Friday, 28 March 2014

Chuyện về người 3 lần ám sát Ngô Đình Diệm (Quang Sang - Công An Thành Phố Đà Nẵng)

Chuyện về người 3 lần ám sát Ngô Đình DiệmCập nhật: Thứ tư, 17/6/2009 - 0h0'

Bài 1:  Phát súng trên cao nguyên
(Cadn.com.vn) - Nhiều người xem bộ phim truyện Việt Nam nổi tiếng “Ván bài lật ngửa” hẳn không bao giờ quên hình ảnh ấn tượng về chàng thanh niên tuổi đôi mươi dũng cảm lọt qua giữa rừng địch, giương súng nhắm vào Tổng thống Ngô Đình Diệm bóp cò khi ông ta đang đọc diễn văn khai mạc “Hội chợ kinh tế cao nguyên” diễn ra ngày 22-2-1957 tại TP Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc). Thế nhưng, rất ít người biết rằng nhân vật trong bộ phim ấy được lấy từ hình mẫu ngoài đời của đồng chí Mười Thương (1935 - tức Phan Văn Điền, Hà Minh Trí...) - Anh hùng LLVTND, nguyên thành viên Ban An ninh T.Ư Cục miền Nam, Trưởng ban Điệp báo Ban An ninh tỉnh Tây Ninh.
Ngôi nhà ngói ba gian kiểu truyền thống miền Tây Nam Bộ của gia đình ông nép mình dưới vườn cây trái sum suê, thanh bình ở P. 1, TX Tây Ninh (Tây Ninh). Thoáng chút ngạc nhiên khi nghe tôi giới thiệu từ Đà Nẵng vào, ông nhanh chóng sôi nổi bắt chuyện, xua đi cảm giác áy náy của khách lạ bởi tìm đến nhà ông không phải lúc trong một hoàn cảnh khá đặc biệt: Hai vợ chồng ông vừa chẳng may gặp phải vụ tai nạn khá nghiêm trọng. Thật lạ, ở người đàn ông có dáng người mảnh mai, gương mặt hiền, đôi mắt sáng vẫn toát lên sức sống mãnh liệt của ý chí, sự cương nghị và niềm kiêu hãnh. Ông kể về cuộc đời hoạt động cách mạng của mình một cách rành rọt, chi tiết xen với những bình luận, nhận xét về dòng lịch sử thời cuộc sắc sảo.
Anh hùng LLVTND Mười Thương trò chuyện cùng tác giả. 

Ông bảo, Tây Ninh chỉ là quê hương thứ hai, thực ra quê gốc của ông ở Cửa Lò, Nghi Thiết (Nghi Lộc, Nghệ An). Năm 9 tuổi, cha ông hy sinh trong cuộc binh biến Đô Lương. Mẹ bỏ nhà đi, ông và bà nội mù lòa phải bấu víu vào nhau. Lúc này, vợ chồng người bác ruột mới đón hai bà cháu lên trú trong một lò gạch ở khu cầu Bùn ở sông Cửa Lò chạy trốn nạn đói này. Lúc này, Nhật hất cẳng Pháp và đồng minh tại Đông Dương. Quá nhỏ để hiểu hết thời cuộc, lúc đầu ông lại có “cảm tình” với lính Nhật bởi chúng cho ông ăn, bắc lại cây cầu bị đánh sập để bà cháu đi lại. Một hôm, bọn Nhật rủ ông đi chơi.
Ông chạy về nhà xin bà nội cho đi mà không ngờ đó là chuyến từ biệt cuối cùng người thân và sau này đưa ông đến với cách mạng ở miền Nam. Lính Nhật đưa ông vào tận Thủ Đức (Sài Gòn) rồi Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT)để chăn ngựa cho chúng. Nhưng cũng chính tại đây, ông đã được người cha nuôi tên Đinh Văn Châm - người trong cơ sở cách mạng và Châu Văn Viễn - Trưởng ban Công tác biệt động thành BR-VT đã dìu dắt, bắt liên lạc với thiếu úy Phạm Ngọc Chẩn - Trưởng đồn bờ đập Cao Đài để nắm tình hình quân báo các đồn địch đóng quanh vùng căn cứ kháng chiến, phục vụ cho việc tấn công tiêu diệt các đồn này. Ông đã hoàn thành xuất sắc vai trò của mình, kể cả lúc bị địch nghi ngờ bắt, tra tấn nhưng ông vẫn một mực không khai báo, buộc chúng phải thả ông ra tiếp tục hoạt động cho cơ sở cách mạng tại vùng Châu Thành (Tây Ninh).    
 Nhưng sự kiện đưa ông trở thành nhân vật gây chấn động dư luận chính trị trong và ngoài nước cách đây hơn nửa thế kỷ chính là việc 3 lần ám sát Tổng thống Ngô Đình Diệm. Ông nhớ lại, tháng 5-1955, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tây Ninh chỉ đạo Ban Địch tình tổ chức đội vũ trang diệt ác, mà mục tiêu hàng đầu chính là tiêu diệt tên đầu sỏ bộ máy chính quyền ngụy quyền Sài Gòn, tay sai của Mỹ này. Đích thân đồng chí Lâm Kiểm Xếp - Trưởng Ban địch tình giao nhiệm vụ cho ông tổ chức diệt bằng được Tổng thống Diệm. Lần đầu vào tháng 10-1956, khi anh em Diệm - Nhu (Ngô Đình Nhu) lên Tòa thánh Tây Ninh để ký thỏa thuận ước Bính Thân với tôn giáo Cao Đài.
Năm 2005 ông Mười Thương nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND do Nhà nước trao tặng. 
Thời gian quá gấp rút mà các cơ sở cũng không biết chính xác ngày, giờ Diệm sẽ lên Tây Ninh, phần vì lực lượng an ninh, cảnh sát lùng sục, bố ráp khắp vùng để dọn đường cho Diệm nên cuộc mưu sát Diệm không thực hiện được. Ông lại chủ động đề xuất tổ chức ám sát Diệm lần thứ hai vào đêm Giáng sinh 1956 tại Nhà thờ Đức Bà (Sài Gòn). Đêm Noel, ông giấu khẩu súng colt 9 ly và quả lựu đạn trong người lọt qua hàng rào an ninh vào bên trong nhà thờ Đức Bà, ngồi sau hàng ghế của bọn bộ trưởng, thứ trưởng chỉ chờ Diệm đến là hành động. Thế nhưng, đến 14 giờ, khi Tổng Giám mục gióng chuông hành lễ, anh em Diệm - Nhu vẫn không thấy xuất hiện. Đến sáng 25-12-1956, báo chí đưa tin, ông mới biết đêm qua, Diệm đến dự lễ cầu nguyện cùng với giáo dân miền Bắc tại tỉnh Long An.
Ông kể, qua kênh báo chí Sài Gòn, tôi biết được anh em Diệm - Nhu sẽ lên Buôn Ma Thuột dự lễ cắt băng khánh thành và đọc diễn văn khai mạc “Hội chợ kinh tế cao nguyên” diễn ra ngày 22-2-1957. Tôi chủ động đề xuất tổ chức cho phép lên Buôn Ma Thuột ám sát Diệm lần thứ ba với phương án dùng lựu đạn ám sát Diệm. Thế nhưng, BTV Tỉnh ủy Tây Ninh chỉ cho phép ám sát Diệm với phương án: “Nổ súng diệt Diệm vào lúc chúng bắt đầu chào cờ, không được dùng lựu đạn vì có thể gây thương vong cho người dân”. Biết Diệm dự Hội chợ kinh tế cao nguyên là nguy hiểm, Nhu cho giăng một mạng lưới bảo vệ dày đặc gồm: quân đội, cảnh sát, tình báo, an ninh quân đội, quân cảnh và cả lực lượng bảo an bên ngoài lẫn bên trong hội chợ. Sáng 22-2, sau khi điều nghiên địa hình, ông giấu khẩu tiểu liên 3 tấc gắn hộp đạn 50 viên sau chiếc áo ấm chui vào lỗ hàng rào chọn vị trí thuận lợi nhất chờ giờ hành động.
Đúng giờ khai mạc, khi Diệm-Nhu và bộ máy chính quyền họ Ngô đứng dậy làm lễ, ông đưa tay lấy khẩu tiểu liên nhằm mục tiêu là Diệm nổ súng. Viên đạn thứ nhất nổ đoàng, tên Bộ trưởng Bộ Canh nông vô tình đưa lưng đỡ đạn cho Diệm, chết ngay tại chỗ. Bọn cảnh vệ, mật vụ vội cõng Diệm bỏ chạy tán loạn, trong khi ống kính máy ảnh, truyền hình trong và ngoài nước không bỏ lỡ cơ hội thu nhanh hình ảnh hoảng loạn. Tiếp tục bóp cò nhưng chẳng may khẩu súng kẹt đạn, ông đang lên nòng chuẩn bị bắn tiếp thì mười mấy tay cảnh vệ ập đến đè ông xuống, đấm đá túi bụi rồi bắt giữ ông. Kể đến đây, ông bảo: “May cho tên họ Ngô không trúng đạn. Nếu là lựu đạn thì y chết chắc. Sau này tôi mới hiểu vì sao Tỉnh ủy Tây Ninh chỉ cho phép dùng súng diệt Diệm là vì lúc đó có một cán bộ cao cấp của ta cài vào bộ máy chính quyền Diệm và luôn theo sát Diệm - là sĩ quan biệt bộ Phủ Tổng thống Phạm Ngọc Thảo - nhân vật chính trong bộ phim “Ván bài lật ngửa” (Phạm Thành Luân)...
Quang Sang (còn nữa)

Chuyện về người 3 lần ám sát Ngô Đình Diệm (2)Cập nhật: Thứ năm, 18/6/2009 - 0h0'

Bài cuối: Câu chuyện cảm động của người tử tù
(Cadn.com.vn) - Diệm thoát chết vì không trúng đạn nhưng điều không may cho Mười Thương là đã sa vào tay giặc và bị kết án tử hình. Ông đã phải trải qua các nhà lao Ban Mê Thuột, Sở Thú, Tổng Nha Cảnh sát, Trại giam Chí Hòa và bị lưu đày ra nhà tù được mệnh danh là “địa ngục trần gian” Côn Đảo. Ở đâu ông cũng chết đi sống lại không biết bao lần dưới sự tra tấn dã man tàn bạo của kẻ thù, nhưng luôn giữ vững khí tiết của người chiến sĩ an ninh, lòng kiên trung bất khuất và sự khôn khéo dưới vỏ bọc là người của Cao Đài.
Ngay tại Ban Mê Thuột, đích thân Ngô Đình Nhu tra hỏi ai đã giật dây cho ông ám sát Ngô Đình Diệm và chỉ đạo thuộc hạ hàng tháng trời tra tấn ông bằng mọi thủ đoạn tàn ác, dã man như: Chia ra 4 ca tra tấn ông suốt 24/24 giờ, không cho ăn, không cho uống, không cho nghỉ, ngủ, chúng đánh ông bằng tầm vông, ma trắc, trấn nước, bọt xà phòng, trấn ớt, quy điện, đứng đèn, luồn dây sắt vào lỗ tiểu, thậm chí, ông phải tự uống nước tiểu của mình để sống. Ông vẫn cắn răng chịu đựng và khai theo kế hoạch đã được tính toán từ trước là khai là người của địch nhằm ly gián, gây mất đoàn kết, nghi kỵ lẫn nhau trong nội bộ địch.

Nhiều người đến thăm, nghe ông kể về chiến công ám sát Ngô Đình Diệm. 

Kết quả, từ lời khai của ông, Diệm - Nhu nghi ngờ loại Mai Hữu Xuân khỏi chức Giám đốc Nha An ninh quân đội, Nguyễn Hữu Châu - Bộ trưởng Phủ Tổng thống phải bỏ trốn sang Pháp nhằm giữ mạng sống... Tháng 11-1963, Mai Hữu Xuân câu kết với đối tượng khác quay ngược mũi giáo tổ chức đảo chánh diệt anh em nhà Diệm - Nhu. Ông lại phải rơi vào màn trả thù vô tiền khoáng hậu của Mai Hữu Xuân vì những lời khai đổ tội khi bị bắt. Chúng mở phiên tòa bí mật do chính tên đại tá Khoa - Chánh án Tòa án quân sự đặc biệt - xử ông án tử hình theo Luật 10/1959. Ông bị đưa lên chuyến tàu đày ra Côn Đảo cùng với 330 người tù khác, trong đó có 42 án tử hình, 67 án chung thân hầu hết là tù chính trị cộng sản, các đảng phái đối lập và 10 thành viên quốc gia đảo chính hụt Diệm năm 1960.
Trên đường đi, chúng sai đại úy Huỳnh Minh Đường lái máy bay ra khơi thả bom giết chết cả tàu, song đại úy Đường vì có cảm tình cách mạng đã không thả bom đánh đắm con tàu mà lái luôn chiếc máy bay qua Campuchia lánh nạn. Mãi đến khi chế độ Diệm hoàn toàn sụp đổ vào ngày 10-3-1965, ông mới được trả tự do và được tổ chức phân công tiếp tục công tác tại Ban Điệp báo An ninh T.Ư Cục miền Nam, Trưởng ban Điệp báo An ninh Tây Ninh, sau đó là Trưởng phòng Nghiên cứu Tổng hợp CA tỉnh Tây Ninh, Trưởng ban Nội chính, Trưởng ban Tôn giáo tỉnh Tây Ninh đến năm 1999 nghỉ hưu.
Đến nay, đã non nửa thế kỷ Ngô Đình Diệm và chế độ ngụy quyền tay sai đã xanh mồ, lịch sử đã ghi lại, chứng minh sứ mạng xuất sắc của phát súng ám sát Diệm đối với công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, tiêu biểu nhất là chiến thắng mùa xuân lịch sử 30-4-1975. Ban Nghiên cứu lịch sử Viện Khoa học CA khẳng định: “Mặc dù viên đạn nóng không giết chết được Diệm ngay lúc ấy, nhưng có tác dụng kích thích phong trào đấu tranh chống chính sách của Mỹ - Diệm. Qua lời khai của Hà Minh Trí đã ly gián nội bộ địch, bộ máy ngụy quân ngụy quyền, giữa gia đình họ Ngô và các tướng lĩnh của ông ta mâu thuẫn, lục đục kéo dài và dẫn đến cuộc đảo chính Diệm - Nhu năm 1963 của các tướng lĩnh dưới trướng.

Anh hùng LLVTND Mười Thương (thứ 3, hàng đầu từ trái sang)
chụp ảnh lưu niệm cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước
tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VII năm 2005. 

Trong quá trình bị địch bắt giam, ông còn tiếp cận, khai thác tìm hiểu tập hợp hàng trăm hồ sơ tôn giáo, đảng phái đối lập Diệm, đảng phái phản động nhằm giúp Ban An ninh Sài Gòn-Gia Định có đối sách hợp lý, phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ đến ngày thắng lợi hoàn toàn”. Với thành tích đặc biệt xuất sắc đó, tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VII năm 2005, ông đã vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Ngoài ra, ông còn được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý khác như: Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, hạng Ba, Huân chương Quân công hạng Ba, Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Quyết thắng, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng...
Hòa bình lập lại, ông về công tác, sống bình dị tại Tây Ninh cho đến nay. Ông bảo, cuộc đời ông quả là may mắn kỳ lạ bởi ông đã từng 2 lần mang án tử hình nhưng vẫn không chết. Lần thứ nhất là bị bắt, tuyên án tử hình vì ám sát Ngô Đình Diệm và lần thứ hai vào năm 1967, khi ông đang công tác tại Tiểu ban An ninh T.Ư Cục miền Nam, một trái bom đã rơi đúng chân ông nhưng chỉ khiến ông bị thương cụt chân mà không chết. Vì thế, trong bất cứ hoàn cảnh nào, ông vẫn luôn giữ được sự bình thản, niềm lạc quan.
Ông đưa tôi vào Bệnh viện 30-4 (Bộ CA) thăm người vợ cũng đã từng vào sinh ra tử một thời là Nguyễn Kim Hưng (Triệu Nhã Nam, 1944), là cán bộ trong phong trào sinh viên học sinh cùng với Lê Quang Vinh, Lê Hồng Tự... bị bắt giam vào Tổng Nha Cảnh sát gặp ông rồi bén duyên từ đó. Vụ tai nạn khiến bà bị chấn động não, liệt toàn thân và gần như mất trí nhớ. Ông lặng lẽ đến bên người vợ nắm tay bà tâm sự: “Chẳng sao đâu bà ạ, chỉ cần điều trị ít lâu nữa là bà mạnh khỏe thôi. Bà mau khỏe để về nhà cùng với tôi bà nhé”. Ông quay sang tôi nói cứng: “Những lúc nguy nan nhất là lúc cần phải bình tĩnh nhất. Khi nổ súng vào Ngô Đình Diệm, tôi đã chẳng hề run sợ thì sá gì cuộc chiến đấu cuối cùng này (ý ông nói vụ tai nạn – P.V)”. Ông đúc kết: “Thời cuộc làm nên anh hùng. Không riêng gì tôi mà thời đó người thanh niên yêu nước nào cũng hành động như vậy. Tôi tin dòng máu anh hùng vẫn lưu truyền trong máu thịt của từng thế hệ thanh niên Việt Nam để viết tiếp trang sử hồng ngày mới cho dân tộc”.
Quang Sang

No comments:

Post a Comment