| ||||
Huyền thoại Mười Thương | ||||
Thứ năm, 26/04/2012 09:17 | ||||
Người ba lần ám sát Ngô Đình Diệm mang bí danh Mười Thương (tên thật là Phan Văn Điền) và đồng đội của ông - những chiến sĩ biệt động, tình báo quả cảm. Đây là những thông tin lần đầu tiên được công bố.
PHÁT SÚNG TRÊN CAO NGUYÊN Từ năm 1954 đến 1957, theo Hiệp định Giơ-ne-vơ, Xứ ủy Nam kì thực hiện việc ngừng bắn, ai sử dụng súng sẽ bị kỉ luật. Thế nhưng chính quyền Sài Gòn vẫn đàn áp, bắt bớ, bắn giết cán bộ cách mạng ở khắp nơi. Các lực lượng vũ trang của ta phải lui vào hoạt động bí mật. Đồng chí Lê Duẩn - Bí thư Xứ ủy Nam kì - chỉ đạo: “Đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang để diệt địch bằng các tổ diệt ác, chứ không phải quân đội”. Ban địch tình của Tỉnh ủy Tây Ninh ra đời trong hoàn cảnh này. Ông Lâm Kiểm Xếp (Năm Xếp) được cấp trên cử làm trưởng ban, phó ban là ông Nguyễn Thành Dương và ủy viên duy nhất chính là Mười Thương. Mười Thương được cấp trên giao cho hai khẩu súng, năm quả lựu đạn. Trong một đêm tối trời, tại ấp Rỗng Tượng, xã Thanh Phước, huyện Gò Dầu, kế hoạch ám sát Ngô Đình Diệm được vạch ra khi Diệm lên Buôn Mê Thuột dự hội chợ kinh tế cao nguyên. Nhiệm vụ cảm tử được giao cho Mười Thương (trước đó Mười Thương đã hai lần lập kế hoạch ám sát Diệm nhưng không thành, vào tháng 10 và Noel năm 1950). “Chỉ được dùng súng bắn mục tiêu cố định”, Năm Xếp chỉ đạo. Mãi sau này Mười Thương mới hiểu rằng cấp trên không cho ông sử dụng lựu đạn vì có thể làm chết nhà tình báo Phạm Ngọc Thảo trong vai trò cố vấn của Ngô tổng thống. Phương án của Mười Thương là hành động, hy sinh và bị bắt, chứ không thể thoát được. Hy sinh thì thôi nhưng nếu bị bắt, Mười Thương phải khai là do Dương Văn Minh - tư lệnh Biệt khu thủ đô, Nguyễn Hữu Châu - chủ nhiệm phủ tổng thống, là anh em cột chèo của Nhu (lấy Trần Lệ Thu, em ruột Trần Lệ Xuân, vợ Ngô Đình Nhu) và Mai Văn Xuân - Giám đốc Nha an ninh quân đội... chỉ đạo ám sát. Tóm lại, phải khai là do bộ ba Mai - Dương - Nguyễn (họ của ba tướng ngụy). Ông Mai Chí Thọ (khi đó là Phó ban địch tình Xứ ủy) dặn đi dặn lại Mười Thương là phải khai làm sao để Diệm bắt buộc “xử” một nhân vật đặc biệt nguy hiểm là Mai Văn Xuân. Trong phong trào Nam kì khởi nghĩa tại Hóc Môn, Xuân đã bắt chị Nguyễn Thị Minh Khai, xử tử tại ngã ba Giồng. Tại Sài Gòn, Xuân hai lần bắt hụt ông Mai Chí Thọ, khi đó còn là Phó bí thư thường trực Đặc khu Sài Gòn - Gia Định. Chính Xuân còn tổ chức vây bắt nhạc sĩ Xuân Hồng và rất khát máu đối với cộng sản. Nhiều đồng chí của ta đã phải dạt lên tận biên giới để hoạt động. Ngày khai mạc hội chợ đến gần, Mười Thương và một nữ đồng chí là Nguyễn Thị Dân (Bảy Nhanh) bắt xe đò lên thủ phủ Tây nguyên. Bảy Nhanh có nhiệm vụ mang súng ngụy trang dọc đường và báo tin về cấp trên. Kế hoạch chuẩn bị đã xong, Mười Thương bảo Bảy Nhanh về trước vì nếu ở lại thì đồng chí này sẽ gặp rất nhiều nguy hiểm. Ngày 22-12-1957, Mười Thương vào hội chợ với giấy thông hành mang tên Hà Minh Trí, một thương nhân Tây Ninh. Ông mặc áo sơ mi bên trong, bên ngoài mặc áo gió, che phủ khẩu tiểu liên đã được cưa báng hiệu MAT 47, có băng đạn 22 viên. Là kẻ háo danh, Đỗ Quang Công - Bộ trưởng canh nông - luôn theo sát tổng thống để được xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng vào tối cùng ngày. Tới lúc chào cờ, Diệm đứng vào vị trí và người lính biệt động cảm tử áp sát mục tiêu. Khi tên thượng sĩ an ninh quân đội to cao, đội mũ kê pi, đưa tay lên chào cờ, Mười Thương lập tức siết cò. Không ngờ đúng lúc ấy viên bộ trưởng canh nông chèn người tới bên cạnh tổng thống để được chụp ảnh nên viên đạn đi thẳng vào người hắn. Công gục xuống, Diệm ngoái đầu nhìn theo hướng súng nổ, mặt đỏ lựng. Tên thượng sĩ an ninh quân đội lập tức chụp tay Mười Thương nhưng không kịp. Di chuyển được vài mét, hơn 10 tên cảnh sát ngụy vây tròn, đè lên người Mười Thương. Vốn là dân biệt động, Mười Thương nhanh trí la lên: “Tao cho tụi bay chết bằng lựu đạn”. Cảnh sát ngụy đều nằm sấp xuống đất. Thừa cơ hội này, Mười Thương bỏ chạy nhưng bị bắt lại. Khẩu súng MAT 47 bị tịch thu. Mười Thương bây giờ Sau khi bị bắt tại hội chợ cao nguyên, Mười Thương bị đánh đập cả một ngày rồi bị đưa vào tiểu khu Buôn Mê Thuột để lấy cung. Trong phòng hỏi cung, đích thân Ngô Đình Nhu, Trần Kim Tuyến, Phạm Ngọc Thảo (cố vấn cho Diệm) tra hỏi. Lịch lãm, khôn ngoan, Phạm Ngọc Thảo phải tạo vỏ bọc của một kẻ thân Diệm - Nhu, có tội với cộng sản để thực thi nhiệm vụ. Nhằm qua mắt bọn chóp bu chính quyền và mật vụ có mặt trong phòng, Phạm Ngọc Thảo hất hàm hỏi Mười Thương: - Ai chủ trương cho mày giết tổng thống? - Thiếu tướng Mai Văn Xuân và Cao Đài liên minh. - Còn ai nữa không? - Dạ còn Dương Văn Minh và Nguyễn Hữu Châu. - Tại sao mày giết tổng thống? - Ngô Đình Diệm là kẻ ác nhất miền Nam, đem quân bao vây tòa thánh của chúng tôi, bắt bớ nhân dân và chiến sĩ Cao Đài; hành hạ, giết chết cố trung tướng Trịnh Minh Thế (bị Diệm mời về cộng tác rồi ám sát để trừ hậu họa - PV). Tôi giết Diệm để trả thù cho hộ pháp Phạm Công Tắc, người đứng đầu Cao Đài Tây Ninh (phải đào thoát sang Campuchia tháng 2-1956). Tôi giết Diệm để trả thù cho đạo giáo. - Mày khai đạo Cao Đài, vậy thì mày học trường nào? - Trường Lê Văn Trung. Nghe đến đây, mặt Nhu biến sắc. Nhu ra lệnh tất cả sĩ quan có mặt trong phòng phải im lặng, không được tiết lộ chuyện động trời này ra ngoài. Theo lệnh Nhu, Tuyến lấy sổ ra ghi tên từng người vì hôm đó có mặt cả an ninh quân đội, phòng ngừa bọn chúng sẽ báo lại cho Xuân và Xuân sẽ trốn thoát. Dù không hề biết Phạm Ngọc Thảo chính là người của cách mạng nhưng Mười Thương nhớ mãi ánh mắt đồng cảm, chia sẻ của ông. Linh tính cho Mười Thương biết Thảo là tình báo. Trong suốt cuộc hỏi cung, ngoài kiểu ăn to nói lớn của Thảo thì Mười Thương hiểu Thảo đang gợi mở câu chuyện để buộc tội cho nội bộ địch. Hôm sau lên văn phòng Trưởng ty công an tại Buôn Mê Thuột, mới bước lên thềm thì Mười Thương đã thấy một tướng ngụy chờ sẵn. “Mày ngồi đó” - y hét. Nhìn lên bảng tên người vừa ra lệnh, Mười Thương mới biết đó là... Mai Văn Xuân! Đẩy tấm hình 4x6cm về phía Mười Thương, Xuân quát: - Mày khai là Cao Đài, vậy mày có biết hình ai đây không? - Đó là thiếu tướng Nguyễn Văn Mạnh, em giáo chủ Cao Đài Trịnh Minh Thế - Mười Thương nói một hơi theo kế hoạch đã chuẩn bị sẵn. “Mình khai ở đạo Cao Đài, nó đưa hai sĩ quan rành về Cao Đài nhất để hỏi cung. Cũng may là mình biết, chứ không là no đòn” - Mười Thương nghĩ bụng. 12 giờ đêm hôm trước, trung tá Tạ Thành Long - phủ Đặc ủy trung ương tình báo - cũng đến hỏi cung Mười Thương. Long là thầy dạy lớp 2 cho Mười Thương (12 tuổi, Mười Thương mới đi học) ở đạo Cao Đài năm xưa. Năm 1953, Bộ Giáo dục ngụy bắt giáo viên đi lính, trong đó có Long rồi từ đó Long mất hút. “Ổng không biết tôi, nhưng tôi biết ổng. Chắc ổng không nhớ đứa học trò hồi đó giờ lại làm cách mạng” - Mười Thương tự nhủ. Mười giờ sáng hôm sau, địch đưa Mười Thương lên máy bay về Sài Gòn. Trên máy bay, ông thấy nhiều sĩ quan gồm: Dương Văn Minh, Trần Văn Đôn, Mai Văn Xuân... Về đến trụ sở địch đóng gần Sở thú (nay là Thảo Cầm Viên), chúng đánh đập người chiến sĩ cách mạng với màn tra khảo gọi là “liên hoàn thẩm vấn” với bốn êkíp, mỗi êkíp có ba tên mật vụ (một ghi cung, hai tên tra tấn). Êkíp đầu tiên đấm đá túi bụi. Tiếp theo là màn đổ nước, chúng đổ nước có pha ớt bột, chất tẩy bồn cầu vào miệng tù nhân. Màn thứ ba là tra tấn bằng điện. Kết thúc bằng kiểu bắt đứng đèn. Mười Thương bị hai bóng đèn 500W chiếu thẳng vào mắt. Nếu phản ứng sẽ bị đánh nhừ tử. Khi đó, ông lấy tay sờ tóc thì phải rút lại vì quá nóng. Suốt thời gian này, địch không cho Mười Thương ăn, uống, ngủ. Không thể chết khát, Mười Thương giả vờ đi toilet để hứng nước tiểu uống nhưng cũng bị phát hiện, đá văng. Tra tấn suốt một tháng ba ngày, địch kết thúc hồ sơ. Năm 1962, ông được đưa về giam tại Tổng nha Cảnh sát. Về phần nội bộ địch, Diệm thẳng tay trừng trị các tướng lĩnh. Dương Văn Minh, tư lệnh Biệt khu thủ đô bị điều về làm Tổng thư kí Bộ Quốc phòng, tướng cầm quân thành không quân. Nguyễn Hữu Châu - Bộ trưởng, chủ nhiệm phủ tổng thống, là anh em cột chèo của Diệm - phải trốn sang phương Tây. Mai Hữu Xuân đi làm đại sứ tại Philippines. Năm 1963, bộ ba Dô-Xu-Ki (tức Trần Văn Đôn, Mai Văn Xuân, Nguyễn Cao Kỳ) làm đảo chính, bắn chết Diệm - Nhu. Vợ Nhu là Trần Lệ Xuân dẫn bốn đứa con (hai trai, hai gái) trốn ra nước ngoài. Cách đây vài ngày, con út của Ngô Đình Nhu là Ngô Thị Lệ Quyên, 53 tuổi, chết do tai nạn giao thông. Vài năm trước, một người con gái của Nhu cũng chết vì tai nạn giao thông tại Pháp. Tháng 8-1963, ông được đưa ra Tòa án quân sự đặc biệt của vùng 3 chiến thuật để xét xử, nếu bị án tử sẽ đưa về quê hương để thi hành, nhằm trấn áp phong trào cách mạng. Trước đó, một đồng chí của Mười Thương là Hoàng Lệ Kha đã bị địch hành quyết ở Tây Ninh. Khi bị dẫn giải ra tòa, Mười Thương không hề biết đây là phiên xét xử dành riêng cho ông. Kết thúc phiên tòa, Mười Thương được đưa về biệt giam. Ông bị nhốt chung với các đồng chí: Võ Văn Tuấn - Thường vụ Tỉnh ủy Tây Ninh, Hoàng Tam Kỳ - Bí thư Tỉnh ủy Gia Định, Lê Minh Quới - thư kí đồng chí Lê Duẩn... Qua đồng đội, Mười Thương mới biết Tòa án quân sự đặc biệt vừa xử ông và kết án tử hình. Năm 1963, Diệm - Nhu bị đảo chính nhưng gia đình này vẫn còn mạnh. Chúng gọi Trần Thiện Kim - Tư lệnh QK4 - về giải vây. CHUYỆN TÌNH NGƯỜI TỬ TÙ Giữa thời chiến mịt mù khói thuốc của đạn pháo, bom mìn..., chuyện tình yêu của Mười Thương vẫn ngời sáng như một vẻ đẹp lãng mạn của tinh thần cách mạng kiên cường. Tình yêu của ông bắt đầu từ buồng biệt giam. Đầu năm 1964, địch đưa Mười Thương về Trung tâm thẩm vấn của Tổng nha Cảnh sát tiếp tục tra tấn dã man nhưng chỉ nhận được sự im lặng. Mười Thương bị giam tại phòng số 10, buồng biệt giam, Tổng nha Cảnh sát. Ông là phạm nhân số 1, bọn cai tù có 10 điều quy định với riêng ông: chìa khóa buồng giam do đích thân giám đốc Trung tâm thẩm vấn giữ, không để tử tù tự tử, cấm cai tù nói chuyện với phạm nhân; phạm nhân cần gì, giám đốc thẩm vấn trực tiếp xuống... Cách đó không xa là buồng số 8 giam tám nữ sinh viên. Cô gái có tên là Nguyễn Kim Hưng lúc đó chỉ mới 16 tuổi, quê ở huyện Đức Hòa, Long An, bị giam chung với Phan Thị Hồng - vợ ông Nguyễn Ngọc Trân (nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội). Bị bắt cùng đợt đó còn có Lê Quang Vịnh, Nguyễn Hồng Tư... Cứ nghe tiếng mở cửa buồng biệt giam, Mười Thương lại thừa biết bọn cai tù đang mang các nữ đồng chí ra để tra khảo. Khi thấy những thân hình tiều tụy của các nữ sinh viên trở về phòng, ông và đồng đội lại đứng sau song sắt, ngay cạnh hành lang để cổ vũ, động viên. Với riêng Kim Hưng, đôi mắt Mười Thương sáng rực. Đã bao lần hai người chỉ kịp nhìn thấy nhau trong vài giây rồi mất hút giữa vòng vây của cai tù. Một ngày nọ, cai ngục đưa các cô gái đi giam ở nơi khác, Mười Thương thấy thiếu vắng đi nụ cười, ánh mắt của cô gái tên Hưng. Ông biết ông đã yêu từ dạo đó. Thời gian như thoi đưa, khi ra chiến khu, Mười Thương lại tình cờ gặp lại cô gái mà ông đã thầm thương trộm nhớ. Kim Hưng hỏi Mười Thương: “Anh ra hồi nào?”. Hai người tay bắt mặt mừng. Khi họ biết không thể sống thiếu nhau trong cuộc đời này thì đám cưới của họ được tổ chức đơn sơ, giản dị... Đến bây giờ, vợ Mười Thương vẫn bẽn lẽn bên chồng: “Ngày đó nghe anh hát hay quá. Em mang theo những bài ca cách mạng do anh hát vào cả giấc mơ”. RẠNG NGỜI HẠNH PHÚC Gia đình ông có năm người con, “nếp, tẻ” đầy đủ, hiện công tác tại: Hải quan TP.Hồ Chí Minh, Công an Tây Ninh, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Tây Ninh... “Tôi không xin xỏ công việc cho các con, các con đều phải tự vận động như bao người khác” - Mười Thương nói. Thấy khách lạ, những đứa cháu ngoại của ông vòng tay lễ phép chào chúng tôi. Vợ ông là thượng tá, nguyên Trưởng phòng công tác chính trị Công an tỉnh Tây Ninh, bí danh đi cách mạng là Triệu Nhã Nam, cựu học sinh trường Gia Long, quê ở huyện Đức Hòa, Long An. Còn Mười Thương thì công tác tại công an tỉnh đến năm 1989, dù đến tuổi về hưu nhưng Tỉnh ủy Tây Ninh vẫn giữ lại, phân công ông làm Phó ban Nội chính Tỉnh ủy rồi Trưởng ban Tôn giáo. Năm 1999, ông nghỉ hưu và sống cùng gia đình. Cách đây bốn năm, trong một lần chở vợ đi công việc, vợ chồng ông bị tai nạn giao thông. Suốt từ ngày đó đến nay, Mười Thương phải săn sóc, mát-xa, đút cơm cho vợ mỗi ngày. “Sau khi về hưu, chú đã dẫn vợ và gia đình đi thăm thú nhiều nơi trong cả nước. Chú vẫn còn nợ thím hai chuyến đi đảo Lý Sơn và Phú Quốc vì chưa kịp đi thì thím bị tai nạn” - Mười Thương tâm sự. Tôi nhìn khóe mắt ông có gì đó cay cay. Thương cha mẹ vất vả, cô con gái của ông đã xin nghỉ việc ở Đại học Y dược TPHCM để về quê công tác, tiện chăm sóc mẹ. Trong lần Ban tử tù miền Nam ra Hà Nội, Đại tướng Võ Nguyên Giáp giao thư kí riêng đón tiếp gia đình Mười Thương tại nhà riêng. “Hồi giờ bác Giáp chưa chụp hình chung với một gia đình nào cả” - vị thư kí nói. Tuy nhiên, khi vào phòng khách thì bác Giáp ra hiệu cho cả gia đình Mười Thương cùng chụp hình chung. Giờ đã về hưu nhưng các cuộc họp ở tỉnh không bao giờ thiếu ông. “Sáng nay, chú mới đi họp với Tỉnh ủy về Nghị quyết Trung ương 4” - ông khoe bằng giọng hồ hởi. Trong căn nhà lồng lộng gió, Mười Thương hào hùng, rực lửa như thời ông đi cách mạng. Tuổi xế chiều, người lính biệt động năm nào vẫn khỏe mạnh, duy chỉ có một chân của ông đã mãi mãi nằm lại nơi chiến trường. Trở mùa là chân ông bị giật, phải uống thuốc của Ban bảo vệ sức khỏe. Chúng tôi nhìn ông với ánh mắt thán phục và nguyện ước cho ông cùng gia đình được sức khỏe dồi dào để truyền lại cho các thế hệ hôm nay và mai sau những ký ức không thể phai nhạt. | ||||
AN HÒA - GIA MINH |
Friday 28 March 2014
Huyền thoại Mười Thương (An Hòa & Gia Minh - Công An Thành Phố Hồ Chí Minh)
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment