kỳ “chiến đấu trong vòng vây”.
Thế nhưng, việc Liên Xô và Trung Quốc ủng hộ cách mạng Việt Nam không có nghĩa họ không có cái nhìn tiêu cực về VNDCCH. Đối với Liên Xô, việc Đảng Cộng sản Đông Dương tự giải tán (1945), việc VNDCCH chưa tiến hành cải cách ruộng đất và tỏ ra “trung lập” trong quan hệ Đông- Tây[5] đã khiến các nhà lãnh đạo nước này nghi ngờ những người cộng sản Việt Nam mang tư tưởng “quốc gia”[6]. Tại Matxcơva, tháng 2 năm 1950, dù Hồ Chí Minh đã cố gắng giải thích về những vấn đề trên nhưng, theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp, “quan điểm của Bác Hồ (về việc Đảng tuyên bố tự giải tán- NVT) chưa nhận được sự ủng hộ, thường là không thuận lợi”[7]; về vấn đề ruộng đất, Xtalin phê bình VNDCCH “trì hoãn quá lâu cuộc cải cách ruộng đất”[8]. Đối với Trung Quốc, tuy không chỉ trích việc Đảng Cộng sản Đông Dương tự giải tán, nhưng trong vấn đề ruộng đất, nước này biểu thị sự nhất trí với quan điểm của Liên Xô khi hứa giúp VNDCCH “kinh nghiệm về phát động quần chúng tiến hành cải cách ruộng đất”[9].
Với thái độ đó, Liên Xô và Trung Quốc dành cho VNDCCH sự ủng hộ hạn chếVề ngoại giao, quan hệ ngoại giao giữa VNDCCH với Trung Quốc và Liên Xô chưa ở mức cao nhất: Với Trung Quốc, VNDCCH được đặt đoàn đại biểu thay vì đặt đại sứ; với Liên Xô, VNDCCH phải quan hệ qua trung gian Trung Quốc- Đại sứ Trung Quốc ở Liên Xô đại diện cho lợi ích của VNDCCH. Về viện trợ quân sự, đến cuối năm 1950, tuy hai nước cấp cho VNDCCH số lượng đáng kể vũ khí, trang bị quân sự- 3983 tấn, nhưng trong số đó không có những vũ khí hạng nặng như đã cam kết- pháo cao xạ 37 ly, pháo lựu 105 ly[10].
Để giành thêm sự ủng hộ từ Liên Xô, Trung Quốc, VNDCCH tăng cường mối quan hệ với hai nước này như lập các tổ chức hữu nghị Việt- Xô, Việt- Trung, tiến hành các cuộc thăm hỏi…, đồng thời, khẳng định lập trưởng giai cấp vô sản của mình: Đảng Cộng sản Đông Dương ra hoạt động công khai với tên mới là Đảng Lao động Việt Nam; VNDCCH tích cực tuyên truyền đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, bảo vệ chủ nghĩa xã hội.
Nỗ lực của VNDCCH đã thúc đẩy mối quan hệ với Liên Xô và Trung Quốc lên một bước: Quan hệ giữa VNDCCH với Liên Xô, Trung Quốc lần lượt lên cấp đại sứ- với Trung Quốc vào tháng 4 năm 1951, với Liên Xô vào tháng 4 năm 1952. Bên cạnh đó, từ năm 1951, VNDCCH được Liên Xô và Trung Quốc giúp xây dựng chính sách kinh tế, tài chính, đào tạo nhận lực. Về viện trợ quân sự, VNDCCH được Trung Quốc giúp xây dựng một trung đoàn lựu pháo 105 ly (7/1951), tiếp nhận một số pháo cao xạ 37 ly (1951), súng cối 120 ly (1952). Mặc dù vậy, những cố gắng đó chưa thực sự giải tỏa được những hoài nghi trong các nhà lãnh đạo Liên Xô và Trung Quốc về những người cộng sản Việt Nam. Những vũ khí hạng nặng mà phía VNDCCH tiếp nhận có số lượng không nhiều: Súng cối 120 ly có 24 khẩu, pháo cao xạ 37 ly có 4 khẩu[11]. Cho đến cuối năm 1952, phía Trung Quốc chưa hoàn thành xây dựng trung đoàn lựu pháo 105 ly (nêu trên), phía Liên Xô chưa thực hiện cam kết giúp VNDCCH xây dựng một trung đoàn pháo cao xạ 37 ly. Trong điều kiện đó, QĐNDVN vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc chế ngự hỏa lực pháo binh, không quân của quân Pháp[12].
Trong lúc cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn như vậy, từ giữa năm 1951, với việc hai bên tham chiến ở Triều Tiên ngồi vào bàn thương lượng để đình chiến theo sáng kiến của Liên Xô, một xu thế hòa hoãn quốc tế đã được nhen nhóm. Bước sang năm 1952, xu thế này có chiều hướng gia tăng khi Trung Quốc chủ trương thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất từ năm 1953- một kế hoạch mà Trung Quốc cần dồn lực để tập trung phát triển kinh tế trong nước hơn là ủng hộ những cuộc chiến tranh bên ngoài. Ứng phó một cách chủ động với chuyển biến này, VNDCCH chủ trương tăng cường xây dựng thực lực mạnh mẽ về mọi mặt. Tháng 4 năm 1952, tại Hội nghị Trung ương lần thứ ba, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chúng ta cần phải hiểu rõ, vô luận cuộc kháng chiến Triều Tiên sẽ phát triển thế nào, kết quả thế nào, chúng ta vẫn phải ra sức chuẩn bị lực lượng của ta cho đầy đủ, lấy tự lực cánh sinh làm gốc, để ứng phó với mọi phát triển của tình hình, dù tình hình ấy thuận lợi hay gay go thì ta vẫn chủ động”[13].
Thực hiện chủ trương trên, VNDCCH đẩy mạnh vận động sự ủng hộ của Liên Xô và Trung Quốc bằng việc nhấn mạnh hơn vị trí của giai cấp công nhân và nông dân trong sự nghiệp kháng chiến. Theo đó, từ giữa năm 1952, các cuộc chỉnh Đảng, chỉnh quân được triển khai thực hiện. Về chỉnh Đảng, tính từ tháng 5 năm 1952 đến tháng 6 năm 1953, đã có 12.200 cán bộ thuộc các cơ quan của Trung ương, liên khu và tỉnh được học tập về nhiệm vụ cách mạng Việt Nam, quan điểm trường kỳ kháng chiến tự lực cánh sinh, chính sách ruộng đất của Đảng. Về chỉnh quân, từ tháng 5 năm 1952, các đơn vị quân đội từ Liên khu 5 trở ra học tập tài liệu “Mấy vấn đề về cách mạng Việt Nam”, “Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi”, “Quân đội nhân dân Việt Nam”. Cuộc chỉnh quân này được coi là cuộc học tập chính trị lớn nhất kể từ ngày QĐNDVN ra đời (12/1944)[14]. Tiếp đó, tháng 9 năm 1952, trong chuyến thăm Liên Xô (bí mật), Hồ Chí Minh đã cam kết thực hiện cải cách ruộng đất trong thời gian kháng chiến[15]. Thực hiện cam kết này, tháng 1 năm 1953, tại Hội nghị Trung ương lần thứ tư, Đảng Lao động Việt Nam thống nhất chủ trương tiến hành cải cách vào năm 1954[16].
Những bước đi trên của VNDCCH, nhất là chủ trương mới về cải cách ruộng đất được Liên Xô và Trung Quốc hưởng ứng tích cực. Năm 1953, hai nước tăng cường cam kết viện trợ vũ khí nói chung và vũ khí hạng nặng nói riêng cho VNDCCH[17]. Nửa đầu năm 1953, phần lớn những cam kết trên đây được thực hiện, trong đó, phía Liên Xô thực hiện cam kết giúp VNDCCH xây dựng một trung đoàn pháo cao xạ 37 ly. Cùng thời gian này, Trung Quốc cũng hoàn thành huấn luyện, trang bị cho trung đoàn lựu pháo 105 ly của VNDCCH. Kết quả là, cho đến cuối năm 1953, sức mạnh phòng không và pháo binh của QĐNDVN tăng lên đáng kể khi có thêm 5 tiểu đoàn phòng không 12,7 ly[18], 1 trung đoàn pháo cao xạ 37 ly và 1 trung đoàn lựu pháo 105 ly. Tuy nhiên, vào lúc này, Pháp cũng gia tăng nỗ lực chiến tranh. Họ đặt kế hoạch giành thắng lợi trong vòng 18 tháng và tăng cường hỏa lực hải, lục không quân[19]. Hơn thế, Pháp còn được Mỹ tăng cường trợ giúp. Số tiền Mỹ viện trợ cho cuộc tái chiến Đông Dương của Pháp năm 1953 đạt 785 triệu đô la, thậm chí, 28 nhân viên kỹ thuật hàng không Mỹ đã được điều đến Việt Nam để giúp bảo trì máy bay cho quân Pháp[20].  Như thế, dù QĐNDVN được tăng cường sức mạnh, ưu thế hỏa lực trên chiến trường vẫn thuộc về đối phương.[21]
Như đã trình bày, xu hướng hòa hoãn quốc tế khởi phát từ giữa năm 1951. Đến giữa năm 1953 xu hướng này trở nên mạnh mẽ khi các bên tham chiến ở Triều Tiên ký hiệp định dình chiến ở Bàn Môn Điếm (7/1953). Theo chiều hướng đó, tháng 8 năm 1953, Liên Xô và Trung Quốc cùng khởi xướng một cuộc hòa đàm để giải quyết vấn đề Đông Dương. Một cuộc thương lượng về vấn đề Đông Dương khi đối phương chưa hẳn bị suy sụp ý chí chiến đấu và vẫn chiếm ưu thế hỏa lực trên chiến trường hẳn không thuận lợi cho VNDCCH. Vì vậy, ban đầu, VNDCCH không hoan nghênh ý tưởng hòa bình đó của Liên Xô và Trung Quốc. Cuối tháng 8 năm 1953, trong Lời kêu gọi nhân dịp kỷ niệm cách mạng tháng Tám và ngày độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chúng ta bao giờ cũng chủ trương hòa bình. Nhưng chúng ta biết rằng cuộc kháng chiến trường kỳ và gian khổ có thắng lợi mới tranh được hòa bình. Chỉ có thống nhất và độc lập thực sự mới có hòa bình”[22]. Song, để tiếp tục giành sự ủng hộ của Liên Xô, Trung Quốc cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của mình, ngày 26 tháng 11 năm 1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố với một nhà báo Thụy Điển: “Nếu Chính phủ Pháp đã rút ra được bài học trong cuộc chiến tranh mấy năm nay, muốn đi đến đình chiến ở Việt Nam bằng cách thương lượng và giải quyết vấn đề Việt Nam theo lối hòa bình thì nhân dân và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng tiếp ý muốn đó”[23].
Tán thành thương lượng nhưng quan điểm đàm phán của VNDCCH khác biệt với quan điểm đàm phán của Liên Xô và Trung Quốc. Trong khi hai nước này chủ trương chia cắt Việt Nam để đi đến hòa bình[24] thì VNDCCH khẳng định “hòa bình không thể tách rời độc lập dân tộc”[25]. Tại cuộc hội đàm với Đại sứ Liên Xô tại Trung Quốc ngày 5 tháng 3 năm 1954, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Hoàng Văn Hoan tỏ ý không đồng tình với việc chia cắt Việt Nam khi đưa ra lí lẽ ở Việt Nam không có đường phân tuyến rõ ràng và có đến 80% dân Việt sống trong vùng VNDCCH kiểm soát[26]. Chính bởi thế, quyết định mở mặt trận ngoại giao của VNDCCH chỉ giành được sự ủng hộ chừng mực từ Liên Xô và Trung Quốc. Thật vậy, dù hai nước chuẩn y phần lớn đề nghị viện trợ năm 1954 của VNDCCH nhưng họ lại trì hoãn chuyển giao một bộ phận số hàng cam kết đó. Cho đến cuối tháng 4 năm 1954, hàng viện trợ quân sự năm 1954 giao cho VNDCCH  chủ yếu là đạn dược, hàng hậu cần và phương tiện cơ giới. Số súng, pháo được giao trong thời gian này chỉ có 19 khẩu DKZ 75 và 14 dàn hỏa tiễn H6[27]. Và, để thuyết phục VNDCCH xích gần quan điểm của mình, theo sáng kiến của Trung Quốc, giữa tháng 3 năm 1954, các lãnh đạo Trung Quốc và Liên Xô mời Hồ Chí Minh tới Bắc Kinh và Matxcơva để bàn về cuộc đàm phán dự định ở Geneva[28].
Thực tế tiếp nhận viện trợ quân sự nêu trên và việc ấn định tổ chức Hội nghị Geneva về Đông Dương của các nước lớn khiến việc tăng cường vận động sự ủng hộ của Liên Xô và Trung Quốc trở nên cấp thiết đối với VNDCCH. Vì vậy, nhận lời mời của các lãnh đạo Trung Quốc, Liên Xô, cuối tháng 3 năm 1954, Hồ Chí Minh lại bí mật đến Bắc Kinh và Maxtcơva. Nội dung của những cuộc hội đàm giữa Hồ Chí Minh với các lãnh đạo cao cấp Trung Quốc và Liên Xô cho đến nay chưa được tiết lộ nhiều, nhưng chúng ta được biết: Phía Trung Quốc đã khuyến nghị phía VNDCCH có quan điểm thực tế khi đàm phán[29], đồng thời, cho biết họ không tăng cường trợ giúp VNDCCH nếu chiến tranh mở rộng với sự can thiệp trực tiếp của Mỹ[30]. Trong hoàn cảnh đó, VNDCCH chủ trươngnhượng bộ ở mức độ nhất định tại cuộc đàm phán ở Geneva. Ngày 1 tháng 5 năm 1954, trong một hướng dẫn nội bộ về Hội nghị Geneva, Đảng Lao động Việt Nam chủ trương: “Ta không đánh giá quá cao Hội nghị Geneva nhưng không nên bỏ lỡ cơ hội, phải tranh thủ làm cho Hội nghị Geneva có thể bắt đầu để đi đến các cuộc gặp gỡ khác”[31].
Theo tinh thần hướng dẫn trên, tại Hội nghị Geneva về Đông Dương (Hội nghị khai mạc ngày 8 tháng 5 năm 1954), đoàn VNDCCH đã thể hiện thái độ đàm phán mềm dẻo. Ngày 17 tháng 5, đoàn VNDCCH chấp nhận đề nghị (của đoàn Liên Xô) xem xét vấn đề quân sự trước thay cho đề nghị (của mình trước đó) xét đồng thời vấn đề quân sự và chính trị khi giải quyết vấn đề Đông Dương. Hơn thế, ngày 25 tháng 5, đoàn VNDCCH còn đề nghị: Tập kết quân của hai bên vào những vùng (N.V.T nhấn mạnh) do Hội nghị quyết định, đường phân tuyến theo điều kiện tự nhiên, thuận tiện cho giao thông và để mỗi bên có sự kiểm soát hoàn toàn về hành chính, kinh tế, quân sự ở trong mỗi vùng đó[32]. Trên cơ sở đó, ngày 29 tháng 5, Hội nghị nhất trí: “Đại diện quân sự hai bên cần gặp nhau ở Geneva và trên chiến trường bàn về việc tập kết quân, bắt đầu từ vấn đề Việt Nam. Đại diện quân sự Việt Nam và Pháp gặp nhau ở Geneva bắt đầu từ ngày 1 tháng 6”[33]. Chính bởi thái độ nhượng bộ trên của VNDCCH, từ cuối tháng 5 năm 1954, Liên Xô và Trung Quốc “hào phóng” chuyển cho VNDCCH không chỉ những hạng mục vũ khí đã chuẩn y mà còn cả những loại vũ khí mà họ vốn không cam kết hoặc VNDCCH chưa yêu cầu. Sau ngày 20 tháng 5 năm 1954, trong danh mục hàng VNDCCH tiếp nhận từ Liên Xô và Trung Quốc có 38 khẩu pháo 105 ly, 32 khẩu pháo cao xạ 37 ly ( pháo cao xạ 37 ly là những hàng không có trong danh mục đề nghị viện trợ năm 1954 của VNDCCH)[34]
Như vậy, bước vào Hội nghị Geneva về Đông Dương, quan điểm đàm phán của ba đoàn VNDCCH, Liên Xô và Trung Quốc đã có sự đồng thuận đáng kể. Tuy nhiên, giữa các đoàn vẫn còn bất đồng lớn. Tại một cuộc họp của ba đoàn vào cuối tháng 5, hai đoàn Liên Xô và Trung Quốc thống nhất đề nghị giải pháp chia cắt theo giới tuyến cho vấn đề Việt Nam. Ngược lại, đoàn Việt Nam không coi việc chia cắt đất nước là giải pháp thứ nhất nên đề nghị: Trước hết, đòi tuyển cử tự do, đình chiến tại chỗ và điều chỉnh nhỏ (Hà Nội và Hải Phòng có thể không điều chỉnh); nếu không thực hiện được phương án trên thì mới “tán thành chia cắt”. Thuyết phục VNDCCH có quan điểm đàm phán gần với quan điểm đàm phán của mình hơn, ngày 30 tháng 5 năm 1954, Chu Ân Lai thông báo cho Đảng Lao động Việt Nam về những khác biệt quan điểm trên, đồng thời khuyến nghị phía VNDCCH cần phải “giải quyết sớn” những khác biệt và có một phương án rõ ràng thích hợp với “tình hình trước mắt” (N.V.T nhấn mạnh) cho việc giải quyết vấn đề Đông Dương nói chung và vấn đề Việt Nam nói riêng[35].
Thắng lợi của nhân dân Việt Nam trên chiến trường đã làm Pháp nhụt ý chí chiến đấu nhưng lại làm cho Mỹ “tỉnh dậy”[36]. Quả vậy, dù thất bại trong nỗ lực tổ chức can thiệp tập thể vào Đông Dương hồi tháng 4 năm 1954, nhưng Mỹ vẫn không từ bỏ âm mưu kiểm soát Đông Dương bằng vũ lực. Họ chủ trương tiếp tục lập một khối phòng thủ ở Đông Nam Á để bảo vệ khu vực này trong đó có cả Đông Dương[37]. Trước mắt, nhằm ngăn Pháp “bán tháo” Đông Dương khi khối phòng thủ khu vực dự định chưa ra đời, từ nửa sau tháng 5 năm 1954, Mỹ bàn với Pháp về những điều kiện cụ thể cho một cuộc can thiệp quân sự vào Đông Dương. Có thể nói, Đông Dương đang đứng trước một quyết tâm kéo dài và mở rộng chiến tranh của Mỹ.
Trong hoàn cảnh đó, để giành thêm sự ủng hộ của Liên Xô, Trung Quốc trong việc ngăn chặn Mỹ âm mưu kéo dài và mở rộng chiến tranh ở Đông Dương, VNDCCH đã quyết định thay đổi quan điểm đàm phán theo hướng tiến sát đến quan điểm đàm phán của hai nước này. Ngày 4 tháng 6, trong điện trả lời phía Trung Quốc, phía VNDCCH nhất trí giải pháp chia cắt Việt Nam thành hai khu vực theo giới tuyến. Nhưng, với quan điểm đấu tranh kiên quyết, phía VNDCCH chủ trương: “Cố tranh thủ giới tuyến ấy vào vĩ tuyến 16 (ở phía Nam Đà Nẵng một chút)” và “Nếu đối phương không chịu thì ta có thể dịch giới tuyến đó lên đường số 9 (đường Quảng Trị đi Trung Lào) là cùng”. Hơn thế, tạo cơ sở pháp lí cho việc giành thống nhất, độc lập quốc gia sau này, phía VNDCCH nhấn mạnh: “Dù phân tuyến hay điều chỉnh nhỏ cũng chỉ là tạm thời, phải đòi địch tuyển cử tự do để thống nhất quốc gia”; buộc định phải “thừa nhận độc lập và chủ quyền của Việt Nam trên toàn cõi Việt Nam”[38]. Nhằm đạt được những mục tiêu trên, trên bàn đàm phán ở Geneva, đoàn VNDCCH không vội hiện thực hóa sự thay đổi của mình, đến ngày 10 tháng 6, đoàn VNDCCH mới biểu lộ với phía Pháp ý định áp dụng giải pháp chia Việt Nam làm hai phần để tập kết chuyển quân[39].
Đến giữa tháng 6 năm 1954, cuộc đàm phán về vấn đề Đông Dương không thêm được thỏa thuận đáng kể nào và lâm vào bế tắc. Bên cạnh đó, cuộc đàm phán về vấn đề Triều Tiên cũng không tìm được tiếng nói chung và đổ vỡ (15/6). Tình hình này khiến phía Trung Quốc và Liên Xô lo lắng về sự tiếp tục của Hội nghị về vấn đề Đông Dương. Tránh cuộc đàm phán này bị đổ vỡ, ngày 15 tháng 6, Trung Quốc và Liên Xô cùng đề nghị phía VNDCCH rút quân khỏi Lào và Campuchia theo yêu cầu của đối phương. Tiếp đó, trước việc Mendes France- một người ủng hộ đàm phán với VNDCCH, lên làm Thủ tướng Pháp, Trung Quốc (với sự nhất trí của Liên Xô) chủ trương tranh thủ sự kiện này để thúc đẩy VNDCCH tích cực hơn trong đàm phán bằng việc tổ chức một cuộc gặp lãnh đạo cấp cao Trung- Việt[40]. Tăng sức thuyết phục cho cuộc gặp dự định ấy, cuối tháng 6, Trung Quốc cùng Ấn Độ và Mianma ra các tuyên bố ủng hộ cùng tồn tại hòa bình.
Cuộc gặp giữa lãnh đạo VNDCCH và Trung Quốc được tổ chức ở Liễu Châu (Trung Quốc) từ ngày 3 đến ngày 5 tháng 7 năm 1954. Qua đây, phía VNDCCH thấy phải hiện thực hóa chủ trương nhượng bộ đề ra từ ngày 4 tháng 6 năm 1954 nhưng vẫn không bỏ quan điểm đấu tranh kiên quyết trong đàm phán- nhượng bộ có điều kiện. Theo đó, ngày 7 tháng 7, VNDCCH điện cho phía Trung Quốc và nêu chủ trương nhượng cho đối phương dùng Đà Nẵng và đường số 9, đổi lại, phía VNDCCH giữ Liên khu V. Quan điểm này không được Liên Xô, Trung Quốc đồng tình. Ngày 10 tháng 7, (sau khi trao đổi với phía Liên Xô) phía Trung Quốc điện khuyến nghị phía VNDCCH nêu điều kiện đàm phán “đơn giản, rõ ràng”, “công bằng hợp lý mà Chính phủ Pháp có thể nhận được để (…) mau đi đến đình chiến trong hạn 10 ngày”. (Ngày 17 tháng 6, Mendes France tuyên bố sẽ từ chức nếu không đạt được hiệp nghị vào ngày 20 tháng 7) [41]. Trong điều kiện đó, quan điểm đàm phán của VNDCCH thêm một lần điều chỉnh theo hướng nhượng bộ hơn. Ngày 13 tháng 7, trưởng đoàn VNDCCH Phạm Văn Đồng nêu đề nghị đặt đường giới tuyến chia cắt Việt Nam đặt ở vĩ tuyến 16 mà không nêu yêu cầu kiểm soát Liên khu V. Đến ngày 20 tháng 7, sau khi nhiều cuộc trao đổi, VNDCCH chấp nhận giải pháp chia cắt Việt Nam ở vĩ tuyến 17, thời hạn tổng tuyển cử sau ngừng bắn là 2 năm. Ngày 21 tháng 7, Hội nghị đi đến ký kết các hiệp định đình chiến về Việt Nam, Lào, Campuchia và ra Tuyên bố cuối cùng, kết thúc cuộc thương lượng về vấn đề Đông Dương.
Nhìn chung lại, từ năm 1950 đến năm 1954, VNDCCH đã nỗ lực tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của Trung Quốc và Liên Xô. Trong quá trình đó, phía VNDCCH đã nhiều lần phải có những điều chỉnh cần thiết cả về chính sách đối nội và chính sách đối ngoại để có được sự đồng tình, ủng hộ của Trung Quốc và Liên xô. Dù sao, sự ủng hộ, giúp đỡ đó cũng là một trong những nhân tố góp phần đảm bảo thắng lợi cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam.



[1]Qiang Zhai, China and the Vietnam war, 1950- 1975, The University of North Caronila Press, chapel Hill and London 2000, p 11- 12.
[2]Phrăng xoa Gioayô, Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, Nxb Thông tin lý luận, Hà Nội 1981, tr 73.
[3]William J. Duiker, Ho Chi Minh, A life, Hyperion, New York 2000, p 418.
[4]Dẫn theo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chiến đấu trong vòng vây, sđd, tr 412- 413.
[5]Ngày 14 tháng 1 năm 1950, Bộ Ngoại giao Liên Xô cho rằng: “Có sự không rõ ràng trong thái độ của Chính phủ VNDCCH về Mỹ. Hồ Chí Minh tránh nói về sự bành trướng của Mỹ ở Việt Nam và cho đến lúc này, Hồ Chí Minh vẫn tránh nói về bản chất đế quốc của khối NATO và nỗ lực lập khối phòng thủ Thái Bình Dương của Mỹ”. Dẫn theo Christopher E. Goscha, Courting diplomatic disaster? The difficlt integration of Vieetnam into the Internationalist Communist movement (1945- 1950), Journal of Vietnamese studies, Vol 1, number 1-2, the Regents of the University of California 2006, p 84.http://www.er.uqam.ca/nobel/r26645/articles.php
[6]Benoit de Tréglodé, Những cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa Việt Nam và Liên Xô (1947- 1948), tlđd, tr 11.
[7]Alain Ruscio, Võ Nguyên Giáp- Một cuộc đời, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2011, tr 61.
[8]Alain Ruscio, Võ Nguyên Giáp- Một cuộc đời, sđd, tr 92.
[9]Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chiến đấu trong vòng vây, sđd, tr 412
[10]Trung Tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng, Thống kê Tổng hợp tình hình tiếp nhận viện trợ từ năm 1950 đến ngày 20 tháng 5 năm 1954, Tập báo cáo nhu cầu viện trợ của Trung Quốc cho Việt Nam từ 1952- 1954, Hồ sơ 651, Phông Bộ Quốc phòng, tờ số 102.
[11]Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, đề tài Quan hệ Việt Nam- Trung Quốc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, 1945- 1954, phần thứ ba: Viện trợ vật chất của Trung Quốc cho Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tài liệu lưu tại Thư viện Viện Lịch sử quân sự Việt Nam số K-78, Hà Nội 2007, tr 42- 44; Bộ Quốc Phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử kỹ thuật quân sự Việt Nam trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945- 1954), Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2002, tr 367.
[12]Trong trận Tu Vũ, cuối năm 1951, phía VNDCCH dùng một trung đoàn với trang bị súng cối để kiềm chế pháo binh đối phương nhưng địch vẫn bắn được 5000 viên đạn chi viện cho quân đồn trú, nhiều mũi tiến công của QĐNDVN bị đẩy lùi. Dẫn theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đường tới Điện Biên Phủ, Hồi ức, Hữu Mai thể hiện, Nxb QĐND, Hà Nội 2001, tr 259, 260, 269.
[13]Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng, Toàn tập, tập 13, 1952, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2001, tr 151.
[14]Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, 1945- 1954, tập II, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội 1995, tr 198.
[15]Ilya V. Gaiduk, Confronting Vietnam- Soviet policy toward the Indochina conflict, 1954- 1963, Stanford University Press, Stanford, California 2003, p 10.
[16]Tuy nhiên, chủ trương cải cách ruộng đất chỉ được phổ biến xuống cấp khu ủy, tỉnh ủy. Có thể nói, dù phải thay đổi chính sách ruộng đất nhưng Đảng vẫn rất quan tâm đến vấn đề đoàn kết dân tộc, muốn giảm thiểu sự ảnh hưởng của vấn đề ruộng đất đến khối đoàn kết dân tộc.
[17]Năm 1953, VNDCCH được cam kết viện trợ thêm một trung đoàn pháo cao xạ 37 ly, 1 trung đoan cối 107 ly, 100 khẩu trọng liên 12.7 ly. Dẫn theo Trung tâm Lưu trữ Bộ Quốc phòng, Báo cáo về việc làm viện trợ quân sự năm 1953, Phông Tổng cục hậu cần, Hồ Sơ 490: Báo cáo về nhu cầu làm viện trợ quân sự năm 1953, tờ số 39.
[18]Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Bộ Quốc phòng 1945- 2000, Biên niên sự kiện, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội 2003, tr 143.
[19]So với năm 1952, năm 1953, số pháo mặt đất của quân Pháp tăng từ 522 khẩu lên 546 khẩu, số máy bay tăng từ 348 chiếc lên 460 chiếc, đơn vị xe tăng từ 8 trung đoàn, 3 tiểu đoàn, 9 đại đội lên 9 trung đoàn, 3tiểu đoàn, 7 đại đội. Dẫn theo, Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Tổng kết chiến dịch trong hai cuộc kháng  chiến chống thực dân Pháp vầ đế quốc Mỹ (1945- 1975), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội 2003, tr 493.
[20]William Conrad Gibbons, The US government and the Vietnam war- Executive and Legislative roles and relationships, part I, 1945- 1954, Princeton University Press, Princeton, New Jersey 1986, p 135, 158.
[21]Xem thêm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử, Hồi ức, Hữu Mai thể hiện, Nxb QĐND, Hà Nội 2000, tr 15- 16.
[22]Hồ Chí Minh, Toàn tập, xuất bản lần thứ ba, tập 8, 1953- 1954, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2011, tr 228.
[23]Hồ Chí Minh, Toàn tập, xuất bản lần thứ ba, tập 8, 1953- 1954, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2011, tr 340.
[24]Đầu năm 1954, Liên Xô thăm dò phản ứng của các nước phương Tây và cả VNDCCH về “sáng kiến” chia cắt Việt Nam tại vĩ tuyến 16. Dẫn theo Ilya V. Gaiduk, Confronting Vietnam- Soviet policy toward the Indochina conflict, 1954- 1963, Ibid, p 18-19; về phía Trung Quốc, ngày 6 tháng 3 tại Matxcơva, hội đàm với Ngoại trưởng Liên Xô, Molotov, Đại sứ Trung Quốc tại Liên Xô, Trương Văn Thiên cho rằng: Chia cắt Việt Nam ở vĩ tuyến 16 thuận lợi cho VNDCCH. Dẫn theo Woodrow Wilson International Center for Scholars, Cold war international history project, bulletin: Inside china’s cold war, Issue 16, Fall 2007/ Winter 2008, p 86, http://www.Wilsoncenter.org/topics/pubs/CWIHP Bulletin16.
[25]Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng, Toàn tập, tập 14, 1953, sđd, tr 554.
[26]Record of a conversation between P. F. Yudin, soviet ambassador to the PRC, with Hoang Van Hoan, Vietnamese Ambassador to the PRC, Secret copy No 2 from the journal of P.F. Yudin 31 March 1954 No 283, AVP RF. F. 079, Op.9,Por.15,Pap.7,Inv.7[6]0,II.6466,http://www.wilsoncenter.org/topics/docs/Reconsidering%20the%201954%20Geneva%20Conference.pdf.
[27]Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, đề tài Quan hệ Việt Nam- Trung Quốc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, 1945- 1954, phần thứ ba: Viện trợ vật chất của Trung Quốc cho Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tlđd, tr 75- 76.
[28]Ngày 18 tháng 2 năm 1954, Ngoại trưởng bốn nước Anh, Pháp, Mỹ, Liên Xô họp ở Berlin, Đức, ra thông cáo chung sẽ tổ chức Hội nghị Geneva về Triều Tiên vào ngày 26 tháng 4 năm 1954, tại đó, nhất trí sẽ thảo luận vấn đề vãn hồi hòa bình ở Đông Đương.
[29]Chen Jian, Mao’s China and the Cold war, Ibid, p 140.
[30]Ilya V. Gaiduk, Confronting Vietnam- Soviet policy toward the Indochina conflict, 1954- 1963, Ibid, p 17.
[31]Nguyễn Đình Bin (chủ biên), Ngoại giao Việt Nam, 1945- 2000, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2005, tr 141.
[32]U.S. Department of Defense, Office of the Secretary of Defense, Vietnam task force, United States- Vietnam relations 1945- 1967, Washingto, D.C 1967,  The Geneva Accords, B 9; U.S. Department of State, Foreign Relation of the United States 1952- 1954, Vol XVI, The Geneva Conference, Ibid, p 909.
[33]U.S. Department of State, Foreign Relation of the United States 1952- 1954, Vol XVI, The Geneva Conference, Ibid, p 976.
[34]Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, đề tài Quan hệ Việt Nam- Trung Quốc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, 1945- 1954, phần thứ ba: Viện trợ vật chất của Trung Quốc cho Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tlđd,  tr 76.
[35]Dẫn theo Bộ Ngoại giao, Tổ Tổng kết, Hồ sơ số 185, Thái độ của Trung Quốc trong Hội nghị Geneva, Điện của Chu Ân Lai ngày 30 tháng 5 năm 1954, từ tờ số 2 đến tờ số 7.
[36]Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng, Toàn tập, tập 15, 1954, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2001, tr 165.
[37]U.S. Department of State, Foreign Relation of the United States 1952- 1954, Vol XIII, Indochina, Part 2, United States Government printing Office, Washington 1982, p 1445.
[38]Dẫn theo Bộ Ngoại giao, Tổ Tổng kết, Hồ sơ số 185, Thái độ của Trung Quốc trong Hội nghị Geneva, Điện số 20 (của VNDCCH gửi Trung Quốc), ngày 4 tháng 6 năm 1954, tờ số 1-2.
[39]U.S. Department of State, Foreign Relation of the United States 1952- 1954, Vol XVI, The Geneva Conference, Ibid, p 1126.
[40]WoodrowWilson International Centerfor Scholars, Cold war international history project, bulletin: Inside china’s cold war, Issue 16, Fall 2007/ Winter 2008, p 48, http://www.Wilsoncenter.org/topics/pubs/CWIHP Bulletin16.
[41]Bộ Ngoại giao, Tổ Tổng kết, Hồ sơ số 182, Điện của đồng chí Chu Ân Lai, số 1 ngày 10 tháng 7 năm 1954.
Abstract: DRV’s mobilizing support from USSR and PRC, 1950- 1954
The years from 1950 to 1954 saw tireless efforts made by DRV to rally support from USSR and PRC- that is, DRV had to make some considerable revisions in both domestic and foreign policies to meet demands from its own war and Soviet and PRC. As a result, DRV conducted the war with all kind of aid from these two major allies and, in fact, it is impossible to say that Soviet and PRC’s support to DRV played an unimportant role in Vietnam’s war against French colonist during the years mentioned.
  

No comments:

Post a Comment