Friday 12 November 2021

Tìm về quá khứ - Quê cũ năm xưa : Sự phát triển họ Nguyễn Hữu (Nguyễn Hữu Quyền - Di Cảo) - Kỳ 6

 

SỰ PHÁT TRIỂN HỌ NGUYỄN HỮU.

            Làng Hội Kê hay Cối Kê thành lập chưa được bao lâu thì những biến cố đau thương dồn dập xảy đến. Cuối đời Minh Mạng (1838-1842) và đầu đời Tự Đức (1848), lệnh cấm đạo được triệt để thi hành. Cũng vào thời kỳ đó, ông Trịnh Quang Khanh tức Cụ Thượng Khanh, Tổng đốc Nam Định, nguyên quán tại phủ Tiên Hưng, được cử làm Khâm sai thi hành lệnh cấm đạo, đã hạ lệnh bắt cụ Vinh và mười người nữa ở Thượng Hộ.   

          Sau khi bị bắt và dẫn giải về làng Thái Đường ở Hưng Yên, các cụ bị bắt buộc phải “quá khóa” tức là bước qua Thập Tự Giá (Thánh Giá), ai không tuân đều bị cực hình và xử trảm, tức là chém đầu. Cụ Nguyễn Hữu Vinh và mười cụ ở Thượng Hộ  đều bị xử Tử Đạo. Như vậy, cụ Vinh bị bắt vào cuối đời Minh Mạng hoặc đầu đời Tự Đức.

          Lúc cụ Vinh bị bắt, con cụ là Nguyễn Hữu Đoài và bốn người em gái của cụ Đoài lúc đó còn ít tuổi. Ba  cô em sau này là các bà Nguyễn văn Kiên (bà đội Kiên, Gia Lạc), bà Nguyễn đình Huyến (bà lý Huyến, Hội Kê) và bà Lê khắc Đôn (bà trùm Đôn, Gia Lạc). Cô em gái thứ tư là bà Quy chưa xuất giá. Riêng cụ Đoài mới vào khoảng 16 tuổi nên chỉ nhớ được thân phụ mình bị bắt vào ngày Đông Chí (không nhớ năm) và bị xử Tử Đạo. Con cháu sau này chỉ còn biết lấy ngày Đông Chí làm ngày Giỗ Tổ.

          Thuở hàn vi, cụ Nguyễn Hữu Đoài còn ít tuổi nên bị một số người làng có thế lực lúc đó chèn ép, bắt nạt đến nỗi cụ phải bỏ làng Hội Kê sang bên kia sông tá túc tại làng PHÚ CỐC, ở nhà ông Bá Giản. Sau đó một thời gian, nhờ sự giúp đỡ của vị quan Dinh điền, cụ Đoài được trở về làng Hội Kê. Lúc đến ngụ tại làng Phú Cốc, cụ Đoài mới chỉ là một thanh niên nông thôn thuần túy, chưa được học hành gì mấy, nhưng khi trở về làng cũ, Cụ đã là một người thành đạt, có học vấn đàng hoàng, được nhiều người khen ngợi và kính nể. Dân làng đã suy cử Cụ làm lý trưởng và sau đó được thưởng hàm Cửu Phẩm Bá Hộ, và cũng từ đó Cụ có danh xưng là Cụ Bá Đoài. Cụ Đoài vốn tính tình hào phóng, cư xử lịch thiệp. Khi phải tha hương để đi tìm cuộc sống mới, Cụ đã dựng quyết tâm là phải làm một việc gì để ngày trở về làng cũ phải là ngày “y cẩm hồi hương”. Có lẽ Cụ đã có cái tâm trạng của THỪA CUNG[1] hay CHÂU TRÍ[2] ngày trước mà đạt được ý nguyện ngày nay ? …

            Chuyện kể lại rằng, một lần cụ cùng với ông em vợ là cụ THƠ CỪU – người Gia Lạc, thân phụ của các ông Hinh, ông Hịch và ông Cử bây giờ - đi buôn tre ở Hưng Nhân. Hưng Nhân lúc đó vẫn còn thuộc tỉnh Hưng Yên, chưa thuộc về Thái Bình. Hai cụ biết được hôm đó hai viên quan đầu tỉnh là Công sứ Hưng Yên người Pháp và Tuần phủ Hưng Yên sẽ đi thanh tra việc giữ đê, trông coi đê của địa phương. Hai cụ trông thấy trên đê có mấy chỗ rò rỉ, còn gọi là lỗ “công cống”. Thế là hai cụ lội xuống sông, lấy rơm có sẵn ở trên đê, lặn xuống nhét bịt mấy lỗ công cống đó. Thế là quãng đê này không bị rò rỉ nữa, tránh được việc vỡ đê. Hai viên quan này tình cờ thấy cụ Đoài rất vất vả và nhiệt tình làm việc này, nên cho gọi cụ Đoài lên hỏi. Cụ Đoài cứ thực tường khai là cụ có sức khỏe và quen lao động nên chỉ mình cụ làm được việc này, còn cụ kia là em vợ, nhưng vì là thư sinh nên không làm được. Hai viên quan này hứa với cụ Đoài là sẽ trọng thưởng. Rồi một tháng sau, tự nhiên cụ Đoài và làng Hội Kê nhận được một sắc phong của triều đình từ Huế gửi về, phong đích danh cụ Đoài là Cửu Phẩm Bá Hộ làng Hội Kê. Từ đó, cụ càng phấn khởi, nỗ lực làm việc để phục hưng gia đình và cải tạo cuộc sống.

          Cụ Bá Nguyễn Hữu Đoài lập gia đình rất muộn, mãi tới khi ngoài 40 tuổi cụ mới kết duyên với bà Nguyễn thị Đơn, nguyên quán tại Gia Lạc, trưởng nữ của cụ Trùm Thường (thân phụ của ông ĐỘI KIÊN). Gia Lạc trước kia cũng là một xóm của làng Thượng Hộ. Sau này, cụ Quản Hạnh – con cụ Lang Lễ - tổ phụ họ Bùi xin tách ra và lập thành làng, sau đó thành xứ Gia Lạc theo Gia Tô giáo.  Xứ Gia Lạc trước đó chỉ là một họ lẻ, thuộc giáo xứ Duyên Lãng, tức là Xứ Riền, nhà thờ Riền mà sau này dân Gia Lạc và Hội Kê đã tản cư về đây hồi chiến tranh chống Pháp xâm lăng. Thời trước chiến tranh Việt-Pháp ít lâu chưa có địa phận Thái Bình. Mãi sau này, khi giáo dân Thái Bình có đủ số để thành lập một địa phận riêng, thì Thái Bình vẫn còn là vùng thuộc giáo phận Bùi Chu, vì Bùi Chu là trung tâm Công giáo từ ngày đạo Công giáo du nhập Việt Nam. Sau khi Thái Bình được tách ra thành địa phận riêng, tức địa phận Thái Bình, thì giáo xứ cũng thêm ra nhiều. Đã có lúc cụ Quản Hạnh xứ Gia Lạc phải trông coi, quản lý cả mấy giáo xứ một lúc nên mới gọi là cụ Quản là vì thế. Chữ Quản ở đây có nghĩa là quản phủ mà bây giờ gọi là Đốc Phủ xứ như ông Đốc Phủ xứ NGUYỄN HỮU BIỀN của xứ Gia Lạc, không dính dáng gì đến Quản hay Cai, Đội của nhà binh. Có một điều ta cần phân biệt là về phương diện hành chính quốc gia, thì Thượng Hộ là làng lớn nhất và xưa nhất của vùng này, được đứng đầu trong tổng, nên mới có danh từ tổng Thượng Hộ. Nhưng về phương diện tôn giáo thì Thượng Hộ lại chỉ là một họ lẻ của Xứ đạo Gia Lạc mà thôi, cũng như họ Hội Kê, họ Phú Hậu.



[1] THỪA CUNG là tên của một nhân vật trong «Quốc văn giáokhoa thư của Trần Trọng Kim và Nguyễn văn Ngọc” do Nha Học chính Đông Pháp xuất bản, được dùng trong các trường Tiểu học cà nước thời VN còn thuộc Pháp. Đó là truyện NGƯƠI THỪA CUNG ĐI CHĂN LỢN. Thừa Cung là một thanh niên nghèo khổ, phải đi chăn lợn cho một phú ông trong làng, nhưng nhờ có quyết tâm, cho nên đã lợi dụng thời gian nhàn rỗi HỌC KÉ những học trò khác mà cũng trở thành người có học.

 

[2] CHÂU TRÍ : Cũng trong QUỐC VĂN GIÁO KHOA THƯ nói trên. Lúc nhỏ, CHÂU TRÍ NHÀ NGHÈO NHƯNG RẤT HAM HỌC. Ông không có nhà, phải ở nhờ chái hè của chùa Long Tuyền. Tối tối, ông thường phải đi quét lá đa hay nhặt lá bàng đem về đốt lửa cho sáng để học, Về sau, ông thành người học giỏi và đậu cao, nên đã có thơ khen ngợi như sau :

                        Một anh trò kiết chùa Long Tuyền

                        Ai ngờ nay lại đỗ Giải Nguyên

                        Ở đời chẳng có việc gì khó

                        Người ta lập chí phải nên kiên.

 

Thursday 11 November 2021

Tìm về quá khứ - Quê cũ năm xưa : Lịch sử làng Thượng Hộ (Nguyễn Hữu Quyền - Di Cảo) - Kỳ 5

 

LỊCH  SỬ LÀNG THƯỢNG HỘ.-

          Làng Thượng Hộ trước đó có tên là làng Hạ Diên. Một hôm, ông Lý Bôn tức Lý Bí (vua Tiền Lý Nam đế sau này) quê vùng LONG HƯNG, bây giờ là huyện Thụy Anh, thuộc tỉnh Thái Bình có việc qua đó, ngủ lại ở đây và được dân ở đây cho biết là phía trên đầu nguồn có làng Diên Hà và sau này là làng PHÚ HIẾU (quê hương nhà bác học Lê Quý Đôn) gần tiếp giáp với Thượng Hộ khi đó, nên làng mới lấy tên là Hạ Diên, nghĩa là ở phía dưới làng Diên Hà. Trong lúc vui chuyện, Lý Bôn mới đề nghị là tại sao làng lại không lấy tên là Thượng Hộ, vì đây chính là phía trên của đầu sông Trà Lý. Sông Trà Lý ngày nay cửa sông ở giữa hai làng Phú Nha và Thượng Hộ, chứ lúc đó là cửa sông Muội Hương ở chỗ làng Mỹ Cơ, cuối làng Hội Kê, chảy vòng qua cuối làng Hội Kê, qua Gia Lạc, chỗ Chợ Mố (ngày nay tên là chợ Hàng, vì ở đó một thời đã trên bến dưới thuyền hàng hóa ra vào rất sầm uất), rồi qua làng Yên Điện, sau đó mới đến làng Đồng Đại bây giờ. Tổng Thượng Hộ có 11 xã, gồm năm xã thuộc nội đê (nằm bên trong quan đê) và sáu xã ngoại đê. Về sau người Pháp nắn lại khúc sông này nên mới đào cửa sông Trà Lý như ngày nay và trên bản đồ ghi là Cửa Trà Lý. Như thế, tổng Thượng Hộ được tách ra làm hai phần, một phần gồm năm xã nội đê là các làng Phú Nha, Thâm Động, Tịnh Xuyên, Tịnh Thủy và Cổ Lễ hay Đồng Nổ. Còn lại sáu xã ngoại đê là những làng Thượng Hộ, Gia Lạc, Hội Kê, Phú Hậu, Duyên Mỹ và Phú Hữu. Di tích còn lại của sáu làng này thời đó là đoạn “đê sáu xã”, chỗ cuối làng Hội Kê nối liền sang làng Phú Chử và Thanh Bản. Con đê này ngày nay không còn dùng làm đê giữ nước nữa, mà chỉ là con đường giao thông qua lại giữa các làng Hội Kê, Phú Chử và Thanh Bản. Đến đây ta hiểu được tại sao làng Thượng Hộ và Gia Lạc lại có thành hoàng là ông LÝ BÔN (tức Tiền Lý Nam đế) và con đường lớn nhất, hoành tráng nhất của thành phố Thái Bình hiện nay là đườmg LÝ BÔN. Còn thành hoàng làng Hội Kê thì có truyền thuyết như sau :

          Một ngày nọ, hồi làng Hội Kê mới thành lập, có một ông già không biết từ đâu tới làng, đến tối xin vào ngủ trọ ở “đồn binh” tại đây (tức là nhà cụ giáo Tứ hay trạm y tế Hội Kê sau này). Người lữ khách này không được “đồn binh” chấp thuận nên đã phải ra ngủ trọ ở bên ngoài, không biết là nhà ai hay ở đâu, chỉ biết sáng hôm sau người ta thấy ông già này chết còng queo bên vệ đường, bên cạnh có đôi dép (không rõ là dép gì) và một chiếc bị cói, trong đó có những đồ nhật dụng và một tờ giấy có những chữ đọc được như sau đây : HỘI KÊ ĐẮC ĐỊA, BÁCH TÍNH HƯNG AN (Tư liệu do ông Nguyễn Minh Chính cung cấp). Sau khi người lữ khách này được chôn cất, thì thấy mộ ông, đất dần dần trồi lên thành một gò đống lớn, tức là một tổ mối khá to, nên dân làng đều cho rằng hẳn ông này phải là một nhân vật thần linh đến để báo cho dân làng một tin mừng. Xong việc thì ông lại trở về trời. Tiếp theo đó, dân làng quyết định lấy địa điểm này để lập miếu thần linh và thành lập đình làng Hội Kê. Đình làng Hội Kê sau này đã được mượn để làm trường học TỔNG SƯ của tổng Thượng Hộ, và thành hoàng của làng Hội Kê chính là ông lữ khách vô danh này. Việc này đã giải thích được nhiều điều về cái địa điểm không bình thường của ngôi miếu và đình chùa của làng Hội Kê[1], cũng như địa điểm không bình thường của ngôi trường Tổng Sư[2] của Thượng Hộ..

          Thượng Hộ, cụ Nguyễn Hữu Vinh nương náu trong Xóm đạo. Cụ vì  muốn phục Lê mà chống nhà Nguyễn, người Công giáo vì ủng hộ Hoàng tử Cảnh nên ngấm ngầm bất phục Minh  Mạng. Giáo dân Thượng Hộ chứa chấp, che chở cho gia đình cụ Vinh với danh nghĩa “thày đồ”, vì hai bên cùng chung cảnh ngộ bất mãn với triều đình nhà Nguyễn. Giáo dân Thượng Hộ còn được biết khá nhiều về thái độ và hành động của Minh Mạng đối với chị dâu (tức mẹ của Hoàng tử Cảnh) và cháu, nên lại càng bất mãn nhiều hơn.

          Khi sống trong xóm đạo, vốn gốc Phật giáo, cụ lần hồi hiểu rõ giáo lý Công giáo, nhất là sự giúp đỡ chân thành với đầy lòng bác ái của giáo dân, cụ bèn tình nguyện xin theo đạo Công giáo và về sau trở thành một giáo hữu nhiệt tình.



[1] Làng Hội Kê có hai khu cách biệt. Nửa làng trên ở phía Bắc là khu Công giáo. Nửa làng dưới ở phía Nam  là khu Phật giáo. Địa điểm không bình thường ở đây là MIẾU, ĐÌNH CHÙA là của Phật giáo, lẽ ra phải ở nửa làng dưới, lại tọa lạc ở khu nửa làng trên , chung quanh đều là Công giáo.

[2] Ngôi trường Tổng Sư của Thượng Hộ cũng vậy. Vì tổng chưa có trường công, phải mượn tạm đình làng Hội Kê để làm trường. Ngôi trường này không ở trung tâm, mà lại ở phần Cực Nam của tổng là làng Hội Kê. Có nhiều người cho rằng đây là điều không bình thường, có sự thiên vị nào chăng ?

Wednesday 10 November 2021

Tìm về quá khứ - Quê cũ năm xưa : Nguồn gốc họ Nguyễn Hữu (Nguyễn Hữu Quyền - Di Cảo) - Kỳ 4

 

NGUỒN GỐC HỌ NGUYỄN HỮU.

          Như trên đã nói, hai chữ HỘI KÊ hay CỐI KÊ còn hàm một ý nghĩa rất sâu xa, chỉ con cháu dòng họ NGUYỄN HỮU mới được nhắc nhở và hiểu rõ ý nghĩa, vì thế nên đề cập đến Hội Kê mà không nói rõ nguồn gốc họ này ở đó thì quả là chưa đủ.

          Nguồn gốc họ NGUYỄN HỮU – HỘI KÊ được bắt đầu từ Cụ Nguyễn Hữu Vinh. Cụ Vinh quê quán tại Hưng Yên. Thời đó nhà Nguyễn mới thống nhất đất nước chưa được bao lâu. Trước kia nước Việt Nam bị phân chia làm hai miền BẮC HÀ và NAM HÀ hay hai xứ ĐÀNG TRONG và ĐÀNG NGOÀI, sống biệt lập như hai nước khác nhau. Khi Gia Long mang quân ra Bắc Hà để diệt Tây Sơn, có tuyên bố là sẽ khôi phục lại nhà LÊ để được dân chúng Bắc Hà hợp tác. Nhưng sau khi Gia Long thành công đã quên ngay lời hứa hẹn trên và tự lập làm vua cả hai miền Nam Bắc. Vì vậy dân chúng Bắc Hà bất phục, nhiều nơi nổi lên chống đối với danh nghĩa khôi phục nhà Lê, vì nhà Lê đã có công rất lớn với đất nước, với dân tộc, nhất là vua Lê Thái Tổ và sau này là vua Lê Thánh Tông. Phần nữa, nhiều người còn cho rằng nhà Nguyễn là bầy tôi của nhà Lê. Phong trào khôi phục nhà Lê kéo dài từ đời Gia Long cho tới đời Tự Đức, mãi tới khi quân Pháp xâm chiếm Bắc Kỳ.

          Hưng Yên là một nơi có rất nhiều dân hưởng ứng theo phe khởi nghĩa, nên khi đê Văn Giang bị vỡ làm lụt lội Hưng Yên, nhà Nguyễn không sốt sắng trong việc đắp lại đê với thâm ý để cho dân tình đói khổ để dễ bề đàn áp. Bởi vậy nên đê Văn Giang bị vỡ 18 năm liền, dân chúng lại càng căm thù nhà Nguyễn hơn nữa.

          Cụ Nguyễn Hữu Vinh ở vào một làng có tinh thần chống đối cao, có thể là căn cứ của  nhóm khởi nghĩa. Khi quân của triều đình đến đánh dẹp, dân chúng nơi đó phải bỏ làng trốn chạy. Vì không dám kết đoàn đi trốn nên anh em cụ Nguyễn Hữu Vinh mang gia quyến, mỗi người chạy một ngả.

          Cụ Nguyễn Hữu Vinh là con thứ hai, dẫn một người cháu gọi bằng chú ruột xuôi theo tả ngạn sông Hồng, chạy đến làng Thượng Hộ, huyện Duyên Hà. Một người em cụ chạy đến làng Gia Lạp (không phài là Gia Lạc) cũng thuộc huyện Duyên Hà, cách Thượng Hộ độ 25 cây số. Một người em khác chạy ra mãi Thủy Nguyên thuộc tỉnh Quảng Yên (bây giờ là huyện Thủy Nguyên thuộc Quảng Ninh), giữa Quảng Ninh và Hải Phòng. Người anh cả chạy đi đâu không rõ, nhưng về sau theo lời con cháu họ Nguyễn ở Gia Lạp kể lại, thì đã trở về làng cũ ở Hưng Yên.

          Trong khi chạy trốn, mọi người tìm  nơi ẩn náu an toàn nên không còn có liên lạc với nhau. Mãi đến đời sau, con cháu họ Nguyễn ở Thượng Hộ mới tìm ra con cháu họ Nguyễn ở Gia Lạp.

          Cụ Nguyễn Hữu Vinh chạy đến ẩn náu ở làng Thượng Hộ. Vì nơi đây là bãi đất mới ở ngoại đê bị bỏ hoang, cỏ sậy, lau lách mọc dày, làng thành lập chưa được bao lâu nên dễ dung nạp những người đến cư ngụ. Ngoài ra, ở Thượng Hộ có một xóm người theo đạo Công giáo, khi đó cũng đang bị triều đình để ý. Người Công giáo lúc đó trông cậy vào Hoàng tử Cảnh sẽ lên nối ngôi vua Gia Long. Khi hoàng tử Cảnh chết, họ lại đặt hy vọng vào con của Cảnh. Đây là một trong những lý do ác cảm của Minh Mạng với người Công giáo.