Tuesday, 13 August 2013

Vụ ngoại tình chấn động thời Lê sơ



Vụ ngoại tình chấn động thời Lê sơ

"Đinh Tỵ (1437) tháng 8, Hàn lâm viện đãi chế Vũ Văn Phỉ thông dâm với mẹ vợ là Nguyễn Thị, chuyện bị phát giác"...Việc gian díu trai gái, “mèo mả gà đồng” đời nào cũng có. Nhưng chúng ta cũng nên biết rằng, ở chế độ phong kiến, nơi mà nam giới bị quy định trong giáo lý “tam cương, ngũ thường”, nữ giới bị bó buộc bởi “tam tòng, tứ đức”, thì việc có những sự vụ ngoại tình, thông dâm chắc chắn là việc động trời mà  pháp luật không thể bỏ qua. Hãy xem luật nhà Lê sơ xử những tội ấy như thế nào?

Vụ án đầu tiên về quan hệ trai gái bất chính được chính sử ghi nhận thời Lê sơ là vào năm Ất Mão (1435) đời vua Lê Thái Tông: “Người đàn bà ở xã Thương Xá, lộ Quốc Oai  (nay thuộc Hà Nội – người dẫn chú) là Nguyễn Thị Ngọc đã có 8 con với chồng. Chồng bị bệnh hủi, Nguyễn Thị Ngọc không cứu chữa nuôi nấng, mà còn lấy trộm tài sản của chồng, tư thông với khố giám là Nguyễn Chiếm để mưu lấy chồng khác” (Trích Đại Việt sử ký toàn thư).
Xử đánh trượng thời trung đại. 
Với trường hợp này, Nguyễn Thị Ngọc sau đó đã “bị xử giảo”, tức là xử thắt cổ cho chết. Xem trong Hồng Đức thiện chính thư (Những chính sách tốt thời Hồng Đức), thì tội của Thị Ngọc ứng với tội “Thông dâm với chồng người”, trong đó “… Người đàn bà bị phạt đánh 50 roi, điền sản trả lại cho người chồng”. Tuy nhiên, Thị Ngọc không chỉ phạm tội ngoại tình, mà còn hắt hủi người chồng bị bạo bệnh, lấy cắp tài sản của chồng, nên ứng với tội “Đàn bà ngoại tình”, tội này bị “xử giảo, phạt 80 roi, điền sản trả lại cho người chồng, theo luật thi hành không thể tha thứ”. Kết quả, Nguyễn Thị Ngọc phải đối mặt với dải lụa đào mà hồn lạc muôn kiếp.

Hai năm sau, chính sử tiếp tục ghi nhận một trường hợp nặng hơn khi con rể thông dâm với mẹ vợ: “Đinh Tỵ (1437) tháng 8, Hàn lâm viện đãi chế Vũ Văn Phỉ thông dâm với mẹ vợ là Nguyễn Thị, chuyện bị phát giác” (Theo Đại Việt sử ký toàn thư). Với tội này, áp dụng chương Thông gian (ngoại tình có đi lại với nhau) trong Quốc triều hình luật, tội của viên quan Vũ Văn Phỉ ứng với Điều 1: “Gian dâm với vợ người khác thì xử tội lưu hay tội chết” và Điều 5: “Thông gian với vợ người thì bị xử phạt 60 trượng, biếm hai tư, bắt nộp tiền nhiều ít theo bậc cao thấp của người đàn bà, nếu sang hèn cách xa thì lại xử khác”, lại ứng với “Lệnh cấm đàn bà phản bội chồng, đàn ông gian dâm với vợ người khác” trong Thiên Nam dư hạ tập: “Gian dâm với vợ người thì xử lưu hoặc tử hình”. Nhưng cụ thể và rõ ràng nhất thì tội của Phỉ được áp vào Điều 11 của Hồng Đức thiện chính thư: “Con rể thông dâm với mẹ vợ là việc đồi bại làm tổn hại đến luân thường đạo lý, theo luật phải xử chém”.

Tổng hợp lại những quy định ấy, tội của Vũ Văn Phỉ sau đó được tuyên là “phải xử tội chém”. Tuy nhiên, chính sử cho hay, Vũ Văn Phỉ “xin được chuộc tội, cuối cùng bị đày ra châu xa”.
Xử giảo thời trung đại. 
Đến năm Mậu Thìn (1448), khi vua Lê tổ chức thi Hội, rồi thi Đình chọn học vị Tam khôi, danh hiệu Trạng nguyên đã thuộc về Nguyễn Nghiêu Tư “Người làng Phù Lương, huyện Võ Giàng” (Theo Đại Việt Lịch triều đăng khoa lục, tức huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh ngày nay). Điều đáng nói là Nghiêu Tư từng thông dâm với mẹ vợ. Việc ấy dân quê ông đều biết. Nhưng khi ông giành học vị cao nhất của khoa cử, thì thiên hạ ai ai cũng hay. Thế mới có chuyện nhiều người đã nhân đó mà báng bổ tân trạng nguyên họ Nguyễn. Có người ghi vào chuồng lợn là “Phường trạng nguyên”, có người hát ở đường cái rằng: “Trạng nguyên trư, Nguyễn Nghiêu Tư” để chế giễu. Tuy nhiên, trường hợp của vị Trạng Lợn Nghiêu Tư lại không thấy chính sử đề cập đến việc ông bị phạt chuộc tội hay bị xử tội chém mà được tha. Nhưng thiết nghĩ, tòa án lương tâm và miệng lưỡi thế gian còn ghê gớm gấp trăm nghìn lần cái án chém mà luật nước có thể xử ông.

Năm Đinh Hợi (1467) thời vua Lê Thánh Tông ngồi ngai vàng, chẳng biết có phải là năm của con giáp đầy “phồn thực” hay chăng mà lại một sự vụ nữa diễn ra. Theo như tờ tâu của Hàn lâm viện trực học sĩ quyền Công khoa cấp sự trung Lương Thế Vinh lên vua Lê Thánh Tông để hặc tội đối với Trấn điện tướng quân Bùi Huấn cho hay: “Luân thường lớn của con người có năm điều trong đó. Nay Huấn đương lúc còn tang vợ mà đi lấy con gái của người về hàng bạn hữu, hơn nữa trước đây đã lấy con gái của người ấy làm vợ cả rồi. Tệ bạc trong ân ái vợ chồng, khinh miệt đạo cương thường đến thế. Việc này quan hệ tới phong hóa, làm rối loạn nhân luân, xin giao cho pháp ty trị tội”. Xét thấy lời tâu của Lương Thế Vinh đúng sự thật, vua Thánh Tông ra lệnh y theo luật mà xử viên quan võ Bùi Huấn. Tiếc rằng chính sử không cho hay hình thức xử lý cụ thể như thế nào.

Một năm sau, vào tháng 11 năm Mậu Tý (1468), có tên nội thần Phan Tông Trinh là kẻ hầu cận trong cung, nhưng lại cùng với bọn đồng cấp là Nguyễn Thư, Chu Đức Đại, Dương Minh Phong, Ngô Át quen thói ăn hối lộ, tội đáng phải xử tử. Tuy nhiên, trừ Phan Tông Trinh, còn lại bọn Nguyễn Thư đều được vua Thánh Tông lệnh cho tha vì “còn mong một ngày kia chúng sửa lỗi, để phòng có khi sai khiến đến” (Trích Khâm định Việt sử thông giám cương mục).

Sở dĩ tên quan hoạn giả như Phan Tông Trinh vẫn bị y án tội chết, bởi theo như Việt sử cương mục tiết yếu có viết: “Trinh là con nuôi của viên hoạn quan Hiền. Hiền chết, Trinh cướp lấy vợ Hiền. Năm trước Trinh lại thông dâm với cung nữ, chết là đáng rồi!”. Trong Đại Việt sử ký toàn thư, thì Trinh dù là con nuôi của nội quan Hiền, nhưng khi “Hiền chết, xác còn hôi hổi đã thông dâm với vợ Hiền, cướp lấy làm vợ lẽ của mình; năm trước nó lại thông dâm với cung nữ là Nguyễn Mai”. Chính từ việc trái với nhân luân, thêm tội tư túi nên “cả hai tội đều nặng, giết là đáng rồi”.

Khi tra trong Hồng Đức thiện chính thư, xét tội của Phan Tông Trinh thì thấy ứng với Điều 9: “Con nuôi và con thừa tự thông dâm với mẹ nuôi, hoặc người làm thuê thông dâm với gia chủ thì xử tội chém”. Bởi Tông Trinh là con nuôi hoạn quan Hiền, suy ra hắn ắt là con nuôi của vợ Hiền. Việc con nuôi thông dâm với mẹ nuôi rõ ràng trái luân thường nên mới ứng tội như vậy. Lại trong Thiên Nam dư hạ tập, có Lệnh cấm đàn bà phản bội chồng, đàn ông gian dâm với vợ người khác, đã quy định: “Phản bội chồng trốn cha mẹ mà cải giá thì cha mẹ bị phạt đánh 80 trượng, người đàn bà đó bị sung làm Thung thất phụ”.

Tội ấy cũng ứng với Điều 34 trong Quốc triều hình luật có nội dung tương tự: “Có tang ông bà, cha mẹ và chồng, mà cố ý giấu không cử tang thì phải tội đồ làm khao đinh, đàn bà đồ làm tang thất phụ”.

Trong khi ấy, Tông Trinh tiếng là con, vợ nội quan Hiền tiếng là vợ, hai kẻ ấy khi cha – chồng chết mà không đoái hoài, lại thông dâm với nhau, tội càng nặng thêm. Đồng thời, Tông Trinh lại lấy mẹ nuôi làm vợ lẽ của mình, tội thêm tội, thế nên hắn mới “mua vui phút chốc” mà đã để lại hậu họa ngàn thu, đầu lìa khỏi cổ nơi pháp trường định tội, âu cũng là cái kết cho kẻ làm trái nhân luân.

Trên đây là những vụ án điểm về ngoại tình, thông dâm được chính sử ghi nhận lại. Còn trong nhân gian chắc hẳn cũng có không ít vụ việc tương tự. Cũng qua đây chúng ta thấy pháp luật nhà Lê sơ rất nghiêm ngặt và cứng rắn với loại tội này, hòng mong cho xã hội xây dựng trên nền tảng Nho giáo được bền vững, giữ được đạo lý làm người mà đấng nam nhi hay phận bồ liễu đều phải nhất nhật tuân theo.
Theo Pháp luật & Xã hội

No comments:

Post a Comment