Trường Sa - khúc bi tráng 14-3
08/03/2013 11:00 (GMT + 7)
TT - Ngày 14-3-2013, cuộc chiến đấu trên vùng biển Cô Lin - Len Đao - Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của những chiến sĩ Hải quân Việt Nam vừa tròn 25 năm. Đảo Gạc Ma bị Trung Quốc xâm chiếm trái phép từ ngày đó. Những người lính hải quân đã lấy máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc. Sự hi sinh của các anh là những huyền thoại bất tử, như “vòng tròn bất tử” giữa trùng khơi...
Kỳ 1: Những kỷ vật từ lòng biển Trường Sa
Chuyến xuồng cao tốc CQ từ tàu HQ 936 vừa chở chúng tôi cập đảo Cô Lin. Không như nhiều điểm đảo khác, khi cập đảo anh em báo chí thường níu lấy anh em hỏi han, trò chuyện. Còn sáng hôm ấy, khi xuồng vừa cập đảo, chúng tôi ai cũng vội vã chạy lên tầng thượng. Ở đó, từ đài quan sát, nhìn qua ống kính viễn vọng hướng về phía đảo Gạc Ma, hòn đảo của đất Việt, một phần máu thịt hình hài đất nước đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.
Những chiếc tàu không trở về
Với khoảng cách chưa đầy hai hải lý, từ Cô Lin nhìn sang, vùng biển quanh đảo Gạc Ma lấp lóa nắng, màu nước từ thềm san hô xanh óng ánh màu ngọc bích. Dưới mặt nước yên bình cạnh thềm đảo Gạc Ma ấy có một chiếc tàu đang lặng im trong lòng biển lạnh đúng 25 năm qua. Và trong khoang con tàu đang chìm sâu kia vẫn còn những di vật và xương cốt của rất nhiều người lính Việt đã hi sinh vào buổi sáng 14-3-1988 bi tráng ấy!
Một tiếng đồng hồ trước khi tàu đưa chúng tôi ghé lên đảo Cô Lin, một buổi lễ tưởng niệm đã diễn ra trên vùng biển các anh đã nằm lại năm xưa. Chuyến tàu nào ra với Trường Sa cũng neo lại vùng biển này để tưởng nhớ.
Và lần nào cũng vậy, tất cả đều xúc động đến rơi nước mắt, từ vị tướng dạn dày trận mạc đến những bạn trẻ lần đầu đến với đảo xa. Lần nào cũng vậy, những vòng hoa khi thả xuống biển luôn dập dềnh theo ngọn sóng theo tàu một quãng xa. Lần tưởng niệm nào cũng vậy, dù máu các anh đã hòa tan vào vị biển mặn chát từ mấy chục năm rồi, nhưng sắc đỏ trên lá cờ Tổ quốc trong buổi lễ luôn đổ bóng đỏ in vào làn nước biển, cứ ngỡ như dòng máu hi sinh ngày ấy vẫn còn kết thành khối đỏ chưa tan.
Tại nhà truyền thống của lữ đoàn 125 Hải quân (Cát Lái, Q.2, TP.HCM), chúng tôi rất bất ngờ khi thấy những di vật của những người lính hi sinh trong chiếc tàu đắm trên vùng biển Gạc Ma - Cô Lin tròn 25 năm trước đang được lưu giữ nơi này. Tất cả được lưu giữ trong một chiếc thùng gỗ và chưa bao giờ được trưng bày.
Hôm nay là ngày giỗ của 64 liệt sĩ Trường Sa
Hôm nay, ngày 8-3-2013, tức ngày 27 tháng giêng âm lịch. Theo phong tục truyền thống của người Việt, giỗ kỵ được tính theo lịch âm, thì ngày 14-3-1988 - ngày xảy ra cuộc hải chiến Trường Sa - cũng là ngày 27 tháng giêng năm Mậu Thìn.
Ngày hôm nay, trên cả nước sẽ có 64 đám giỗ trong gia đình những người lính hải quân và đồng đội của các anh chắc cũng đang tưởng niệm. Báo Tuổi Trẻ quyết định khởi đăng hồ sơ “Trường Sa - khúc bi tráng 14-3” như một nén nhang tưởng niệm các anh, những người đã nằm lại trên vùng biển Gạc Ma - Cô Lin - Len Đao tròn 25 năm trước!
|
Khi chúng tôi loay hoay xếp lại những bức ảnh tư liệu đặt cạnh chiếc thùng gỗ đựng kỷ vật để chọn một góc chụp hình các kỷ vật thì phát hiện một tư liệu quý giá: tấm hình chụp con tàu HQ-604 đúng vào ngày rời bến ra Trường Sa làm nhiệm vụ.
Đấy cũng là chuyến đi cuối cùng của con tàu lịch sử này bởi chỉ vài ngày sau đó, trong cuộc chiến đấu quyết tử, HQ-604 đã bị bắn chìm cùng với những người lính của lữ đoàn 125, lữ đoàn 146 và trung đoàn 83 công binh.
Cả ba chiếc tàu HQ-604, HQ-605 và HQ-505 dù số phận có khác nhau nhưng hôm nay tất cả đã im lặng nằm sâu dưới lòng biển lạnh. Ba chiếc tàu quân sự, 64 liệt sĩ hi sinh, vậy mà tất cả kỷ vật của trận chiến bi tráng năm ấy nay chỉ đựng vừa vặn trong một chiếc thùng gỗ sơn màu lính vốn dùng để đựng súng tiểu liên AK.
Lùa tay vào thớ vải của những bộ quần áo lính được những người thợ lặn vớt lên từ khoang tàu HQ-604, do ngấm nước biển mấy chục năm nay đã trở nên khô cứng ram ráp.
Dường như qua lần vải kia còn nghe xương thịt người lính hiển linh, chiếc áo này ai đã mặc, chiếc thắt lưng kia của người lính nào? Và chiếc bát ăn cơm đã bị hà ăn mòn trên vành miệng bát...
“Đó là kỷ vật rất thiêng liêng mà bao năm nay lữ đoàn nâng niu gìn giữ, bảo vệ với cả tình cảm và cái tâm của mình chứ không đơn thuần là trách nhiệm”, đại tá Trần Thanh Tâm (chính ủy lữ đoàn 125) vừa mở khóa chiếc hòm vừa nói.
Chiếc hòm gỗ đựng kỷ vật
Khi nắp thùng bật mở, chúng tôi lặng đi khi nhìn thấy những di vật được cẩn trọng gói trong giấy báo. Chính ủy lữ đoàn 125 nâng niu bằng cả hai tay, lấy từng di vật ra. Hai ngòi nổ, một mặt nạ phòng độc M04, hai hộp bộ đổi nguồn thông tin, một hộp đèn soi thông tin (đèn tín hiệu cũ), một bó dây điện nhỏ, một cuốc chim, bốn chiếc dép nhựa, một săm xe đạp. Ba chiếc thắt lưng cũ kỹ đã bị đứt một đoạn.
Hai bát ăn cơm và chiếc quần quân trang của người lính công binh Việt Nam bị rách không đồng màu, loang lổ những dấu vết của biển cả với những vỏ hàu, vỏ ốc kết chặt. Ba chiếc dép nhựa Tiền Phong màu trắng đã bị đứt quai, chuyển màu vàng sậm. Khẩu AK chỉ còn nòng súng, thoi đẩy và đế báng súng.
Sóng gió đã đánh trôi dạt, bào mòn, làm mục nát hết những phần khác của các vũ khí quân tư trang. Tất cả những thứ bằng sắt đều đã gỉ sét, cũ kỹ. Có những di vật đã bị biến dạng, méo mó. Chỉ duy hai bát ăn cơm và ống liều phóng của quả đạn B41 trong hộp nhựa là còn nguyên vẹn.
Đặc biệt, có một ống liều phóng đã được đút vào khẩu B41, sẵn sàng ngắm bắn. Đầu nổ của nó đã bị lòi ra kim phát nổ. “HQ-604 chỉ là tàu vận tải thông thường nên tầm bắn tối đa chỉ ở cự ly 500m. Khi đó tàu HQ-604 đang cách tàu chiến địch 2-3 hải lý (khoảng 3,6-5,4km). Chắc là các bác, các chú đang cơ động cho tàu tiến đến gần tàu địch thì bắn nhưng chưa kịp bắn đã trúng hỏa lực của tàu chiến đối phương” - đại tá Trần Thanh Tâm giải thích.
Nhìn thấy những kỷ vật đã han gỉ, ố đen ấy, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Lanh - khi đó là trung sĩ trung đoàn công binh E83, một trong những thành viên tàu HQ-604 còn sống sót - lặng đi một hồi rồi bảo: “Khi vào đảo, chúng tôi mang theo cả cuốc chim, xà beng, xẻng để đào móng trên nền san hô xây dựng công trình. Đây là quần áo mặc khi xây dựng công trình của lính công binh chúng tôi ngày ấy. Còn cái săm xe đạp này nữa... Ngày đó còn nghèo khổ, nhiều người lính trước khi đi làm nhiệm vụ còn mua cả săm xe đạp mang về nhà làm quà. Tôi cũng mua một cái ở Ba Ngòi trước khi xuống tàu và còn mua cả một dây chuyền bạc để trong rương định sau chuyến đi đó sẽ về tặng người yêu. Chẳng ai nghĩ mình sẽ không trở về nữa... Đôi dép nhựa Tiền Phong của Hải Phòng này ngày đó quý lắm, không phải ai cũng có mà đi. Trước khi bơi vào đảo, nhiều người bỏ dép lại tàu, sợ bị san hô cứa đứt mất. Làm sao đưa được những di vật này về vậy? Chúng đã chìm dưới đáy biển hơn 20 năm rồi”.
LÊ ĐỨC DỤC - MY LĂNG
********************************************************************************************
Trường sa - khúc bi tráng 14-3 - Kỳ 2:
“Vòng tròn bất tử” trên bãi Gạc Ma
09/03/2013 09:22 (GMT + 7)
TT - ... Gạc Ma, sáng 14-3-1988. Một vòng tròn bất tử. Những loạt đạn chát chúa. Những lưỡi lê sắc lạnh. Nhiều chiến sĩ VN ngã xuống. Nhưng người khác vẫn ào lên giữ vững ngọn cờ.
Bãi san hô dậy sóng... 25 năm đã trôi qua, nhưng người chiến sĩ hải quân Nguyễn Văn Lanh anh hùng năm xưa vẫn không thể nào quên được buổi sáng đặc biệt này - buổi sáng mà anh và đồng đội đã quyết tử lao vào cuộc chiến không cân sức để thực thi chiến dịch CQ 88, chiến dịch bảo vệ chủ quyền biển đảo VN.
Nhiệm vụ trong đêm
Những ngày trước sáng 14-3-1988, các tàu HQ-505, HQ- 604, HQ-605 của Lữ đoàn 125 phối hợp với Lữ đoàn 146 và công binh E83 được lệnh hành quân khẩn cấp về nhóm đảo chìm Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao trước sự lăm le chiếm đóng bất hợp pháp của hải quân Trung Quốc (TQ). Người chiến sĩ hải quân trẻ Nguyễn Văn Lanh lúc ấy có mặt trên chiếc tàu HQ-604 do đại úy Vũ Phi Trừ làm thuyền trưởng cùng với lữ đoàn phó 146 Trần Đức Thông.
Rưng rưng xem lại những đoạn phim, những kỷ vật đẫm máu đồng đội, anh Nguyễn Văn Lanh nhớ lại: chiều tối 13 thì tàu HQ-604 đến vùng biển Gạc Ma (còn tàu HQ-505 có mặt ở Cô Lin, tàu HQ-605 thẳng tiến Len Đao). Khi tàu HQ-604 thả neo, nhiều chiến sĩ công binh trẻ măng vẫn còn say sóng, chưa kịp ăn thứ gì thì lữ đoàn phó Trần Đức Thông và thuyền trưởng Vũ Phi Trừ đã kêu gọi anh em bắt tay khẩn cấp vào nhiệm vụ giữ đảo.
Đêm 13-3, gió mùa đông bắc thổi mạnh, mây mù che kín bầu trời làm mặt biển tối đen như mực. Anh Lanh cùng các đồng đội hạ xuồng vận chuyển vật liệu xây dựng lên đảo chìm Gạc Ma. Còn việc bảo vệ lá cờ đỏ sao vàng, khẳng định chủ quyền VN do tổ của thiếu úy Trần Văn Phương đảm nhiệm. Họ phải dùng xà beng đục xuống rạn san hô Gạc Ma để cắm vững thân cờ Tổ quốc. Trên đảo Cô Lin cách đó không xa, cờ chủ quyền cũng phần phật tung bay ở cả hai đầu đảo. Trung tá Trần Đức Thông yêu cầu cán bộ, chiến sĩ cứ tập trung nhiệm vụ, mặc kệ tàu chiến TQ đang lảng vảng quanh đó.
Rạng sáng hôm sau, tức ngày 14-3-1988, khi mọi người chưa kịp dùng bữa sáng thì các tàu chiến TQ áp sát. Đó là các biên đội tàu chiến thật sự với hỏa lực mạnh, trong khi các tàu VN chỉ là loại hải vận để chở binh sĩ, vật liệu xây dựng, lương thực tiếp tế cho các đảo chứ không phải tàu chiến. Đặc biệt, đa số chiến sĩ trên tàu VN là công binh làm nhiệm vụ xây dựng đảo chứ không phải lính chiến đấu. Trước tình hình không cân sức này, các thuyền trưởng Vũ Huy Lễ, Vũ Phi Trừ, Lê Lệnh Sơn và lữ đoàn phó Trần Đức Thông truyền đạt mệnh lệnh: kiên cường giữ vững nhiệm vụ, tất cả sẵn sàng chiến đấu để giữ vững chủ quyền.
Tình hình càng lúc càng diễn biến căng thẳng hơn. Tại bãi Gạc Ma, thủy triều buổi sáng đã dâng cao hơn, nhưng nhóm bảo vệ ngọn cờ chủ quyền của thiếu úy Trần Văn Phương vẫn kiên cường trụ vững trên bãi san hô.
Rồi chuyện gì đến đã đến: quân TQ đổ bộ xâm chiếm đảo...
Gần 6 giờ sáng, tàu chiến TQ bắt đầu cho xuồng nhỏ áp sát rạn san hô Gạc Ma. Một lát sau, các xuồng khác lại tiếp tục được thả xuống với lính hải chiến TQ nai nịt đầy đủ vũ khí để đổ bộ.
Vòng tròn bất tử
Sau khi bắn cháy tàu HQ-604, tàu chiến Trung Quốc bắt đầu dồn dập nhả đạn vào tàu HQ-505. Bị trúng đạn pháo của đối phương, một phần tàu bốc cháy. Trong khoảnh khắc một mất một còn, thuyền trưởng Vũ Huy Lễ quyết định cho tàu HQ-505 lao thẳng lên rạn san hô Cô Lin. Tàu gối một nửa thân trước lên cạn, nửa sau nằm dưới nước. Con tàu biến thành công sự không thể chìm và những người lính quyết tử để bảo vệ ngọn cờ chủ quyền.
Các tàu chiến Trung Quốc sau khi bắn chìm tàu HQ-604 ở Gạc Ma liền kéo sang tấn công tàu HQ-605. Những loạt pháo hạng nặng 100 li dồn dập nhả vào con tàu vận tải không hề trang bị hỏa lực hải chiến. Tàu HQ-605 bốc cháy dữ dội. Thuyền trưởng Sơn ra lệnh cho mọi người rời tàu.
|
Trước tình thế đó, trên bãi san hô Gạc Ma, các chiến sĩ VN đã quây thành vòng tròn bảo vệ ngọn cờ Tổ quốc (mà sau này nhiều người vẫn gọi vòng tròn ấy bằng cụm từ thiêng liêng: vòng tròn bất tử). Nhưng lúc ấy, ngoài nhóm nhỏ lính hải quân chiến đấu thuộc Lữ đoàn 146 của thiếu úy Phương, đa số là công binh chỉ có cuốc, xẻng, xà beng trong tay. Lúc này anh Lanh vừa mới quay lại tàu lấy thêm vật liệu xây dựng để đưa xuống đảo thì trung tá Trần Đức Thông kêu gọi tất cả mọi người còn trên tàu HQ-604 biết bơi hãy nhảy hết xuống biển, tiếp ứng cho anh em trên bãi san hô. Anh Lanh ra mạn boong hướng về đảo, nhảy xuống biển cùng nhiều chiến sĩ khác, nhanh chóng bơi vào vùng đồng đội sắp bị tấn công.
Trước mắt anh Lanh, cuộc đụng độ không cân sức bắt đầu bùng nổ. Lính TQ đổ bộ dày đặc lên đảo với AK sáng quắc lưỡi lê cố tràn vào vòng tròn chiến sĩ VN. Lính TQ cố giật và hạ cờ VN. Còn chiến sĩ VN trên tay chủ yếu chỉ có xà beng, cuốc xẻng, vật liệu xây dựng vẫn quyết tử giữ bằng được lá cờ. Mấy lần lính TQ cố tràn vào đều bị bật ra. Đến khi chúng nhả đạn mới áp sát được vào chỗ thiếu úy Phương đang giữ chặt ngọn cờ. Anh Lanh lúc này cũng đã lao vào sát cánh cùng đồng đội Phương. Hai bên giành giật ngọn cờ. Bất ngờ lính TQ nổ súng thẳng vào đầu thiếu úy Phương. Anh ngã xuống nhưng vẫn ôm chặt lá cờ loang máu.
Trung sĩ Nguyễn Văn Lanh (sau được phong Anh hùng lực lượng vũ trang) kể tiếp: “Sau khi anh Phương bị bắn, lính TQ định cướp lá cờ nhưng tôi giằng lại được. Một tay tôi cầm cờ, một tay cầm xà beng đánh lại...”. Thấy khó hạ gục được người lính công binh VN kiên cường, lính TQ đã đâm anh từ phía sau rồi cuối cùng bắn thẳng vào anh bằng AK.
Trên toàn rạn san hô Gạc Ma, trận chiến lúc ấy đã bùng nổ dữ dội. Lính đổ bộ TQ lùi ra xa để đại liên, pháo 37 li từ tàu chiến của chúng bắn thẳng vào các chiến sĩ VN vẫn đang quyết tử bám trụ giữ đảo. Trên tàu HQ-604, trận chiến cũng diễn ra bi tráng. Anh Mai Văn Hải, công binh E83, có mặt trên tàu lúc đó, nhớ trước khi đổ bộ giáp trận trên đảo, các tàu chiến TQ đã lùi ra đề phòng các súng nhỏ như AK, B40, B41 của tàu VN. Sau đó, chúng mới lợi dụng ưu thế hỏa lực tầm xa mạnh như pháo 100 ly, 37 li bắn dồn dập vào tàu HQ-604.
Loạt đạn đầu tiên của tàu TQ bắn trúng phòng báo vụ tàu HQ-604. Trước mắt Hải, thuyền trưởng Vũ Phi Trừ lao xuống phòng động cơ, định cho máy tàu nổ để ủi lên bãi san hô Gạc Ma. Nhưng ngay lúc đó phòng máy bị trúng đạn bốc cháy, không còn thấy bóng anh ngược ra. Tàu cũng không còn khả năng lao lên bãi. Anh Hải ngược lên phòng điện trên mặt boong, gặp trung tá Trần Đức Thông và đại úy Phòng. Nhưng cũng đúng khoảnh khắc ấy, từng tràng đại liên từ phía TQ bắn thẳng vào. Lữ đoàn phó Trần Đức Thông trúng đạn vào đầu gục xuống. Đại úy Phòng cũng hi sinh.
Tàu HQ-604 mất dần dưới mặt biển, mang theo nhiều chiến sĩ và thuyền trưởng Vũ Phi Trừ, lữ đoàn phó Trần Đức Thông!
QUỐC VIỆT
************************************************************************************************
Trường Sa - khúc bi tráng 14-3 - Kỳ 3:
Khi tiếng súng lặng im
10/03/2013 08:06 (GMT + 7)
TT - Thuyền phó Doan bị bỏng nặng vì pháo, cả người cháy đen, tóc sém hết, bốc mùi khét lẹt. Mặt anh cũng thủng lỗ chỗ, đầm đìa máu bởi mảnh đạn. Vậy mà anh vẫn tỉnh, tỉnh đến kỳ lạ. Được đồng đội dìu dưới biển, anh vẫn thoi thóp nhìn mãi về phía ngọn cờ Tổ quốc, mấp máy môi như nhắn nhủ anh em phải giữ vững bằng mọi giá...
25 năm đã trôi qua, người lính hải quân Trường Sa Hoàng Văn Nam thuở ấy vẫn ứa nước mắt nhớ mãi hình ảnh kiên cường của đồng đội. Tàu hải vận HQ-605 làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền ở đảo chìm Len Đao bị bắn cháy sau 8g sáng 14-3-1988. Mọi người phải rời tàu, nhảy xuống biển, nhưng vẫn dìu nhau trụ lại vùng biển Len Đao dưới làn mưa đạn pháo cho đến lúc chiến hạm Trung Quốc rời trận địa quay sang bãi Gạc Ma.
Mỗi người lính là ngọn cờ
Chiến sĩ Lê Viết Thảo, lữ đoàn 146, có mặt tại bãi Gạc Ma sáng 14-3, xúc động nhớ: Sau khi tàu Trung Quốc nổ súng, nhiều chiến sĩ hi sinh và thương vong. Trong đó có Hoàng Hải và Nguyễn Văn Lanh bị thương nặng. Anh Thảo cùng anh em cởi áo nhét vết thủng trên xuồng công binh, đặt người bị thương cùng thi thể anh Trần Văn Phương lên và bơi về đảo Cô Lin, nơi còn tàu HQ-505. Đêm đó, Thảo cùng một chiến sĩ tên Chúc được giao nhiệm vụ canh giữ thi thể anh hùng Trần Văn Phương trên đảo Sinh Tồn. Thấy tay anh Phương đeo nhẫn cưới, Thảo bàn với đồng đội tháo chiếc nhẫn mang về đất liền. “Chiếc nhẫn này sau đó được chúng tôi giao cho anh Trường lính hải đồ, nhờ đưa về trao lại cho vợ đồng chí Phương tại Quảng Bình”.
(QUỐC NAM)
|
Nhớ lại quyết định rời tàu, thuyền trưởng HQ-605 Lê Lệnh Sơn kể: “Nếu ở lại tàu thì tất cả sẽ hi sinh hết. Chủ quyền cũng chưa chắc giữ được. Tôi cho anh em nhảy xuống biển, vì tin rằng mỗi người lính lúc ấy sẽ trở thành nhân chứng, thành ngọn cờ bằng xương máu giữ chủ quyền Tổ quốc!”.
Kiên cường trụ lại Len Đao cho đến khi tàu chiến Trung Quốc rời đi, các chiến sĩ tàu HQ-605 mới bơi tập trung lại với nhau, hướng về đảo Sinh Tồn. Anh Nam tìm thấy thuyền phó Doan bị thương rất nặng, mọi người phải kẹp phao cho đầu anh nổi khỏi mặt nước biển.
Gần trưa, chiếc thuyền nhỏ của tổ chiến sĩ lên bảo vệ cờ tìm vớt đồng đội lên. 17 người, kể cả số bị thương. Anh Nam xúc động nhớ họ phát hiện thiếu một đồng đội nhưng không thể tìm thấy dưới biển. Có lẽ anh đã hi sinh và nằm lại trên con tàu đang bốc cháy rừng rực. Đại úy Sơn ra lệnh chiến sĩ chèo tay, hướng mũi xuồng về đảo Sinh Tồn. Trên xuồng có nhiều thương binh bị bỏng, bị mảnh đạn găm vào mình, gãy chân... Nam phải kìm nước mắt, ngồi đỡ thuyền phó Doan để anh dễ thở. 15g, về gần đến Sinh Tồn thì thuyền phó Doan trút hơi thở cuối cùng.
Trong lúc đó tình hình bãi Gạc Ma cũng rất căng thẳng. Mặc dù tàu chiến Trung Quốc ngừng nổ súng nhưng vẫn trơ lì ở lại vùng biển chủ quyền Việt Nam. Còn các chiến sĩ hải quân Việt Nam, người sống, người bị thương, người hi sinh đang nổi chìm dưới vùng nước loang máu.
Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ tàu HQ-505 rưng rưng kể: “Sau khi tàu lên được bãi Cô Lin, tôi lệnh cho nhóm chiến sĩ ở lại tàu sẵn sàng tiếp tục chiến đấu, còn một nhóm tìm cách cứu hộ đồng đội ở Gạc Ma sau khi tàu HQ-604 đã chìm. Công việc nhân đạo nhưng rất căng thẳng dưới họng súng đối phương”. Thuyền trưởng Lễ nhớ chi tiết khi thuyền cứu hộ nhỏ của tàu HQ-505 vào vùng biển Gạc Ma, tàu chiến Trung Quốc dọa bắn cả những người tay không đi làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu thương. Nhưng họ vẫn quyết tâm tiến vào vì ở đó còn đồng đội mình.
Trung tá Phạm Văn Hưng, tàu HQ-505, có mặt trên xuồng cứu hộ, ngậm ngùi nhớ họ phải nén khóc khi chứng kiến vùng biển Gạc Ma sau vụ thảm sát tàn bạo. Chỉ trong một buổi ngày 14-3, trên vùng biển Gạc Ma - Cô Lin - Len Đao này, 64 chiến sĩ, công binh hải quân VN đã dũng cảm hi sinh vì Tổ quốc.
Giữ vững chủ quyền
Sau khi chuyển các liệt sĩ và thương binh lên đảo Sinh Tồn, thuyền trưởng Lễ liên lạc về sở chỉ huy trong đất liền. Ông báo rõ tình hình Cô Lin rằng: “Cờ Tổ quốc vẫn còn, tàu vẫn còn và người vẫn còn, quyết tâm xin được ở lại để bảo vệ tàu và bảo vệ chủ quyền đảo của đất nước. Nếu cần phải hi sinh vì Tổ quốc sẽ sẵn sàng hi sinh đến người cuối cùng”. Đề nghị này được cấp trên chấp thuận. Chiều tối 14, thuyền trưởng Lễ và một số cán bộ, chiến sĩ đi thuyền máy qua đảo Sinh Tồn, viếng các liệt sĩ và thăm hỏi thương binh, rồi quay trở lại ngay tàu 505 vẫn đang nằm cùng ngọn cờ trên đảo Cô Lin.
Một cuộc họp được khiển khai gấp rút ngay trong đêm. Thuyền trưởng Lễ xúc động nói với đồng đội rằng ông sẽ ở lại bảo vệ con tàu này và ngọn cờ chủ quyền trên đảo Cô Lin. Ông đề nghị chín người tình nguyện xung phong ở lại cùng với ông để lập thành tiểu đội chiến đấu bảo vệ tàu. Rất nhiều cánh tay giơ cao trong cuộc họp. Thuyền trưởng Lễ trân trọng tinh thần quyết tử cho Tổ quốc của đồng đội và chọn chín người ở lại tàu cùng mình. Trong đó có thuyền phó Nguyễn Huy Cường, Thạc, Biên, Thanh, Xuyên... đến từ các miền quê Nghệ An, Hà Tĩnh, Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng.
“Nhiều đêm tôi vẫn nằm mơ khoảnh khắc chia tay đầy xúc động này. Người về, người ở lại đều nghẹn ngào. Chiến sĩ trẻ khóc thành tiếng. Đại úy, chính trị viên Võ Tá Du gạt nước mắt dẫn nhóm anh em về và nhắn nhủ với những người ở lại: “Anh em ở lại quyết tâm bảo vệ tàu, bảo vệ đảo Tổ quốc. Chúng tôi hứa về đất liền sẽ kể lại toàn bộ cuộc hải chiến này và tinh thần quyết tử cho Tổ quốc của anh em...”.
Đến lúc xuồng máy đã hạ xuống để chuyển người lên tàu khác về đất liền, nhiều chiến sĩ vẫn xúc động không nỡ chia tay, cứ xin được ở lại cùng con tàu. Thuyền trưởng Lễ phải nén cảm xúc, kiên quyết tiễn anh em. Ông hiểu rất rõ điều gì đang chờ đợi đội mười người ở lại với tàu ở đảo Cô Lin trong thời điểm nóng bỏng trên vùng biển này. Cả con tàu lúc ấy chỉ còn là một lô cốt sắt nằm bất động trên bãi san hô. Mười người ở lại đều sôi sục tinh thần yêu nước và sẵn sàng quyết tử chiến đấu bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.
Đội bảo vệ đảo Cô Lin do thuyền trưởng Lễ chỉ huy đã phân thành năm tổ sẵn sàng chiến đấu chống trả lại đối phương xâm lược đảo. Thuyền trưởng Lễ nhớ những đêm anh em không ngủ được, nằm bên nhau trên boong tàu. Ông tâm sự với chiến sĩ: “Mười anh em sống chết có nhau, phải giữ bằng được tàu, bằng được cờ và chủ quyền Tổ quốc”. Họ rưng rưng trả lời: “Chúng tôi quyết tâm bảo vệ tàu, bảo vệ đảo đến người cuối cùng. Có phải hi sinh thì sẽ cùng hi sinh với nhau!”.
QUỐC VIỆT
********************************************************************************************
Trường Sa - khúc bi tráng 14-3 - Kỳ 4:
Lá thư không người nhận
11/03/2013 09:35 (GMT + 7)
TT - Đó là một lá thư đã ố màu, cũ kỹ, nằm lọt thỏm trong rất nhiều hình ảnh, kỷ vật liên quan đến sự kiện ngày 14-3-1988 trong phòng trưng bày của Bảo tàng Hải quân VN (Hải Phòng).
Trên bì thư viết: Con: Thu Hà/Trạm cung ứng than thị xã Phủ Lý - Hà Nam Ninh/Tới thăm Bố: Trần Đức Thông hòm thư 2C100A Cam Ranh - Phú Khánh. Dòng đầu tiên trong lá thư viết: Phủ Lý ngày 20-3-88. Tức bảy ngày sau khi xảy ra sự kiện 14-3-1988!
25 năm
Ngày 8-3-2013 (tức 27 tháng giêng), khi chúng tôi tìm đến nhà của Anh hùng liệt sĩ (AHLS) Trần Đức Thông ở thôn Cộng Hòa (xã Minh Hòa, huyện Hưng Hà, Thái Bình), cả đại gia đình, bà con họ hàng, làng xóm đang quây quần rất đông chuẩn bị làm lễ cúng.
Hiệu trưởng Trường THCS Trần Đức Thông và các học sinh, các ông bà già, cả thanh niên nam nữ trong thôn, trong xã gần đó... đã có mặt tại nhà tưởng niệm AHLS Trần Đức Thông từ rất sớm, thắp nhang, phụ gia đình nấu nướng, ngồi trò chuyện với những người thân trong gia đình người AHLS.
Năm 2009, Bộ Tư lệnh Quân chủng hải quân đã cho xây dựng nhà tưởng niệm AHLS Trần Đức Thông. Trước đó năm 2001, người dân trong thôn Cộng Hòa đã góp tiền xây dựng đài tưởng niệm và khắc tên người AHLS Trường Sa như một cách để bày tỏ lòng tri ân và tình cảm sâu sắc với người anh hùng quê hương mình. Tên của AHLS Trần Đức Thông được đặt tên cho ba trường học ở xã Minh Hòa: trường mẫu giáo, trường tiểu học và trường cấp II. Ngôi Trường THCS Minh Hòa ngày trước trung tá Trần Đức Thông từng học đã được đổi tên thành Trường THCS Trần Đức Thông tháng 9-2010.
|
“Bố xa nhớ. Hôm nay là ngày chủ nhật, con ngồi vào bàn học mà không sao học được vì lúc đó là buổi ca nhạc 7g30-8g, toàn hát những bài hát về Trường Sa. Lúc này con không thể nào học được nữa vì những bài hát đang khơi gợi về hình ảnh Trường Sa, nhất là hình ảnh của bố. Lúc này con nhớ bố vô hạn nên con tranh thủ viết mấy dòng chữ gửi cho bố.
Bố ạ. Tính đến nay bố xa gia đình cũng ba tuần rồi bố nhỉ. Thời gian trôi đi nhanh quá phải không bố? Bố ạ. Bố đi đã viết về nhà ba bức thư thì ở nhà đều nhận được hết. Bưu phẩm bố gửi cũng nhận được.
Bố ạ, hôm qua ngày 19-3-88 có xe ca của lữ 147 vào trong chỗ bố công tác và lúc xe ra bố có gửi chú Hoa ra cho 50kg gạo và tiền 140.000 đồng, và của cả bác Cổn nữa thì mẹ con và chúng con đều nhận được cả.
Bố ạ, còn tình hình học tập của con ở nhà vẫn bình thường. Hôm vừa qua bố có gửi thư tay cho thầy giáo chủ nhiệm con thì thầy đã nhận được và thầy nói rằng sẽ biên thư cho bố.
Bố ạ! Vừa qua tình hình ở đảo căng thẳng lắm phải không bố. Do vậy ở trong đơn vị chắc bố cũng bận nhiều, do vậy cũng phải ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng bố ạ, bố cố gắng giữ gìn sức khỏe.
Thôi cuối thư con còn gửi lời hỏi thăm sức khỏe các bác, các chú, các anh trong đơn vị bố mạnh khỏe, canh giữ vững chắc vùng biển thân yêu Trường Sa. Bố có phải đi đảo hay không viết thư về cho gia đình biết tin nhé. Mẹ con ở nhà đang rất sốt ruột vì lúc nào đài cũng nói rằng tình hình Trường Sa rất căng thẳng. Thôi con tạm dừng bút ở đây, lá thư sau con sẽ viết nhiều hơn. Chúc bố khỏe, công tác tốt. Con Trần Thị Thu Hà”.
Dấu bưu cục cho thấy bưu điện Hà Nam Ninh nhận thư gửi là ngày 22-3-1988, hòm thư của bưu điện Cam Ranh nhận ngày 28-3-1988 và khi chuyển đến huyện đảo Trường Sa đã là ngày 30-3-1988. Khi đặt bút xuống, cô bé tên Thu Hà ấy không thể nào biết đó là lá thư cuối cùng mình viết cho bố. Lá thư ấy vĩnh viễn không thể đến được tay cha mình.
Câu chuyện xúc động của lá thư khiến chúng tôi quyết định phải tìm cho được người con gái của Anh hùng liệt sĩ (AHLS) Trần Đức Thông (trung tá, lữ đoàn phó - tham mưu trưởng Lữ đoàn 146 Vùng 4 hải quân, người chỉ huy trực tiếp cao nhất tại Trường Sa trong sự kiện 14-3-1988).
25 năm sau, sáng 8-3-2013, trong ngôi nhà tưởng niệm người cha anh hùng của mình ở Thái Bình, khi nhìn thấy những dòng chữ trong lá thư của 25 năm trước, chị Thu Hà (hiện công tác tại Công an tỉnh Hà Nam) lặng đi. Những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt người phụ nữ luôn tỏ ra cứng cỏi, mạnh mẽ. “Cả nhà tôi không ai nghĩ bố hi sinh. Vì năm ngày sau sự kiện 14-3-1988, mẹ con tôi còn nhận được 50kg gạo và 140.000 đồng tiêu chuẩn của bố gửi mấy chú Lữ đoàn 147 mang ra. Tối hôm sau (20-3), tôi đang học bài nhưng bỗng rất sốt ruột, nhớ bố quá nên viết thư. Tôi không ngờ đó là lá thư cuối cùng mình được viết cho bố. Và bố không bao giờ nhận được lá thư ấy...”, chị Thu Hà nhớ lại.
“Ngày 26-3-1988, lúc nghe đài nhắc tới: đồng chí Trần Đức Thông đứng ở boong tàu kêu gọi đàm phán. Bên kia cứ xả súng vào... Mặc dù bị thương nặng nhưng đồng chí vẫn không rời vị trí cho đến lúc hi sinh, cả nhà tôi mới tin bố đã hi sinh thật rồi. Sau này nghe đồng đội của bố kể: dù bị thương nặng vào chân và đầu nhưng bố vẫn ở mũi tàu chỉ huy bộ đội cho đến lúc hi sinh”, chị Hà kể. Khi ấy Thu Hà 18 tuổi, còn em trai Trần Hoài Nam mới 14 tuổi.
Ký ức về cha
“Ngày đó, lính đảo 18 tháng mới được về phép một lần. Mỗi lần đi đảo, bố để dành thịt hộp, lương khô mang về cho con. Lần nào về cũng mang những con ốc rất to, những cây san hô, những con tôm, con cá màu xanh màu đỏ được tết từ dây cáp điện thông tin... làm quà cho các con. Bây giờ tôi vẫn còn giữ những kỷ vật ấy. Lần nào về bố cũng mua từng cái quần, cái áo cho con. Bộ quần áo cuối cùng của tôi là tiêu chuẩn của đơn vị cho bố đi may, bố mang về cho con gái may quần đi học. Mỗi lần nhìn cái quần màu xanh hải quân ấy, tôi lại chảy nước mắt vì nhớ và thương bố. Mỗi lần về phép, bố chỉ thích ăn rau vì đi đảo thiếu rau vô cùng tận. Su hào, bắp cải, xà lách luộc là những món bố rất thích ăn”, Thu Hà chảy nước mắt khi nhớ lại.
Trong đợt về phép cuối cùng (gần tết năm 1988), như linh cảm trước chuyến đi định mệnh, trung tá Thông lên trường gặp thầy chủ nhiệm xin được miễn quân sự cho con gái một tuần. Người cha đạp xe chở con từ thị xã Phủ Lý (Hà Nam Ninh) về quê (Minh Hòa, Hưng Hà, Thái Bình), đến từng nhà người bạn học, người hàng xóm chơi. “Tôi còn nhớ lần đó bố còn 15 ngày phép. Nhận được điện ở đơn vị vào Nha Trang gấp, bố đi ngay. Trước khi đi, bố bảo: mai tôi trả phép rồi, tôi gánh kỷ niệm cho con gái một bể nước. Đêm đó bố xuống sông gánh nước đầy một bể cho vợ con”, Thu Hà nhớ lại.
Bố mất, Thu Hà nén nỗi đau, lao vào ôn thi tốt nghiệp THPT. Mẹ cô - bà Nguyễn Thị Seo - suy sụp, chỉ còn 36kg. Lấy nhau năm 1971, chồng đi chiến trường biền biệt. Sau ngày đất nước thống nhất, anh trở về rồi lại đi đảo suốt. Cả cuộc đời làm vợ chồng, họ chỉ sống bên nhau chưa được một năm. Trung tá Thông hi sinh ở tuổi 44. Người vợ lúc đó mới 40. Chị ở vậy nuôi dạy hai người con khôn lớn. Năm 2002, người vợ xây mộ giả cho chồng cạnh bố mẹ chồng. Ba năm sau, người phụ nữ ấy ra đi sau một cơn tai biến. “Trong lúc hấp hối mẹ vẫn nhắc đến bố. Suốt cuộc đời mẹ dành trọn tình yêu cho bố” - chị Hà nói, đôi mắt ngập nước.
MY LĂNG
*********************************************************************************************
Trường sa - khúc bi tráng 14-3 - Kỳ 5:
Cuộc tìm kiếm dưới đáy biển Gạc Ma
12/03/2013 09:35 (GMT + 7)
TT - Hơn 20 năm sau ngày xảy ra sự kiện 14-3-1988, chúng tôi có dịp đến với gia đình các liệt sĩ hải quân hi sinh. Hai mươi năm qua, nỗi mất mát có thể đã lắng xuống sau ngần ấy thời gian, nhưng niềm khắc khoải ngóng vọng của những bà mẹ với xương cốt con mình dưới lòng biển lạnh vẫn mãi thao thức.
Bởi thế khi nghe tin có một con tàu của ngư dân Lý Sơn trong lúc đi biển đã tìm thấy xác chiếc tàu HQ-604 bị chìm và tìm thấy một số hài cốt các liệt sĩ, chúng tôi đã theo dấu vết con tàu để tìm thêm thông tin về câu chuyện “đáy bể mò kim” này.
“Nhiệm vụ đặc biệt”
Lần trước, đáp chuyến tàu cao tốc từ cảng Sa Kỳ ra đảo Lý Sơn, liên lạc với chủ tàu Thành Công 07, con tàu với những người thợ lặn đã tiếp cận được khoang tàu 604 nhưng điện thoại của ông Võ Văn Chức, chủ tàu, đang ở ngoài vùng phủ sóng. Về gia đình những ngư dân có con em đang theo tàu ông Chức mới hay tàu ông Chức không phải tàu đánh cá mà là tàu chuyên đi lặn tìm, tháo gỡ phế liệu từ những con tàu đắm.
Và thời điểm đó, tàu ông Chức đang lang thang đâu tận vùng biển gần Malaysia. Chuyến đi Lý Sơn ấy, chúng tôi chỉ kịp ghé thăm gia đình anh Phạm Vinh (ở thôn Đông, xã An Vĩnh), một thủy thủ trên tàu ông Chức. Anh Vinh đã tử nạn vì ngạt nước khi đang lặn tìm hài cốt liệt sĩ trên tàu HQ-604. Một tuần trước đây, khi trở lại thực hiện tuyến bài kỷ niệm 25 năm sự kiện CQ88 này, chúng tôi lại liên lạc hú họa với con tàu Thành Công 07 của ông Chức. Thời may, con tàu ông Chức đang từ biển trở về, có điều nó không về Lý Sơn mà sẽ cập cảng Ninh Chữ ở Phan Rang - Tháp Chàm.
Đúng hẹn với ông Chức, chúng tôi tìm vào cảng Ninh Chữ (Phan Rang). Chiếc tàu Thành Công 07 của những người thợ lặn Lý Sơn đang neo đậu chuẩn bị “lên đà” sửa chữa. Câu chuyện về cuộc tìm kiếm hài cốt những người lính trong con tàu HQ-604 vẫn còn tươi nguyên trong tâm trí ông.
“Hôm đó đã sắp vào dịp Vu Lan, tầm rằm tháng 7 âm lịch năm 2008, khi tàu QNG-96219 của cháu tôi, Võ Văn Vương đánh cá tại đây phát hiện một chiếc tàu chìm. Vì biết nghề của tôi là lặn tìm phá dỡ tàu cũ lấy phế liệu nên Vương gọi báo cho tôi biết để điều tàu đến. Khi tàu Thành Công 07 đến, tôi cho anh em lặn thăm dò. Chỉ quan sát sơ bộ bên ngoài cũng biết ngay đây là tàu của hải quân ta bị chìm. Con tàu chìm trên vùng biển này ở độ sâu chừng 20m nước, lại chỉ cách đảo Cô Lin hơn 3 hải lý. Thay mặt anh em trên tàu, tôi vào đảo Cô Lin báo với anh Chu Văn Phượng - đảo trưởng - về chiếc tàu chìm.
Cuộc khảo sát được tiến hành cụ thể hơn vào sáng 10-8-2008 và chiều hôm đó, ông Chức đã báo cho anh em chỉ huy trên đảo Cô Lin được biết: các thợ lặn của tàu đã tiếp cận được với con tàu. Những số liệu đo được ban đầu cho thấy tàu dài khoảng 45m, rộng 7,5m, cao 6,5m, có hai khoang, giữa hai khoang có trụ cẩu. Đặc biệt anh em thợ lặn khi kiểm tra sơ bộ trong một khoang nhỏ của tàu đã phát hiện một số xương cốt và nhiều vũ khí quân tư trang, trong đó có cả một đôi dép nhựa trắng, trên dép có ghi “Triển lãm thành tựu kinh tế Việt Nam-Huy chương vàng dép nhựa Tiền Phong- Hải Phòng”.
Căn cứ vào những thông tin từ ông Chức cung cấp, chúng ta đã nhận định: đây chính là tàu HQ-604 do thuyền trưởng Vũ Phi Trừ chỉ huy đã bị chìm trong trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma ngày 14-3-1988.
“Đáy biển tìm kim”
Cuộc tìm kiếm hài cốt các liệt sĩ trong chiếc tàu HQ-604 được tiến hành khẩn trương và tỉ mỉ. Ông Chức bảo: “Dù sao các anh cũng đã lạnh rét dưới đáy biển hơn 20 năm rồi. Trước khi lặn tìm hài cốt, anh em chúng tôi đã làm lễ, xin các anh sống khôn thác thiêng, phù hộ cho chúng tôi đưa được xương cốt các anh về đất mẹ”. Với kinh nghiệm mấy chục năm của những ngư dân chuyên lặn khai thác phế liệu từ những con tàu đắm, ông Chức và anh em trên tàu Thành Công 07 quyết tâm mang được hết hài cốt của anh em chiến sĩ hải quân đang còn trong tàu.
Ngày đầu tiên, kíp thủy thủ 15 người trên tàu được chia làm hai nhóm. Mười anh em lặn xuống tàu rà tìm tỉ mỉ trong các khoang và năm người còn lại ở trên boong hỗ trợ (hầu hết anh em lặn bằng ống thở theo phương pháp thủ công chứ không phải lặn bằng máy dưỡng khí). Ông Chức còn nhớ rõ vị trí con tàu đắm nước trong suốt có thể nhìn thấu tận đáy. Thời tiết cực kỳ tốt như ông trời cũng muốn giúp anh em mau được trở về. Ngày thứ nhất của cuộc tìm kiếm, đội thợ lặn tàu Thành Công 07 gom được một nửa bao (loại bao gai) đựng một số xương cốt anh em cùng một số di vật.
Ông Chức kể: Đêm trước, anh em lặn trong ngày thứ nhất đều cho biết chậm nhất thêm một hai ngày nữa là có thể lấy hết số hài cốt và di vật nằm trong các khoang. Dù sau hơn 20 năm, nước biển và bùn đáy có bám vào làm hư hại, mục nát nhiều phần xương thịt của anh em liệt sĩ nhưng nếu lấy được hết số di vật và di cốt này, chắc chắn anh em sẽ phù hộ cho tàu mình. Nghĩ như thế nên ngày tiếp theo anh em ai cũng phấn khởi, tận tâm. Bao nhiêu năm ngang dọc khắp các ngư trường làm nghề lặn biển, phá dỡ hàng trăm con tàu đủ loại lớn nhỏ, từ tàu Mỹ, Nhật, Pháp... có cả, nhưng đây là lần đầu tiên anh em tàu Thành Công 07 được lặn tìm hài cốt anh em liệt sĩ của mình, những người lính đã hi sinh khi bảo vệ chủ quyền trên chính vùng biển quê hương, cũng là giữ bình yên cho vùng biển mà anh em trên tàu bấy lâu đi làm ăn nuôi gia đình. Vì thế nên ai cũng nghĩ đây không chỉ là việc nghĩa mà còn là một món nợ với anh linh các anh, phải cố làm cho tốt.
Ngày thứ hai của cuộc tìm kiếm, nhờ đã thông thuộc vị trí các khoang tàu nên kíp thợ lặn hôm trước được tiếp tục lặn tìm ở cả hai khoang. Kíp lặn vào khoang thứ nhất gồm ba anh: Vinh, Ngọc và Hợp. công việc diễn ra nhanh chóng hơn, những di cốt đã được gom lại chuẩn bị đưa lên thì bỗng dưng có tín hiệu cấp cứu, kíp lặn của Ngọc, Hợp và Vinh giật dây báo cho kíp boong kéo Vinh lên.
Thì ra khi vào khoang, do cửa hẹp nên chỉ mình anh Vinh lặn vào, Hợp và Ngọc chờ bên ngoài để nhận các di vật anh Vinh chuyền ra. Thấy lâu quá, Ngọc và Hợp chui vào khoang thì thấy anh Vinh đã không còn ngậm ống thở, đầu ngoẹo qua một bên. Cả hai lập tức buộc Vinh vào dây và cùng đẩy lên. Một bao di cốt cũng được đưa kịp lên cùng mấy người thợ lặn, còn một số di cốt nữa đã được cho vào bao nhưng chưa kịp kéo lên tàu. Con tàu Thành Công 07 nổ máy quay hướng về đảo Cô Lin để cấp cứu cho anh Vinh nhưng không kịp nữa!
Số hài cốt liệt sĩ trên tàu được tìm thấy bước đầu đã được anh em trao cho cán bộ chiến sĩ trên đảo Cô Lin hương khói trước khi đưa về đất liền.
LÊ ĐỨC DỤC
************************************************************************************
Kỳ 6:
Trường Sa - khúc bi tráng 14-3: Ngày trở về...
13/03/2013 10:05 (GMT + 7)
TT - Sau khi sự cố xảy ra với Phạm Vinh, tàu Thành Công 07 của ông Võ Văn Chức vội vã đưa người thợ lặn xấu số của tàu mình về Lý Sơn mai táng.
Xác thân còn lại chút này...
Đại úy Chu Văn Phượng, đảo trưởng đảo Cô Lin vào năm 2008 (thời điểm tìm thấy các liệt sĩ trên tàu HQ-604), hồi ức về cuộc quy tập thiêng liêng ấy:
“Chiều thứ hai của cuộc tìm kiếm, khi ông Võ Văn Chức từ tàu Thành Công 07 báo đã đưa được hai bao hài cốt lên, tôi quá nôn nóng đi xuồng ra đón ngay. Nhìn thấy những mảnh xương lẫn vào nhau không còn nguyên vẹn, anh em trên đảo không ai kìm được nước mắt. Trong ba mảnh xương hộp sọ được mang lên, chỉ một hộp sọ còn được 1/3 do bị đạn pháo bắn. Chúng tôi lấy sả khô nấu nước thơm để “tắm” cho hài cốt các anh. “Tắm” xong, anh em cán bộ chiến sĩ trên đảo ngồi tỉ mỉ lau sạch từng mảnh xương bằng bông gạc quân y. Tất cả đều im lặng làm trong niềm xúc động thiêng liêng khi cầm trên tay chút hình hài của đồng đội mình” - anh Phượng xúc động kể.
Toàn bộ hài cốt liệt sĩ được đặt vào hai chiếc hòm sắt quân đội, bên trên phủ lá cờ Tổ quốc. Chiến sĩ trên đảo gấp rút chuẩn bị lư hương, đặt bàn thờ. 6g tối hôm đó, ngay trong sóng gió, toàn đảo mặc quân phục tổ chức lễ truy điệu các liệt sĩ ngay dưới cột mốc chủ quyền.
“Trong đời tôi chưa bao giờ dự một lễ truy điệu thiêng liêng, trang trọng và xúc động như thế - anh Phượng chia sẻ - Sau lễ truy điệu, bàn thờ lư hương và hòm đựng hài cốt liệt sĩ được đưa lên phòng họp của đảo, chăm lo nhang khói suốt ngày đêm và luôn có một chiến sĩ đứng gác. Đều đặn mỗi bữa ăn, đảo có món gì đều cúng món đấy cho các liệt sĩ...”.
Cuối tháng 8-2008, khi mùa biển bắt đầu động, hành trình đưa hài cốt các anh về lại đất liền cũng là một hành trình gian nan. (Cũng thật bất ngờ, khi lần theo dấu vết của cuộc tìm kiếm các liệt sĩ trên tàu HQ-604, chúng tôi biết được con tàu làm nhiệm vụ thiêng liêng đưa hài cốt các anh từ đảo Cô Lin về đất liền lại là tàu Trường Sa 21 của Lữ đoàn 125 (Đoàn tàu không số). Bởi tháng 9-2011, chiếc tàu Trường Sa 21 cũng chính là chuyến tàu đầu tiên chở những viên đá đầu tiên trong chương trình “Góp đá xây Trường Sa” của bạn đọc Tuổi Trẻ ra đảo Đá Tây để xây dựng công trình mới).
Hành trình về với đất liền
Đang làm nhiệm vụ trực ở đảo Song Tử Tây, tàu Trường Sa 21 nhận lệnh xuất phát ngay sang Cô Lin nhận di vật và hài cốt liệt sĩ đưa về bờ. Đại úy Nguyễn Thế Tình (trợ lý chính trị phòng tham mưu Lữ đoàn 125 Hải quân), khi đó là trung úy - chính trị viên tàu Trường Sa 21, kể: “Dù sóng to gió lớn nhưng chúng tôi vẫn quyết định vào đảo, mang theo thịt heo, gạo nếp, đậu xanh, bí lên đảo làm mâm cơm thắp hương cho các anh”.
Đại úy Trần Văn Dũng, chính trị viên đảo Cô Lin, thắp hương xin phép được mở hòm để bàn giao cho tàu Trường Sa 21 đưa các bác, các chú về đất liền. “Khi mở hòm ra ai cũng khóc. Lần đầu tiên trong đời chúng tôi được chứng kiến hình ảnh xúc động, thiêng liêng như thế. Nhìn các di vật rong rêu bám đầy, gỉ sét rồi nhìn chiếc săm xe đạp, quần áo của các chú... chúng tôi không kìm được nước mắt” - đại úy Tình kể.
Đêm đó cả đảo lại một đêm không ngủ. Và các sĩ quan của tàu Trường Sa 21 cũng thức trắng đêm.
3g ngày 24-8, cả đảo và tàu Trường Sa 21 thắp nhang làm lễ xin được đưa các liệt sĩ xuống tàu. Đại úy Nguyễn Thế Tình phụ trách xuồng đưa bốn hòm gỗ chứa hài cốt và di vật lên tàu. “Ở biển mặt trời mọc rất sớm, 5g30 đã nổi lên giữa biển rồi. Nhiệm vụ của chúng tôi là phải đưa hài cốt lên tàu trước khi mặt trời mọc. Nhưng sáng đó không hiểu sao biển rất động, sóng to gió lớn. Tàu Trường Sa 21 phải cơ động chắn sóng, chắn gió cho xuồng. Xuồng chở hài cốt các anh cũng phải chạy tránh sóng, tránh gió và tạo một khoảng cách vừa phải thì cập vào mạn tàu. Không thể dùng cẩu, chúng tôi phải buộc dây vào hòm kéo lên để đảm bảo an toàn”.
Đại úy Tình kể tiếp: “Từng hòm lần lượt đưa lên tàu. Dù đã hết sức cẩn trọng, nhưng tất cả anh em đều vô cùng lo lắng. Với những cột sóng mạnh, tàu lắc như thế này, nhỡ một giây sơ sẩy là ân hận suốt đời! Những anh em đứng dưới xuồng luôn trong tư thế sẵn sàng lao ra ôm lấy hòm nếu đứt dây. Xuồng rời đảo từ 4g đến 5g15, mất hơn 60 phút mới đưa được bốn chiếc hòm đựng di cốt và di vật lên tàu. Vừa đưa hài cốt lên tàu thì trời hừng sáng. Sóng yên lại. Biển dịu hẳn.
Anh em đã kịp trang trí phòng câu lạc bộ sĩ quan trên tàu thành bàn thờ. Trước khi đưa hòm kỷ vật và hài cốt liệt sĩ vào phòng câu lạc bộ, tất cả thủy thủ trên tàu Trường Sa 21 đều mặc quân phục chỉnh tề, từng người một thắp nhang cho các chú, các anh”.
7g sáng, tàu nhổ neo xuất phát về đất liền, mặt biển ắng lặng như tờ. Tàu phân công cứ hai chiến sĩ một ca trực đứng hai bên bàn thờ, cầm súng canh, lo nhang khói 24/24 giờ. Những nén nhang thành kính thiêng liêng ấy tỏa khói thơm suốt từ lúc chiếc hòm gỗ đầu tiên được đưa lên tàu cho đến ngày về tới đất liền.
Sau hành trình hai ngày hai đêm trên biển, gần 7g ngày 26-8-2008, tàu Trường Sa về đến Vũng Tàu. Đúng 7g, lễ truy điệu và bàn giao hài cốt và di vật của các liệt sĩ trong chiếc tàu HQ-604 cho Cục Chính trị quân chủng hải quân được tổ chức rất trang trọng tại quân cảng 129.
Người cha của liệt sĩ Gạc Ma đã không chờ được...
Hôm qua, ông Hoàng Sĩ, quê ở TP Đông Hà (Quảng Trị), bố của liệt sĩ Hoàng Ánh Đông - một trong 64 cán bộ chiến sĩ đã hi sinh ngày 14-3-1988 khi bảo vệ đảo chìm Gạc Ma - đã qua đời, đúng vào lần giỗ thứ 25 của con trai mình.
Bốn năm trước, khi tôi về thăm ông trước khi đi Trường Sa, ông có ước nguyện nhờ hỏi giùm xem hài cốt của con trai mình liệu có tìm thấy. Nhất là sau khi Bộ tư lệnh hải quân cho lấy mẫu máu để xét nghiệm ADN từ những hài cốt được ngư dân tàu Thành Công 07 lặn mang lên. Ông Sĩ đã rất buồn khi biết không có di cốt của Đông trong số đó. Chuyến đi ra Trường Sa vào năm sau, tôi đã mang về cho ông một chai nước lấy từ vùng biển Cô Lin - Gạc Ma, nơi Đông hi sinh để đặt lên bàn thờ bái vọng. Tôi đã kể câu chuyện về những hài cốt liệt sĩ đang còn lại trong khoang tàu HQ-604 và nói ông hãy hi vọng...
Nhưng ông Hoàng Sĩ đã không thể chờ được, cũng như hàng chục ông bố bà mẹ của những liệt sĩ Gạc Ma đã không chờ được...
LÊ ĐỨC DỤC
|
MY LĂNG - LÊ ĐỨC DỤC
***************************************************************************************
Trường Sa - khúc bi tráng 14-3 - Kỳ 7: Tìm lại tên cho anh
14/03/2013 09:06 (GMT + 7)
TT - Sau khi chiếc xe của Viện Pháp y quân đội (Bộ Quốc phòng) chở bốn quan tài đựng hài cốt liệt sĩ về Hà Nội thì tại Hải Phòng, Bộ tư lệnh Hải quân đã thành lập một nhóm công tác đặc biệt.
Nhóm này gồm bốn tổ, đi đến 56 gia đình thân nhân liệt sĩ khắp cả nước để lấy mẫu sinh phẩm giám định ADN.
Những tổ công tác đặc biệt
Thượng tá Phạm Văn Minh (trợ lý phòng chính sách - Quân chủng Hải quân VN) là trưởng nhóm tổ 1, đến 20 gia đình liệt sĩ ở sáu tỉnh. “Nhiều bố mẹ liệt sĩ đã mất. Có người vợ cũng không còn. Trong 20 liệt sĩ chỉ có bốn người đã lấy vợ. Tổ của tôi chỉ có hai ngày để lấy toàn bộ mẫu máu. Sáng 4g vào tận Thanh Hóa, rồi ngược ra Hà Nam, Nam Định, Hải Phòng về Viện Pháp y quân đội ở Hà Nội bàn giao. Sau đó chạy lên Phú Thọ, rồi trở về Hà Nội bàn giao tiếp những mẫu sinh phẩm vừa lấy được. Có ngày 11g đêm chúng tôi mới lấy mẫu xong. Có những nơi không biết đường đi, vừa đi vừa dừng lại hỏi đường” - thượng tá Minh cho biết. Như trường hợp nhà liệt sĩ Trần Văn Chức ở xã Canh Tân, Hưng Hà, Thái Bình. Canh Tân là xã mới thành lập, nằm gần bờ đê, giáp tỉnh Hưng Yên nên rất ít người dân biết. Nhóm công tác tìm suốt buổi sáng mới đến nơi. Bố mẹ liệt sĩ đã chết, các anh phải vào ủy ban xã hỏi mới tìm được người chị gái hơn 60 tuổi, không chồng. Người chị rơi nước mắt nghẹn ngào nói với tổ công tác: “Bố mẹ trước khi mất đều dặn con hãy cố sống đợi đến ngày em về...”. Nghe những lời nói ấy, lồng ngực những người trong tổ công tác như bị bóp nghẹt lại.
Đại tá Hoàng Ngọc Dương (trưởng phòng dân vận - Quân chủng Hải quân VN) là người đã chỉ huy tổ công tác thứ 2 đi đến ba tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình lấy mẫu sinh phẩm của thân nhân 22 gia đình liệt sĩ. Đây là nhóm đi xa nhất, gặp nhiều gia đình liệt sĩ nhất và cũng là nhóm vất vả nhất: phải trèo đèo, lội suối, băng rừng trong suốt hành trình bảy ngày đêm đi liên tục không ngơi nghỉ. Đoàn công tác phải đi bằng xe U-oát, loại xe có thể “chinh chiến” đường đèo dốc, đồi núi, kiểu đường xấu và xóc. Nhưng có nhiều đoạn đường, cả tổ công tác phải đi đò rồi cuốc bộ 3-4km. Những mẫu sinh phẩm đã lấy xong được tiếp đá liên tục trong suốt hành trình để đảm bảo chất lượng. Tổ của đại tá Dương chỉ có bảy ngày để hoàn tất việc lấy mẫu. Giai đoạn tưởng như đơn giản ấy cũng không hề dễ dàng.
“Kịch tính” nhất là khi tìm đến gia đình một liệt sĩ ở Hương Khê (Hà Tĩnh). Khi đó trời đã sập tối nhưng đoàn vẫn cố đi thêm một trường hợp cho kịp tiến độ. Lần ấy nhóm công tác phải đi đò. Trời mưa lớn. Nước chảy xiết. Con đò mỏng manh cứ bị nước cuốn dạt đi, mãi mới cập được bờ bên kia. Anh em đoàn công tác mỗi người bẻ một tàu cọ đội mưa đi tìm nhà liệt sĩ. Khi đến nơi, mọi người chùng xuống khi biết gia đình và cả mẹ của liệt sĩ đã chuyển hết vào Nam. Cuối cùng tổ công tác cũng tìm được con gái của chị ruột mẹ liệt sĩ. Vừa xuống núi, qua được sông thì lũ tràn về. Lúc đó đã gần 10g đêm. “Chậm một chút thôi là bị lũ chặn lại, toàn bộ số mẫu lấy trước đó sẽ phải vứt đi hết” - anh Dương cho hay.
Bảy ngày rong ruổi khắp ba tỉnh với gần 30 điểm đến (do phát sinh) là hành trình không nghỉ ngơi, ăn xong là lên xe đi ngay. Trong hành trình ấy, biết bao hình ảnh những ông bố, bà mẹ của liệt sĩ không nguôi ám ảnh tâm trí nhóm công tác. Đó là hình ảnh người mẹ già 68 tuổi của liệt sĩ Trương Minh Thương (Quảng Sơn, Quảng Trạch, Quảng Bình) cô đơn trong căn nhà ngập nước. “Chúng tôi phải đi đò từ Quảng Thủy sang Quảng Sơn (Quảng Trạch, Quảng Bình). Tháng 7 mùa mưa, chúng tôi phải tháo giày để trên đường tàu rồi lội bộ vào. Quanh nhà nước lênh láng. Sau này chúng tôi đã giao cho Trung đoàn công binh E83 làm nhà tình nghĩa cho mẹ” - anh Dương cho biết.
Đúng bảy ngày sau, tổ công tác đã có mặt tại Hà Nội, chuyển toàn bộ mẫu sinh phẩm cho Viện Pháp y quân đội.
30 ngày trắng đêm
Trong khi đó, một nhóm cán bộ của Viện Pháp y quân đội cũng đang gấp rút bắt tay vào việc giám định pháp y tìm lại tên cho các liệt sĩ từ số xương cốt đang nằm lẫn lộn vào nhau. Họ đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: Toàn bộ hài cốt này là của mấy liệt sĩ? Xương nào là của ai?... “Dựa trên phương pháp quan sát dấu hiệu hình thái học, đặc điểm về giải phẫu, độ tương thích về kích thước, màu sắc, chúng tôi nhận dạng sơ bộ và sắp xếp lại các xương, ước chừng của 7-8 người” - đại tá Nguyễn Văn Hòa (viện trưởng Viện Pháp y quân đội) nhớ lại.
Sau khi giám định hình thái xong, các cán bộ pháp y lấy 13 mẫu xương và răng để phân tích ADN ty thể. Câu hỏi được đặt ra là: 13 mẫu xương và răng này là của ai trong số 56 liệt sĩ (trong trận Gạc Ma ngày 14-3-1988, có 64 cán bộ chiến sĩ hi sinh, nhưng ngay sau đó một số đã được đồng đội đưa thi thể về hoặc trút hơi thở cuối cùng trên đảo Sinh Tồn, nên còn 56 anh em chưa tìm thấy hài cốt)?
“Khó khăn trong phân tích mẫu do đây là lần đầu tiên ở Việt Nam làm nhận dạng hài cốt có số lượng mẫu so sánh lớn như thế (13 mẫu hài cốt và 56 mẫu sinh phẩm), các hài cốt lại bị lẫn lộn. Như vậy, cứ một mẫu hài cốt phải lần lượt so sánh, đối chiếu với ít nhất 56 mẫu sinh phẩm” - đại tá Hòa cho biết.
“Do hài cốt các liệt sĩ đã ngâm nước biển 20 năm nên cái khó khi giám định ADN là làm sao khử các chất ức chế (chất vô cơ, hữu cơ, vi khuẩn, nấm thực vật) có trong xương để không làm ảnh hưởng đến các công đoạn kỹ thuật phía sau. Riêng việc loại bỏ độ mặn trong 13 mẫu xương đã mất gần một tuần” - thượng úy Vũ Anh Tuấn (thạc sĩ sinh học phân tử - phòng xét nghiệm), người chịu trách nhiệm chính về nhận dạng ADN hài cốt liệt sĩ của tàu HQ-604, chia sẻ.
Sau khi loại bỏ các chất ức chế và tạp chất bên ngoài, tiến hành tách chiết ADN từ 13 mẫu xương, sau đó so sánh các mẫu xương này với nhau mới tìm được đáp án: 13 mẫu xương đó là của tám người. Mất 74 ngày mới tìm ra câu trả lời. Đó là ngày 5-1-2009. “Giai đoạn đối chiếu, so sánh kết quả rất quan trọng và phức tạp, chỉ riêng đọc mẫu số kết quả mất sáu ngày. Đây là thời điểm căng thẳng, áp lực nhất - thượng úy Vũ Anh Tuấn cho biết - Tôi biết các gia đình liệt sĩ đang rất sốt ruột, nôn nóng. Họ mong chờ như chờ một đứa con còn sống sắp trở về nhà, nên nhóm chúng tôi phải chia ca thay nhau làm ngày đêm”. Thượng úy Tuấn là trưởng nhóm nên suốt một tháng trời anh ăn ngủ ngay tại viện.
Song song trong quá trình tách chiết ADN của 13 mẫu xương trên, một nhóm khác của phòng xét nghiệm cũng ráo riết tách chiết ADN, so sánh các mẫu ADN lấy từ 56 gia đình thân nhân liệt sĩ. Chỉ mất một ngày sau khi so sánh đối chiếu tám mẫu ADN vừa được xác định với mẫu ADN lấy từ 56 gia đình, danh tính tám liệt sĩ đã được xác định rõ ràng. Điều đặc biệt là tám liệt sĩ này chia đều cho bốn tỉnh thành: Hải Phòng, Thái Bình, Nghệ An và Quảng Bình. Mảnh xương sọ còn rất rõ vết đạn bắn xuyên qua chính là của liệt sĩ Đoàn Đắc Hoạch (Hải Phòng). Hình hài của anh về với quê hương chỉ là một mảnh xương sọ và một đoạn xương chày phải. Nhiều mảnh xương khác của những đồng đội anh bị vỡ, bị gãy trước khi chết do tác động của vũ khí lính Trung Quốc.
Ngày 20-11-2009, Bộ tư lệnh Hải quân đã phối hợp với Viện Pháp y quân đội tổ chức công bố kết quả giám định ADN và bàn giao cho thân nhân gia đình liệt sĩ. Biểu tượng Tổ quốc ghi công làm bằng khối pha lê có chứa giọt gen ADN của mỗi liệt sĩ là ý tưởng và đề xuất của Viện Pháp y quân đội với Bộ tư lệnh Hải quân. Đó là cái tình của lãnh đạo ở Viện Pháp y quân đội với những người đã ngã xuống vì Trường Sa...
MY LĂNG
**************************************************************************************************
Kỳ 8:
Trường Sa - khúc bi tráng 14-3: Đường về quê mẹ
15/03/2013 10:01 (GMT + 7)
TT - Ngày 20-11-2009, 8g sáng tại Viện Pháp y quân đội (Hà Nội) là ngày không thể quên với thân nhân gia đình 8 liệt sĩ tàu HQ-604: sau 21 năm vô vọng họ đã được đón con, đón em, đón cha, đón chồng mình trở về.
...Dẫu hình hài các anh không còn nguyên vẹn.
Ngày về sau 21 năm
Nhìn tám tiểu sành phủ cờ Tổ quốc đỏ tươi rực rỡ sao vàng nằm sát bên nhau trong hương khói quấn quyện vào nhau, không ai kìm được nước mắt, kể cả những người lính hải quân dày dạn sóng gió. Trước mỗi tiểu sành là biểu tượng Tổ quốc ghi công bằng pha lê, bên trong có chứa giọt gen của từng liệt sĩ.
Sau khi công bố kết quả giám định và bàn giao cho thân nhân gia đình từng liệt sĩ, một đoàn gồm tám chiếc xe bắt đầu lăn bánh rời khỏi hội trường Viện Pháp y quân đội thẳng tiến về bốn tỉnh: Hải Phòng (liệt sĩ Đoàn Đắc Hoạch ở quận Lê Chân, liệt sĩ Nguyễn Thanh Hải ở huyện Thủy Nguyên), Thái Bình (liệt sĩ Trần Văn Phòng ở huyện Kiến Xương, liệt sĩ Nguyễn Minh Tâm ở huyện Hưng Hà), Nghệ An (liệt sĩ Đậu Xuân Tư và liệt sĩ Hồ Văn Nuôi đều ở huyện Nghi Lộc) và Quảng Bình (liệt sĩ Trần Văn Quyết ở huyện Quảng Trạch, liệt sĩ Trần Quốc Trị ở huyện Bố Trạch). Trước mỗi xe đều được Bộ tư lệnh hải quân gắn vòng hoa rất trang trọng.
Trước đó, xe của Bộ tư lệnh hải quân đã về tận nhà đón thân nhân của liệt sĩ ở Hải Phòng, Thái Bình, Nghệ An, Quảng Bình đưa về nhà khách Hải Thành (TP Hải Phòng), nghỉ lại một đêm rồi 4g sáng hôm sau lên Hà Nội. “Sáng ra hỏi mới biết đêm qua cả đoàn không ai ngủ được. Ai cũng mong trời sáng để đi lên Hà Nội” - đại tá Hoàng Ngọc Dương (trưởng phòng dân vận - Bộ tư lệnh hải quân) kể.
Trong tám chiếc xe rời Viện Pháp y quân đội sáng 20-11-2009 ấy, đại tá Dương là người đi trên chuyến xe đưa liệt sĩ Đoàn Đắc Hoạch về phường Nghĩa Xá (Q.Lê Chân). Người em trai út, người anh rể của liệt sĩ và chủ tịch phường Nghĩa Xá cũng có mặt trên chuyến xe ấy để đón liệt sĩ về nhà. Liệt sĩ Đoàn Đắc Hoạch nhập ngũ tháng 2-1982, là thủy thủ trưởng của tàu HQ-604, hi sinh năm 29 tuổi và chưa kịp được biết thế nào là tình yêu.
Chỉ một ngày sau khi xảy ra sự kiện 14-3-1988, gia đình nhận được thư anh gửi về. Trong thư anh viết ngắn gọn: “Tết này con không về ăn tết được, bố mẹ tha thứ cho con. Sau tết con sẽ về...”. Tính đến thời điểm đó đã sáu năm anh không được đón tết ở nhà cùng gia đình.
Bố anh - ông Đoàn Tuấn Nghĩa, năm nay đã 76 tuổi - cho biết: “20 năm sau khi em nó hi sinh, ngày 27 tháng giêng âm lịch và ngày 14-3 dương lịch chúng tôi đều làm giỗ. Từ lâu gia đình đã xác định sẽ không bao giờ tìm thấy em nó trở về. Hi sinh trong đất liền biết bao người vẫn chưa tìm được con huống hồ ngoài biển. Từ ngày người của Bộ tư lệnh hải quân về lấy mẫu giám định thì đến hơn một năm sau mới có kết quả. Cho nên khi được Bộ tư lệnh hải quân báo tin về kết quả giám định ADN, tôi chảy nước mắt, tập trung các con cháu lại, thông báo rõ. Đó là điều mà gia đình trông đợi bấy lâu nay nhưng không dám hi vọng”.
Hơn 1g chiều, chuyến xe đặc biệt ấy đã đưa liệt sĩ Đoàn Đắc Hoạch về đến ngôi nhà nhỏ ở ngõ 170 Vũ Chí Thắng. Người em gái thứ tư khóc ngất khi chạm vào khối hình chữ nhật bằng gỗ phủ cờ Tổ quốc, bên trong là tiểu sành chứa xương cốt anh trai mình. Mẹ anh, người đã khóc 21 năm nay, lại thêm lần nữa nhòe lệ... Hình hài anh về với quê hương chỉ là một mảnh xương sọ có vết đạn bắn xuyên thủng và một đoạn xương chày phải... để trong tiểu sành phủ cờ Tổ quốc.
Gia đình liệt sĩ đề nghị được đón con về thẳng nhà và làm lễ truy điệu ngay tại nhà. Chiều hôm sau đưa liệt sĩ về nơi anh đã được sinh ra ở Kim Sơn (Tân Trào, Kiến Thụy, Hải Phòng). Ngay từ khi được Bộ tư lệnh hải quân báo tin về kết quả giám định, gia đình đã xây mộ trước trong nghĩa trang liệt sĩ xã Tân Trào.
Buổi sáng 21-11-2009, ở nghĩa trang liệt sĩ nằm ngay quốc lộ rất rộng, bà con khắp xã kéo đến tiễn đưa người con đã hi sinh vì Trường Sa nay trở về quê hương sau 21 năm.
Nhắc về người con trai cả Đoàn Đắc Hoạch, ông Nghĩa tâm sự: “Em nó hiền, quý các em lắm. Trước khi đi em nó cứ dặn mẹ: khi bố về mẹ nói bố cố gắng xin việc gần nhà và cho các em được học ngành nghề đàng hoàng. 29 tuổi vẫn chưa dám yêu cô nào. Giục thì em nó bảo: khi nào về con mới yêu, mới cưới vợ”. Rồi ông chùng giọng, nhìn về phía di ảnh người con trai có gương mặt sáng, nụ cười tươi như hoa, bảo: “Nhiều liệt sĩ vẫn chưa về được quê hương mà bố mẹ thì đã gần chết hết rồi. Nghĩ đến những gia đình khác con cái chưa về được, thấy buồn và thương lắm. Niềm vui của tôi cũng vì thế mà không trọn vẹn”.
Con đã chiến đấu chứ không bỏ chạy
Trong khi đó, cũng đi về hướng Hải Phòng là một chuyến xe khác chở hài cốt liệt sĩ Nguyễn Thanh Hải về quê hương ở xã Chính Mỹ (huyện Thủy Nguyên). Liệt sĩ Nguyễn Thanh Hải sinh năm 1968, trẻ nhất trong số tám liệt sĩ được tìm thấy từ tàu HQ-604. Anh nhập ngũ tháng 2-1985, là hạ sĩ trên tàu HQ-604. Người chiến sĩ ấy mãi mãi nằm lại giữa biển khơi khi mới 20 tuổi.
Ngày đón anh về có một phụ nữ ở rất xa nghe tin đến rất lặng lẽ. Chị đặt bó hoa trước linh cữu người liệt sĩ mà nước mắt lưng tròng. Đó là vợ sắp cưới của chàng bộ đội Nguyễn Thanh Hải 21 năm trước. Ngày ấy trước khi đi anh đã hỏi vợ, định về là cưới. Đó là người bạn học từ thuở còn nhỏ xíu, là mối tình năm năm của anh. Mấy năm sau ngày anh hi sinh, chị vẫn qua lại nhà anh thăm hỏi bố mẹ, các em. Chị cứ nhùng nhằng không chịu nhận lời ai dù bố mẹ anh giục mãi. Phải đến năm năm sau, gia đình anh khuyên nhủ cạn lời người con gái ấy mới chịu lấy chồng.
Nhắc về anh mình, ông Nguyễn Thanh Huân vẫn không thể nào quên những giờ phút cuối cùng hai anh em ở bên nhau. Đó là lần anh Hải về phép tháng 8-1987. Anh được về phép hơn 20 ngày, chưa hết phép đã có lệnh vào công tác gấp.
“Tôi chở anh ra bến tàu. Hôm đó mưa dông rất to. Tôi đưa mũ cho anh đội nhưng anh không chịu đội, nhường cho em. Khi đến nơi thì thấy lụt cả bến tàu. Chuyến tàu đó phải dừng lại vì không ai xuống được tàu. Anh dặn lúc chia tay: chú ở nhà học hành cẩn thận, sau này anh về sẽ xin cho chú vào cùng đơn vị với anh” - ông Huân xúc động kể.
Đôi mắt người đàn ông ấy đỏ hoe, bảo: “Khi lên đến Viện Pháp y quân đội, chân tay tôi như khuỵu xuống vì run. Đêm trước đó tôi thấp thỏm không ngủ được. Anh em hàng bao năm mới gặp... Ngồi trên xe, tôi chỉ muốn mau mau về đến nhà để mẹ được đón anh cả. Cũng may là bố mẹ tôi vẫn còn khi anh về”.
Hình hài anh cả của ông Huân trở về với bố mẹ, với gia đình sau 21 năm chỉ vẻn vẹn là một mảnh xương đỉnh. Những phần xương cốt khác của anh cũng như nhiều liệt sĩ khác vẫn còn nằm lại đâu đó giữa sóng biển Trường Sa...
Nói về sự ra đi của con trai cả, ông Nguyễn Xuân Cứ (74 tuổi) bồi hồi: “Đó là nhiệm vụ, là nghĩa vụ của một người lính. Tôi cho con vào hải quân để rèn luyện, để có bản lĩnh. Con trai tôi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ ấy vì Tổ quốc. Gia đình tôi tự hào vì con mình đã chiến đấu, đã hi sinh chứ không bỏ chạy”.
Ông Cứ từng là trưởng ban tài vụ Lữ đoàn 125 hải quân, cũng là nơi con trai ông công tác trước lúc hi sinh. Người chiến binh hải quân nói với giọng bình thản lạ thường, nhưng trong đôi mắt loang loáng hình của nước...
MY LĂNG
****************************************************************************************
Kỳ 9:
Trường Sa - khúc bi tráng 14-3: Hai chiếc đài để lại
16/03/2013 10:57 (GMT + 7)
TT - Về Thái Bình thăm các gia đình liệt sĩ hi sinh trong trận Gạc Ma ngày 14-3-1988, chúng tôi lại nhìn thấy những kỷ vật của các anh. Đặc biệt là hai chiếc đài (radio) cũ, mà hơn 25 năm trước các anh gửi về từ nơi xa...
21 năm sau ngày bố hi sinh và đến giờ là 25 năm, trên bàn học và bây giờ là bàn làm việc, cô giáo Nguyễn Minh Hà vẫn giữ chiếc đài con con cũ kỹ mà bố để lại trước chuyến đi cuối cùng. Đã gần 30 năm nhưng chiếc đài kỷ vật này vẫn dùng được.
Chiếc đài của cha và đĩa khoai tây trên bàn thờ
“Sau khi bố hi sinh, đơn vị có chuyển về một túi đồ của bố, trong đó có chiếc đài này. Mỗi lần nghe đài, tôi lại nghĩ đến bố. Mỗi lần nhìn thấy chiếc đài này là một lần nhớ bố. Khi lấy chồng, tôi mang theo nó, để trong phòng ngủ. Mẹ tôi vẫn còn giữ cái quần đùi, áo lót của bố. Có một cái bàn chải đánh răng đã mòn, đã cùn tưởng như không thể dùng được nữa, mẹ vẫn cất đi. Nhìn cái bàn chải ấy, chúng tôi nghĩ ngày đó bố và các chú, các bác khó khăn, vất vả và chắt chiu như thế nào, thấy thương lắm...” - Minh Hà nói, giọng lạc đi vì đôi mắt đã ngập nước.
Cha của Hà - liệt sĩ Nguyễn Minh Tâm - đã ra đi khi mới 32 tuổi, lúc đang là trợ lý thi công thuộc Trung đoàn công binh hải quân E83.
Bố hi sinh khi Hà mới 5 tuổi, em gái Nguyễn Thu Huế mới 2 tuổi. 25 năm trôi qua nhưng những ký ức, những kỷ niệm về người bố hiền lành, yêu vợ thương con vẫn chưa một lần phôi phai trong tâm khảm Nguyễn Minh Hà. “Bố rất vui tính, hay hát trêu mẹ: “biển một bên và em một bên...”.
Sau này mỗi khi nghe bài hát này, tôi lại khóc vì nhớ và thương bố, thương cả mẹ nữa. Sau khi bố hết phép, tôi theo bố ra Hải Phòng, được ở với bố một tháng trước khi bố vào Đà Nẵng. Bố còn mua len nhờ các cô làm bếp đan cho tôi một bộ quần áo len.
Lá thư cuối cùng bố viết bảo đã mua một đôi dép và chiếc áo mút cho tôi. Bố còn hứa sau chuyến đi này về sẽ mua cặp cho con gái đi học”, Minh Hà kể. Hà vẫn nâng niu lá thư cuối cùng ấy của bố. Lá thư chỉ một mặt trang giấy học trò, nét chữ rất to (khi đó Hà mới 5 tuổi, bố phải viết chữ to để con dễ đọc). Vậy mà bố đi luôn, đằng đẵng bao năm...
Biết bố thích ăn khoai tây luộc, mẹ đã trồng khoai tây, nhặt những củ to ngon nhất chờ bố về. Rồi cả nhà nhận được thư bố bảo phải đi Trường Sa đột xuất không về được. Khi biết bố đã hi sinh, ở nhà mẹ lập bàn thờ. Ngày nào mẹ cũng luộc khoai tây để lên bàn thờ rồi khóc.
“Cứ nhìn thấy khoai tây là tim tôi lại như bị bóp nghẹt - Minh Hà rơi nước mắt nói - bố mất. Gánh nặng dồn hết lên vai mẹ. Cuộc sống của người giáo viên ngày đó vất vả hơn cả người nông dân, rất khó khăn nhưng mẹ luôn dặn hai chị em tôi phải cố học, khó khăn thế nào mẹ cũng lo được”. Minh Hà tốt nghiệp ĐH Sư phạm, khoa hóa, hiện là giáo viên Trường cấp III Vũ Tiên (huyện Vũ Thư, Thái Bình).
Ngày 20-11-2009, trên chuyến xe từ Hà Nội về đến nhà bố ở xã Dân Chủ (Hưng Hà, Thái Bình), Hà cứ ôm chặt biểu tượng Tổ quốc ghi công bằng pha lê bên trong có chứa giọt gen của bố vào lòng. “Ngày xưa được bố bế bồng, ôm ấp nâng niu, còn bây giờ thì con lại ôm những gì còn lại của bố trong lòng. Tôi cứ nói trong thâm tâm mình: bố ơi, bố đã được về nhà mình rồi. Con đang đưa bố về đây” - Minh Hà kể, đôi mắt đỏ hoe.
Trong khi chiếc xe chở thân nhân gia đình liệt sĩ Nguyễn Minh Tâm chuyển hướng về Hưng Hà, thì xe chở thân nhân liệt sĩ Trần Văn Phòng rẽ hướng chạy về huyện Kiến Xương.
“Cứ để đấy, cho anh về anh nghe...”
“Bố của liệt sĩ Trần Văn Phòng suốt chuyến xe cứ trầm lặng nhìn ra ngoài cửa kính. Hôm ấy mưa phùn bay lất phất, giăng bụi trắng xóa làm cho cái không gian và không khí càng chùng xuống, tê tái. Cái trầm ngâm của cụ y như cái trầm ngâm của Phòng lúc nhìn ra ngoài biển trước chuyến đi định mệnh. Tôi còn nhớ lúc công bố kết quả giám định tại Viện Pháp y quân đội, nghe đọc đến tên con trai mình, người bố lấy khăn lau nước mắt. Ông tin chính xác là con trai mình đã được trở về với quê hương, với gia đình. Đó là lần duy nhất tôi thấy ông khóc. Nhưng tôi tin chắc rằng ông đã khóc thầm 21 năm rồi và bây giờ đang cố gắng kìm nén xúc động”, đại tá Nguyễn Kiều Kinh (trưởng phòng chính sách - Quân chủng Hải quân) bồi hồi nhớ lại hình ảnh không thể nào quên ấy.
Còn con gái liệt sĩ Trần Văn Phòng (hiện là kiến trúc sư làm việc tại TP.HCM) thì khóc suốt, cứ vòng tay ôm quan tài bằng gỗ phủ cờ Tổ quốc chứa xương cốt của bố, không nói được gì suốt hành trình gần 3 giờ đồng hồ từ Hà Nội về Thái Bình. “Con bé bảo để tiểu sành giữa hai chú cháu để bố được ngồi giữa con gái và một người bạn, đồng đội” - đại tá Nguyễn Kiều Kinh cho biết.
Chuyến xe ấy là một câu chuyện đặc biệt và cảm động ít ai biết. Bởi đại tá Nguyễn Kiều Kinh chính là người bạn, người đồng đội cùng trong lực lượng công binh hải quân với liệt sĩ Trần Văn Phòng. Anh Phòng khi ấy là đại đội phó chính trị công tác tại Trung đoàn công binh E83. Còn anh Kinh là trợ lý chính trị tiểu đoàn 847 (Trung đoàn công binh M31).
“Tầm 5g chiều trước khi Phòng xuống tàu, chúng tôi chia tay bằng một bữa cơm đạm bạc. Phòng nói chuyện ít lắm, cứ trầm ngâm nhìn xa xăm ra biển, hút thuốc lá liên tục. 7g tối thì Phòng xuống tàu. Lúc chia tay, Phòng dặn đi dặn lại: nếu ngày về được đi phép thì đón tàu hỏa xuống Đà Nẵng chơi với gia đình mình rồi hãy về Quảng Ninh (khi đó gia đình anh Kiều Kinh còn ở Quảng Ninh). Chúng tôi không nói được gì nhiều vì đơn vị đang tập trung xuống hàng, công việc nhiều và quá gấp. Không ai nghĩ đó là chuyến đi định mệnh của cuộc đời người lính. Phía trước là những thứ không thể ngờ... Khi ra Trường Sa, chúng tôi mỗi người đi một đảo. Phòng đi trước, tôi đi sau nên không biết trong số hi sinh có bạn mình. Xong chuyến thứ nhất, vào bờ đọc báo thấy tên Phòng, tôi bàng hoàng... Tôi luôn hình dung bữa ăn cuối cùng với Phòng, chỉ có thịt hộp, rau muống luộc. Không nghĩ đó là bữa ăn cuối cùng với bạn” - đại tá Nguyễn Kiều Kinh bỗng chùng giọng khi nhớ lại.
Trời mưa phùn, rét mướt. Ai cũng tím tái trong cái lạnh 10-12OC. Đón được con, được chồng, được cha về nhưng mặt ai cũng trầm tư hoặc đẫm nước mắt. Suốt hành trình là sự im lặng và tiếng khóc nghèn nghẹn. “Tôi cứ ngẫm nghĩ mãi về lời dặn của bạn trước lúc đi. Tôi không về được Đà Nẵng thăm gia đình bạn nhưng ngày hôm nay lại cùng vợ con bạn đưa bạn về quê hương. Tôi không ngờ sau này mình là người đi đón và đưa bạn về tận nhà...”, đại tá Nguyễn Kiều Kinh trầm giọng kể.
Xe chạy thẳng một mạch về Thái Bình. Không ai có bụng dạ ăn uống. Người thân ở nhà đã làm sẵn bàn thờ, căng bạt. Cả làng già trẻ trai gái ra tận đầu làng đón nghìn nghịt người. Các cựu chiến binh của thôn, xã đều mặc quân phục chỉnh tề, tự đứng ra lo kèn trống. Mẹ của liệt sĩ không nói thành lời khi ôm vào lòng chiếc tiểu sành bên trong là xương cốt của con trai mình. 21 năm trôi qua, anh đã về với mẹ, nhưng không phải trong hình hài như ngày anh đi...
“Khi đưa con ra nghĩa trang liệt sĩ, trong đầu tôi cứ hiện lên hình ảnh của con lần về phép cuối cùng (tháng 6-1987). Con trai tôi còn mua một cái áo gụ biếu mẹ. Trước khi đi, em nó bảo khi về sẽ mua vải tặng bố mẹ may quần áo. Nó thấy bố mẹ mặc quần áo rách rưới vá víu lung tung nên thương. Ngày ấy vải vóc còn quý hiếm lắm”, ông Trần Văn Thiêm, bố của liệt sĩ, hồi tưởng. Ông Thiêm năm nay tròn 80 tuổi, cũng từng là một người lính. Cả năm người con trai của ông đều là bộ đội nhưng chỉ có liệt sĩ Trần Văn Phòng là bộ đội hải quân.
Còn mẹ của liệt sĩ Trần Văn Phòng năm nay đã bước sang tuổi 83. Bà vẫn giữ chiếc đài - kỷ vật duy nhất của con trai. Ngày ấy, đã nhiều lần anh viết thư về bảo mẹ bán chiếc đài để có tiền chi tiêu nhưng bà không chịu. Nhiều lần túng quá, bà vẫn giữ lại. “Chỉ là cứ để đấy cho anh về anh nghe...”. Ngày đón di cốt anh về, người mẹ già chờ con 21 năm đã tự tay bật chiếc đài cũ ấy bên cạnh bàn thờ, như để con nghe được âm thanh quê nhà...
MY LĂNG
************************************************************************************************
Kỳ 10:
Trường Sa - khúc bi tráng 14-3 : “Vòng tròn” ấy mãi mãi bất tử
17/03/2013 09:30 (GMT + 7)
TT - Tôi viết những dòng này trong ngày báo Tuổi Trẻ đăng “Vòng tròn bất tử giữa bãi Gạc Ma”. Trong vòng tròn bất tử ngày 14-3-1988 ấy có ba tôi - anh hùng Trần Văn Phương - người tôi chưa từng được gặp mặt từ lúc chào đời.
Nhưng câu chuyện về ba, lá cờ chủ quyền mà ba đã quyết tử để bảo vệ ở Gạc Ma, về vòng tròn bất tử của ba và các đồng đội... đã đi vào máu tim tôi.
Ba như vẫn sống
Ba tôi đã hi sinh trong trận chiến không cân sức với quân Trung Quốc, kẻ rắp tâm cướp biển đảo của Tổ quốc. Ngày ba hi sinh, mẹ tôi chỉ mới vỏn vẹn 22 tuổi xuân, còn tôi chỉ mới là một giọt máu đỏ hỏn nằm trong bụng mẹ. Có lẽ ba tôi cũng chưa biết được mẹ đã mang trong lòng giọt máu của ba. Một ngày cuối năm mẹ sinh tôi ra trong muôn vàn khó khăn, nhưng mẹ đã vượt qua bằng tình thương vô biên dành cho ba.
Những năm tháng ấu thơ, tôi chưa đủ lớn để hiểu được tại sao mình không có ba như những bạn khác. Mẹ kể ngày tôi còn bé, khi các chú các bác ở các cơ quan tới thăm, tôi luôn miệng gọi các chú ấy là ba. Còn thật ra với tôi, hình dáng của ba chỉ trong trí tưởng tượng từ những lời mẹ kể: Ba tôi là người đàn ông có vóc dáng cao to, đẹp trai và tôi thấy ba trên khung hình đặt ở bàn thờ. Đó là tất cả những gì tôi được biết về ba, mơ màng và ít ỏi.
Năm tôi lên 4 tuổi, hài cốt của ba được đưa về ở nghĩa trang gần nhà. Ngày nào tôi cũng cùng mẹ chạy qua thắp nhang cho ba. Khi tôi lớn hơn, đã hiểu hơn, thấy bạn bè mình sao ai cũng có ba mà mình không có, tôi cảm thấy thiếu thốn và ghen tị với bạn bè, tôi thắc mắc với mẹ: “Mẹ ơi, tại sao con không có ba, ba con đâu rồi?”. Những câu hỏi của tôi khiến mẹ khóc, mẹ trả lời tôi trong những tiếng nấc nghẹn ngào: “Ba con hi sinh rồi!”. Sự thiếu thốn về vật chất lẫn tinh thần khiến tôi luôn cảm thấy buồn, rồi thấy thương mẹ hơn khi ai cũng có người gánh vác mọi công việc nặng nhọc, còn mẹ tôi thì phải làm tất cả không quản ngại nắng mưa.
Khi tôi biết đọc biết viết, mẹ cho tôi xem cuốn nhật ký của ba để lại cùng những bức thư ba viết gửi về cho mẹ. Trong đó là những dòng cảm xúc của ba, là những tâm tư tình cảm của ba gửi về cho mẹ, là tình yêu thương dành cho người vợ trẻ ở quê nhà, là những lời sau cuối trước lúc mãi mãi nằm lại nơi đảo xa. Tôi đọc và khóc, biết mãi mãi sẽ không còn được gặp ba bằng xương bằng thịt nữa mà chỉ là qua tấm hình kia thôi. Khi ấy, đã nhiều lần tôi thầm mong ba tôi chưa hi sinh mà sẽ được một ai đó cứu sống giống như trong những bộ phim mà tôi được xem, rồi vẫn hi vọng có một ngày ba trở về với mẹ con tôi trong niềm hạnh phúc. Nhưng đó chỉ là một giấc mơ... Một giấc mơ bất tử mà bất cứ đứa trẻ nào trên đời này như tôi cũng sẽ mơ.
Xin được nối bước cha
Ngày làm hồ sơ để dự thi đại học, thú thật tôi phân vân không biết nên chọn học ngành gì. Tôi thầm ước giá như có ba thì ba sẽ là người hướng dẫn tôi, giúp tôi lựa chọn ngành nghề cho mình. Trong tâm thức, tôi muốn được học trong một trường quân đội bởi vì tôi muốn được tiếp bước cha tôi, nhưng thật không may tôi đã lỡ kỳ sơ tuyển. Rồi tôi cũng chọn cho mình một trường đại học.
Khi nhập trường tôi cũng có mẹ theo cùng, nhưng vì đi quãng đường xa bằng ôtô mà mẹ tôi lại bị say ôtô, vậy là mẹ ngồi nghỉ ở phòng bảo vệ, còn tôi lại một mình tự lo tất cả trong khi mọi thứ đều xa lạ đối với mình. Cứ như vậy, tôi trưởng thành rất nhiều, tôi học cách tự đứng vững trên đôi chân của mình, tôi kiên cường hơn vì biết nếu không như vậy thì tôi sẽ không thực hiện được nguyện vọng của mình.
Nung nấu quyết tâm vào hải quân, khi học xong tôi nộp hồ sơ vào xin việc ở nơi mà ngày trước ba tôi đã công tác. Đơn giản chỉ vì tôi muốn được bước tiếp theo chân ba và được cống hiến tuổi trẻ của mình cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc giống như ba mình đã làm 20 năm về trước. Tôi cũng muốn được một lần bước chân ra Trường Sa, nơi ba tôi đã ngã xuống một cách anh dũng.
Rồi tôi cũng thực hiện được nguyện vọng của mình. Nhờ sự giúp đỡ của bác Nguyễn Đức Vượng, nguyên chính ủy của Lữ đoàn 146, giới thiệu mà tôi được nhận vào làm nhân viên của Cục Thống kê tỉnh Khánh Hòa. Một năm sau, tôi được chuyển qua công tác tại Lữ đoàn 146 (Vùng 4 Hải quân) - đơn vị của ba tôi. Hiện giờ tôi vẫn đang công tác tại đây. Công việc ấy đã giúp tôi thực hiện được ước mơ ra Trường Sa để được tận mắt nhìn thấy những hòn đảo, những bãi san hô, cả vùng biển mà ba tôi và nhiều người khác đã hi sinh xương máu để gìn giữ.
Giờ tôi đã là một người lính, tôi tự hứa với lòng mình sẽ luôn luôn kiên trung, bền lòng bền chí để luôn xứng đáng với truyền thống anh hùng của cha ông. Phía trước sẽ còn nhiều khó khăn vất vả, nhưng tôi tin ba tôi luôn bên cạnh để chỉ dẫn tôi, giúp tôi thực hiện tiếp ước mơ của mình.
Điều cuối cùng, đối với tôi và cả chúng ta nữa, “vòng tròn người lính bảo vệ ngọn cờ Tổ quốc” trên bãi Gạc Ma ngày 14-3-1988 sẽ mãi mãi bất tử. Và bây giờ, 25 năm sau, khi Trường Sa cần, khi Tổ quốc cần, chúng ta cũng sẽ sát cánh cùng nhau kết thành một vòng tròn bất tử mới.
Giây phút “đoàn tụ”
Đó là vào buổi trưa 24-4-2010, con tàu HQ 936 đi ngang qua vùng biển Cô Lin - Gạc Ma, vùng biển mà ba tôi đã hi sinh. Từ boong tàu cao nhất, tôi dõi nhìn màu nước thẳm xanh của biển Gạc Ma, nơi có linh hồn của ba tôi và nhiều liệt sĩ khác. Từ xa xa tôi như nhìn thấy sự hiện diện của ba mình đang hướng về phía nơi con tàu tôi đang đứng. Trong tiếng gió và sóng biển gầm gào, tôi gọi điện về cho mẹ. Chỉ kịp nói: “Con đến nơi ba nằm rồi mạ...”, rồi chỉ còn tiếng nấc nghẹn của hai mẹ con...
Giây phút trùng phùng ấy giúp tôi có thêm nghị lực mới. Đêm ấy khi tàu neo ở Sinh Tồn, tôi đã thảo lá đơn viết tay xin vào hải quân, gửi trực tiếp cho chuẩn đô đốc Nguyễn Văn Ninh, phó tư lệnh quân chủng hải quân, người đang chỉ huy chuyến hải trình ra Trường Sa... Lá đơn của tôi được chấp nhận. Và đó là lá đơn vượt cấp, một ngoại lệ chưa từng có trong quân chủng.
|
TRẦN THỊ THỦY (con gái anh hùng Trần Văn Phương
********************************************************************************************
Kỳ cuối:
Trường Sa - khúc bi tráng 14-3 - Nước mắt mẹ không còn...
18/03/2013 09:35 (GMT + 7)
TT - Nhiều năm nay, lần theo dấu vết những chiến sĩ Gạc Ma, những người đã hi sinh hay người may mắn trở về, điều ám ảnh nhất với chúng tôi không chỉ là những nỗi đau âm ỉ trong im lặng hay số phận nổi chìm của những người lính mà chính là ánh mắt của những người mẹ liệt sĩ Gạc Ma.
Gặp rất nhiều người lính dạn dày trận mạc, đi qua khói lửa chiến tranh, ai cũng nói khi ra trận, tiếng kêu của nhiều người lính khi trúng đạn giặc thù là hai tiếng: “Mẹ ơi!”. Có lẽ chính vì thế mà tiếng kêu ấy trở nên đau đáu khắc khoải theo về đậu nơi ánh mắt của những bà mẹ.
Dọc dài theo hành trình tìm về quê hương những người lính Gạc Ma, chúng tôi đã gặp những bà mẹ đã mòn mỏi khóc chờ con, đã hi vọng và chờ đợi, để rồi khi chúng tôi gặp, trước mắt chúng tôi là một bà mẹ đúng nghĩa của câu hát “Nước mắt mẹ không còn để khóc những đứa con”. Mẹ Dương Thị Tạo, mẹ của liệt sĩ Phan Văn Thiềng E83 công binh hải quân, quê ở Đồng Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình), là một bà mẹ như thế.
Năm 2009 chúng tôi có dịp ghé vào căn nhà nhỏ của mẹ ven quốc lộ 1. Lúc đó mẹ sống một mình trong căn nhà cấp bốn cũ kỹ, nền đất cất từ mấy chục năm trước. Hỏi mẹ vì sao không về sống với các con gái của mẹ đang ở trong làng cho ấm áp mỗi khi trời dông gió, mẹ bảo: “Tui ở nhà ni để chờ thằng Thiềng về! Hắn đi bộ đội, người ta về cả rồi mà hắn vẫn chưa...”.
Mẹ nói vậy rồi ôm tấm hình của anh Thiềng ra “khoe”: “Lúc còn ở nhà hắn khỏe lắm, cứ mần việc cho tui suốt ngày không khi mô nghỉ cả”. Với tấm hình đó trên tay, vài ngày mẹ Tạo lại ngồi nơi bậu cửa, mặt ngó ra quốc lộ 1 ì ầm tiếng xe vào ra, hi vọng rồi có lúc thằng Thiềng của mẹ mang balô bước chân về.
Lần này chúng tôi lại về thăm mẹ Tạo. Căn nhà nhỏ trên cát trắng ngày ấy giờ không còn nữa, nó đã xập xệ theo tháng năm qua và gió mưa nên đã mục nát phải tháo dỡ. Mẹ vẫn không chịu về ở với người con trai út là anh Phan Văn Thoan, dù nhà anh chỉ cách nhà mẹ có vài chục mét, mẹ bảo mẹ phải ở trong căn nhà cũ đó để đợi thằng Thiềng về, kẻo mẹ đi chỗ khác lỡ nó về không có ai đón...
Chị Phan Thị Thảo, con gái mẹ, em gái anh Thiềng, đưa chúng tôi vào gặp mẹ trong căn buồng nhỏ. Trời trở lạnh. Mẹ nằm dưới mấy lần chăn đắp. Chị Thảo kéo chăn ra, gọi: “Mạ ơi, có người tới thăm đây nì!”. Mẹ vùng dậy thật nhanh, cái miệng móm mém cười hết cỡ: “Mô mô, thằng Thiềng về rồi à?”. Chúng tôi lặng người! Chị Thảo cố kìm nước mắt, nói: “Bây chừ trí nhớ của mạ đã lẫn rồi, không mấy khi tỉnh táo nữa. Chỉ khi mô nghe ai nhắc đến tên anh Thiềng thì mạ mới như chợt tỉnh. Có ai tới là mạ lại hỏi “Có phải thằng Thiềng về với mạ đó không bây?”.
Chị Phan Thị Thuyến, chị gái đầu của anh Thiềng, kể: “Cứ mỗi khi có ai mang áo quần bộ đội đi qua đường là mạ tui ngóng, rồi hỏi răng thằng Thiềng thất lạc đi mô mà lâu về rứa, về cho mạ ngó hắn một chút rồi chết cho thỏa”. Khi đơn vị đưa balô của anh Thiềng về, mẹ ôm balô đi lòng vòng quanh nhà, hết đặt xuống chỗ này lại nhấc đến chỗ kia, nói với mọi người: “Hắn sống chớ chết mô được, cất cho hắn để mai mốt hắn còn lấy đi vô đơn vị nữa”...
Ở một vùng cát trắng ven biển khác thuộc xã Hải Ninh (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình), mẹ Nguyễn Thị Tròn, năm nay 84 tuổi, cũng ngày đêm mang nặng nỗi đớn đau không khác gì mẹ Tạo. Con mẹ là anh Hoàng Văn Túy cũng đã nằm lại với biển Trường Sa vào ngày 14-3-1988. Thương con thân xác nằm dưới biển khơi giá lạnh, mẹ Tròn với chồng là cụ ông Hoàng Nhỏ (85 tuổi) đã lập cây dâu làm hài cốt cho anh Túy, đưa vào an táng trong nghĩa trang liệt sĩ xã. Ngày giỗ, mẹ lại lụi cụi tới nghĩa trang thắp hương, đốt lửa mong cho thân xác con được ấm áp... Một thời mẹ như phát điên. Hằng ngày mẹ đi lang thang vô định trên các động cát trắng.
Anh Hoàng Văn Phong, con trai mẹ, kể: “Những ngày đó anh em bầy tui phải chia nhau đi theo mạ kẻo sợ mạ nghĩ quẩn rồi xuống biển bị sóng cuốn”. Mẹ Tròn thì bảo lúc đó trong óc mẹ cứ hiện lên hình ảnh của thằng Túy, cứ như là hắn đang đi biển đánh cá sắp về. “Tui đi tìm hắn về ăn cơm, sợ hắn mải chơi quên về ăn cơm...” - mẹ Tròn nói. Mẹ nhớ khi anh Túy chưa đi bộ đội, anh theo bạn bè đi biển đánh được nhiều cá lắm, mẹ đi chợ bán mãi mới hết.
“Mạ biết là có nhiều đứa hi sinh ở Trường Sa chứ chẳng riêng chi thằng Túy con trai mạ. Nhưng mà mấy đứa toàn hi sinh dưới biển cả nên mạ buồn, vì không biết bây chừ hài cốt của tụi hắn trôi dạt đi nơi mô rồi” - mẹ Tròn nói, giọt nước mắt chỉ đủ ứa ra trên gương mặt hằn đầy nếp nhăn vì tuổi tác. Mẹ kể: “Tết năm Thìn đó (1988), thằng Túy về thăm ba mạ trong ngày 30 thì sáng ngày mồng 1 hắn nói là có lệnh đơn vị kêu vô để đi công tác. Trước khi lên xe hắn còn cười, nói lại là ba tháng nữa ra quân con về mần ăn nuôi ba mạ, lo chi. Chừ nghĩ lại hắn nói như có điềm chi...”.
Làm sao kể hết những ngóng vọng của những bà mẹ dọc dài theo dải đất này. Cũng ở xã miền cát Quảng Thủy (Quảng Trạch, Quảng Bình) chúng tôi đã lặng im trước ngôi mộ của liệt sĩ Trần Văn Quyết, anh là một trong số tám liệt sĩ được xác định danh tính sau khi xét nghiệm ADN trong số di cốt mang lên từ tàu HQ-604 bị đắm dưới đáy biển Gạc Ma và được đưa về quê nhà. Gia đình rất mừng, nhưng anh Phú, anh trai anh Quyết, cứ nghẹn ngào: “Mang được hài cốt em về thì cha mạ tui đã không chờ được nữa, thương Quyết nằm dưới biển lạnh, mạ tui khóc đến lòa mắt, trước khi trút hơi thở cuối cùng mạ tui còn thương xác đứa con chưa về được”.
Và mới đây thôi, sau ngày giỗ thứ 25 của đứa con trai Hoàng Ánh Đông, cũng là lính E83, hi sinh ngày 14-3-1988 ở Gạc Ma, bố của liệt sĩ Đông, ông Hoàng Sĩ, cũng đã ra đi mang theo nỗi khắc khoải vô biên về thân xác con mình đang đâu đó trong khoang con tàu đắm... Còn bao nhiêu niềm trông ngóng nghẹn ngào và hi vọng của những ông bố, bà mẹ liệt sĩ Gạc Ma giờ đang im lặng trong khoang con tàu HQ-604?
LÊ ĐỨC DỤC - LAM GIANG
Bao giờ tiếp tục tìm kiếm hài cốt?
Ngay sau khi phát hiện vị trí tàu chìm và tổ chức cất bốc hài cốt, Quân chủng Hải quân đã thành lập Ban chỉ đạo quy tập tìm kiếm hài cốt liệt sĩ hi sinh tại quần đảo Trường Sa do đồng chí phó chính ủy quân chủng làm trưởng ban. Tuy nhiên, như đã nói, do vị trí tàu HQ-604 bị chìm nằm trên thềm san hô chỉ cách đảo Gạc Ma đang bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép chưa đến 1 hải lý, nên sau lần cất bốc vào tháng 8-2008, việc tiếp tục tìm kiếm bị cản trở.
Như vậy, đến nay, sau 25 năm, hài cốt của hơn 40 liệt sĩ hi sinh trong trận Gạc Ma vẫn chưa được tìm thấy và quy tập về quê nhà.
Chúng tôi nhớ đến bảy nấm mộ gió quây quần ở phía sau tượng đài của Nghĩa trang liệt sĩ thành phố Đà Nẵng, những nấm mộ đề tên tuổi nhưng dưới lớp vỏ đá granito kia không hề có chút xương cốt nào. Và nhiều lắm những mộ gió của người lính Gạc Ma chúng tôi đã gặp ở quê nhà những liệt sĩ. Không còn nước mắt khóc con của những người mẹ già, nhưng có một câu hỏi xoáy lên từ ánh mắt của mẹ: bao giờ con được về đây, dù chỉ là chút cốt xương đã 25 năm lạnh giá dưới đáy trùng dương?
Rất nhiều người mẹ quá già và sợ mẹ không chờ đợi được...
|
No comments:
Post a Comment