Tuesday 25 March 2014

GIÚP ĐỠ QUÂN SỰ CỦA LIÊN XÔ CHO VIỆT NAM NHỮNG NĂM CHỐNG CHIẾN TRANH PHÁ HOẠI (1965 - 1972) (Nguyễn Thị Mai Hoa - Văn Hóa Nghệ An)


Tiến hành kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trong cuộc đối đầu lịch sử với một đối phương mạnh hơn gấp nhiều lần, có tiềm lực kinh tế, quân sự vượt trội, Việt Nam luôn nhận được sự đồng tình, cổ vũ của các lực lượng khác nhautrên thế giới. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ không tách rời sự ủng hộ quốc tế to lớn, trong đó có sự giúp đỡ của Liên Xô – quốc gia có nền công nghiệp quốc phòng hùng mạnh với những vũ khí chiến lược tối tân, hiện đại. Viện trợ quân sự toàn diện của Liên Xô, nhất là vào những thời điểm quan trọng của cuộc kháng chiến, đã tăng cường và tạo ra sức mạnh đáng kể cho Quân đội nhân dân Việt Nam.
1. Quyết định tăng cường viện trợ cho Việt Nam
Từ giữa những năm 60 (XX), ở Đông Nam Á diễn ra những thay đổi nhanh chóng. Mỹ tăng cường sự hiện diện, củng cố quyền lực trong khu vực, đẩy mạnh hỗ trợ các nước Đông Nam Á chống lại “nguy cơ của chủ nghĩa Cộng sản”. Trung Quốc - đối thủ cạnh tranh của Liên Xô, một mặt, vừa tiếp tục có thái độ thù địch với Liên Xô, vừa "tìm kiếm quan hệ với Washington để cân bằng địa vị với Liên Xô”[1], đẩy nhanh hòa hoãn với Mỹ; mặt khác, tích cực giúp đỡ Việt Nam chống Mỹ, thông qua Việt Nam mở rộng ảnh hưởng đối với các nước Đông Nam Á. Những sự kiện nêu trên minh chứng cho vị trí địa - chiến lược, địa – chính trị và địa – quân sự quan trọng của Đông Nam Á nói riêng, châu Á nói chung và tác động, ảnh hưởng, buộc Liên Xô phải nhìn nhận, cân nhắc lại quan hệ với khu vực này, khởi động lại chính sách châu Á. Trên con đường khẳng định vị thế, tham gia vào các vấn đề của khu vực, Việt Nam - quốc gia "điểm nóng" là sự lựa chọn thích hợp, "một kênh quan trọng giúp Liên Xô có thể thâm nhập vào Đông Nam Á, cô lập, ngăn chặn chiến lược mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc, không rơi vào thế yếu một khi Trung Quốc hòa hoãn với Hoa Kỳ"[2]. Chuyến thăm của Đoàn đại biểu Liên bang CHXHCN Xô-viết do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô A.N. Kosygin dẫn đầu đến Việt Nam vào tháng 2-1965 là dấu mốc quan trọng, mở ra bước ngoặt trong quan hệ Việt – Xô với cam kết giúp đỡ toàn diện, cung cấp vũ khí củng cố khả năng phòng thủ của Việt Nam, chống lại sự tấn công bằng không lực của Mỹ. Đó là lựa chọn – như phân tích của Cục tình báo Trung ương Hoa Kỳ, "đảm bảo cho sự có mặt và ảnh hưởng lâu dài của Liên Xô ở Việt Nam (…). Đó cũng là cách Liên Xô giúp đỡ Việt Nam cộng sản chiến thắng – một chiến thắng không gắn với và khuyếch trương uy tín, thanh thế của Trung Quốc"[3].
Tháng 4-1965, Lê Duẩn dẫn đầu đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam sang thăm Liên Xô, thỏa thuận và ký kết hiệp định về viện trợ quân sự. Ngày 10-7 và ngày 21-10 -1965, hai nước ký thêm hai thỏa thuận về viện trợ bổ sung. Trong các thỏa thuận và quyết định hỗ trợ quân sự cho Việt Nam của Hội đồng Bộ trưởng Liên bang Cộng hòa XHCN Xô-viết, nội dung viện trợ, giúp đỡ được thực hiện trên cơ sở các kế hoạch dài hạn,bao gồm:1- Cung cấp vũ khí, thiết bị quân sự, đạn dược, phụ tùng và các vật liệu quân sự chuyên biệt; 2- Biệt phái các chuyên gia quân sự Liên Xô giúp đỡ Quân đội Việt Nam tiếp cận, sử dụng các loại vũ khí, trang thiết bị quân sự được viện trợ, giúp sửa chữa và hiện đại hóa chúng; 3- Hỗ trợ xây dựng, trang bị cơ sở vật chất cho các mục đích quân sự; 4- Chuyển giao giấy phép, các tài liệu hướng dẫn kỹ thuật cho việc sản xuất đạn dược, một số loại vũ khí, thiết bị quân sự, cũng như các hướng dẫn kỹ thuật khác; 5- Đào tạo quân nhân Việt Nam trong các cơ sở quân sự của Bộ Quốc phòng Liên Xô[4]. Theo các bản cam kết và ghi nhớ, các loại trang thiết bị quân sự Liên Xô viện trợ cho Việt Nam gồm: Tên lửa đất đối không (SAM), pháo cao xạ, thiết bị ra đa, thiết bị vô tuyến điện tử, bệ phóng tên lửa, máy bay chiến đấu MiG-17, máy bay chiến đấu siêu thanh MiG-21, IL-28, máy bay tiêm kích SU-17, máy bay vận tải IL14, LI-2, xe tăng T-34 và T-54, khí tài vượt sông; một số khí tài thông tin, phòng hóa[5]… Nhìn chung, vũ khí, khí tài đa dạng về chủng loại, tối tân, hiện đại, có khả năng phát huy tốt trên chiến trường Việt Nam. Theo thỏa thuận, vũ khí, khí tài được vận chuyển tới Việt Nam qua hai ngả: Bằng đường sắt qua Trung Quốc và đường biển qua cảng Hải Phòng. Để dễ dàng, nhanh chóng vận chuyển hàng viện trợ, A.N. Kosygin đề nghị Trung Quốc cho phép sử dụng sân bay Côn Minh, lập cầu hàng không qua không phận Trung Quốc, song Trung Quốc từ chối. Sau một thời gian đàm phán, Trung Quốc đồng ý để viện trợ cho Việt Nam được vận chuyển bằng đường sắt qua lãnh thổ Trung Quốc và “để đạt được thỏa thuận, Liên Xô đã chuyển cho Trung Quốc 50 triệu rúp”[6]. Đối với vận chuyển hàng hóa bằng đường biển, Liên Xô huy động thường xuyên 20 tàu vận tải cỡ lớn của Công ty vận tải Biển Đen và Viễn Đông.
 Chính phủ Liên Xô khẳng định rằng, viện trợ cho Việt Nam được thực hiện trên cơ sở Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước Xô –viết, tuân thủ các điều ước, hiệp ước và thông lệ quốc tế, trên tinh thần anh em, tương trợ lẫn nhau và tình cảm quốc tế vô sản sâu sắc.
2. Viện trợ vũ khí, khí tài và đào tạo nhân lực quân sự bậc cao
Mức độ viện trợ, các loại vũ khí, khí tài Liên Xô giúp đỡ Việt Nam chưa bao giờ được hai nước công bố chính thức. Thu thập từ những nguồn khác nhau, số liệu viện trợ không thống nhất và cách thức thống kê cũng không đồng nhất: Theo số lượng, khối lượng, chủng loại, trị giá…
 Theo một số tài liệu lưu trữ của Cục lưu trữ Liên bang Nga, vũ khí của Liên Xô được tăng cường chuyển tới Việt Nam từ cuối năm 1964 đầu năm 1965, mặc dù những thỏa thuận cụ thể chỉ đạt được từ tháng 4 -1965. Thực hiện các hiệp định, thỏa thuận và cam kết[7], từ tháng 3-1965, “lực lượng phòng không của Việt Nam được trang bị pháo cao xạ 37 mm và súng phòng không 57 mm. Từ tháng 7-1965, tổ hợp tên lửa đất đối không tầm cao SA-75 Dvina (SAM) đã có mặt ở Việt Nam”[8].
Về trị giá viện trợ từng năm, theo một báo cáo của Bộ Ngoại giao Liên Xô (10-1965), từ năm 1962đến năm 1965,Liên Xô đã cung cấp cho Việt Nam trang thiết bị quân sự(trong đó cócả máy bay) trị giá gần 200 triệuUSDvàhơn một nửa số này (60%)được chuyển cho Việt Namtrong năm 1965[9]. Cũng về viện trợ trong năm 1965, Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế(IISS, Luân Đôn) cung cấp số liệu sau: Năm 1965, trị giá viện trợ quân sự của Liên Xô cho Việt Nam là  210 triệu USD (chiếm 60% tổng viện trợ kinh tế)[10]. Năm 1967, theo Báo cáo thường niên của Bộ Ngoại giao Liên Xô (12-1967), đây là năm Liên Xô cung cấp viện trợ cao nhất cho Việt Nam[11], còn Viện IISS không đưa ra trị giá cụ thể, chỉ thống kê chủng loại, số lượng vũ khí: “Đến tháng 9-1967, Liên Xô đã gửi đến Việt Nam các máy bay chiến đấu MiG-17 và MiG-21, IL-28,máy bay ném bom, máy bay vận tải, máy bay trực thăng, 6.000 súng phòng không, tên lửa đất đối không và 200-250 bệ phóng tên lửa cùng hàng ngàn súng phòng không các loại”[12]. Theo thống kê của Việt Nam, trong điều kiện chiến sự diễn ra ác liệt, căng thẳng, Bộ Quốc phòng “đề nghị Liên Xô gửi gấp ngay sang số khí tài quân sự trong kế hoạch viên trợ năm 1967, đặc biệt cấp thiết là các máy bay chiến đấu MiG-21,F13 và MiG-17 F, tên lửa bổ sung cho số đã dùng trong chiến đấu, đạn cao xạ, trang bị cho đơn vị tên lửa bảo vệ bờ biển, các khí tài chống nhiễu, các trạm rađa SNAR-6, các loại khí tài bổ sung cho những thiệt hại trong chiến đấu và trang bị cho các trung đoàn tên lửa phòng không”[13]. Số lượng cụ thể Bộ Quốc phòng Việt Nam đề nghị là: “1 trung đoàn MiG-17 F (32 máy bay chiến đấu + 10 cơ số đạn + 5 cơ số bom); 1 trung đoàn MiG-21 F13 (24 máy bay chiến đấu + 2 máy bay huấn luyện + 10 cơ số đạn + 480 quả tên lửa + 5 cơ số bom); 12 MiG-17 F bổ sung cho tiêu hao. 1.500 quả tên lửa B-750B, 75 quả tên lửa CA-65M, 288 quả tên lửa CA-75M, hai bộ điều khiển tên lửa PCHA-75M, 7 bệ phóng tên lửa, 1 trạm lưu động trung tu khí tài tên lửa phòng không SA-75M. 150.000 viên đạn 57 ly, 2,5 triệu viên đạn 12,7 ly, 1,5 triệu viên đạn 14,5 ly, 3 triệu viên đạn 37 ly và 2 trạm khí tượng, rađa pháo mặt đất, cao xạ”[14]. Trả lời yêu cầu của Việt Nam, ngày 4 -5-1967, Liên Xô gửi thư thông báo về nội dung viện trợ quân sự, không chỉ đáp ứng đầy đủ, mà còn quyết định giúp đỡ thêm lương thực[15].
Về viện trợ quân sự trong năm 1968 (thời gian Việt Nam chuẩn bị và thực hiện cuộc Tổng tiến công chiến lược Mậu thân 1968), theo thống kê của Tổng cục 10[16], Bộ Quốc phòng Liên Xô, “Liên Xô viện trợ cho Việt Nam 357 triệu rúp (tương đương 369,7 triệu USD[17]), chiếm 2/3 tổng toàn bộ viện trợ mọi mặt”[18], còn Viện IISSđưa ra con số: “Năm 1968, viện trợ quân sự của Liên Xô cho Chính phủ Bắc Việt Nam  đạt 542 triệu rúp (tương đương với 209 triệu USD), trong đó 361 triệu rúp không hoàn lại”[19]. Như vậy, con số từ hai nguồn thống kê trên có sự chênh lệch và cách quy đổi tỷ giá hối đoái của Viện IISS thấp hơn một nửa so với quy định của Bộ Tài chính Liên Xô. Số liệu thống kê về viện trợ trong năm 1968 của Viện IISS gần với số liệu báo cáo của Bộ Quốc phòng Liên Xô về viện trợ trong hai năm 1966-1967: “Tổng trị giá viện trợ trang thiết bị quân sự cho Việt Nam từ tháng 1-1966 đến tháng 12-1967 là 500 triệu rúp (xấp xỉ 550,5 triệu USD)”[20]. Về phía Việt Nam, trong các tài liệu lưu trữ, chỉ có số liệu thống kê chung cho cả ba năm 1965-1968: Khối lượng viện trợ là 257.912 tấn, trị giá ước khoảng 1.173 triệu rúp[21] (khối lượng này theo Thống kê số liệu viện trợ quốc tế, Bộ Quốc phòng là 226.969 tấn[22], có sự chênh lệch, song không đáng kể). Theo đánh giá chung, những năm 1965-1968, Liên Xô là nước viện trợ quân sự chủ yếu với trị giá lớn nhất cho Việt Nam. Báo cáo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng Việt Nam cho thấy “Liên Xô viện trợ nhiều nhất vào hai năm 1965 - 1967, có nhiều loại vũ khí tương đối hiện đại, nhưng phần lớn đã qua sử dụng, trừ MiG -21, ĐKZ- B, cao xạ 23 ly, xe kéo pháo bánh xích, ô tô”[23].
Những năm 1969-1972, theo Thống kê số liệu viện trợ quốc tế,Bộ Quốc phòng, mức viện trợ quân sự của Liên Xô cho Việt Nam đạt 143.793 tấn[24]. Giai đoạn 1965-1971, theo số liệu của các nhà nghiên cứu Liên bang Nga, "tổng giá trị viện trợ quân sự của Liên Xô cho Việt Nam là 1 tỷ 579 triệu USD, tính trung bình vào khoảng 2 triệu UDS/ ngày”[25]. Về các loại vũ khí chiến lược, trong giai đoạn này,“Việt Nam nhận được từ Liên Xô 2.056 xe tăng, 1.708 xe bọc thép, 7.000 khẩu súng và súng cối, hơn 5.000 khẩu pháo cao xạ và bệ đỡ, 158 tổ hợp tên lửa, hơn 700 máy bay chiến đấu, 120 máy bay trực thăng, 100 tàu chiến”[26]. Ngoài ra, “Liên Xô giúp Việt Nam xây dựng và đưa vào sử dụng 117 cơ sở quốc phòng”[27].Trong những năm 1965-1972, riêng tên lửa phòng không, “Liên Xô đã cung cấp cho Việt Nam 95 tổ hợp SA-75 Dvina và 7.658 tên lửa”[28]. Năm 1972, khi Mỹ tiến hành chiến dịch Linebacker II, Liên Xô gửi gấp sang Việt Nam một số tên lửa S-125 (SAM 3), song do triển khai chậm, nên các tên lửa này đã không kịp tham gia chiến đấu[29].
Không chỉ viện trợ trang bị kỹ thuật, Liên Xô còn giúp Việt Nam đào tạo cán bộ, chiến sĩ để tiếp nhận, sử dụng hiệu quả vũ khí viện trợ, nhất là những vũ khí hiện đại. Báo cáo của Đại sứ quán Liên Xô tại Việt Nam cho biết: “Riêng năm 1966, đã có 2.600 người Việt Nam được gửi đào tạo ngành không quân và phòng không tại Liên Xô. Trong năm 1966, Liên Xô đào tạo cho Việt Nam đội ngũ đủ để xây dựng một trung đoàn phòng không, kỹ thuật viên cho một trung đoàn không quân và hàng chục phi công”[30]. Tháng 2-1966, “Chủ tịch Đảng Cộng sản Canada, Tim Buck trả lời phỏng vấn Radio Djakarta,đưa ra một thông tin về khoảng 5.000 người Việt Nam đã được đào tạo từ năm 1965 đến 1966 ở Liên Xô để phục vụ trong lực lượng phòng không, không quân”[31]. Chủ tịch Tim Buck cũng nói thêm rằng, đây là thông báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Canada đến thăm Hà Nội vào cuối năm 1965. Theo Thượng tướng A.I.Hyupenen, Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam (1972-1975), “riêng năm 1966, 1.342 người lính Việt Nam bắt đầu học tập trong các trường quân sự của Liên Xô; trong hai năm 1966 -1967, các cơ sở giáo dục quốc phòng Liên Xô đã đào tạo cho Việt Nam khoảng 3.000 quân nhân”[32], đến hết năm 1975, “Liên Xô đào tạo cho Việt Nam ước tính là 13,5 nghìn quân nhân”[33]. Mặc dù gặp phải rào cản ngôn ngữ, trình độ, song các học viên Việt Nam đã nắm bắt kiến thức nhanh chóng, nỗ lực hoàn thành các khóa học.
3. Gửi chuyên gia quân sự sang Việt Nam
Ngoài việc tăng số lượng và chủng loại vũ khí trang bị, Liên Xô đề nghị gửi một số đơn vị sang bảo vệ khu vực Hà Nội, Hải Phòng, gồm: “Một lữ đoàn tên lửa, hai trung đoàn phòng không và các đơn vị kỹ thuật, bảo đảm; một phân đội máy bay MiG-21 (trong đó có 12 máy bay chiến đấu), một tiểu đoàn địa cầu, một tiểu đoàn trinh sát kỹ thuật”[34]. Phía Liên Xô dự kiến khi các đơn vị trên sang Việt Nam, Việt Nam sẽ giao nhiệm vụ chiến đấu, Liên Xô chỉ huy chiến đấu, thời gian ở Việt Nam một năm, chi phí hoạt động do Liên Xô đảm bảo, cơ sở đóng quân và bảo vệ do Việt Nam đảm nhiệm, các phân đội máy bay sử dụng sân bay Nội Bài và Cát Bi; việc ký kết hiệp định về các vấn đề nêu trên ở Hà Nội sẽ thông qua Ủy ban kinh tế hai bên. Vì một số lý do khách quan và để tránh va chạm với Trung Quốc, Bộ Chính trịĐảng Lao động Việt Namquyết nghị không nhận các đơn vị chiến đấu của Liên Xô gửi sang Việt Nam, mà xin trang bị, đề nghị Liên Xô cử chuyên gia sang giúp.
Tại cuộc hội đàm ngày 27-3-1965(Hà Nội), trong năm 1965, Liên Xôquyết định cử 290 chuyên gia giúp huấn luyện kỹ thuật cho lữ đoàn tên lửa phòng không, 14 chuyên gia huấn luyện phi công và nhân viên kỹ thuật hàng không, 14 chuyên gia giúp huấn luyện cho hải quân, tổng số tất cả là 318 người[35].
Ngày 6-7-1965, Hội đồng Bộ trường Liên bang Cộng hòa XHCN Xô-viết ban hành Quyết định № 525-200,Về việc thành lập Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa[36]dù biết rằng sự có mặt của các chuyên gia quân sự Xô-viết tại Việt Nam là một mạo hiểm cho hòa hoãn Xô – Mỹ. Quyết định № 525-200 nêu rõ nhiệm vụ của Đoàn chuyên gia: “Trong thời gian ngắn nhất, giảng dạy và huấn luyện lực lượng Phòng không-không quân Việt Nam đủ khả năng tác chiến”[37]. Công tác chuẩn bị gửi chuyên gia quân sự sang Việt Nam đã được Nhà nước Xô viết, Bộ Quốc phòng Liên Xô khẩn trương xúc tiến, thực hiện chu đáo, kỹ lưỡng. Các chuyên gia quân sự phải đáp ứng những yêu cầu cao về trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị, sức khỏe…. Ứng viên vào các vị trí chỉ huy được lựa chọn gắt gao và bắt buộc phải qua được "cửa ải" khắt khe của Tổng cục 10, Bộ Tổng tham mưuvà sau đó là cuộc phỏng vấn – thẩm định của Tổng tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Xô-viết[38]. Hầu hết các chuyên gia đều là những sĩ quan, hạ sĩ quan từng tham gia cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại và chiến tranh Triều Tiên 1953, được tôi luyện, dày dạn kinh nghiệm chiến đấu, trình độ kỹ thuật – quân sự cao và là vốn quý của lực lượng vũ trang Liên Xô. Sau thời gian chuẩn bị, chọn lựa, Ban chỉ huy Đoàn chuyên gia đầu tiên được chỉ định, gồm: Chỉ huy trưởng Thiếu tướng G.A. Belov[39]; Phó Chỉ huy trưởng phụ trách chính trị Đại tá M. Borisenko và Trưởng nhóm chuyên gia Phòng không Đại tá A.M. Dưza[40].Từ năm 1967, Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam qua các thời kỳ là: Thượng tướng Abramov (1967-1969; Trung tướng B.A. Stolnikov (1968-1970); Thiếu tướngN.K. Maksimenko (1970-1972) và Thượng tướng A. I.Hyupenen (1972-1975)[41].
Tháng 4-1965, Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô đầu tiên có sĩ số 100, dưới sự chỉ huy của Đại táA.M. Dưza đã đến Việt Nam với nhiệm vụ “nhanh chóng huấn luyện và đưa vào chiến đấu hai trung đoàn Phòng không Quân đội Nhân dân Việt Nam”[42]. Cũng trong tháng 4-1965, Trung tâm huấn luyện quân sự dưới sự chỉ huy của Đại tá M.Tsygankov đã đến Việt Nam; trên cơ sở đó, hình thành hai Trung tâm huấn luyện quân sự số 1 và 2. Từ ngày mùng 1-5 đến 15-5-1965, Bộ Quốc phòng Liên Xô gửi đến Việt Nam thêm hai Trung tâm huấn luyện quân sự[43]. Trong một thời gian ngắn, cả bốn Trung tâm đã đi vào hoạt động, “đến cuối năm 1966, số lượng chuyên gia quân sự Liên Xô tại 4 trung tâm huấn luyện lên đến 786 người”[44]. Từ tháng 6-1965 đến tháng 5-1967, “Bộ Quốc phòng Liên Xô đã gửi sang Việt Nam thêm 6 Trung tâm huấn luyện tên lửa –phòng không, mỗi một Trung tâm đảm nhiệm huấn luyện một trung đoàn Phòng không Việt Nam”[45]. Tính ra, “từ tháng 4-1965 đến tháng5-1966, đã có 2.266 chuyên gia Phòng không Liên Xô đến Việt Nam”[46] và trong khoảng thời gian đó, “các chuyên gia quân sự Liên Xô đã đào tạo tại chỗ 10 trung đoàn tên lửa phòng không, 3 trung đoàn kỹ thuật vô tuyến, 2 trung đoàn không quân tiêm kích”[47].
Để lắp ráp, bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa, phục hồi các khí tài bị hư hại, kiểm tra mức độ sẵn sàng chiến đấu, Liên Xô cử đến Việt Nam một đội ngũ chuyên gia kỹ thuật quân sự. Họ hoàn thành “những loại công việc mà ngay tại Liên Xô, để thực hiện chúng, cần phải có những thiết bị đặc biệt của những xưởng cố định”[48]. Tại sân bay quân sự Nội Bài có các phi công quân sự Liên Xô “làm nhiệm vụ huấn luyện các chiến sĩ Không quân Việt Nam kỹ thuật hàng không và kỹ thuật lái máy bay”[49]. Họ bay trên những chiếc máy bay kiểu Xpáccơ không được trang bị vũ khí, hoặc những máy bay chiến đấu MiG-21U trong tình trạng bất cứ lúc nào sân bay cũng có thể bị phong tỏa và những chiếc Xpáccơ có tốc độ chậm có thể bị bắn hạ. Hàng đêm, “các phi công Liên Xô đã tìm cách thực hiện xoay vòng được 20 chuyến bay huấn luyện, hoặc nhiều hơn”[50]. Không hiếm trường hợp, máy bay luyện tập do chuyên gia Liên Xô điều khiển bị máy bay Mỹ truy đuổi và các phi công đã phải hạ cánh thẳng xuống sân bay, không có các thiết bị định vị. Cùng với các chuyến bay huấn luyện, các phi công Liên Xô còn đảm nhận những nhiệm vụ khác như “thực hiện các chuyến bay thử nghiệm kiểm tra sau khi bảo trì trong mọi điều kiện thời tiết và thời gian trong ngày”[51].
Năm 1964, Liên Xô và Việt Nam đã ký một Hiệp định, theo đó, “Việt Nam Dân chủ Cộng hoà giúp Liên Xô thu thập, đánh giá những mẫu vũ khí và trang thiết bị quân sự Mỹ”[52]. Đầu năm 1965, Tổng cục 10, Bộ Tổng tham mưu Quân đội Liên Xô thành lập nhóm chuyên gia quân sự thu nhặt, nghiên cứu chiến lợi phẩm của Mỹ và tháng 10-1965, Đoàn chuyên gia khoa học quân sự, “gồm các chuyên viên cao cấp của các Học viện quân sự, Viện nghiên cứu khoa học Bộ Quốc phòng, các chuyên gia - cán bộ thiết kế ngành công nghiệp quốc phòng, chuyên gia điện tử, thiết bị dẫn đường, thông tin liên lạc”[53]… sang đến Việt Nam và lập tức bắt tay nghiên cứu. Từ năm 1965 đến năm 1974, Liên Xô đã gửi sang Việt Nam tất cả “40 chuyên gia quân sự cao cấp các ngành công nghiệp quốc phòng”[54] cho mục đích trên. Từ tháng 5-1965 đến tháng 1-1967, nhóm chuyên gia “lượm lặt, lựa chọn và gửi về Liên Xô hơn 700 chủng loại thiết bị quân sự và vũ khí Mỹ”[55]. Trên cơ sở dữ liệu thu thập được, các chuyên gia quân sự Liên Xô biên soạn những tài liệu quân sự giá trị, “đưa những đề xuất điều chỉnh các loại vũ khí của Liên Xô có tính năng phù hợp hoặc vượt trội chống lại trang thiết bị quân sự của Mỹ”[56]; cho phép “giảm đáng kể chi phí và thời gian nghiên cứu sản xuất những vũ khí tương tự, thúc đẩy nền công nghiệp quốc phòng Xô-viết phát triển nhanh chóng”[57].
Từ cuối năm 1966 đến tháng 5-1968, Liên Xô gửi sang Việt Nam ba nhóm chuyên gia khoa học quân sự: Nhóm chuyên gia khoa học tên lửa[58], nhóm chuyên gia công nghiệp quốc phòng (85 người)[59], nhóm chuyên gia quân sự gây nhiễu và tác chiến điện tử (do Trung tá V.X. Kixilov chỉ huy)[60]. Ba nhóm chuyên gia nêu trên có nhiệm vụ nghiên cứu, cải tiến hệ thống tên lửa phòng không S-75, cải tiến bộ khí tài tên lửa, tìm ra phương thức gây nhiễu và chống nhiễu hiệu quả. Các chuyên gia quân sự Liên Xô nỗ lực làm việc trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt, sinh hoạt khó khăn và trong một thời gian ngắn đã kịp thời chuyển giao kết quả nghiên cứu, góp phần nâng cao đáng kể hiệu suất chiến đấu cho lực lượng cho Phòng không - không quân Việt Nam.
Từ tháng 4-1965 đến tháng 12-1974, Liên Xô cử một đội tầu tình báo Hải quân thuộc Hạm đội Thái Bình Dương (trong đó có những tàu ngầm thuộc loại hiện đại nhất) “thường trực tại khu vực biển Đông – Vịnh Bắc Bộ - đảo Gyam với nhiệm vụ trinh sát, đảm bảo hoạt động chiến đấu cho các đơn vị vũ trang Xô-viết và Việt Nam”[61]. Tình báo Hải quân Liên Xô theo dõi và cung cấp thông tin về thời gian cất cánh, chiến thuật đánh phá của máy bay Mỹ, hoạt động của các chiến hạm Mỹ phong tỏa bờ biển Việt Nam. Trong năm 1965, “đội tàu ngầm của Liên Xô đã tiến hành 12 lượt trinh sát tại vùng biển Philippines và biển Đông; trong năm 1966, số lượng trinh sát tại các vùng biển nêu trên tăng hơn gấp đôi, đạt 27 lần”[62]. Những năm 1964-1974, trong vùng biển Việt Nam vàvùngbiển gần Việt Nam, thường xuyêncó “17 đội tàu trinh sát liên tục hoạt động, thực hiện 94 lượt trinh sát, mỗi lượt kéo dài từ 3-4 tháng’[63]. Nhờ các thông tin tình báo do Hạm đội Thái Bình Dương cung cấp, lực lượng Phòng không – không quân Việt Nam luôn chủ động di chuyển, ẩn tránh, hoặc đón đánh Thần Sấm, B-52.
Từ tháng 10-1968 đến cuối năm 1972, nhằm giúp Việt Nam chống lại chiến lược phong tỏa bờ biển của Mỹ, rà phá bom mìn trên các cửa cảng, Liên Xô gửi đến nhóm chuyên gia bom mìn (Chỉ huy trưởng, Đại tá Hải quân S. Buito), các thợ lặn Hải quân (Chỉ huy trưởng, Chuẩn úy V.Palamarchuk)[64]. Bên cạnh đó, trong khu vực Vịnh Bắc Bộ, sát hải phận Việt Nam, “hai chiếc tàu gỡ mìn và vớt thủy lôi số hiệu PR.264A "MT-4", "MT-5" dưới sự chỉ huy của Đại tá D.T. Lukas tích cực rà tìm, phá nổ bom mìn, giải tỏa vùng biển”[65]. Được sự trợ giúp của các chuyên gia bom mìn Xô viết, các cửa cảng nhanh chóng được mở trở lại, đón những chuyến hàng viện trợ, tăng cường tiềm lực cho Việt Nam trên chặng đường cuối cùng giải phóng đất nước.
Theo thống kê của Tổng cục tác chiến, Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Liên Xô, "từ ngày 11-7-1965 đến ngày 31-12-1974, có 6.359 sĩ quan, tướng lĩnh và hơn 4.500 binh sĩ, hạ sĩ quan các lực lượng vũ trang Liên Xô tham gia chiến đấu tại Việt Nam”[66]; “13 chuyên gia quân sự Liên Xô đã hy sinh”[67]. Vì lòng quả cảm, tinh thần chiến đấu quên mình và những đóng góp to lớn đối với nhân dân Việt Nam, “2.190 chuyên gia quân sự được tặng các phần thưởng của Nhà nước Liên Xô, hơn 3.000 chuyên gia quân sự được tặng thưởng các huân chương và huy chương của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”[68].
4Những con sóng ngầm
Các trang bị vũ khí, khí tài Liên Xô viện trợ đã phát huy tác dụng tích cực trên chiến trường miền Nam Việt Nam, đẩy mạnh tác chiến hiệp đồng binh chủng, góp phần đánh thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc. Với sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô, tiềm lực quốc phòng của Việt Nam được tăng cường nhanh chóng. Đến cuối năm 1965, bộ đội chủ lực miền Bắc tăng từ 195.000 người lên 400.000 người, các quân, binh chủng tăng gấp ba lần so với năm 1964. Riêng Quân chủng Phòng không - Không quân phát triển vượt bậc với pháo phòng không, tên lửa đất đối không, ra đa cảnh giới, không quân tiêm kích… bố trí thành thế trận liên hoàn có thể đánh địch ở những độ cao khác nhau, vừa bảo đảm tác chiến rộng khắp, vừa có thể tập trung lực lượng bảo vệ những trọng điểm giao thông, những khu vực quốc gia trọng yếu. Thắng lợi của nhân dân Việt Nam chống chiến tranh phá hoại nói riêng, trong kháng chiến chống Mỹ nói chung không tách rời sự ủng hộ, giúp của Liên Xô. Song bên cạnh đó, tranh thủ sự ủng hộ cũng như nhận sự giúp đỡ, viện trợ củaLiên Xô không phải mọi lúc, mọi nơi đều “xuôi chèo, mát mái”…
Trong khối xã hội chủ nghĩa, Liên Xô và Trung Quốc là hai quốc gia có tiềm lực kinh tế, quân sự và ảnh hưởng chính trị to lớn, quan trọng, hàng đầu không chỉ trong nội bộ khối, mà cả trên thế giới. Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam đứng trước những thách thức, trở ngại, khó khăn, Liên Xô, Trung Quốc cũng là hai nước chủ yếu viện trợ, giúp đỡ Việt Nam kháng chiến. Tuy nhiên, mâu thuẫn Xô – Trung là một trong những trở ngại chính, ảnh hưởng đến hiệu quả ủng hộ, đến khả năng phối hợp hành động.
Ở vào bối cảnh quan hệ với Trung Quốc rơi vào “điểm chết”, Trung Quốc thậm chí đã coi Liên Xô là “kẻ thù số một” còn nguy hiểm hơn cả Mỹ, không ngừng tập hợp lực lượng, tuyên truyền, vận động chống Liên Xô, Liên Xô luôn lo ngại ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Việt Nam. Liên Xô phê bình Việt Nam để “cái bóng Bắc Kinh” phủ xuống quan hệ Việt – Xô, Việt Nam “thiên vị Trung Quốc”, phụ thuộc vào Trung Quốc trong đường lối đánh Mỹ và đường lối quốc tế, để bàn tay của Trung Quốc nhúng sâu vào chiến tranh Việt Nam. Liên Xô chỉ trích Việt Nam: “Khi Trung Quốc vu khống Liên Xô, Việt Nam không phản đối, chỉ im lặng, mà im lặng tức là đồng ý”[69]. L.I.Breznierv từng nhận xét: “Chúng tôi nhìn thấy ở Việt Nam những biểu hiện phản ánh sự phụ thuộc vào Trung Quốc”[70].
Giúp đỡ Việt Nam, Liên Xô mong muốn Việt Nam đứng hẳn về phía Liên Xô, yêu cầu Việt Nam “phải lựa chọn dứt khoát một con đường hoặc dựa vào Liên Xô hoặc tiếp tục liếc nhìn Trung Quốc”[71]. Để kéo Việt Nam ra xa Trung Quốc, Liên Xô tìm cách đẩy Việt Nam xích mích với Trung Quốc, yêu cầu Việt Nam tự đàm phán về vận chuyển hàng quá cảnh của Liên Xô qua lãnh thổ Trung Quốc, hy vọng qua đó, Việt Nam nhận ra bản chất của người anh em “môi hở răng lạnh”.
Trong điều kiện mâu thuẫn Xô – Trung ngày càng trầm trọng, Liên Xô chủ trương vận động Trung Quốc phối hợp hành động, vừa nhằm tạo thuận lợi cho việc ủng hộ Việt Nam chống Mỹ, vừa nhằm đặt Trung Quốc vào thế khó xử nếu không chấp thuận.Liên Xô cảnh báo Việt Nam: “Phải để mắt tới các hoạt động của họ, cụ thể là việc vận chuyển vũ khí và huấn luyện quân sự của họ. Nếu không, quan hệ giữa hai nước chúng ta có thể chuyển từ tốt sang xấu, ảnh hưởng đến hợp tác giữa hai nước”[72].
Khi Mỹ tăng cường sự hiện diện quân sự ở Đông Nam Á và Trung Quốc - đối thủ cạnh tranh của Liên Xô đang tích cực mở rộng ảnh hưởng tại khu vực này, Liên Xô khởi động lại chính sách châu Á, coi Việt Nam "là một kênh quan trọng giúp Liên Xô có thể thâm nhập vào khu vực Đông Nam Á, cô lập, ngăn cản chiến lược mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc, không rơi vào thế yếu một khi Trung Quốc hòa hoãn với Hoa Kỳ"[73]. Vì thế, viện trợ cho Việt Nam, giúp Việt Nam kháng chiến chống Mỹ, Liên Xô còn có mục tiêu kiềm chế Trung Quốc, lan tỏa ảnh hưởng, làm cho Việt Nam gắn bó chặt chẽ và phụ thuộc Liên Xô hơn. Tháng 4-1968, Liên Xô đề nghị đặt một hệ thống cố vấn quân sự từ Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu, các Cục chủ yếu của Bộ Tổng tham mưu, Tổng Cục hậu cần, các quân chủng đến các đơn vị quân đội Việt Nam có trang bị vũ khí của Liên Xô với tổng số khoảng 273 người[74]. Trong cuộc gặp gỡ cấp cao tháng 3-1967, Liên Xô gợi ý cử cố vấn bên cạnh Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam[75]. Về yêu cầu của Liên Xô, Thủ tướng Phạm Văn Đồng chỉ thị không đồng ý chấp nhận, song xử lý phải hết sức khéo léo.
Một cách tổng quát, những năm 1965-1972,nhìn  nhận, phân tích những mảng khuất đằng sau sự ủng hộ, giúp đỡ củaLiên Xô đối với Việt Nam, có thể thấy:
Một là,thái độ tiêu cực của Liên Xô đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam ở một số thời điểm, trong một số vấn đề dừng lại ở giới hạn nhất định. Dù còn có những quan điểm không thống nhất với Việt Nam, song nhìn chung, Liên Xô chủ yếu trao đổi, bàn bạc, ít khi áp đặt, không ra điều kiện, không ra tối hậu thư, các bất đồng giữa Liên Xô và Việt Nam không bị trầm trọng hóa, dừng lại trong phạm vi hẹp.
Hai là, Liên Xô giúp Việt Nam vì nghĩa vụ với đồng minh, vì sự gắn bó ý thức hệ, vì tình cảm của nhân dân Liên Xô đối với Việt Nam, song còn vì Việt Nam kiềm chế, làm cho Mỹ suy yếu, sa lầy có lợi cho Liên Xô, tạo điều kiện để Liên Xô cân bằng thế  chiến lược với Mỹ. Hết lòng giúp Việt Nam, Liên Xô còn có mục tiêu đề cao vị thế trong phong trào cách mạng thế giới, tranh thủ các nước dân tộc, làm thất bại tính toán mở rộng vùng ảnh hưởng ở Đông Nam Á và khả năng “nói chuyện” với Mỹ của Trung Quốc – đối thủ mà về lâu về dài, Liên Xô cho rằng sẽ hết sức nguy hiểm.
Thứ ba,ủng hộ Việt Nam chống Mỹ, cứu nước, ngoài yếu tố ý thức hệ, Liên Xôđồng thời theo đuổi, thực hiện và đảm bảo những lợi ích quốc gia riêng, dung hòa giữa lợi ích quốc gia dân tộc với yếu tố ý thức hệ, trong đó lợi ích quốc gia là yếu tố bất biến, quyết định. Đó cũng là cơ sở, là điểm quy chiếu quan trọng cho việc nhìn nhận, lý giải, đánh giá mức độ, cách thức, yêu cầu và mục tiêu… của từng giai đoạn, nội dung và cách thức ủng hộ của Liên Xôđối với Việt Nam trong nhữngnăm kháng chiến chống Mỹ.



[1]Letter from Allen S. Whiting to Henry Kissinger, 16 August 1969, enclosing report, "Sino-Soviet Hostilities and Implications for U.S. Policy",National Archives, Nixon Presidential Materials Project, box 839, China.
[2]Alexander OkorokovNhững cuộc chiếntranh mật của Liên Xô, Nxb. Yauza, Eksmo,M, 2008, (tiếng Nga), tr. 189.
[3]Soviet TacticsConcerningVietnam15 July 1965, CIA  Released Documents,  National Archivesand Records Administration, Special Memorandum RO,13-65.
[4]Đảng Cộng sản Liên Xô qua các nghị quyết, quyết định của các đại hội, hội nghị và các phiên họp toàn thể của Ủy ban Trung ương(1898-1986), Nxb Chính trị, M, 1983, tr. 378.
[5]Bản ghi nhớ về viện trợ quân sự giữa Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Đại diện Chính phủ Liên bang các nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết, ngày 21-10-1965, Trung tâm lưu trữ quốc gia Liên bang Nga, phông 17, đơn vị bảo quản số 165, hồ sơ số 140, tài liệu số 55, tr.2.
[6]Alexander OkorokovNhững cuộc chiếntranh bí mật của Liên Xô, Sđd, tr. 189.
[7]Từ năm 1965 đến năm 1972, Việt Nam và Liên Xô đã ký kết gần 20 thỏa thuận, cam kết, ghi nhớ và hiệp định về viện trợ quân sự.
[8]Báo cáo của Tổng cục 10, Bộ Quốc phòng, Liên bang các nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết, ngày 30-5-1965(tài liệu giải mật), Trung tâm lưu trữ quốc gia Liên bang Nga, phông 585, đơn vị bảo quản số 4, hồ sơ số 114, tài liệu số 15, tr.4.
[9]Báo cáo của Bộ Ngoại giao Liên bang các nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết, ngày  26-10-1965, Trung tâm lưu trữ quốc gia Liên bang Nga, phông 17, đơn vị bảo quản số 165, hồ sơ số 140, tài liệu số 55, tr.2.
[10]Sources of Military Equipment to North Vietnamese Military Forces,1975, Archives,The International Institute For Strategic Studies, Volume I,p.5.
[11]Báo cáo của Bộ Ngoại giao Liên bang các nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết, ngày  28-12-1967, Trung tâm lưu trữ quốc gia Liên bang Nga, phông 17, đơn vị bảo quản số 165, hồ sơ số 152, tài liệu số 5, tr.3.
[12]Sources of Military Equipment to North Vietnamese Military Forces,1975, Tlđd,p.7.
[13]Thư đề nghị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà gửi Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô và Hội đồng Bộ trưởng Liên bang Xô-viết về viện trợ quân sự khẩn cấp trong năm 1967, ngày 3-6-1967,tài liệu trữ Bộ Quốc phòng, phông BTTM, hồ sơ 1146.
[14]Thư đề nghị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà gửi Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô và Hội đồng Bộ trưởng Liên bang Xô-viết về viện trợ quân sự khẩn cấp trong năm 1967, ngày 3-6-1967,Tlđd.
[15]Thư đề nghị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà gửi Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô và Hội đồng Bộ trưởng Liên bang Xô-viết về viện trợ quân sự khẩn cấp trong năm 1967, ngày 3-6-1967,Tlđd.
[16]Tổng cục Hợp tác quân sự quốc tế, trực thuộc Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Liên Xô, trực tiếp điều phối và thực hiện viện trợ quân sự cho Việt Nam.
[17]Tỷ giá quy đổi USD theo tỷ giá hối đoái chính thức của Liên Xô:1USD =0,9 rúp.
[18]Báo cáo của Tổng cục 10, Bộ Quốc phòng, Liên bang các nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết,ngày 30-12-1968, Trung tâm lưu trữ quốc gia Liên bang Nga, phông 585, đơn vị bảo quản số 4, hồ sơ số 145, tài liệu số 21, tr.6.
[19]Sources of Military Equipment to North Vietnamese Military Forces,1975, Archives,The International Institute For Strategic Studies, Volume II,p.7.
[20]Báo cáo của Tổng cục 10, Bộ Quốc phòng, Liên bang các nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết,ngày 30-12-1967, Trung tâm lưu trữ quốc gia Liên bang Nga, phông 585, đơn vị bảo quản số 4, hồ sơ số 142, tài liệu số 26, tr.7.
[21]Tổng hợp số liệu, (tài liệu họp Quân ủy Trung ương), Quân ủy Trung ương, 1969, Tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ, Bộ Quốc phòng, tr.119.
[22]Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng, Thống kê số liệu viện trợ quốc tế, hồ sơ 795, sô 15.
[23]Bộ Tổng tham mưu, Báo cáo Thường trực Quân uỷ Trung ương về đề nghị các nước xã hội chủ nghĩa viện trợ quân sự năm 1968,ngày 8-5-1967, tài liệu trữ Bộ Quốc phòng, phông BTTM, hồ sơ 1150.
[24]Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng, Thống kê số liệu viện trợ quốc tế, Sđd.
[25]V.A. Zolotareva (chủ biên): Nước Nga (Liên Xô) trong các cuộc chiến tranh cục bộ và các xung đột vũ trang nửa sau thế kỷ XX, Nxb. Politresyrxu, M, 2000, (tiếng Nga), tr.100.
[26]V.A. Zolotareva (chủ biên): Nước Nga (Liên Xô) trong các cuộc chiến tranh cục bộ và các xung đột vũ trang nửa sau thế kỷ XX, Sđd, tr.100.
[27]V.A. Zolotareva (chủ biên): Nước Nga (Liên Xô) trong các cuộc chiến tranh cục bộ và các xung đột vũ trang nửa sau thế kỷ XX, Sđd, tr.100.
[28]Báo cáo của Tổng cục 10, Bộ Quốc phòng, Liên bang các nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết,ngày 30-12-1972, Trung tâm lưu trữ quốc gia Liên bang Nga, phông 585, đơn vị bảo quản số 4, hồ sơ số 150, tài liệu số 25, tr.8.
[29]Alexander OkorokovNhững cuộc chiếntranh bí mật của Liên Xô, Sđd, tr. 326.
[30]Báo cáo của Đại sứ quan SSSR tại Việt Nam gửi  Bộ Ngoại giao Liên bang các nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết, ngày  25-12-1966, Trung tâm lưu trữ quốc gia Liên bang Nga, phông 17, đơn vị bảo quản số 165, hồ sơ số 142, tài liệu số 12, tr.8.

[31]States of Sovist and Chinese Military Aid to North Vietnam,Special Report, Page 5, Central- intelligence agency,CIA  Released Documents,  National Archivesand Records Administration.

[32]A.I.Hyupenen, Hỗ trợ kỹ thuật quân sự của Liên Xô cho Việt Nam trong chiến tranh chống Mỹ, Tuyển tập “Chiến tranh Việt Nam: Nhìn lại qua tháng năm…”, M, 2000, (tiếng Nga), tr.44.
[33]Báo cáo của Tổng cục 10, Bộ Quốc phòng, Liên bang các nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết, ngày 30-12-1975, Trung tâm lưu trữ quốc gia Liên bang Nga, phông 585, đơn vị bảo quản số 4, hồ sơ số 160, tài liệu số 20, tr.9.
[34]Sổ công tác của Đại tướng Văn Tiến Dũng, Tlđd, quyển 12.
[35]Sổ công tác của Đại tướng Văn Tiến Dũng, quyển 12, Tlđd.
[36]Alexander OkorokovNhững cuộc chiếntranh bí mật của Liên Xô, Sđd, tr. 345.
[37]Alexander OkorokovNhững cuộc chiếntranh bí mật của Liên Xô, Sđd, tr. 348
[38]Alexander OkorokovNhững cuộc chiếntranh bí mật của Liên Xô, Sđd, tr. 349.
[39]Thiếu tướng G.A. Belov là Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam từ tháng 9-1965 đến tháng 10-1967. Trước đó, Đại tá A.M. Dưza phụ trách nhóm chuyên gia Phòng không từ tháng 4-1965 đến tháng 9-1965.
[40]B.V.Gromova (chủ biên): Những cuộc chiến tranh và xung đột vũ trang nửa sau thế kỷ XX, M. 2003, tr.40.
[41]B.V.Gromova (chủ biên): Những cuộc chiến tranh và xung đột vũ trang nửa sau thế kỷ XX, Sđd, tr.40.
[42]Alexander OkorokovNhững cuộc chiếntranh bí mật của Liên Xô, Sđd, tr. 349.
[43]Alexander OkorokovNhững cuộc chiếntranh bí mật của Liên Xô, Sđd, tr. 350.
[44]Tậpthể tác giả: Chiến tranh Việt Nam: Nhìn lại qua tháng năm…, M, 2000, tr.44.
[45]B.V.Gromova (chủ biên): Những cuộc chiến tranh và xung đột vũ trang nửa sau thế kỷ XX, Sđd, tr.47.
[46]B.V.Gromova (chủ biên): Những cuộc chiến tranh và xung đột vũ trang nửa sau thế kỷ XX, Sđd, tr.47.
[47]Tậpthể tác giả: Chiến tranh Việt Nam: Nhìn lại qua tháng năm…, M, 2000, tr.234.

[48]P.A.Iacolevik: Đặc thù công việc kỹ sư trưởng trung đoàn tên lửa phòng không ở Việt Nam, M, 2008, (tiếng Nga), tr.6.

[49]V.B.Alecsandrovik: Nhật ký chỉ huy trưởng nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô ở Việt Nam, M, 2008, (tiếng Nga), tr.56.
[50]V.B.Alecsandrovik: Nhật ký chỉ huy trưởng nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô ở Việt Nam, TLđd, tr. 26.
[51]I.P. Ivanovik: Những chiếc MiG trên bầu trời Việt Nam, M, 2012, (tiếng Nga), tr. 77.
[52]I.V. Gaidyk: Liên bang Xô viết và chiến tranh Việt Nam, M, 1996, (tiếng Nga), tr.30.
[53]Tậpthể tác giả: Chiến tranh Việt Nam: Nhìn lại qua tháng năm…, Tlđd, tr.342.
[54]B.V.Gromova (chủ biên): Những cuộc chiến tranh và xung đột vũ trang nửa sau thế kỷ XX, Sđd, tr.97.
[55]C.G.Ivannovik: Từ ghi chép của nhà thử nghiệm, M, 2009, tr.34.
[56]I.V. Gaidyk: Liên bang Xô viết và chiến tranh Việt Nam, Sđd, tr.30.
[57]Tậpthể tác giả: Chiến tranh Việt Nam: Nhìn lại qua tháng năm…, TLđd., tr.414.
[58]Trong nhóm chuyên gia khoa học tên lửa có nhà khoa học tài năng phụ trách thiết kế tên lửa S-75 và chuyên gia quân sự “huyền thoại I.P.Shavkun”- người đã có công lớn hiện đại hóa tên lửa phòng không SAM, được Nhà nước Việt Nam tặng thưởng huân chương “Chiến thắng” hạng 1,2,3.
[59]Tậpthể tác giả: Chiến tranh Việt Nam: Nhìn lại qua tháng năm…, TLđd., tr.424.
[60]H.H. Kolecsnik: Về sự tham gia của các chuyên gia quan hệ trong chiến tranh Việt Nam, M, 2009, (tiếng Nga), tr.99.
[61]A. Sirocorad: Những chiếc tàu trinh sát, Tạp chí Đồng đội, Số 1, 2012 (tiếng Nga), tr.14.
[62]R.Aleksandr: Những thủy thủ Xô viết giúp đỡ Việt Nam trong đấu tranh giành độc lập, chống đế quốc Mỹ, M, 2006, (tiếng Nga), tr.45.
[63]К.V. Asinhinovik: Những trang sử chưa viết của hạm đội Thái Bình Dương, M, 2008, (tiếng Nga), tr.34.
[64]R.Aleksandr: Những thủy thủ Xô viết giúp đỡ Việt Nam trong đấu tranh giành độc lập, chống đế quốc Mỹ, Tlđd, tr.46.
[65]R.Aleksandr: Những thủy thủ Xô viết giúp đỡ Việt Nam trong đấu tranh giành độc lập, chống đế quốc Mỹ, Tlđd, tr.48.
[66]Tậpthể tác giả: Chiến tranh Việt Nam: Nhìn lại qua tháng năm…, TLđd, tr.320.
[67]Tạp chí “Sư tử vàng”, số 73-74. Theo Tạp chí này, ngoài 13 chuyên gia quân sự hy sinh do bom đạn Mỹ, còn có 3 chuyên gia mất tại Việt Nam vì bệnh tật.
[68]Tậpthể tác giả: Chiến tranh Việt Nam: Nhìn lại qua tháng năm…, TLđd, tr.324.
[69]Vụ Liên Xô, Bộ Ngoại giao: Về quan hệ Việt-Xô trong giai đoạn chống Mỹ cứu nước,Tlđd, tr. 49.
[70]The Polish-Soviet Talks in Moscow: October 10-15, 1966, Andrzej Paczkowski, ed. Tajne Dokumenty Biura Politycznego PRL-ZSRR, 1956-1970. London: Aneks Publishers, 1996.
[71]Vụ Liên Xô, Bộ Ngoại giao: Về quan hệ Việt-Xô trong giai đoạn chống Mỹ cứu nước,Tlđd, tr. 49.
[72]Discussion between Zhou Enlai and Ho Chi Minh, Hanoi,1 March 1965, Ibid.
[73]АлександрОкороков: Секретные войны Советского Союза, Указ. Соч, C.152.
[74]Tài liệu lưu trữ Bộ Quốc phòng, phông Quân ủy Trung ương, hồ sơ số 569.
[75]Vụ Liên Xô, Bộ Ngoại giao: Về quan hệ Việt-Xô trong giai đoạn chống Mỹ cứu nước, Tlđd, tr. 36. 

No comments:

Post a Comment