Thắng lợi Cuộc kháng chiến chống Pháp mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ là một chiến công chói lọi trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay Đống Đa của thế kỷ 20; đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi, đột phá thành trì hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân. Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn ngời sáng, là động lực, nguồn cổ vũ to lớn đối với quân và dân ta trong công cuộc đổi mới nhằm mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được thực dân Pháp xây dựng gồm 49 cứ điểm, tổ chức thành tám cụm, được bố phòng chặt chẽ với tổng số quân hơn 16.000. Trong đó có nhiều đơn vị tinh nhuệ, được trang bị phương tiện, vũ khí mới, hỏa lực mạnh. Đây được xem là một tập đoàn cứ điểm mạnh chưa từng có ở Đông Dương; ngay trong chiến tranh thế giới lần thứ hai, quân đội Pháp cũng chưa hề dựng được một hệ thống phòng ngự dã chiến mạnh như ở Điện Biên Phủ và coi là pháo đài bất khả xâm phạm. Thế nhưng thực dân Pháp đã nhầm, chỉ trong 56 ngày đêm, quân đội ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đập tan tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, giáng đòn quyết định vào ý chí xâm lược của thực dân Pháp. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ thì trận đánh cụm cứ điểm Him Lam mở đầu chiến dịch ngày 13-3-1954 là chiến thắng hết sức quan trọng vừa động viên tinh thần bộ đội, vừa khẳng định một bước tiến mới của quân đội ta. Cùng với Độc Lập (phía Bắc), Bản Kéo (Tây-Bắc); Him Lam là một trong ba trung tâm đề kháng được coi là cửa ngõ tập đoàn cứ điểm. Trong tất cả các vị trí thuộc tập đoàn cứ điểm, Him Lam được quân Pháp xây dựng đầu tiên trên điểm cao gần 500m gồm ba cứ điểm trên ba quả đồi nằm ngay cửa ngõ đông-bắc cánh đồng Mường Thanh, án ngữ con đường Tuần Giáo - Điện Biên, cách phân khu trung tâm 2,5km. Với vị trí ''đầu sóng ngọn gió'' nên Him Lam được xây dựng thành vị trí kiên cố nhất của tập đoàn cứ điểm. Có lưới lửa mạnh bố trí rất cẩn mật vừa yểm hộ lẫn cho nhau, vừa ngăn chặn mọi con đường ta có thể tiến vào; hệ thống công sự phụ gồm dây thép, vật chướng ngại, bãi mìn có nơi rộng tới 100m. Được biết đây là pháo đài do chính tay một cố vấn Mỹ ở chiến trường Triều Tiên về vẽ kiểu và trực tiếp đôn đốc xây dựng tổ hào phòng ngự. Đảm nhận giữ gìn Him Lam là tiểu đoàn 3 thuộc Bán lữ đoàn Lê Dương thứ 13 (III/13è DBLE). Đây là đơn vị có bề dày chiến tích đã được xây dựng gần 100 năm. Lực lượng bảo vệ được trang bị súng có kính ngắm điện tử phát hiện mục tiêu ban đêm. Him Lam được trọng pháo ở Mương Thanh và Hồng Cúm yểm hộ theo một kế hoạch hỏa lực dày đặc. Lực lượng dự bị với xe tăng, pháo binh, không quân chi viện sẵn sàng tiến hành phản kích trong trường hợp Him Lam bị tấn công. Do đó cả tướng Na-va, Cô-nhi và Đờ Cát đều tin rằng trung tâm đề kháng Him Lam (Béatrice) đủ sức đứng vững. Him Lam được Bộ chỉ huy mặt trận của ta xác định là trận mở màn, để đảm bảo nguyên tắc "trận đầu phải thắng'', quân ta bố trí lực lượng mạnh, có cả dự phòng; kế hoạch phòng pháo, phòng không, phòng địch phản kích, dự kiến các tình huống cơ bản và cách xử lý trong quá trình diễn biến chiến đấu. Đại đoàn 312 được giao nhiệm vụ tấn công tiêu diệt trung tâm đề kháng Him Lam với sự hỗ trợ hỏa lực trọng pháo của Đại đoàn 351. Đêm 11-3, bộ đội 312 tiến hành đào trận địa xuất phát xung phong. Các chiến hào trước đó nằm ẩn mình dưới đám cây rừng, những chỗ trống đều được ngụy trang cẩn thận, nay đổ xuống cánh đồng đâm thẳng vào cứ điểm địch. Lúc này địch mới biết trận đánh nhằm vào Him Lam sắp bắt đầu. Quân Pháp cho máy bay, đại bác bắn phá các cửa rừng nơi chúng nghi ngờ có quân ta và đưa bộ binh, xe tăng ra san lấp trận địa. Sáng 13-3, các đơn vị yêu cầu cho lựu pháo lên tiếng, chặn bước quân địch, bảo vệ trận địa. Từ mấy tháng nay, sự có mặt của trọng pháo được ta giữ bí mật, địch không tin rằng ta đưa được lựu pháo vào chiến trường, nhất là đưa được lên núi. Dự định pháo sẽ lên tiếng vào trận mở màn nhằm giữ yếu tố bất ngờ. Nhưng để bảo vệ trận địa, pháo được lệnh bắn vào Him Lam, chặn xe tăng và bộ binh địch đồng thời kiểm tra độ chính xác của pháo. Chỉ với 20 phát bắn đã làm cho xe tăng, bộ binh địch quay lui. Trong khi lựu pháo bắn vào Him Lam thì sơn pháo tập kích sân bay, Sở chỉ huy của Đờ - Cát và trận địa pháo làm một kho xăng bốc cháy, hai máy bay trên đường băng bị phá hủy. Đến chiều, do sương xuống mỗi lúc một dày có khả năng che kín mục tiêu, pháo binh khó hiệu chỉnh đạn; đơn vị tiến công, đề nghị chỉ huy mặt trận cho nổ súng sớm. 17 giờ 5 phút trận pháo hỏa mở màn chiến dịch bắt đầu. Hơn 40 khẩu lựu pháo và sơn pháo dội lửa xuống cụm cứ điểm Him Lam, phân khu trung tâm, sân bay và trận địa pháo địch. Đòn đánh làm địch bất ngờ, Him Lam ngập khói; thêm một số máy bay trên Sân bay Mường Thanh và một kho xăng bốc cháy, các trận địa pháo của tập đoàn cứ điểm hầu như bị tê liệt. Chỉ huy cụm cứ điểm đều chết ngay từ loạt pháo đầu tiên. Pháo dứt, bộ binh ta xông lên đột nhập vào Cứ điểm 2 và 3. Him Lam như rắn không đầu, từng cứ điểm tự lo phận mình. Mỏm Bắc, mỏm Đông, mỏm Tây đều bị tiêu diệt bằng sự phối hợp nhịp nhàng giữa trọng pháo và bộ binh ta. Đến 22 giờ 30, toàn bộ trung tâm đề kháng Him Lam đã bị tiêu diệt; ta đã diệt 300 tên, bắt 200 tên thu toàn bộ vũ khí trang bị. Trận đánh mở màn đã thành công ngoài sự mong đợi. Lực lượng bộ binh và pháo binh phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả. Một trung tâm đề kháng như Him Lam bị tiêu diệt nhanh chóng thì tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ không phải là một pháo đài không thể công phá. Qua trận đánh cũng đã xuất hiện những tấm gương tiêu biểu như Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ Châu Mai, Trần Can cầm cờ “quyết chiến, quyết thắng” dẫn đầu đại đội xông lên đồn địch... Đã 50 năm trôi qua nhưng trận Him Lam vẫn luôn là bài học quý về chiến thuật quân sự còn vang vọng đến ngày nay. Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên, Him Lam là một trong những di tích quý đang được tôn tạo lại để đón chào du khách.
(NXB Quân đội nhân dân)
|
No comments:
Post a Comment