|
Thứ Bẩy, 07/05/2011 - 4:16 PM |
|
Cách đây 57 năm, ngày 7/5/1954, quân và dân ta đã kết thúc thắng lợi chiến dịch Điện Biên Phủ, tiêu diệt và bắt sống 16.200 tên địch, bắn rơi 62 máy bay, thu 64 ôtô và toàn bộ vũ khí, đạn dược của quân Pháp... Là một nhân chứng lịch sử, Đại tá Lê Trọng Nghĩa đã có hồi ức ôn lại những kỷ niệm về chiến dịch; xin giới thiệu với bạn đọc.
Tôi lại tìm đến một căn hộ rất nhỏ khuất bên trong những tòa nhà lớn nằm cuối đường Võ Thị Sáu, quận 3, TP Hồ Chí Minh, để gặp người đã có công tích quan trọng trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tại Hà Nội tháng Tám năm 1945; Ủy viên Ủy ban khởi nghĩa, Ủy ban nhân dân cách mạng Bắc Kỳ, người đã tiếp xúc với quân Nhật và các ông Trần Trọng Kim, Phan Kế Toại nhằm chuẩn bị cho Xứ ủy Bắc Kỳ và Thành ủy Hà Nội phát lệnh khởi nghĩa. Đó là ông Lê Trọng Nghĩa, người đã từng tham gia Việt Minh từ năm 1941, bị tù Hỏa Lò và cùng vượt ngục với Trần Đăng Ninh, Trần Tử Bình, Đỗ Mười, nguyên là đại biểu Quốc hội khóa đầu…
Đến nhà ông lần này, tôi thấy ông đang loay hoay viết lách. Trên trang đầu bài viết nắn nót dòng tít "Câu chuyện góp về "kéo pháo" và "ngày N" - một đòn phủ đầu hào hùng và ngoạn mục". Ông đang hồi ức về trận đánh Điện Biên trước đây… Khi thấy tôi đề nghị được phỏng vấn, ông chậm rãi chỉ vào tấm ảnh tư liệu được ghi chú "Bộ chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ được sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang bàn kế hoạch tác chiến cho từng trận đánh"… và bắt đầu câu chuyện:
Tôi năm đó mới 33 tuổi và là Cục trưởng Cục 2, tức là Cục Quân báo của Bộ Quốc phòng.
Kể về Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông chậm rãi: "Tôi nhớ, cho đến ngày 6/12/1953, Bác và Bộ Chính trị mới hạ quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ làm đòn quyết định giành thế chủ động chiến lược xoay chuyển cục diện chiến trường Đông Xuân 1953 - 1954.
Ngày 5/1/1954, Anh Văn mới lên đường, tháp tùng có anh Trần Văn Quang, Cục trưởng Cục Tác chiến và tôi. Trên đường đi chứng kiến cảnh các đơn vị nườm nượp hành quân lên Tây Bắc, mọi người đều xúc động. Vừa hành quân, tôi vừa tổng hợp các báo cáo từ các nơi gửi về, vừa liên lạc với anh Cao Pha là Cục phó của tôi, đã có mặt ở Lai Châu để theo dõi mọi động thái chiến trường và âm mưu của địch, tổng hợp tình hình báo cáo Anh Văn. Vị Tổng Tư lệnh tỏ ra yên tâm nhưng luôn nhắc cần theo dõi sát sao hơn nữa.
|
Đại tướng Võ Nguyên Giáp báo cáo Bác Hồ và Bộ Chính trị kế hoạch tấn công Điện Biên Phủ.Ảnh: KH. |
Mười ngày sau, ở hội nghị chiến dịch được tổ chức tại hang Thẩm Púa (15/1), bản báo cáo của Ban 2 được đánh giá cao và hoan nghênh đặc biệt. Anh Cao Pha báo cáo cứ như nắm tập đoàn cứ điểm của địch trong lòng bàn tay lại được minh họa trên một sa bàn lớn chuẩn bị rất công phu. Nhưng điều quan trọng hơn cả là báo cáo chỉ ra được điểm yếu nhất trong hệ thống cứ điểm của địch là khu vực bản Hồng Lếch, nằm ở phía Tây, lại rất gần khu trung tâm Mường Thanh nơi đóng bản doanh của Đờ Cátxtơri. Tại đấy, lực lượng đồn trú của địch còn mỏng, công sự còn sơ sài, rõ ràng là một sơ hở trong hệ thống phòng thủ của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Phải chăng vì thế mà nảy sinh chủ trương "đánh nhanh, giải quyết nhanh"?
- Theo tôi, một phần là như vậy. Thực ra từ tháng 12/1953, đã có một kế hoạch tác chiến báo cáo Bộ Chính trị dự kiến chiến dịch trong 45 ngày. Theo kế hoạch khu vực bản Hồng Lếch lại là khu vực ta đã bố trí "quả đấm" mạnh nhất - đại đoàn quân Tiên phong 308 của anh Vương Thừa Vũ đảm nhiệm mũi chủ công. Với cách đánh theo kinh nghiệm của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc "nhất điểm lưỡng diện, mũi nhọn đuôi dài"… có sự hợp đồng tác chiến với các loại hỏa lực của binh khí và sự phối hợp tác chiến của Đại đoàn 312 của anh Lê Trọng Tấn thì với mũi chủ công Sư đoàn 308, khả năng có thể giải quyết chiến trường 3 đêm 2 ngày là có cơ sở.
Như thế là kế hoạch tác chiến, chủ trương và phương châm đã được nhất trí thông qua. Và ngày "N" được xác định là 10 ngày sau đó: Ngày 25/1/1954 (lúc đầu định ngày 20, nhưng sợ không đủ thời gian triển khai pháo). Sau hội nghị, mọi người phấn khởi. Các đơn vị được lệnh sẵn sàng chiếm lĩnh trận địa xuất phát. Đặc biệt là pháo binh lập kỳ tích kéo pháo vào trận địa.
Vậy thì những yếu tố nào dẫn đến một "quyết định lịch sử" khi thay đổi phương châm và thời điểm mở màn trận đánh?
- Có thể nói rằng chỉ có trong vòng 10 ngày mà biết bao diễn biến bất ngờ làm đảo lộn mọi thứ đã diễn ra, mà bây giờ người ta hay gọi là "đầy kịch tính". Cũng phải nghĩ đến những yếu tố có tính ngẫu nhiên...
Lúc này, Sở chỉ huy tiền phương đã chuyển đến bản Nà Táu. Từ ngày 19 tôi đã nhận được tin Pháp huy động lực lượng dự bị chiến lược ở Bắc Bộ điều vào Nam Trung Bộ để ngày 20/1, mở chiến dịch Átlăng đánh vào Tuy Hòa. Tôi phán đoán rằng Nava khi nhận được tin "Sư đoàn thép" 308 đã kéo lên Tây Bắc và ông ta tin rằng lực lượng đáng e ngại nhất ấy sẽ bị kẹt ở vùng rừng núi đó. Do vậy Pháp có thể rút một bộ phận quân cơ động quan trọng ở đồng bằng, tung đòn tiến công vào vùng tự do ở Khu 5 theo phương án đã định trong kế hoạch Nava; kế hoạch đã được tướng Mỹ Ô Đanien, trưởng cơ quan US MAAG tán đồng nhưng bị tư lệnh Pháp ở Bắc Bộ Cônhi không tán thành vì sợ đồng bằng không an toàn…. Sáng 20/1, tôi hội ý với anh Trần Văn Quang xong xin gặp và báo cáo Anh Văn ngay. Tin tức ấy làm mọi người phấn khởi vì Pháp sẽ phải sa lầy 2 phần 3 lực lượng cơ động và một lực lượng không quân quan trọng vào chiến trường Khu 5 ít ra từ 1 đến 2 tháng. Khu 5 chia lửa với Điện Biên, ta càng phải khẩn trương chuẩn bị cho giờ nổ súng. Đến lúc đó chỉ còn 5 ngày. Tất cả các cán bộ của Bộ chỉ huy được điều xuống các đơn vị để đốc chiến, đặc biệt là pháo binh phải kịp vào vị trí chiến đấu…
Nhưng chỉ ngày hôm sau 21/1, tôi và Ban 2 bấn lên trước một đống tin tức mới nhận được… Chúng tôi làm việc suốt ngày đêm để thu thập và phân tích thông tin. Sáng 23, tôi vội vàng cùng anh Quang đến gặp Anh Văn. Cố giữ bình tĩnh, tôi trình bày mạch lạc: tin mới nhận được cho thấy địch đã biết tương đối chính xác kế hoạch tấn công của ta vào ngày 25, đã ra lệnh báo động và có kế hoạch đối phó. Theo tin trinh sát kỹ thuật thì quân Pháp đã bắt được chiến sĩ của ta khi họ vào chiếm lĩnh trận địa và đưa về Hà Nội khai thác. Trong ngày 23 địch sẽ cho thả 1 tiểu đoàn dù chốt giữa Mường Thanh và Hồng Lếch, ngay trước đội hình Sư đoàn 308; đồng thời một binh đoàn cơ động của viên đại tá có cái tên khá kỳ cục: Crevơ Coóc chỉ huy, từ Mường Khoa (Thượng Lào) lại hành quân về hướng Sư đoàn 308 bất ngờ tập hậu khi ta nổ súng.
Anh Văn thoạt nghe, có phần bị xúc động, nhưng rồi Anh điềm tĩnh ra lệnh kiểm tra lại tình hình, cử anh Phạm Kiệt, phụ trách công tác bảo vệ xuống thanh tra việc mất chiến sĩ ở Sư đoàn 312 và 308 (và chính trong chuyến đi này, đồng chí Phạm Kiệt là người dũng cảm điện thoại cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp bày tỏ sự quan ngại về phương châm "đánh nhanh, giải quyết nhanh" khi thấy trận địa pháo không an toàn nếu bị địch phản công). Tôi lập tức ra đài quan sát, từ trên núi cao thấy rõ việc lính dù nhảy xuống tăng cường đúng như tin tức thu thập được. Còn đích thân Tổng Tư lệnh xuống gặp tổ kỹ thuật trinh sát của tôi, nghe các anh Bách, Tân… là những cán bộ trực tiếp thu thập và xử lý tin, giải trình một số bản tin "mã thám". Tận mắt nhìn thấy địch nhảy dù cộng với một số nguồn tin khác, tôi khẳng định lại với Anh Văn là kế hoạch của ta đã bị lộ. Anh Văn điềm tĩnh lắng nghe, suy nghĩ rồi nghiêm khắc yêu cầu tôi phải tuyệt đối giữ bí mật, không được để lộ tin tức, khỏi làm xao xuyến lòng quân. Nhưng sau này tôi biết rằng Anh Văn đã nung nấu suy nghĩ trong nhiều ngày trước đó và đã dự cảm về sự không bảo đảm chắc thắng của phương châm "đánh nhanh, giải quyết nhanh". Anh Văn đã lấy tình huống mới xuất hiện để tìm cách hoãn binh, để có thêm thời gian cân nhắc.
Đảng ủy Mặt trận, các anh Hoàng Văn Thái, Lê Liêm, Đặng Kim Giang được triệu tập gấp từ trận địa về. Cuộc họp kéo dài và đi đến thống nhất hoãn thêm 1 ngày, tức là ngày 26/1. Rồi Anh Văn, có anh Hoàng Minh Phương đi cùng, đến gặp cố vấn Vi Quốc Thanh. Sau đó, tôi được biết "Vi cố vấn" sau khi lắng nghe đề xuất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về việc thay đổi phương châm và thời gian nổ súng… suy nghĩ một lát rồi bày tỏ sự tán thành quan điểm của "Võ Tổng" và hứa sẽ giải thích để quán triệt trong các cố vấn.
11h trưa ngày 26, chỉ 6 giờ trước giờ nổ súng, một mệnh lệnh lịch sử được phát ra từ Bộ chỉ huy chiến dịch: Hoãn cuộc tiến công, giãn quân và rút pháo khỏi trận địa trở về địa điểm tập kết. Rồi ngay tiếp đó, vị Tổng Tư lệnh đưa ra một đòn đánh để hỗ trợ cho cuộc lui quân: Đại đoàn 308 của đồng chí Vương Thừa Vũ điều ngay một bộ phận quặt ra phía sau đánh vào binh đoàn của Pháp vừa từ Thượng Lào tới. Và cũng là điều không ai ngờ, trước sức tiến công của Sư đoàn 308, quân Pháp tán loạn, bỏ chạy vào rừng. Ngay lập tức, Anh Văn ra lệnh điều toàn bộ Đại đoàn 308 vượt biên giới tiến công truy kích địch đến gần kinh đô nước Lào (Luông Phabăng) khiến chiến trường rung động, Sư đoàn 308 tiến đến chỉ còn cách Luông Phabăng chừng 15 - 20km thì đột ngột được lệnh dừng đánh rồi bí mật rút về khu vực quanh Điện Biên Phủ.
Đòn đánh táo bạo và rút lui bất ngờ ấy vừa gây cho địch hoang mang không rõ ý đồ thực của ta, trong khi lực lượng Sư đoàn 308 vẫn được bảo toàn nguyên vẹn là một nước cờ cao tay. Lúc đó không cho phép phiêu lưu, nếu để Sư đoàn 308 vì bất cứ lý do gì mất sức chiến đấu thì hậu quả toàn chiến trường không lường trước được... Nhìn lại toàn cục, thấy diễn biến đúng như lời chỉ dẫn của Bác khi bàn đến kế hoạch Nava (11/1953)... Khi quân địch hung hăng muốn chủ động giành thắng lợi quân sự, ta phải buộc chúng lâm vào bị động. Nava muốn tập trung quân cơ động thì ta có kế hoạch buộc chúng phải phân tán ra mà đánh.
Và thời điểm ta nổ súng mở màn chiến dịch được ấn định vào ngày 13/3?
- Tôi nhớ sau khi đã phải vội vàng điều chỉnh lại thế bố trí các binh đoàn cơ động chiến lược nhằm tăng cường phòng thủ cho Điện Biên Phủ, đồng bằng Bắc Bộ và Luông Phabăng, thấy phía ta không động tĩnh, ngày 12/3, Bộ Chỉ huy của Pháp vừa cho khởi động lại chiến dịch Átlăng (đợt 2) đánh vào Quy Nhơn, thì ngay ngày hôm sau, ngày 13/3/1954 ta nổ súng mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ. Điều đó cho thấy địch hoàn toàn bị bất ngờ về thời điểm ta nổ súng và bất ngờ hơn nữa về hỏa lực áp đảo của pháo binh của Việt Minh. Đại tá chỉ huy pháo binh ở Điện Biên Phủ, Pirốt dùng lựu đạn tự sát là bằng chứng.
Ngay những ngày đầu chiến dịch mở màn, qua các nguồn thông tin ta đã thấy ở phía địch biến mất sự chủ quan, xuất hiện sự hoảng loạn và đã thấp thoáng có tâm trạng thất vọng, nảy sinh tư tưởng thất bại... không hung hăng như trước nữa mặc dù đế quốc Mỹ càng lồng lộn, tăng viện trợ và bàn chuyện trực tiếp can thiệp. Hai cứ điểm quan trọng là Him Lam (Béatrice) và Độc Lập (Gabrielle) bị quân ta xóa sổ là điềm báo trước và cánh cửa chiến thắng đã mở. Dù còn một chặng đường chiến đấu quyết liệt, hy sinh và gian khổ, nhưng niềm tin chiến thắng sau những trận đánh khởi đầu hào hùng và ngoạn mục ấy đã nhân lên thành một sức mạnh và niềm tin mãnh liệt để đến ngày 7/5/1954 quân ta kết thúc số phận tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, giải phóng vùng Tây Bắc. Cùng với mặt trận cả nước, Điện Biên Phủ đại thắng đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến gian khổ chín năm chống thực dân Pháp, giải phóng miền Bắc, quân ta trở về tiếp quản Thủ đô Hà Nội.
(Theo “Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp - người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam”, NXB QĐND - 2010)
* Nguyên Ủy viên Ủy ban khởi nghĩa (tháng 8/1945) tại Hà Nội; nguyên đại biểu Quốc hội khóa I; nguyên Cục trưởng Cục Quân báo trong chiến dịch Điện Biên Phủ - 1954. |
Đại tá Lê Trọng Nghĩa* Dương Trung Quốc (thực hiện) |
|
No comments:
Post a Comment