Ông Đinh Văn Châm là đầu bếp trên tàu viễn dương nhưng chán cảnh nay đây mai đó, đành bỏ lên bờ cùng vợ mở hàng ăn ở Vũng Tàu. Một hôm có một cậu bé đến cửa hàng rụt rè xin việc. Sau khi hỏi về gia cảnh, ông Châm nhận cậu làm con nuôi và thay cái tên Kin Tà bằng tên mới là Đinh Văn Phú.
Bước ngoặt định mệnh
Một sáng, Phú đang lúi húi lau bàn ghế thì có khách vào, ngồi một lát ông ta bảo "cháu có muốn theo chú làm cách mạng không?" Mặc dù lúc ấy chưa biết cách mạng là gì, nhưng Phú vẫn gật đầu vì đơn giản làm cách mạng sẽ không phải nghe mẹ nuôi mắng và không phải hàng ngày vật lộn với đống bát đĩa. Theo lời dặn, đêm hôm sau Phú lặng lẽ ôm bọc quần áo rồi trốn khỏi nhà bố mẹ nuôi. Đó là đầu năm 1948, khi cậu vừa tròn 13 tuổi. Điều mà Phú không ngờ tới là gia đình bố mẹ nuôi cũng chính là một cơ sở của Cách mạng.
Về Ban quân báo tỉnh Bà Rịa, Phú được đổi tên thành Đinh Dũng. Tháng 8/1948, Đinh Dũng được cử lên Tây Ninh bắt liên lạc với thiếu úy Phạm Ngọc Chẩn - Đồn trưởng quân đội Cao Đài. Đến nơi, Dũng cải trang là trẻ chăn trâu rồi thành thằng nhỏ giúp việc cho Đồn trưởng. Ở trong đồn, Dũng tranh thủ vẽ sơ đồ, thu thập tin tức hàng ngày báo cho Việt Minh. Được gần 2 tháng thì Dũng và đồn trưởng Phạm Ngọc Chẩn bất ngờ bị quân đội Cao Đài bắt tạm giam ở Tây Ninh, may nhờ có Trung tá Phạm Ngọc Chấn - Tư lệnh quân đội Cao Đài Miền Tây (anh ruột Phạm Ngọc Chẩn) can thiệp nên mới được thả. Trở về tiếp tục hoạt động đến giữa năm 1953 bị địch theo dõi gắt gao, Đinh Dũng được tổ chức rút ra cứ.
Năm 1954, Đinh Dũng không tập kết ra Bắc mà bí mật ở lại hoạt động với tư cách là tín đồ thành viên của lực lượng vũ trang Cao Đài ly khai. Trong giai đoạn này, Đảng ta chủ động đấu tranh chính trị, tránh bạo lực làm ảnh hưởng đến cuộc Tổng tuyển cử. Lợi dụng điều này, Ngô Đình Diệm đã lê máy chém đi khắp miền Nam thẳng tay khủng bố các cơ sở Đảng, tàn sát đẫm máu những người yêu nước.
Phải diệt trừ Ngô Đình Diệm
Tháng 10/1956 đồng chí Lâm Kiểm Xếp - Trưởng Ban địch tình Tỉnh ủy Tây Ninh giao nhiệm vụ tổ chức diệt trừ Ngô Đình Diệm khi lên Tây Ninh. Nhưng do thời gian quá gấp, lại không biết cụ thể ngày giờ nơi đi, đến của Diệm nên không thực hiện được. Một phương án táo bạo diệt trừ Ngô Đình Diệm ngay trong nhà thờ Đức bà Sài Gòn vào đêm Noel năm 1956 đã được Đinh Dũng đề xuất. Tối hôm đó quân ta đã chốt chặt các vị trí trong nhà thờ. Tuy nhiên chờ đến 12 giờ đêm vẫn không thấy anh em Diệm - Nhu xuất hiện… Và một lần nữa kế hoạch lại không thành. Sáng hôm sau báo chí Sài Gòn đưa tin Ngô Đình Diệm thay đổi lịch trình không dự Noel ở Sài Gòn mà đến dự lễ Noel với giáo dân Bắc di cư ở khu trù mật Đức Huệ, Long An.
Đầu tháng 2/1957 báo giới Sài Gòn đưa tin Ngô Đình Diệm sẽ lên cắt băng khánh thành hội chợ "Kinh tế Cao Nguyên" tại Ban Mê Thuột vào ngày 22/2/1957. Được tin này, Đinh Dũng cùng đồng đội lên ngay Ban Mê Thuột khảo sát thực địa, nắm tình hình. Một thuận lợi là Trung đoàn 60 bảo vệ Diệm vòng ngoài trong đó có rất nhiều lính Cao Đài sáp nhập vào. Chính nhờ những cơ sở này mà Đinh Dũng đã mang được súng vào tận vòng trong. Sau khi kế hoạch ám sát Ngô Đình Diệm đã được tổ chức thông qua, ngày 21/2/1957 Đinh Dũng đã có mặt trên Cao nguyên với tấm giấy thông hành mang tên Hà Minh Trí, thương gia ở Tây Ninh cùng vợ lên dự hội chợ.
Buổi sáng 22/2/1957, lượng người đổ về hội chợ Ban Mê Thuột khá đông. Lường trước lành ít giữ nhiều, Hà Minh Trí đưa "vợ" ra xe về Sài Gòn trước nhưng người đồng đội đóng giả là vợ lại lo lắng, muốn nán lại xem diễn biến thế nào. Kiên quyết đưa "vợ" lên xe, Hà Minh Trí nói rằng khi vụ việc xảy ra toàn bộ các tuyến đường sẽ bị phong tỏa kiểm soát, rất nguy hiểm. Người phụ nữ, người đồng đội bước lên xe mắt dơm dớm nhìn Hà Minh Trí, vì chị hiểu rằng có thể sẽ không bao giờ còn được gặp anh nữa…
Đúng 9 giờ khai mạc hội chợ. Ngô Đình Diệm tiến vào lễ đài trong sự bảo vệ dày đặc của mật thám, quân cảnh. Trong bộ quần áo cải trang, Hà Minh Trí cũng đã tiến sát hàng rào bảo vệ cách Ngô Đình Diệm chưa đầy 20m. Khi tiếng hô chào cờ vang lên, Hà Minh Trí lấy khẩu MAT- 49 cưa nòng luồn qua nách tên quân cảnh cao to đứng trước nhằm Ngô Đình Diệm nhả đạn. Do bất ngờ khi nghe tiếng súng nên tất cả sững lại, tiếp tục bóp cò nhưng súng bị tắc, Hà Minh Trí chỉ kịp thấy một tên đứng cạnh Diệm gục xuống và sau đó hàng chục tên quân cảnh lao vào đè ập xuống ông.
Ám sát không thành, Hà Minh trí bị đưa ngay vào trại giam Ty cảnh sát Ban Mê Thuột thẩm vấn rồi sau đó chuyển về trại P42 Sài Gòn, rồi khám Chí Hòa. Ở đâu chúng cũng dùng đủ mọi cực hình tra tấn vô cùng man rợ làm ông chết đi sống lại nhiều lần. Do vỏ bọc khá tốt, lại hoạt động độc lập, ông chỉ một mực khai là tín đồ Cao Đài, sở dĩ ám sát Ngô Đình Diệm là vì chính phủ đàn áp Cao Đài… Không khuất phục được Hà Minh Trí, tháng 10/1963 chúng kết án tử hình và đày ông ra địa ngục Côn Đảo.
Người anh hùng bình dị
Sau khi anh em Diệm - Nhu bị giết trong cuộc đảo chính quân sự tháng 11/1963, ngày 13/3/1965, Hà Minh Trí được trả tự do với tư cách là tù nhân chính trị đối lập chống chế độ Ngô Đình Diệm. Ra tù Hà Minh Trí lấy tên là Mười Thương, được tổ chức phân công về làm việc ở Ban tổ chức đặc khu Sài Gòn - Gia Định. Đầu năm 1965 về công tác tại Ban an ninh T4 với tên mới là Nguyễn Văn Điền. Khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông vẫn tiếp tục công tác trong ngành công an, đến năm 1989 ông chuyển sang làm Phó ban Nội chính rồi Trưởng ban Tôn giáo tỉnh Tây Ninh. Năm 1999, ông nghỉ hưu sống với gia đình ở Tây Ninh. Do có nhiều công lao đóng góp, năm 2005 ông được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Hà Huy Hoàng
No comments:
Post a Comment