Friday, 2 August 2013

Cô, Mồ côi & Độc Cô Cầu Bại (An Chi - Năng Lượng Mới số 224 ,24-5-2013)




Cô, Mồ côi & Độc Cô Cầu Bại (Năng Lượng Mới số 224 ,24-5-2013).

by An Chi (Notes) on Friday, May 24, 2013 at 5:16am
Bạn đọc : Ngày xưa vương xưng “cô”; hoàng đế xưng “trẫm”. Xin ông cho biết ý nghĩa của từ “cô”. Liệu có phải “cô” ở đây là cô quả, cô độc và đã là vua thì là cô độc? (Nguyễn Tuệ, Hà Nội). Có ý kiến cho rằng “côi” trong “mồ côi” do “cô” trong “cô đơn” mà ra nhưng nếu đúng như thế thì “mồ” từ đâu đến? (Đặng HuỳnhPhương Diễm, khu Him Lam, TPHCM). Người ta tặng danh hiệu cho một đội bóng là “Độc cô cầu bại”. Xin ông cho biết cụm từ trên đây nghĩa là gì và đặt như thế có đúng không. Xin cám ơn. (Nguyễn Xuân, thay mặt một nhóm bạn, Long Sơn, Vũng Tàu).
An Chi : Nghĩa xa xưa của chữ “cô”[孤] có thể thấy trong thiên “Lương Huệ Vương, hạ” của sách Mạnh Tử: “Lão nhi vô thê viết quan, lão nhi vô phu viết quả, lão nhi vô tử viết độc, ấu nhi vô phụ viết cô.” (Già mà không vợ gọi là quan, già mà không chồng gọi là quả, già mà không con gọi là độc, trẻ mà không cha gọi là cô). Từ nghĩa gốc là “không có cha”, chữ “cô” mới có nghĩa phái sinh là “một mình”, như có thể thấy trong ‘cô độc”, “cô đơn”, cô lánh[另], cô lập, cô thôn, v.v.. Nhưng tiếng “cô’ mà các bậc vương ngày xưa dùng để tự xưng thì lại không có nghĩa là “cô độc”. Ở đây, “cô tức thị cô đức chi nhân”[ 孤即是孤德之人], nghĩa là “cô tức là người (có) ít đức” và đây chỉ là một lối tự xưng khiêm tốn. Thời Xuân thu bên Tàu, chư hầu đều tự xưng là “cô”, “quả”[寡] hoặc “bất cốc”[不榖]. “Quả” là “quả đức” (ít đức), “bất cốc” là “bất thiện” (không tốt), đều là những lối khiêm xưng.
Trước đời Doanh Chính nhà Tần, “trẫm”[朕] là một đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất, có nghĩa là “tôi” hoặc “của tôi” mà mọi người đều có thể dùng đễ tự xưng. Khuất Nguyên viết trong Ly tao: “Trẫm hoàng khảo viết Bá Dung” (Cha [đã mất] của ta tên là Bá Dung). Sau khi lên ngôi, Doanh Chính tự xưng là Thuỷ Hoàng đế [始皇帝], nghĩa là hoàng đế đầu tiên (trước đó, thiên tử [vua] được gọi là “vương”) và quy định chỉ có vua mới được tự xưng là “trẫm”. Từ đó, “trẫm” mới trở thành độc quyền xưng hô của vua.
Với chúng tôi thì “côi” trong “mồ côi” vốn không liên quan gì đến chữ “côi” trong “côi cút”, “đơn côi”, vì ở đây ta có hai từ “côi” khác nhau, mà chúng tôi xin ghi là “côi1” và “côi2”. “Côi1” là biến thể ngữ âm của “cô”[孤], có nghĩa gốc là “(trẻ) không có cha”, rồi nghĩa rộng là “(trẻ) không cha và/hoặc mẹ”. Với nghĩa này, nó đã được kết hợp với “cút” thành “côi cút” và với “đơn” thành “đơn côi”, vốn là hai tổ hợp đẳng lập, trong đó “cút” và “đơn” đều là hai từ gần nghĩa với nó. “Đơn” thì đã rõ là một thành tố có nghĩa nhưng “cút” dứt khoát không phải là một tiếng đệm như nhiều tác giả có thể sẽ “quy chụp” theo một quan niệm cũ kỹ trong thế kỷ vừa qua. Đây cũng dứt khoát không phải là một yếu tố láy như một quan niệm khá phổ biến hiện nay. “Cút” ở đây thực sự là một yếu tô vốn có nghĩa vì nó chỉ là biến thể ngữ âm của chữ “kiết”[], có nghĩa là “một mình”, là “cô đơn”.
Còn “côi2” là biến thể ngữ âm của một chữ “cô” khác là [辜], có nghĩa là “tội lỗi”, như có thể thấy trong “vô cô”[無辜], có nghĩa là “vô tội”. Biến thể ngữ âm cổ xưa của “vô cô”[無辜] là “mồ côi”, vẫn còn lưu hành trong tiếng Việt hiện đại. Trường hợp này cũng giống như trường hợp của hai tiếng “đểu cáng” mà chúng tôi đã nói đến trong bài “Nghĩa hiện hành của “đểu cáng” chỉ là nghĩa sự cố”, đã đăng trên  Năng lượng mới số 212 (12-4-2013). Nghĩa hiện hành của “mồ côi” cũng chỉ là nghĩa sự cố mà thôi. Ở đây, ta có những hiện tượng mà Pierre Guiraud gọi là sự cố ngôn ngữ (accidents linguistiques), thể hiện ở sự đan xen hình thức (croisement de formes) và , kéo theo nó, là sự lây nghĩa (contamination de sens) do từ nguyên dân gian gây ra. Với từ nguyên dân gian, người sử dụng ngôn ngữ thường thay từ mà mình không hiểu được bằng từ mà mình đã biết nghĩa để hiểu nghĩa của cả cụm từ hữu quan. Trong từ tổ “mồ côi”, vì không còn biết được cái nghĩa cổ xưa của nó, nên người sử dụng ngôn ngữ đã đưa “côi1” (trẻ không có cha  ) vào thay cho “côi2” (tội lỗi). Thế là thực chất ở đây ta đã có “mồ  côi1”, chứ không còn là “mồ côi2” như thời xưa nữa! “Côi1” (trẻ không có cha) và “côi2” (tội lỗi) thuộc về hai trường nghĩa hoàn toàn khác nhau nên hai tiếng “mồ côi” ( vô cô) hiện hành không còn là một từ tổ vị-bổ nữa. Trong từ tổ này, “cô” (= côi1) là một từ tiếm vị, và với vai trò này, nó đã biến “mồ” thành một từ ký sinh, không còn bất cứ chức năng gì về ngữ nghĩa và cú pháp. Chỉ có “côi” trong “côi cút” và “mẹ goá con côi” mới do chữ “cô”[孤] mà ra.
Về ngữ âm, chữ “vô” [無] trong “vô cô”[無辜] là một chữ vốn đọc với phụ âm đầu M-, như vẫn còn bằng chứng sống là chính sự hiện diện của nó trong lời khấn “Nam mô a di đà Phật”[南無阿彌陀佛], mà âm “mô” được ghi bằng chữ [無]. Khác một chút là “mồ” còn xưa hơn “mô”, theo cái lệ mà chúng tôi đã nói trong bài “Màn, màng và mùng”, đăng trên Năng Lượng Mới số 218 (3-5-2013): Phàm các từ Hán Việt bắt đầu bằng phụ âm M- mang thanh điệu 2 (dấu huyền) thì đều  xưa hơn những từ cùng gốc mang thanh điệu 1 (không dấu).
Chỉ có gắn “côi” trong “mồ côi” với “cô”[辜] trong “vô cô”[無辜] thì ta mới có thể tìm ra được từ nguyên đích thực của hình vị “mồ” chứ không có cách nào khác nếu cứ khăng khăng gắn nó với “cô”[孤] là “(trẻ) không cha”. Thâm chí có người còn nhiểu sự mà nói rằng “mồ côi” là “trẻ mất mẹ” còn “bồ côi” là “trẻ mất cha” chỉ vì thấy rằng âm đầu của “mồ” trùng với âm đầu của “má”. “mẹ” còn âm đầu của “bồ” thì trùng với âm đầu của “bố”, “ba”! “Bồ côi” thực chất chỉ là một biến thể mang tính thổ ngữ mà Từ điển tiếng Việt của Vietlex do Hoàng Phê thu nhận và ghi chú là “cũ”. Nhưng “cũ” là từ bao giở? Cách đây trên 360 năm, Từ điển Việt Bồ Lacủa A. de Rhodes (Roma, 1651) cũng đã và chỉ ghi nhận có “mồ côi” mà thôi!
“Độc Cô Cầu Bại” là tên một nhân vật không xuất hiện trực diện trong ba bộ tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung là Thần điêu hiệp lữTiếu ngạo giang hồ và Lộc đỉnh ký. Có tác giả giảng về cái tên của nhân vật này rằng Độc Cô Cầu Bại có nghĩa là “cô độc một mình mong được bại trận”, nói lên sự tự kiêu về khả năng kiếm thuật vô song của y. Dĩ nhiên nếu kết hợp với chơi chữ thì hiểu như thế cũng không sai nhưng trong xã hôi của Tàu và theo thư tịch của Tàu thì “Độc Cô” trước nhất là một cái họ kép (song tiết). Họ này ở bên Tàu cũng có những nhân vật nổi tiếng như: Độc Cô Tín, đời Tây Nguỵ;  Độc Cô Già La, con gái thứ bảy của Độc Cô Tín, vợ (hoàng hậu) của Tuỳ Văn Đế, mẹ của Tuỳ Dạng Đế; Độc Cô Úc, hàn lâm học sĩ đời Đường; Độc Cô Cập, nhà thơ đời Đường; v.v.. Độc Cô Cầu Bại chỉ là một người; một đội bóng thì chỉ kể số có mặt trên sân đã là 11 người. Vậy có nên lấy tên của một cá nhân để chỉ một tập thể hay không thì chúng tôi hơi phân vân. Vả lại, Độc Cô Cầu Bại là tên của một cá nhân tự xưng một cách tự cao; vậy ta có nên lấy cái tên tự xưng của một cá nhân tự cao mà phong cho một đội bóng – có khi không hề tự cao – hay không cũng là một chuyện mà chúng tôi còn phân vân. Huống chi “độc cô cầu bại” biết đâu cũng có ngày … Khen quá thì có sợ là … sẽ “té hen” hay không? Lừng lẫy như Barcelona mà còn được Bayern Munich dạy cho đá banh trong trận bán kết thứ nhất Champions League 2013 đó. Và “người đặc biệt” Jose Mourinho – “độc cô cầu bại” đó! – chẳng phải sắp xách va-li đi khỏi Real Madrid đó sao?

No comments:

Post a Comment