Thursday, 6 March 2014

Mối tình thật trong tiểu thuyết của nhà văn Phan Tứ (Bùi Hữu Cường - Sức Khỏe & Đời Sống)


Mối tình thật trong tiểu thuyết của nhà văn Phan Tứ


Đọc tiểu thuyết Mẫn và tôi của Phan Tứ, cuốn sách gối đầu giường một thời của nhiều cán bộ, chiến sĩ, nhiều độc giả hẳn không quên được Mẫn và Thiêm là hai nhân vật tiêu biểu cho lớp cán bộ trẻ quả cảm, kiên cường cùng mối tình rất lãng mạn của họ. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết Mẫn là một nhân vật có thật ở ngoài đời, tên là Võ Thị Phận và từng có một người con trai với nhà văn Phan Tứ. Bà Phận hiện đã cao tuổi và trong một buổi chiều, chúng tôi được gặp bà cùng người con trai trong một ngôi nhà khang trang ở thôn 8, xã Tam Mỹ Tây, Núi Thành, Quảng Nam.
Chuyện tình đâu kém gì tiểu thuyết
Lúc chúng tôi hỏi đường đến nhà bà Phận, nhiều người nhìn chúng tôi với ánh mắt nghi hoặc. Chúng tôi vào nhà lúc bà đang ngồi trên thềm nhà, nhìn mênh mông ra phía hàng chè tầu trước nhà. Vừa nhìn thấy bà, nhà văn Phạm Thông, người chuyên viết bút ký chiến tranh của tỉnh Quảng Nam đã phải thốt lên: “Đây rồi! Đúng bà ấy rồi! Không thể tin được!”. Tháng năm đã xô những vết ngang dọc trên gương mặt của người đàn bà 72 tuổi này. Nhưng nét yêu kiều và duyên dáng của cô Mẫn xinh đẹp năm nào đã từng chỉ huy 12 đơn vị du kích của vành đai diệt Mỹ ở Chu Lai, Núi Thành, Quảng Nam vẫn còn hiển hiện, dường như sự độc ác của thời gian không ảnh hưởng nhiều đến bà. Nếu không có tấm ảnh của “tuổi 20 yêu dấu”, hẳn khó hình dung tuổi 20 của bà đẹp đến chừng nào. Có lẽ vì thế mà một con người nghiêm cẩn, đĩnh đạc như Phan Tứ không thể cầm lòng.
 Di ảnh nhà văn Phan Tứ và ảnh bà Phận hồi trẻ.
Bà Phận kể, hồi năm 1961, khi Phan Tứ về đây nằm vùng, bà đã gặp ông, nhưng hồi đầu “thấy ổng vừa già vừa xấu, tui đâu có ưng! Những lúc đi họp, đi học y tá ở Đức Phổ, Quảng Ngãi, đi tải thương, làm gì cũng thấy có ổng cả! Nhưng lúc ấy ghét ổng lắm! Lúc đó tui mới 20 tuổi, dám để ý ai. Vùng Tứ Mỹ - Kỳ Sanh này là vùng đất giải phóng đầu tiên của Quảng Nam. Khi ấy, bộ đội, cán bộ đi về như nước chảy, có biết ai là ai”. Bà vừa kể, vừa chỉ ra gốc cây mít trước sân nhà, bảo trước đó là cái hầm, “có động là lại dắt ổng chui vô đó trốn!”. Tôi lấy làm lạ bởi dù đã ở cái tuổi ngoài bảy mươi nhưng bà vẫn nhanh nhẹn, nói năng rõ ràng, khúc chiết và có sự minh mẫn khác thường. Bà kể từng chi tiết những buổi gặp của bà và Phan Tứ, nhà văn nói với bà những gì, có những sự kiện gì, ở đâu, lúc nào… bà đều nhớ như mới hôm qua đây. Và tôi thấy trong mắt bà ầng ậng nước…
Bà phá tan sự yên lặng của không gian chiều bằng giọng trầm tưởng, khi ngoài trời đang có nhiều giọt mưa lăn tăn nhỏ xuống như những giọt mưa của ký ức vun đầy và vỡ tan. “Cứ thế tui gặp ổng ngày càng nhiều hơn. Mà gặp miết sao không yêu cho được. Tui biết ổng thương tui là do ăn chén chung. Thì sáu người mà chỉ có ba cái chén. Tui với ổng một chén, người ni ăn xong chuyển sang người kia. Tui đi đâu ổng đi đó. Lúc khó khăn vì địch lùng rát quá, ổng chuyển lên cái chòi cách đây 3km, cũng mình tui đưa thức ăn, áo quần lên. Có bữa nó đi càn nhiều quá, tui về không được, ổng lo. Tui nói lẫy: “Không về được thì ở lại đây ngủ cũng được chứ răng. Ổng cười hụ hụ nói: Ừ, lâu rồi mới được nghe như rứa!..”.
Bà đột ngột hỏi: “Cậu thấy chuyện trong tiểu thuyết và chuyện thật của tui cái mô hay hơn?!”, tôi ngập ngừng còn chưa biết trả lời ra sao, bà đã nói: “Tiểu thuyết thì vẫn cứ là tiểu thuyết! Chuyện của tui còn ly kỳ và hấp dẫn hơn nhiều, mặc dù cái gì ổng cũng đưa vào tiểu thuyết hết. Từ cái chổi quét nhà, cái quạt mo, đến từng câu tui nói với ổng cũng được ghi hết. Nhưng có những thứ sau này ổng không ghi lại. Đó là hồi tui sinh…”, nói đến đó thì anh con trai bà về đến nhà. Bà chỉ: “Nó đó! Kết quả của mối tình đó!” Rồi bà kể tiếp, khi có mang, bà báo cho ông biết, lúc đó ông đang công tác cách nhà bà hơn chục kilômét. Rồi khi sinh thằng cu, bà hỏi đặt tên là chi, ông nói bà cứ đặt tên gì bà thích là được. “Lúc đầu tên nó là Uẩn, do cha tui đặt, bởi nó là đứa con của uẩn khúc, hơn nữa chiến tranh, lỡ sau này có đi lạc thì cái tên khó nghe lại dễ tìm. Sau thấy khó kêu quá nên đặt là Huẩn”. Anh Huẩn sinh năm 1963, đến nay đã gần năm mươi. Khi sinh xong, bà cùng một người chị hàng xóm bế con lên cho ông, Phan Tứ đã trao cho bà một chiếc nhẫn vàng và dặn nếu có khó khăn thì bán để lấy tiền nuôi con. Nói đến đó, bà vội vàng lục trong ngăn kéo tủ ra một vật được bọc kỹ trong mấy lớp vải. Chiếc nhẫn từ hồi đó đến giờ bà vẫn giữ như một kỷ vật…
Tôi mân mê chiếc nhẫn, rồi buột miệng: “Giải phóng rồi, ổng có về thăm lại không?!”, bà Phận rơm rớm nước mắt: “Năm 1977, nghe nói ổng về! Về đến đầu con dốc cách nhà mấy cây số, không hiểu sao ông lại quay xuống, rồi biệt từ đấy luôn, không thấy lên nữa! Sau này ổng mất, tui thường mơ thấy ổng về dắt tôi ra bờ ruộng ngồi chơi, ổng còn bảo hồi xưa ổng đi tệ quá, giờ ổng sẽ làm gì đó để bù đắp, vậy nhưng…” rồi bà khóc. Lần đầu tiên tôi chứng kiến một người già khóc vì tình yêu mới thấy đau đớn làm sao...
Những nén chịu âm thầm
Anh Huẩn ngồi tiếp chuyện với chúng tôi, thi thoảng lại thêm vào lời mẹ những đoạn rời rạc mà có nhiều uẩn khúc. Bởi cho đến tận bây giờ anh vẫn chưa được nhận là con, là cháu nhà họ Lê. Anh kể: “Cái ngày nhận được tin cha mất! Vợ chồng con cái tôi rồng rắn kéo nhau ra viếng tại Đà Nẵng. Khi thấy chúng tôi ngồi ngoài hè của ngôi nhà, cô Kinh đã hỏi: “Con là ai mà sao giống cậu Bốn nhà tôi”, tôi nói tôi là con Phan Tứ, nhưng không ai tin. Nhưng cô Kinh nói nếu đúng là con cậu Bốn thì vào lấy khăn tang, không hiểu vì sao trên đó còn một chiếc để dành lại!”. Nói đến đó, anh Huẩn sụt sùi. Sự thật ấy cho đến tận bây giờ vẫn rất ít người biết. Mọi người trong gia đình họ Lê không ai công nhận Phan Tứ còn có một người con riêng trong những năm ông sống và chiến đấu ở chiến trường Nam Quảng Nam. Nhưng có nhiều người, trong đó có những người đã từng sống cùng thời với Phan Tứ ở đây đều biết.
 Chiếc nhẫn vàng kỷ vật của Phan Tứ trao lại cho bà Phận.
Một lý do khác mà anh Huẩn vẫn chưa được thừa nhận là bởi có thông tin mẹ anh, tức bà Phận theo địch. Bà Phận ngậm ngùi nói: “Hồi đó tui làm công tác binh địch vận, phải tiếp xúc với địch để thu thập thông tin. Chính nhờ thế đã rất nhiều lần tui báo tin và dẫn dụ địch cho cách mạng tiêu diệt, cũng như tác động để địch cởi bỏ vũ khí…, nhưng bây giờ người ta cứ vin vào chuyện tôi thường qua lại với địch để làm khó dễ…”. Nếu với những chiến tích và công trạng như thế, bà Phận phải có huân, huy chương hay chí ít cũng là một tấm bằng khen. Nhưng nhìn quanh nhà không hề thấy. Một điều nữa là chính quyền huyện Núi Thành cũng như tỉnh Quảng Nam đã mất hơn ba năm đi thanh tra thân thế và các mối quan hệ cũng như những thành tích của bà, đã ra những quyết định khẳng định bà không theo địch. Thế nhưng đến nay bà vẫn chưa được một chế độ, chưa được công nhận những thành tích chiến đấu ngày nào. Và anh Huẩn, con trai bà Phận cũng vì điều đó nên mặc dù đã công tác trong ngành giáo dục hơn 25 năm vẫn chưa được đề bạt lên một chức vụ gì tương xứng với khả năng và những đóng góp của mình. Anh Huẩn đau đớn nói: “Chuyện gia đình tôi còn hơn cả một cuốn tiểu thuyết! Chúng tôi không vì thứ gì cả, chỉ là một tấm lòng, là tình cảm ruột thịt mới vậy, nhưng nhiều người lại nghĩ khác. Nếu vì tiền bạc vật chất thì mẹ con tôi đâu có mong…”.
Câu chuyện của bà Phận và anh Huẩn cứ kéo dài mãi, càng nghe càng thấy nao lòng. Trời chiều trên miền trung du sau cơn mưa chóng tối. Tôi lại miên man nghĩ tới những cánh rừng một thời Phan Tứ đã sống và viết. Những cánh rừng của cô Mẫn và anh Thiêm cùng chạy tránh pháo, cùng tâm sự lúc vắng người, cùng sẻ chia những yêu thương rất thực sau một đợt pháo. Tôi biết rằng những khoảnh khắc như thế rồi cũng chỉ là khoảnh khắc, nhưng bây giờ với bà Phận sẽ là dài vô tận, bởi nó được sinh ra từ chiến tranh với bao điều không lý giải được… 
  Bài và ảnh:Bùi Hữu Cườn
g

No comments:

Post a Comment