Thursday, 29 August 2013

Đến ATK nhớ lời dạy của Bác về nghề báo (Nguyễn Thế Lượng - Tin Tức)


Đến ATK nhớ lời dạy của Bác về nghề báo

Cách đây một năm, tôi cùng một anh bạn là giáo viên trường THPT Định Hóa, nhà báo, nhà thơ, hội viên Hội Văn học nghệ thuật Thái Nguyên lên thăm khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt ATK. Đặt chân lên quê hương cách mạng, Thủ đô gió ngàn, trong lòng chúng tôi dâng lên cảm xúc tự hào về truyền thống đánh giặc giữ nước của cha anh. Cũng cùng thời gian ấy, anh bạn nhà báo của tôi có viết lời cho một bộ phim tư liệu lịch sử dài tập do Đài PT-TH tỉnh Thái Nguyên thực hiện: “Bác Hồ với ATK Thái Nguyên”. Do vậy, chúng tôi đã dành khá nhiều thời gian trong chuyến đi đến thăm khu di tích đặc biệt ở bản Roòng Khoa xã Điềm Mặc huyện Định Hóa (Thái Nguyên). Nơi đây chính là “đại bản doanh”, là cái nôi ra đời nền báo chí cách mạng nước nhà.

Cảnh sắc xóm Roòng Khoa.

Bản Roòng Khoa nằm giữa không gian thoáng đãng với rừng cọ, đồi chè và tiếng suối chảy róc rách dưới chân núi. Tại đây, có nhà lưu niệm với bia lưu niệm nơi thành lập Hội Nhà báo Việt Nam trong những năm kháng chiến chống Thực dân Pháp. Những dòng chữ đầu tiên của những tờ báo cách mạng đã ra đời trên mảnh đất hữu tình này. Những người già trong bản, những người đã từng là chứng nhân của những ngày đầu kháng chiến kể lại cho chúng tôi nghe về việc Bác Hồ đã từng mở lớp dạy nghề báo ngay tại khu ATK này, lớp báo chí đầu tiên được tổ chức tại Trường Huỳnh Thúc Kháng, khi ấy đóng ở xã Quy Kỳ - Định Hóa. Vậy là, trong những tháng ngày ác liệt của cuộc kháng chiến trường kì, nhiệm vụ tuyên truyền trên báo chí được Đảng và Bác luôn đặt lên tầm quan trọng hàng đầu. Chính tay Người trong chiến dịch Thu - Đông lịch sử đã viết thư gửi các học viên của lớp báo chí đầu tiên này ở ATK. Bác đã khuyên các nhà báo một cách ân cần và thân mật, có thể coi đó là kim chỉ nam cho nền báo chí cách mạng Việt Nam.
Thấp thoáng mái nhà sàn truyền thống ở bản Roòng Khoa, Định Hóa.

Lần theo những dòng chữ trong khu lưu niệm, đọc từng câu, từng từ ấm áp, chúng tôi thấu hiểu và nhận ra trong đó những lời chỉ bảo ân cần của Bác về nghề báo. Người vừa dặn dò nhưng cũng vừa đặt ra nhiệm vụ cho những người làm báo về phẩm chất nghề nghiệp và cần phải làm gì trước mỗi bài báo. Theo Người, muốn viết báo khá, người làm báo cần phải làm bốn việc cơ bản và cần thiết.

Thứ nhất, “Gần gũi quần chúng, cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực”.

Điều đó hoàn toàn đúng và cần thiết đối với một nhà báo. Bởi lẽ, sự gần gũi quần chúng, quá trình xâm nhập thực tế trước mỗi bài viết sẽ giúp cho người viết có cái nhìn thấu đáo về vấn đề, những tư liệu thu thập được sẽ thật sự mới, thật sự sống động và mang tính thời sự.

Thứ hai, “Ít nhất cũng phải biết một thứ tiếng nước ngoài, để xem báo nước ngoài và học kinh nghiệm của người ta”.

Việc biết ngoại ngữ ở giai đoạn nào cũng hết sức cần thiết. Điều quan trọng là người làm báo cần có ngoại ngữ để đọc và học báo chí nước ngoài. Ngay từ những ngày kháng chiến ở ATK, Bác đã coi trọng vấn đề này. Bởi khi chúng ta học được trình độ tiên tiến ở nước bạn thì chúng ta mới có thể phát triển và đổi mới.

Thứ ba, “Khi viết xong một bài, tự mình phải xem lại ba bốn lần, sửa chữa lại cẩn thận. Tốt hơn nữa là đưa nhờ một vài người ít văn hóa xem và hỏi họ những câu nào, chữ nào họ không hiểu thì sửa lại cho họ hiểu”.
Chia tay bản Roòng Khoa trong khung cảnh thanh bình của một buổi chiều hè thấm đẫm không gian Việt Bắc ngày nào, có nắng hè, có rừng phách, có tiếng mõ nơi rừng chiều, có tiếng nước chảy róc rách dưới con suối Đình, trong chúng tôi như còn vang đâu đây những lời dạy nồng ấm của Bác trong nghề báo.

Trong cả cuộc đời văn nghiệp và hoạt động cách mạng vô cùng sôi nổi của mình, Bác luôn coi trọng việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt vì vậy, khi dặn dò các nhà báo, Bác không quên nhắc nhở họ sự cần thiết của việc kiểm tra câu từ, lỗi chính tả, cách đặt câu xem đã đúng và hợp lý chưa. Điều này hoàn toàn cần thiết ở mọi giai đoạn. Có như vậy, bài báo mới tránh được sự khuôn sáo, lỗi kỹ thuật và bút lực của người cầm bút. Đặc biệt, khi dùng từ, Bác đặc biệt chú ý tới đối tượng tiếp nhận. Nếu dùng từ khó hiểu quá thì một người dân bình thường khó lòng nắm bắt được vấn đề. Như thế, tính đại chúng của tờ báo sẽ bị mất đi. Bác thường nêu gương làm trước để mọi người làm theo. Khi dùng từ, Bác đặc biệt quan tâm đến việc dùng từ ngữ giản dị, dễ hiểu. Nhiều chuyến đi thăm hỏi đồng bào, các em thiếu niên nhi đồng, Bác dùng từ rất giản dị dễ hiểu như Bác dùng từ "mở trường" chứ không dùng từ "khai trường", dùng từ "năm học" thay cho từ "niên học". Trong quá trình hoạt động, Người đặc biệt phê bình các cách viết và lối nói xa lạ. Trong nhiều bài viết, bài nói với cán bộ tuyên truyền, báo chí của ta, Bác thường chỉ ra những khuyết điểm lớn trong việc dùng quá nhiều từ nước ngoài làm cho người dân của ta không hiểu hay khó hiểu. Người thường dẫn ra nhiều từ như tại sao không nói là "tay bắn giỏi" thay cho "xạ thủ, "đường to" thay cho "đại lộ", "xe lửa" thay cho "hoả xa"...

Thứ tư, “Luôn luôn gắng học hỏi, luôn luôn cầu tiến bộ…”.

Đó là công việc thường xuyên của người cầm bút để ngày càng nâng cao bút lực, tính chiến đấu và chất lượng qua mỗi trang viết.
Nơi đỉnh đèo De lộng gió.

Ngoài bốn nội dung trên trong bức thư Bác gửi cho các học viên lớp báo chí đầu tiên ở ATK, ngay từ khu ATK xa xôi hàng ngàn cây số, ngày 25/5/1947, Bác Hồ đã tận tình gửi thư cho trí thức, nhà báo ở Nam Bộ để động viên tinh thần yêu nước, chống ngoại bang. Người viết: "Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính, trừ tà; mà anh em văn hóa trí thức phải làm cũng như là những chiến sĩ anh dũng trong công cuộc kháng chiến để tranh lại quyền thống nhất và độc lập cho Tổ quốc…”.

Những lời dạy của Bác về nghề báo thật sâu sắc và thấm thía. Sâu sắc bởi ở bất kỳ giai đoạn nào thì người cầm bút cũng cần phải có những phẩm chất ấy. Lời dạy của Người đến hôm nay không hề cũ mà vẫn trở thành hành trang quan trọng trong nghiệp của người làm báo.

Tuy là cộng tác viên, không chuyên về nghề báo nhưng khi đến ATK trong niềm tự hào về lãnh tụ và truyền thống cha anh, tôi không khỏi suy ngẫm về những lời dạy của Người về phẩm chất cũng như những công việc thường ngày của người cầm bút. Tôi luôn có ý thức dành những khoảng thời gian ngoài công việc chính để đi thực tế, thu thập tư liệu để viết bài. Không được đào tạo nghề báo nhưng bản thân tôi khi cộng tác với tòa soạn tôi không quên học hỏi những nhà báo chuyên nghiệp về cách viết, cách nhận diện vấn đề và sử dụng dung lượng câu chữ và hình ảnh trong mỗi trang viết.

Bài và ảnh: Nguyễn Thế Lượng

No comments:

Post a Comment